phiên tòa đối với các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy cũng cần phải được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục.
Trên thực tế, phần lớn các Hội thẩm nhân dân đều là những người đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, ban ngành tại địa phương nên việc tham gia xét xử các vụ án cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, mức thù lao dành cho Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử các vụ án hiện nay là rất thấp (mức thù lao cho Hội thẩm nhân dân hiện nay là 50.000 đồng/1 ngày). Do đó, các cơ quan công tác của các Hội thẩm nhân dân cần tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, đồng thời chế độ thù lao đối với Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy cũng cần phải được nghiên cứu để nâng lên đến một mức độ phù hợp.
Ngoài ra, kinh phí cho phiên tòa xét xử lưu động đối với các vụ án trọng điểm nói chung cũng cần phải được Nhà nước quan tâm, bổ sung đúng mức và hợp lý (trong trường hợp hoạt động xét xử lưu động vẫn tiếp tục được duy trì như hiện nay). Theo số liệu từ năm 2007, Tòa án nhân dân tối cao ấn định mức kinh phí cấp cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 20 triệu đồng/1 đơn vị/1 năm; mức kinh phí cấp cho Tòa án nhân dân cấp quận, huyện (là thủ phủ của các tỉnh, thành phố) và Tòa án nhân dân các quận, huyện của năm thành phố trực thuộc Trung ương là 15 triệu/1 đơn vị/1 năm; mức kinh phí cấp cho các Tòa án nhân dân cấp quận, huyện còn lại là 12 triệu/1 đơn vị/1 năm.
Như vậy, kinh phí được cấp và sử dụng cho việc tổ chức các phiên tòa lưu động theo mức ấn định của Tòa án nhân dân tối cao như hiện nay là rất thấp so với nhu cầu thực tế. Với số kinh phí ước tính chi cho một phiên tòa lưu động chỉ vào khoảng hơn 1 triệu đồng/1 phiên tòa, thì mức kinh phí này không thể bù đắp đủ cho các khoản chi phí phát sinh. Trên thực tế, hầu hết các Tòa án địa phương đều phải đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ thêm kinh phí thì mới có thể bảo đảm được việc bù đắp các khoản chi phí cũng như bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của Tòa án nhân dân tối cao về việc tổ chức xét xử lưu động đối với các vụ án hình sự nói chung, đối với các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói
riêng. Sự hạn hẹp về kinh phí xét xử lưu động cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số Tòa án địa phương không tích cực lựa chọn, xác định các vụ án điểm để đưa ra xét xử lưu động. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao và chính quyền thành phố Đà Nẵng cần quan tâm xem xét và hỗ trợ tích cực hơn nữa về kinh phí cho Tòa án nhân dân các cấp tại thành phố Đà Nẵng (trong trường hợp hoạt động xét xử lưu động vẫn tiếp tục được duy trì như hiện nay) trong việc tổ chức các phiên tòa lưu động xét xử tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
3.3.3. Giải pháp về quan hệ phối hợp hoạt động
Để bảo đảm cho việc đưa các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ra xét xử được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác và có chất lượng cao, đồng thời có thể hạn chế đến mức thấp nhất việc Tòa án phải hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung hoặc Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa vì xét thấy cần phải điều tra bổ sung, thì Tòa án cần phải phân công Thẩm phán theo dõi để nắm chắc nội dung vụ án, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án.
Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, Tòa án cần phải liên hệ thường xuyên với Viện kiểm sát để trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc hoặc về quan điểm đối với việc giải quyết vụ án. Khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần chủ động trao đổi, bàn bạc với Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa để xác định rõ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội cũng như các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cả những vấn đề nhạy cảm có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Thậm chí, trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc gặp phải những khó khăn, trở ngại không thể tự khắc phục được khi giải quyết vụ án, thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể báo cáo và tham khảo ý kiến của Tòa án cấp trên đối với những vấn đề cụ thể này trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Viện kiểm sát cần phải chủ động tiến hành kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trong suốt quá trình điều tra, xử lý vụ án, phải kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để Cơ quan điều tra hoàn chỉnh hồ sơ, thu thập đầy đủ chứng cứ; chú trọng phát hiện những thiếu sót, vi phạm để kiến nghị khắc phục.
Đối với Tòa án, khi xét thấy cần thiết, Tòa án cần phải kiên quyết đưa ra các yêu cầu cụ thể để Viện kiểm sát xem xét, giải quyết và bổ sung đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhằm bảo đảm cho việc xét xử được thực hiện một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật và bảo đảm không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Có thể bạn quan tâm!
- Nguyên Nhân Của Những Tồn Tại, Hạn Chế Trong Hoạt Động Xét Xử Đối Với Tội Tàng Trữ, Vận Chuyển, Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy
- Sự Cần Thiết Của Việc Hoàn Thiện Các Quy Định Của Bộ Luật Hình Sự Về Tội Tàng Trữ, Vận Chuyển, Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy
- Một Số Kiến Nghị Hoàn Thiện Các Quy Định Của Bộ Luật Hình Sự Liên Quan Đến Tội Tàng Trữ, Vận Chuyển, Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy
- Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam - 13
- Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam - 14
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
Đối với các vụ án trọng điểm được lựa chọn để đưa ra xét xử lưu động (trong trường hợp hoạt động xét xử lưu động vẫn tiếp tục được duy trì như hiện nay), Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần chủ động liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để bố trí địa điểm xét xử hoặc Hội trường xét xử một cách cụ thể, chu đáo. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (chủ tọa phiên tòa) cũng cần phải chủ động đề nghị lãnh đạo Tòa án tổ chức cuộc họp (hoặc cũng có thể kết hợp trong cuộc họp trù bị) để phân công trách nhiệm cụ thể đối với Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan khác nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên tòa. Trong trường hợp vụ án trọng điểm được lựa chọn để đưa ra xét xử lưu động là một vụ án lớn, phức tạp và cần phải tổ chức phiên tòa nhiều ngày, thì Tòa án cần phải chủ động đề nghị thành lập Ban tổ chức và phân công người chỉ huy, điều hành nhằm kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa.
Trên đây chỉ là một số nội dung phối hợp giữa các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cũng như chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong quá trình tiến hành tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự nói chung, các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng. Tuy nhiên, sự phối hợp này chỉ có thể được hiểu theo nghĩa thực chất là phương pháp làm việc khoa học của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án hình sự, chứ không có nghĩa là cơ quan tiến hành tố tụng này xâm phạm hoặc can thiệp vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiến hàng tố tụng khác: Tòa án (mà trực tiếp là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án) không được trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra hoặc điều tra bổ sung và cũng không được tham gia vào quá trình truy tố của Viện kiểm sát. Và ngược lại, Cơ quan điều tra và
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố cũng không được can thiệp vào quá trình xét xử của Tòa án.
3.3.4. Giải pháp về pháp luật
Như đã trình bày và phân tích, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm chất lượng xét xử của Tòa án các cấp tại thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy xuất phát từ những hạn chế, bất cập của những quy định hiện hành trong pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, hệ thống các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án đối với tội phạm này cũng chưa đầy đủ và chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự đã trở thành một yêu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy nói chung, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng. Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp hiện nay có thể được nêu ra một cách cụ thể như sau:
Thứ nhất: Trước mắt, các cơ quan hữu quan cần phải thực hiện tốt quy định tại Điều 3 Nghị định số: 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về việc “Ban hành các chất ma túy và tiền chất”. Cụ thể là:
Khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định này liên quan đến việc sản xuất, điều chế, sử dụng chất ma túy hoặc cần thiết phải chuyển đổi các chất trong các danh mục theo thông báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc thì Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung và công bố các danh mục đó [13].
Hiện nay, một số loại ma túy mới đã xuất hiện tại các thành phố lớn ở Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành nghiên cứu để đưa các chất ma túy này vào danh mục các chất ma túy nhằm làm cơ sở cho hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy mới này. Bên cạnh đó, số lượng ma túy
tối thiểu và chất lượng, hàm lượng ma túy để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý cũng cần phải được quy định cụ thể. Thực tế cho thấy: Các quy định hiện hành về việc giám định hàm lượng ma túy cũng như việc nghiên cứu để bổ sung các chất ma túy vào danh mục các chất ma túy trong pháp luật hình sự chưa thống nhất và hoàn thiện. Vấn đề này đã gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự khi giải quyết các vụ án ma túy. Hiện nay, trên phạm vi cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đủ điều kiện giám định hàm lượng các chất ma túy. Các Phòng Kỹ thuật hình sự ở Cơ quan Công an các địa phương chưa có điều kiện để xác định hàm lượng các chất ma túy, mà chủ yếu là xác định loại chất ma túy và định lượng các chất ma túy. Khi có yêu cầu giám định hàm lượng các chất ma túy, Cơ quan Công an các địa phương đều phải gửi mẫu thử đến Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để thực hiện việc giám định. Điều này vừa làm mất nhiều thời gian vừa gây ra nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết các vụ án về ma túy nói chung và các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy nói riêng. Từ thực tế này, các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu cụ thể để đưa các chất gây nghiện có trong các sản phẩm như shisha và “tem giấy” và một số chủng loại ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam (như
các dạng viên nén thành phần vừa có Methamphetamine (chất gây nghiên tổng
hơp
), vừ a có Ketamine (chất gây tê) vào trong danh mục các chất ma túy, đồng thời
xác định số lượng tối thiểu, chất lượng và hàm lượng các chất ma túy cụ thể để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất gây nghiện này.
Trong thời gian gần đây, Thông tư liên tịch số: 08/2015/ TTLT-BCA- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 14/11/2015 đã được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 24/12/2007 quy định về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 nhằm khắc phục và tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, hạn chế và bất cập trong việc giải quyết
các vụ án về ma túy. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế có tính chất tạm thời. Xét về lâu dài thì việc nghiên cứu và đưa ra một khái niệm khoa học rõ ràng về chất ma túy trong quy định của pháp luật hình sự là một việc làm thật sự cần thiết nhằm bảo đảm tính ổn định, chính xác và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy nói chung, tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng.
Thứ hai: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 vào ngày 27/11/2015. Theo đó, Điều 194 trong Bộ luật hình sự hiện hành đã chính thức được các nhà làm luật tách thành các điều luật riêng biệt để quy định về từng tội danh cụ thể. Việc thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này là một việc làm cần thiết, hợp lý và rất có ý nghĩa cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Khi tách biệt các tội danh trong Điều 194 trong Bộ luật hình sự năm 1999 thành các điều luật riêng đối với từng hành vi phạm tội, với những dấu hiệu đặc trưng của từng tội phạm cụ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Khi đó, việc xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử đối với những hành vi phạm tội “tàng trữ chất ma túy”, “vận chuyển chất ma túy”, “mua bán trái phép chất ma túy” sẽ được thực hiện một cách khoa học, chính xác, rõ ràng và tính thuyết phục, răn đe, giáo dục đối với người phạm tội cũng như đối với toàn xã hội sẽ cao hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 thì ngành Tòa án cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử một cách cụ thể hơn, thống nhất hơn và đồng bộ hơn, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong suốt quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985. Bởi lẽ, trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 như hiện nay, những hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đã từng được quy định thành các tội phạm riêng biệt và cụ thể tại các Điều 185c, Điều 185d và Điều 185đ Bộ luật hình sự năm 1985. Trong quá trình thực hiện Bộ luật hình sự năm 1985 (và các Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1985 được Quốc hội thông qua vào các ngày 28/12/1989,
ngày 12/8/1991, ngày 22/12/1992 và ngày 10/5/1997), Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và một số cơ quan chức năng khác cũng đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư liên ngành, Thông tư liên tịch để hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985. Qua đó, pháp luật hình sự Việt Nam nói chung, các chế định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng đã từng bước được xây dựng một cách tương đối đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng. Hơn nữa, những kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ xây dựng và thực thi Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 chắc chắn sẽ trở thành những bài học quý giá, hữu ích cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 có hiệu lực thi hành. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 một cách đồng bộ, thống nhất, khoa học và hiệu quả. Để thực hiện tốt vấn đề này, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng hữu quan cần phải có hướng dẫn cụ thể về một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, số lượng tối thiểu, chất lượng và hàm lượng các chất ma túy để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy cần phải được xác định một cách rõ ràng, cụ thể.
Theo quy định hiện hành thì: Trong trường hợp kết luận của cơ quan tiến hành giám định xác định chất nghi là ma túy bị bắt giữ không phải là chất ma túy hoặc không phải là một trong những chất ma túy thuộc danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành, nhưng lại nằm trong danh mục kiểm soát ma túy quốc tế, thì người thực hiện hành vi mua bán trái phép chất đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự hiện hành), nếu có cơ sở chứng minh được rằng ý thức của người thực hiện hành vi mua bán tin tưởng đó là chất ma túy. Như vậy, việc tiến hành giám định để xác định chủng loại ma túy hoặc chất lượng và hàm lượng chất ma túy trong trường hợp này là không có nhiều ý nghĩa đối với việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi mua bán trái phép
chất (được cho là hoặc nghi là) ma túy. Ngoài ra, Điều 251 Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 cũng không quy định chất lượng và hàm lượng chất ma túy cụ thể để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh mua bán trái phép chất ma túy. Do đó, những trường hợp nào không cần phải giám định hàm lượng chất ma túy và trường hợp nào cần phải giám định hàm lượng chất ma túy khi xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đều phải được quy định, hướng dẫn một cách cụ thể, đồng bộ và thống nhất.
Hai là, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại ma túy, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất, nhưng phần lớn các vụ án về ma túy không được giám định hàm lượng moocphin. Nguyên nhân là vào thời điểm hiện nay, chỉ có Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mới có đủ điều kiện và trang thiết bị hiện đại để tiến hành giám định hàm lượng moocphin.
Mặc dù đã có nhiều thay đổi về định lượng chất ma túy đối với các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, nhưng Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 cũng không quy định về định lượng tối thiểu chất ma túy để làm cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao cần phải nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về định lượng tối thiểu chất ma túy để làm cơ sở xác định cấu thành tội phạm đối với tội danh mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015.
Ba là, Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 có bổ sung quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” như một điều kiện của cấu thành tội phạm để xử lý trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 249 và khoản 1 Điều 250. Như vậy, trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cũng như việc lưu trữ, quản lý, tra cứu, cung cấp và sử dụng thông tin đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm