Con Người Từ Góc Nhìn Văn Hóa Tính Dục.

được khi thấy con chim gáy phải sống trong tình cảnh ngục tù. Sự sung sướng, vui vẻ của ta rất không nên có trên nỗi đau tủi của kẻ khác” [27 ; tr 16].

Trong quan niệm của Ma Văn Kháng, cái đẹp trước hết là cái thiện, tính thiện là cội nguồn của mọi cái đẹp. Quan niệm này hoàn toàn khác biệt với Nguyễn Tuân. Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân say sưa ca ngợi một tên đao phủ, bởi hắn có một lối chém treo ngành rất ngọt. Ông nhìn con người thuần túy từ phương diện thẩm mĩ chứ không soi chiếu từ góc nhìn đạo đức. Cái đẹp trong ngòi bút Nguyễn Tuân nhiều khi lại chính là những “ác hoa”. Ma Văn Kháng đi tìm cái đẹp ở những con người đời thường, trong đời sống bình dị, hồn nhiên, soi chiếu con người từ góc nhìn truyền thống. Trong không gian núi rừng, Pao (San Cha Chải) sống nặng tình, nặng nghĩa, thật thà, chất phác, nhân hậu. Cái đẹp trong một tâm hồn thiện ấy đang chuyển động, tự khôn lớn dần để trở nên có ích. Năm năm trời kiên trì, bền bỉ với trách nhiệm, Pao qua tuổi hai mươi từ lúc nào, nhưng anh đã thực sự lớn khôn, thực sự có ích cho đời. Quan niệm cái thiện là cái đẹp đặc biệt được Ma Văn Kháng thể hiện trong truyện Giàng Tả, kẻ lang thang, Giàng Tả đẹp, cái đẹp sức vóc, khỏe mạnh và luôn làm việc thiện. Tính thiện vốn có trong con người đẹp về thể xác đó. Được đặt trong mối quan hệ với Liphigơ, tên biệt kích, tên xã đội trưởng, tính thiện trong con người Giàng Tả càng trở nên nổi bật. Nhân vật Giàng Tả là sự đối thoại của nhà văn về vấn đề tốt – xấu. Giàng Tả tốt hồn nhiên như bản năng hoang sơ mông muội của anh. Anh giúp kẻ địch mà không biết là mình đang tiếp tay cho kẻ thù, sống ngây thơ hồn nhiên đến ngu muội. Chính lòng tốt một cách hồn nhiên đã làm hại Giàng Tả.

Như vậy, bằng cái nhìn tri ân đối với con người, Ma Văn Kháng đã phát hiện ra cái đẹp trong chính những con người bình thường nơi cuộc đời trần tục. Không phải anh hùng, vĩ nhân mới có cách hành xử đậm nét văn hóa, không phải những con người to tát mới mang tâm hồn thiện. Cái đẹp, cái thiện tiềm ẩn

trong những con người bình dị. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Ma Văn Kháng đã từng tâm sự: “Thôi thúc tôi viết là cái đẹp của cuộc sống” [34]. Phải vậy chăng mà hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn của ông đều là hiện thân cho cái đẹp, sống và hành xử theo tiếng gọi của chân, thiện, mỹ. Văn chương Ma Văn Kháng mang vẻ đẹp muôn đời như quan điểm của Tsecnưsepxki :“ Cái đẹp là cuộc sống, một sinh thể đẹp là qua chúng ta nhìn thấy cuộc sống hoặc làm cho chúng ta nghĩ đến cuộc sống” [8 ; tr 48 ].

1.2.1.2. Cái xấu và cái ác.

Không chỉ say sưa ca ngợi vẻ đẹp, tính thiện của con người, Ma Văn Kháng, với cái nhìn thấu triệt còn phát hiện ra cái xấu, cái ác tồn tại ngay trong cõi đời này. Ông xót xa, nhức nhối trước một nhân thế đang phai lạt nhân tình, thói ghen ghét, đố kị, phản trắc, vong ân, bội tình lên ngôi, chiếm chỗ, tạo thành một cặp bài trùng với cái đẹp, cái thiện. Bà Nhàn (Trung du chiều mưa buồn) xuất thân lao động, thất học, sống lưu lạc, may nhờ chút nhan sắc mà được vinh thân phì gia. Giờ đã lên tới chức trưởng phòng nhưng cách ăn nói, ứng xử của bà vẫn không sao che nổi quá khứ xuất thân hèn kém. Điều quan trọng hơn là sự đối xử tệ bạc, dửng dưng, lạnh lùng của bà Nhàn đối với vợ chồng người em khiến người ngoài cuộc cũng phải rùng mình “ai có thể sắt đá vô tình trước sự van nài, năn nỉ nghĩa tình sâu nặng như thế! Ai có thể sau những lời chân thực đẫm nước mắt lại đáp lại bằng giọng điệu kẻ cả, hợm hĩnh, lố lăng liên tục như thế” [16 ; tr 92). Cái chết của em gái cũng không đủ sức đánh động tâm linh bà. Tình máu mủ ruột thịt bị chối bỏ phũ phàng tàn nhẫn. Trong khi đó, ông trời cũng còn như biết khóc, đổ mưa rả rích, sụt sùi, tỉ tê. Mưa phụ họa cùng người chết trong nỗi buồn thê thiết.

Sự suy thoái của tình người, sự xuống dốc của đạo đức, lương tâm còn được tác giả thể hiện trong truyện ngắn Suối mơ. Nhàn là người đàn bà xấu cả người cả nết. Gốc gác nông thôn nhưng đua đòi tơ tuốt. Mụ được chồng hết sức

cưng chiều, yêu thương. Nhưng đúng là “công anh bắt tép nuôi cò. Cò ăn cò lớn cò rò lên cây”. Mụ đền đáp lại công ơn ấy bằng cách quay ra rỉa rói, khinh bỉ, coi thường anh là đồ quê kệch. Rồi mụ đi ngoại tình, để mặc chồng ốm đau sắp chết. Đó còn là Sấn (Nhiên, nghệ sĩ múa). Mụ bị tạo hóa chơi khăm cho cái hình hài tiên thiên bất túc, xấu xí lùn tẹt. Mụ ghen ghét những ai hơn mình. Mụ lên quai xanh vành chảo bới bọn đàn bà con gái xa xẩn đến phòng thường trực gặp ông Diệc. Mụ cay nghiệt, bĩu mỏ với Nhiên, nghiến răng tuyên bố: “Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày”. Hóa ra, cái xấu, cái ác có thể nảy sinh trong mỗi con người một cách vô thức từ nhu cầu thiết yếu. Chính Ma Văn Kháng đã từng lý giải thế này: “Cũng như sự hèn nhát, lòng hảo tâm, tình yêu mến, nỗi đau đời, niềm căm giận, thói đố kỵ ghen ghét, tính ích kỷ thâm căn, khả năng không thể yêu thương kẻ khác ngoài mình đều có cái mầm nguyên thủy, đều là nghiệp căn trong tăm tối, bền dai như sự sống, vì chính chúng đảm bảo cho sự sống an toàn của mỗi cá thể con người” [26 ; tr 276]. Chiên, Sự (Thầy Khiển) xuất thân là những kẻ chèo đò, bán cháo lòng, thế mà giờ đây hai anh em đều leo lên được nấc thang địa vị cao vót trong xã hội. Người làm chủ tịch, kẻ làm trưởng ty giáo dục. Bình mới nhưng rượu cũ. Những con người mang tướng mạo xấu xí, bần hàn ấy dù có đội lốt hào nhoáng thế nào vẫn hiện nguyên hình tính cách đê tiện, lừa lọc, ghen ghét, đố kỵ, hống hách, thích gây sự, hiếu chiến, tìm mọi cách vùi dập, hãm hại người khác. Cũng vậy, Chiến, thầy Ngọc Kim (Người đánh trống trường) cũng đều là những con người nhỏ nhen, ti tiện, thấy thầy Huân hơn mình và tỏ ra bất tuân phục thì nổ đom đóm mắt, tìm mọi cách hãm hại, vùi dập, khiến thầy Huân từ người say sưa với bục giảng, tận tâm với học trò giờ thành người mất dạy, thành người đánh trống trường, cuối cùng tìm tới cái chết bi thương: “Thầy tự treo cổ trên một cành si cạnh cái giếng nước ngôi đền thờ vị thánh dâm đãng, thiêng liêng” [20 ; tr 134]. Cái xấu, cái ác xuất hiện nhan nhản trong những trang truyện của Ma Văn Kháng. Đó là Kiến (Chọn chồng),

tên mèo mả gà đồng, phường buôn lậu, ma cô, quái kiệt về lừa bịp và tình dục, đã hủy hoại cuộc đời người con gái vốn xuất thân trong gia đình có nề nếp. Đó còn là thằng Nhớn, không làm mà muốn có ăn, bám váy mấy ả cave để hưởng nhàn. Bản chất tôi đòi ăn sâu vào căn cốt con người hắn, thanh niên trai tráng mà cam phận sống tầm gửi vào mấy ả cave, nói năng thô lô, cư xử vô văn hóa với người mẹ còng lưng làm lụng nuôi gia đình…

Tuy nhiên, có những cái xấu chưa hẳn là ác, ngược lại có những cái ác không được xem là xấu nếu ta nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Trong một số truyện ngắn như Vệ sỹ Quan Châu ; Cố Vinh, người xứ lạ… Ma Văn Kháng đã tập trung thể hiện cái ác như một bản năng hoang sơ, mông muội của con người. Sùng Sử (Cố Vinh, người xứ lạ) sống thuần túy bằng bản năng tàn bạo của núi rừng. Mọi hành động của hắn đều theo bản năng mà không hề có sự can thiệp của lý trí. Cố Vinh chỉ đơn thuần cho rằng Sùng Sử là một thể nghiệm về cái bản năng bất di bất dịch mà không giáo lý nào có thể cải hóa được của người Mông. Ông không nhận thấy hiểm họa ẩn đắng sau bản năng hoang sơ ấy. Cuối cùng, hại chúa chính là Juđa thân cận. Tên vệ sĩ nổi cơn ghen, theo bản năng bất tử cố hữu của y, giết chết Cố Vinh chỉ vì ông động vào con “cái” của hắn. Ác một cách bản năng còn phải kể tới Khun (Vệ sĩ Quan Châu) Khun chính là đại diện cho bản năng hoang sơ, mông muội nhất của núi rừng. Bản năng chi phối đến cả hình hài của Khun khiến mỗi khi nhìn hắn, người ta băn khoăn không hiểu là quỹ sứ hiện hình vào Khun hay chính Khun là quỷ sứ cỡ siêu đẳng. Hắn bạo liệt, tàn nhẫn, u mê, không ý thức được hành động của mình. Khi được hỏi tại sao lại thích giết người, lại trung thành với lão Quan Châu, thì hắn lờ mờ nhớ rằng chỉ vì một bữa tiệc mười một món mà hắn được cho ăn khi đang đói. Khi còn là một đứa trẻ, Khun đã tàn bạo. Nhưng khi rơi vào tay của Quan Châu, bản năng tàn ác ấy được nhân lên gấp bội. Khun “là sự hồi tổ, là sự lộn giống, là cái bản tính tàn bạo của đời sống rừng rú, là cái hoang

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

sơ của buổi khai thiên” [26 ; tr 34). Những con người như Khun, Sùng Sử vừa đáng thương vừa đáng giận. Thương cho sự hoang sơ mông muội và giận thay cho sự tàn bạo, man rợ. Ma Văn Kháng tỏ ra xót xa, nhức nhối trước sự thực cái ác như ăn vào máu thịt của những con người sống phần nhiều dựa vào cảm tính tự nhiên này.

1.2.1.3. Cái cao cả và cái tầm thường.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới nhìn từ góc độ văn hóa - 3

Đi tìm cảm hứng ở cuộc sống đời thường, gắn với những con người bình dị, Ma Văn Kháng không chỉ phát hiện ra cái đẹp, cái thiện hay cái xấu, cái ác trong văn hóa ứng xử của họ mà còn nhận thấy những cái bé nhỏ, vặt vãnh, gai góc, tầm thường diễn ra ngày ngày trong không gian nhỏ bé, riêng tư là gia đình. Chỗ này là cuộc xô xát giữa mẹ chồng và nàng dâu (Bồ nông ở biển, Phép lạ thường ngày), chỗ kia là sự xích mích giữa chị dâu và em chồng (Heo may gió lộng), nơi nọ là những rạn vỡ khó có thể hàn gắn giữa chị em gái (Chị em gái)…. Những ngày được nạm vàng của gia đình Đoan cũng như của chị Thảo (Heo may gió lộng) đã qua đi cùng với hình ảnh ngọn gió heo may lồng lộng và khoảng trời cuối thu tràn trề làn sáng phản quang niềm vui mùa màng. Mùa heo may năm nay, đến hẹn lại lên, chị Thảo tay xách nách mang đồ quê kiểng lên thành phố thăm gia đình người em ruột. Sau hai năm không gặp, hiện diện trước Đoan bây giờ không còn là người chị gái tươi đẹp, óng ả năm xưa mà là một bà lão quê mùa còm cõi, mệt mỏi và bất an, chứng tỏ một đời sống lao lực quá mức và triền miên trong cắn rứt, dày vò. Vợ Đoan một người cần kiệm, tính toán đến thành chắt bóp, hà tiện đã tỏ ra sốt ruột trước cuộc viếng thăm ảnh hưởng tới kinh tế gia đình. Cái vỏ lễ nghĩa trong giao tiếp bong lở dần. Mỗi ngày, thị ứng xử với chị chồng thêm quá quắt, không đá thúng đụng nia, móc máy xa gần thì cũng lầm lì một khối nặng trịch. Thị chì chiết cay nghiệt, cạn tàu ráo máng, mất tình, mất nghĩa, phũ phàng tàn tệ đến mức người chị chồng phải nuốt lệ ra đi. Hóa ra, cuộc sống vẫn tồn tại một thực trạng là ruột thịt mà thích

biệt lập, không muốn có quan hệ với nhau. Trong Phép lạ thường ngày mâu thuẫn lại diễn ra giữa mẹ chồng và nàng dâu. Bà Đồng như tất cả những bà mẹ Việt Nam khác, vốn dạt dào tình thương con cháu và đức vị tha. Trong quan niệm của bà, nhất con, nhì cháu, thứ sáu người dưng. Nhặt che mưa, thưa che nắng, mọi việc bà đều chu toàn sau trước. ấy vậy mà bà vẫn không được lòng người con dâu tên Đào. Cơ thể Đào vào lúc suy kiệt, giống như cái chuồng ọp ẹp không nhốt nổi cơn đau buồn, tức giận. Sự rối rắm lúc nào cũng ăm ắp trong con người Đào. Than thân trách phận, so bì, tị nạnh, đá thúng đụng nia, giận cá chém thớt… tất cả đều đổ lên đầu bà mẹ chồng và người chồng tội nghiệp của Đào. Cuộc sống thường ngày không còn phép lạ. Không gian gia đình nhỏ bé mà trở nên ngột ngạt. Đúng là nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng bằng trong thấy bồ nông ở biển (Bồ nông ở biển). Trong truyện ngắn Bồ nông ở biển giữa mẹ chồng và nàng dâu dường như đang tồn tại một trạng thái tâm thần. Những cuộc xô xát nảy lửa biến không gian gia đình thành bãi chiến trường, vùng sa mạc, chốn địa ngục, bã tha ma. Lẽ nào tình nghĩa chỉ được bảo lưu và nuôi dưỡng trong môi trường nghèo khổ? Già sinh tật, đất sinh cỏ. Mâu thuẫn tích tụ bắt đầu từ những cái bé nhỏ, vặt vãnh, tầm thường. Ngược lại, chị em gái như trái cau non, chị em gái, cái nhân sâm. Thế mà cái liên minh tự nhiên ấy lại đã bị phá vỡ chỉ vì một thằng ăn rong, ở lạc, ma cô thủ lợi, vờ vĩnh đóng vai nghĩa hiệp (Chị em gái). Cùng là chị em, nhưng Ái đầm ấm, tròn trịa, nồng thắm. Còn Thương đã sang tuổi băm, mang cái đẹp sắc lạnh, khó gần. Hai chị em cùng đến với Hoàn, một tên tợn tạo, đàng điếm. Mâu thuẫn đã xảy ra khi Ái phát hiện ra chị mình đã lén lút quan hệ với người yêu của mình. Ái đã xách va li ra đi, chấm dứt mối liên minh tự nhiên tưởng như không bao giờ có thể đoản mạch ấy.

Bên cạnh cái bé nhỏ, vặt vãnh, gai góc, tầm thường, Ma Văn Kháng còn phát hiện ra sự ấm áp, bình dị, cao cả của con người từ góc nhìn văn hóa ứng

xử. Trước sự ra đi vĩnh viễn của chồng mình, người vợ trong Giải nguyền đã nhìn nhận lại, bao dung hơn về dì Thương - người đàn bà vô tình đã lạc vào cuộc đời người đã mất và phá tan hạnh phúc gia đình họ. Từ chỗ đối đầu, giờ đã có thể đối thoại, từ chỗ thề độc sẽ băm vằm mổ xẻ người đàn bà hư hỏng, giờ đã bước qua lời nguyền. Phải chăng mọi lý sự đều trở nên vô nghĩa thảm hại trước tình thương yêu. “Tình cảnh bỗng dưng đã kéo hai người phụ nữ vào chung một thân phận. Cả hai đều cảm thấy mình quá ư nhỏ bé, khốn khổ, trước cái khoảng hư vô mất mát” [18 ; tr 250]. Vợ người quá cố đã sai con đi cùng dì Thương về quê dì xem hoàn cảnh thế nào, tính đến chuyện mời dì lên ở cùng với gia đình cho đỡ buồn. Cách cư xử hợp tình hợp lý ấy khiến người ta cảm thấy ấm lòng, và cũng công tâm, công bằng hơn với dì Thương. Hay trong Heo may gió lộng, đối lập với người mẹ luôn chì chiết, cay nghiệt bác mình, Thúy lại luôn vỗ về, săn sóc. Thúy giữ vai trò cân bằng, san phẳng. Không một lời phàn nàn, không một cử chỉ sơ suất, cần mẫn và tràn đầy tinh thần trách nhiệm. Thúy đóng trọn vẹn vai cô hộ lý, người cấp dưỡng, người cháu gái tận tình với bác gái. Trước mọi điều chì chiết của mẹ, nó chỉ đọc một câu bác bỏ rất ngây thơ, vững tin và không sao bắt bẻ được: đâu mà. Chính sự hồn nhiên và tình cảm chân thành của con người nơi đầu nguồn nhân cách đã phần nào sưởi ấm tâm hồn cô đơn, đau khổ của người bác gái. Vượt lên trên những thói đời phàm tục, những hơn thua, ngộ nhận, thị phi, một số nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng đã biết sống đẹp và thật sự cao cả trong ứng xử của mình. Đó là người thợ cắt tóc làng, là nữ họa sĩ vẽ chân dung, là người làm câu đối ở tỉnh nhỏ, là anh thợ chữa khóa… những con người bình dị trong cuộc sống đời thường. Ông Sung (Thợ cắt tóc làng) từng có nhiều cống hiến cho cách mạng, nhưng cuối cùng cũng chỉ quay về hành nghề cắt tóc – cái nghề làm đẹp cho một góc của con người. Ông là con tốt hỉn, là kẻ vô danh. Nhưng đằm sâu trong ông là một nhân cách cao đẹp, là sự cao thượng trong ứng xử của bậc chính

nhân quân tử. Trước sự cao giọng của một gã trai đến cắt tóc mà thực chất là muốn tìm hiểu ngóc ngách đời ông, ông vẫn bình tĩnh đối đáp: “Con người phải ngay ngắn chỉnh tề, kể từ cái đầu tóc, gương mặt, trang phục đến tâm hồn bên trong. Những nỗi buồn riêng tư phải biết nín nhịn để sống cho ra con người. Ta không nên cá đối bằng đầu với cái xấu xa, tồi tệ, rủi ro. Ta chống lại những cái nham nhở bằng chính sự chính trực, đường hoàng, tử tế” [27 ; tr 231]. Hay như Huê trong “Nữ họa sĩ vẽ chân dung”. Cô không ưa thái độ của Peter khi anh chàng này vừa đến thuê cô vẽ chân dung lại đã nói tới chuyện thịt con chó của chủ nhân khi nó cùng chủ nhân ra đón mình. Sự im lặng, lạnh lùng của cô trước thói tự tin thái quá, vênh vao cao giọng của Peter chính là sự tích điện cho một lần bùng nổ mang tính đối thoại, tranh biện văn hóa ở cuối tác phẩm: “Anh biết mà chưa ngộ. Anh khoe mẹ anh khuyên anh xin lỗi con kít nhà anh khi ca ngợi món thịt chó. Nghĩa là để biểu lộ sự tôn trọng con kít. Còn người Việt chúng tôi, khi phải giết mổ một con chó hay một con gà, đều nói: gà ơi, chó ơi, tao hóa kiếp cho mày. Kiếp sau được làm người chứ không phải làm gà, làm chó nữa nhé” [27 ; tr 22].

Tóm lại, khơi nguồn cảm hứng từ cuộc sống đời thường, Ma Văn Kháng đã phát hiện ra những giá trị người từ góc độ văn hóa ứng xử. Con người có cả xấu lẫn tốt, thiện lẫn ác, cao cả lẫn tầm thường. Nhưng âm điệu chủ đạo trong mỗi trang văn của ông vẫn là sự ngợi ca cái đẹp, cái thiện, cái cao cả. Cuộc sống được tẩm thêm hương hoa chính nhờ những giá trị ấy.

1.2.2. Con người từ góc nhìn văn hóa tính dục.

Rất nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng đề cập tới vấn đề tính dục của con người. Đây là một sự dũng cảm của chính người cầm bút. Bởi vì lâu nay, đề tài này được coi là ngoài vùng phủ sóng, là “miền đất chết” của văn học. Ma Văn Kháng không những dám đề cập mà còn đề cập một cách có hệ thống, bằng cảm hứng trào lộng nghiêm trang trước vẻ đẹp của cuộc đời sinh hóa hồn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/10/2023