trực tiếp và mạnh mẽ. Trong nhiều trường hợp, những phát ngôn của loại nhân vật này có thể nói lên chủ đề, tư tưởng chính của tác giả trong tác phẩm, nói cách khác, đó chính là những nhân vật tư tưởng của tác phẩm. Truyện của Nguyễn Minh Châu thường mang tính luận đề rất sâu sắc, và tính chất luận đề thường được thể hiện qua những nhân vật mà nhờ những quan sát và trải nghiệm thực tế, đưa ra rất nhiều những triết lý, chiêm nghiệm về hiện thực như ông họa sĩ trong Bức tranh, người thương binh trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Lực trong Cỏ lau, Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, người kể chuyện xưng tôi trong Đứa ăn cắp…
Cũng là nhân vật tư tưởng, nhưng trong nhiều truyện khác, ta sẽ thấy hiện diện một kiểu nhân vật tuy không bình luận, triết lý, không thể hiện quan điểm cá nhân “đao to búa lớn” về những sự kiện và tình huống diễn ra trong truyện, nhưng hành động, cảm xúc hoặc cách thức mà họ ứng xử với thực tại chứa đựng tư tưởng của tác phẩm một cách kín đáo nhưng sâu sắc. Việc đi vào núi của nhân vật Vọng trong Mãi không tới núi của Nguyễn Việt Hà là một hành động mang tính ẩn dụ: “Vọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một con đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai”, một bên là Thiền viện và một bên là Tu viện. Đó là một con người, ở khúc quanh của cuộc đời, muốn tạm lánh đi cái ồn ào, xô bồ của còi tục, tìm cách thoát khỏi những ám ảnh về tội lỗi, ham muốn trần thế, tìm điểm tựa trong đức tin tôn giáo ở nơi thiên nhiên khoáng đạt và hùng vĩ. Nhưng rồi, sau những ngày ròng ở Tu viện mà không thoát khỏi những cơn mê, những ám ảnh tham sân si trong tiềm thức, và cả sự giả tạo của trần gian, Vọng nhận ra mình vào núi mà không đến núi, ở trong núi mà vẫn không thấy núi, “Giữa hoàng hôn chiều bảng lảng của rừng, tuyệt không thấy núi”, bởi chân bước đi tìm núi nhưng tâm không chạm được đến cái cao vợi, thanh sạch và kì vĩ của núi. Vọng là nhân vật tương đối phức tạp, và tất cả những hành động, ứng xử của nhân vật đều mang màu sắc triết lý, cho thấy tư tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa hiện thực, khát vọng, đức tin và bản tính của con người. Những nhân vật tuy không phát biểu quan điểm, không trực tiếp đưa ra bình luận của mình, nhưng bản
thân ứng xử của họ đã mang tính tư tưởng, thể hiện tư tưởng chính của tác phẩm, còn có thể thấy trong Người sót lại của rừng cười của Vò Thị Hảo (nhân vật Thành), Đàn sẻ ri bay ngang rừng của Vò Thị Xuân Hà (nhân vật tôi), Nước mắt đàn ông của Nguyễn Thị Thu Huệ (nhân vật người cậu), Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh (nhân vật người cô), Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp (nhân vật nhà sư), Một chiều giông gió của Ma Văn Kháng (nhân vật Tua)…
Với những cách thức hiện diện khác nhau, các nhân vật tư tưởng đã thể hiện
- trực tiếp hoặc mang tính ẩn dụ, tượng trưng, thông điệp nghệ thuật mà tác giả gửi gắm, để người đọc dễ dàng thẩm thấu được dụng ý, tư tưởng của nhà văn. Tuy nhiên, ở một số tác phẩm, sự tập trung quá đậm đặc và trực tiếp tư tưởng nghệ thuật vào trong phát ngôn sẽ khiến cho nhân vật trở nên có phần cứng nhắc, nặng nề, thiếu đi sự tự nhiên, sinh động và hấp dẫn. Vì thế, một nhân vật tư tưởng thành công đòi hỏi nhà văn phải vừa mang tầm cao tư tưởng, vừa am hiểu một cách sâu sắc và tinh tế đời sống tâm hồn con người để kết hợp hai phương diện đó trong một thực thể uyển chuyển, thuyết phục và giàu sức sống.
3.1.2. Nhân vật tính cách – số phận
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 10
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 11
- Nhân Vật Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 14
- Khắc Họa Chân Dung – Ngoại Hình, Hành Động Nhân Vật
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 16
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
3.1.2.1. Nhân vật tự chủ
Đây là những nhân vật luôn ý thức được vị trí của mình trong đời sống, thấy được ý nghĩa của cuộc sống, hòa nhập tích cực với môi trường xã hội xung quanh và bảo toàn được sự nhất quán trong tính cách của mình trước sự vận động, biến thiên của hoàn cảnh. Bà Hiền trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải dù trong bất cứ thời điểm, tình huống, bối cảnh nào vẫn luôn giữ nếp tư duy, ứng xử và sinh hoạt của mình một cách nhã nhặn, thanh lịch, đài các và hết sức khôn ngoan, khiến người kể chuyện gọi bà là một “hạt bụi vàng Hà Nội”. Sinh trong Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp, sau rất nhiều sự kiện, biến cố chua chát trong gia đình chồng, đến cuối tác phẩm vẫn bày tỏ cảm xúc của mình là “Khổ lắm. Nhục lắm. Nhưng thương lắm!”: dù khổ nhục và cô đơn thế nào, cô vẫn không đánh mất đi vẻ đẹp
ngời sáng của tình thương, sự khoan dung, nhân hậu trong tâm hồn mình – như ánh
sáng duy nhất, ngọn gió trong lành và mát rượi trong ngôi nhà tăm tối và ngột ngạt về đạo đức, về tình người ấy. Nhân vật người phụ nữ của Nguyễn Minh Châu thường mang một vẻ đẹp của sự dịu dàng, nhẫn nại, lòng thủy chung, đức hi sinh như một bản năng phái tính bền bỉ, không thể nào tàn phai qua năm tháng và hoàn cảnh sống. Bản năng nữ giới đẹp đẽ đó đã khiến cho Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Thai trong Cỏ lau, các nhân vật nữ trong Chiếc thuyền ngoài xa, Mẹ con chị Hằng, người mẹ trong Mùa trái cóc ở miền Nam dù trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, của tổn thương mất mát, sự bủa vây của nghèo đói cơ cực, bạo hành, hay sự bội phản của lòng người, vẫn không mất đi tình thương bẩm sinh, sự “chăm lo bảo vệ lấy sự sống của con người do chính chúng tôi sinh ra” (như Quỳ phát biểu) và niềm tin vào ý nghĩa của sự hi sinh đó. Thiên tính nữ ấy dường như đã hóa giải tất cả những khắc nghiệt của hoàn cảnh, hóa giải cả những điều mà lẽ phải thông thường của lý trí lạnh lùng và cứng nhắc không thể nào cắt nghĩa được. Những nhân vật ấy cũng cho thấy một cách nhìn sâu sắc của Nguyễn Minh Châu về con người, về cuộc sống.
Nhân vật tự chủ là những con người biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống, biết biến hoàn cảnh sống đầy phức tạp trở thành mảnh đất dụng vò cho sự phát triển tính cách của mình. Trên một số phương diện và ở những mức độ nhất định, họ là chủ thể của lịch sử. Trong Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, hai nhân vật tôi và Quý Anh đã sinh ra và lớn lên trong một xác tín đau đớn về khoảng cách giữa các giai cấp, trong mối hận thù truyền kiếp ăn sâu vào dòng tộc, gia đình, làng xóm, quê hương. Từ khi còn là những đứa trẻ, đầu óc ngây thơ của họ đã bị nhồi nhét những hiểu biết hết sức ấu trĩ về giai cấp; mối thù dòng họ, giai cấp truyền từ đời nọ sang đời kia đã kìm hãm những suy nghĩ trong sáng, những nhận định khách quan của “tôi”, khiến tâm hồn và trí óc “tôi” trở nên trĩu nặng suy tư, “thấm đẫm những hồi ức kinh hoàng không bao giờ còn hong khô được nữa”. Nếu người cha là hiện thân của quá khứ hận thù, của những mặc cảm giai cấp ngăn cách, chia rẽ loài người thì “tôi” là đại diện cho một thế hệ mới biết vượt qua định mệnh, biết làm chủ cuộc đời mình và sống bằng những tình cảm nồng ấm tự nhiên, những
khát vọng, niềm tin đẹp đẽ gắn kết con người với nhau trong yêu thương và độ lượng. Trong cuộc đối thoại với cha mình sau mười năm vượt thoát khỏi làng quê đầy thù hận, “tôi” khẳng định: “Con học được nhiều thứ. Nhưng thứ quý nhất mà cuộc đời cho con là phải biết tự định đoạt lấy mình”. Và rồi bất chấp mối hận thù truyền kiếp, hai trái tim tươi trẻ, đầy nhiệt huyết đã đến với nhau, tự nhiên, nồng thắm, say mê: “Tôi và Quý Anh, hai kẻ trong trắng như nhau, tội lỗi như nhau đã bước qua lời nguyền, đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần”. Bước qua lời nguyền là câu chuyện về một thế hệ biết vượt qua những ám ảnh, những trở ngại tiên định của cộng đồng, của quá khứ nghiệt ngã, làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh để tự mình đối mặt với thách thức, kiếm tìm hạnh phúc, tự quyết định số phận của cá nhân mình. Tiếng nói của “tôi” trong tác phẩm cũng là lời đối thoại của tác giả đối với những thiên kiến chính trị nặng nề và ấu trĩ một thời đè nặng lên xã hội Việt Nam. Với Hai người đàn bà xóm Trại của Nguyễn Quang Thiều, quãng thời gian nhiều chục năm và nỗi cô đơn mòn mỏi không làm cho hai người phụ nữ mai một đi tấm lòng chung thủy son sắt và tình người của họ. Tuổi đã già, tóc đã bạc, từ hai người phụ nữ trẻ giờ đã trở thành hai bà lão già yếu, lẩm cẩm, họ vẫn một lòng một dạ ở bên nhau, đùm bọc nương tựa vào nhau và chờ đợi, hàng năm lại gói ba chục cái bánh chưng với hy vọng “ai đó sẽ về” dù một người chồng đã hy sinh, dù chiến tranh đã qua đi và lời hẹn ước năm xưa cứ vời vợi theo năm tháng. Đó là những “nàng Tô Thị” thời hiện đại cho thấy sức sống và vẻ đẹp bền bỉ cũng như khát khao chân chính của người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh.
Với những nhân vật tự chủ, sự va đập của tính cách với hoàn cảnh khó khăn, trớ trêu, nghiệt ngã chính là một phép thử để qua đó, phẩm chất, tâm hồn họ được bộc lộ, thử thách nhưng không vì thế mà mất đi. Thùy Châu trong Vũ điệu địa ngục của Vò Thị Hảo, người cậu trong Nước mắt đàn ông của Nguyễn Thị Thu Huệ, người chị dâu trong Sau những mùa trăng của Đỗ Bích Thúy, Thuận trong Cơn mưa hoa mận trắng của Phạm Duy Nghĩa hay đôi vợ chồng trẻ trong Xe Camry ba chấm của Lê Minh Khuê là những nhân vật như vậy. Số phận đã khắc nghiệt đặt
những con người với thế giới tinh thần phong phú, nhiều rung động, khát khao ấy vào một hoàn cảnh sống u buồn, nhiều thử thách, có những lúc dường như họ đã buông xuôi, để mặc cho cuộc đời đưa đẩy, nhưng rồi căn tính và tâm hồn trong sáng, những tình cảm và nhân cách đẹp đẽ đã níu giữ họ, khiến họ không bị tuột dốc và bảo toàn được ý thức về giá trị của bản thân. Ngay cả cái chết, trong trường hợp Thùy Châu, cũng là một cách, dù đau đớn, thương tâm, để thể hiện bản lĩnh và nhân cách của nhân vật.
Nhân vật tự chủ thường là nơi để các tác giả thể hiện lý tưởng thẩm mỹ cũng như niềm tin của mình vào sự vững bền của những phẩm chất, tình cảm tốt đẹp nơi con người. Kiểu nhân vật này gần gũi với các nhân vật chính diện trong văn học giai đoạn trước ở sự bảo toàn những phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh trước thử thách. Nhưng trong truyện ngắn thời kháng chiến, mọi thử thách dù khốc liệt đến mấy dường như cũng không gây một ảnh hưởng lớn nào đến tính cách nhân vật, cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn khiến cho nhân vật giống như những “phiến” tính cách vững bền mà dù đặt vào hoàn cảnh nào cũng không bị suy chuyển, không đổi thay. Chẳng hạn, ba người chiến sĩ ở buổi đầu của truyện ngắn kháng chiến trong Một lần tới thủ đô của Trần Đăng, dù đang bước đi giữa một đô thị phồn hoa đầy âm thanh và sắc màu nhưng “Mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe”, không một chút lay động hay quan tâm đến phố phường xung quanh, vì trong tâm trí chỉ có hình ảnh duy nhất là lá cờ đỏ sao vàng. Hay trong một truyện ngắn ở vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, nhân vật Nguyệt hiện lên giữa sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh như một “sợi chỉ xanh óng ánh” mà “bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi”. Vẻ đẹp cả về hình thức, trang phục lẫn tâm hồn của người con gái ấy dường như không mảy may ảnh hưởng, hề hấn gì dù cô đang sống giữa không gian hiểm nguy nhất, giữa những tháng ngày oanh liệt nhất của chiến tranh. Còn sự bảo toàn phẩm chất của loại hình nhân vật tự chủ trong truyện ngắn đương đại diễn ra trong cái nhìn hiện thực hơn, sự vận động và phát triển tính cách gắn liền với hoàn cảnh. Các nhân vật này thường bị chi phối rất
nhiều bởi hoàn cảnh, thậm chí phải gánh chịu những bi kịch lớn của hoàn cảnh, hoặc đã có lúc tính cách bị xô lệch, biến dạng, song kết quả cuối cùng là họ không trở nên tha hóa, vẫn trở lại được với bản tính của mình. Như cách diễn đạt của Nguyễn Minh Châu, thời kháng chiến, các nhân vật chính diện thường được xây dựng như những “siêu nhân”, còn nhân vật tự chủ trong văn học đương đại là những con người bằng xương bằng thịt vận động theo quy luật của hiện thực. Làm chủ cuộc đời mình, vượt lên sự thử thách của hoàn cảnh, nhưng đó là những con người có quá trình vận động của tính cách và đời sống nội tâm không hề giản đơn. Mỗi trải nghiệm trong hiện thực của họ là một quá trình tự ý thức, tự tranh đấu với bản thân gắn liền với những sắc thái tâm lý, tình cảm phức tạp và hết sức tinh tế. Kiểu nhân vật này, vì thế, có khả năng định hướng thẩm mỹ song vẫn nhận được sự đồng cảm cao từ người đọc.
3.1.2.2. Nhân vật bi kịch
Không như kiểu nhân vật tư tưởng đánh giá các sự kiện, nhân vật khác và đưa ra những suy ngẫm, triết lý của mình về cuộc đời; cũng không phải là những con người làm chủ cuộc sống, tự quyết định số phận mình như kiểu nhân vật tự chủ, loại nhân vật này luôn rơi vào tình huống là “con người thừa”. Họ không tìm thấy vị trí của mình trong gia đình, xã hội, không tìm được người tri âm tri kỷ, những hy vọng, mong ước của họ không trở thành hiện thực và họ luôn ở trong tình trạng cô đơn, lạc lòng giữa cuộc đời. Tình yêu ơi, ở đâu? là một câu hỏi ám ảnh không có lời giải thỏa đáng đối với nhân vật Quyên trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Vốn là một cô gái mơ mộng, Quyên mong chờ một tình yêu lý tưởng, một người đàn ông lý tưởng có thể mang đến cho cô hạnh phúc, nhưng sau nhiều lần tưởng như chạm được tới tình yêu mà rồi lại bất thành, cô lại trở nên trắng tay và cảm thấy tình yêu luôn là điều gì cao xa, khó nắm bắt, để rồi chơi vơi trong những câu hỏi không lời đáp:
Nàng đi tìm cái gì nhỉ. Người ta, cái chuyện lấy vợ lấy chồng dễ thế, sao nàng lại khó? Ngày ngày, trên các báo đài và ti vi ra rả quảng cáo về sinh
đẻ có kế hoạch… Một ngày ở Hà Nội có bao nhiêu ca nạo phá thai, có bao vụ ly hôn và bao đám cưới? Tối đến, dưới các gốc cây có bao đôi trai gái tình tự và trong hàng nghìn quán giải khát có bao người hôn nhau? Tại sao đến giờ nàng vẫn cô đơn, khi mà nàng xinh đẹp, có học, không tật nguyền?.
Tác phẩm là câu chuyện nhẹ nhàng nhưng cảm động và thấm thía không chỉ về “khối tâm tư của cô gái tuổi yêu đương mà không kẻ giãi bày”, mà rộng hơn, còn là về nỗi thất vọng của những con người mang trong mình niềm tin, nhiệt huyết và những khát vọng đẹp đẽ nhưng không gặp được lý tưởng, không thể hiện thực hóa được những khát vọng đó giữa cuộc đời vốn ngổn ngang, xô bồ và nhiều trắc trở. Cũng là nỗi cô đơn trong tình yêu, trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, chất chồng trong cô gái phải bỏ đi đứa con mình là những dằn vặt, tủi hổ, hoang mang, ân hận đan cài với những ký ức mê đắm, ký ức khổ đau kinh hoàng cùng những thèm khát vừa mong manh, vừa da diết, cồn cào, cháy bỏng, và bao trùm lên tất cả là một nỗi cô đơn triền miên và hoang hoải: “sau tất cả những cuộc vui, con càng cô đơn hơn. Con mong muốn tình yêu”, “Đêm đến, màn đêm bao phủ sự bí mật của con. Con thao thức, con hồi tưởng và con khát khao, lý trí đôi lúc chẳng được việc gì, con bèn hồi tưởng lại…”. Nhà văn đã vượt qua cái nhìn thông thường để đồng cảm, để sẻ chia với nỗi đau, nỗi ám ảnh tội nghiệp của những người con gái trắng trong và bồng bột, bênh vực họ bằng lập trường của tình yêu, tình mẫu tử thiêng liêng ngàn đời.
Không tìm được tình yêu lý tưởng là một bi kịch. Nhưng có một bi kịch nữa khiến con người cũng trở nên hết sức cô đơn, đau khổ, đó là bi kịch “đồng sàng dị mộng” khi con người sống bên nhau nhưng không thể hòa hợp, không hiểu và sẻ chia được với nhau tâm tư và khát vọng cá nhân. Họ trở nên xa lạ với chính những người thân thiết nhất của mình. Trong truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn của Dạ Ngân, vợ chồng Đoan – Nhiêu đã đưa nhau ra tòa vì một lý do nằm ngoài tưởng tượng của bà chánh án, của mọi người bình thường, và của lẽ thường ở đời: vì con chó Mực. Con vật đã chia rẽ vợ chồng Đoan bởi với Đoan, nó có thể kéo chị ra khỏi
công việc bận rộn để đến với sự giải trí bổ dưỡng cho tâm hồn; nó là cầu nối giữa
con người với thiên nhiên hiền dịu; là một thứ giáo cụ sinh động giúp con người không chỉ khám phá thế giới xung quanh mà còn tự hiểu thêm chính mình… còn với Nhiêu, nó đơn giản chỉ là một sự quấy nhiễu, phiền hà và cản trở cuộc sống riêng tư của vợ chồng anh, khiến anh rơi vào ức chế và ngày càng trở nên cục cằn, thô bạo. Cả Đoan và Nhiêu đều ngày càng cảm thấy xa lạ với nhau. Đoan coi thường Nhiêu vì thấy anh quá đơn giản, thực dụng và ích kỷ còn Nhiêu bực tức với Đoan vì chị quá mải mê với những thú vui có phần mơ mộng. Họ không hòa hợp được với nhau, không mang lại hạnh phúc cho nhau được vì mỗi người đều quá đề cao cái tôi của mình và không tôn trọng thế giới riêng của người còn lại. Đoan khinh bỉ cái thú lau chùi xe của Nhiêu trong khi Nhiêu không chấp nhận được việc Đoan chiều chuộng và để cho con Mực xen vào những giây phút riêng tư của họ. Con chó và vụ ly hôn hay chính là vấn đề điều hòa cái tôi và cái ta trong cuộc sống hiện đại. Con người chỉ có thể sống hòa hợp, yên bình với nhau khi họ thấy được ý nghĩa sự tồn tại của người khác trong cuộc sống của mình đồng thời làm cho mình có ý nghĩa khi tồn tại giữa cộng đồng – khi họ tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng, thấu hiếu, cảm thông. Dẫu cho vụ ly hôn không thể thực hiện, giữa Đoan và Nhiêu vẫn tồn tại một cuộc hôn nhân, nhưng thực chất từ lâu họ đã ly thân, ly dị nhau về tâm hồn, tình cảm, và mãi là những con người cô độc ngay trong ngôi nhà của chính mình, ở bên “nửa kia” của cuộc đời mình.
Bi kịch về sự cô độc còn đến với những con người đã từng là đại diện cho sức mạnh, niềm tin, lý tưởng của thời đại nhưng không thể hòa hợp được với môi trường mới, hoàn cảnh mới để rồi trở nên lạc lòng, bơ vơ giữa cuộc sống mang gương mặt tưởng chừng bình yên nhưng vẫn chứa đựng đầy sóng gió. Trong Miền cỏ hoang của Trần Thanh Hà, sau chiến tranh, nhân vật Thao từ chiến trường trở về quê hương với vết thương trên mặt và vết thương lớn trong lòng khi phải đứng trước bàn thờ mình, đối diện với “cái chết” của chính mình, còn vợ mình đã đi bước nữa:
Chú Thao là người trở về cuối cùng của xóm. Ngày chú ôm chiếc túi lép bước vào cổng nhà, thím Hồng đã hai mặt con, ở với chồng bên chợ, cách