Giải Pháp Hoàn Thiện Pháp Luật Hình Sự Và Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Đấu Tranh, Phòng Chống Tội Công Nhiên Chiếm Đoạt Tài Sản

Thứ ba, công tác điều tra, truy tố, xét xử còn một số tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng hồ sơ vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung (chiếm tỷ lệ 10,92% về vụ và 13,91% về số bị cáo); tình trạng Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử vẫn còn với 5 vụ và 07 bị cáo(chiếm tỷ lệ 0,94% về số vụ và 0,76% về số bị cáo) và tuyên 01 bị cáo không có tội; tỷ lệ vụ án chưa được đưa ra xét xử vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 7,91% về vụ và 9,78% về bị cáo) (xem phụ lục 1).

Thứ tư, công tác phòng ngừa, đấu tranh và chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nói riêng và các tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu nói chung còn hạn chế, chưa tương xứng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trong khi tiềm lực đầu tư cho công tác này được chú trọng hơn trước; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hình sự còn hạn chế nên tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng tinh vi, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt.

b) Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, pháp luật hình sự điều chỉnh tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất, đồng bộ, chậm pháp điển hóa từ thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử để nhận thức thống nhất về tội phạm này, cụ thể như sau:

+ Điều 137 Bộ luật hình sự chỉ quy định về tội danh mà chưa mô tả thế nào là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên đã dẫn đến tình trạng nhận thức và áp dụng pháp luật không thống nhất. Yêu cầu đặt ra đối với công tác lập pháp là phải sớm hoàn thiện pháp luật hình sự trong đó có hoàn thiện quy phạm định nghĩa mang tính bao quát, mô tả về dấu hiệu đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, từ đó xác định rõ những hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này.

+ Là tội phạm cấu thành vật chất, mức định lượng về giá trị tài sản là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, là cơ sở để phân biệt một hành vi là

tội phạm hình sự với hành vi vi phạm pháp luật khác, tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, khi áp dụng tình tiết này thời gian qua có nhiều vướng mắc và các cơ quan trung ương đã phải nhiều lần hướng dẫn, cụ thể là:

Một là, cơ chế định giá tài sản đã được hướng dẫn từ năm 2005, đến nay trong thực tiễn áp dụng đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung; quy định cụ thể hơn về vấn đề này cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hai là, vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người chiếm đoạt tài sản dưới mức tối thiểu (hai triệu đồng) nhưng hành vi đó chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử lý vi phạm hành chính nhưng trước đó đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lí kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản. Vấn đề đặt ra là một người đã bị xử lí kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản thì có bị coi là đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hay không? Vấn đề này đã được hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT của liên bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an ngày 25/12/2001 nhưng hướng dẫn đó đã vượt ra ngoài phạm vi các quy định của Bộ luật hình sự, yêu cầu đặt ra là phải sớm pháp điển hóa quy định này trong Bộ luật hình sự để bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng.

Ba là, việc áp dụng tình tiết "đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản" trong thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc, không bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa những người phạm tội. Do điều luật quy định hành vi chiếm đoạt tài sản giá trị dưới mức định lượng tối thiểu và phải có thêm một trong các dấu hiệu "đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích" thì mới cấu thành tội phạm nên trong thực tế có người thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu mà điều luật quy định và chỉ có một tiền án về tội chiếm đoạt tài sản thì bị coi là tội phạm; trong khi đó người khác cũng có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu tuy chưa có lần nào bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng lại có

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

nhiều tiền án về các tội phạm khác, thậm chí là tiền án về tội đặc biệt nghiêm trọng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là điểm không hợp lý, không bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa những người phạm tội, chưa phản ánh hết tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, chưa tính đến đầy đủ các yếu tố thuộc về nhân thân người phạm tội. Hơn nữa, các khái niệm đã bị kết án, xóa án tích, đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt cần phải được tiếp tục làm rõ hơn trong các văn bản hướng dẫn của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền ở trung ương.

Bốn là, việc áp dụng pháp luật hình sự để xét xử đối với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng còn có những bất cập. Vấn đề này, tại điểm 4 Mục I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an hướng dẫn: "Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt dưới 500.000 đồng (kể từ ngày 01/01/2010 định mức này là 2 triệu đồng - tác giả luận văn)…nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật tương ứng". Tại ý c điểm 3 Mục I Thông tư liên tịch trên còn hướng dẫn: "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp làm chết 3 người trở lên…". Như vậy, theo hướng dẫn trên thì một người thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng (kể từ ngày 01/01/2010 định mức này là 2 triệu đồng - tác giả luận văn), dù gây hậu quả làm chết hàng chụcngười cũng chỉ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất trong khung là ba năm tù. Trong khi đó, người phạm tội "Vô ý làm chết người", nếu làm chết nhiều người (có thể chỉ hai người) thì lại bị xử phạt theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể đến mười năm tù. Đây là điểm không hợp lý, không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự đòi hỏi phải sớm được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam - 13

Thứ hai, khái niệm tài sản trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nói riêng và các tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu nói chung không đồng nhất với khái niệm tài sản theo quy định của Bộ luât dân sự. Nếu theo quy định của Bộ luật hình sự và khái niệm tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự thì bất cứ tài sản nào cũng có thể là tác động của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cũng như các tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, trên thực tế, qua nghiên cứu mặt khách thể của tội phạm này cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và những quan niệm khoa học được thừa nhận hiện nay, không phải mọi tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự đều là đối tượng tác động của tội phạm. Nói cách khác, một số tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự là tài sản nhưng lại không phải là đối tượng tác động của tội phạm này, vì vậy, trong luật hình sự, cần phải minh định khái niệm tài sản là đối tượng tác động của tội phạm để bảo đảm thuận tiện trong việc áp dụng.

Thứ ba, khái niệm chủ tài sản cũng là một vấn đề hiện chưa được làm rõ trong các quy định của pháp luật. Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, nhà làm luật chỉ nêu tên của tội phạm "người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác…", vậy khái niệm người khác ở đây cần phải được hiểu như thế nào? Phải chăng chỉ là chủ sở hữu đối với tài sản hay còn có những chủ thể khác, do đặc điểm, tính chất nên cũng có thể đang trực tiếp quản lý, trông coi tài sản?

Thứ tư, việc không quy định các tình tiết: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp là những tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự là không phù hợp với thực tiễn xét xử. So với các quy định của khoản 2 Điều 131 và khoản 2 Điều 154 của Bộ luật hình sự năm 1985 thì tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 đã loại bỏ ba tình tiết định khung tăng nặng là: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp và dùng thủ đoạn nguy hiểm. Cho đến nay, lý do bỏ ba tình tiết định khung này chưa được nhà làm luật giải thích rõ. Từ thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử thời gian qua cho thấy, việc không quy định tình tiết dùng thủ đoạn nguy hiểm trong tội công

nhiên chiếm đoạt tài sản là hợp lý vì thực hiện tội phạm này không cần phải dùng đến thủ đoạn nguy hiểm, kẻ phạm tội luôn ý thức là chủ tài sản không thể ngăn cản việc y chiếm đoạt tài sản nên công khai lấy tài sản, còn hai tình tiết còn lại, việc bỏ đi là không hợp lý vì trên thực tế trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vẫn có thể có việc phạm tội có tổ chức và có tính chất chuyên nghiệp. Khi phạm tội trong trường hợp này, tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được tăng lên một cách đáng kể, nếu không quy định sẽ không bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật về đường lối xử lý so với việc xét xử các hành vi phạm tội có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp nhưng thuộc hình thức chiếm đoạt khác.‌


3.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHÒNG CHỐNG TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

3.2.1 Tiếp tục hoàn thiện Bộ luật hình sự để pháp điển hóa về tội

công nhiên chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử

Thứ nhất, hoàn thiện quy phạm định nghĩa về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; khái niệm chiếm đoạt tài sản; khái niệm người quản lý tài sản; khái niệm tài sản trong Bộ luật hình sự.

Qua nghiên cứu khái niệm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, so sánh với một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác, có thể khái quát, mô tả hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản và pháp điển hóa trong Bộ luật hình sự như sau:

Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng phương thức, thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện bằng hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản; có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.

Trong đó, khái niệm hành vi chiếm đoạt là "Hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình" - đây là khái niệm đã được các nhà khoa học và những người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử thừa nhận rộng rãi nên cần được pháp điển hóa, đưa vào trong Chương các tội xâm phạm sở hữu với tư cách là một điều luật chung.

Khái niệm người quản lý tài sản bao gồm: chủ sở hữu tài sản và người có trách nhiệm quản lý tài sản (người đang nắm giữ hoặc trông coi, bảo vệ tài sản nhưng lại không có quyền định đoạt tài sản). Đây là khái niệm cần phải được giải thích rõ trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự về tội phạm này, theo tác giả luận văn, có thể giải thích cụ thể như sau:

Chủ sở hữu tài sản là người có đầy đủ cả ba quyền năng: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật; là người có quyền tự nắm giữ, tự quản lý, chi phối tài sản theo ý mình mà không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian, có quyền khai thác công dụng, lợi ích, giá trị của tài sản và quyết định số phận pháp lý của tài sản đó.

Người có trách nhiệm quản lý tài sản bao gồm: người quản lý tài sản hợp pháp và người quản lý tài sản bất hợp pháp. Người quản lý tài sản hợp pháp là người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản một cách hợp pháp; hoặc tuy không phải do chủ sở hữu giao cho nhưng việc sử dụng, quản lí tài sản được coi là hợp pháp; người được người quản lý tài sản hợp pháp giao tài sản để trông giữ; hoặc người phát hiện, thu giữ các tài sản vô chủ, tài sản bị bỏ quên, chôn giấu, chìm đắm… phù hợp với các điều kiện pháp luật quy định; hay các trường hợp quản lý tài sản theo quyết định, đệnh lệnh của cơ quan Nhà nước. Người quản lý tài sản không hợp pháp là trường hợp chiếm hữu bất hợp pháp trong quyền chiếm hữu tài sản, trong đó có cả chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình và bất hợp pháp không ngay tình; một số trường hợp chiếm hữu sau đây thuộc trường hợp này: 1) Người có được tài sản do phạm tội mà có; 2) Người cố ý mua tài sản của người khác do phạm tội mà có; 3) Người có được tài sản do

có hành vi gian dối, do vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị coi là tội phạm. Dấu hiệu chung dễ nhận biết đối với trường hợp này là việc chiếm hữu, quản lý tài sản không hợp pháp và không được pháp luật thừa nhận nhưng trong pháp luật hình sự, các tài sản này trở thành đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, bởi tại thời điểm đó, họ là người đang nắm giữ tài sản.

Thứ hai, sớm sửa đổi, bổ sung Điều 137 Bộ luật hình sự để khắc phục điểm không hợp lý, những vướng mắc, bất cập như đã phân tích ở phần trên. Theo đó, cần bổ sung quy định "đã bị xử lý kỉ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản" vào sau cụm từ "đã bị xử phạt hành chính"; bổ sung tình tiết "đã bị kết án nhiều lần" vào sau cụm từ "đã bị kết án về tội chiếm đoạt" tại khoản 1 Điều 137; bổ sung các tình tiết "có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp"; "chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" là những tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự cho phù hợp với thực tiễn xét xử.

Sau khi đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định trên đây về mặt kỹ thuật lập pháp, ngoài các nội dung kiến nghị bổ sung mang tính chung cho nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu được quy định tại phần chung của chương với tính cách là những quy định chung, áp dụng chung cho mọi tội phạm có tính chất chiếm đoạt, nội dung của Điều 137 có thể được thiết kế lại, cụ thể như sau:

"Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào dùng phương thức, thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để nhằm chiếm đoạt tài sản một cách công khai có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính,xử lý kỷ

luậtvề hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặcbị

kết án nhiều lần, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Hành hung để tẩu thoát;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng".

Thứ ba, trên cơ sở Điều 137 của Bộ luật hình sự, các cơ quan tư pháp trung ương cần phối hợp hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan đến các tội xâm phạm sở hữu; trước mắt nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT ngày

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/12/2023