Thiên Nhiên- Nỗi Buồn Chán Tuyệt Vọng Của Con Người

gạo đỏ, Seo Ly, San Cha Chải, Vệ sĩ của Quan Châu… Mỗi một truyện có cảm hứng chung về cảm giác phóng khoáng và tự nhiên như buổi đầu nhân loại. Tác giả khéo vận dụng giọng điệu mang tính trần thuật về cả thời gian lịch sử, địa lí, thiên nhiên mang dấu ân sâu sắc văn hóa từng tộc người tạo cho phông cốt truyện và đề tài sinh động. Mỗi một truyện là một mảnh ghép về thiên nhiên và sự sống vùng cao.

Bắt đầu cho câu chuyện về đám cưới đệ cửu phu nhân của Sề Sào Lỉn đầy xa hoa trong Móng vuốt của thời gian thì tác giả lồng vào đó một dấu ấn về mùa thảo quả. Mùa thảo quả phải chăng mang một ý nghĩa nhất định đối với sự sống, sự sinh sôi một rừng nguyên sinh mãi mãi còn huyền ẩn trong trạng thái mù mờ” của trạng huống văn hóa nguyên sơ của con người vùng cao. Bên cạnh đó, những người dân miền núi cũng rất yêu lao động, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người khỏe khoắn hiện lên trên những trang văn của ông. Nguồn gốc con người và sức lao động gắn với văn hóa tộc người, có thể đơn cử như người Hà Nhì thồ bằng trán, bằng đầu ( Giàng Tả, kẻ lang thang). Có thể nói đến cuối cùng sức mạnh của con người được so sánh với thiên nhiên, sức mạnh của thiên nhiên “ Hóa ra đầu, cổ con người có thể cứng như cái trụ đá, cái cột lim như thế”

Cũng có lúc thiên nhiên gắn với quy ước văn hóa vùng như trong truyện ngắnHoa gạo đỏ thì màu hoa và sắc hoa cũng song hành cùng tâm trí con người sẻ chia những niềm vui đời thường nhất. Người trong làng hồ hởi đi khiêng rước tượng vua, tuy mệt đấy nhưng ai ai cũng hào hứng vì lòng tự tôn của riêng mình. “ Sáng bừng, mặt trời rọi qua kẽ lá, phân tỏa thành ngàn tia sáng hân hoan, người lính mới mở mắt. Sức đã phục hồi. Những cảm giác tươi sáng trở lại. Ông nhìn bốn người bạn đường bỗng thấy yêu quý họ khác thường. Họ, giản đơn, thô sơ vậy thôi, mà thật là những tấm lòng vàng.” [16;Tr 319]

Trong chùm đề tài về các vùng miền khác của tổ quốc nhất là ở những vùng quê nghèo nhưng hiền hòa, thơ mộng nhà văn bộc lộ cách nhìn trìu mến hơn, thân thương hơn với những mảnh đời những con người, truyện ngắn Trái chín mùa thu, tình cảnh của người cha góa vợ nuôi con thật nhẹ nhàng và nhiều hi vọng khi con gái đến tuổi lấy chồng, cha cũng đem tình cảm giành cho một người phụ nữ tốt bụng. Thiên nhiên cũng dịu đi vừa mơn trớn vừa sống động “ Thụy vẫn thấy cái nền trời thu mênh mông, ngập ngừng, lưu luyến. Và những khóm trúc rải rác trên con đường quanh co ngõ xóm càng nhiều càng ánh lên cái sắc vàng bang bẩy như cái thứ đồ mĩ nghệ được trau chuốt kĩ càng” [16 ; Tr 112]. Nét đẹp của con người lồng vào những bóng hình tự nhiên và trang nhã “ Hai con mắt Luyến hơi cất lên. Mặt trái xoan ngược sáng với ánh trăng, mờ mờ những đường nét thanh nhã, hiền từ, cái sống mũi cao trăng trắng mềm mại, tỏa ra cái ngay thẳng, hồn nhiên….” [16. tr 115]. Vẻ đẹp con người làm thiên nhiên miền quê thêm tươi đẹp hay chính sức sống dịu dàng, tha thiết của thiên nhiên khiến con người thêm trữ tình, thuần khiết. Thiên nhiên gắn với cuộc sống của con người như người bạn, cái tự nhiên tạo cho cuộc sống bình dị và tươi tắn hơn, sinh động hơn.

Trong khi đó, thiên nhiên đô thị gắn liền với cuộc sống đời thường mỗi con người hơn. Con người lấy cái đẹp thiên nhiên to điểm cho mình, cho bức tranh thể hiện bản thân mình. Đó là cái vẻ riêng biệt khi nhà văn cố tình chấm phá nét riêng của người đàn bà qua hình tượng không gian “ Đang là giữa thu không khí mát dịu. Và người đàn bà giàu có này giống như một hình tượng trung tâm nổi bật thu hút cái nhìn của khán giả đang đứng trước một bức tranh mùa thu khổ lớn, trên vòm trời cao xanh phẩy mấy nét mây trắng duyên dáng, phía sau là một con ngõ sâu vắng heo hút, với những biệt thự xinh xắn lấp ló sau dàn hoa giấy tím biếc khi mùa xuân về…”

Có thể nói, khát vọng sống con người trong truyện ngắn Ma Văn Kháng cũng rất nhẹ nhàng không có nhiều những chấn động, những bồng bột và nông nổi của một cây bút xông xáo. Sức mạnh sự sống đằng sau cái nhìn thiên nhiên và con người là sự sống nhân sinh trầm lắng, miên viễn chảy trôi cùng thời gian.

2.2.2. Thiên nhiên- nỗi buồn chán tuyệt vọng của con người

Thiên nhiên được miêu tả không sâu, không thực sự cụ thể nhưng lại đằm và lắng lại với rất nhiều những trải nghiệm về cuộc sống về nhân sinh với tầng sâu triết lí và văn hóa.

Trong giai đoạn lịch sử và văn học nhiều thăng trầm bất định, những mảnh đời của nhân vật ghép lại tạo nên bức tranh cuộc sống sinh động trong văn chương Ma Văn Kháng.

Những số phận con người vẫn oằn mình cùng nhịp sống có cả những buồn đau và tuyệt vọng nhưng bên cạnh đó vẫn thấp thoáng bóng hình thiên nhiên- sự sống nhỏ nhoi nhưng tồn tại mãnh liệt đồng hành cùng sự sinh tồn của tạo hóa và hưng vong của lịch sử.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Giọng điệu trữ tình trở nên thê thiết hơn, u buồn hơn với những con người và thiên nhiên

“ Mưa.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới nhìn từ góc độ văn hóa - 8

Mưa thấm đẫm trong không gian miền thượng trung du ướt át một nỗi buồn thê thiết. Hạt mưa lơ lửng, phủ trắng mờ những eo đồi ắng lặng lúp xúp các bụi cây hoang dại. Cây cọ không diễn đạt nổi một khúc xạ ý tưởng thơ mộng nào. Dáng nó cằn, bóng nó trơ trọi giữa sa mù, đầy vẻ giá lạnh cô đơn. Vệt bánh xe bò quằn quại, chồng chất hỗn độn ven đồi đất vàng ệch như trích đoạn của một bức tranh cô liêu, buồn đến tận cùng xương tủy. Cỏ hỗn hung hãn xâm chiếm mặt đường, quện ràn rạt vào bánh xe lăn chậm chậm…:”[16; Tr 100].

Cái cảm giác cuộc đời con người cũng như chiều mưa buồn thảm, những kiếp người nhỏ bé “ lơ lửng” giữa cuộc đời như những giọt mưa và cây cỏ úa. Số phận con người, tình nghĩa con người trước nhịp điệu buồn của cuộc sống, nhỏ nhoi và buồn quá. “ Một bức tranh trung du chiều mưa buồn ấy sao mà thê lương, thảm thiết” Đó chính là mảnh đời bạc phận, nỗi lo bệnh tật trước sự hững hờ của những người thân thích. Tất cả được khắc họa và cảm khái qua hình ảnh thiên nhiên mưa buồn và chiếc quan tài đưa xuống mộ trong truyện ngắn Trung du, chiều mưa buồn.

Những mảnh đời, những số phận của con người vùng cao lại càng không tránh khỏi nỗi niềm ẩn ức, cái nghèo, cái ác vẫn còn tồn tại trong cuộc sống tưởng như giản đơn của miền sơn cước. Những hình ảnh con người đầy thú tính như Khun ( Vệ sĩ của Quan Châu), Sề Sảo Lỉn ( Móng vuốt thời gian),... họ được hun đúc và biểu hiện qua những trang viết thấp thoáng hình bóng thiên nhiên hoang dã, những hình hài được sắp đặt trên những tan nát, những đớn đau để sinh tồn.

Khun trong Vệ sĩ của Quan châu là một minh chứng rõ nét cho con người sinh ra hoang sơ như rừng núi, mang trong mình giác quan tinh nhạy và tính cách tàn bạo như thú dữ. “Khun ngửi được hơi lạ trong gió, nghe được bằng da thịt, nhìn xuyên thấu đêm tối. Những động vật cấp thấp, loài thú rừng thường cũng có những bản năng tài tình ấy…Khun là sự hồi tổ, sự lộn giống, là bản tính bạo tàn của đời sống rừng rú, là cái hoang sơ của buổi khai thiên” [16; tr 11]. Thiên nhiên dần thấm sâu vào đời sống tâm linh và văn hóa con người, thiên nhiên gần hơn ranh giới bản tính người. Nói như Rousseau, về thuật ngữ con người- thiên nhiên chưa một lần sống trong xã hội nên nó chưa có lần giao tiếp đụng chạm đến người khác, nó có một cuộc sống như thể một con thú. Nó là như nó là. Nó không có ý thức xã hội. [51]

Trong truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ, tác giả viết về một nhà văn đã có nhiều trải nghiệm với đời, với nghề trong cách miêu tả của tác giả vẫn tạo cho ta một cảm giác buồn và bi thảm của sự sống. Nhà văn Nam trong chuyến đi xuống huyện không hứa hẹn nhiều thành tựu nhưng cái hay là những ngẫm suy về lịch sử, về con người đọng lại qua cách miêu tả thiên nhiên. Trước tiên, cái cảm giác của người nghệ sĩ vẫn còn trong anh trước cảnh “ Chiều đầu hạ. Tiết xuân còn lưu luyến trong hơi sương phơn phớt tím dâng lên từ mặt đất ngập ngừng, cùng với khí núi từ dãy sơn mạch hùng vĩ phía trái tỏa ra tạo nên một cảm hứng giao thoa, vừa hoang dã cô liêu vừa tràn đầy sôi động…” Cái cảm giác của con người trước thiên nhiên và độ nhạy cảm vẫn còn khiến cho nhà văn ngây ngất. Nhưng thoáng đấy, cái niềm vui sướng ấy chóng qua để lại cái nhìn có nhiều ẩn ức đến kì lạ. “ Nam phóng tầm mắt ra xa để tìm chỗ nương tựa. Trong ánh trăng rười rượi vàng đến nao lòng, là những thôn xóm kết tụ từng vùng xanh như những cụm khói đặc. Ôi những trang trại, nơi tá túc của những người lính trận thuở lập quốc, đã dẹp xong giặc ngoài, nay trở về với công việc cày cuốc. Họ đang vỡ đất, gây rừng, nuôi lợn, trồng chè trồng thuốc lào”. Cái cảm giác tự nhiên mang tính niên đại và lịch sử ám ảnh cái nhìn nhà văn. Thiên nhiên tự nó kết hợp với thời gian tạo nên hình hài khiến người ta ngẫm suy nhiều về nó. Lịch sử đôi khi là một dấu hỏi có khi lại đã là dấu khắc khó quên. Lịch sử khốc liệt hơn vì nó là cái đã qua và được người ta nhớ hoặc quên mà làm nên giá trị. Văn hóa hiện lên đằng sau những giá trị đi cùng thời gian ấy. Những giá trị vật chất và tâm hồn đại diện cho cả một thời còn lưu lại giữa thiên nhiên tự như chính nó làm nên văn hóa dân tộc.


Những nỗi buồn hằn sâu trên trang văn qua nhiều những đoạn viết về thiên nhiên, đó là làn sương tím mờ ảo những ngôi mộ cũ trên những triền đồi đá ong ở phía Tây trong Thanh minh trời trong sáng : “ Những làn sương tím

nhạt cuối cùng đã bốc bay và vòm trời mùa đông điểm những chấm én nhỏ chao liệng, xanh bình yên, xoải đôi cánh mềm, ôm trọn cả khu mộ rộng mênh mang. So với năm ngoái, nghĩa trang đã mở rộng hơn, bề thế hơn. Ở những khu mộ cũ, nhiều nơi đã được xây cất lại. Đa phần được tôn cao thêm. Nhiều ngôi lên mái che, kiểu cách đến miếu thiêng liêng hoặc giống một căn nhà nhỏ thân mật ấm cúng. Trên những triền đồi đá ong ở phía Tây, những ngôi mộ mới leo dốc, hợp cùng với cả vạn ngôi mộ mới leo dốc, hợp cùng với cả vạn ngôi mộ cũ trắng xám một màu xi măng…Thiên nhiên lại một lần nữa tạo nên ranh giới tâm linh thiêng liêng giữa con người và sự sống. Giữa cái sống và cái chết, giữa tồn tại và lịch sử thiên nhiên lưu dấu ấn sâu đậm. Những nghĩa trang xám trắng giữa lòng thiên nhiên tạo cảm thức u buồn trầm mặc của cuộc đời. Những cảm giác bi lụy, đường biên của ranh giới sự sống nơi trần thế vạch ra bằng sợi dây thiên nhiên qua bàn tay và nỗi đau thương của con người. Chính từ cách nhìn con người mà thiên nhiên buồn và ảm đạm, số phận con người bấp bênh mà thiên nhiên mang nhiều tâm thức bi ai.

Những số phận của con người miền đồng bằng sông nước miền Tây lại càng đặc biệt. Con người sống trên thuyền, trên sông nước, gắn bó mật thiết với những cuộc phiêu lưu kì thú mà có thể những người không quen sẽ cảm thấy bất an rợn ngợp. Thiên nhiên gắn với họ như chính phần cơ thể, xa mái chèo và sông nước ta cảm thấy dường như họ mất đi bản sắc của chính mình. Tất nhiên, những cuộc “ phiêu lưu” sông nước lênh đênh ấy có khi chính những người găn bó cả cuộc đời với tự nhiên cũng bị lạc lõng và cô đơn. Trước thiên nhiên sông rộng thuyền xa ấy con người thấy bé nhỏ hơn, thấp kém hơn trước tự nhiên.

Có thể nói, dù là nỗi buồn hay niềm vui, cõi sống tinh thần con người vẫn thể hiện dấu ấn đậm nét trong văn chương Ma Văn Kháng. Trong các truyện ngắn viết về nông thôn, thành thị của ông lại có “ Cảm thông, day dứt về làng

quê nghèo như bao vùng quê khác một thời, đã ám ảnh nhà văn mãi sau này. Trên những trang viết về vùng ven đô và lớp dân nghèo thành thị mà nhà văn đã miêu tả, ta thấy ấm áp tấm lòng hoài niệm, xót xa thương cảm cho số phận của một lớp người nghèo khổ mà lương thiện, thân phận bấp bênh, chìm nổi như bèo bọt” [ 50]

Tiểu kết

Truyện ngắn Ma Văn Kháng có sức truyền tải chất hiện thực đời sống và thấm đẫm chất men lãng mạn độc đáo.Từ góc nhìn văn hoá, trong chương này, chúng tôi tập trung nói tới mấy vấn đề sau:

Thiên nhiên vùng núi và biên ải được thể hiện từ góc nhìn, cách miêu tả, thuật ngữ so sánh...tất cả mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, phong tục tập quán và chất huyền thoại cổ sơ của miền núi cao. Ngoài ra, thiên nhiên thể hiện trong tác phẩm còn mang những quy ước văn hóa của riêng những dân tộc vùng cao, tính văn hóa làm nền cho tính lịch sử và tổ chức không gian sống cho người dân nơi đây.

Thiên nhiên các miền quê Việt Nam trong trang viết của tác giả có ấn tượng êm đềm và thi vị. Thiên nhiên thành thị lại mang ấn tượng của cuộc sống rất thực rất đời thường.

Những hình ảnh thiên nhiên được Ma Văn Kháng lấy làm tên đề cũng là sự lồng ghép tương ứng cho đời sống tinh thần của nhân vật. Tùy theo chùm chủ đề và cốt truyện, những hình tượng thiên nhiên trong tác phẩm cũng được phân biệt thành những mảng khác nhau: Thiên nhiên gắn liền với cõi sống tinh thần của con người. Qua cảnh sắc thiên nhiên, chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui sướng hay sự buồn bã, khát vọng hay khổ đau... Những mảnh đời, những con người hiện lên song hành với thiên nhiên.

Như vậy, thiên nhiên từ góc nhìn văn hóa trong truyện ngắn Ma Văn Kháng tuy mang nhiều ý nghĩa hàm ẩn những tầng triết lí nhưng hơn hết

chính là khẳng định được tầm văn hóa của nhà văn. Trong sự phát triển của giai đoạn văn học đổi mới thì sự thâm nhập của văn chương vào khía cạnh văn hóa học là một bước đi hợp lí. Nhiều nhà văn xây dung được phong cách của mình cũng như khẳng định bản sắc dân tộc nói chung. “ Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Văn học chẳng những là bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối và ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện nội hàm tâm lí văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc” [ 5]

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/10/2023