vẫn lưu giữ những phẩm chất truyền thống của người lính thời chiến tranh vệ quốc. Họ là những con người anh dũng chiến đấu, hy sinh cả tuổi trẻ, tình yêu và bản thân mình cho sự nghiệp giải phóng.
Mộc trong truyện ngắnTrại “Bảy chú lùn” hy sinh cả thời tuổi trẻ của mình vì nhiệm vụ của người lính hậu cần. Bản thân Mộc cũng gánh chịu nhiều bất hạnh: mẹ chết từ năm 61, em trai đi bộ đội cũng “chết đâu đó bên Lào, năm 65” [58,64]. Phải đến 18 năm sau Mộc mới về thăm quê… Chiến tranh, những hy sinh, mất mát của cá nhân là vô kể. Có biết bao người như Mộc trên đất nước này phải đánh đổi cả tuổi xuân của mình vì sự nghiệp chung. Suốt “mười ba năm chiến tranh chưa từng một lần đi đâu ra khỏi vùng ven Sa Thầy” mà nguyện gắn bó với lán anh Nua - Trại “Bảy chú lùn” để tăng gia sản xuất, phải làm lụng cật lực để có lương thực “không phải cho bản thân mình mà cho anh em đồng đội đang chiến đấu ở những đâu đó xa tít mù tắp bên kia đại ngàn” [58,70]. Vậy là “mất gọn tuổi trẻ” [58,67].
Trong chiến tranh, Mộc không phải là người lính trực tiếp cầm súng. Mới chớm chân qua biên giới, anh đã bị sốt rét ác tính, đơn vị gửi anh về lán anh Nua - một trong những cơ sở hậu cần đầu tiên ở chiến trường B3. Cùng với năm đồng chí khác, Mộc đã được anh Nua nuôi dưỡng. Thế nhưng như một định mệnh đã được định sẵn, buổi chiều trước hôm Mộc và các đồng chí rời trạm thì anh Nua chết ngoài nương. Chôn Nua xong, “không ai bảo ai chúng tôi đồng lòng ở lại cánh rừng này” [58,68] tiếp tục vụ rẫy mà anh Nua đang làm dở, cứ hết mùa rẫy này rồi đến mùa rẫy khác. “Và cứ thế, cứ thế mãi...” [58,69]. Miêu tả cái chết của anh Nua, sự thủy chung tình nguyện ở lại của anh em, Bảo Ninh làm sáng lên nhân cách của người lính hậu cần. Nhân cách được định hình trong chiến tranh.
Bên cạnh Mộc, Y Nua, trại “Bảy chú lùn” còn chứng kiến những cái chết thật thương tâm của các chiến sĩ hậu cần (Tý, Tâm, Hinh, Huy). Họ không chết vì hòn tên mũi đạn mà chết bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh, bởi những cơn sốt rét rừng... Mộc đã đau đớn khôn nguôi khi phải lần lượt giã từ đồng đội: bởi
“chết như vậy khổ lắm, hệt như nhau, các anh ấy lên cơn sốt lúc đang phát rẫy. Cây gãy, chuyển răng rắc, nhưng hoa mắt, chân tay run giật, (…). Mà khi chưa tắt thở thì chưa thể nhấc cây lên được. Trông sợ lắm. Cằm run bần bật, răng cắn nát môi, tóc bết vào trán, và máu thì không rỉ một giọt, mặt tím thâm, và tỉnh táo, chịu trọn cái đau cho đến lúc chết. Mọi người xúm quanh bất lực” [58,71]. Nỗi đau đớn của người chết và người phải chứng kiến những cái chết thương tâm của đồng đội mình không có gì khác nhau. Chính điều đó đã tạo thành bi kịch của thời chiến.
Nhân vật người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh không hiện lên với vẻ đẹp lý tưởng. Họ có thể khiếm khuyết chỗ này, không trọn vẹn chỗ kia nhưng vượt lên tất cả là tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuấn “bột” trong Bằng chứng là một ví dụ. Anh đã vượt lên nỗi sợ hãi của bản thân mình để lập công. Bình thường Tuấn là người “nhát như cáy”, “sợ đủ mọi thứ từ ghê gớm đến vớ vẩn nhất” [61,150]. Thế nhưng, khi xung trận, anh lại hết sức “bình tĩnh, cứng rắn, phán đoán giỏi, quyết đoán nhanh, khôn ngoan, tỉnh táo”. Điều đó đã thể hiện được “sự vượt bậc (…) về tài chiến trận và năng lực chỉ huy” của anh [61,151]. Mọi người đều mến phục Tuấn bởi sự “thông minh tháo vát, xông xáo, năng nổ và đặc biệt là sự kiên cường, lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì đồng đội” [61,150]. Tuy nhiên, ẩn sau đó Tuấn “vẫn kín đáo sợ, vẫn âm thầm nhát, vẫn một mình triền miên chống chọi với cái bẩm sinh yếu đuối trong bản thân mình”. Có khi một trái cối giáng xuống chỉ khiến cho lính tráng cùng lắm là giật mình nhưng lại khiến cho Tuấn “căng thẳng tột cùng, gân cốt đờ cứng”. Phải chăng, thông qua Tuấn “bột”, Bảo Ninh muốn gửi đến người đọc một thông điệp: Con người nói chung, người lính nói riêng có thể có những khiếm khuyết, không hoàn thiện nhưng họ đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và bản thân mình để cống hiến và sống có ích.
Vẻ đẹp của người lính vệ quốc thời chiến tranh được Bảo Ninh khắc hoạ khá rõ nét trong những sáng tác của mình. Dù không miêu tả trực tiếp hành động anh hùng của họ nhưng trong truyện ngắn Ba lẻ một, qua suy nghĩ nhân
Có thể bạn quan tâm!
- Những Cách Tân Của Truyện Ngắn Viết Về Chiến Tranh Thời Hậu Chiến
- Bảo Ninh – Cây Bút Truyện Ngắn Xuất Sắc Của Văn Học Viết Về Chiến Tranh Thời Hậu Chiến
- Vai Trò Của Nhân Vật Trong Tác Phẩm Văn Học
- Nhân Vật Với Những Góc Khuất Của Con Người Cá Nhân
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 8
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 9
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
vật cô gái - người đã giữ bức ảnh hơn hai mươi năm, những người chiến sĩ cách mạng lại hiện lên với những dáng vẻ đáng tự hào. Họ đã xóa tan đi những ác cảm về người lính bấy lâu nay trong lòng cô gái: “Cô thấy họ rất lành. Không sục sạo, không ngó nghiêng, và không mảy may lỗ mãng. Lấy đầy can nước rồi, tuy rất vội, họ không xồng xộc bỏ đi ngay mà tế nhị, ngồi nán lại vài phút bên bàn, từ tốn nhấp tách trà cô mời, ân cần hỏi han, trò chuyện. Chỉ là theo phép lịch sự nhưng rất mực thân tình” [60,13]. Trong truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ, Bảo Ninh lại làm sáng lên tinh thần sẵn sàng xông pha trận mạc của một lớp thanh niên Hà thành. Ai cũng háo hức, vui sướng bởi được góp sức mình đuổi quân xâm lăng: “Mọi người ầm ĩ gọi nhau, hồ hởi vỗ vai nhau: “A! Mày đấy à, cũng đợt này à, hay quá! Mày này, tao này, thằng Cung, thằng Bình “mắt lươn”, thằng Mão “nhọ nồi”, thằng Toàn “min tu”, thằng Vũ… thằng con đầu nhà bà giáo Son, thằng con thứ nhà ông Tâm y tá, thằng cháu đích tôn nhà cụ Doãn vẽ truyền thần, nhà Phúc béo gia công mỳ sợi, nhà Vạn Toét chữa xe đạp, nhà Minh điếc bán nước sôi…” [60,129]. Ai cũng phấn khởi. tự hào. Thế rồi “sáu thằng con trai” mười ba mười bốn tuổi của ngôi nhà số bốn ấy đều ra trận và hy sinh mất năm người.
Trong văn học giai đoạn 1945 - 1975, “tuy ai cũng biết rằng mỗi thắng lợi trong cuộc chiến tranh đều đã phải trả giá bằng biết bao nhiêu tổn thất hy sinh, thất bại và cả sai lầm cay đắng” [50] nhưng do đòi hỏi khắc nghiệt của hoàn cảnh, mục tiêu và cảm hứng chủ yếu của văn học thời chiến là tô đậm cái anh hùng, cái cao đẹp, cái lý tưởng nên tránh phản ánh những đau thương, mất mát. Những tác phẩm nói đến mất mát đau thương bị coi là “có vấn đề”, thậm chí tác giả của nó còn bị liên luỵ (Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Vòng trắng của Phạm Tiến Duật, Sẹo đất của Ngô Văn Phú…). Sau 1975, văn học được “cởi trói” theo tinh thần “nhìn thẳng sự thật” nên những tác phẩm viết về chiến tranh đã không né tránh điều này. Đọc truyện ngắn Bảo Ninh, người đọc bị ám ảnh bởi những cái chết của người lính. Ta có thể bắt gặp hàng loạt những cái chết trong tác phẩm của ông: Hải (Rửa tay gác kiếm) chịu đựng nỗi đau cho đến khi
chết trong sự đau đớn tột cùng: “người dập nát, cả khuôn mặt cũng vậy, chỉ còn đôi mắt, mở to, ráo hoảnh, ngời lên vì đau đớn” [60,211]; người lính quân bưu “bị đạn đại liên khoan toác ra những lỗ thủng lớn. Anh chết đã nhiều ngày, thân thể ngâm lâu dưới nước đã biến dạng và bị cá rỉa tung toé” [60,205]; đó là cái chết của sáu anh em trong Trại “Bảy chú lùn”, hàng loạt cái chết trong Nỗi buồn chiến tranh đã gây nên một sự ám ảnh.
Bảo Ninh không hề có ý định miêu tả những tội ác do Mỹ ngụy gây ra. Thế nhưng, qua sự hồi tưởng của các nhân vật, gương mặt chiến tranh vẫn hiện lên với đầy đủ góc cạnh. Chiến tranh đã gây ra hậu quả khôn lường đối với vạn vật và con người: Mộc, Tư, hoạ sĩ Năm Tín… mất hết người thân, Diệu Nương “thân tàn ma dại”; biến làng Diêm thành “cái làng cô hồn”; người chết la liệt các nội cỏ, nổi lềnh phềnh trên mặt sông; người sống ngắc ngoải “người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm”…
Người lính trong văn học cách mạng thường được khắc họa là những con người lý tưởng. Họ sẵn sàng xông pha chiến trận, không ngại gian nguy, không sợ cái chết. Những mặt khuất lấp trong tâm hồn con người như sự bi quan chán nản, sự sợ hãi trước sự tàn phá của bom đạn kẻ thù… lại không được đề cập đến. Giờ đây, chủ thể sáng tác và chủ thể tiếp nhận đều muốn có cái nhìn toàn diện về chiến tranh và người lính. Truyện ngắn Bảo Ninh phần nào đã đáp ứng được yêu cầu đó. Bảo Ninh mạnh dạn nói những điều mà văn học thời kỳ trước đó né tránh. Đó là hiện tượng người lính đào ngũ như Nhu, Hành trong Đêm trừ tịch. Khi được phiên chế ở sư đoàn bộ binh, nhiều anh lính “sợ vãi linh hồn”. Nhiều người đào ngũ trong đó có Nhu “mắt lươn”. Nhu và một người nữa đã nhanh chân tút ngay trước hôm đơn vị hành quân. Còn Hành, anh đã hai lần trốn chạy. Hành đi lính lần này không phải vì mục đích lớn lao như người ta vẫn thường nói mà chỉ đơn giản là để hai em gái của Hành không phải xấu hổ vì có người anh đào ngũ mà thôi.
Tác giả không chỉ mạnh dạn phản ánh hiện tượng người lính đào ngũ mà ông còn dám đề cập đến những cảm xúc chân xác nhất trong tâm hồn mỗi
người lính. Đó có thể là nỗi sợ hãi, là sự bi quan, chán chường, mệt mỏi. Chứng kiến cảnh đồng đội bị thương, “tôi” (Đêm trừ tịch) cảm thấy “kinh hãi và ghê sợ”; trải qua một đợt bom của địch, “tâm hồn tôi đã quá phờ phạc”[61,182]; hành quân vào ngày ba mươi Tết, trải qua vài trận bom khiến “tôi” nản chí, “toàn thân rã rời, hoàn toàn suy kiệt, không còn nổi lấy một gờ ram tinh thần, tôi vật mình nằm xuống mặt cỏ khô cứng đã ướt rượt trong sương giá, người co quắp, ngủ thiếp đi, bại hoại cả cõi lòng trong một niềm thương thân hèn mọn” [61,183]. Cũng có lúc họ chỉ hứa suông chỉ để nhằm thoả mãn dục vọng của mình (những người lính đến với Diệu Nương trong Mùa khô cuối cùng)…
Sự nhận thức lại về bản chất chiến tranh gắn liền với những trăn trở, day dứt của người lính về vấn đề nhân tính. Họ là những con người đi qua chiến tranh, phải buộc trở thành những “cỗ máy giết người” không ghê tay, phải giết chóc để tồn tại và coi đó là cái lẽ tất yếu để tồn tại. Trong Nỗi buồn chiến tranh, Can - một đồng đội của Kiên đã bộc bạch: “Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người bằng dao và lê mà quen tay mất rồi” [59,22]. Kiên cũng đã phải chứng kiến tận mắt “những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng” [59,50], mà rồi… “cả thế hệ anh đã lao vào trận chiến một cách hăng say, một cách hung dữ” [59,136]. Tình người, lòng nhân đạo không phải lúc nào cũng có chỗ trong cõi “một sống một chết” như chiến tranh. Bởi khi người lính trong một khoảnh khắc đánh mất lý trí vì lòng thương có thể bị trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nhưng có những hoàn cảnh, lòng thương trỗi dậy mạnh mẽ như một thứ bản năng trong mỗi người lính, khiến giữa những con người cầm súng ở hai đầu chiến tuyến không còn sự phân biệt địch – ta mà chỉ còn niềm thương xót cho số kiếp làm người. Câu chuyện của Phán trong Nỗi buồn chiến tranh là một trường hợp như thế. Trong một trận chiến giữa đại đội trinh sát của Phán và một đại đội biệt động của ngụy vào một chiều mưa, như một sự sắp đặt của định mệnh, Phán và một kẻ thù cùng ngã lộn vào một hố bom. Ban đầu, theo bản năng tự vệ, Phán đã đâm tới tấp vào tên ngụy. Nhưng khi nhận ra anh ta đã bị thương từ trước đó thì Phán thấy “khủng khiếp quá và
thương tâm quá!”. Anh “xé áo để băng”, chạy đi tìm bông băng nhưng cơn mưa rừng ập tới khiến anh lạc mất cái hố có người lính ngụy bị thương đang nằm đó. Phán như “phát rồ”: “Ngụy ơi! Ngụy ơi! - Tôi gọi, lồng lên chạy tìm cuống quýt… Nghĩ tới cảnh ngộ của anh ta lòng tôi đau đớn cuồng thắt. Suốt đêm tôi mò mẫm lăn lộn lần tìm. Càng lúc càmg hụt hơi, kiệt sức, bất lực” [59,102]. Tiếng gọi và hành động cuống cuồng, tuyệt vọng ấy phải chăng là sự thức tỉnh của lòng nhân tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm tính con người?
Bảo Ninh nhìn cuộc chiến tranh của nhân dân ta bằng cái nhìn biện chứng, mang tính nhân văn nên ông đã thấy được cả hai mặt của nó. Chiến tranh không phải lúc nào cũng mang lại sự huy hoàng mà nó còn đày ải con người đến suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Cái giá phải trả cho hai chữ “hòa bình” là xương máu của những người từng cầm súng chiến đấu. Chúng ta càng thấm thía hơn rằng, “chiến tranh đâu phải trò đùa”. Tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó và vết thương chiến tranh thì không thôi nhức nhối.
2.2.1.2. Những thiệt thòi, bất hạnh sau chiến tranh
Khi viết về chiến tranh, Bảo Ninh quan tâm đến từng số phận con người trong số phận chung của dân tộc. Mỗi cá nhân con người trong truyện ngắn Bảo Ninh có những nỗi mất mát, đau khổ riêng, không ai giống ai, mỗi người một cảnh ngộ. Chiến tranh gây ra bi kịch đã đành, trong hòa bình bi kịch vẫn không chừa những con người từng tham chiến.
Phải chăng, nhân vật người lính của Bảo Ninh trong chiến tranh đã hết lòng phụng sự Tổ quốc, hy sinh cả tuổi trẻ, tình yêu và bản thân mình cho đất nước thì sau chiến tranh họ sẽ được hưởng hạnh phúc? Khi tham gia chiến trận, họ đã từng mong ước “được sống một ngày không bom, không pháo, đất nước thống nhất, hoà bình rồi chết, cũng đáng” [60,14]. Thực tế, phần lớn người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh lại là những người chịu nhiều mất mát, thiệt thòi trong thời bình. Họ mang trong mình những thương tích của chiến tranh, đặc biệt là thương tích về tâm hồn. Họ sống trong mặc cảm, cô đơn.
Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng Mộc trong Trại “Bảy chú lùn” vẫn âm thầm với nỗi đau của hơn hai mươi năm trước. Mộc đã cống hiến cả quãng đời trai trẻ cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính hậu cần. Vậy mà, hoà bình từ lâu nhưng anh không hề ý thức được điều đó. Anh vẫn làm bạn với rừng già và không bao giờ ra khỏi nơi đã gắn bó với anh một thời lửa đạn. Bởi với anh, “đây là chiến địa, là mồ mả anh em, là đất sống…” [58,89]. Anh sống một cuộc sống cô đơn, cô độc giữa bốn bề vắng lặng. Chiến tranh kết thúc, người thân chẳng còn ai, không gia đình, anh không thể thích nghi được với cuộc sống ngoài khu rừng ấy.
Trở về sau chiến tranh, những người lính thời bình đều ít nhiều mang hội chứng trận mạc. Mọi chuyện thời chiến tưởng như đã chấm dứt vào năm 1975, tưởng như sẽ được “rửa tay gác kiếm” nhưng thực tế đâu phải vậy. Nó vẫn là nỗi nhức nhối đeo bám trong cuộc sống của những người lính. Ban ngày, Khương (Rửa tay gác kiếm) hoàn toàn bình thường nhưng cứ đến nửa đêm anh lại “nghiến răng, nói mớ và rên rỉ”. Những biểu hiện này không có trong chiến tranh, “chỉ từ hoà bình, nhập trại an dưỡng mới sinh ra thế” [60,200]. Những đau đớn của Khương là “đau đớn của giấc mơ”. Trong mơ, Khương thấy lại “cảm giác đau của những lần bị thương trước đây”. Anh như thể “lần hồi duyệt lại các vết thương”, từng vết thương một, từng nỗi đau một. Di chấn chiến tranh không chỉ mình Khương phải chịu mà “tất cả các anh em trong phòng đều ít nhiều gặp phải những ác mộng di chứng từ trận mạc” [60,201]. Tú luôn sống lại với những trái bom CBU. Tú thường thấy hầm sập còn anh thì ú ớ ngạt thở, thấy mình bị chôn sống. Còn “tôi” luôn mơ thấy mưa thuốc độc, mơ thấy rừng già trên sườn núi Ngọc Bờ Biêng bị Mỹ biến đại ngàn thành củi khô. Những cơn mưa thuốc độc Mỹ rải xuống khiến “mái rừng tróc từng mảng rộng, lở ra, rụng xuống như bị lột da…” [60,202]. Chất độc màu da cam ấy đã tàn hại thiên nhiên và con người khiến cho những người chứng kiến bị ám ảnh khôn nguôi: “Trước đó, cũng như sau đó, dọc đường chiến tranh, tôi đã trải qua những tình thế còn bội phần ghê sợ hơn. Tuy nhiên, ám sâu nhất vào tâm trí tôi đến
trọn đời vẫn là cảnh tượng thiên nhiên bị bọn Mỹ giết hại một cách rùng rợn như thế” [60,202]. Hay chỉ đơn giản như nghe thấy tiếng pháo nổ cũng đã khiến “tôi vật người nhào xuống sàn tránh bom đạn và trườn thật nhanh vào một góc tường” [60,199]. Còn Vượng (Nỗi buồn chiến tranh) lại mắc chứng “ngợp mặt đường”, không chịu nổi xóc: “Những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn là oẹ liền, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Đêm về không ngủ được. Ngủ lại gào lên như bị cắt tiết” [59,180]. Những cảnh tăng cán người “cán cả vào khi ngủ”. Không chịu nổi di chứng chiến tranh nên Vượng đắm chìm trong rượu cho tới ngày đổ bệnh, quỵ hẳn.
Chất độc màu da cam mà bọn Mỹ rải xuống đất nước ta không chỉ tàn hại thiên nhiên và con người Việt Nam trong chiến tranh mà nó còn gây ra những hậu quả dai dẳng, khôn lường cho con người sau chiến tranh. Bài thơ Anh tôi của Đoàn Hữu Nam giúp người đọc hiểu được phần nào nỗi đau sau chiến tranh người lính phải mang trong mình suốt quãng đời còn lại: “Anh từ mặt trận trở về / Buồn chẳng ra buồn, vui chẳng ra vui / Da như lá mà ruột thì như lửa / Không trầy da mà rạn vết thương lòng. / Bữa cơm quây quần / Soi mình vào chén rượu / Miệng chén bỗng giống hố bom / Những váng rượu hệt váng dầu trôi nổi / Anh rùng mình / Phấp phỏng dòng máu giật trong người”. Di chứng chiến tranh đâu chỉ một mình anh gánh chịu mà còn là thế hệ thứ hai, thứ ba…: “Đêm chị sinh đứa con đầu lòng / Gió rin rít tưởng bom ngoài chiến địa / Cả nhà kinh hoàng, quặn thắt... / Đứa bé sinh ra không thể thành người!!! / Anh gào lên! / Cả nhà gào lên! / Phật đang ngự trên tòa sen / Tòa sen rung trong tiếng nấc... / (Nó đã thành linh hồn đâu / Mà đầu thai kiếp khác...) / Anh ngửa mặt lên giời / Rồi lạc vào cõi mộng!!!” [49].
Những tổn thất về thể xác và tinh thần của người lính đâu dễ gì lành được. Đời họ, đời con họ, thậm chí nhiều thế hệ sau nữa vẫn phải gánh chịu sự tàn phá của chất độc màu da cam. Di chứng chiến tranh sẽ còn tồn tại dai dẳng. Hình ảnh của Khương và Tú khiến người viết nhớ đến Hưng trong Bàn chân ma, Giáp trong Hai người lính của nhà văn Nguyễn Thế Tường. Giáp cứ nhìn