Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 16


mình về một thế giới bình yên, đẹp đẽ, thuần khiết, đối lập với hiện thực nhiều đau buồn và tội lỗi trong Bầy mòng két trở lại, Mai vàng nở sớm, Hai người đàn bà xóm Trại, Đi chợ vừng của Nguyễn Quang Thiều, Người đi tìm giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Huệ, Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp... Khi lôgic của lý trí tỉnh táo không đủ để giải tỏa tâm tư, giấc mơ chính là một phương thức hữu hiệu để các tác giả giúp cho nhân vật phơi bày thế giới bí ẩn, phức tạp bên trong của mình.

Đối thoại trực tiếp, đối thoại tưởng tượng, độc thoại nội tâm, những ám ảnh tiềm thức và các thủ pháp trong nghệ thuật trần thuật đã giúp cho các nhà văn thể hiện tối đa năng lực phân tích tâm lý nhân vật của mình, từ đó người đọc có thể tiếp cận và am hiểu nhân vật trong chiều sâu của tính cách, trong cả những phần sâu kín tưởng như khuất lấp, khó giải mã nhất của tâm hồn.


3.3.3. Sáng tạo chi tiết nghệ thuật


Mỗi tác phẩm truyện ngắn nói riêng, văn xuôi nói chung đều chứa đựng rất nhiều chi tiết như là những hình ảnh muôn mặt về con người và đời sống, những vật liệu, đơn vị hợp thành cốt truyện, tuy nhiên, đạt đến độ cô đúc, có dung lượng lớn – tức là có giá trị biểu đạt nhiều hơn và cao hơn bản thân nó, trở thành những tiêu điểm của tác phẩm, thì phải là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc – điều mà không phải tác phẩm nào cũng có, tác giả nào cũng kiến tạo được. Những chi tiết đặc sắc thường độc đáo, có tính khái quát cao, góp phần tạo nên ấn tượng, dư âm mạnh mẽ về nhân vật, hội tụ cảm xúc và tư tưởng của tác giả một cách sâu sắc. Đồng thời, đến lượt mình, nhiều chi tiết lại trở thành những biểu tượng nghệ thuật đắt giá, có sức sống lâu bền và tạo được dư âm cho tác phẩm. Tầm vóc tư tưởng, tài năng, sự nhạy bén và tinh tế của nhà văn trong truyện ngắn đôi khi được khẳng định từ những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé như vậy. Trong văn học đương đại Việt Nam, khả năng chiếm lĩnh và nhận thức thực tại của truyện ngắn ngày càng cao, vượt lên trên quan niệm thông thường về tính chất nhỏ hẹp trong dung lượng của thể loại. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận định: “Cầm cái truyện ngắn trong tay có thể cảm thấy cái dung lượng của nó nặng trĩu. Có những truyện ngắn, chỉ mươi trang thôi,


mà sức nặng có vẻ còn hơn cả một cuốn tiểu thuyết trường thiên”, “Truyện ngắn đạt được dung lượng nặng như vậy chính là vì nó được cả một giai đoạn văn học của phóng sự và tiểu thuyết (…) tích lũy và chuẩn bị cho nó. Nó có ngồn ngộn những tư liệu xã hội để mà làm công việc chưng cất, chắt lọc” [86, tr.174]. Quả là các tác giả truyện ngắn hiện nay đang thực hiện rất thành công công việc “chưng cất, chắt lọc” những tư liệu đời sống, để phản ánh hiện thực ở dạng tinh túy, ở tầm khái quát và chiều sâu của nó. Một phương diện thể hiện thành quả này của các nhà văn trong truyện ngắn đương đại, đó là thông qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

Không kể lể, không thuyết minh dài dòng mà thông qua chi tiết, nhiều nhân vật đã hiện lên một cách sinh động, hấp dẫn. Đồng đô la cô Trang gửi về trong Đồng đô la vĩ đại của Lê Minh Khuê là chi tiết khởi đầu cho những mâu thuẫn, những tỉ thí quyết liệt của anh em con nhà lão Trương. “Từ tháng này trở đi, cô sẽ gửi tiền về để các anh chị nuôi thằng Trọng. […]. Một trăm đôla! Vấn đề quan trọng nó là đôla. Và giá trị của nó mới to tát làm sao”. Cái giá trị to tát ấy khiến đồng đô la có sức mạnh vô song, nó đứng trên tất cả các giá trị khác, nó hủy diệt những giá trị cao cả thiêng liêng khác và tạo nên một xung đột lớn, một “trận chiến” của các nhân vật trong truyện. Đó không chỉ là câu chuyện trong một gia đình bị biến động, bị tan vỡ vì đồng đôla cụ thể, mà là câu chuyện về sự lên ngôi và sức mạnh của đồng tiền trong xã hội hiện đại, là lời cảnh báo của tác giả về nguy cơ phá vỡ các giá trị truyền thống và nền tảng đạo đức xã hội bởi vật chất. Chi tiết “đồng đôla vĩ đại” ấy khiến người đọc xót xa, phẫn uất, cũng là để người đọc tự nhắc nhở, tự răn đe, tự nâng cao bản lĩnh của mình trước đồng tiền đầy quyền năng và cám dỗ. Trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, chi tiết những mẩu thai nhi mà Thủy bỏ vào phích đá mang từ viện sản về để nuôi chó béc-giê kinh doanh, mà một lần vô tình ông Thuấn nhìn thấy, là một hiện thực ghê rợn và nghiệt ngã nói lên sự dửng dưng, lạnh lùng của cô con dâu, tạo nên cú sốc đau đớn cho tâm hồn ông Thuấn. Có thể coi chi tiết này như một miếng vỡ trong tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống mà nhân vật đã vô tình lượm được, để rồi từ đó nó tạo ra những thay đổi trong tâm lý nhân vật và đi đến những sự kiện, hành động tiếp sau đó. Chi tiết này có lẽ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.


đã vượt ngưỡng tiếp nhận của nhiều người đọc ở thời điểm tác phẩm ra đời, và đã gặp phải nhiều “búa rìu” từ phía công chúng và giới phê bình, điều đó chứng tỏ những ấn tượng mạnh mẽ, sức ám ảnh của nó trên phương diện khái quát hiện thực.

Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 16

Theo quan niệm truyền thống, truyện ngắn thường được phân biệt với tiểu thuyết ở chỗ: nếu tiểu thuyết tái hiện một cuộc đời thì truyện ngắn thể hiện một lát cắt của đời sống, nếu tiểu thuyết diễn tả một quá trình thì truyện ngắn nhấn mạnh một khoảnh khắc. Khoảnh khắc quan trọng trong truyện ngắn có thể khởi đầu từ những sự kiện trọng đại, những biến cố lớn lao, nhưng cũng có thể từ một chi tiết nhỏ nhặt. Với ý nghĩa như vậy, sáng tạo ra một chi tiết, ở nhiều truyện, cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một tình huống đặc biệt để thử thách nhân vật, từ đó bộc lộ thiên hướng tư tưởng của tác phẩm. Trong Sang sông, Nguyễn Huy Thiệp có một chi tiết nghệ thuật như vậy, đó là chiếc bình quý của hai tên buôn đồ cổ. Từ lúc chiếc bình lộ ra khỏi bọc vải trên tay tên mặc áo carô, nó trở thành trung tâm câu chuyện của các nhân vật trên chuyến đò, và rồi cũng chính nó tạo nên kịch tính của truyện khi “Chú bé đút tay vào miệng bình”, sau đó “Chú bé không sao rút tay ra được miệng bình”. Đó là một thử thách hết sức trớ trêu và khốc liệt khiến tất cả mọi thứ mặt nạ bị gỡ bỏ, các nhân vật trên chuyến đò bộc lộ rò bộ mặt thật của mình: sự lố bịch của nhà thơ; sự hèn nhát của ông giáo; sự phóng khoáng và cao thượng của chàng trai vừa trước đó không lâu có những hành động thô bỉ; lòng nghĩa hiệp, nhân đức của tên cướp; và sự bàng quan, bất lực của nhà sư trước cuộc đời khiến ông “nghĩ lại”, quay về bến cũ. Có thể nói, với chi tiết này, tác giả đã tạo ra một thứ giấy quỳ để thử tâm tính, nhân cách các nhân vật. Chiếc bình đã biến một chuyến đò thành một xã hội thu nhỏ. Nó như một thứ thấu kính để người đọc nhìn sâu vào bản chất của con người, vượt qua mọi thứ lẽ phải thông thường, mọi định kiến xã hội, mọi xác tín trong nhận thức.

Đối với những chi tiết nghệ thuật mở ra một tình huống đặc biệt của đời sống, trong suốt tiến trình phát triển của cốt truyện, dù tác giả có nhắc lại hay không, người đọc vẫn luôn luôn nghĩ đến, nhớ đến nó khi dòi theo các sự kiện, hành

động và tâm lý nhân vật. Con Mực trong Con chó và vụ ly hôn của Dạ Ngân kể với


người đọc về tình yêu của Đoan với loài vật, với thiên nhiên, khát vọng của chị về những niềm yêu thích, những đam mê riêng tư của cá nhân, và nhu cầu được tôn trọng, được thấu hiểu. Chính vì những khát vọng đó không được đồng cảm, Mực chính là kẻ vô tình gây ra những xung đột từ ngấm ngầm đến công khai giữa Đoan và Nhiêu, gây ra bi kịch và nỗi cô đơn khôn nguôi của nhân vật chính. Nghĩ ngợi quẩn quanh của Lê Minh Khuê làm người đọc bị ám ảnh bởi chi tiết “cái gáy xăm đỏ sẫm từ mang tai hình con bạch tuộc bò nguềnh ngoàng ra khắp vùng gáy không chừa một mi li mét nào” của tên sát nhân. Việc nhìn thấy một lần nữa cái gáy ấy trên chuyến bay từ miền Tây về miền Nam nước Mĩ đã khiến Hộ rơi vào biết bao băn khoăn, dằn vặt, đau khổ về những trớ trêu của cuộc đời, và cũng khiến người đọc rơi vào tình trạng “nghĩ ngợi quẩn quanh” về xã hội, về lẽ phải như nhân vật. Con mắt của mẹ Phong bị hỏng trong lần đánh ghen của mẹ Hiếu là khởi đầu cho tất cả những hận thù và những hành động trả thù dai dẳng giữa hai anh em cùng cha khác mẹ, gắn liền với chiều dài của cuộc chiến tranh trong Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê. Cũng trong một truyện ngắn của nữ nhà văn này, Đồ cũ, chiếc xe đạp cũ mà ông Phong yêu quý, nâng niu, dù qua bao sự kiện, bao biến cố xảy ra vẫn là minh chứng bền bỉ cho sự yên bình, niềm tin và bến đỗ của tâm hồn ông. Phải quan sát, chiêm nghiệm hiện thực ở phạm vi rộng lớn, ở chiều dài lịch sử và ở chiều sâu nhận thức, các tác giả mới có thể sáng tạo được những chi tiết, cũng là những tình huống tiêu biểu và đắt giá như vậy.

Bên cạnh những chi tiết mở ra một tình huống, tạo nên những khởi điểm, thắt nút cho mâu thuẫn, xung đột, ta cũng thấy nhiều chi tiết có ý nghĩa như là lời giải thích, sự “mở nút” kết thúc những mâu thuẫn khiến nhân vật giải tỏa được ức chế hay nghi ngờ để xích lại gần nhau, là chiếc chìa khóa cho bí mật của câu chuyện. Với ý nghĩa như vậy, những chi tiết này thường tạo ra một kết thúc bất ngờ so với tưởng tượng ban đầu, tạo nên tâm lý “thở phào nhẹ nhòm” hay “ngã ngửa người ra” đối với bạn đọc. Lá thư tuyệt mệnh mà Thùy Châu gửi lại cho người mẹ tội nghiệp của mình trong Vũ điệu địa ngục của Vò Thị Hảo là một chi tiết như vậy. Lời vĩnh biệt trong lá thư cũng là dấu chấm hết cho tác phẩm, nhưng nó mở ra mênh mang


thương xót cho người đọc. Nó kết thúc những dị nghị, dè bỉu của nhân vật “tôi” và của hàng xóm láng giềng về trinh tiết của Thùy Châu, nó giải thích vì sao cô ngày một xanh xao, gầy yếu và u buồn, chán nản, nó cũng chứng minh rằng người con gái ấy đã dùng máu, dùng cái chết để cứu lấy nhân cách, phẩm giá của mình.

Cũng có những chi tiết mang tính chất đại diện cho nhân vật, là một ấn tượng tổng thể, là sự gợi nhắc về nhân vật qua những thăng trầm của cuộc sống. Bức ảnh xe tăng 301 trong Ba lẻ một hay cây táo trong Hà Nội lúc không giờ của Bảo Ninh là những hình ảnh đong đầy kỷ niệm về nhân vật mà nhờ đó, nhân vật sống mãi trong ký ức các nhân vật khác, và trong lòng bạn đọc

Chi tiết nghệ thuật là một hình ảnh, một đơn vị nhỏ với tư cách là vật liệu để xây dựng nên câu chuyện. Nhưng đến lượt mình, vai trò và tác dụng trong tác phẩm khiến cho nó có thể vượt lên trên một hình ảnh, biểu thị một ý nghĩa rộng lớn, sâu sắc hơn bản thân mình. Trong nhiều tác phẩm, những chi tiết có giá trị đã trở thành những biểu tượng nghệ thuật độc đáo, không chỉ là một hình ảnh về đời sống nữa mà là một tín hiệu đa nghĩa, có giá trị biểu cảm cao và đạt đến tính khái quát về hiện thực, đồng thời chứa đựng một quan điểm, tư tưởng sâu xa của tác giả. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần – “muối của rừng” mà ông Diểu gặp trên đường về, chi tiết bất ngờ xuất hiện để kết thúc truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp chính là biểu tượng cho sự khoan dung, lòng bác ái, nhân hậu và hòa hợp với thiên nhiên như là bản chất sâu kín của con người. Chính vì thế, nó là “điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”, nó là cội rễ cho sự an vui, tươi đẹp của cuộc đời. Trong Mãi không tới núi của Nguyễn Việt Hà, hình ảnh núi được lặp đi lặp lại nhiều lần, ban đầu tưởng chừng chỉ như chi tiết về bối cảnh câu chuyện đi tránh phố xá ồn ào và cuộc mưu sinh mệt mỏi của nhân vật Vọng: “Núi ở đây ngút ngàn hết tầm mắt hùng vĩ đến nao lòng. Cái cảm giác kì lạ đứng trước những núi như thế này may ra hiếm hoi có khi đứng trước biển thật rộng”, như thực ra trong sâu xa, núi là biểu tượng cho sự cao khiết, thanh sạch, giác ngộ trong tâm hồn. Chính vì vậy, dù ở trong Tu viện giữa nơi rừng núi sâu thẳm nhưng cuối

truyện, Vọng vẫn “mãi không tới núi”, bởi tâm anh không tĩnh, vây bọc quanh anh


vẫn là những ký ức chồng chéo về ham muốn, lạc thú, tham vọng, và thậm chí chuyến đi tìm núi của anh hoá ra lại là một cuộc sắp đặt đầy toan tính và giả tạo. Núi triền miên và hùng vĩ trước mặt, nhưng tâm can Vọng không thể chạm được tới sự khoáng đạt, cao cả của núi. Đọc truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, ta có thể bắt gặp rất nhiều chi tiết đạt đến cấp độ biểu tượng. Trong Bức tranh, hình ảnh khuôn mặt với “một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng” là biểu tượng của sự phức tạp và bí ẩn trong thế giới tâm hồn và tính cách con người, là nơi gửi gắm một quan niệm nghệ thuật mới mẻ và đầy đủ hơn về con người: con người không phải là một ý niệm đơn nhất hoặc trắng hoặc đen, hoặc tốt hoặc xấu, trong con người có cả “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”, cả ánh sáng chói lòa và những vùng khuất lấp trong bóng tối khó có thể hiểu và cắt nghĩa được. Chuyến tàu tốc hành trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành mà trí tưởng tượng hoang đường của nhân vật “tôi” hình dung ở cuối tác phẩm – một con tàu chạy lơ lửng trong không trung không bám vào con đường sắt, con tàu đi tìm cái tuyệt mĩ – là biểu tượng cho khát vọng bất thành của Quỳ trong việc kiếm tìm một vị thánh nhân ngay giữa cuộc đời, kiếm tìm cái đẹp, cái thiện tuyệt đối. Chi tiết đó cũng là biểu tượng cho một cái nhìn sâu sắc và bao dung về con người của nhà văn, để người đọc cảm nhận được rằng: cái tận thiện, tận mĩ mãi mãi chỉ là ước vọng, mãi mãi ở phía trước, phía trên con người, để con người hướng tới, vươn tới, mãi mãi không bao giờ nằm gọn trong lòng bàn tay con người. Và chính vì nó cứ ở phía trước, mãi ở phía trước, nên mỗi chúng ta luôn có một động lực để phấn đấu, để hi sinh, luôn muốn đáp những chuyến tàu tốc hành băng lên phía trước. Trong Bến quê, cái bãi bồi sông Hồng ở ngay gần nhà, mà Nhĩ sau biết bao hành trình đi khắp đó đây trên thế giới, đến những phút giây cuối đời lại ước ao cháy bỏng được đặt chân đến, là biểu tượng cho những vẻ đẹp mộc mạc giản dị và gần gũi, như chính sự sống quanh mỗi người, như quê hương, xứ sở, như bầu không khí mà ta đang hít thở, nhưng đôi khi vì mải mê chạy theo những gì cao


siêu, xa xôi, ta hằng quên lãng. Cái đẹp và giá trị đích thực của cuộc sống không ở đâu xa, mà ở bên ta, gần gũi đến độ chẳng ai nghĩ đến chuyện vươn tới, nhưng nếu không ý thức được ta sẽ mãi mãi đánh mất nó trong sự vô tình. Ở Cỏ lau, nếu cỏ lau mọc phủ kín dấu vết những nấm mồ chiến sĩ là biểu tượng cho sự lãng quên, vùi lấp quá khứ, thì bức ảnh vợ chồng Lực lúc còn trẻ lại biểu tượng cho sự hiện hữu đầy ám ảnh của quá khứ với tình yêu, những khát khao đẹp đẽ và niềm tin bền bỉ, mãnh liệt Thai dành cho Lực. Nguyễn Minh Châu đã gửi vào trong mỗi chi tiết nghệ thuật một quan niệm, một triết lí sâu sắc và thấu đáo về con người và cuộc sống, những chi tiết ấy không chỉ có giá trị phản ánh mà là nơi đúc rút bao trăn trở, suy tư của ông, khiến chúng mang sức nặng lớn lao của một biểu tượng nghệ thuật, dù ông không cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm. Những truyện ngắn chứa đựng những chi tiết đạt đến cấp độ biểu tượng như vậy, quả thật, đã khiến cho ranh giới giữa thể loại này và tiểu thuyết trở nên hết sức mờ nhạt và mong manh.

Chưng cất những tinh hoa, những nét bản chất, cốt yếu nhất của đời sống hòa cùng tư tưởng và cảm xúc để tạo nên những chi tiết nghệ thuật có giá trị, đó là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà văn tạo nên sức sống cho nhân vật, lưu lại những ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm trong tâm trí người đọc về nhân vật, và về tác phẩm nói chung.


Tiểu kết chương 3:


Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 là một thế giới đa dạng, phong phú, phức tạp. Có thể phân chia các nhân vật thành những kiểu loại nhất định tùy thuộc vào hệ quy chiếu của người nghiên cứu, song sự phân chia đó là hết sức tương đối. Các kiểu nhân vật tư tưởng và nhân vật tính cách – số phận (tự chủ, bi kịch và tha hóa) là kết quả của sự phân chia dựa vào vị trí, vai trò của nhân vật trong hoàn cảnh. Mỗi kiểu nhân vật có đặc điểm tính cách, số phận riêng, có vị trí khác nhau trong tác phẩm nhưng đều cho thấy sự vận động trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Sự vận động đó cũng chi phối các phương thức xây


dựng nhân vật gắn với tính thế sự, đời tư, theo xu hướng diễn tả nhân vật ngày càng có tính hiện thực, biện chứng, gần gũi hơn với con người của đời sống xã hội đương đại.

Xem tất cả 201 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí