Nguồn Gốc Hình Thành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu

ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Thành hoàng làng thể hiện quan niệm về con người. Người Việt ta cho rằng con người có hai phẩn “thể xác” và “linh hồn” hợp thành, và khi mất đi thì linh hồn con người vẫn tồn tại và bảo vệ cho người thân trong gia đình, họ hàng của mình. Vì vậy, người Việt luôn trân trọng linh hồn của những người đã mất với việc chăm chút cho bàn thờ tổ tiên, hay nơi thờ tự của làng xã một cách chu đáo toàn tâm toàn ý. Qua đó, tinh thần cộng đồng, đoàn kết của dân tộc ta cũng luôn được giữ vững và củng cố.

1.2. Khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu

1.2.1. Khái niệm tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành ra con người.

Nữ thần được thờ có thể là nhiên thần như: Thần Sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp); Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá… có thể là nhân thần như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu…

Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, trong đó chỉ có những nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như các “bà cô” (những người phụ nữ không có chồng, con hoặc chết trẻ).

Khái niệm “Mẫu” có thể tiếp cận ở góc độ rộng, hẹp khác nhau. Tuy nhiên có thể tiếp cận khái niệm Mẫu theo ba nghĩa:

Thứ nhất, Mẫu là một danh từ gốc Hán Việt được hiểu là mẹ, mụ, mạ, mế dùng để chỉ người phụ nữ đã sinh thành ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của người con đối với người mẹ đã sinh thành ra mình.

Thứ hai, Mẫu cũng được hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là sự tôn vinh, tôn xưng một nhân vật nữ nào đó (có thật hoặc không có thật) như Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ.

Thứ ba, Mẫu cũng được dùng để chỉ sự sinh sôi nảy nở, sinh hóa không ngừng của vạn vật như những danh xưng: Mẹ Cây, Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Núi rừng, Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá, Mẹ Xứ sở… Mặc dù đồng nhất Mẹ - Mẫu với tự nhiên (bà Mây, bà Mưa, bà Sấm, bà Chớp), với bản thể vũ trụ (bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Hỏa, bà Thổ) nhưng Mẫu ở đây không phải là người mang tính sáng thế mà chỉ mang tính đùm bọc che chở.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Người Việt trên cơ sở những cảm nhận trực quan về sự sinh nở của người mẹ, trong lao động sản xuất và trong đời sống cộng đồng đã xuất hiện ý thức về sự sinh sôi nảy nở và phát triển của vạn vật xung quanh mình. Họ nhận thấy người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc mang thai, sinh nở, nuôi dưỡng và che chở cho con cái của mình nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung. Vì vậy người Việt đã sớm hình thành niềm tin thiêng liêng vào người mẹ mang nặng đẻ đau, che chở và đùm bọc đàn con. Niềm tin ấy đã sản sinh ra cái mà ta gọi là tín ngưỡng Mẫu.

Tín ngưỡng Mẫu của người Việt nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng đã có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Tín ngưỡng Mẫu lấy việc tôn thờ người Mẹ, người phụ nữ làm đấng sáng tạo, bảo trì cho sự tồn tại, sinh thành của vũ trụ, đất nước và con người. Tín ngưỡng Mẫu chỉ có thể ra đời khi con người có ý thức về giá trị của sự sinh sôi nảy nở, mà tư duy của cư dân nông nghiệp thường từ những cái cụ thể cho nên giá trị cụ thể về sự sinh sôi nảy nở không có gì khác ngoài người mẹ cụ thể mang nặng đẻ đau, sinh sôi nguồn nhân lực.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên hiện nay Qua khảo cứu một số cơ sở thờ tự - 4

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời tôn vinh là các chức năng sáng tạo ra muôn loài và mang sự sống đến cho con người như: Trời, đất, sông nước….

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Nữ thần (nhưng không phải tất cả nữ thần đều là Mẫu), là một bộ phận của ý thức xã hội, được hình thành từ chế độ thị tộc mẫu hệ, để tôn vinh những người phụ nữ có công với nước, với cộng đồng tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hoá, đạo đức xã hội làm Thánh mẫu, Vương mẫu… và qua đó người ta gửi gắm niềm tin vào sự che chở, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên thuộc nữ thần.

1.2.2. Nguồn gốc hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành trên cơ sở những tiền đề kinh tế, xã hội và văn hoá tín ngưỡng của người Việt cổ có những bước chuyển biến và đặc thù nhất định. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là văn hóa truyền thống của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội mà nền tảng của nó chính là phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín.

Nói đến nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu mà người ta hay gọi là Đạo Mẫu ở Việt Nam thì khó có thể biết nên bắt nguồn từ đâu. Nhưng nhận thấy từ buổi hồng hoang của lịch sử do con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, nên con người đã tin vào thần linh đang chi phối cuộc sống của họ. Chính sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên là một trong những nguồn gốc xã hội hình thành nên tín ngưỡng trong đó có tín ngưỡng Mẫu. Nó được sinh ra bởi sự hạn chế của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, sự hạn chế đó lại bắt nguồn từ trình độ thấp của lực lượng sản xuất. Những hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, chớp, lũ lụt, hạn hán… làm con người sợ hãi. Con người không giải thích được cũng như không nắm bắt được quy luật vận động của tự nhiên, từ đó họ cảm thấy yếu đuối, bất lực trước giới tự nhiên. Khi con người càng bất lực, yếu đuối trước giới tự nhiên bao nhiêu thì những lực lượng tự nhiên càng thống trị mạnh con người bấy

nhiêu. Sự bất lực đó làm con người lầm tưởng rằng luôn có một sức mạnh huyền bí hay những lực lượng siêu nhiên thần bí chế ngự họ, chi phối cuộc sống hàng ngày của họ. Từ đó xuất hiện biểu tượng về thần linh, thần thánh và thờ cúng những vị thần có khả năng tác động đến đời sống con người, chẳng hạn như việc thờ các vị thần tự nhiên các hiện tượng tự nhiên như: mây, mưa, sấm, chớp.

Bên cạnh mối quan hệ con người với tự nhiên, con người trong quá trình tồn tại và phát triển còn có quan hệ với nhau. Khi xã hội diễn ra sự phân chia giai cấp, giai cấp bị trị luôn chịu sự đè nén, áp bức, bóc lột cùng cực và bị đẩy xuống đáy cùng xã hội. Họ cảm thấy bất lực và không tìm thấy lối thoát trong cuộc sống hiện tại. Họ nhận ra rằng cần phải tìm đến một thế giới mới - thế giới ấy có thể giúp an ủi và xoa dịu nỗi đau cho con người ở cuộc sống thực tại. Thế giới ấy chính là thần linh, thần thánh và thực sự, khi đến với thế giới ấy con người cảm thấy được an ủi và chia sẻ.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến sự ra đời tín ngưỡng Mẫu, đó chính là tàn dư của chế độ Mẫu hệ. Chế độ Mẫu hệ là sự đề cao vai trò của người phụ nữ, người đàn bà trong cộng đồng cũng như trong gia đình, vai trò thuộc về người mẹ, con cái cũng được xác định theo người Mẹ. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, tàn dư của chế độ Mẫu hệ vẫn chi phối nhiều quan hệ trong gia đình; người vợ, người mẹ, người phụ nữ luôn giữ vị trí và vai trò quan trọng. Họ chăm lo gánh vác mọi công việc từ việc quản lý đến tổ chức đời sống gia đình, nuôi dưỡng giáo dục con cái, nhất là về phương diện kinh tế, người phụ nữ đóng vai trò đáng kể trong việc đảm bảo nguồn cung nuôi sống gia đình. Trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, người vợ - người mẹ cũng chịu trách nhiệm chính: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, người phụ nữ bị ràng buộc bởi những tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, những bất công và quy chuẩn của xã hội. Họ hầu như không có tiếng nói. Thờ Mẫu thể hiện sự tôn

vinh coi trọng giá trị của người phụ nữ, giải phóng những bất công, trói buộc dành cho người phụ nữ.

Sự kính trọng và tôn vinh hình tượng người Mẹ, người phụ nữ không chỉ chịu ảnh hưởng tàn dư chế độ Mẫu hệ mà còn xuất phát từ đặc điểm kinh tế nông nghiệp lúa nước của người Việt. Tín ngưỡng này “đã bước đầu chứa đựng những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, một vũ trụ thống nhất bốn miền: miền trời (Mẫu Thiên), miền đất (Mẫu Địa), miền sông, biển (Mẫu Thoải), miền núi rừng (Mẫu Thượng Ngàn)” [72, tr. 37] đó là những vị Mẫu thần đại diện cho tự nhiên đại diện cho những miền quan trọng ảnh hưởng đến con người và các hoạt động sản xuất nuôi sống họ. Điều này hoàn toàn trùng khớp với quan niệm sùng bái tự nhiên của người Việt với suy nghĩ “vạn vật hữu linh”. Họ quan niệm mỗi nhành cây, ngọn cỏ, thậm chí là đá đều có linh hồn. Tự nhiên, vũ trụ cũng vậy, mỗi nơi sẽ có một vị thần cai quản riêng. Những vị thần ấy sẽ có sức mạnh, quyền lực trong địa phận cai quản. Thờ những vị thần ấy được thờ phụng sẽ giúp cây trái tươi tốt, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, mỗi người đến đền thờ Mẫu đều cầu cho gia đình được yên ấm, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Mỗi vị Mẫu đều có nguồn gốc hình thành hay sự tích riêng:

Mẫu Thượng thiên là “bà mẹ trên trời” được dân gian sùng bái gọi là Cửu Thiên Huyền nữ, người đã xuống trần gian hoá thân là một bà lão để dạy cho Lộ Bàn, Lộ Bộc chặt cây làm nhà để ở, làm thuyền để di chuyển trên sông nước biển cả.

Mẫu cây hay còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn là con hay cháu Vua Hùng và đã được hiển thánh làm vị thần bảo hộ cho núi rừng, bản làng. Có truyền thuyết cho rằng đó là do nàng công chúa tên là Mị Nương Quế Hoa hiện thân. Hay là công chúa La Bình con gái của thần Tản Viên. Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân của Thánh Mẫu trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở khắp nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính là suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn).

Mẫu Thoải (mẹ của lực lượng sáng tạo ra mọi sông nước) là “Mẫu” trị vì sông nước, xuất thân từ dòng dòi Long Vương - Thần Long. Có truyền thuyết cho rằng đó là không phải chỉ là có một bà mà là ba bà con gái của Lạc Long Quân đã được chọn để cai quản việc sông nước.

Xuất phát từ những truyền thuyết trên thì Mẫu Thoải ra đời sớm hơn Mẫu Thượng Ngàn. Bởi vì, Mẫu Thượng Ngàn gắn với thời Hùng Vương (là con trai của Lạc Long Quân và là cháu của Kinh Dương Vương), còn Mẫu Thoải thì gắn với thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Có thể nói rằng, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn là khởi nguồn cho tín ngưỡng thờ Mẫu sau này, gắn với con người từ khi còn cư trú ở vùng rừng núi. Tác giả Nguyễn Đăng Duy cho rằng: “Những ngôi đền, miếu thờ mẫu này thường ở ngã ba sông hoặc dọc ven sông, trên con đường di chuyển dần xuống trung du đồng bằng” [12, tr.133].

Mẫu Địa, hiện nay có những quan điểm và cách giải thích khác nhau. Nhưng theo quan niệm trong dân gian, quan điểm của một số nhà nghiên cứu và tác giả luận văn thì: Mẫu Địa - Mẫu Đệ tứ, “do quyền năng của Mẫu địa cực kỳ to lớn bao trùm, bàng bạc khắp tất cả núi rừng sông biển, nên sự tồn tại của còi Thượng Ngàn, Thủy Phủ thì đã hàm chứa luôn cả Phủ Địa” [74, tr.111]. Mẫu Địa có những quyền năng to lớn. Đất là nguồn sinh nở bất tận, nó gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đối với con người từ xa xưa cho đến tận ngày nay, đất sản xuất ra các hình thái sinh sống và cũng chính đất là nơi gửi người chết vào khi an nghỉ… Chính vì thế Mẫu Địa đương nhiên tồn tại trong vũ trụ.

Như vậy, các Mẫu được nhập vào một số nhân vật ít nhiều gắn bó với các nhân vật nửa lịch sử, nửa huyền thoại của lịch sử dân tộc buổi đầu dựng nước và giữ nước, để các Mẫu có tiểu sử. Mẫu Thượng Thiên - cai quản lực lượng sáng tạo ra miền trời, chủ của mọi vòng quay thời gian, thời tiết và khí hậu theo mùa và ở trên tận trời xanh nên ít được nhắc đến. Mẫu Thượng

Ngàn, Mẫu Thoải thì được lịch sử hóa, truyền thuyết hóa với nhiều dị bản khác nhau và “Các quan niệm xô bồ lẫn lộn trong dân gian là bình thường, không lấy gì làm lạ” [36, tr. 89].

Trong tâm thức người dân Việt Nam, Mẫu Liễu Hạnh là: “Mẫu Thượng Thiên” - Mẹ ở trên trời giáng xuống, “Mẫu nghi thiên hạ” - Mẹ của muôn dân, “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian (Mẫu Liễu Hạnh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Thánh Tản Viên). Khi Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, không rò từ khi nào đã trở thành một vị thần chủ đạo của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. “Phủ” trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang ý nghĩa rộng và bao quát, nó ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ. Tuy là ra đời sau nhưng Mẫu Liễu Hạnh lại thường được đặt vào vị trí trang trọng nhất trên ban thờ Mẫu Tứ phủ. Hiện nay, “chưa ai có thể trả lời chắc chắn Tam phủ - Tứ phủ của Đạo Mẫu có từ bao giờ” [70, tr. 30]. Tuy nhiên, “có thể tin rằng Tam phủ có trước Tứ Phủ” [70, tr. 30]. Ngô Đức Thịnh cũng đã đưa ra một mốc thời gian muộn nhất cho sự ra đời của hình thức thờ Mẫu Tam phủ đó là: “Có lẽ muộn nhất cũng là từ thời Lý” [72, tr. 18].

Đối tượng Mẫu ngoài những nhiên thần thì còn thêm các nhân thần. Đó là những người được nhân dân tin tưởng như là “Mẫu nghi thiên hạ” (Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Trần Thị Ngọc Giao…) hay những người mẹ anh hùng có công với đất nước.

Tiểu kết chương 1

Ở Việt Nam, các tín ngưỡng dân gian vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Hệ thống tín ngưỡng dân gian nước ta rất phong phú với các hình thức thờ cúng đa dạng. Trong đó, tiêu biểu là tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng và tín ngưỡng thờ Mẫu. Các loại hình tín ngưỡng này có nguồn gốc hình thành, đặc điểm và lễ nghi thờ cũng khác nhau, nhưng chúng thống nhất với nhau trong bản sắc văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt được tích hợp bởi ba lớp thờ là thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ. Đến với “Mẫu” không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn có sức lôi cuốn con người. Người ta đến với “Mẫu” còn có cả sự đồng cảm về giá trị văn hóa và góp phần củng cố ý thức cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Sự tôn thờ người phụ nữ, người mẹ, coi người mẹ là đấng sáng tạo, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của đất nước, con người, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phản ánh rò nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, tín ngưỡng thờ Mẫu còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống và đạo lý tốt đẹp của nhân dân ta như: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống chống giặc ngoại xâm, truyền thống tôn trọng người phụ nữ. Đồng thời nó cũng góp phần tăng cường ý thức liên kết cộng đồng cũng như có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam nói chung và của người dân Hưng Yên nói riêng trong lịch sử cũng như hiện đại.

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 04/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí