Tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi - 2


đến ý thức đó chính là do đòi hỏi của xã hội cũng như ảnh hưởng và tiềm năng diễn đạt của ngôn ngữ bình dân nên đã thôi thúc Nguyễn Trãi đưa khẩu ngữ vào trong tác phẩm của mình. Như vậy việc vận dụng lời ăn tiếng nói, lối diễn đạt trong đời sống hàng ngày vào thơ Nôm đã cho thấy Nguyễn Trãi là người có ý thức đưa khẩu ngữ vào trong văn học viết. Đồng thời nhà thơ đã đưa tiếng Việt giao tiếp thành tiếng Việt văn hóa. Qua đó tác giả Phạm Thị Phương Thái khẳng định, "Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã có công rất lớn trong việc xây dựng ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ văn hóa từ ngôn ngữ giao tiếp thông thường" [41,tr.104].

Tác giả Xuân Diệu trong bài viết "Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển Việt Nam" đã đánh giá cao những đóng góp về mặt ngôn từ của tập thơ và dành một phần nghiên cứu về "hành văn" trong thơ Nguyễn Trãi. Tác giả khẳng định, về mặt ngôn ngữ, Quốc âm thi tập " là một kho chất liệu cho ta nghiên cứu lời nói câu viết của tổ tiên làm ngót sáu trăm năm trước" [14,tr.618]. Theo ông, Nguyễn Trãi lấy hình tượng và ý tứ trong những câu tục ngữ ngày xưa hoặc dựa vào lối sáng tạo của tục ngữ để tạo ra những câu thơ vào loại thành công nhất, vào loại "có nhiều nội tâm nhất" [14, tr. 595].

Khác với các tác giả trên, GS. Hoàng Tuệ khi nghiên cứu về Nguyễn Trãi trực tiếp tập trung bàn về "Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng Việt". Theo tác giả cống hiến trước hết của Nguyễn Trãi được thể hiện ở "Bản lĩnh ngôn ngữ trong cuộc đấu tranh của Nguyễn Trãi để bảo vệ nền văn hiến lâu đời của dân tộc" [46,tr.818]. Bản lĩnh ấy được thể hiện ở "thái độ quý trọng và đề cao chất liệu của tiếng "Nôm", tức tiếng Việt, văn học dân gian truyền miệng". Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng Việt ở nhiều phương diện, trước hết đó là: "Bộ phận từ vựng Việt (...) ngữ pháp cũng là Việt, đáng chú ý là các hư từ, ngữ điệu" [46,tr. 819] và đặc biệt tục ngữ rất được "quý chuộng" và "đề cao" trong Quốc âm thi tập. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt bằng cách "dùng chất liệu hình thức Việt để tiếp nhận chất liệu nội dung Hán" [46,tr.821]. Để khẳng định công lao, vị trí của Nguyễn Trãi trong nền thơ ca viết bằng tiếng Việt và để kết thúc bài viết GS. Hoàng Tuệ nhấn mạnh: "Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng Việt,


đó là cống hiến thực lớn lao. Nếu như về tiếng Việt, đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Du đã tạo nên được niềm tự hào, thì ở thế kỉ XV, điều mà Nguyễn Trãi đã xây dựng nên được, là niềm tin" [46, tr.826].

Qua tìm hiểu các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi đã được nhìn nhận trên khá nhiều phương diện, trong đó có các đánh giá về việc sử dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân hay khẩu ngữ. Tuy nhiên, những công trình này chỉ dừng lại ở mức độ đưa ra các nhận xét khái quát về đặc sắc trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trãi mà chưa đi sâu tìm hiểu, khảo sát các biểu hiện cụ thể của khẩu ngữ - một phương diện trong ngôn ngữ nghệ thuật Nguyễn Trãi. Chính vì lí do trên, chúng tôi chọn lựa đề tài "Tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi" với hy vọng sẽ tổng kết, phân loại hợp lí các biểu hiện của khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi và chỉ ra được ý nghĩa biểu đạt cũng như những giá trị thẩm mĩ tiêu biểu của "hệ lời" đặc biệt này.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở khảo sát, thống kê, so sánh, phân tích lí giải các đặc điểm của tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, đề tài sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá khoa học về mức độ ảnh hưởng và cách thức sử dụng những thi liệu của khẩu ngữ trong Quốc âm thi tập. Kết quả của nó sẽ đóng góp phần nào vào việc đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn về Quốc âm thi tập, về tác giả Nguyễn Trãi từ góc độ ngôn ngữ trong nền văn học viết bằng tiếng Việt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Tìm hiểu tính khẩu ngữ ở nhiều góc độ thể hiện (từ vựng, cú pháp, biện pháp tu từ) được thể hiện trong thơ Nôm đó là đóng góp lớn lao của Nguyễn Trãi trong nền thơ ca viết bằng ngôn ngữ dân tộc.

Tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi - 2

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Như tên gọi của đề tài, luận văn sẽ tập trung tìm hiểu những biểu hiện đặc trưng của tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi.


Để đảm bảo tính khách quan, khoa học trong việc đánh giá những đóng góp của Quốc âm thi tập trong tiến trình thơ Nôm về phương diện ngôn ngữ (tính khẩu ngữ), chúng tôi sẽ đặt tập thơ này trong sự đối sánh với một số tác phẩm thơ trước và sau Nguyễn Trãi.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu những đặc điểm biểu hiện của tính khẩu ngữ trong 254 bài thơ Nôm.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ vận dụng tổng hợp một số phương pháp chính sau:

- Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại được sử dụng để có được những cứ liệu cần thiết trong quá trình nghiên cứu. Qua đó cung cấp dữ liệu, số liệu chính xác, tạo cơ sở tin cậy cho những kết luận của luân văn.

- Phương pháp phân tích tổng hợp được sử dụng để phân tích các cứ liệu có được khi thống kê, phân loại. Trên cơ sở phân tích, chúng tôi tổng hợp, khái quát về hiệu quả của việc đưa khẩu ngữ vào trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Nhờ vậy các nhận xét về Quốc âm thi tập sẽ được sáng tỏ hơn.

- Phương pháp so sánh đối chiếu được sử dụng để đưa các hiện tượng cần xét vào trong tiến trình phát triển thơ ca của dân tộc. Từ đó rút ra được những nhận xét về các đặc trưng của khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi.

6. Đóng góp của luận văn

Thực hiện luận văn này, chúng tôi hi vọng sẽ:

1. Chỉ ra được những đặc sắc trong cách sử dụng các từ ngữ, cú pháp, biện pháp tu từ mang tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi.

2. Thông qua những con số thống kê và phân tích cụ thể về từ ngữ, cú pháp, biện pháp tu từ mang tính khẩu ngữ trong Quốc âm thi tập sẽ có thêm những cứ liệu khoa học, khách quan để khẳng định sự đóng góp của Nguyễn Trãi về mặt ngôn ngữ trong nền thơ ca cổ điển trung đại.


7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần Mở đầu (7trang), Kết luận (3 trang), Thư mục tham khảo (4 trang), Phụ lục (50 trang), Phần nội dung chính của luận văn (71 trang) gồm 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề chung có liên quan (từ trang 10 -> trang 23)

Chương 2: Khảo sát tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi (từ trang 24 -> trang 54)

Chương 3: Giá trị và vai trò của tính khẩu ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi.(từ trang 55 -> trang 92)


Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CÓ LIÊN QUAN

1.1. Tác giả Nguyễn Trãi

1.1.1. Thời đại Nguyễn Trãi

Trong tiến trình lịch sử xã hội, mỗi thời đại đều tạo ra những con người vĩ đại. Vào cuối thế kỉ XIV, đất nước ta ở vào tình trạng rối ren và phức tạp. Đây là giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố thăng trầm.Từ cuối đời nhà Trần sang nhà Hồ, thời kì đấu tranh quyết liệt chống giặc Minh xâm lược cho đến hết hai đời vua đầu tiên nhà Lê... Chính trong hoàn cảnh ấy, lịch sử đã phôi thai và kết tinh vẻ đẹp của thời đại trong con người toàn tài Nguyễn Trãi - nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam với các tư cách anh hùng dân tộc - nhà văn - nhà tư tưởng - nhà chính trị - quan chức, nhà ngoại giao - nhà sử học và địa lý học.

Thời kì cuối thế kỉ XIV, các ông vua vãn Trần đắm chìm trong cuộc sống xa hoa, không lo triều chính chỉ lo hưởng thụ vì thế đã trở thành những ông vua nhu nhược, hèn yếu. Lợi dụng tình hình đó, Hồ Quý Li đã thao túng quyền lực của nhà Trần. Đến năm 1400, Hồ Quý Li chính thức cướp ngôi nhà Trần, lập lên nhà Hồ.Sau khi lên làm vua, Hồ Quý Li tiến hành cải cách nhiều mặt của đời sống xã hội nhằm đưa nhà nước phong kiến thể kỉ XIV ra khỏi cơn khủng hoảng như: hạn chế ruộng đất của quý tộc, đánh thuế theo tài sản, phát hành tiền giấy, di dân đi khai hoang... Tuy nhiên những biện pháp cải cách táo bạo không làm khởi sắc được bộ mặt héo úa tàn lụi của xã hội vãn Trần để lại. Bởi những cải cách ấy về thực chất vẫn duy trì những đặc quyền của quý tộc quan liêu mà không mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cho nên nó không thể bắt rễ được vào trong quần chúng. Vì thế cơ đồ nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng sau sáu năm vào tay quân Minh là tất yếu.

Sau khi cướp được nước ta, giặc Minh ra sức đàn áp và khủng bố nhân dân ta về mọi mặt. Nhân dân ta rơi vào cảnh khốn cùng, bao cảnh tang tóc, điêu linh thật oán thán... Biết bao cuộc đấu tranh của nông dân nổ ra chống giặc nhưng tất cả đều bị nhấn chìm trong bể máu.


Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi dấy lên như ngọn gió thổi bùng lên ý chí diệt giặc của nhân dân ta. Toàn dân tộc tiến hành cuộc khởi nghĩa kì diệu nhất, lâu dài nhất, gian khổ nhất và chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử. Đất nước sạch bóng quân thù, giấc mộng xây dựng một đất nước "trong thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu" có cơ hội thực hiện.

Sau khi giải phóng đất nước, triều đại mới đã ra sức khôi phục nền kinh tế - văn hóa bị phá hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, xã hội nước ta với những mặt thối nát đã là nguồn gốc nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột trong tầng lớp các quan lại, quý tộc. Nguyễn Trãi đã nhận ra sự thay đổi thời cuộc và con người. Chính ông nhận ra sự bất lực của mình trong trách nhiệm mới ấy và nhận thấy những công thần thủa nào từng là bạn chiến đấu vào sinh ra tử, giờ đây trở thành bọn quan lại sâu mọt, tham ô, kết bè đảng tranh giành quyền vị, làm hại lẫn nhau. Và cũng chính ông chứng kiến Lê Lợi từ vị chủ tướng tài ba thành ông vua đa nghi, độc tài, đa sát. Nhà vua nghi ngờ tấm lòng trung nghĩa của ông, nghi ngờ sự tận tụy của ông và đỉnh cao là phải nhận thảm án oan khiên nhất trong lịch sử dân tộc - chu di tam tộc.

1.1.2. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi.

1.1.2.1. Cuộc đời.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất của Việt Nam, hiệu là Ức Trai; Người làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay là huyện Chí Linh - Hải Dương).

Khi Nguyễn Trãi lên 6 tuổi thì mẹ mất, ông phải sống với ông ngoại ở Côn Sơn (Chí Linh - Hải Dương). Nhưng đến 1390 khi ông 10 tuổi thì ông ngoại cũng mất. Nguyễn Trãi về sống với cha ở Nhị Khê (Thường Tín - Hà Nội). Tại đây ông được cha dạy dỗ rèn cặp. Năm 1400, Hồ Quý Li mở khoa thi đầu tiên, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh. Ông được Hồ Quý Li cử giữ chức Ngự sử đài chánh trưởng. Vì sớm nhận ra ở Nguyễn Trãi một nhân cách đặc biệt, dám nói, dám làm, một tài năng xuất chúng trong sự nghiệp cải cách đất nước nên Hồ Quý Li đã tin tưởng ở Nguyễn Trãi rất nhiều. Nhưng tiếc rằng, Nguyễn Trãi chưa có dịp bộc lộ tài năng thì giặc Minh xâm lược nước ta. Năm 1407, nhà Hồ bị giặc Minh đánh bại. Cha con Hồ


Quý Li và nhiều bề tôi của nhà Hồ trong đó có phụ thân của Nguyễn Trãi bị bắt về Trung Quốc. Nghe tin, ông vội vàng cùng em trai đi theo chăm sóc cha. Sau khi nghe lời khuyên của cha, Nguyễn Trãi trở về "tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha thì mới là đạo hiếu".

Khi trở về ông bị tướng giặc bắt và giam lỏng ở thành Đông Quan. Mặc dù quân giặc dùng nhiều mưu mua chuộc nhưng ông nhất quyết không ra làm quan cho giặc. Thời gian ở thành Đông Quan (từ 1406 - 1414) là khoảng thời gian Nguyễn Trãi tìm tòi, nghiên cứu, suy nghĩa sách lược đánh quân Minh. Sau khi trốn khỏi thành Đông Quan, Nguyễn Trãi tìm đến với Lê Lợi - vị chủ soái phong trào Tây Sơn và dâng Bình Ngô sách. Được tin dùng Nguyễn Trãi trở thành một trợ thủ đắc lực, tin cậy luôn sát cánh cùng Lê Lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh với cương vị Tuyên Phụng đại phu Hàn lâm thừa chỉ, ông đã cùng Lê Lợi xây dựng một đường lối quân sự, chính trị táo bạo và đúng đắn, giúp quân ta dành hết thắng lợi từ trận này sang trận khác. Có thể nói trong 10 năm kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi cùng với nghĩa quân đã trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, thiếu thốn những đây cũng là giai đoạn rực rỡ, huy hoàng nhất trong cuộc đời ông. Tài năng của ông được đánh giá đúng, khí phách ngang tàng của ông có chốn để vẫy vùng thỏa chí.

Sau cuộc kháng chiến thắng lợi đầy oanh liệt, triều đình non trẻ nhà Lê vừa được thành lập đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, mâu thuẫn trong nội bộ tầng lớp thống trị phát sinh. Do tầm nhìn hạn hẹp, do quá lo lắng cho quyền lợi của hoàng gia, Lê Lợi đã ngăn cản Nguyễn Trãi phát huy hết tài năng ý nguyện của mình. Cho nên chức vụ của Nguyễn Trãi tuy cao nhưng không đủ quan trọng để thi thố tài năng.

Năm 1429 do nghi kị, Lê Lợi đã sai bắt Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo

- hai nhân vật vào hàng khai quốc công thần. Năm sau, Nguyễn Trãi cũng bị tống giam nhưng sau đó được tha. Tuy nhiên cho đến tận khi Lê Lợi mất (1432), Nguyễn Trãi vẫn không được giao một trọng trách đáng kể nào. Sau khi Lê Lợi mất, Lê Thái


Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi vẫn được làm quan nhưng đó chỉ là chức quan "hữu danh vô thực" mà thôi.

Năm 1439, Nguyễn Trãi cáo quan về Côn Sơn. Nguyễn Trãi về Côn Sơn mà trong lòng mang nhiều tâm trạng u uất. Năm 1440, khi Lê Thái Tông hiểu Nguyễn Trãi là người có tài có đức bèn triệu ông ra làm quan, phong cho ông chức Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm thừa chỉ coi việc Tam quán và kiêm chức Hành khiển Đông Bắc đạo, phụ trách dân bạ tịch Hải Dương, An Quảng. Nguyễn Trãi tin rằng đây là lúc quyền thần bị diệt thì chắc rằng có thể thi thố tài năng - có những ngày tháng hả hê nhất. Thế nhưng cuộc đời Nguyễn Trãi đâu được thỏa ý mà lại rẽ sang ngả đường đầy oan nghiệt bởi vụ án oan tại Trại Vải (làng Đại La, Gia Bình, Bắc Ninh ngày nay). Nguyễn Trãi bị vu oan, kết tội thí nghịch và tru di tam tộc.

Hai mươi năm sau ngày Nguyễn Trãi qua đời (1464), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù Bá, bổ dụng Nguyễn Anh Vũ làm tri huyện và cấp 100 mẫu ruộng dùng vào việc thờ cúng.

Năm 1962, Đảng và Chính phủ ta đã tổ chức lễ kỉ niệm 520 năm ngày Nguyễn Trãi mất. Sau đó, năm 1980 lại tổ chức lễ kỉ niệm 600 năm Nguyễn Trãi sinh và tổ chức văn hóa - khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi nhận ông là: Danh nhân văn hóa thế giới và được kỉ niệm rộng rãi trên toàn thế giới. Ở cả hai lần, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ca ngợi Nguyễn Trãi hết lời, coi Nguyễn Trãi "là anh hùng cứu nước, đồng thời là nhà văn lớn, nhà thơ lớn nước ta", coi "Nguyễn Trãi là một tiêu biểu rất đẹp của thiên tài Việt Nam".

1.1.2.2. Sự nghiệp sáng tác

Sau thảm họa tru di tam tộc, tác phẩm của Nguyễn Trãi bị thất lạc hoặc bị hủy nhiều. Tuy nhiên với một khối lượng lớn sáng tác còn lại thì có thể khẳng định, Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, trong sáng tác chữ Hán và chữ Nôm, trong văn chính luận và thơ trữ tình. Tác phẩm của ông còn lại, về phần Hán văn có những quyển như, Quân trung tư mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí, Văn kia

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/02/2023