Ngôn Ngữ Thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn

Hay cánh cò biểu tượng cho những gì trắng trong, thuần khiết: “Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò” (Tuổi thơ). Con cò cũng gợi lên hình ảnh về những cuộc đời lam lũ truyền kiếp:

Mẹ trót ru ta câu sấm mệnh con cò Thôi đừng trách cành tre sao mềm thế

(Chợ)

Hình ảnh cánh cò trong thơ Đồng Đức Bốn cũng gợi sự long đong, phiêu bạt hình ảnh cánh cò ttrong ca dao:

Chuông chùa tiếng đục tiếng trong Thảo nào cát bụi long đong thân cò

(Viết ở bờ sông)

Ngoài những hình ảnh trên, khảo sát qua thơ của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, ta còn bắt gặp rất nhiều những ảnh của ca dao dân ca như ngõ trúc, cây đa, dải yếm, đôi mắt, giếng nước, sân đình… Được khai thác và vận dụng sáng tạo, tinh tế, những hình ảnh truyền thống quen thuộc này đã góp phần tạo thành một không gian văn hóa rất đặc trưng của làng quê, một không gian mang hồn cốt, bản sắc dân tộc:

Yếm đào còn ở chốn quê

Nên cây trúc mọc còn mê sân đình

(Xéo gai anh chẳng sợ đau)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Tóm lại, xuất phát từ cái nôi văn hóa dân gian, cả Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã mượn lại những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của ca dao, dân ca như sông, trăng, con cò, cây trúc, cây tre, bến nước, sân đình… để từ đó làm mới và phát triển. Qua các sáng tác ta thấy được sự gắn bó sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc và tài năng sáng tạo nghệ thuật độc đáo của hai nhà thơ và đó chính là cơ sở tạo nên bản sắc đậm đà trong thơ của Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn:

Bên cạnh việc tiếp thu, vận dụng các hình ảnh của dân gian, truyền thống linh hoạt, sáng tạo với tần số dày đặc thì Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã tiếp thu, vận dụng nghệ thuật xây dựng hình ảnh của thơ ca dân gian với lối nói, cách cảm, cách nghĩ dân gian cùng với các phương pháp ẩn dụ, ví von, so sánh… mà chúng tôi sẽ kết hợp phân tích ở phần ngôn ngữ, giọng điệu.

Bản sắc dân tộc trong thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn - 13

3.3. Ngôn ngữ, giọng điệu

3.3.1. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn

Nguyễn Tuân đã từng nói: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ngôn ngữ”. Ngôn ngữ hay ngôn từ nghệ thuật là sản phẩm cụ thể của cá nhân. Ngôn ngữ là chất liệu đầu tiên và không thể thiếu của sáng tác văn chương. Một mặt, nó mang đặc trưng chung của ngôn ngữ dân tộc. Mặt khác, nó cũng in đậm dấu ấn cá nhân của từng tác giả. Vì vậy, để tìm hiểu những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật của từng tác giả, ta không thể không nghiên cứu phương diện ngôn ngữ. Trong thơ, ngôn ngữ đòi hỏi phải có tính hàm súc, gợi tả, giàu nhạc điệu, giàu liên tưởng. Ngôn ngữ thơ chú trọng tới việc bộc lộ thế giới của cái tôi nội cảm bên trong con người. Và để tác phẩm mang tính thẩm mĩ, nghệ thuật cao, ngôn ngữ thơ thường sử dụng các biện pháp tu từ để thể hiện.

Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã thể hiện rõ tài năng và cá tính sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ. Cả hai tác giả đều có lối dùng từ ngữ bình dị, gần gũi với cuộc sống nhân dân, thời đại và ca dao truyền thống. Ngôn ngữ trong tác phẩm của họ được khơi nguồn từ đời sống: đời sống văn hóa, đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh… mộc mạc, dân dã, gần gũi với đời thường nhưng lại có sức biểu đạt cao. Vốn coi trọng cội nguồn và những giá trị bền vững của đời sống, Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã tìm thấy ở thơ ca dân gian nguồn từ ngữ phong phú để từ đó khai thác và vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian, luôn làm trẻ ca dao bằng những ngôn từ, những lối kết hợp và phép tu từ mới, lạ, độc đáo rất thú vị.

Ở thơ Nguyễn Duy, ta bắt gặp vốn từ dân gian, từ địa phương hết sức phong phú được sử dụng một cách nhuần nhụy. Hàng loạt các từ ngữ quê mùa dân dã như: “mần răng”, “không răng”, “bên ni… bên tê”, “lôi thôi lếch thếch”, “tỏng tòng tong”… qua bàn tay của người nghệ sĩ bỗng trở nên sinh động, tự nhiên và đem lại giá trị nghệ thuật cao.

Trong bài “Dân ơi”, từ “tỏng tòng tong” là từ quen dùng trong cách nói thường ngày của dân gian đã được Nguyễn Duy vận dụng tài tình đắc địa, vừa diễn tả cảnh lụt trắng đồng mất không còn gì, vừa thể hiện niềm xót xa thương cảm của nhà thơ đối với làng quê trong cảnh mất mùa đói kém:

Năm nay lại lụt trắng đồng Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng

(Dân ơi!)

Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy là thứ ngôn ngữ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê:

Sớm mai đánh bệt trước thềm Đừ đừ phun khói thuốc lên tận trời

(Thuốc lào)

Những từ “đánh bệt”, “đừ đừ” giản dị, tự nhiên như lời nói cửa miệng hàng ngày của người dân quê được tác giả đưa vào thơ bỗng trở nên giàu sức gợi hình, gợi cảm.

Qua cách sử dụng ngôn ngữ thơ, có thể thấy cùng là vốn ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ nhà quê nhưng ở Nguyễn Bính, ngôn ngữ dân gian ấy có vẻ lắng dịu, mượt mà, ngọt ngào hơn. Còn ở Nguyễn Duy, ngôn ngữ nhà quê mang nét vẽ táo bạo hơn, suồng sã hơn, ngôn ngữ truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

Cũng tiếp thu tinh hoa từ vốn ngôn ngữ dân gian với lối nói giản dị, đời thường, Đồng Đức Bốn đã cho chúng ta thấy được không khí quê, cảnh sắc làng quê qua những vần thơ mộc mạc, chân chất:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

(Chăn trâu đốt lửa)

Thơ ca dân gian là kho báu ngôn ngữ đượm màu sắc dân tộc. Cả Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đều đã học hỏi ở ca dao cách sử dụng lối xưng hô với các đại từ quen thuộc trong ca dao: mình, ta, ai, ấy, người dưng, đó, đây… Hệ thống đại từ nhân xưng này đã tạo cho câu thơ chất trữ tình, tình tứ, ngọt ngào, đằm thắm như những câu ca xưa:

Thôi ta về với mình thôi

Chân trời đành để chim trời nó bay

(Đường xa - Nguyễn Duy) Có ai còn nhớ đến tôi

Có thương thuyền giữa sông trôi lững lờ

(Chợ Thương - Đồng Đức Bốn) nhưng cũng có lúc suồng sã, vui đùa, tếu táo với cách xưng hô ta - mình, tao - mày:

Mình vô tư với ta đi

Vô tư nên chẳng cần chi nhiều lời

(Vô tư - Nguyễn Duy ) Giang hồ ở khắp mọi nơi

Mày là cỏ dại suốt đời lang thang Tao như một ngọn gió hoang

Về đây hát khúc tình tang quê mùa

(Nói chuyện với những cây cỏ dại - Đồng Đức Bốn)

Cách xưng hô trong thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã cho thấy rất rõ tính khẩu ngữ và gần gũi thơ ca dân gian. Mặc dầu vậy, cách xưng hô của hai nhà thơ vẫn giàu chất thơ và là những sản phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo của cá nhân, thể hiện cách cảm, cách nghĩ của con người hiện đại.

Là những nhà thơ xuất thân từ ruộng đồng, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống chốn thôn quê, Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã sử dụng linh hoạt cách nói dân gian gần gũi, thân mật với những thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Ta thấy xuất hiện với mật độ cao những thành ngữ, tục ngữ trong thơ Nguyễn Duy: gừng cay muối mặn, đau như xát muối, nửa đường đứt gánh, dãi nắng dầu mưa, quýt làm cam chịu, tiền nào của ấy, vã mồ hôi sôi nước mắt… Quả đúng là đọc thơ Nguyễn Duy, ta bắt gặp một “thế giới ca dao phập phồng sinh động”. Ca dao đi vào thơ Nguyễn Duy hết sức tự nhiên và được vận dụng một cách sáng tạo để diễn tả những vấn đề của đời sống hiện đại đầy sức thuyết phục. Có những bài thơ được bắt đầu bằng một câu ca dao, sau đó được triển khai theo một hướng đầy sáng tạo:

Con cò bay lả bay la

theo câu quan họ bay ra chiến trường

(Khúc dân ca)

Và có nhiều bài được kết thúc bằng những câu ca dao nguyên vẹn:

Nhìn về quê mẹ xa xăm Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

Nguyễn Duy cũng hết sức tài tình khi cải biên sáng tạo ca dao truyền thống. Từ câu ca dao mang tính chiêm nghiệm, đúc kết của dân gian “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, Nguyễn Duy đã sáng tạo những câu thơ đầy tính đúc kết, thấm thía:

Mấy đời xương trắng hóa vôi Tro tàn âm ỉ mấy đời chiến tranh

Rõ ràng, vận dụng triết lí của dân gian xưa, Nguyễn Duy đã nói lên được triết lí của thời đại: chiến tranh là tàn khốc, là đau thương, mất mát.

Nhiều bài thơ của Nguyễn Duy lại sử dụng lối nói ngược quen thuộc của ca dao. Ở bài Xẩm ngọng, lối nói ngược được vận dụng để phê phán những thói hư tật xấu, mặt trái của xã hội. Thơ Nguyễn Duy nhiều bài mang âm hưởng lời ru: Lời ru đồng đội, Lời ru con cò biển, Lời ru trong bão, Ca dao vọng về, Mùa thu… đã tạo nên tính mượt mà, truyền cảm, dễ đi vào nếp cảm, nếp nghĩ của người đọc.

Cũng giống như Nguyễn Duy, ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn là thứ ngôn ngữ được chắt lọc từ ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Những cách nói của cha ông từ ngàn năm như được vọng về trong những vần thơ lục bát giản dị mà sâu sắc ý tình:

Bát cơm và nắng chan sương Đói no con mẹ sẻ nhường cho nhau

(Trở về với mẹ ta thôi) Nhà bạn cũng giống nhà tôi

Mái tranh vách đất nhìn trời qua vung

(Con sáo sang sông III)

Nhà thơ cũng thật sáng tạo khi vận dụng tục ngữ “Gái một con trông mòn con mắt”:

Đúng là gái có một con

Để tôi ngơ ngẩn trông mòn mắt ra

(Gái một con trông mòn con mắt)

Hay câu ca dao “Mình về em dặn câu này/ Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua” đã được Đồng Đức Bốn khai thác và vận dụng tài tình:

Đừng buông giọt mắt xuống sông Anh về dẫu chẳng đò không cũng chìm

Tiếp thu vốn ngôn ngữ dân gian, Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn sử dụng trong thơ của mình nhiều thán từ và tình thái từ của ca dao. Nhà thơ Nguyễn Duy từng thốt lên đầy bất ngờ, xao xuyến khi phát hiện vẻ đẹp tuyệt

mĩ của thiên nhiên tạo vật. Cảm xúc ấy được bộc lộ trực tiếp qua các thán từ: chao, ô kìa… bật lên như lời nói thường ngày của cuộc sống:

Ô kìa đột ngột trăng lên

Trăng, trời, trăng láng bạc trên lá rừng

(Trăng)

Trước cảnh đê vỡ đầy tang thương, Đồng Đức Bốn cũng không kiềm chế được nỗi lòng mà phải thốt lên:

Ối mẹ ơi đê vỡ rồi

Đồng ta trắng xóa cả trời nước trong

(Vỡ đê)

Các tình thái từ: sao, mà, với, rồi,… được sử dụng một cách linh hoạt, tự nhiên góp phần không nhỏ vào việc thể hiện sắc thái tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

Thịt xương xưa hóa đất rồi Nợ xưa còn để nặng đời sau ư?

(Chi Lăng – Nguyễn Duy) Bây giờ mưa gió về đâu

Để tôi nhớ mãi một màu tóc xưa

(Mưa gió về đâu)

Trong ca dao xưa thường xuất hiện những địa danh đất Việt. Hệ thống các từ địa danh cũng được Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn vận dụng vào thơ một cách tự nhiên, linh hoạt. Những từ ngữ chỉ địa danh không phải là những con chữ khô cứng mà gắn với những kỉ niệm, những tâm sự, tình cảm mà nhà thơ từng sống, từng trải nghiệm. Đó có khi là nỗi đau và sự hào hùng của một thời lửa đạn đã qua:

Cồn Tiên áo trắng qua cầu

Bạn tôi nằm dưới trắng phau Đông Hà

(Giấc mộng trắng - Nguyễn Duy)

Nhiều khi những tên địa danh cho ta thấy được vẻ đẹp thanh bình, giản dị của quê hương:

Gió sông Hồng đã lên ngôi Trăng Tây Hồ hết mồ côi tội tình

(Gai rào ngõ quê)

Qua khảo sát có thể thấy, ngôn ngữ thơ của Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn là thứ ngôn ngữ dân dã, quê mùa, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nói cách khác, đó là thứ ngôn ngữ mang đậm dấu ấn dân gian và bản sắc dân tộc. Chính đặc điểm này đã tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ của thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đối với các thế hệ độc giả Việt Nam.

3.3.2. Giọng điệu thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn

Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học, là một phương diện biểu hiện quan trọng của chủ thể sáng tạo. Giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức nghệ thuật tác phẩm vào một chỉnh thể thống nhất. Các yếu tố tư tưởng, hình tượng, chủ đề tác phẩm được cảm nhận trên một phạm vi giọng điệu nào đó mà từ đó người đọc có thể thâm nhập vào thế giới tinh thần của tác giả. Giọng điệu làm nên phong cách riêng biệt của mỗi nhà văn, nhà thơ, là hồn cốt của tác phẩm.

Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn là những nhà thơ xuất thân từ chốn đồng quê mà sáng tác của họ luôn đậm đà tính dân tộc. Xét trên phương diện giọng điệu, có thể thấy nét nổi bật của thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn là giọng điệu trữ tình dân gian với nhiều sắc thái khác nhau của giọng điệu ca dao, dân ca. Đó có khi là chất giọng châm biếm, hài hước; có khi lại là giọng ghẹo, bông đùa và có lúc lại là giọng tâm tình, giãi bày hay thở than quen thuộc của ca dao xưa.

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí