Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 17


Theo bản khắc in ký hiệu A.460 và A.2181 lưu trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm thì tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được sắp xếp theo trình tự như sau:

- Tờ bìa mang tên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh竹林宗止元聲.

- Chân dung và biểu đồ

+ Chân dung của Điều Ngự Giác Hoàng 調 御 覺 皇 ngồi dưới gốc cây cổ thụ,

trên có hai con chim đậu, cành cây toả xuống bên hồ nước có tường vây, bên cạnh là chiếc bàn cưa phẳng làm bề mặt. Trên bàn có lọ hoa đặt bên bát hương đang thả khói. Điều Ngự trán cao, tóc chải ngược ra sau, râu dài, mắt nhìn ra xa, mình mặc áo phủ kín chân, hai tay đỡ tích trượng. Trên bức chân dung đề 4 chữ Hán lối khải thư “Điều Ngự Giác Hoàng”.

+ Chân dung Pháp Loa tôn giả 法螺尊者 đứng dưới gốc cây thông, cành xoè ra

che mặt trời toả nắng, mặt quay về đầu rồng đang phun mây, mây tuôn tận chân. Pháp Loa đội mũ chụp lấy chỏm, kiểu như mũ mục sư Thiên Chúa giáo, mình mặt áo dài quết đất, một tay cầm tích trượng, một tay giơ lên như bắt ấn, phía trên đề 4 chữ Hán theo lối triện “Pháp Loa tôn giả”.

+ Chân dung Huyền Quang tôn giả 玄 光 尊 者 ngồi thiền kiết già trên bồ đoàn

tròn, trải trên đất, dưới bóng mát những cành thông, đầu cạo để trần, toả ra những ánh hào quang, hai tai to dài, hai tay bắt Quan Âm Cam Lồ ấn (tức Vô Lượng Oai Đức Tự Tại Quang Minh Như lai ấn), trên có 4 chữ Hán theo lối hành thư “Huyền Quang tôn giả”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

+ Chân dung Hải Lượng thiền sư 海量禪師 ngồi trên ghế bên cạnh tấm bia lớn

có ghi chữ Hán “Thạch Bi đàn 石碑壇”, bên bờ sông Nhuệ, gợn sóng nhỏ, giữa dòng sông ghi 2 chữ Hán “Nhuệ giang 銳江” (là tên con sông chảy qua làng Tả Thanh

Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 17

Oai). Phía trước có 2 đệ tử quỳ, chắp tay hướng về thiền sư. Hải Lượng đầu búi, râu dài, vẻ nghiêm trang, mắt nhìn về phía sông, tay phải để trên đầu gối, tay trái để ngang ngực như bắt quyết, bên trên đề 4 chữ Hán lối triện “Hải Lượng thiền sư”.

+ Biểu đồ Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ 二十四聲配氣應山之圖.

Biểu đồ hình tròn, miêu tả 24 thanh phối với các tiết trong năm. 24 thanh xếp thành vòng tròn, mỗi thanh kết hợp với một Can, hoặc Chi, hoặc Bát quái, và vào giờ nào thì mở đầu một tiết trong năm, được ký hiệu bằng những chấm tròn đen hoặc trắng nối với nhau bằng những hàng kẻ ngang hoặc dọc, trên dưới khác nhau. Các thanh xếp theo thứ tự thuận chiều kim đồng hồ, có mối liên kết chặt chẽ, ví dụ như:


Chương 1: Không thanh 空聲, thuộc Tý , một trong Thập nhị Địa chi

十 二 地 支 , tương ứng với tiết Đông chí 冬 至 , giữa giờ Tý 子 半 . Chương 2: Ngộ

Thanh 寤聲, thuộc Quý , một trong thập Thiên can 十天干, tương ứng với tiết Tiểu hàn 小寒, đầu giờ Sửu 丑初. Chương 3: Ẩn thanh 殷聲, thuộc Sửu , tiết Đại

hàn 大寒, giữa giờ Sửu 丑半. Chương 4: Phát tưởng thanh 發想聲, thuộc Cấn , một trong Bát quái 八卦, tiết Lập xuân 立春, đầu giờ Dần 寅初, v.v..

- Bài Tựa: Trúc Lâm đại chân Viên giác thanh tự 竹林大真圓覺聲序

Bài Tựa Trúc Lâm đại chân Viên giác thanh do Thuỵ Nham hầu Phan Huy Ích viết xong trước tiết Lập đông năm Bính Thìn, triều Hoàng Nguyễn (Tây Sơn) đời thứ hai, niên hiệu Cảnh Thịnh (1796).

- Ngữ lục 語錄

Chép lại Ngữ lục của ba vị tổ phái Trúc Lâm và của Hải Lượng thiền sư.

- Tướng thanh nhị thập tứ Bồ tát 相聲二十四菩薩

Mục này liệt kê hình dáng, bộ mặt của từng thanh, tức nêu bản chất của từng thanh. Ví dụ: tướng của Không thanh là lòng lặng yên thanh tịnh, là cốt tuỷ của chương này; tướng của Minh thanh là soi sáng khắp thế gian.

- Tam Tổ hành trạng 三祖行狀

Mục này chép lại hành trạng của ba vị tổ phái Trúc Lâm: Điều ngự Giác hoàng đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông; đệ Nhị Tổ Pháp Loa; đệ Tam Tổ Huyền Quang.

- Đại chân Viên giác thanh 大真圓覺聲

Đây là phần chính văn của tác phẩm, gồm hai mươi bốn thanh, trong mỗi thanh có các phần theo thứ tự sau: Thanh dẫn, Chính văn và Thanh chú 1, Thanh chú 2.

- Đại chân Viên giác thanh tiểu khấu 大真圓覺聲小叩

Chỉ việc hàng ngày gõ mõ tụng niệm các thanh, phần này chính là phần tóm lược nội dung chủ yếu của các thanh.

- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông 竹林宗止元聲綜

Tông là đầu mối, ở đây hiểu như là điều kiện, tức là điều kiện làm nên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, gồm hai phần:

Phần 1: Hộ thanh tứ tắc 護聲四則 (Bốn chuẩn tắc hỗ trợ cho thanh) gồm:

+ Tự (tựa) là thanh thủ 聲首 (đầu của thanh).

+ Đồ (hình vẽ) là thanh hàm 聲 含 (hàm của thanh) chỉ 4 bức hình và biểu đồ 24 thanh.

+ Hành (hành trạng) là thanh cảnh 聲頸 (cổ của thanh) chỉ hành trạng của Tam tổ và của Hải Lượng.


+ Bạt là thanh vĩ 聲尾 (đuôi của thanh) chỉ phần Chính văn.

Phần 2: Vệ thanh tứ dực 衛聲四翼 gồm Thanh dẫn, Thanh chú 1, Thanh chú 2, Thanh tiểu khấu.

+ Thanh dẫn: làm nhiệm vụ mở đầu, dẫn dắt cho từng thanh, do Hải Huyền Ngô Thì Hoàng viết.

+ Thanh chú làm nhiệm vụ chú giải làm rõ nghĩa cho từng thanh, do Hải Âu Vũ Trinh và Hải Hoà Nguyễn Đăng Sở viết.

+ Thanh tiểu khấu làm nhiệm vụ tóm lược nội dung chủ yếu từng thanh, do Hải Điền Nguyễn Đàm viết.

- Cuối cùng là họ tên, chức nghiệp và quê quán của những người viết chữ và khắc ván

* Người viết chữ:

+ Quan thị nội mật sự Tả trung doãn, tước Dược Trung bá, Nguyễn Hữu Dược người xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì.

+ Quan thị nội bí thư Thự chính tự, tước Tích Trung bá, Đào Kinh Tích ở xã Tình Quang, huyện Gia Lâm.

+ Quan thị nội bí thư Thự kiểm thảo, tước Tuấn Trung tử, Nguyễn Hữu Tuấn ở xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì.

* Người khắc ván:

Thái thường giám Thái chúc, tước Nho Nghĩa nam, Phạm Đạt Nho, ở xã Hồng Liễu, huyện Gia Lộc.

Trên đây là trình bày kết cấu hình thức bề ngoài của tác phẩm.

Còn về kết cấu lôgic nội tại bên trong của tác phẩm thì có thể thấy chính hình thức bề ngoài được sắp xếp như trên là một sự gắn kết rất chặt chẽ để thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Như trên có nêu, mục đích của Ngô Thì Nhậm và các pháp hữu khi viết tác phẩm này là nhằm xiển dương tư tưởng nhập thế, hộ quốc an dân của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, chính vì thế mà ngay từ đầu tác phẩm, các tác giả đã vẽ lại chân dung ba vị Tổ Trúc Lâm. Phần Tam Tổ hành trạng trong tác phẩm ghi lại cuộc đời, hành trạng, quá trình tu chứng của Tam Tổ Trúc Lâm cũng nhằm mục đích này.

Nhằm minh họa cho 24 thanh của phần Chính văn, các tác giả vẽ lại biểu đồ hình tròn Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ miêu tả 24 thanh phối hợp gắn kết với 24 tiết trong năm, tương ứng với kết cấu 24 thanh (24 chương) nòng cốt của


tác phẩm. Còn phần Tướng thanh nhị thập tứ Bồ tát nhằm chỉ rõ hình dáng, bộ mặt, tức nêu lên bản chất của từng thanh.

Bài Tựa của Phan Huy Ích có mục đích khơi gợi, giới thiệu nội dung tư tưởng cốt tủy của phần Chính văn. Trong bài Tựa, Phan Huy Ích đã khẳng định sự dung hợp tư tưởng trong Chính văn là quan điểm “Khu Thích dĩ nhập Nho” của Ngô Thì Nhậm và các pháp hữu.

Trong từng Thanh của Chính văn, các tác giả đã sắp xếp theo một trình tự thật chặt chẽ: Bắt đầu là Thanh dẫn với nhiệm vụ dẫn dắt, có thể xem đây là lời mở đầu của Thanh nhằm giới thiệu cho người đọc, người học đạo bước đầu hiểu được nội dung cốt lõi của Thanh. Tiếp theo là Chính văn, tức phần ghi nội dung chính của Thanh được trình bày. Trên cở sở đó, Thanh chú 1 Thanh chú 2 với nhiệm vụ chú thích, chú giải nhằm làm rõ nghĩa nội dung tư tưởng của Chính văn trong từng Thanh. Còn Thanh tiểu khấu, như trên có nói, Thanh này có làm nhiệm vụ tóm lược nội dung chủ yếu của 24 thanh.

Sau Chính văn Đại chân Viên giác thanh Thanh tiểu khấu là phần viết về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông, mà người đọc có thể hiểu phần này chính là phần nêu điều kiện, đầu mối của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, mà ở trên có nêu khi trình bày về kết cấu hình thức bề ngoài của tác phẩm.

Chính kết cấu hình thức bề ngoài và kết cấu nội tại bên trong của tác phẩm như vừa trình bày đã làm cho tác phẩm này có một kết cấu (cấu trúc) rất lạ, chưa từng thấy trong văn học Việt Nam thời trung đại. Và sự sắp xếp với kết cấu như trên làm cho tác phẩm có một sự gắn kết rất chặt chẽ, hợp lý, làm cho tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một chỉnh thể thống nhất, chứ không phải là một sự tập hợp rời rạc, lỏng lẻo.

3.3. NGÔN NGỮ TÁC PHẨM

Thật khó có thể tìm hiểu rõ ràng một hiện tượng văn học nói chung, một tác phẩm văn học nói riêng mà bỏ qua việc tìm hiểu ngôn ngữ. Bởi vì văn học là nghệ thuật ngôn từ, mà ngôn ngữ là yếu tố quan trọng thứ nhất của văn học. Nếu tư duy hình tượng là đặc trưng, là cơ sở của tư duy nghệ thuật, thì ngôn ngữ chính là sự thể hiện trực tiếp của tư duy. Do đó, muốn khám phá một cách toàn diện hơn về tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, không thể không nghiên cứu nghiêm túc về phương diện ngôn ngữ của tác phẩm. Nghiên cứu tác phẩm văn học là phải hiểu rõ toàn bộ ngữ cảnh, mà ngữ cảnh trực tiếp nhất là các quy tắc ngôn ngữ của văn bản tác phẩm. Điều kiện cần để hiểu được ý nghĩa tác phẩm là phải hiểu rõ nghĩa của các


từ, câu, đoạn và nghĩa của toàn bộ văn bản. Nghiên cứu một cách nghiêm túc về một tác phẩm văn học là phải lấy văn bản ngôn từ làm cơ sở. Tác giả đã thông qua ngôn ngữ được thể hiện trong tác phẩm để chuyển tải ý đồ, tư tưởng, quan niệm của mình qua các hình tượng nghệ thuật sinh động, và người đọc cũng nhờ ngôn ngữ mà có thể hiểu được nội dung tác phẩm, tư tưởng và quan niệm nghệ thuật cùng tài nghệ của tác giả. Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng trong sáu điều cốt yếu dùng để đánh giá đúng một tác phẩm văn học theo quan điểm của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long:

Một là xem tác phẩm chọn thể tài nào; hai là xem nó bố trí lời văn (ngôn từ); ba là xem nó tiếp thu những gì của người đi trước và sáng tạo những gì; bốn là xem phương pháp nó biểu hiện; năm là xem ý nghĩa các điển tích nó dùng; sáu là xem âm nhạc của nó. Nếu đã thực hiện các phương pháp này thì thấy được chỗ hay chỗ dở của tác phẩm.” [4,tr.273-274]

Trần Đình Sử nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn từ trong việc tìm hiểu tác phẩm:

Ngôn từ càng tỏ ra quan trọng bởi vì trong văn học, ngôn từ không phải là cái để chỉ ra hình tượng nghệ thuật nằm bên ngoài nó, mà là cái làm cho hình tượng hiện hình ngay trong bản thân, đến mức ngôn từ chính là hình tượng!” [202,tr.115]

Một trong những nguyên lý rất cơ bản của triết học phương Đông, mà tư tưởng nhà Phật là cốt lõi, đã ảnh hưởng lớn đến tư duy nghệ thuật là quan niệm “Vạn pháp duy tâm”, “Vạn vật nhất thể”. Nghĩa là, về mặt hiện tượng, tuy sum la vạn tượng trong đó có con người khác nhau, nhưng bản thể không khác. Tư duy phương Đông thiên về tư duy tổng hợp với xu hướng khái quát cao. Phương thức tư duy này của triết học và mỹ học phương Đông đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến các loại hình nghệ thuật nói chung, nghệ thuật ngôn từ nói riêng. Do tính đặc thù này của tư duy tổng hợp nên ngôn ngữ nghệ thuật của các tác phẩm văn học trung đại phương Đông thường mang tính cô đúc, hàm súc cao. Tính chất này dẫn theo những thủ pháp nghệ thuật tương ứng là ẩn dụ, tượng trưng, hoán dụ…, đặc biệt hay sử dụng điển tích, điển cố.

Ngôn ngữ thì hữu hạn không thể diễn đạt trọn vẹn cái vô cùng của chân lý thể hiện rõ quan điểm mỹ học phương Đông. Các tác gia lớn ở phương Đông khi trước tác không có ý định và cũng không thể dùng ngôn ngữ diễn tả trọn vẹn đối tượng, mà chỉ cốt khơi gợi, hướng người đọc tự mình chiếm lĩnh đối tượng. Cái hiện ra qua bề mặt ngôn ngữ chỉ là phần nổi lên của tảng băng, còn ngôn ngữ thì không thể diễn tả


hết như chín phần chìm dưới của tảng băng, ẩn tàng sau lớp ngôn từ đã diễn tả. Hơn nữa, từ ý tưởng đến ngôn ngữ nghệ thuật của chính chủ thể sáng tác còn một khoảng cách vô hình tất yếu, khoảng cách này chỉ có thể tiệm tiến dần đến số không đối với những tác gia thiên tài chứ không thể hoàn toàn triệt tiêu. Đó là chưa nói bản thân ngôn ngữ không thể thể hiện trọn vẹn chân lý, cũng không thể tiếp cận chân lý đích thực trong tác phẩm mà không thông qua sự khơi gợi của ngôn ngữ.

Trong các tuyệt tác của văn học phương Đông, người đọc sẽ cảm nhận những yếu tố ngôn ngữ đậm chất lung linh, huyền diệu, mờ ảo, mà những yếu tố này có sức cuốn hút vô biên, có sức sống vô hạn nơi độc giả. Ngôn ngữ không những khắc phục sự nhàm chán, mà còn tạo nên sức kích thích mãnh liệt người đọc cái lạc thú khám phá sự kỳ diệu, bí ẩn của văn chương. Những tác phẩm này khiến cho mỗi người thưởng thức, chiêm nghiệm, cảm nhận theo sự phản hồi sâu lắng của nơi tự tâm của cá nhân mình.

Ngoài những nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật phương Đông thời trung đại, ngôn ngữ nghệ thuật của các tác phẩm văn học Phật giáo thời kỳ này chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Tam giáo nói chung, tư tưởng triết học và mỹ học Phật giáo nói riêng, nên được dùng đạt đến đỉnh điểm của tính hàm súc và tính gợi mở. Một trong những mục đích của các tác phẩm văn học học Phật giáo Thiền tông là dồn đối tượng tiếp nhận đến tuyệt lộ của tư duy lý tính, tạo nên một sự bế tắc, một khối “nghi lớn”. Khối nghi lớn này là “điều kiện cần” để dẫn đến sự bừng vỡ, khai thông tiềm lực vô biên của trí tuệ, khiến độc giả lĩnh hội trực tiếp được thông điệp của tác giả. Đây là một điểm đặc thù của văn học Phật giáo.

Dưới nhãn quan của các tác giả, ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học Phật giáo Thiền tông được xem như một “pháp” bình đẳng với các “pháp khác”, vượt ra ngoài mọi quy ước về mặt ý nghĩa tạo nên một kiểu ngôn ngữ nghệ thuật mới: ngôn ngữ Thiền, một loại siêu ngôn ngữ. Bước đột phá quan niệm nghệ thuật về ngôn ngữ này bổ túc cho sự bất toàn của ngôn ngữ trong việc phản ánh, biểu hiện, tái tạo hiện thực khách quan và nhất là chiều sâu vô tận của tâm hồn của con người thật trong con người, mà ngôn ngữ thông thường khó có thể thể hiện được, nếu không muốn nói là không thể hiện được. Thứ siêu ngôn ngữ này không những khắc phục được những giới hạn tất yếu của ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng trong phạm vi ý nghĩa vốn có, mà còn mở rộng khả năng biểu hiện của ngôn ngữ đến mức tối đa, phát huy công năng của ngôn ngữ nghệ thuật đến vô giới hạn. Chỉ với siêu ngôn ngữ này mới có thể đáp ứng được được nhu cầu phản ánh biểu hiện sự muôn màu muôn


vẻ của cuộc sống, mà chiều sâu bí ẩn của tâm hồn người là mảnh đất màu mở nhất. Chúng tôi nghĩ rằng, con người thật trong con người ngôn ngữ thiền là những đối tượng đặc biệt rất cần được giới nghiên cứu văn học chú ý một cách nghiêm túc, hầu làm cho đời sống văn học càng thêm đa dạng, phong phú.

3.3.1. Thiền ngữ

Tôn chỉ của Thiền tông là không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo; Chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật (Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền; Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật), cho nên trong những tác phẩm văn học mà tác giả là thiền sư hoặc chịu ảnh hưởng Thiền Phật thì nếu chúng ta chấp vào ngôn ngữ theo nghĩa thông thường thì không thể nào đạt đến thông điệp thật sự mà tác giả muốn gửi gắm. Nghĩa là loại ngôn ngữ này được nhìn nhận trong bản thể của chúng, thấu rõ thật tính của chúng. Nó cũng là một “pháp” bình đẳng với các pháp khác, thật tướng của các pháp không khác thật tướng của ngôn ngữ.

Chúng ta cùng đọc một đoạn đối thoại giữa thiền sư và đồ đệ trong chương Ngộ thanh:

徒弟又白師言:理不可盡循,欲還可盡斷麼?

師言:不斷斷,斷不斷.滾滾水流,流去涸.星星火樸,樸來烘.徒弟白師言:何水非水?

師答言:看水是水,不是真水.又白:何火非火?

:看火是火,乃是膺火.眞水能溫,眞火能寒.是故有欲者無欲,無欲者有欲. [175,tr.134]

Đồ đệ hựu bạch sư ngôn: Lý bất khả tận tuần, dục hoàn khả tận đoạn ma? Sư ngôn: Bất đoạn đoạn, đoạn bất đoạn. Cổn cổn thuỷ lưu, lưu khứ hạt, tinh tinh hoả phác phác lai hồng.

Đồ đệ bạch sư ngôn: Hà thuỷ phi thuỷ?

Sư đáp ngôn: Khán thuỷ thị thuỷ, bất thị chân thuỷ. Hựu bạch: Hà hoả phi hoả?

Viết: Khán hoả thị hoả, nãi thị ưng hoả. Chân thuỷ năng ôn, chân hoả năng

hàn. Thị cố hữu dục giả vô dục, vô dục giả hữu dục. [158,tr.139-140]

(Tạm dịch: Học trò lại thưa với thầy rằng: Lý không thể noi theo hết được, còn ham muốn có thể cắt đứt hết được không?

Thầy trả lời: Không cắt thì đứt, muốn cắt đứt thì không đứt. Nước chảy cuồn cuộn, chảy hoài sẽ cạn. Lửa cháy lốm đốm, dập thì cháy bùng lên.


Học trò thưa tiếp với thầy: Có nước gì không phải là nước không? Thầy nói rằng: Nếu nước được xem là nước thì không phải nước thật. Trò lại hỏi: Có lửa gì không phải là lửa không?

Thầy đáp: Nếu lửa được xem là lửa thì đó là lửa giả. Nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được. Cho nên người nào có ham muốn thì không ham muốn, ai không có lòng ham muốn thì ham muốn.)

Về đoạn này, trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang cho rằng: “Ngôn ngữ ở đây có dáng dấp ngôn ngữ Bát nhã trong kinh Kim cang. Tiếc thay Hải Lượng đã không dùng biện chứng Trung quán của Long Thọ để chứng minh cho điều mình nói. Câu nói: Diệt hết thì không hết, không diệt hết thì hết, mang tính cách của quan niệm vô phân biệt và vô đắc, quả là lời nói có chất Thiền.” [107,tr.666]

Thiền ngữ được tác giả sử dụng trong đoạn đàm thoại trên có thể nói là một loại hình ngôn ngữ vô cùng đặc biệt, xuất phát từ nội tâm hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt, không còn phiền não nhiễm ô, chỉ có trong Thiền tông Phật giáo. Người sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ này phải là người đã vượt ra ngoài sự trói buộc của ngữ nghĩa lôgic thông thường, xa rời sự ảnh hưởng của ý thức nhị nguyên, thoát ly mọi ý niệm phân biệt, siêu việt mọi cấu trúc ngôn từ, với mục đích duy nhất là dồn ép người nghe vào tuyệt lộ của tư duy lôgic, khai thông dòng thác trí tuệ vô biên, năng lực vô hạn vốn có của con người, mà từ lâu đã bị vô minh tham dục làm tắt nghẽn, không thông. Thiền ngữ này không khác gì luồng gió mạnh thổi tan mây đen mù mịt khiến cho mặt trời trí tuệ hiển lộ chiếu soi khắp các chỗ.

Ở đây các từ phủ định rất được các tác giả ưu ái. Chỉ trong một đoạn đối thoại mấy dòng, mà chữ bất được dùng 4 lần, chữ phi dùng 2 lần, chữ dùng 2 lần. Các cặp từ tương phản, nghịch nghĩa cũng được tận dụng như: thuỷ / hoả;hữu / vô; ôn / hàn; thị / phi.

Phương pháp lặp từ, láy từ cũng được các tác giả dùng nhiều như: “” đoạn,

” dục, “” phác, “” hoả, “” thuỷ; “滾滾” cổn cổn, “星星” tinh tinh.

Loại câu hỏi, và từ dùng để hỏi cũng đã xuất hiện nhiều trong tác phẩm, ví dụ

như: 理不可盡循欲還可盡斷麼? Lý bất khả tận tuần, dục hoàn khả tận đoạn ma?;

何水非水? Hà thuỷ phi thuỷ?; 何火非火? Hà hoả phi hoả?

Bên cạnh, để nhằm đạt được mục tiêu thúc bách, dồn ép giúp người nghe bừng vỡ, khai thông tuệ giác thì việc dùng các từ phủ định, câu phủ định, câu hỏi, lặp từ, láy từ là những phương tiện rất hữu hiệu.

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí