Cơ Sở Lý Luận Của Tổ Chức Kiểm Toán Nội Bộ Tại Các Công Ty Tài Chính


phương pháp kỹ thuật chủ yếu được sử dụng trong Luận án bao gồm: phương pháp điều tra, khảo sát, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp thực chứng và các phương pháp bổ trợ khác.

Tác giả đã sử dụng phương pháp điều tra để nghiên cứu thực trạng tổ chức KTNB tại các CTTC Việt Nam. Tác giả đã gửi phiếu khảo sát tới tất cả 12 CTTC Việt Nam. Số phiếu thu được là 11 trên 12 phiếu. Mẫu phiếu điều tra được trình bày tại Phụ lục 2.1. Tác giả cũng đã thực hiện phỏng vấn và khảo sát trực tiếp tổ chức KTNB tại 8 trong số 12 CTTC, bao gồm Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC), Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFC), Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà (SDFC), Công ty Tài chính Than – Khoáng sản, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC)... Luận án cũng sử dụng kết quả điều tra, phân tích về hoạt động KTNB tại các TCTD ở một số nước trên thế giới để tổng kết và rút ra bài học cho việc vận dụng vào tổ chức KTNB tại các CTTC Việt Nam.

Các dữ liệu được sử dụng trong Luận án bao gồm dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Các dữ liệu sơ cấp được thu thập chủ yếu thông qua phiếu điều tra và phỏng vấn trực tiếp đối với bộ phận KTNB của các CTTC. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của các CTTC Việt Nam gửi Thanh tra NHNN, các tài liệu, báo cáo tổng kết hoạt động của các CTTC Việt Nam. Ngoài ra, Luận án cũng sử dụng số liệu điều tra của một số công ty kiểm toán lớn như PriceWaterhouse Coopers, Ernst and Young đăng trên trang web của các công ty.

6. Những đóng góp của Luận án


Luận án có những đóng góp về lý luận và thực tiễn sau:


Thứ nhất, về lý luận: Luận án hệ thống hoá lý luận chung về KTNB trong các CTTC, xuất phát từ đặc thù của các CTTC là một loại hình TCTD để làm rõ nội dung và phương pháp tiếp cận kiểm toán phù hợp với các công ty. Luận án cũng nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức KTNB tại các TCTD trên thế giới.

Thứ hai, về thực tiễn: Luận án đã xem xét đặc điểm chung của các CTTC Việt Nam ảnh hưởng đến tổ chức KTNB, đánh giá thực trạng tổ chức KTNB tại các CTTC Việt Nam trên hai khía cạnh tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động, từ đó phân tích các kết quả đạt được và các hạn chế, làm rõ nguyên nhân của các hạn chế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 260 trang tài liệu này.


Trên cơ sở các nghiên cứu về thực trạng tổ chức KTNB, Luận án đã đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm hoàn thiện tổ chức KTNB trên cả hai mặt là tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động KTNB.

Tổ chức kiểm toán nội bộ tại các công ty tài chính Việt Nam - 3

7. Bố cục của Luận án


Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Luận án gồm ba chương:


Chương 1: Cơ sở lý luận của tổ chức kiểm toán nội bộ tại các công ty tài chính


Chương 2: Thực trạng tổ chức kiểm toán nội bộ tại các công ty tài chính Việt Nam


Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán nội bộ tại các công ty tài chính Việt Nam


CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA TỔ CHỨC KIỂM TOÁN NỘI BỘ TẠI CÁC CÔNG TY TÀI CHÍNH

1.1. KIỂM TOÁN NỘI BỘ TẠI CÁC CÔNG TY TÀI CHÍNH


1.1.1. Khái quát về các công ty tài chính


1.1.1.1. Bản chất và vai trò của công ty tài chính


Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống kinh tế của mỗi quốc gia có nhiều loại thị trường hoạt động, nhưng về cơ bản có ba loại: thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, và thị trường tài chính. Trong các thị trường đó, thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Thực tế, thị trường tài chính thực hiện chức năng kinh tế chủ yếu trong việc dẫn vốn từ những người có nhiều vốn tới những người thiếu vốn. Nói cách khác, trong một nền kinh tế, do có những đơn vị dư thừa vốn và những đơn vị thiếu hụt vốn nên có những hướng lưu chuyển tài chính không ngừng giữa các đơn vị dư vốn với các đơn vị thiếu vốn thông qua các trung gian tài chính và các thị trường tài chính. Các trung gian tài chính, thường được gọi là các TCTD, là một chủ thể quan trọng trên thị trường tài chính. Tại các nước trên thế giới, các TCTD bao gồm các ngân hàng và các TCTD phi ngân hàng, trong đó có các CTTC.

Trong các trung gian tài chính, ngân hàng thương mại (NHTM) là một trong các tổ chức ra đời trước tiên. Những NHTM đầu tiên trên thế giới được thành lập từ thế kỷ

XV. Trong quá trình phát triển của ngành ngân hàng, xuất hiện những tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng, nhưng không phải là ngân hàng, trong đó có các các CTTC. CTTC đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX [51, tr.20]. Có nhiều lý do về sự xuất hiện của các CTTC, song chủ yếu là do sự hạn chế của luật ngân hàng, nhiều dịch vụ tài chính của các NHTM không được phép mở rộng sang các lĩnh vực hoạt động khác. Bên cạnh đó, do hệ thống NHTM lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu to lớn và đa dạng về vốn đầu tư đòi hỏi phải có những định chế tài chính phù hợp. Ở nhiều nước, các CTTC phát triển đa dạng ở những giai đoạn khác nhau xuất phát từ nhu cầu tài chính, tín dụng.


Có rất nhiều cách hiểu và diễn đạt khác nhau về CTTC. Các nước tuỳ theo chính sách của mình trong việc phát triển loại hình trung gian tài chính này, qui định nghiệp vụ hoạt động của CTTC được thực hiện; trên cơ sở các nghiệp vụ và qui định về loại hình tổ chức của CTTC mà đưa ra khái niệm CTTC.

Ở Pháp, CTTC là các định chế tài chính thuộc một tập đoàn hay lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. Các CTTC có hai đặc thù chung: chuyên môn hoá một lĩnh vực của hoạt động ngân hàng và không được nhận từ công chúng tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn ít hơn một năm. Sự chuyên môn hoá của các CTTC được qui định trong các qui chế đặc biệt áp dụng cho các CTTC với những ưu đãi về hoạt động, thuế, tài chính và sự giúp đỡ đảm bảo trực tiếp hoặc gián tiếp của các cơ quan nhà nước. Hoạt động của các CTTC đa dạng nhưng chủ yếu là tín dụng bất động sản, tài trợ bán trả góp, cho vay ủy nhiệm thu, thuê mua bất động sản và các dịch vụ tài chính khác [19, tr.20].

Các nước theo hệ thống ngân hàng của Anh lại định nghĩa CTTC là một loại hình tổ chức tài chính phi ngân hàng, được thành lập để cung cấp các loại dịch vụ tài trợ khác nhau cho các khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất hoặc các cá nhân. Các CTTC có thể cung cấp các khoản cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán và các hình thức tín dụng ngắn hạn và dài hạn khác.

Ở Mỹ, các CTTC được xếp vào loại hình TCTD phi ngân hàng cùng với các quĩ tương hỗ, quĩ tương trợ thị trường tiền tệ. Các CTTC ở Mỹ huy động vốn chủ yếu bằng cách phát hành các cổ phiếu và trái phiếu, sử dụng nguồn vốn huy động được để cho vay người tiêu dùng, tài trợ thương mại, cho thuê kinh doanh…

Hầu hết các tập đoàn kinh tế ở Mỹ đều có CTTC. Công ty IBM Credit trong tập đoàn IBM là CTTC thuộc tập đoàn được thành lập năm 1911 tại New York. Các dịch vụ tài chính IBM Credit cung cấp gồm tài trợ cho các giải pháp tổng thể về phần cứng, phần mềm và dịch vụ tư vấn, cho thuê hệ thống máy tính, tài trợ cho các hoạt động kinh doanh máy tính, đại lý phát hành chứng khoán… Đối tượng cung cấp dịch vụ của IBM Credit là công ty mẹ và các công ty thành viên trong tập đoàn, các nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ, cung cấp công nghệ thông tin khác và người tiêu dùng [51, tr.46].

Ở Sing-ga-po, hoạt động của các CTTC chịu sự điều chỉnh của Luật công ty tài chính. Nguồn vốn chủ yếu của các CTTC là khoản tiền gửi có kỳ hạn, được các CTTC


dùng để cấp tín dụng tiêu dùng dưới dạng trả dần hoặc cho vay để mua bất động sản. Để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, CTTC không được nhận tiền gửi không kỳ hạn; không được kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ; không được cho một khách hàng vay quá 30% vốn tự có; không được thực hiện các khoản ứng trước không có đảm bảo... [51, tr.53].

Qua những phân tích trên, có thể thấy quan niệm về các CTTC và các hoạt động của CTTC có những điểm tương đồng nhất định. Từ đó có thể rút ra một số vấn đề về bản chất của CTTC:

Thứ nhất, CTTC là một loại hình trung gian tài chính với chức năng cơ bản là chuyển vốn từ nơi dư thừa vốn tới nơi thiếu hụt vốn. Các CTTC ra đời nhằm bù đắp những thiếu hụt về nguồn vốn mà các NHTM chưa đáp ứng được.

Thứ hai, hoạt động chính của các CTTC là cung cấp một số dịch vụ tín dụng, tài trợ, và một số dịch vụ khác tương tự như các NHTM. Tuy nhiên, các CTTC thường bị giới hạn một số hoạt động so với các NHTM như không được nhận tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn, không thực hiện chức năng thanh toán. Sở dĩ có những qui định như vậy là để tăng tính an toàn cho hoạt động của các CTTC, hướng các CTTC vào các loại hình tín dụng trung, dài hạn, hơn là tín dụng ngắn hạn.

Thứ ba, là một loại hình trung gian tài chính, hoạt động của các CTTC cũng có ảnh hưởng lớn tới nhiều chủ thể khác trong nền kinh tế, và hoạt động của các CTTC cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Vì vậy, hoạt động của các CTTC cần phải được quản lý, giám sát và định hướng hoạt động phù hợp. Chính phủ các nước thường can thiệp vào việc thiết lập các trung gian tài chính, trong đó có các CTTC, nhằm qui định giới hạn, nội dung và phạm vi hoạt động của mỗi loại hình trung gian tài chính.

Trên cơ sở những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả, có thể đưa ra một khái niệm về CTTC như sau: Công ty tài chính là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chức năng sử dụng các nguồn vốn tự có và vốn huy động để cho vay, đầu tư và cung cấp một số dịch vụ tài chính khác.

Nhìn chung, các CTTC được thành lập và hoạt động nhằm bù đắp các khoản thiếu hụt tài chính do thiếu khả năng cung ứng của các NHTM. Các CTTC có những nghiệp vụ tương tự như NHTM như tín dụng, đầu tư, kinh doanh ngoại tệ... Trong đó, hoạt động


tín dụng, đầu tư thường được coi là lĩnh vực hoạt động chính của các CTTC. Tuy nhiên, CTTC có những điểm khác biệt so với NHTM. Điểm khác biệt đầu tiên giữa CTTC với NHTM là: các NHTM nhận tiền gửi với các kỳ hạn khác nhau, trong khi CTTC thì chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động có kỳ hạn trên một năm. Một điểm khác biệt nữa giữa CTTC và NHTM là NHTM thường thu gom những món tiền gửi nhỏ để cho vay với món tiền lớn, còn CTTC thường đi vay những món tiền lớn để cho vay cả những món tiền nhỏ. Vì lẽ đó, hoạt động cho vay của CTTC thường rất thích hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Về qui mô hoạt động, do bị hạn chế về việc huy động vốn ngắn hạn, hạn chế về việc không được mở tài khoản thanh toán, nên đối tượng khách hàng của CTTC không lớn như NHTM. CTTC thường không mở rộng đối tượng khách hàng, không phát triển hoạt động bán lẻ, do đó mạng lưới hoạt động của CTTC gọn nhẹ. CTTC chủ yếu mở chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch tại các địa bàn tập trung khách hàng của công ty.

Đối với các CTTC thuộc tập đoàn kinh tế, ngoài các đặc điểm chung của CTTC, còn các đặc điểm riêng biệt. Đó là các CTTC này tập trung vào phục vụ các công ty thành viên trong tập đoàn, phục vụ chiến lược phát triển của tập đoàn. CTTC trong tập đoàn kinh tế có nhiệm vụ tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư để cung ứng cho tập đoàn và các công ty thành viên; quản lý các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi, điều hòa vốn giữa các đơn vị thành viên; làm đầu mối và tư vấn cho tập đoàn, các công ty thành viên trong mối quan hệ với NHTM…

Với cách hiểu về CTTC như trên, có thể thấy vai trò của CTTC trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Vai trò này thường được xem xét trên các khía cạnh sau:

Một là, đóng vai trò trung gian cung cấp nguồn vốn cho hoạt động kinh tế, sản xuất, tiêu dùng. Cùng với các trung gian tài chính khác, CTTC đem lại lợi ích trọn vẹn và đầy đủ cho cả người cung cấp vốn và người có nhu cầu về vốn, cũng như cho nền kinh tế xã hội. Các nguồn vốn phân tán trong các tầng lớp dân cư, tổ chức kinh tế có thể được tập trung lại và phục vụ cho nhu cầu về vốn của một ngành, một lĩnh vực nào đó cũng như của cả nền kinh tế.


Hai là, các CTTC giúp đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho nền kinh tế. CTTC thường cấp vốn cho các giao dịch dài hạn và rủi ro hơn. Do các NHTM chủ yếu dựa vào tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn để làm nguồn vốn nên các NHTM phải giữ mức đáo hạn trung bình của danh mục các khoản cho vay không quá dài. Ngược lại, các CTTC thường có xu hướng đưa các nhà đầu tư đến với những người cần vốn dài hạn hơn. CTTC phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chiếm đại đa số và nguồn vốn trung và dài hạn đang là nhu cầu cấp thiết cho đầu tư để hình thành cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ba là, đa dạng hoá hoạt động của các TCTD, giúp khách hàng có nhiều cơ sở lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ mới… Tuy mới hình thành mấy thập kỷ qua nhưng các CTTC trên thế giới đã phát triển khá nhanh, đa dạng về loại hình và đa dạng về các hoạt động dịch vụ tài chính. Các CTTC bổ sung cho hoạt động của các ngân hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ chưa được thực hiện bởi ngân hàng.

1.1.1.2. Các loại công ty tài chính


Có thể sử dụng nhiều tiêu thức khác nhau để phân loại các CTTC. Các CTTC thường được phân loại theo mối quan hệ sở hữu và theo các hoạt động kinh doanh.

Căn cứ vào mối quan hệ sở hữu: các CTTC có thể được phân loại thành CTTC

độc lập và CTTC trong tập đoàn kinh tế.


CTTC độc lập là các CTTC được thành lập và hoạt động độc lập, thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh như hoạt động tín dụng gồm cho vay và bảo lãnh cho các khách hàng trong lĩnh vực thương mại, sản xuất công nghiệp; các hoạt động cho thuê tài sản; bao thanh toán; kinh doanh tiền tệ; tư vấn tài chính…

Các CTTC trong tập đoàn kinh tế là các công ty do các tập đoàn thành lập, tham gia chủ yếu các hoạt động như tạo lập nguồn vốn đầu tư để cung ứng cho tập đoàn và các đơn vị thành viên trong tập đoàn; quản lý đầu tư các khoản vốn nhàn rỗi trong tập đoàn; điều hoà vốn giữa các đơn vị thành viên trong tập đoàn kinh tế; làm đầu mối và tư vấn cho tập đoàn, các đơn vị thành viên trong tập đoàn trong quan hệ với ngân hàng, đối tác đầu tư; cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính cho các đơn vị thành viên trong tập đoàn và khách hàng ngoài tập đoàn, bảo lãnh thực hiện hợp đồng với tập đoàn…


Căn cứ vào các hoạt động kinh doanh: các CTTC có thể được phân loại thành CTTC tiêu dùng, CTTC bán hàng và CTTC thương mại. CTTC tiêu dùng có hoạt động chính là cung ứng phần lớn nguồn vốn của mình cho các gia đình và cá nhân với mục đích mua sắm hàng hoá tiêu dùng như đồ đạc, phương tiện giao thông, các dụng cụ gia đình hoặc cho mục đích thanh toán các khoản chi tiêu thường xuyên bao gồm khám bệnh, học tập, các nhu cầu sinh hoạt khác… Thông thường các khoản vay này được trả góp định kỳ trong thời gian dài. Một hình thức cho vay khác là CTTC tiêu dùng cấp thẻ tín dụng cho khách hàng để khách hàng mua sắm tại hệ thống cửa hàng bán lẻ tổng hợp hoặc hệ thống phân phối hàng hoá thuộc tập đoàn hoặc được CTTC tiêu dùng chỉ định. CTTC tiêu dùng có thể là công ty hoạt động độc lập hoặc công ty do ngân hàng sở hữu.

CTTC bán hàng có hoạt động chủ yếu là cung cấp tín dụng gián tiếp cho người tiêu dùng để mua sắm các sản phẩm dịch vụ do tập đoàn kinh tế hoặc nhà sản xuất được CTTC chỉ định. Người tiêu dùng thoả thuận với hệ thống bán hàng thông qua hợp đồng mua hàng trả góp, trong đó khách hàng phải trả tiền mua hàng và lãi suất cho khoản tiền trả chậm. CTTC bán hàng mua lại các hợp đồng trả góp đó và thống nhất với hệ thống bán hàng về nội dung hợp đồng, thời hạn trả góp… Khi CTTC mua lại các hợp đồng bán hàng trả góp tức là đã mua lại khoản nợ của người mua hàng, do vậy người ta gọi là tài trợ gián tiếp.

CTTC thương mại cung cấp các dạng tín dụng đặc biệt cho doanh nghiệp bằng cách mua những khoản tiền phải thu (các hoá đơn bán hàng của doanh nghiệp) có chiết khấu. Việc cung cấp tín dụng này gọi là bao thanh toán. Ngoài hoạt động bao thanh toán, CTTC tổ chức hoạt động kinh doanh theo từng lĩnh vực chuyên ngành như cho thuê thiết bị, các toa xe, máy bay, tàu chở dầu…

Trong những năm gần đây, sự phân biệt giữa ba loại hình CTTC tiêu dùng – bán hàng – thương mại đã trở nên tương đối lỏng lẻo; hoạt động chủ yếu của CTTC tập trung vào thị trường tín dụng thương mại và tín dụng tiêu dùng.

Ngoài ra, một cách phân loại khác là theo căn cứ vào cơ quan thành lập, có thể chia thành CTTC do nhà nước thành lập, CTTC do các ngân hàng hoặc tập đoàn tài chính ngân hàng thành lập, và CTTC do các tập đoàn kinh tế thành lập.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/11/2022