Biểu Đồ Số Lượt Khách Tham Quan Các Bảo Tàng Ở Tphcm Qua Các Năm 2010 - 2015


thoái do (1) hạn chế về CSVC-KT phục vụ du lịch, (2) chậm đổi mới nội dung tham quan, (3) ngày càng có nhiều địa điểm hấp dẫn hơn. Các điểm du lịch còn lại được khai thác khá ổn định.

Nội dung tham quan tại một số điểm TNDLNV đang được khai thác đã có nhiều thay đổi. Ví như ở Khu DTLS Địa đạo Củ Chi, theo nghiên cứu của Đỗ Quốc Thông (2004), vào những năm đầu của thế kỷ 21, Khu di tích chưa có những tượng sáp đặt trong lòng địa đạo, chưa có mô hình làng du kích [72]. Trong đợt khảo sát vào ngày 23/05/2015, tác giả thấy rằng Khu di tích có thêm các tượng sáp, mô hình làng du kích, khu vực chiếu phim, khu vực bắn súng, khu vực bán đồ lưu niệm, khu vực nghỉ ngơi và thưởng thức ẩm thực truyền thống,…

Các giá trị du lịch đang được khai thác tại các DTLSVH gồm giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị cảnh quan và giá trị lịch sử. Loại hình du lịch đang được khai thác gồm tham quan, học tập, nghiên cứu, tâm linh. Các SPDL đang được khai thác chủ yếu là du lịch văn hóa. SPDL giáo dục, du lịch về nguồn chưa được khai thác hiệu quả vì một số điểm du lịch chưa miễn giảm giá vé cho học sinh, sinh viên.

b) Công trình nhân tạo (ngoài các di sản, DTLSVH)

- Bảo tàng: Các bảo tàng ở TPHCM phân bố tập trung ở Khu vực trung tâm Thành phố và đang thu hút lượng khách đáng kể đến tham quan (xem Hình 2.7). Trong đó, thu hút nhiều khách du lịch hơn cả là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Y học Cổ truyền. Riêng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, bình quân đón khoảng 500.000 lượt khách/năm [3].

Nguồn Số liệu từ UBND TPHCM 83 tr 43 Hình 2 7 Biểu đồ số lượt khách tham 1

Nguồn: Số liệu từ UBND TPHCM [83, tr.43]

Hình 2.7. Biểu đồ số lượt khách tham quan các bảo tàng ở TPHCM qua các năm 2010 - 2015


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.

Từ Hình 2.7, có thể thấy số lượt khách đến các bảo tàng tăng đều qua các năm. Trung bình mỗi năm, các bảo tàng đón khoảng 2,8 triệu lượt khách (khách nước ngoài đạt trên 750 nghìn lượt, chiếm gần 27% tổng số lượt khách) [83, tr.43].

Các bảo tàng ở TPHCM có quy mô nhỏ, sức chứa khách theo lượt tham quan ở mức trung bình. Đối với bảo tàng Y học Cổ truyền, sức chứa khách ở mức thấp vì chỉ khoảng 10 người trong một khu vực trung bày đã chật chội.

Trong những năm qua, các bảo tàng đã có nhiều thay đổi trong nội dung và chủ đề tham quan, đặc biệt là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Y học Cổ truyền.

Các giá trị du lịch đang được khai thác tại các bảo tàng gồm giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị khoa học và giáo dục. Các SPDL đang được khai thác gồm du lịch văn hóa và du lịch giáo dục.

Ngoài bảo tàng Y học Cổ truyền thuộc sở hữu tư nhân, các bảo tàng còn lại thuộc sở hữu nhà nước. Nhiều bảo tàng xuống cấp và khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, như Bảo tàng Tôn Đức Thắng (đang có tình trạng lún nền, trần bị thấm nước), Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ,…

- Trung tâm thương mại

Khách du lịch đến tham quan và mua sắm nhiều hơn cả là các TTTM ở Khu vực trung tâm Thành phố như TTTM Vincom Đồng Khởi, TTTM Diamond, Saigon Center,… Riêng Thương xá TAX, trước đây thường xuyên có khách du lịch quốc tế đến tham quan và mua sắm các sản phẩm nghề truyền thống. Hiện nay (2018), Thương xá đang đóng cửa để trùng tu (dự kiến hoàn thành vào năm 2020). Các giá trị du lịch gắn với hệ thống TTTM là giá trị vui chơi giải trí và giá trị sử dụng. Riêng TTTM Icon68 (tại tòa tháp Bitexco) còn có giá trị cảnh quan vì đây là tòa tháp cao nhất TPHCM. Từ đây, khách du lịch có thể nhìn toàn cảnh Thành phố.

- Công viên văn hoá: Một số công viên đang được khai thác phục vụ hoạt động du lịch gồm Thảo Cầm Viên Sài Gòn, CVVH Đầm Sen, CVVH Suối Tiên, Công viên 23 tháng 09 (nơi diễn ra các sự kiện tiêu biểu, nghệ thuật truyền thống, ẩm thực truyền thống),… Trung bình mỗi năm, các công viên ở TPHCM đón khoảng 8,8 triệu lượt khách [15, 16, 17].


Đến các công viên nêu trên chủ yếu là khách du lịch trong nước với hình thức đi tự do. Các doanh nghiệp du lịch ít tổ chức đưa khách đến các công viên, nhất là khách du lịch nước ngoài. Khi được hỏi lý do, một HDV du lịch quốc tế giải thích: “Những điểm vui chơi này ở nước ngoài không thiếu, thậm chí đa dạng và hấp dẫn hơn. Du khách tới TPHCM muốn tìm hiểu về lịch sử - văn hóa nhiều hơn nên không vào các điểm công viên này. Mặt khác, do không có nhiều thời gian nên trong chương trình tour không đưa du khách tới” (Nguyễn Đình Khôi, 25 tuổi, HDV du lịch quốc tế Công ty Tiêu điểm châu Á, Chợ Lớn, 26/05/2014).

Hiện nay, các giá trị đang được khai thác chủ yếu là giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị khoa học và giáo dục, giá trị vui chơi và giải trí, giá trị tâm linh, giá trị kết nối và giá trị cảnh quan. Trong đó, đang tập trung khai thác chủ yếu là giá trị vui chơi giải trí. Các SPDL gắn với các điểm TNDLNV này là du lịch văn hóa và du lịch giáo dục.

- Công trình nhân tạo khác

Ngoài những công trình vừa nêu, còn có những công trình nhân tạo khác đang khai thác phục vụ du lịch như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phố đi bội Bùi Viện, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (nơi diễn ra các hoạt động chính liên quan đến sự kiện du lịch với quy mô quốc tế).

So với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Kim Hồng và cộng sự (2001) [29], có thể thấy, các điểm TNDLNV trong hệ thống công trình đương đại ở TPHCM đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Một số địa điểm trước đây chưa được khai thác du lịch (tính đến năm 2001) đến nay đã được khai thác gồm các TTTM (TTTM Vincom Đồng Khởi, TTTM Diamond, Saigon Center, Union Square, Zen, Sense Market,…), Bảo tàng Y học Cổ truyền (quận 10), Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), KDL Bình Quới, KDL Văn Thánh,… Các địa điểm hiện nay ít được doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình tham quan là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng Cách mạng, KDL Một Thoáng Việt Nam, Công viên nước Sài Gòn. Các điểm du lịch còn lại được duy trì khai thác. Trong đó, một số điểm du lịch đang khai thác tốt như CVVH Đầm Sen và CVVH Suối Tiên.


Về tổng thể, giá trị du lịch gắn với các công trình đương đại thu hút sự quan tâm của khách du lịch hơn cả là giá trị vui chơi giải trí, giá trị kiến trúc nghệ thuật và giá trị cảnh quan. Các loại hình du lịch đang được khai thác là du lịch tham quan, học tập và nghiên cứu, vui chơi - giải trí, mua sắm, du lịch công vụ. Các SPDL tương ứng là du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch MICE.

c) Lễ hội

Theo kết quả bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” lần 1, trong các lễ hội VHTT&DL tiêu biểu của Thành phố được khách du lịch bình chọn, có hai lễ hội truyền thống gồm Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Nghinh Ông [59].

Lễ hội ở TPHCM thường gắn với các điểm DTLSVH hoặc công trình đương đại. Nội dung lễ hội đã có nhiều thay đổi. Theo kết quả nghiên cứu của Đỗ Quốc Thông (2004) thì “hoạt động lễ hội rầm rộ trong vài năm gần đây [trước năm 2004] chủ yếu có tính tự phát” “nội dung lễ hội hầu hết chưa đề ra được kịch bản cụ thể trên quan điểm phát huy cái tinh hoa, hạn chế cái lạc hậu và có thể dựng các nội dung mới vào đó” [72, tr.70-71]. Tuy nhiên, theo khảo sát của tác giả, các lễ hội ở TPHCM hiện nay đã được tổ chức bài bản hơn. Hầu hết các lễ hội đã đề ra kịch bản, chương trình cụ thể. Các nghi thức trong phần LỄ đã được bổ sung/tiết giảm cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trong phần HỘI, ngoài những trò chơi dân gian, còn có các loại hình nghệ thuật truyền thống, tổ chức các khu triển lãm và hội chợ. Lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ là một ví dụ: Trong phần LỄ, lễ thượng kì lễ thả đèn hoa đăng được bổ sung nhằm thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và tưởng nhớ những người đã khuất; Trong phần HỘI, ngoài các trò chơi mang nét truyền thống, còn có các trò chơi, chương trình hiện đại như thi đấu bóng đá, chạy bộ, đánh bi sắt, chương trình ẩm thực “Hương vị Phương Nam”, khu trưng bày chuyên đề về biển đảo, hội chợ hàng Việt,…

Các giá trị du lịch gắn với các lễ hội đang được khai thác gồm giá trị lịch sử, giá trị khoa học và giáo dục, giá trị vui chơi và giải trí, giá trị tâm linh, giá trị kết nối. Trong đó, các giá trị du lịch đang khai thác là giá trị vui chơi giải trí và giá trị tâm linh. Các SPDL tương ứng gồm du lịch văn hóa và du lịch lễ hội, tâm linh. SPDL giáo dục ít được khai thác.


d) Sự kiện đặc biệt

Với đặc điểm là Thành phố trẻ và năng động, các sự kiện đặc biệt tỏ ra chiếm ưu thế hơn so với lễ hội và thu hút động đảo khách du lịch. Các sự kiện này mới xuất hiện và phục vụ hoạt động du lịch từ năm 2004 trở lại đây. Theo kết quả bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” lần 1, trong các sự kiện VHTT&DL tiêu biểu của Thành phố được khách du lịch bình chọn, có 05 sự kiện đặc biệt gồm Đường hoa xuân Nguyễn Huệ, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Ngày hội Du lịch TPHCM, Liên hoan Ẩm thực “Món ngon các nước”, Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM [59].

Các sự kiện nêu trên đã thu hút đông đảo khách du lịch tham gia, nhất là khách du lịch trẻ tuổi. Năm 2016, Lễ hội Trái cây Nam Bộ thu hút 350.000 lượt khách, Lễ hội Áo dài thu hút 50.678 lượt khách (tăng 678 lượt so với năm 2014), Đường hoa xuân Nguyễn Huệ thu hút hơn 01 triệu lượt khách, Tuần lễ Đông y thu hút 80.000 lượt khách [85].

TPHCM có nhiều sự kiện đặc biệt song ít sự kiện du lịch mang tầm vóc quốc tế. Khách du lịch đến tham dự chủ yếu từ các tỉnh lân cận TPHCM. Đối với khách các tỉnh phía Bắc hoặc khách du lịch quốc tế, việc tiếp cận lễ hội và sự kiện đặc biệt chủ yếu do trùng hợp với chuyến du lịch.

Nội dung và quy mô của các sự kiện đặc biệt đã không ngừng thay đổi qua các lần tổ chức. Các giá trị du lịch gắn với sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của khách du lịch hơn cả là giá trị vui chơi giải trí. Giá trị về lịch sử và giá trị kết nối ít được khách du lịch nhắc tới. Các loại hình du lịch tiêu biểu liên quan đến lễ hội và sự kiện đặc biệt gồm tham quan, học tập và nghiên cứu, vui chơi và giải trí, du lịch công vụ. SPDL tiêu biểu là du lịch văn hóa, du lịch lễ hội và du lịch MICE.

e) Làng nghề, phố nghề và sản phẩm nghề truyền thống

- Làng nghề truyền thống: Nhìn chung, các làng nghề ở TPHCM chưa tạo được sức hút trong hoạt động du lịch. Theo kết quả bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” lần 1, chỉ có 01/10 sản phẩm tiêu biểu của làng nghề được sản xuất ở TPHCM là nem Thủ Đức (sản xuất tại Làng nem Thủ Đức - quận Thủ Đức) [59].


Việc đưa các làng nghề vào hoạt động du lịch ở TPHCM mang tính chất lưu giữ các giá trị văn hóa hơn là tạo nên sự đặc sắc về SPDL. Một số nghề truyền thống đang phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch nhưng dưới hình thức mô hình sản xuất. Tiêu biểu như khu vực giới thiệu nghề làm bánh tráng, nghề nấu rượu trong Khu DTLS Địa đạo Củ Chi. Một số địa điểm tham quan cũng được tổ chức như không gian làng nghề, tiêu biểu là Làng nghệ sĩ Hàm Long (quận 2) và KDL Một Thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi).

Việc kết hợp giữa làng nghề du lịch với các doanh nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Theo Ông Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt), nguyên nhân do sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải thiện CSHT và chính sách phát triển làng nghề còn yếu [37]. Ngoài ra, do ý muốn và sự hợp tác của các hộ gia đình trong làng nghề. Trường hợp Làng nghệ sĩ Hàm Long (quận 2) là một ví dụ. Khi tác giả hỏi họa sĩ Lý Khắc Nhu rằng vì sao Ông ít quảng bá cơ sở sản xuất để khách du lịch ghé tham quan? Ông Nhu cho biết gia đình cũng muốn khách đến nhưng có sự mâu thuẫn với công việc. Cụ thể, khi khách du lịch vào đông thì phá vỡ không gian yên tĩnh để sáng tác (Lý Khắc Nhu, Chủ khu nhà Kỳ Long, Làng Nghệ nhân Hàm Long, Quận 2, 07/08/2014).

- Phố nghề truyền thống: Có giá trị hơn cả trong hoạt động du lịch là các phố chuyên doanh của người Hoa quanh khu vực Chợ Lớn (Chợ Bình Tây), tiêu biểu là Phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Từ năm 2015 trở lại đây, Phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông còn là nơi tổ chức sự kiện “Tuần lễ Đông y”. Hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch đang tổ chức cho khách du lịch ghé tham quan.

- Sản phẩm nghề truyền thống: Một số sản phẩm nghề truyền thống tuy không sản xuất ở TPHCM nhưng được bày bán tại các điểm du lịch để khách mua làm quà tặng (hoặc sử dụng). Phổ biến như nón lá, vải lụa, tranh sơn mài, tượng đá, các loại bánh kẹo được sản xuất thủ công. Các sản phẩm này đang được bày bán ở các chợ truyền thống (Chợ Bến Thành, Chợ Lớn), các TTTM (TTTM Vincom Đồng Khởi, Sense Market), các nhà sách lớn, cửa hàng lưu niệm trong các điểm du lịch,…


Có thể nói, các làng nghề ở TPHCM ít có giá trị trong hoạt động du lịch. Về phố nghề, TPHCM có Phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông là có tính đặc trưng. Trong khi đó, các sản phẩm nghề truyền thống không có tính đặc trưng cho TPHCM. Các giá trị du lịch đang được khai thác gắn với loại TNDLNV này là giá trị lịch sử và giá trị sử dụng. SPDL đang được khai thác là du lịch văn hóa. SPDL y tế có tiềm năng nhưng chưa được khai thác.

f) Ẩm thực truyền thống

Ở TPHCM, ẩm thực truyền thống được khai thác phục vụ khách du lịch tại:

- Các nhà hàng có tên trong danh sách bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh 100 điều thú vị” lần 1 như Bánh xèo Mười Xiềm, Cham Charm, Cơm niêu Sài Gòn, Mandarin, Ngon [59].

- Trong các lễ hội và sự kiện đặc biệt như Lễ hội Nghinh Ông, Ngày hội Du lịch TPHCM, Liên hoan Ẩm thực Đất Phương Nam, Liên hoan Ẩm thực “Món ngon các nước”, Lễ hội Văn hoá Ẩm thực Ngày hội quê tôi,… Các món ăn được giới thiệu có sự gia tăng về số lượng, đa dạng trong cách thức chế biến, trình bày, thưởng thức và mang đậm tính đặc trưng vùng miền. Ví như trong Liên hoan Ẩm thực Đất Phương Nam năm 2016, đã có 430 món ăn mặn và ngọt được phục vụ khách du lịch, tăng gần 50% so với năm 2015 [52].

- Tại các khu vực ăn uống trong các chợ truyền thống như Chợ Bến Thành (ban ngày) và xung quanh chợ (ban đêm), Khu vực ăn uống trong Chợ Lớn.

- Khu ẩm thực trong các TTTM (Diamond, Vincom Đồng Khởi,…).

- Trong các khách sạn từ 3 đến 5 sao.

- Các địa điểm khác như Khu ẩm thực Sense Market (tọa lạc ngầm dưới công viên 23 tháng 09 - quận 1), KDL Bình Quới (quận Bình Thạnh).

Ngoài ra, đồ ăn và thức uống được bày bán ven đường cũng tạo nên nét đặc trưng riêng dưới góc nhìn của khách du lịch nước ngoài (ẩm thực đường phố). Tiêu biểu như ẩm thực tại Phố đi bộ Bùi Viện, Phố ẩm thực Hà Tôn Quyền (quận 11), Đường Nguyễn Tri Phương (quận 10),…

Ẩm thực truyền thống ở TPHCM tuy đa dạng song các món ăn vừa ngon, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa nhiều. Theo kết quả công bố “Thành phố


Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” lần 2, các món ngon Nam Bộ ở TPHCM được khách du lịch ưa thích gồm bánh xèo, gỏi cuốn, cơm tấm, chả giò, cá kho tộ [63].

Hai yếu tố tạo nên tính hấp dẫn của các cơ sở ẩm thực truyền thống là món ăn đa dạng và món ăn ngon. Loại hình du lịch chủ yếu là du lịch khám phá, với SPDL tiêu biểu là du lịch văn hóa và du lịch ẩm thực. Loại hình du lịch này đa dạng về thị trường khách, nhóm tuổi và nhóm ngành nghề. Họ thưởng thức các món ăn truyền thống một phần đáp ứng nhu cầu ăn uống thường ngày, một phần nhằm trải nghiệm món ăn mới. Một số khách du lịch lớn tuổi, họ thưởng thức món ăn truyền thống để nhớ về những kỷ niệm xưa.

g) Hoạt động nhận thức khác

Tiêu biểu là các loại hình nghệ thuật truyền thống, gồm:

- Đờn ca tài tử: Loại hình nghệ thuật này thường được biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Sân khấu Sen Hồng vào thứ sáu hàng tuần và tại Công viên Tao Đàn vào sáng chủ nhật đầu tiên hàng tháng. Tuy nhiên, đờn ca tài tử chưa tạo được sức hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế. Trong các buổi biểu diễn quần chúng, theo ghi nhận của tác giả, khách du lịch vì tò mò muốn biết nên chỉ dừng lại xem một chút rồi đi, ít khách theo dõi từ đầu đến cuối buổi diễn.

- Múa rối nước: Vì loại hình nghệ thuật này kết hợp cả việc sử dụng ngôn ngữ và điệu bộ để truyền tải thông tin nên dễ được số đông khách du lịch tiếp nhận hơn các loại hình nghệ thuật khác (nhất là khách du lịch nước ngoài). Ngoài ra, sự phối hợp giữa âm thanh, không gian biểu diễn và sự sinh động của các con rối bằng gỗ tạo nên sự thích thú cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Trước đây, múa rối nước được biểu diễn tại Bảo tàng Chứng tích Chiến Tranh và CVVH Đầm Sen. Hiện nay, loại hình này đang được biểu diễn tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Nhà hàng Làng Việt Xưa, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (Cung Văn hóa Lao động),... Các tiết mục tiêu biểu gồm tễu, múa rồng, lân tranh cầu, múa chim loan phượng, cáo bắt vịt, đánh cá trên sông, bơi, bát âm, bát tiên, tứ linh,…

- Tuồng (Hát bội): Các địa điểm đang được tổ chức biểu diễn tuồng gắn với hoạt động tham quan của khách du lịch là Lễ giỗ Lê Văn Duyệt (Lăng Lê Văn

Xem tất cả 237 trang.

Ngày đăng: 17/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí