Diện Mạo Của Tạp Chí Tri Tân‌

Ở Việt Nam, văn hóa và chính trị luôn trong tình thế giằng co, do vậy mới xuất hiện việc làm chính trị bằng văn hóa. Bởi tinh thần của người Việt không đặt vào chính trị mà đặt vào văn hóa. Vậy nên, việc tìm về các giá trị truyền thống, trở về với quá khứ dân tộc với cội nguồn cũng là biểu hiện của tinh thần yêu nước. Bối cảnh chính trị đương thời tạo ra sự lựa chọn tất yếu của văn hóa Việt và Tri tân xuất hiện nhằm phục hồi tinh thần Việt bằng văn hóa.

Trong bối cảnh đó, khuynh hướng ôn cố, phục cổ nổi lên như một trào lưu chủ đạo của văn hóa Việt Nam những năm 1940-1945. Con đường phục cổ không phải đến giai đoạn này mới xuất hiện. Từ thời Nam phong tạp chí ông chủ bút Phạm Quỳnh đã là người có công khai thác, tìm tòi về nguồn di sản văn hóa (đề cao đạo tam cương ngũ thường); văn học quá khứ (ca ngợi Truyện Kiều). Dù ít hay nhiều, dù thuận hay nghịch cũng không thể phủ nhận công của Phạm Quỳnh – người mở đường cho trào lưu văn học phục cổ, sau này được Tri tân tiếp nối và phát triển.

Đến những năm 30, tác giả Trần Trọng Kim xuất bản cuốn Nho giáo (1930), Nguyễn Hữu Tiến cho ra cuốn Mạnh Tử quốc văn giải thích (1932) và Luận ngữ (1935)… đã có ý nghĩa không nhỏ đối với việc tìm nguồn của văn học sau này. Mặc dù những cuốn sách đó chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cho ý thức hệ phong kiến nhưng cũng là cái nền, dù mỏng để có cả một phong trào phục hưng trong văn hóa, văn học sôi nổi ở giai đoạn sau.

Có thể nói, Tri tân sinh thành trong bối cảnh lịch sử xã hội và văn hóa, tư tưởng những năm 40 của thế kỷ XX là một tất yếu khách quan. Bởi tạp chí chính là nơi để cho lớp nhà nho uyên bác và giàu tâm huyết như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phục… được thực thi sở nguyện; cho lớp tân học đa tài như Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Phạm Mạnh Phan… được toại chí. Hơn nữa, trong các tư trào báo chí nở rộ đan xen nhiều khuynh hướng đa tạp, không dễ dàng minh định các giá trị thì sự ra đời của tạp chí Tri tân không chỉ làm cho bộ mặt của báo chí và văn học hiện đại Việt Nam thêm đầy đặn, phong phú mà còn có ý nghĩa định hướng tư tưởng và tinh thần của con người thời đại. Mặc dù, tạp chí sinh tồn trong không khí chính trị xã hội bức bối, căng thẳng (Nhật – Pháp cùng cai trị, thảm họa nạn đói năm 1945, cách mạng Việt Nam trưởng thành trong biển máu…) đòi hỏi những chấn động lớn hơn nhiều so với việc hướng tới tư tưởng đương thời. Vậy mà Tri tân vẫn lựa chọn con đường tồn cổ như thế là tự thu hẹp độc giả, là đối mặt trước nguy cơ tụt hậu, thậm chí có thể phải

đình bản. Vượt qua thử thách đó để duy trì, hoạt động bền bỉ, đều đặn trong thời gian hơn 5 năm (tuy không dài như Nam phong, Tiếng dân, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm…), tạp chí Tri tân đã tự khẳng định được vai trò, vị trí trong đời sống báo chí và văn học Việt Nam trước cách mạng.

2.3.2. Diện mạo của tạp chí Tri tân‌

Tri tân là một tạp chí văn hóa ra hàng tuần do ông Nguyễn Tường Phượng làm chủ nhiệm, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm làm chủ bút, nhà nghiên cứu phê bình Phạm Mạnh Phan đảm nhiệm vai trò là thư ký tòa soạn.

2.3.2.1. Về hình thức

Tri tân thuộc loại tạp chí tuần san, mỗi số gồm 24 trang, khổ 20x25cm. Trang bìa được bố cục gọn gàng, trình bày và trang trí đơn giản. Nổi bật lên là tên báo (Tri tân) được đặt trang trọng ở phần đầu và in màu khá bắt mắt (có sự thay đổi linh hoạt giữa bốn màu chủ đạo: đen, vàng nhạt, đỏ, xanh dương). Góc trên bên phải có in thứ, ngày, tháng, năm xuất hành, số báo... Ở giữa trang là mục lục các bài viết chính. Phía dưới tiêu đề tạp chí hoặc dưới cùng của trang bìa là dòng chữ Tạp chí văn hóa ra hàng tuần. Giá báo và địa chỉ tòa soạn cũng được trưng lên ở trang bìa. Trang đầu và trang cuối dành cho quảng cáo, còn lại 22 trang dành cho phần nội dung với các đề mục ổn định như mục Thời đàm, Tin vắn hàng tuần, Tuỳ hứng, Giai thoại trên văn đàn, Sử học luận đàm, Sử liệu sống, Mảnh sử liệu, Dịch thơ ta, Dịch thơ Tây… Điều đặc biệt là trong suốt 5 năm tồn tại trước một hoàn cảnh nghiệt ngã, đầy thách thức nhưng khuôn khổ, số trang, số báo không hề thay đổi.

Các văn phẩm được tạp chí Tri tân đăng tải phong phú với nhiều thể loại: Từ thể loại của báo chí chuyên biệt (thời sự, chính trị, thông tin văn hóa, xã hội, tin vắn, quảng cáo…) đến các thể loại sáng tác văn học (truyện ngắn, , kịch, tiểu thuyết, thơ…); đa dạng trong nhiều lĩnh vực (triết học, tôn giáo, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa…). Song phần thành công nhất ở tạp chí Tri tân là mảng văn sáng tác, khảo cứu, phê bình và sưu tầm dịch thuật. Trong đó, riêng các sáng tác văn học là 479 bài, một số lượng như vậy cũng đáng được quan tâm, nghiên cứu. Mặc dù chủ trương của báo là hướng tới sự hài hòa giữa khuynh hướng “ôn cố” và “tri tân” nhưng phần giá trị nhất của tạp chí lại là khuynh hướng ôn cố, hoài cổ, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học truyền thống. Vì vậy, những bài nghiên cứu về các lĩnh vực như văn học, lịch sử, văn hóa, địa lí, tôn giáo, xã hội trên tạp chí Tri tân… đều đậm chất khảo cứu; các bài sưu tầm, dịch thuật chủ yếu được lượm tìm trong kho tàng văn hóa, văn học cổ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

(chuyên mục Dịch thơ Ta, sao lục, hiệu đính các tác phẩm Hán Nôm); những sáng tác văn học gắn với thể loại đặc trưng chỉ có ở Tri tân: Ký khảo cứu, tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử

Hàng năm tuần báo này thường có những số chuyên san theo từng chủ đề đầy ấn tượng. Năm 1941 có chuyên san về Trần Hưng Đạo; Năm 1942 có các đặc san về Xuân Nhâm Ngọ, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Triều Gia Long, Nguyễn Du, Lê Thái Tổ; năm 1943 có Xuân Quý Mùi, Văn học phụ nữ, Thanh niên; năm 1944 có Xuân Giáp Thân, Thi ca Việt Nam, Tục ngữ phong dao, Thu; Năm 1945 có Xuân Ất Dậu, Việt Nam giải phóng; Năm 1946 có chuyên san về đất Nam Bộ. Các số chuyên san này được trang trí cách điệu, lượng bài vở phong phú, số trang dầy dặn, trình bày công phu.

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 8

Nhìn chung, về hình thức, tạp chí Tri tân liên tục được điều chỉnh đổi mới theo từng năm, ngày càng tạo nên sự cân xứng hài hòa giữa các phần, mục và quy chuẩn hơn. Đáng chú ý là trong các số đặc san thì các số về nhân vật lịch sử chiếm gần 1/3 (5/17 số) và đều gắn với ngày lễ kỷ niệm của các nhân vật đó trong năm. Tập trung cho các số đặc san kỷ niệm này, người làm báo Tri tân tâm nguyện làm cho tinh thần quốc gia của người mình tốt tươi lại: “Vào dịp quốc dân xa gần nô nức dự cuộc hành hương đền Kiếp Bạc, Tức Mặc…, Tri tân chúng tôi đã theo con đường lịch sử, mỗi người đốt nén tâm hương, cầm bút đánh dấu ngày lịch sử, nhắc nhở đến bậc anh hùng đệ nhất, Trần Hưng Đạo Đại Vương Quốc Tuấn. Nhân Hội đền Hai Bà Trưng ở làng Đồng Nhân, chúng tôi lại kỷ niệm hai đấng liệt nữ đã dựng cờ độc lập trước nhất ở đất Lĩnh Nam. Ngày rằm tháng hai, giữa lúc trên dấu vết của kinh đô Hoa Lư cũ đang kỷ niệm vua Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi cầm bút cung kính, dự vào phần lễ trọng thể ấy để cùng quốc dân kỷ niệm bậc đế vương đã từng lập những chiến công rực rỡ, lần đầu tiên lập nền chính thống ở nước Đại Cồ Việt” (Tạp chí Tri tân, số 41, tr.2). Tìm về tấm gương vĩ nhân, Tri tân không chỉ làm sống dậy không khí hào hùng của lịch sử dân tộc mà còn khao khát làm chính trị bằng văn hóa với mong muốn thức tỉnh dân mình (chủ yếu là thanh niên, trí thức) về bổn phận, lòng tin tưởng và tinh thần phấn đấu của một “quốc gia quang minh”. Sâu xa hơn, qua việc “nhặt nhạnh” từ một “mảnh sử” đến một “đoạn sử”, tạp chí Tri tân thiết tha với nguyện vọng nối liền phần mạch đời sống của dân tộc tạo thành dòng chảy liên tục giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.

Khi giới thiệu về tạp chí Tri tân, chúng tôi cũng quan tâm đến giá báo của từng năm. Bởi đó là cơ sở để người viết lí giải về đời sống của Tri tân trong xu thế vận

động chung của báo, tạp chí Việt Nam những năm 40. Mặc dù ra đời trong điều kiện nghiệt ngã nhưng tạp chí Tri tân vẫn tồn tại ổn định, phát triển bền vững trong suốt 5 năm. Vượt qua những cản trở của thời cuộc, giá báo ngày càng tịnh tiến, tăng dần: Từ số 1 (3/6/1941) đến số 16 (26/9/1941) giá bán là 12 xu; từ số 18 (10/10/1941) đến số 43 (21/4/1942) tăng lên 15 xu; từ số 44 (tuần từ 15-21/4/1942) đến số 56 (22- 28/7/1942) tăng lên 16 xu; từ số 57 (4/8/1942) đến số 97 (27/5/1943) tăng 20 xu; từ số 98 (3/6/1943) đến số 125 (30/12/1943) tăng lên 30 xu; từ số 128 (3/2/1944) đến số 145 (8/6/1944) tăng lên 40 xu; từ số 149 (6/7/1944) đến 164 (10/10/1944) tăng lên 50 xu; từ số 165 (2/11/1944) đến số 189 (31/5/1945) tăng lên 70 xu; từ số 190 (7/5/1945) đến số 212 (22/11/1945) giá báo tăng lên 1$20. Riêng các số đặc san, giá tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi giá báo bình thường của từng năm (Số 34 - đặc san về Xuân Nhâm Ngọ, năm 1942 có độ dày 49 trang, giá bán là 60$; số 81-82 - đặc san Xuân Quý Mùi, năm 1943 dày 47 trang, giá bán 1$; Năm 1945, có số chuyên san về Việt Nam giải phóng, chỉ với 40 trang ghép của hai số 185-186 nhưng giá báo lên tới 3$...). Tuy không tìm thấy bằng chứng ghi lại số lượng phát hành của tạp chí Tri tân mỗi tuần nhưng với mức giá tăng đều đặn và xuất bản liên tục như vậy trong suốt thời gian tồn tại chứng tỏ, Tri tân được độc giả đón nhận và đã giành được chỗ đứng nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.

2.3.2.2. Về tôn chỉ mục đích

Về chủ trương, những người sáng lập tạp chí Tri tân theo tinh thần phục hưng văn hóa dân tộc. Tôn chỉ, mục đích thống nhất xuyên suốt hành trình của tạp chí là: “Ôn cũ! Biết mới! Nhằm cái đích ấy, Tri tân riêng đi vào con đường văn hóa. Với cặp kính khảo cứu, Tri tân lần giở từng trang lịch sử. Bằng con mắt nhận chân và lạc quan, Tri tân ngó rộng chân trời tri thức. Ghé vai gánh gạch, xe vôi, Tri tân đứng vào hàng ngũ công – binh xây dựng lâu đài văn hóa Việt” (Lời Phi lộ, số 1).

Theo như tôn chỉ, mục đích mà những người xây dựng Tri tân đặt ra thì tạp chí hướng đến sự kết hợp hài hòa và cân bằng của hai khuynh hướng: “Ôn cố” và “tri tân” (Ôn cũ, biết mới). Nhưng thực tế, với hầu hết các bài viết, các thể loại mà tạp chí Tri tân đón nhận, đăng tải lại chủ yếu nghiêng về khuynh hướng “ôn cố”. Đây cũng chính là thế mạnh đồng thời cũng là phần đóng góp chủ yếu làm nên diện mạo độc đáo của tạp chí Tri tân trong đời sống báo chí và văn học nửa đầu thế kỷ XX. Tuy lấy tinh thần hoài cổ làm cốt yếu, tìm về quá khứ làm điểm tựa cho tương lai nhưng chủ trương của Tri tân lại rất cởi mở: “Không bo bo nhốt tư tưởng riêng một quê hương” mà “mạnh

bạo tiến trên đường chân lý”. Với tâm nguyện ấy, tạp chí Tri tân “là tấm lụa bạch, chỉ viết những hàng chữ chân phương, ngay thẳng, không tự hoặc bị nhuộm một màu sắc nào”. Cũng bởi thế mà Tri tân không phải là kiểu tạp chí “hàn lâm”, xa lạ với độc giả. Nhịp cầu kết nối với độc giả luôn rộng mở, tạp chí vẫn thu hút được các cây bút danh tiếng đương thời thủy chung, tận tâm cống hiến.

Ngay từ khi mới ra đời, tạp chí đã hiện thực hóa nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng “tiền đồ văn hóa nước Nam có nội dung tinh thần dân tộc” bằng các chủ trương về quốc văn. Trở về với vốn văn hóa cổ truyền trước hết đối với người viết cần: “Giữ cho văn được đúng mẹo, sáng sủa, rõ ràng, tự nhiên và bình dị tránh những chữ sáo, lời sáo, ý sáo...”. Các bài Vài cái chủ trương về Quốc văn (số 4), Đừng ôm thành kiến coi thường Quốc văn! Đừng nên cẩu thả khi viết tiếng mẹ đẻ (số 19), Nên luyện cho trẻ em tập đọc Quốc văn (số 43), Phải làm cách nào cho tiếng ta được phong phú và thuần túy (số 90)… đã tỏ rõ thiện tâm của những người làm báo Tri tân đối với nền văn học dân tộc và ngôn ngữ tiếng Việt.

Bên cạnh đó, Tri tân cũng chủ trương: “Nhập cảng chữ Nho để làm giàu thêm cho kho ngôn ngữ văn tự nước nhà và luôn dịp giúp cho những ai muốn biết chữ Nho được thêm rộng chữ, rộng tiếng ra nữa”. Nguyện vọng thiết tha của những người làm báo Tri tân là: “Mong rằng các bạn thân yêu hết lòng, hết sức cổ động giúp Tri tân, ủng hộ cho Tri tân để Tri tân có thể cùng các bạn cứ bắt tay cộng tác trong công cuộc văn hóa, một công cuộc chung của những nhà có quan tâm đến vấn đề sống còn của dân tộc” (Tạp chí Tri tân, số 4, tr.2).

Để “lần giở từng trang lịch sử” bằng cặp kính khảo cứu, Tri tân đã dành ưu ái đặc biệt cho các bài viết tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử. Qua các chuyên mục Sử liệu sống, Mảnh sử liệu, Sử học luận đàm…, tạp chí Tri tân đã cống hiến cho độc giả những mẩu chuyện lạ, những giai thoại hay, lí thú, những tư liệu lịch sử quý giá được các nhà thư ký bền bỉ ghi chép lại.

Ngoài ra, Tri tân còn liên tục tổ chức các cuộc thi có sức thu hút lớn đối với độc giả đương thời. Đó là các cuộc thi viết về lịch sử, ký sự (Một cuộc thi lớn về lịch sử, số 5), thi sáng tác tiểu thuyết, lịch sử ký sự (số 48)… Mở trang Sử học luận đàm, tạp chí Tri tân mong muốn được làm công việc khoa học nghiêm túc, đáng trân trọng: “Muốn tìm thật sự, rộng nhặt tài liệu, chất chính cùng các bực thức giả” (Tạp chí Tri tân, số 23, tr.4).

Để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ về các vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, Tri tân khích lệ các bài viết kỷ niệm các danh nhân, vĩ nhân với tâm

nguyện: “Chúng tôi theo con đường lịch sử, mỗi người đốt nén tâm hương, cầm cán bút đánh dấu ngày lịch sử, nhắc nhở đến bực anh hùng, tỏ lòng sùng bái vĩ nhân…” (Tạp chí Tri tân, số 17, tr.2). Do vậy, các bậc anh hùng như Trưng Nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Trần Quốc Tuấn, Lê Văn Duyệt, Lê Thái Tổ, Quang Trung Nguyễn Huệ… cùng những di tích lịch sử như Đền Hai Bà, Đền Ông, Tháp Báo Thiên, Hội Đền Hùng… đã được các cây bút Tri tân tìm tòi, cống hiến cho độc giả những trang viết hấp dẫn.

Trong những tháng năm hoạt động, tạp chí Tri tân luôn có ý thức tổng kết, đánh giá kết quả công việc của từng năm về mọi mặt: Sử học, văn học, những số chuyên san, những bài khoa học và xu hướng tiếp nhận của độc giả… để ghi lại những việc đã và chưa làm được, nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về những phản hồi từ phía bạn đọc. Trong thời điểm mà khuynh hướng văn học lãng mạn tiêu cực đang len lỏi với những diễn biến phức tạp, khó lường, tạp chí Tri tân nhanh chóng gửi thông điệp đến độc giả với tuyên ngôn Cần bài trừ sách nhảm, những tiểu thuyết khiêu dâm, những ấn loát phẩm có tính cách đầu độc tâm hồn thanh niên nam nữ, khuyến khích những sách có giá trị, trau dồi thưởng thức về mặt sử - ký- địa - dư… Tất cả thống nhất vì mục đích xây dựng tạp chí: “Xứng đáng là một cơ quan để các bạn trao đổi ý kiến trong khi làm việc gây dựng lấy một nền văn hóa chân chính cho nước nhà” (Tạp chí Tri tân, số 98, tr.3).

2.3.2.3. Những cây bút chủ đạo

Trong sự đa tạp của các khuynh hướng báo chí những năm 1940-1945, Tri tân tiêu biểu cho khuynh hướng phục cổ, học cổ nên đã thu hút được những học giả uyên bác về Nho học như Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Đôn Phục…; những nhà văn có danh tiếng như Phan Khắc Khoan, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên, Nguyễn Đình Thi, Ngân Giang, Lưu Quang Thuận...; các cây bút nghiên cứu phê bình đầy bản lĩnh như Đặng Thai Mai, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Thiếu Sơn… Tên tuổi của họ không chỉ thường xuyên xuất hiện trên mặt báo mà hình ảnh của họ gắn liền với hình ảnh của Tri tân. Các bài viết của họ được tạp chí tập hợp đăng tải trong nhiều năm cũng đã được xuất bản thành các tuyển tập, các bộ sách có ý nghĩa với độc giả đương thời và sau này.

Một điều đáng lưu ý là trong tình hình báo giới ngột ngạt và đầy khó khăn có không ít tờ báo, tạp chí cùng thời với Tri tân nhưng sinh tồn rất truân chuyên có khi ra được vài số phải đình bản; có khi phải thu hẹp khổ giấy, số trang, số báo vậy mà trong hơn 5 năm sinh tồn, tạp chí Tri tân vẫn giữ nguyên được hình thức và nhịp độ ra đều đặn hàng tuần cũng như tôn chỉ mục đích luôn thống nhất và đặc biệt là luôn ổn định

về lực lượng cộng tác. Có được thành quả như vậy, trước hết phải kể đến niềm tin của những người đồng tâm góp sức xây dựng Tri tân.

Trong lời Trần tình (số 5), tạp chí đã chỉ rõ: “Giữa lúc thời buổi khó khăn, Tri tân mạo hiểm ra đời: Một cái khó. Đương độ giấy đắt, giấy khan, thời giá về nghề in cái gì cũng cao vọt, Tri tân đánh bạo xông ra trận bút trường văn: Hai cái khó. Nhằm buổi phần đông đầu óc non nớt còn say sưa những cái son trẻ, những cái lãng mạn ngông cuồng, Tri tân mạnh bạo vạch riêng một đường lối, chú mắt vào cái đích tu tiến học hành: Ba cái khó” (tr.2).

Ngay từ khi mới ra đời, tạp chí Tri tân cũng như các báo và tạp chí khác phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn: Về vật chất cho việc in ấn, phát hành, cho đời sống của nhà văn, nhà báo; chịu mối đe dọa về tinh thần đối với cả tác giả và độc giả nhất là với sự biến khó lường của thời cuộc và tư tưởng… Tri tân tạp chí còn chịu áp lực trước dư luận đương thời: Người ta phê bình Tri tân “khô khan, nghiêm trang quá, không vui”, giá báo thì đắt đỏ… Nhưng những người làm báo luôn vững tin trong công cuộc kiến thiết một nền văn hóa chân chính cho nước nhà: “Chúng tôi tin: Tri tân phải oanh liệt sống, sống vì tiếng gọi nhu cầu của thời đại sau những cơn người ta đã rùng rợn bởi cái bả độc son trẻ, giật mình bởi cái ác mộng lãng mạn điên rồ, chán ngán bởi những lá bùa ru ngủ. Tri tân phải sống rực rỡ, sống vì lòng nhiệt thành giúp đỡ của những ngòi bút chân chính đã nổi tiếng trong văn giới, báo giới, học giới và giáo giới…” (số 5, tr.2).

Những gương mặt làm nên linh hồn của Tri tân không thể không kể đến vai trò và năng lực của Ban trị sự - Ban biên tập: Chủ nhiệm Nguyễn Tường Phượng, chủ bút Hoa Bằng và thư ký Phạm Mạnh Phan.

Khác với các báo và tạp chí khác, Tri tân ra đời không có một nhà kinh doanh nào tài trợ mà do chính những nhà nghiên cứu có tâm huyết tự bỏ tiền ra để in ấn, phát hành. Mặc dù tạp chí đi vào những đề tài không hề “ăn khách” vậy mà vẫn duy trì được số trang số báo trong hơn 5 năm không phải là điều giản đơn và không thể phủ nhận công chèo lái, trụ cột của người chủ nhiệm – Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng.

Nguyễn Tường Phượng sinh năm 1899 mất năm 1974, hiệu là Tiên Đàm, tự là Kỳ Sơn còn có biệt hiệu là Mai Lâm. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, dòng dõi họ Nguyễn ở làng Nội Duệ Đông, huyện Tiên Du, nay là thôn Đông Duệ, xã Vân Tương, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Truyền thống gia đình danh gia, khoa bảng, hiếu học, luôn lấy chữ nhân làm đầu đã hình thành nên nhân cách cao đẹp trong con người

Nguyễn Tường Phượng. Cha ông là vị quan Tri phủ Khoái Châu nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực, vì đạo nghĩa. Nguyễn Tường Phượng sinh sống trong thời kỳ lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc đang xoáy trong những cơn lốc dữ dội. Bởi thế, bản thân ông cũng phải trải qua những nỗi đau đớn khủng khiếp: Người vợ trẻ qua đời và đứa con thơ đầu lòng cũng bỏ ông mà đi. Những trải nghiệm đắng cay của cuộc đời đã tôi đúc ông thành con người sống có bản lĩnh và có trái tim nhân hậu. Trước nỗi đau mất mát của bản thân, ông đã chọn việc làm từ thiện để nguôi ngoai phần nào nỗi đau đó bằng cách lập ra nghĩa trang Hợp thiện, Dạ lữ viện (nhà ngủ qua đêm cho người lang thang cơ nhỡ), Bình dân phạn điếm (nhà bán cơm rẻ tiền nuôi dưỡng người nghèo)…

Ông còn là một thầy giáo tận tụy với nghề, trái tim luôn trăn trở với vận mệnh dân tộc trong giờ phút nguy nan. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Tượng Phượng đã tiên phong tham gia vào cuộc kháng chiến với cương vị là Phó chủ tịch Hội Văn hoá kháng chiến Liên khu III. Sau đó, ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội báo chí Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Năm 1941, ông cùng với Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Phạm Mạnh Phan... lập ra tạp chí Tri tân với tinh thần khá cởi mở “ôn cũ” để “biết mới”. Với vai trò của người Chủ nhiệm, Nguyễn Tường Phượng vừa phải lo lắng, đảm bảo điều kiện cho sự tồn tại của tờ báo, vừa phải giữ thăng bằng, ổn định, thống nhất về tôn chỉ, mục đích và đường hướng phát triển của tạp chí. Ông còn đảm nhiệm vai trò chính trong chuyên mục Góp vui, Sử liệu sống, Đọc sách… của tạp chí. Nguyễn Tường Phượng đã cần mẫn đóng góp 96 bài ở đủ các phương diện về khảo cứu (nhân vật lịch sử, tập quán văn hóa xưa), về phê bình sách mới (chuyên mục Đọc sách), về sưu tầm, thu lượm những câu chuyện vui, buồn trong sử xưa (chuyên mục Góp vui, Sử liệu sống), về sáng tác truyện, ký (qua các bài cảm nghĩ, cảm tưởng, ký ức)... Say mê với hành trình kiếm tìm, lượm nhặt, Tiên Đàm đã xây dựng được cả kho sử liệu sống qua câu chuyện, giai thoại được các vị lão nho từ mọi miền đất nước cung cấp. Quả thật, những việc làm của ông trước hết nhằm: “Bảo vệ dân tộc thông qua bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần bền vững” [201, 1215].

Có thể nói, cuộc đời hoạt động của nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Tường Phượng là: “Một cuộc đời hoạt động nghiêm túc, cẩn trọng, say mê, ông sống hết mình trên những trang nghiên cứu, cân nhắc khảo cứu trên từng địa danh, điển tích, từng giai thoại văn học, từng chú thích nhỏ của cổ nhân để lại” [197, 16].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023