Khái Niệm Tội Trộm Cắp Tài Sản Trong Luật Hình Sự Việt Nam

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo vệ các quan hệ sở hữu, trên cơ sở của Hiến pháp, BLHS đã quy định chương “Các tội xâm phạm sở hữu”. Các tội xâm phạm sở hữu quy định trong Chương XIV BLHS năm 1999 là các tội được sát nhập từ các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa quy định tại Chương IV và các tội xâm phạm sở hữu của công dân quy định tại Chương VI BLHS năm 1985 do yêu cầu của tình hình phát triển xã hội. Việc sát nhập này, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về mặt pháp lý là không có sự phân biệt đối với các thành phần kinh tế trong xã hội. Mặt khác, nó cũng đáp ứng được yêu cầu do thực tiễn xét xử đặt ra trong những năm qua, nhiều hành vi xâm phạm tài sản của các đơn vị kinh tế thuộc sở hữu chung của nhiều thành phần kinh tế như: Công ty cổ phần, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết... nhưng không thể xác định người phạm tội xâm phạm tài sản thuộc sở hữu thuộc về thành phần kinh tế nào, nên việc định tội và quyết định hình phạt không chính xác [28, tr. 2].

Dưới góc độ khoa học pháp lý hình sự, các tội xâm phạm sở hữu được khái niệm như sau: “Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cơ quan, tổ chức và của công dân” [28, tr. 4].

1.1.2. Khái niệm tội trộm cắp tài sản trong luật hình sự Việt Nam

Tội phạm là một hiện tượng tiêu cực nhất trong xã hội. Theo quy định tại Điều 8 BLHS năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì tội phạm được định nghĩa như sau:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị,

chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa [32, Điều 8].

Khái niệm tội phạm phản ánh những đặc điểm cơ bản: tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi và phải xâm phạm đến các quan hệ xã hội được BLHS bảo vệ.

Tội trộm cắp tài sản ngoài những dấu hiệu pháp lý hình sự nói chung thì còn có những đặc điểm riêng biệt của nó. Để đưa ra khái niệm đầy đủ về tội trộm cắp tài sản thì chúng ta lần lượt đi vào phân tích các đặc điểm pháp lý của tội phạm này. Cụ thể bao gồm các đặc điểm sau:

Thứ nhất, hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách lén lút

Đặc điểm riêng biệt có tính đặc thù của tội "trộm cắp tài sản" là hành vi “lén lút”, không có việc lén lút thì không phải là trộm cắp. Nếu một hành vi chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản thì không thể coi đó là hành vi trộm cắp, mà hành vi trộm cắp phải được thực hiện một cách lén lút, vụng trộm đối với chủ tài sản. Theo từ điển Tiếng Việt giải nghĩa từ “lén lút” là hành vi: cố giấu diếm, vụng trộm không để lộ ra do có ý gian. Trong tội "trộm cắp tài sản", hành vi “lén lút” chiếm đoạt tài sản có đầy đủ những dấu hiệu này, thiếu một trong những dấu hiệu đó sẽ không thể hiện được bản chất của sự "lén lút", bởi nếu làm một việc quang minh thì không bao giờ phải lén lút. Nói cách khác, "lén lút" là hành vi của một người cố ý thực hiện một việc làm bất minh, vụng trộm, giấu diếm không để lộ cho người khác biết, nhằm mục đích chiếm đoạt trái phép tài sản của họ [11, tr. 1].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.

Hành vi "lén lút" ở đây không nhất thiết là việc làm mà không ai biết, nó có thể được thực hiện một cách giấu diếm, vụng trộm, nhưng cũng có thể được thực hiện một cách công khai, giữa nơi đông người. Tuy nhiên, việc giấu diếm hay công khai thì chúng đều có một đặc điểm chung, đó là sự “lén lút” với chủ tài sản. Bởi nếu không "lén lút" với chủ tài sản thì hành vi của họ sẽ không còn là phạm tội "trộm cắp tài sản" nữa.

Thứ hai, đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành trộm cắp

Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu xét xử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) - 3

Đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi trộm cắp là chủ sở hữu và người quản lý tài sản

- Chủ sở hữu tài sản: theo quy định tại Điều 164 BLDS 2005 thì “quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản”. Hay nói một cách khác, chủ sở hữu là người có quyền: tự nắm giữ, quản lý, chi phối tài sản theo ý mình mà không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian; có quyền khai thác các công dụng, lợi ích, giá trị của tài sản và quyết định về số phận của tài sản đó.

- Người quản lý tài sản: là người đang nắm giữ hoặc trông coi tài sản, họ không phải là chủ sở hữu tài sản nên họ không có được đầy đủ ba quyền năng của chủ sở hữu. Vì vậy, người quản lý tài sản không được định đoạt tài sản. Họ có thể được định đoạt tài sản trong phạm vi ủy quyền của chủ sở hữu. Xét dưới góc độ pháp lý thì người quản lý tài sản được chia ra hai trường hợp là quản lý tài sản hợp pháp và quản lý tài sản bất hợp pháp.

Người quản lý tài sản hợp pháp: là trường hợp người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản một cách hợp pháp; hoặc tuy không phải do chủ sở hữu giao cho nhưng việc sử dụng, quản lý tài sản được coi là hợp pháp (VD: Trường hợp con lấy xe máy của bố để đi chơi mà không hỏi ý kiến…);

người được người quản lý hợp pháp tài sản, giao tài sản cho để trông giữ; hoặc người phát hiện và thu giữ các tài sản vô chủ, tài sản bị bỏ quên, chôn giấu, chìm đắm… phù hợp với các điều kiện pháp luật quy định; hay các trường hợp quản lý tài sản theo quyết định, mệnh lệnh của cơ quan Nhà nước (VD: Các trường hợp thu giữ, tịch thu các tài sản là tang vật trong vụ án hình sự…) [11, tr. 2].

Người quản lý tài sản không hợp pháp: xét về góc độ quyền sở hữu, thì đây là trường hợp chiếm hữu bất hợp pháp trong quyền chiếm hữu tài sản, trong đó có cả chiếm hữu tài sản bất hợp pháp ngay tình và không ngay tình. Một số trường hợp sau đây được coi là người quản lý tài sản không hợp pháp:

+ Người có được tài sản do phạm tội mà có;

+ Người cố ý mua tài sản do người khác phạm tội mà có;

+ Người có được tài sản do hành vi gian dối, do vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức là tội phạm hình sự…

Đây chỉ là một số những trường hợp điển hình, còn trong thực tế thì có vô số sự biến tướng của dạng người này. Tuy nhiên, chúng có một đặc điểm chung nhất, dễ nhận biết nhất là: việc chiếm hữu, quản lý tài sản không hợp pháp và không được pháp luật thừa nhận. Nhưng trong pháp luật hình sự, mà cụ thể là trong tội "trộm cắp tài sản", thì những người này trở thành đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút, bởi tại thời điểm đó, họ là người đang nắm giữ tài sản [11, tr. 2].

Thứ ba, vào thời điểm mất tài sản, chủ tài sản không biết

Tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản không biết mình đã bị mất tài sản.

Việc không biết bị mất tài sản có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, như:

+ Không có mặt tại nơi để tài sản;

+ Thủ đoạn và phương pháp tinh vi của người phạm tội làm cho chủ tài sản không biết được việc mình bị mất tài sản;

+ Do lâm vào tình trạng không có khả năng để biết, như: bị tai nạn ngất, bị chết…

Việc xác định “tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản có biết hay không” là vấn đề cần thiết phải làm rõ, bởi nó liên quan đến bản chất của hành vi chiếm đoạt. Nếu tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản biết việc tài sản của mình bị người khác chiếm đoạt, thì rất có khả năng là người chiếm đoạt không có ý định che dấu hành vi phạm tội của mình đối với chủ tài sản. Và như vậy, vấn đề có hay không có dấu hiệu “lén lút” cần phải đặt ra trong trường hợp này khi định tội danh [11, tr. 2].

Thứ tư, đặc điểm về tài sản bị trộm cắp

Theo quy định tại Điều 163 BLDS thì “tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”

Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản, mà chỉ những tài sản thuộc các trường hợp sau mới là đối tượng tác động của loại tội phạm này. Trước hết, về mặt vật lý, tài sản là đối tượng tác động của tội “trộm cắp tài sản” phải là một dạng vật chất cụ thể và tồn tại dưới dạng là một động sản; Là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước; Là tài sản phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý tài sản; Là tài sản có giá trị hoặc giá trị sử dụng; Tài sản do chiếm hữu không hợp pháp. Ví dụ như: Tài sản do phạm tội mà có; tài sản có được do mua nhầm của kẻ gian…[11, tr. 3].

Để xây dựng được khái niệm tội trộm cắp tài sản cần xuất phát từ khái niệm tội phạm nói chung và những đặc điểm riêng của tội trộm cắp đã được phân tích trên, cũng như tham khảo từ những nghiên cứu trước đó.

Theo từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, trộm cắp tài sản được hiểu là “hành vi lén lút bí mật đối với người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản”

Theo Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm) do GS.TSKH. Lê Cảm chủ biên thì để đưa ra được khái niệm tội trộm cắp tài sản, cần khẳng định tội trộm cắp tài sản phải thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm, tức là thể hiện ba bình diện với năm đặc điểm của nó là: bình diện khác quan - tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội; bình diện pháp lý - tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự; bình diện chủ quan - tội phạm là hành vi do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi [6, tr. 105].

Còn theo Ths Đinh Văn Quế thì “Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản” [28, tr.116]. Theo khái niệm này thì chưa chỉ ra được khách thể cũng như chủ thể của tội trộm cắp tài sản.

Tại Điều 138 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tội trộm cắp tài sản như sau:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm… [32, Điều 138].

Từ sự phân tích ở trên, thì tác giả đưa ra khái niệm tội trộm cắp tài sản nư sau: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”

1.1.3. Sự cần thiết của việc quy định tội trộm cắp tài sản trong luật hình sự Việt Nam

Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi vi phạm pháp luật hình sự xuất hiện rất sớm trong đời sống xã hội. Điều này được thể hiện qua các văn bản của nhà nước phong kiến điều chỉnh các hành vi trộm cắp tài sản. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, chú trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nắm bắt kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đề cao ý thức cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, tình hình trộm cắp tài sản có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thủ đoạn gây án của tội phạm trộm cắp ngày càng táo bạo, liều lĩnh, có tính chuyên nghiệp ngày càng cao và hoạt động lưu động trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn. Thực trạng này đã trở thành vấn đề bức xúc cho người dân. Do đó, tội trộm cắp tài sản là một trong những tội phạm nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu và nó cần thiết được ghi nhận trong trong luật hình sự Việt Nam để kịp thời xử lý những người có hành vi trộm cắp tài sản của người khác nếu đáp ứng các điều kiện nhất định. Cụ thể, tội trộm cắp tài sản được quy định ngay trong các văn bản của các triều đại phong kiến, tiếp đến là BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và hiện nay là BLHS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, là một trong các tội thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu, tạo cơ sở pháp lý cho việc điều tra, truy tố, xét xử, bảo vệ tài sản của Nhà nước, công dân.

Và để cụ thể hóa quy định về tội trộm cắp tài sản tại Điều 138 BLHS năm 1999, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (viết tắt TTLT số 02) ngày 25/12/2001 về

việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP (viết tắt NQ số 01) ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS quy định chi tiết một số nội dung nhằm áp dụng một cách thống nhất tội này trong thực tiễn.

Việc xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của BLHS là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm góp phần ngăn chặn và kiềm chế nạn trộm cắp tài sản, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của công dân. Thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS năm 1999 về tội trộm cắp tài sản trong những năm qua cho thấy mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung và đã có văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền nhưng trong qúa trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn gặp một số vướng mắc, lúng túng trong việc xác định tội danh, áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự… Nguyên nhân của tình trạng này một phần do các quy định của pháp luật hiện hành bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Mặc khác, các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng các quy định của BLHS cũng chưa đầy đủ, cụ thể và rõ ràng dẫn đến sự nhận thức và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án. Cần tập trung nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ về mặt lý luận tội trộm cắp tài sản, đồng thời tìm ra những điểm bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về tội phạm này và nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận cũng như thực tiễn trong thời điểm hiện tại và sắp tới.

Xem tất cả 99 trang.

Ngày đăng: 20/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí