Chương 1
Lý luận cơ bản về tăng cường tín dụng ngân hàng phát triển kinh tế nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm
1.1. Lý luận cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm
1.1.1. Lý thuyết chủ yếu liên quan
1.1.1.1. Quan niệm phát triển bền vững
Có thể bạn quan tâm!
- Tổng Quan Nghiên Cứu Và Vấn Đề Nghiên Cứu
- Những Thống Nhất Cơ Bản Của Các Công Trình Nghiên Cứu Trước
- Tình Hình Thu Thập Phiếu Khảo Sát Cá Nhân Đối Với Từng Địa Phương Trên Địa Bàn Vùng Kttđ Vùng Đbscl
- Đặc Điểm Kinh Tế Nông Nghiệp Và Những Tác Động Đến Tín Dụng Ngân Hàng
- Lý Luận Cơ Bản Về Tăng Cường Tín Dụng Phát Triển Kinh Tế Nông Nghiệp
- Nhóm Các Chỉ Tiêu Phản Ánh Chất Lượng Tín Dụng
Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.
Con người đã khai thác tự nhiên để tạo ra những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của con người. Sự khai thác đó dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên và biến đổi môi trường thậm chí phương hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai. Để giải quyết thực tế mang tính toàn cầu đó con người đã có những hoạt động cả về lý luận và thực tiễn nhằm hạn chế những tác động tiêu cực này. Theo đó quan niệm phát triển bền vững được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 từ Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới [156]. Khi đề cập đến vấn đề này, Tổ chức Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng: "Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai" [156]. Ở Việt Nam Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 432/QĐ- TTg về Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 [16]. Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quốc hội của Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ môi trường (bổ sung, sửa đổi), trong đó nói rõ quan điểm phát triển bền vững: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” [73]. Quan niệm phát triển bền vững như trên đặt ra yêu cầu đối với phát triển KTXH nói chung và phát triển KTNo cũng như TDNH phát triển KTNo cần có những thay đổi tích cực, đó là phát triển nông nghiệp sinh thái, sạch, thân thiện, an toàn, minh bạch về xuất xứ sản phẩm hàng hóa, tín dụng xanh. Không thể duy trì
sản xuất chạy theo số lượng với kỹ thuật lạc hậu xâm hại môi trường, khai thác cạn kiệt, xói mòn tài nguyên. Với lẽ đó TDNH cần chú trọng chỉ nên cho vay những hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển KTNo theo xu hướng bền vững, trước hết có thể là tập trung phát triển những vùng trọng điểm có nhiều tiềm năng để làm động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển bền vững.
1.1.1.2. Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của A. Smith và lợi thế so sánh của D. Ricardo
A. Smith, người đầu tiên đưa ra Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của hoạt động ngoại thương. Smith đã phát hiện ra rằng những nước sản xuất sản phẩm có chi phí cá biệt thấp khi xuất khẩu hàng hóa đó của mình sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, còn quốc gia nhập khẩu cũng được lợi vì nếu tự sản xuất mặt hàng đó chi phí sản xuất sẽ cao hơn và giá sẽ cao hơn. Smith gọi đó là bù đắp sự yếu kém về khả năng sản xuất trong nước. Theo Smith các quốc gia chỉ nên tập trung vào sản xuất những mặt hàng có lợi thế tuyệt đối của mình, có nghĩa là có chi phí cá biệt để sản xuất ra một mặt hàng nào đó thấp hơn mức chi phí trung bình của các quốc gia khác. Khi đó những quốc gia này sẽ nhập những mặt hàng mà nước mình không có lợi thế do chi phí sản xuất cao hơn so với chi phí trung bình của các nước khác, như lương thực chẳng hạn. Như vậy các quốc gia cùng có lợi khi nhập khẩu với giá rẻ hơn là tự làm lấy [92].
Kế thừa, phát triển và bổ sung lý thuyết lợi thế so sánh tuyệt đối của A. Smith, D. Ricardo đưa ra Lý thuyết lợi thế so sánh. Nội dung cơ bản của lý thuyết lợi thế so sánh nhấn mạnh: Những quốc gia có lợi thế tuyệt đối hoàn toàn hơn hẳn các quốc gia khác, hoặc bị kém lợi thế tuyệt đối so với các quốc gia khác trong sản xuất mọi sản phẩm, thì vẫn có thể và vẫn có lợi khi tham gia vào phân công lao động và thương mại quốc tế, do mỗi quốc gia có một lợi thế so sánh nhất định về sản xuất một số sản phẩm nào đó và kém lợi thế so sánh nhất định về sản xuất các sản phẩm khác. Bằng việc chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà quốc gia đó có lợi thế so sánh, theo đó mức sản lượng và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại. [92].
Lý thuyết của các ông gợi mở cho vấn đề vận dụng vào thực tế không chỉ trên phạm vi giữa các quốc gia mà có thể chọn vùng có lợi thế so sánh trong từng quốc gia để xây dựng phát triển vùng KTTĐ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế không chỉ cho vùng mà còn là hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Chẳng hạn ở Việt Nam xây dựng các vùng KTTĐ như Vùng KTTĐ phía Nam, Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL. Trong đó Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển KTNo bao gồm thủy hải sản, trái cây, rau màu và lúa.
1.1.1.3. Lý luận của chủ nghĩa Marx về tái sản xuất nền sản xuất xã hội
Lý luận Marx có đề cập hai kiểu tái sản xuất xã hội là tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng. Tái sản xuất giản đơn là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại với quy mô đầu tư sản xuất như cũ, đây là kiểu tái sản xuất dựa trên cơ sở kỹ thuật lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả thấp. Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại với quy mô đầu tư lần sau lớn hơn lần trước, đây là kiểu tái sản xuất dựa trên cơ sở kỹ thuật hiện đại, năng suất lao động cao, hiệu quả cao.
Tái sản xuất mở rộng được chia ra thành tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu: Tái sản xuất theo mở rộng theo chiều rộng là kiểu tái sản xuất sản lượng tăng thêm thu được chủ yếu dựa vào sự tăng lên về số lượng, quy mô sản xuất, tăng thêm lao động, tăng thêm vốn, còn kỹ thuật sản xuất hầu như không thay đổi. Tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu là kiểu tái sản xuất sản lượng tăng thêm chủ yếu dựa vào đầu tư theo chiều sâu, trình độ kỹ thuật công nghệ sản xuất mới cao, tiên tiến làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên cả về sản lượng, chất lượng, năng suất, hiệu quả cao hơn. Marx còn đề cập đến kiểu tái sản xuất hỗn hợp được áp dụng trong quá trình phát triển là sự kết hợp giữa tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng với tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu, trong đó xu hướng tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu giữ vị trí quan trọng, ngày càng trở thành kiểu tái sản xuất thống trị trong nền KTXH [41].
Từ lý luận của chủ nghĩa Marx về các kiểu tái sản xuất xã hội có thể nhận thức và vận dụng lý luận đó trong tái sản xuất KTNo hay phát triển KTNo. Theo đó trước hết cần nhanh chóng tập trung để thực hiện tái sản xuất KTNo mở rộng theo
chiều sâu ở vùng KTTĐ với công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, có khả năng đảm bảo ổn định phát triển bền vững, tạo nên vùng động lực để thúc đẩy các vùng khác phát triển. Phần còn lại của KTNo trong nền kinh tế có thể chấp nhận sự tồn tại tạm thời của kiểu tái sản xuất KTNo mở rộng theo chiều rộng, khi đủ lực sẽ chuyển dần sang phát triển theo chiều sâu. Đó chính là sự kết hợp linh hoạt giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, chú trọng phát triển KTNo theo chiều sâu.
1.1.1.4. Lý thuyết về phát triển cân đối hay các “cực tăng trưởng” của A. Hirschman, F. Perrons và G. Pestane de Bernis
Nguyễn Văn Huyên (2009) khi nghiên cứu về “Phát triển bền vững: một lý thuyết phát triển trong thế giới đương đại”, ông đã dẫn nghiên cứu của A. Hirschman, F. Perrons và G. Pestane de Bernis là những đại biểu nổi tiếng về Lý thuyết phát triển cân đối hay các “cực tăng trưởng”. Nguyễn Văn Huyên tóm tắt những nội dung cơ bản của lý thuyết này, theo đó cho thấy không thể và không nhất thiết đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững nền kinh tế bằng cách duy trì sự cân đối liên ngành, mà có thể chọn cực tăng trưởng có lợi thế rõ ràng để đầu tư phát triển. Sự phát triển của cực tăng trưởng này sẽ đóng vai trò động lực thúc đẩy, kéo theo sự phát triển của các vùng khác và tạo ra hiệu ứng kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển. Lý thuyết này đưa ra các cơ sở sau: [i] Thời kỳ đầu CNH các nước đang phát triển rất thiếu các nguồn lực như vốn, nhân lực bậc cao, công nghệ, thị trường nên không đủ điều kiện để phát triển đồng đều, cân đối được. [ii] Cực tăng trưởng của các ngành là không giống nhau, do đó cần tập trung nguồn lực ít ỏi đầu tư cho những cực tăng trưởng được lựa chọn trong những thời điểm nhất định nhằm đảm nhận được vai trò động lực và thúc đẩy trong nền kinh tế. [iii] Đầu tư cho cực tăng trưởng sẽ tạo nên sự phát triển đột biến, thu hút vốn đầu tư theo cấp số nhân, điều này dẫn đến ngành được đầu tư càng phát triển và càng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế [92].
Vận dụng Lý thuyết phát triển cân đối trong đầu tư phát triển ở những nền nông nghiệp nhỏ đi lên sản xuất lớn bằng cách thiết lập tập trung đầu tư những vùng
KTTĐ để tạo nên vùng động lực cho nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy những nền kinh tế nông nghiệp nhỏ buổi ban đầu không thể có đủ nhân lực bậc cao, vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư các ngành cùng phát triển được. Sự đầu tư dàn trải theo diện rộng kiểu “dàn hàng ngang” của không ít quốc gia trên thế giới đã cho thấy những thất bại trong phát triển, nền kinh tế rơi vào trì trệ, lãng phí kéo dài. Đó chính là sự thiếu tập trung cần thiết để tạo nên những vùng KTTĐ là những cực tăng trưởng kỳ vọng. Tuy nhiên cũng có thể hình dung và chấp nhận trong buổi ban đầu sự tương phản đó là những vùng KTTĐ với tư cách là cực tăng trưởng sẽ phát triển cao trong khi phần còn lại vẫn tạm thời kém phát triển.
1.1.2. Lý luận cơ bản phát triển kinh tế nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm
1.1.2.1. Khái niệm nông nghiệp, nông thôn
- Nông thôn được hiểu là một địa bàn tập trung (cả về địa lý và hành chính) chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trên địa bàn và một số ngành thủ công, công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Sản xuất của nông thôn đa dạng, nhiều ngành nghề trong đó bao gồm cả nông nghiệp.
- Nông nghiệp bao gồm Nông – Lâm – Ngư nghiệp (có thể có cả diêm nghiệp – nghề muối) là ngành sản xuất của cải vật chất, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nông nghiệp là một bộ phận của nông thôn.
- Tùy vào cách tiếp cận có thể chia ra nông nghiệp tự cung tự cấp; nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Nông nghiệp sản xuất hàng hóa lại có thể chia ra: [i] Nông nghiệp truyền thống: sản xuất hàng hóa nhỏ, kỹ thuật thủ công, năng suất, hiệu quả sản xuất thấp, lưu thông hạn chế. [ii] Nông nghiệp cơ giới hóa hay nông nghiệp hiện đại: Kỹ thuật sản xuất công nghiệp được chuyên môn hóa và cơ giới hóa cao trong các khâu sản xuất, năng suất, hiệu quả sản xuất cao, nông sản hàng hóa để bán trên thị trường.
1.1.2.2. Khái niệm kinh tế nông nghiệp
Sự phát triển của cách mạng công nghiệp dẫn đến sự phát triển của các ngành, trong đó có nông nghiệp. Người ta biết đến nông nghiệp truyền thống và
nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên khi nói đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa toát lên được đầy đủ yếu tố cần thiết của nó trong kinh tế thị trường. Đó là việc sản xuất cứ lo sản xuất, chưa triệt để tính đến thị trường tiêu thụ, sản xuất xong mới tìm nơi bán dẫn đến cung – cầu theo kiểu ngẫu nhiên, bị động. Còn khi dùng thuật ngữ KTNo với hàm ý khác với sản xuất nông nghiệp thuần túy về cơ bản không chỉ là công nghệ kỹ thuật cao mà còn là chỉ sản xuất nông nghiệp gắn chặt với thị trường tiêu thụ, nghĩa là tính toán hiệu quả chi tiết và chỉ sản xuất khi có thị trường tiêu thụ, tức có cầu; công nghệ sản xuất của KTNo cao, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, nhu cầu thực tế thị trường cần gì thì sản xuất đó bao gồm cả mẫu mã, phẩm cấp, thị hiếu và truy xuất được nguồn gốc của nông sản hàng hóa từ các khâu đầu vào đến đầu ra thành phẩm. Đề cập vấn đề này tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2017 đã nêu quan điểm: cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy KTNo, từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao [42]. Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cũng nêu rõ: “Xây dựng cơ cấu KTNo hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền KTNo” [89]. Trên cơ sở đó có thể có thể đưa ra khái niệm tổng quát về KTNo như sau: KTNo là một ngành kinh tế trong nền kinh tế quốc dân chỉ những hoạt động lao động sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, dịch vụ nông nghiệp chuyên sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, thân thiện, an toàn gắn chặt với thị trường dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật mới tạo nên năng suất lao động, hiệu quả sản xuất cao đáp ứng nhu cầu cao về hiệu quả KTXH và bảo vệ môi trường sinh thái.
Khái niệm KTNo chỉ rõ nội dung mang tính bản chất của KTNo là sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao gắn chặt với thị trường, đảm bảo gắn kết chuỗi giá trị nông sản, sản xuất thân thiện bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó để phát triển KTNo cần rất nhiều vốn trong đó có TDNH để đầu tư công nghệ, kỹ thuật, thiết bị,
lao động cao. Tuy nhiên khi tăng cường TDNH phát triển KTNo cần gắn chặt với quản lý rủi ro tín dụng nhằm đảm bảo an toàn và sử dụng tốt vốn vay.
1.1.2.3. Khái niệm phát triển kinh tế nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm
- Khái niệm vùng KTTĐ
Tùy vào cách nhìn nhận, đánh giá về điều kiện tự nhiên, địa kinh tế, địa chính trị, lợi thế so sánh, đặc điểm và tiềm năng phát triển mà các quốc gia có thể lựa chọn xác định thành lập các vùng kinh tế khác nhau. Thường những vùng KTTĐ được xác định là những vùng kinh tế năng động, có khả năng trở thành động lực phát triển các vùng khác và quốc gia. Theo Ngô Văn Phong (2012) dẫn của Ngô Doãn Vịnh thì vùng KTTĐ là “một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực - đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước” [70], và dẫn theo Lê Văn Nắp thì vùng KTTĐ “đóng vai trò là một vùng lãnh thổ, vùng KTTĐ của quốc gia là một phạm trù lịch sử, có thể thay đổi theo thời gian. Số lượng và phạm vi lãnh thổ của mỗi vùng kinh tế trọng điểm sẽ thay đổi theo yêu cầu của chiến lược phát triển KTXH hội của đất nước” [70]. Tại Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đề cập, Chiến lược Phát triển KTXH 2001 - 2010 đã xác định, mục đích của việc hình thành vùng KTTĐ là “để các vùng KTTĐ có nhịp độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung, đóng góp lớn vào tăng trưởng của cả nước” và tiếp tục “lôi kéo, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển” [31]. Trong Chiến lược Phát triển KTXH 2011- 2020 nhấn mạnh thêm, “Thúc đẩy phát triển các vùng KTTĐ, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác; đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung. Lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển” [16]. Từ những lược khảo trên có thể đưa ra khái niệm tổng quát về vùng KTTĐ như sau: Vùng KTTĐ là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, có thể bao gồm phạm vi của nhiều tỉnh, TP. và ranh giới có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào chiến lược phát triển KTXH của đất nước. Vùng KTTĐ hội tụ các điều kiện và yếu
tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, miền và cả nước.
Như vậy, Vùng KTTĐ là vùng có điều kiện tự nhiên, KTXH thuận lợi, có thế mạnh phát triển KTXH để trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy các vùng khác và nền kinh tế đất nước phát triển. Vùng KTTĐ có những lợi thế so sánh về sản xuất một số sản phẩm có sức cạnh tranh tốt và có giá trị thương mại cao mang lại những nguồn thu to lớn cho đất nước.
- Khái niệm KTNo Vùng KTTĐ
Từ khái niệm về KTNo và khái niệm Vùng KTTĐ như đã nêu trên, có thể khái quát đưa ra khái niệm KTNo Vùng KTTĐ như sau: KTNo Vùng KTTĐ là KTNo mà ở đó có lợi thế so sánh hơn những nơi khác về sản xuất hàng hóa nông sản với công nghệ cao, là trung tâm quan trọng chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao cho các vùng khác, cho cả nước và xuất khẩu, đồng thời KTNo Vùng KTTĐ còn làm cho Vùng KTTĐ nhanh chóng trở thành vùng động lực thúc đẩy các vùng khác và nền kinh tế cả nước phát triển.
- Khái niệm phát triển KTNo Vùng KTTĐ
Từ cơ sở lý thuyết liên quan cũng như nội hàm các khái niệm nêu trên có thể đưa ra khái niệm tổng quát về phát triển KTNo Vùng KTTĐ như sau: Phát triển KTNo Vùng KTTĐ được hiểu là phát triển KTNo dựa trên lợi thế so sánh, công nghệ kỹ thuật cao, thông minh, nhân lực trình độ cao tạo nên sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng nông sản hàng hóa sạch, an toàn, năng suất chất lượng cao, giá trị và chuỗi giá trị cao gắn với thị trường thực tế, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững môi trường KTXH, môi trường sinh thái, công bằng, hình thành vùng động lực thúc đẩy các vùng khác và nền kinh tế đất nước phát triển.
Từ nội dung khái niệm phát triển KTNo vùng KTTĐ cho thấy yêu cầu lớn cơ bản là sự phát triển bền vững cả về KTXH, môi trường tự nhiên, công bằng. Điều đó cho thấy TDNH cũng cần có những điều chỉnh sao cho đảm bảo khả năng hiện thực tăng cường cung ứng TDNH phát triển KTNo Vùng KTTĐ. Theo đó TDNH