Về Đặc Điểm Của Văn Học Những Năm 1940-1945‌

viên người Việt kém hơn 20 lần so với người Pháp. Vậy mà, thực dân vẫn lớn tiếng tuyên truyền chính sách đầu tư phát triển giáo dục để lừa bịp nhân dân…

Đứng trước tình trạng phần đông nhân dân thất học, mù chữ, một số thanh niên, trí thức tiến bộ đã khởi xướng thành lập ra Hội Truyền bá quốc ngữ rồi phát triển thành một phong trào lớn mạnh nhằm mục đích chống lại nạn thất học và chính sách ngu dân của kẻ thù. Phong trào này được thành lập vào ngày 25 tháng 5 năm 1938, do Nguyễn Văn Tố (một cây bút chủ chốt của tạp chí Tri tân sau này) làm hội trưởng đã sớm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân lao động. Cúng với sự nỗ lực của các hội viên là các nhà văn, nhà báo, các học sinh, sinh viên đã thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng mở rộng ra cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Trong 6 năm hoạt động, Hội Truyền bá quốc ngữ (1938-1944) đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu tuyên truyền, phổ biến chữ quốc ngữ. Có thể nói, sự ra đời của hội đã thể hiện rõ: “Ý thức mẫn cảm của văn hóa Việt trước thời đại mới. Đó cũng là tiền đề thiết yếu cho công cuộc xây dựng nền văn học hiện đại nước nhà” [6, 348].

Sự ra đời đồng loạt của các hoạt động: Tân Việt Nam hội, Tổ chức sinh viên, Hướng đạo sinh, Thanh niên nông thôn… đã bộc lộ nhận thức tỉnh táo và sâu sắc của thanh niên, trí thức Việt Nam trước bài toán chính trị của thực dân và phát xít. Các tổ chức này ra đời nhằm mục đích kêu gọi thanh niên trí thức Việt hiểu rõ về sự “quý giá vô ngần của đời người là tự do và càng thấy đau khổ vì đời là nô lệ” đồng thời khiến họ thức tỉnh về: “Cái mâu thuẫn giữa chính sách thực dân của Pháp với lí tưởng nhân đạo và trọng tự do sẵn có trong nền tảng tư tưởng của họ” (Tạp chí Thanh nghị, số 108, tr.9). Từ đó, thôi thúc thanh niên Việt Nam tham dự vào các hoạt động xã hội, kiến thiết nền văn hóa dân tộc.

Do đó, các cuộc diễn thuyết, các buổi hội hè, ca nhạc của thanh niên đều mang: “Dấu hiệu rõ rệt nỗi tưởng nhớ tới dĩ vãng của một nòi giống oanh liệt và nỗi ước mong không giấu giếm những ngày tươi sáng hơn cho Tổ quốc” (Tạp chí Thanh nghị, số 108, tr.10). Vì vậy, họ cùng nhau hát vang những khúc ca hùng tráng về dòng sông lịch sử - Bạch Đằng, về chiến tích Ải Chi Lăng đầy tự hào… Họ tìm về với bản hùng văn - Bình Ngô đại cáo oanh liệt một thời để cùng thấy hối thúc trong Tiếng gọi sinh viên… Tất cả đã tạo nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của tầng lớp thanh niên trí thức Việt Nam, có tác động không nhỏ đến tinh thần cũng như tâm lý thời cuộc.

Một trong những âm mưu thâm độc của thực dân về phương diện về văn hóa tư tưởng là tiến hành tổ chức cuộc thi viết “tuồng hát cải lương phải bằng tiếng Nam Kỳ dựa

theo sự kính nể của phong tục nước nhà và quy tắc cuộc Cách mạng Quốc gia” nhằm chia rẽ Bắc – Nam và làm cho các văn sĩ của ta lãng quên con đường đấu tranh cách mạng thực sự. Tuy nhiên, người trí thức Việt Nam lại bắt lấy chủ trương của nhà cầm quyền với một tinh thần khác: Trở về với giá trị truyền thống và cội nguồn dân tộc…

Khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) ra đời nêu cao ba phương châm: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí và học thuật bấy giờ. Trong hoàn cảnh xã hội đang bị kìm kẹp dưới ách cai trị của hai tầng xiềng xích, phát xít và thực dân: Pháp – Nhật thẳng tay khủng bố, đàn áp mọi tư tưởng tiến bộ và cách mạng, ra sức truyền bá tư tưởng nô dịch phản động làm cho nhiều trí thức văn nghệ sĩ lâm vào tình trạng hoang mang do dự, đi tìm những lối thoát tinh thần khác nhau… Văn hóa, văn nghệ đã mất đi quyền tự do ngôn luận lại bị nô dịch hóa nên việc bảo vệ quyền độc lập dân tộc và các hoạt động tinh thần như văn chương, báo chí được đặt ra như một yêu cầu bức thiết của thời đại. Nhiều nhà văn ý thức và thấm nhuần tinh thần của bản Đề cương văn hóa, lấy đó làm tuyên ngôn cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình. Ý nghĩa sâu xa của bản Đề cương văn hóa: “Không chỉ nhằm mục tiêu văn hóa, văn nghệ một cách giản đơn mà hơn nữa còn bao quát toàn bộ mục tiêu cách mạng mà ở đó văn hóa được xem là trung tâm, là đòn bẩy, là động lực” [43, 599].

Có thể nói bản Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện chính trị có ý nghĩa lý luận sâu sắc. Bởi nó được xây dựng trên nguyên lý, nền tảng vững chắc từ lịch sử văn hóa Việt, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhất là từ nguyện vọng thiết tha của nhân dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, tinh thần cỗt lõi của bản Đề cương văn hóa đã thôi thúc văn nghệ sĩ tìm về các giá trị truyền thống: “Để chống lại các loại văn hóa nô dịch, phản động và lạc hậu, giành thắng lợi cho văn hóa dân chủ mới” [148, 32]. Bản Đề cương văn hóa đồng hành cùng phong trào phục hưng văn hóa dân tộc và tạo động lực thúc đẩy khuynh hướng văn học ôn cố, phục cổ phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, những năm 40 của thế kỷ XX cũng là thời kỳ bung nở của hàng loạt các trào lưu văn hóa, tư tưởng vừa thuận chiều vừa trái chiều: Sự ngự trị của tư tưởng cá nhân phương Tây, sự níu kéo của tư tưởng cộng đồng truyền thống, cùng sự lớn mạnh của tư tưởng Thiên chúa giáo… đã tạo nên những bộn bề, phức tạp như một đặc thù của văn hóa - tư tưởng giai đoạn này. Có thể kể đến trào lưu văn hóa phong kiến tiêu biểu của nhóm Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tôn Thất Bình… với chủ trương

ca ngợi nền văn hóa, văn minh và công khai hóa của Pháp, tuyên truyền thuyết Đại Đông Á, Khu vực thịnh vượng chung và tư tưởng Đồng văn đồng chủng của Nhật…; trào lưu cải lương, ảo tưởng trong việc cổ vũ tinh thần dân tộc, dân chủ của nhóm Tiếng dân; trào lưu hiện thực, lãng mạn trong sự phân hóa phức tạp, gồm cả xu hướng tích cực và tiêu cực; trào lưu phủ nhận quá khứ qua các bài viết, các cuốn sách của Nguyễn Tế Mỹ (Hai Bà Trưng khởi nghĩa, 1943), của Lương Đức Thiệp (Văn chương và xã hội, 1944), của Trương Tửu (Nguyễn Du và Truyện Kiều, 1942; Văn chương Truyện Kiều, 1945); đối lập lại là trào lưu phục cổ, phục hiện, bảo tồn các di sản văn hóa, văn học truyền thống của tạp chí Tao Đàn, Tri tân … Những trào lưu tư tưởng này vừa đối kháng, bài trừ nhau; vừa dung nạp, hòa đồng lẫn nhau tạo nên không ít khó khăn thử thách, trong việc lựa chọn, định đường đối với văn nghệ sĩ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Những cuộc tranh luận về triết học (giữa Chủ nghĩa duy vật Chủ nghĩa duy tâm); về quan điểm sáng tác (giữa trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật Nghệ thuật vị nhân sinh) từ giai đoạn trước vẫn tiếp tục được đặt ra. Từ đó, vấn đề về “tuyên ngôn nghệ thuật”, trách nhiệm và sứ mệnh của người cầm bút rất được quan tâm. Hiệu quả của những cuộc đấu tranh tư tưởng đó khiến: “Cả người phê bình lẫn nhà văn đều trưởng thành hơn, ý thức được sứ mệnh của mình chính xác hơn, những tư tưởng cũ bị đẩy lùi, cái lạc hậu, cản trở sự tiến bộ chung bị đánh đổ và cái mới phù hợp với thời đại được tôn vinh (…). Những quan điểm văn nghệ được soi sáng dưới nhiều góc độ và bộc lộ hết những ưu khuyết điểm” [43, 452-453].

Văn hóa, giáo dục chính là tiền đề cơ sở, tác động trực tiếp đến tư tưởng của người viết và hình thành tâm lí tiếp nhận chung của người đọc đã chi phối đến quá trình vận động, phát sinh, phát triển của các trào lưu, khuynh hướng sáng tác văn học đương thời.

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 7

2.2.2. Về đặc điểm của văn học những năm 1940-1945‌

Văn học những năm 1940-1945 ra đời khi đã có một nền tảng là thành tựu của văn học giai đoạn trước (Kết tinh ở văn học lãng mạn và hiện thực). Điều đó, đã đặt ra những thách thức không nhỏ và làm nên những dấu hiệu đặc thù của văn học giai đoạn này.

2.2.2.1. Về tâm lý tiếp nhận của độc giả

Trước hết, phải khẳng định: Ở Việt Nam văn học cận – hiện đại ra đời nhờ báo chí. Vì thế, nói đến thị hiếu của độc giả đối với văn học chính là nói đến thị hiếu của độc giả đối với báo chí, hay nói cách khác, đối với văn học trên báo chí. Qua các giai đoạn hình thành, phát triển của báo chí và văn học, tâm lí tiếp nhận của độc giả cũng

thay đổi theo từng thời kỳ, tác động mạnh mẽ đến sự ra đời và lớn mạnh của báo chí cũng như các thể loại văn học.

Ở giai đoạn đầu (cuối thế kỷ XIX): Do người Việt chưa có thói quen đọc báo (trước đó không có báo chí) và cũng ít người đọc hiểu được chữ Quốc ngữ cho nên báo chí cung cấp một kênh thông tin khác cho người dân. Họ đọc báo chủ yếu để biết thông tin mà chưa có yêu cầu thưởng thức các sáng tác văn chương trên báo chí.

Đến đầu thế kỷ XX (khoảng những năm 20), thị hiếu người đọc bắt đầu thay đổi với việc xuất hiện nhiều tờ báo ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Thị hiếu này đã làm cho hầu hết các tờ báo, tạp chí đều đăng thêm những sáng tác, dịch thuật văn học: Kể cả một tờ chuyên bàn về Nông nghiệp – thương mại như Nông cổ mín đàm (Phát động cuộc thi thơ, tiểu thuyết) hay một tờ báo Công giáo như Nam Kỳ địa phận (Có riêng mục Chuyện giải buồn dành đăng các sáng tác, các bài dịch thuật, mô phỏng của các tác giả). Tuy nhiên, về cơ bản người đọc vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của văn học truyền thống trong đó có văn học Trung Hoa. Bằng chứng là ở miền Bắc, hai tờ Đông Dương tạp chí Nam phong tạp chí vẫn tồn tại và phát triển; còn ở miền Nam, phong trào dịch truyện Tàu trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.

Từ những năm 1930-1945, thị hiếu người đọc thay đổi đòi hỏi văn học phải cách tân trên nhiều phương diện: Từ quan niệm về đời sống, về con người đến quan niệm về nghệ thuật. Những quan niệm về một xã hội luân thường với con người chức năng trước kia đã bị xóa bỏ thay vào đó là kiểu nhân vật thành thị với việc làm méo mó, tha hóa kiểu nhân vật truyền thống (nho sĩ, quân tử…).

Ở thời điểm tạp chí Tri tân ra đời, tiền đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng cùng những đặc điểm riêng của báo chí, văn học đã chi phối đến trạng thái tinh thần của con người thời đó và hình thành nên kiểu tâm lí chung, mang tính thời đại. Những sự biến kinh hoàng trên thế giới đẩy con người sống trong trạng huống nghi ngờ tất thảy. Họ thấy mình bơ vơ, lạc loài, vô phương, vô định, không nhận ra sự tồn tại của chính mình. Chỉ còn một chút hi vọng mong manh, họ mong tìm lại chân giá trị, bản sắc của mình trong quá khứ từ những bài học lịch sử. Vì thế âm vang hào sảng về Trưng Nữ Vương vì thù chồng, nợ nước mà đánh cho bao nhiêu vạn quân Mã Viện phải bỏ chạy vẫn khiến người ta sùng bái. Khúc ca khải hoàn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc đại phá quân Nguyên – Mông trên sông Bạch Đằng vẫn hùng tráng, vang vọng… Biết bao anh tài, hào kiệt đang dần dần sống dậy trong kí ức của lớp độc giả đương thời. Bởi họ tự hào khi nhận thấy: “Nước Nam ta

đâu phải là một nước đớn hèn. Nó đã có một lịch sử rạng rỡ. Cái hồn của nó khi ẩn, khi hiện, nhưng lúc nào cũng vẫn còn, cũng vẫn mạnh mẽ đáng cho ta tin ở nó, ở ngày nay và ở ngày mai” [163, 20]. Tâm lí ấy chính là cách phản ứng mạnh mẽ của giới trí thức trước tình thế thực dân hóa và phát xít hóa. Nếu như thế hệ thanh niên hôm qua còn say mê với các thú ăn chơi, bị ru mê trong các tiểu thuyết tình cảm, các vần thơ lãng mạn thì đến nay đã bừng thức: “Trong lòng mỗi người đều âm ỉ nỗi băn khoăn về ngày mai sắp tới, về đất nước, về dân tộc. Hơn lúc nào hết, thời cuộc đặt ra cho những ai suy nghĩ, nhất là người làm văn hóa, bài toán của chiến tranh kết liễu, vận mệnh chờ đợi mình, cơ hội vươn lên, công việc chuẩn bị xây dựng về đường tư tưởng. Cho nên người mình cũng đã đón nhận cuộc Phục hưng quốc gia mà nhà cầm quyền Pháp đưa ra, song với một ý nghĩ khác hẳn” [125, 613]. Đồng thời với sự thay đổi của tâm lí tiếp nhận là sự thay đổi về đề tài, thể loại và ngôn ngữ văn học.

2.2.2.2. Về đề tài và các thể loại chính

Văn học giai đoạn này phân hóa thành nhiều dòng, nhiều khuynh hướng, trong đó nổi lên là phong trào “phục cổ” có ý nghĩa chấn hưng nền văn học dân tộc. Công cuộc phục hưng văn học phát triển sôi nổi, được độc giả nhiệt tình đón nhận: “Quốc sử đã bắt đầu được người nước ta khảo cứu, yêu, đọc”. Bởi họ tìm thấy trong đó hồn thiêng của dân tộc như một điểm tựa tinh thần vững chắc để sinh tồn. Cùng với sự phát triển đầy tính cạnh tranh của “thị trường” báo chí và văn học, đáp ứng được nhu cầu của độc giả, các nhà xuất bản đã: “Thi nhau phát hành đủ loại sách về sử: Ký sự lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, khảo cứu lịch sử, phê bình lịch sử... Phẩm chưa là bao, lượng cũng chưa là bao song sự cố gắng đó cũng đủ cho ta đặt vào tương lai nhiều hi vọng” (Tạp chí Tri tân, số 8, tr.2).

Từ đó, phong trào phục cổ phát triển rầm rộ khắp mọi nơi, người ta đua nhau đi tìm bài học ở quá khứ. Các hội bút, nhóm viết đồng loạt ra đời, dù cách này hay cách khác đều là sự trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Ở Huế, hội Quảng Trị xuất bản sách văn học để kỷ niệm Nguyễn Du nhằm ngợi ca bậc đại thi hào dân tộc. Ở Sài Gòn, hội Khuyến học liên tiếp tổ chức các cuộc diễn thuyết để ca tụng kiệt tác Truyện Kiều. Có những cây bút xa xưa của thế hệ Nam phong lại xuất hiện. Cụ Tùng Vân dù mù lòa còn cố gắng sản sinh ra một điệu thơ tổng hợp tân kỳ (điệu Nam đàn bát châu được đăng tải trên tạp chí Tri tân). Cụ Nguyễn Văn Tố từ lâu ẩn mình trong một chuyên san của hội Trí tri, nay “xách túi sử và cây bút phê bình” ra trụ cột tạp chí Tri tân.

Rõ ràng, việc lựa chọn đề tài quá khứ giúp cho các văn nghệ sĩ vừa phục dựng, tôn vinh được các giá trị truyền thống dân tộc, vừa gửi gắm quan điểm, thái độ cũng như lí tưởng của mình trước các vấn đề của thời đại một cách an toàn nhất. Đồng thời, điều đó cũng phối đến sự hình thành và phát triển của các thể loại văn học chính – góp phần tạo nên đặc điểm riêng của văn học thời kỳ này với sự xuất hiện của các thể loại: Ký khảo cứu, tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, đặc biệt là kịch thơ lịch sử, phê bình khảo cứu văn học...

Tri tân tạp chí ra đời trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của trào lưu phục hưng văn hóa, văn học dân tộc. Tuy nhiên, việc hướng về truyền thống và coi trọng quá khứ lại khó tránh khỏi sự nệ cổ hoặc rơi vào tư tưởng thủ cựu. Trong ba khẩu hiệu của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, theo Trường Chinh, Tri tân mới chỉ chú trọng đến khẩu hiệu Dân tộc hóa mà quên đi hai khẩu hiệu Khoa học hóa Đại chúng hóa. Do đó, tạp chí bị phê phán là mang tính chất phong kiến, thủ cựu. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cũng phê phán “khuynh hướng tồn cổ kiểu Tri tân”.

Điều đó tạo nên tính hai mặt, hoài cổ vừa có ý nghĩa thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lại vừa thu hẹp đối tượng độc giả. Những bài văn cổ, những câu chuyện lịch sử xa xưa, những tư tưởng, học thuyết văn hóa phương Đông… không phải độc giả nào cũng ham thích. Nhìn bề ngoài, lựa chọn theo khuynh hướng này, tự Tri tân đã kén chọn và khu hẹp cả tác giả và độc giả. Nếu vốn Hán học không uyên bác, vốn lịch sử, văn hóa mỏng thì không thể cộng tác cùng Tri tân. Nếu không thạo chữ Nho, không yêu lịch sử và văn hóa, văn học cổ truyền thì khó có thể tiếp nhận được Tri tân. Đó là những khó khăn không nhỏ cho sự sinh tồn của tạp chí. Tuy vậy, tạp chí ra đời chính là sự lựa chọn trong một “thời đoạn đặc biệt” của lịch sử chứ không phải là sự thoái thác của lịch sử.

Minh chứng về điều này, có thể phân tích, lí giải qua ba căn bệnh của thời đại mà Trường Chinh phê phán trong bài Mấy nguyên tắc lớn của cuộc văn hóa Việt Nam mới lúc này (9/44).

Căn bệnh thứ nhất: “Thiếu hẳn tinh thần độc lập tự do và dân tộc thống nhất”. Bởi hầu hết người ta chạy theo thứ văn hóa Tây Âu và Nhật hóa mà không tìm tòi vun xới cho tinh hoa văn hóa truyền thống. Một số theo con đường sùng cổ một cách mê muội. Đối với tạp chí Tri tân, “phục cổ” là để nhằm mục đích “tri tân”, hiểu rõ hơn về cái mới. Chính sự cân bằng đó đưa Tri tân thoát khỏi tình trạng lạc hậu, thủ cựu và thiếu tinh thần dân tộc.

Căn bệnh thứ hai là trình độ khoa học kém cỏi, tính chất duy tâm thần bí, phản khoa học đang lan rộng làm cho văn chương kì bí, thiếu sáng sủa. Với căn bệnh này, Tri tân kiên quyết tẩy chay, loại trừ ngay từ khi báo ra những số đầu tiên: “Chúng tôi cố gây lấy riêng một lối văn viết báo để tỏ cái đặc tính của Tri tân: Hùng, đanh, rắn, đông đặc, nục nạc, nhiều ý, ít lời, nhưng bao giờ cũng cốt giữ cho văn được đúng mẹo, sáng sủa, rõ ràng, tự nhiên và bình dị (…). Chúng tôi lại hết sức tránh những chữ sáo, lời sáo, ý sáo... Đối với những “sáo” ấy Tri tân quyết phải mạnh bạo tẩy trừ (Tạp chí Tri tân, số 4, tr.2).

Căn bệnh thứ ba là văn chương không có tính đại chúng nghĩa là phần đa số văn chương thần bí khó hiểu kia không hướng về và không dành cho nhân dân lao động (chủ yếu mù chữ). Với Tri tân, việc lựa chọn đi theo khuynh hướng sùng cổ phần nào thiếu tính đại chúng vì đối tượng độc giả bị thu hẹp (như trên đã trình bày) song nhất quyết phần văn trên tạp chí Tri tân không xa lạ với bạn đọc vì sự thần bí, tắc tị như một số trào lưu tư tưởng đương thời.

Mặc dù phát xít và đế quốc luôn giăng bẫy, thực hiện âm mưu thủ đoạn lòe bịp, truyền bá tư tưởng văn hóa nô dịch và phong kiến lạc hậu nhưng tạp chí Tri tân không thuộc vùng bị ảnh hưởng. Bởi tạp chí được ra đời độc lập do một số trí thức thiết tha với vấn đề văn hóa dân tộc. Hơn nữa, Tri tân cũng không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, tạp chí thuộc khuynh hướng trung dung nên không va chạm với các khuynh hướng tư tưởng khác. Đó chính là vùng đất bền chắc để Tri tân tồn tại và phát triển trong suốt 5 năm.

Những tiền đề về bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng phức tạp của thời đại có ảnh hưởng không nhỏ và tác động trên nhiều chiều, nhiều phương diện của đời sống báo chí và văn học Việt Nam những năm 1940-1945. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, sự ra đời của báo chí Việt Nam nói chung và tạp chí Tri tân nói riêng là sự vận động tất yếu của nội lực nền văn hóa xã hội Việt Nam trên con đường hiện đại hóa.

2.3. Sự ra đời và diện mạo của tạp chí Tri tân

2.3.1. Sự ra đời của tạp chí Tri tân‌

Tạp chí Tri tân ra đời vào giữa năm 1941, số 1 ra mắt độc giả vào ngày 3 tháng 6 năm 1941 và số cuối cùng ra ngày 16 tháng 7 năm 1946. Như vậy, Tri tân đi trọn hành trình 5 năm 1 tháng 13 ngày với 214 số tạp chí. Có thể nói, sự ra đời của Tri tân như là sự trở về “tìm nguồn”, để định vị những giá trị truyền thống trong sự bung nở và xâm lấn của văn minh, văn hóa phương Tây.

Tạp chí Tri tân ra đời vào giai đoạn cuối của quá trình hiện đại hóa văn học. Quá trình cách tân thể loại cũng hoàn tất. Những thể loại mới đã được định vị (kịch, nghiên cứu phê bình), có những thể loại đã đạt đến độ kết tinh (Thơ, truyện ngắn, …), có những thể loại lại tiếp tục tìm tòi, thể nghiệm (Thơ mới, Tiểu thuyết)… Văn học hiện đại vừa vươn tới đỉnh cao rực rỡ (thành tựu của văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán); vừa phân hóa thành nhiều khuynh hướng phức tạp (thoát ly, phục cổ, trụy lạc, thần bí, điên loạn...) đã tạo nên tính chất ngổn ngang, phức hợp như một đặc thù của đời sống văn hóa tư tưởng giai đoạn này. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ văn minh phương Tây được tiếp nhận có chọn lọc và chữ Quốc ngữ đã phát triển đến độ hoàn thiện.

Xét về mặt khách quan, thì đó chính là động lực thúc đẩy cho báo chí và văn học phát triển tận độ. Xét về mặt chủ quan thì đó lại là thử thách với những người trụ cột, làm báo Tri tân. Bởi khi quá trình hiện đại hóa văn học đi đến giai đoạn hoàn thiện, nghĩa là cái mới, cái hiện đại đã đạt đến tinh hoa thì những bài văn cổ xưa, những câu văn sáo mòn, những lời ý ngô nghê, những thể loại quy phạm, khuôn mẫu… thật khó khăn trong việc tìm chỗ đứng. Thực tế đó đã đặt Tri tân tạp chí phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong muôn vàn khó khăn thử thách là sự lựa chọn của độc giả và cộng tác của người làm báo trong suốt 5 năm tồn tại.

Đặt tạp chí Tri tân trong diễn trình tiếp biến văn hóa từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945: Đi từ sự tiếp nhận đến thử nghiệm và cuối cùng là kết tinh sẽ cho thấy một hình dung tổng thể về diện mạo và đặc điểm của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhất là những năm 1940-1945. Xuất hiện vào giai đoạn cuối của quá trình tiếp biến văn hóa, tạp chí ra đời vào thời điểm này nhằm mục đích duy nhất là: Nâng cao tinh thần phục Việt. Bởi sau một thời gian dài chạy theo văn hóa phương Tây, tiếp thu, tìm tòi cái mới lạ thì giờ đây, các nhà trí thức Việt nhận thấy cần phải quay trở về truyền thống, bám vào bản sắc văn hóa dân tộc để không đánh mất mình. Có lẽ, đó là sự cân bằng tất yếu khi việc học hỏi cái mới đã đủ chín thì việc quay trở lại với cái quen thuộc, cổ truyền để không trở nên xa lạ và lạc loài là điều cần thiết. Do đó, tạp chí Tri tân ra đời với tinh thần Ôn cố, nhằm khôi phục các giá trị văn hóa, văn học truyền thống trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc. Chủ trương Ôn cố, phục cổ của tạp chí thực chất cũng là để tri tân, hiểu cái mới. Bởi thế, những người viết cho tạp chí cần mẫn tìm về kho tư liệu văn hóa, văn học, lịch sử truyền thống để khai quật, phục hiện những di sản tinh thần của dân tộc.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023