Bút Pháp Luận Thuyết Bậc Thầy Trong Tác Phẩm


Trần Đình Sử cho rằng:

“Luận là thể văn nhằm phân tích sự lý, phán đoán đúng sai; là tổ chức, sắp xếp các ý kiến để làm sáng tỏ một đạo lý nào đó; là thứ tự, sắp xếp các lý lẽ cho có thứ tự không bị sơ hở thì thành ý không bị sụp đổ; Thuyết cũng thuộc loại biện, luận, nhưng nặng về giải thích, người xưa dùng để giải thích kinh nghĩa. Ví dụ như Thuyết quái trong Chu Dịch, Thi thuyết của Hàn Anh.” [203,tr.300-301]

Về mặt hình thức, các tác phẩm thuộc thể loại luận thuyết dung hợp cả biền văn, tản văn và vận văn tạo nên bộ mặt riêng, trong đó vừa có tự sự, triết lý vừa trình bày, lý giải, vừa có cảm xúc trữ tình. Nội dung của thể loại này thường đề cập đến các tư tưởng Phật - Đạo - Nho [134,tr.148-149]. Chính vì vậy, mà Nguyễn Huệ Chi xếp luận thuyết tôn giáo vào loại tạp văn. [295,tr.49-187].

Ở Việt Nam, mặc dù Luận là thể văn dùng trong thi Hội, nhưng thực tế thì ít được chú trọng sử dụng và các bài luận hay không nhiều. Hà Văn Tấn khẳng định “Tổ tiên ta ít làm lý luận. Không phải không có nhưng rất ít.” [208,tr.56]

Cho đến hiện nay, chúng ta thấy có Lý hoặc luận của Mâu Bác viết khoảng những năm từ 195-198, là tác phẩm đầu tiên của thể loại luận thuyết tôn giáo trong văn học Phật giáo Việt Nam. Mâu Bác trong Lý hoặc luận đã bàn về những vấn đề có liên quan đến tư tưởng Phật - Đạo - Nho. Lý hoặc luận gồm có 37 điều: 03 điều đầu trình bày tư tưởng Phật giáo; 8 điều luận về Lão; 01 điều tổng kết, còn lại 25 điều tập trung luận giải về mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Theo một số thư tịch cũ có nhắc đến Đạo Cao pháp sư tập của Đạo Cao viết khoảng năm 450-460, lý giải về vấn đề mối quan hệ giữa Phật - Đạo - Nho nhưng tác phẩm này hiện nay chưa tìm thấy. Đến đời Lý, chúng ta vẫn chưa thấy nhiều tác gia sử dụng thể loại này sáng tác. Hiện nay, chỉ còn vài đoạn viết về Tâm pháp nhất như của thiền sư Cứu Chỉ, thuyết Tam ban của Ngộ Ấn thuộc thể loại luận thuyết tôn giáo; còn mấy đoạn văn của thiền sư Vạn Hạnh khuyên vua Lý Thái Tổ nên thuận theo lòng dân mà lên ngôi vua; thiền sư Trí Thiền ở thế kỷ XII luận về Phật - Nho nhất trí; thiền sư Viên Thông sử dụng lập luận nhà Nho mà đề xuất phương cách trị loạn với vua Lý Thần Tông; thiền sư Nguyễn Thường viện dẫn triết lý Nho gia khuyên vua Lý Cao Tông không nên say mê dục lạc, mà chuyên tâm xử lý việc nước, nhà nho Đàm Dĩ Mông dùng lý thuyết nhà Nho đả kích Phật giáo, dùng kinh Bát nhã thuyết phục Lý Cao Tông sa thải bớt tăng đồ. Những đoạn văn vừa kể trên đều là luận thuyết chính trị, chứ chưa phải là luận thuyết tôn giáo.


Thể loại luận thuyết tôn giáo đạt được những thành tựu đáng kể vào đầu đời Trần với những tác phẩm bề thế và đặc sắc. Trần Thái Tông viết Khoá hư lục, Thiền tông chỉ nam (tác phẩm này chưa tìm được, chỉ còn bài Tựa); Trần Nhân Tông viết Tăng già toái sự (chưa tìm được); Pháp Loa Đồng Kiên Cương viết Đoạn sách lục, Tham thiền yếu chỉ (chỉ còn vài đoạn).

Ngoài ra, còn có những tác phẩm Phổ thuyết (là tiểu loại thuộc thể loại luận thuyết tôn giáo) như: Phổ thuyết Tứ sơn, Phổ thuyết Sắc thân, Phổ khuyến phát bồ đề tâm văn, Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ của Trần Thái Tông; Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, Trúc Lâm đại tôn giả thượng toà thính sư thị chúng, Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết, Yếu minh học thuật của Pháp Loa Đồng Kiên Cương. Tiểu loại Phổ thuyết này dựa trên sự kế thừa, dung hợp các thể tài văn học Phật giáo truyền thống như kệ tụng, ứng tụng, truyền tụng nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến rộng rãi Phật giáo cho phù hợp với tất cả mọi đối tượng quần chúng. Sau đó, Toàn Nhật viết Tam giáo nguyên lưu ký, Trịnh Tuệ viết Tam giáo nhất nguyên thuyết, Lê Quý Đôn viết thiên Thiền dật trong Kiến văn tiểu lục, Quần thư khảo biện

Tóm lại, thể loại luận thuyết tôn giáo (luận thuyết triết lý) là một thể loại rất đắc địa trong việc hoằng dương Phật pháp, nên cần có sự quan tâm nghiên cứu cả chiều rộng lẫn chiều sâu để vận dụng cho phù hợp trong đời sống hiện đại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

3.1.2. Bút pháp luận thuyết bậc thầy trong tác phẩm

Trong phần Chính văn của chương Định thanh, để làm rõ luận điểm “Nho - Phật nhất trí”, thiền sư Hải Lượng dùng phương thức so sánh, luận giải về chữ kỷ và chữ nhân theo quan niệm của hai nhà. Chữ kỷ được hiểu là 自 己 , chữ nghĩa là 他 人 tha nhân. Tác giả đưa ra các khái niệm về 君 子 釋 quân tử Thích, 小 人 釋 tiểu nhân Thích, 君 子 儒 quân tử Nho, 小 人 儒 tiểu nhân Nho. Thật ra các

Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 16

khái niệm về quân tử và tiểu nhân là các khái niệm của nhà Nho. Hải Lượng nói rằng: “Nho quân tử thì vị kỷ (vì mình), Nho tiểu nhân thì vị nhân (vì người). Còn Thích quân tử thì vị nhân (vì người), Thích tiểu nhân thì vị kỷ (vì mình)” [trang 236]. Mới nhìn trên mặt chữ thì thấy hai đàng rất mâu thuẫn, trái ngược với nhau, nhưng thật sự chúng không những không mâu thuẫn mà hoàn toàn thống nhất với nhau. Bởi vì, mỗi nhà đứng ở mỗi góc độ khác nhau mà nhìn nhận chữ “nhân” và chữ “kỷ”.

Tác giả phần Chính văn giải thích rõ:

Nhà Nho bàn về chữ kỷ và chữ nhân là nhìn nhận về mặt tâm tính. Thích quân tử xả kỷ (quên mình) để cứu vớt người, còn Thích tiểu nhân doạ người để nuôi mình. Đứng về mặt dục mà phân chia, thì chữ nhân và chữ kỷ


đàng này (Phật) so với chữ nhân và chữ kỷ đàng kia (Nho) công phu và tác dụng không giống nhau, nhưng quy kết lại về tâm tính thì chỉ một mà thôi.” [175,tr.236]

Bất luận là Thích hay Nho, xét về mặt , thì vị kỷ quân tử, vị nhân tiểu nhân vì người quân tử luôn luôn phản quang tự kỷ, kiểm soát mọi hành động, cử chỉ, lời nói, suy nghĩ của bản thân mình từng giây từng phút không để cho sai phạm lỗi lầm; ngược lại kẻ tiểu nhân chẳng những không lo tu dưỡng bản thân mà còn xoi mói chỉ trích người khác. Đứng trên góc độ dục, thì vị kỷ là tiểu nhân, vị nhân chính là quân tử, bởi vì tiểu nhân chạy theo ham muốn, hưởng thụ dục lạc cá nhân; còn người quân tử thì lo nghĩ cho bá tính thiên hạ có được sự ấm no, hạnh phúc, an vui chứ không bao giờ suy tính tư lợi cho bản thân mình.

Hải Âu hoà thượng trong phần thanh chú, hoá giải nghi ngờ về chữ trụ trong

kinh điển Phật giáo, nhằm làm rõ thêm cái ý không nên dính mắt vào ngôn ngữ của thiền sư Hải Lượng. Ngay cả cùng một chữ trụ (dựa vào) trong cùng một hệ

thống kinh điển Phật giáo, nhưng mỗi trường hợp, mỗi đối tượng khác nhau thì ý nghĩa cũng khác nhau: “Kinh Kim cang nói: Không nơi dựa vào bất kỳ cái gì mà sinh lòng; Kinh Lăng Nghiêm thì nói: Dựa là chủ, không dựa là khách. Chữ dựa ở đây (kinh Lăng Nghiêm) và chữ dựa kia (kinh Kim cang) không giống nhau” [175,tr.238].

Tức là tác giả đã luận giải rõ ràng, khiến người nghe hiểu ra một một vấn đề rất lớn, mang tính phổ biến của thời đại là không thể nhìn bề ngoài, nhìn trên mặt chữ nghĩa thấy khác nhau thì cho rằng Phật - Nho mâu thuẫn trái nghịch nhau, mà phải nhìn nhận một cách thấu triệt và toàn diện.

Hải Huyền Ngô Thì Hoàng dẫn giải rất khúc chiết sự nhất quán của Nho - Thích trong phần thanh dẫn của chương Nhất thanh rằng:

Nhất là tinh nhất không tạp, là hợp tất cả muôn việc trong thiên hạ lại làm một. Ý nghĩa ấy bao hàm rất rộng. Thái cực tóm âm dương lại làm một, âm dương tóm ngũ hành lại làm một. Đạo lý xoay vần, đi đâu mà chẳng phải là một (nhất). Nhà Nho nói: Lý không có hai bên đều phải, không có hai phải tức là một vậy. Thích nói: không có hai pháp môn, không có hai cũng tức là một vậy… Chương này đem Nho và Thích đúc lại làm một, đó là chỗ tâm đắc và nhất quán của đại thiền sư, phát huy ra hai mươi bốn thanh, là một áng văn chương cao cả, một pho nghị luận lớn lao, nào phải lấy ống hóp mà nhìn, lấy vỏ hến mà đong được?” [175,tr.272].


Ông còn dẫn chứng câu nói của Khổng Tử trong sách Sử ký, thiên Khổng Tử thế gia: “Người đời biết đến ta do sách Xuân Thu chăng, mà buộc tội ta cũng do sách Xuân Thu chăng?” [175,tr.272]. Để xác định lời của Hải Lượng thiền sư: “Nghìn năm sau hẳn có kẻ hỗn Thích và Nho lại làm một mà chê bai ta.” [175,tr.272]. Chính vì mục đích ngăn ngừa sự hiểu lầm của những người có tầm nhìn thiển cận về tư tưởng và tôn chỉ của Hải Lượng, nên Hải Huyền đã ngăn chặn sự chỉ trích của người sau bằng cách tiên đoán trước rằng sẽ có người chê bai và nêu rõ sự lợi hại của sự chê bai một cách cạn cợt: “Những người nào biết thì không chê bai, người nào chê bai tức là không biết” [175,tr.272]. Do ai cũng muốn mình là người hiểu biết, không có ai tự nói mình là người không hiểu biết, cho nên chẳng ai chê bai cả.

Cũng trong chương này, tác giả phần Chính văn khẳng định sự tôn quý và vi diệu của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) rằng: “Nếu không đủ cả tinh lẫn thô, thì không thể nói đến Phật được; không hiểu rõ cả thể lẫn dụng thì không nói đến Pháp được; không biết tường tận từ gốc đến ngọn, thì không thể nói đến Tăng được.” [175,tr.272]

Tam bảo là ba ngôi quý báu của nhà Phật gồm Phật, Pháp và Tăng. Phật là người giác ngộ hoàn toàn, có phước đức và trí tuệ đầy đủ; Pháp là những lời dạy của Phật và những đệ tử đã giác ngộ, là phương pháp tu hành nhằm thoát khỏi khổ đau đạt đến giác ngộ an lạc; Tăng là những người xuất gia tu hành, thực hành lời Phật dạy, đem pháp của Phật truyền dạy lại cho tất cả chúng sinh. Ở đây Hải Lượng thiền sư xác định sự tôn quý của Tam bảo theo thiên hướng trí tuệ.

Chương Biểu lý thanh, các tác giả luận về phương pháp học hiệu quả mới dung thông được Phật - Nho một cách cụ thể:

“Đời xưa, người ta bẩm sinh thuần tuý, vô luận học Nho, học Phật đều là trước mà sự sau; đời nay thì lại sự trước mà lý sau. [cái học] Từ chương, chay cúng là thuộc về sự, học giả bỏ lý mà chạy theo sự thì cái hại không kể xiết.[175,tr.290]

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, thì:

“Lý là đạo lý, tức phép tắc làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, biến hoá của

tất cả sự vật. Lý đối lập với sự, là lý chân thật, bình đẳng nhất như, là bản thể của vạn tướng sai biệt.” [10,tập 3,tr.2416]

“Sự là tất cả các pháp hữu vi do nhân duyên sinh, tức muôn nghìn hiện

tượng sai biệt trong vũ trụ.” [10,tập 4,tr.4012]


“Sự lý 事理 là sự tướng và lý tính: Sự tướng là do mê tình của phàm phu chấp trước gọi là sự, chân lý là do tri kiến của bậc thánh thông đạt gọi là lý.

Trong sự tương quan giữa bản thể hiện tượng và bản thể thì hiện tượng sự pháp sai biệt trong vạn tượng gọi là sự, bản thể của các hiện tượng này là lý.” [10,tập 4,tr.4014]

Hải Lượng luận rõ thứ tự của sự học rất chí lý:

Nho gia học theo lối từ chương, Thích gia học theo kiểu chay cúng, đó là chạy theo lối dị đoan vậy. Cái đoan (hệ thống) trong lý lẽ của Phật Thánh nào có dị (khác) với nhau bao giờ. Nhưng từ chương hay chay cúng đều là cái thô của Nho và Thích. Nếu không bắt đầu từ cái thô thì lý lẽ cái tinh người ta không tự thâm nhập được.” [175,tr.290]

Hải Huyền cho rằng người học Nho - Phật muốn đạt kết quả tốt cần phải thấu suốt từ trong ra ngoài, từ gốc đến ngọn:

Học giả phải thấu suốt từ ngoài (biểu) vào trong (lý), để mà học Nho thì phải theo đuổi việc Cách trí thực chính không câu nệ vào từ chương; để mà học Phật thì phải từ Định tuệ giải thoát mà vào nơi huyền diệu, không thiên về chay cúng. Nếu được như thế thì cách đạo không xa.” [175,tr.290]

Để biện minh cho người học thấy được, mới nhìn thì tưởng như Phật - Nho khác nhau, nhưng đó chỉ là bề ngoài, còn bản chất thì không khác. Cũng vậy, đâu phải mặc áo, đội mũ nhà Chu thì là chân Nho, đâu phải khoác nâu sồng, mặc cà sa là chân Phật? Ngô Thì Hoàng nói:

“Áo quần kiểu cách, chỉ là trang sức bề ngoài, đạo đức nhân nghĩa mới là cái bản chất bên trong. Người quân tử nên làm cho cái bên trong trong sáng, không nên tìm kiếm cái gì bên ngoài.” [175,tr.318]

Thiền sư Hải Lượng khẳng định, bản ý chân chính của Phật Thánh là cứu vớt chúng sinh chứ không phải những hình thức bên ngoài:

“Người Bắc Địch mặc áo lông, người Đông Di mặc cái bố quàng lưng ngựa, người Nam Man mặc áo cỏ, không giống với người Trung Quốc, nhưng trong đó há lại không có đấng hào kiệt thánh hiền nào ư? Họ Thích mặc cà sa, đại để là theo cái tục của họ, chứ không phải là cái còn lưu giữ được của ý Phật.” [175,tr.319]

Bút pháp luận thuyết được Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích sử dụng rất hiệu quả trong lời Tựa của Đại chân Viên giác thanh. Với bố cục rất chặt chẽ, luận cứ xác đáng, thứ tự minh bạch, không có sơ hở, ông bắt đầu lời tựa bằng cách khái quát về


thể dụng của âm thanh để dẫn vào ý nghĩa của đạo; ông chỉ ra mục đích chính yếu của Phật giáo, rồi trích lời của Khổng Tử để tạo lập cơ sở vững chắc cho quan điểm Phật - Nho nhất trí, mà các tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanhhướng đến. Ông phân tích nguyên nhân sai lầm của một số Nho sĩ đả kích Phật giáo:

Học giả (Nho sĩ) ở đời, hay câu chấp bề ngoài nông cạn, ngày ngày đả kích nhà Phật, đến nỗi Nho và Phật đối lập nhau và đạo Nho chu lưu bàng bạc khắp trời đất lại thành ra chia rẽ môn đình với đạo Phật. Như thế [họ] chỉ biết xoi mói ngọn ngành của sự vật chứ không phải tìm tòi những cứu cánh và chỗ quy kết của nó. [Rốt cục] kẻ Phù người Ất [cãi vã] nhao nhao, vẫn không nhận ra chim Hồng! Ý kiến đã hẹp hòi, lại tích tụ thành tập quán lâu dài và sâu sắc. [169,tr.142]

Luân hồi là một trong những phạm trù cơ bản của giáo lý nhà Phật, là một mắt xích trọng yếu giải thích triết lý nhân quả. Tăng Hải Hoà sắp xếp các lý lẽ một cách hợp lý không có sơ hở nhằm biện giải chi li về điều này như sau:

Vật gì tròn thì lăn chạy, vật gì vuông thì dừng, dừng thì đứng yên một chỗ không thể di động. Lăn chạy thì có chỗ bắt đầu và có chỗ kết thúc, kết thúc rồi lại bắt đầu, xoay quanh vận chuyển, không ngừng một giây một phút nào. Cái bánh xe vì tròn cho nên xoay được, cái vòng cũng tròn, cho nên ven theo được. Tròn thì trí không gì là không thông, còn hành thì không gì bị ngăn trở. Kiếp người có sinh có hoá, lúc đầu thì thác vào thai mà sinh ra, sinh ra rồi lớn lên, lớn lên thì già đi, già đi rồi sẽ chết, chết rồi nhưng tinh thần không mất, lại thụ hình mà sinh ra. Người ta có nghèo khó, nghèo khó thì phải cần kiệm, cần kiệm thì trở nên phú quý, phú quý thì sinh ra kiêu sa, kiêu sa thì trở lại nghèo khó. Người hữu đạo thì sinh ra làm người, không làm điều gì ác, chăm làm mọi điểu thiện, khi chết không rơi vào ma chướng, kiếp trước làm người, kiếp sau cũng làm người, phú quý mà vẫn cần kiệm, giữ khỏi cảnh nghèo, ngày nay phú quý, ngày mai lại phú quý, [người hữu đạo] xoay vòng như thế. Người nào vô đạo thì kiếp trước làm người, kiếp sau làm súc sinh, xoay vòng sao được? Cái thuyết xoay vòng của thầy ta, thật từ Thích Ca lại đây lại chưa từng có ai phát hiện ra. [175,tr.390]

Đây là một vấn đề rất khó thuyết phục người nghe, vì là những vấn đề nằm ngoài sự thấy nghe bằng trực quan, lại liên quan đến sự chết và tái sinh kiếp sau. Hải Hoà rất khéo léo tổ chức ý tưởng chặt chẽ, dẫn giải từ những cái cụ thể làm cơ sở, rồi mới đi dần vào cái khó hiểu để luận giải những vấn đề có quan hệ mật thiết đến đời


sống con người như: giàu nghèo, sống chết. Không những thế, ông còn chỉ ra nguồn gốc của sự giàu nghèo, sang hèn, làm cho người nghe dễ chấp nhận.

Còn Hải Lượng thì luận giải thuyết luân hồi bằng cách đơn giản hoá, cụ thể hoá, hiện thực hoá vấn đề khó hiểu này:

Một năm có cái xoay vòng của một năm, một tháng có cái xoay vòng của một tháng, một ngày có cái xoay vòng của một ngày. Vì có cái bánh xe cho nên mới vòng, ví như sự quay vòng của nhà Nho, bì là cái vòng nên mới ven theo vòng, không có cái vòng thì không thể ven theo vòng được. Nhà Phật nói bánh xe, nhà Nho nói cái vòng tròn. Cái bánh xe và cái vòng tròn là đạo Trời vậy. [175,tr.386]

Đó cũng là chính là phương thức mà thiền sư Hải Lượng giảng giải về sự tương quan nhân quả của Phật và Nho:

Đây là chữ quả trong quả nhiên, cũng như nhà Nho nói chữ tất trong tất nhiên. Ví như nhà Nho nói nhà nào tích trữ điều thiện, tất nhà ấy có thừa phúc; nhà nào tích trữ điều bất thiện, tất nhà ấy có thừa tai ương. Quả có cái ấy, thì được cái ấy, đó tức là quả. Còn thạc quả tức là công quả, phúc quả nói chung. Vì vậy cho nên, phúc không nên hưởng hết, công không nên kể hết, quả không nên ăn hết. [175,tr.399]

Ông tận dụng ý nghĩa hiển nhiên là như vậy của các từ tất nhiên, quả nhiên để giảng giải về triết lý nhân quả vốn phức tạp, khó thông suốt của hai nhà Phật - Nho, làm cho người nghe dễ dàng hiểu và chấp nhận.

Ngô Thì Nhậm sử dụng một loạt câu phủ định của phủ định nhằm làm sáng tỏ câu hỏi, làm sao mới có thể thành Phật được:

Không có thế lực địa vị thì không thành Phật được; không có tiền tài nữ sắc thì không thành Phật được; không có cung thất đẹp, xe ngựa tốt thì không thành Phật được; không có bề tôi giỏi giang, nô tỳ lanh lợi thì không thành Phật được. [175,tr.260]

Mới nghe tác giả khẳng định: không có thế lực, tiền tài, địa vị, danh vọng, nữ sắc, cung thất, ngựa xe, bề tôi, nô tỳ, không thành Phật được, thì sẽ làm cho người nghe phản ứng, vì nói như vậy hình như không phù hợp với tôn chỉ tu hành khổ hạnh của nhà Phật. Cái hay là ở chỗ này, mà cái chí lý cũng chính là chỗ này. Sự hiểu lầm rất phổ biến rằng, tu hành theo Phật là phải nghèo khổ, bần hàn đã được ông hoá giải. Tu học theo con đường Phật giáo là phước huệ song tu (tu phước đức và trí huệ song song), khi phước đức và trí huệ đạt tới đỉnh điểm, tròn đầy viên mãn thì thành


Phật. Trên lộ trình tu thành Phật, chắc chắn trí huệ và phước đức ngày càng tăng lên, đồng nghĩa với sự tăng lên về địa vị, danh tiếng, tiền tài, thế lực… Nhưng quan trọng ở chỗ là người tu hành chân chính, không tham lam, đắm nhiễm vào những thứ đó như: đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thân là Thái tử sẽ kế vị ngôi vua, mà vẫn quyết tâm xuất gia tu hành, với mục đích tìm ra chân lý cứu khổ chúng sinh; Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ở ngôi cao chín bệ giàu sang phú quý tột bực, nhưng vẫn bỏ ngôi vua, vào núi tu hành, lo cho trăm họ được an cư lạc nghiệp, vui hưởng thái bình, mà không một chút nghĩ riêng cho bản thân. Tức là có mà không chấp trước, dính mắc mới thành Phật được. Thông suốt được ý này, thì thấy được phương pháp lý giải của thiền sư Hải Lượng là rất chí lý. Cho nên tăng Hải Hoà, đã không quá đáng khi cho rằng:

Biết được cái mà người ta nhận ở trời là mệnh, mà Cao sĩ lại chế tác được mệnh, thì người đã thắng trời. Cái mà đời trước chuyển cho đời sau là kiếp, mà Đại sĩ lại hoá được kiếp thì cái sau phản lại cái trước. Giác Hoàng bỏ cái giàu sang phú quý, Chiếc Công bỏ cái nghèo hèn bần tiện, cho nên thành Phật. Sự thẩm xét huyền diệu qua lời chân thật của đại thiền sư ta, đã khiến cho hòn đá cứng cũng phải gật đầu.” [175,tr.264]

Phương pháp phá chấp được thiền sư kế thừa từ kinh Kim cang và vận dụng một cách sắc bén nhằm đả thông trí tuệ cho người học. Phá chấp là nội dung quan trọng của kinh Kim cang nói riêng, của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông nói chung. Đức Phật thường nói:

Nhữ đẳng tỳ kheo! Tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả; Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp. (Tỳ kheo các ông, nên biết pháp ta nói ra ví như chiếc bè dùng để qua sông; Chính pháp còn phải bỏ đi, huống hồ là phi pháp.) [90]

Khi đọc những pháp ngữ sau của Hải Lượng thiền sư: “Nếu nước được coi là nước, thì đó không phải là nước thật.”; “Nếu lửa được coi là lửa, thì đó là lửa giả. Nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được. Cho nên kẻ nào hữu dục là vô dục, vô dục là hữu dục.[169,tr.152] mà người đọc nếu còn tâm phân biệt, chấp trước thì người ta không thể nào hiểu được. Chỉ có những người ngộ được cái Lý vô chấp, được ý quên lời, tâm không dính mắc, thì mới thấu rõ tâm ý của thiền sư.

3.2. KẾT CẤU TÁC PHẨM

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023