sông và một thôi đường. Bà ôm lấy chú mà khóc, mà kể lể thôi là kể lể. Mẹ và cô Sửu khóc thút thít. Chú đứng trước bàn thờ mình, chẳng nói gì, cơ má trái giật giật. Mặt chú trông chẳng giống mặt người trong ảnh, phía hay giật giật đen một mảng và đầy sẹo nhỏ.
Tình huống ấy đã khiến cho chàng trai lãng mạn ngày nào trở thành một người đàn ông lặng thầm, cô độc sống trong ngôi nhà nhỏ giữa vườn chanh u buồn và triền đồi với một miền cỏ léc hoang hoải, xanh biếc đến nhức nhối; tiếng sáo quyễn rũ, ngọt ngào năm xưa nay trở nên réo rắt, huyền hoặc, chứa đầy những nỗi niềm da diết, còn người mẹ già trước cảnh huống tái tê của con trai thì mắt “đục mờ như có phủ sương khói”. Trong suốt thiên truyện, người đàn ông ấy không được miêu tả một lời nói, chỉ gây ấn tượng với người đọc bởi dáng vẻ “trầm ngâm, mắt vời vợi mông lung”, “cơ má giật giật”, khiến người đọc không khỏi suy tư, ám ảnh về số phận những người lính với tất cả những trái ngang, lỡ dở mà chiến tranh mang lại.
Cuộc đời nhân vật Thao trong Miền cỏ hoang cũng có nét tương đồng với Lực trong Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Lực - người lính sau chiến tranh, trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội, trở về quê hương để tìm lại người thân, gia đình, để nối lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc, đầm ấm khi xưa, nhưng rốt cuộc lại trở thành người thừa, vị khách lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên, những người thân tưởng anh đã chết. Một thời gian sau, Thai
– vợ anh, đã đi bước nữa với Quảng, sinh những đứa con, họ đón cả cha anh về chăm sóc, phụng dưỡng, anh đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng được tưởng nhớ trên bàn thờ, và một nấm mộ ngoài đồng. Tình thế trớ trêu đó đã khiến Lực phải sống trong một tâm trạng giằng xé giữa sự cao thượng, đức hi sinh và khát vọng yêu thương, nỗi đớn đau, sự lẻ loi, cô độc. Lý trí cho Lực biết anh là “người khách lạ” giữa cuộc đời đã an bài của cha và vợ anh, nhưng tình cảm và bổn phận buộc anh vẫn phải trở lại để đối mặt với bi kịch đó, không thể chạy trốn khỏi số phận, chạy trốn khỏi cuộc đời mình. Người lính ấy đau xót nhận thấy chiến tranh “như một
nhát dao phạt ngang” khiến cho cuộc đời trở nên dang dở, éo le, không có đáp án
nào là hoàn hảo; chiến tranh là nơi đã hun đúc nên những phẩm chất tốt đẹp, cao cả của con người, nhưng cũng lấy đi nhiều điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời con người, để rồi khi đã đi qua, những bi kịch mà nó để lại vẫn nhức nhối trong từng mái nhà, từng cảnh ngộ, từng tâm can.
Thao và Lực, Miền cỏ hoang và Cỏ lau – hai nhân vật, hai tác phẩm ấy như hô ứng với nhau để cùng phác thảo nên bức chân dung tinh thần của người lính trở về sau chiến tranh với những bi kịch mà hoàn cảnh, mà số phận mang lại, qua đó thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn mà các nhà văn đã thể hiện thông qua những trang viết thấm đẫm tính hiện thực và sự quan tâm, trân trọng, nâng niu con người bằng cái nhìn thấu thị.
Cũng là người lính trở về sau chiến tranh, nhưng bi kịch của ông Nguyễn Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp lại mang một màu sắc khác. Ông vốn là một vị tướng - “niềm vinh dự, tự hào” của cả gia đình và sự ngưỡng mộ của cả họ, cả làng. Thế nhưng khi rời chiến trường về nghỉ hưu, ông luôn luôn lạ lẫm, ngơ ngác với những gì diễn ra trong nhà mình, họ mình, làng mình và cuộc sống xung quanh – từ cách các con đối xử với người vợ đã bị lẫn của mình, đến việc cô con dâu mang các mẩu thai nhi từ bệnh viện sản bỏ trong phích đá về để nuôi chó béc – giê kinh doanh, rồi đám cưới, đám ma… Tất cả đều nằm ngoài sự trải nghiệm cũng như tưởng tượng của ông, khiến cho vị tướng ấy không còn chút uy nghi oai phong, mà triền miên buồn bã và cô độc. Tâm trạng ông trong đám cưới con ông Bổng rất điển hình cho tình thế của ông khi về hưu:
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 11
- Nhân Vật Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 13
- Khắc Họa Chân Dung – Ngoại Hình, Hành Động Nhân Vật
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 16
- Ngôn Ngữ Gần Gũi Với Ngôn Ngữ Đời Sống Thông Tục
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
Ông luống cuống, khổ sở. Bài văn chuẩn bị công phu hóa thừa. Kèn clarinét đệm rất bậy bạ sau dấu chấm câu. Pháo ầm ĩ. Trẻ con bình luận nhảm nhí. Cha tôi nhảy cóc từng đoạn. Ông cầm tờ giấy mà run bắn người. Một sự ô hợp láo nháo thản nhiên rất đời, thô thiển, thậm chí còn ô trọc nữa làm ông kinh hãi, đau đớn.
Về với gia đình, quê hương để nghỉ hưu, lẽ ra phải được an vui, thanh thản, nhưng ông lại rơi vào một nỗi sầu muộn, ưu phiền mênh mang. Ông trở thành một
con người quá bé nhỏ và hèn yếu, xa lạ với gia đình, họ mạc. Sự thất bại, nỗi cô đơn trong cuộc sống đời thường ấy khiến ông đã phải trở lại và chết giữa chiến trường – nơi ông đã sống, đã được thử thách để trở thành một vị tướng hiển hách lẫy lừng. Đây là chính là một đại diện tiêu biểu cho kiểu nhân vật cô đơn, không tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống và thất bại trong hành trình “đi kiếm lẽ yêu đời”.
Trong truyện ngắn giai đoạn trước, nỗi cô đơn dường như ít khi được khai thác, con người thường được biểu hiện trong sự gắn bó chặt chẽ với tập thể, với đơn vị, với cộng đồng. Mọi lý tưởng, khát khao, mọi cung bậc tình cảm, thậm chí cả nỗi đau của con người cá nhân đều có tính chất đại diện cho cộng đồng, hoặc hòa vào nỗi đau chung của cộng đồng, như nỗi đau làng bị rơi vào tay giặc trong Làng của Kim Lân, nỗi đau trước cảnh gia đình và làng xóm bị tàn sát một cách dã man trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành… Vì vậy, “cái tôi” luôn hóa giải được tâm trạng cụ thể của mình trong những tình cảm, tâm trạng phổ biến của “cái ta”, luôn tìm được tiếng nói chung, sức mạnh chung từ sự cố kết với cộng đồng. Ngay cả khi nỗi cô đơn, trống vắng của con người được biểu hiện, thì cũng là từ cái nhìn của “cái ta”, như trong trường hợp Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Tâm lý “thèm người”, nỗi cô đơn của anh thanh niên ở trạm khí tượng không phải là một bi kịch của con người cá nhân, mà được khai thác từ vẻ đẹp của sự hi sinh, của một lựa chọn đẹp trong lối sống, trong hoài bão, lý tưởng của con người tìm thấy niềm vui, niềm tin vào công việc, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình khi âm thầm lặng lẽ cống hiến cho quê hương đất nước. Truyện ngắn đương đại lại thường quan tâm đến nỗi cô đơn của con người cá nhân khi những vấn đề lớn của dân tộc, của thời đại đã được giải quyết nhưng giữa đời thường, đời tư, con người lại phải đối mặt với những “bi kịch nhỏ”. Giữa sự sôi động, ồn ào của cuộc sống thường nhật, giữa vòng xoáy của các mối quan hệ phức tạp, loại hình nhân vật bi kịch thường cảm thấy chơ vơ, lạc lòng, tuyệt vọng trong cuộc kiếm tìm sự bình yên, an nhiên của tâm hồn, kiếm tìm bản sắc và vị trí của cá nhân. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa những cung bậc khác nhau, những sắc màu khác
nhau của nỗi cô đơn, khắc khoải đang lan tỏa, đang gặm nhấm tháng ngày của những thân phận, những kiếp người lặng lẽ, u hoài, miên man nỗi buồn và dằng dặc những niềm thương. Khung trời bỏ lại – tuyển tập truyện ngắn của các tác giả nữ hải ngoại, là một liên khúc về thân phận. Mỗi truyện là một tình thế cụ thể, một tâm trạng cụ thể: sự lạc lòng của những thói quen cũ, nếp sống cũ, nếp nghĩ cũ của một bà mẹ Việt trong ngôi nhà Mỹ của con mình; nỗi bất lực trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc ở một thế giới mới để thay thế những lựa chọn tuyệt đối của quá khứ; những bước chân của kẻ luôn đi bên lề trong chính cuộc đời mình; cuộc đối thoại với quá khứ và tương lai của một người phụ nữ đốt cháy tuổi thanh xuân trong chờ đợi và hy vọng; những chuyến trở về và ra đi, những hình ảnh không thể phai mờ về quê hương, tuổi trẻ, tình yêu; cái chết trong quên lãng của kẻ di dân thầm lặng; cuộc kỳ ngộ với những người chung dòng máu Việt... Và cả tập truyện được xây dựng trên một bối cảnh chung, đó là cuộc thiên di, đời sống tha hương của những người Việt ở hải ngoại sau chiến tranh trong một thế giới chông chênh và rợn ngợp, ở đó, nỗi cô đơn và cuộc kiếm tìm sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn là mẫu số chung của các nhân vật. Trong tập truyện mới nhất của Nguyễn Thị Thu Huệ: Thành phố đi vắng, xuất hiện kiểu nhân vật cô đơn, hoang mang trong hành trình “Đi tìm thời gian đã mất” khi đối diện với một không gian quen thuộc đấy, xưa cũ đấy nhưng không còn linh hồn xưa, không còn những mùi vị, âm thanh, cảm giác thân thương của quá khứ. Thành phố đi vắng hay là sự thiếu vắng của niềm tin vào những giá trị, khiến con người nhức buốt trong cảm giác xáo trộn, bất an và hụt hẫng.
Khi cô đơn, con người có thể bình tĩnh nhìn ngắm còi lòng mình và xuy xét về những điều được – mất, những gì đã qua và những gì đang tới. Và khi văn học chú trọng diễn tả nỗi cô đơn cùng những bi kịch trong đời sống hàng ngày của con người, đó là khi văn học quan tâm nhiều hơn đến con người cá nhân trong sự vận động đa dạng, phức tạp của hiện thực, là khi tác giả có thể đồng cảm, sống cùng với những trạng huống tâm lý trong những khoảnh khắc cực đoan nhất của cá nhân. Việc xuất hiện kiểu nhân vật bi kịch với những biểu hiện cụ thể, sinh động của nó
đã cho thấy sự vận động của truyện ngắn đương đại theo khuynh hướng đời tư, thế sự, trong sự gắn bó mật thiết với con người và cuộc đời, ở chiều sâu của nó.
3.1.2.3. Nhân vật tha hóa
Đối lập với nhân vật tự chủ, kiểu nhân vật tha hóa là những con người lệ thuộc vào hoàn cảnh, không đủ bản lĩnh để bảo toàn tính cách và những phẩm chất vốn có trước sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Hiện thực cuộc sống thời hậu chiến và đổi mới với nhiều lựa chọn, nhiều nhu cầu và mục đích, nhiều thử thách và cám dỗ, nhiều mối quan hệ phức tạp đặt con người trước những cơ hội và cả những trở ngại, thách thức mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Sự xói mòn, biến dạng, suy thoái của nhân cách là một vấn đề nhức nhối mà nhiều nhà văn đương đại, bằng sự tỉnh táo và nhạy cảm của mình, đã phản ánh và cảnh báo khi xây dựng loại hình nhân vật tha hóa trong không ít truyện ngắn.
Sự tha hóa đến với con người có khi do sự thiếu hiểu biết, sự lạc hậu, ấu trĩ trong tư duy khi phải trải qua một biến cố đau đớn, khiến con người đánh mất niềm tin, tình yêu thương với người khác và trở nên ích kỷ, hẹp hòi với mọi người và biến sự ích kỷ đó thành thù hận, thành những bi kịch giáng lên đầu kẻ khác. Người cha trong Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Ông Lư trong Mùa hoa cải bên sông, Chánh Hợi và Mặc trong Đứa con của hai dòng họ của Nguyễn Quang Thiều, người cha trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là những nhân vật như vậy. Sự lạnh lùng, tàn độc không phải là bản chất của họ, mà hình thành do những định kiến truyền đời hoặc những đau khổ họ phải chịu đựng từ người khác. Đến lượt mình, họ giáng sự hằn học lên đầu người khác, thậm chí lên chính những đứa con của mình bằng những quy định oái oăm, những lời nguyền nghiệt ngã, họ ngăn trở yêu thương và hạnh phúc chính đáng của chúng, để rồi họ phải trả giá, phải đau xót chứng kiến những hậu quả do sự lạc hậu, dốt nát và hẹp hòi của mình gây nên. Phương trong Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, từ sự hồn nhiên, vô tâm, đã dẫn đến ích kỷ và nhẫn tâm khi coi mọi sự hi sinh cao đẹp của Hạnh là một điều tất nhiên, hồn nhiên hưởng thụ tất cả cuộc sống mới do Hạnh sắp đặt để rồi trở thành
kẻ gieo nỗi khổ đau đến điên cuồng vào lòng Hạnh. Cái ác, trong trường hợp này, dường như bắt nguồn từ chính sự hời hợt, vô cảm và chà đạp lên cái thiện, cái đẹp, cái cao cả.
Cơ chế thị trường là một thời cơ nhưng đồng thời cũng là một môi trường đầy thách thức đối với con người. Với nền kinh tế thị trường, đồng tiền lên ngôi và trở thành vật ngang giá quan trọng nhất của các loại hàng hóa, song với nhiều người, đồng tiền không chỉ có chức năng ấy, nó còn là thước đo đối với nhiều giá trị khác vốn không thể đong đếm được bằng vật chất như tình yêu, sự trung thành, lòng chung thủy, tự trọng cá nhân… Mải mê chạy theo đồng tiền, đem bán những giá trị tinh thần để đổi lấy đồng tiền, con người dần đánh mất bản thân, bị đồng tiền, vật chất làm cho tha hóa. Ở một loạt truyện ngắn của Lê Minh Khuê: gia đình lão Thiến trong Anh lính Tony – D, anh em lão Khang – An trong Đồng đô la vĩ đại, anh em Quanh – Lanh trong Sân gôn, vợ chồng lão Tó trong Ký sự những mảnh đời trong ngò, lão Tê trong Những kẻ chờ sung... trước ma lực của đồng tiền đã trở thành những kẻ tàn bạo, chà đạp lên luân thường đạo lý, bán mình cho quỷ dữ. Trong mắt những nhân vật này, đồng tiền thật sự là một giá trị vĩ đại, mạnh hơn và làm sụp đổ luân thường đạo lý, tình phụ tử, huynh đệ, vợ chồng - những tình cảm máu mủ vốn thiêng liêng, cao quý nhất đối với một con người. Khán trong Đồng tiền trong tay mỗi người đã được cuộc đời dạy cho những bài học tái tê và chua chát về sức mạnh của đồng tiền. Là một trí thức giỏi giang, chân chính nhưng Khán đã “phải cố bằng tiền” mới có được một công việc phù hợp. Anh luôn có ý thức trở thành một công chức lương thiện với tri thức, nhân phẩm và lương tâm nghề nghiệp của mình, song “những điều học được trên ghế nhà trường tốt đẹp quá, cao quý quá” mà thực tế cuộc sống lại quá khó khăn và nghiệt ngã. Món tiền nợ để lo việc cứ ngày ngày xiết vào cổ, trong khi đồng lương thì eo hẹp, và “Trong khi Khán đang cố gắng làm một công chức tốt, đang cố gắng phụng sự cho mọi người thì rất nhiều trong số những người đang được phụng sự ấy lại tìm cách tha hóa Khán”, để rồi chỉ một lần tặc lưỡi nhận chiếc phong bì trong cơn cùng quẫn, Khán đã phải trả giá bằng một cuộc “đấu giá để mua lại tư cách của chính mình”. Đồng tiền đã làm cho những người được
cho là khôn ngoan, giỏi giang như Đăng, như người đàn ông hối lộ Khán hiện lên lọc lòi, méo mó, đáng sợ, và biến một người có tư cách như Khán trở nên đáng trách một cách bất đắc dĩ, và bé nhỏ, tội nghiệp, hèn yếu. Cách thức mà mỗi nhân vật ứng xử với đồng tiền, bằng đồng tiền đã khiến cả câu chuyện được bao phủ bởi một không khí u ám, ảm đạm, khiến người đọc không khỏi cảm thấy buồn tê tái trước cuộc đời.
Trong văn học kháng chiến, hình tượng người lính hiện lên như một tượng đài nghệ thuật đẹp đẽ với những phẩm chất cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được xây dựng bởi khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Sau năm 1975, với một cái nhìn hiện thực hơn, gần gũi hơn về con người, với cả niềm tin và cả những âu lo về con người trong tất cả sự phức tạp và biện chứng của nó, trong một số truyện ngắn, các tác giả đã cảnh báo về tình trạng mai một đạo đức, xuống cấp về tư cách ở một bộ phận những người lính sau chiến tranh trước những thử thách và cám dỗ của cuộc sống. Đó là Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu – một sĩ quan của quân đội giải phóng, với bàn tay dửng dưng vô cảm đưa lên ngửi mồ hôi mẹ mình trong cuộc gặp gỡ sau hơn hai mươi năm xa cách, nhưng khi đối diện với cấp trên thì “ôm”, “thít”, “quắp chặt” để bày tỏ sự hồ hởi, vồ vập. Toàn sẵn sàng chà đạp lên đạo lý, tình mẫu tử, tình đồng đội để đạt được mục đích ích kỷ và vụ lợi của mình. Toàn là nhân vật thể hiện rất rò những âu lo của nhà văn về chủ nghĩa cá nhân, về sự thoái hóa đạo đức của con người trong cuộc chuyển mình của xã hội từ thời chiến sang thời bình. Đó còn là những nhân vật trong Sống chậm của Lê Minh Khuê – những người lính đã từng là hình tượng tỏa ra ánh hào quang lý tưởng, ánh sáng lãng mạn của một thời đại huy hoàng, những con người bất khuất, kiên cường mà bom đạn và sự tra tấn nghiệt ngã của nhà tù Phú Quốc không làm cho nao núng, gục ngã, nhưng giờ đây, trước sức cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền, đã phải vào trại cải tạo vì tham nhũng, khai khống, làm chứng từ giả, thản nhiên bỏ túi hàng chục tỉ đồng không phải của mình… Sự biến chất, tha hóa ấy của họ đang trở thành nỗi ám ảnh, nỗi hổ thẹn khôn nguôi cho thế hệ sau, tạo ra tâm trạng vỡ mộng, hoang mang và ngao ngán cho
những người kể chuyện đang “sống chậm” để suy ngẫm trước lẽ biến đổi của cuộc đời.
Khi đất nước và xã hội chuyển sang thời bình cũng là lúc con người cá nhân được phát triển toàn diện cá tính và những nhu cầu của mình, trong đó có những nhu cầu mang tính bản năng, nhục dục. Song nếu thiếu một định hướng đúng đắn, một lý trí sáng suốt, một tâm hồn cao đẹp, con người dễ quên đi những chuẩn mực đạo đức tối thiểu, chạy theo những ham muốn mang tính bản năng ấy, họ sẽ trở thành những kẻ hoang dã và tội lỗi. Lão Kiền trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp nói năng ứng xử với các con theo cung cách tục tĩu, bậy bạ, bằng vai phải lứa, nghe tiếng con dâu dội nước thì “bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm” và không hề xấu hổ mà trơ trẽn về sự thô lỗ của mình. Lão, đáng lẽ, phải là “vua”, là người có quyền hành cao nhất, đáng kính nhất trong nhà mình, nhưng chính lão đã tạo ra một lối sống xô bồ, hỗn loạn, “không có vua” – không có rường cột đạo lý nào, dưới mái nhà ấy. Giọng kể dửng dưng, lạnh lùng của tác phẩm khiến người đọc không khỏi xót xa về sự rạn nứt và tan vỡ của những giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại. Ở một tác phẩm khác, My trong Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ là một cô gái mới lớn, ý thức về vẻ đẹp thân thể khỏe mạnh, đầy sức sống của mình và sự chán chường về hoàn cảnh sống vất vả, lam lũ với công việc đồng áng ở nông thôn cộng với nỗi khát khao đổi đời và những ham muốn bản năng về tình dục đã khiến cô phạm phải một sai lầm ghê gớm, đó là cướp chồng của người chị gái “đã hết thời, vừa già vừa xấu hơn cô rất nhiều”, lại đang bệnh tật. Chạy theo những ham muốn đó, người anh rể vẫn chưa đủ để thỏa mãn, cô lại ngoại tình với một người đàn ông khác. Và rồi đến cuối tác phẩm, sau cuộc vượt cạn đớn đau, My bị bỏ rơi một mình với lá thư của người anh rể kiêm chồng hờ thông báo đứa bé cô sinh ra không có bàn tay và thiếu một mắt. “Con bé không có bàn tay và thiếu một mắt” là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Con người sinh ra có đôi mắt để nhìn thấy ánh sáng, để định hướng từng bước đi trong cuộc đời, và đôi bàn tay để níu giữ, để nâng niu và vươn tới những giá trị tốt đẹp. Đứa con của My dị dạng không chỉ vì mẹ nó “bị ốm hay cảm cúm” lúc mang thai như bác sĩ phỏng đoán, mà