Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Của Việc Tìm Hiểu Vấn Đề Sắc Thái Dục Tính


CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TÌM HIỂU VẤN ĐỀ SẮC THÁI DỤC TÍNH

TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC

1.1. Khái niệm dục tính và dục tính trong văn hóa cổ trung đại

1.1.1. Khái niệm dục tính

Vấn đề dục tính của con người là một vấn đề đang thu hút sự chú ý, quan tâm không chỉ của lĩnh vực sinh học, tâm lý học mà còn của nhiều ngành khoa học và lĩnh vực khác trong đó có văn học.Vậy dục tính là gì mà lại thu hút sự quan tâm của nhiều lĩnh vực như vậy?

Dục tính theo Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm trong Từ điển tiếng Việt định nghĩa là: “thú vui xác thịt giữa nam và nữ”[70]. Còn Nguyễn Như Ý trong Đại từ điển tiếng Việt thì cho rằng dục tính là những “đòi hỏi về quan hệ tính giao” [89, tr.1593]. Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê nhà xuất bản Đà Nẵng, 2011 có định nghĩa: “Tính dục đồng nghĩa với dục tính là sự đòi hỏi sinh lý về quan hệ tính giao, hiểu biết về tính dục, thỏa mãn tính dục” [60].

Từ những năm 1970, Ủy ban giáo dục và thông tin về tình dục ở Mỹ đã đưa ra định nghĩa hiện đại về tính dục như sau: Tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con trai hoặc con gái, đàn ông hoặc đàn bà và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách con người, không phải chỉ là bản chất sinh dục. Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và do đó tác động trở lại xã hội.

Như vậy, qua những quan niệm, định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy dục tính xét về mặt hoạt động là khái niệm chỉ hoạt động tính giao, còn gọi là giao hợp hay giao cấu là đưa bộ phận sinh thực khí người nam vào bộ phận sinh dục người nữ. Hoạt động này là thuộc tính của một sinh thể sống, một nhu cầu thiết yếu, là mặt sinh vật tự nhiên thuộc bản năng của con người.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Nói đến dục tính chính là nói đến phần “thân” của con người trong quan hệ với “tâm” theo quan niệm về con người thời xưa. “Thân” của con người là thân xác. Để tồn tại trước hết cần nhu cầu ăn, mặc, ở…sau đó là vấn đề bản năng tình dục và biểu tượng phồn thực để thờ cúng tổ tiên. Dục tính thuộc về cái tục. “Cái tục, theo nghĩa rộng nhất chính là cái đời thường, cái hàng ngày, tồn tại trong mối quan hệ vừa đối lập, vừa gián cách lại vừa bị thống trị bởi cái thiêng, cái linh thánh, nghĩa là luôn luôn bị xác định là cái không mẫu mực, không chính thống, cũng có nghĩa là ít hoặc không có giá trị”[87,tr.276].

Xét trong khái niệm với tình dục thì dục tính có ý nghĩa tổng quát hơn. Tình dục: (Sexual desire): ham muốn về nhục dục, về xác thịt” là nhu cầu tự nhiên của con người về quan hệ tính giao. Còn dục tính: (Sexual intercourse): “điều dục ở giữa giống đực và giống cái, về điều dục ở giữa trai gái”, là thú vui xác thịt giữa nam và nữ. Dục tính không đơn thuần là một khái niệm nói về bản chất sinh dục mà còn thể hiện tính cách con người. Dục tính người là toàn bộ con người đó và những yếu tố tạo nên dục tính cũng là những thành phần làm nên nhân cách - tổng thể những phẩm chất tâm lý đặc trưng ở một con người. Ẩn tàng trong sâu thẳm của tiềm thức mỗi con người chính là dục tính, cơn hứng trỗi lên ngay giữa hai phái, một sợi giây liên lạc vô hình, là sự quyến rũ vô biên. Dục tính vừa cho xác thịt vừa cho tinh thần. Do đó người ta không còn sợ phải che giấu mà cần phải phơi bày để thấy trọn vẹn chức năng của nó và ngợi ca nó. Đó là nguồn cơn tự sự của tình yêu, là đề tài hứng khởi giữa con người với con người, là ngọn lửa luyến ái luôn thắp sáng để hai nửa thế giới tìm đến nhau.

Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 3

Thời xa xưa, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có nguồn nhân lực dồi dào, mùa màng mới tươi tốt, con người cần duy trì nòi giống để phát triển. Trần Ngọc Thêm cho rằng: Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để cho phát triển cuộc sống cần cho con người sinh sôi. Trí tuệ của người bình dân nhìn thấy thực tiễn đó ở một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh và kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Tín ngưỡng


phồn thực ở Việt Nam từng tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai dạng: thờ cơ quan sinh dục và thờ bản thân hành vi giao phối. [76,tr.234].

Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng tôn giáo phổ biến trong đời sống nhân loại từ xa xưa. Biểu hiện chủ yếu của tín ngưỡng phồn thực này là thờ sinh thực khí nam nữ. Những phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, trong vốn văn hóa dân tộc còn biểu hiện những dấu vết của tín ngưỡng này... Ở Ấn độ vẫn còn có những lễ hội sùng bái dương vật, được ngắm nhìn, vuốt ve “cây-nhân-sinh” và đề cao xác thịt để thụ hưởng hơn là hành xác, nhận thức được xác thịt đưa tới tồn lưu của nhân loại và nhìn nhận nơi phát sinh ra nguồn gốc tồn lại của nòi giống. Champa và các nước cận bang vẫn còn thờ thần dương vật Linga và thờ thần âm vật Yoni được xem như một thần linh đã in sâu vào văn hoá của dân tộc họ và là một nghệ thuật cao qúi trong dân gian. Ấn Độ, Trung Quốc, tín ngưỡng phồn thực còn phát triển lên thành triết học, văn hóa tính dục. Phương Đông cổ đại lấy lý thuyết âm dương và ngũ hành làm cơ sở để giải thích mọi hiện tượng trong đời sống tính dục. Theo đó nam là dương, nữ là âm. Nếu âm dương không cân bằng, không hoà hợp thì con người sẽ phát sinh bệnh tật và tổn thọ. Ở Hy Lạp, La Mã trong các buổi lễ Tửu thần, người ta cúng Phallus –sinh thực khí nam.Cổ La Hy có nhiều tượng trần truồng của nam và nữ, phần lớn được tô điểm lên nét vẽ và được nhìn nhận là tuyệt tác phẩm nghệ thuật.

Theo Mác bản chất con người vừa là con người với tư cách là sản phẩm của giới tự nhiên vừa là một thực thể xã hội “con người là tổng hoà của các quan hệ xã hội”. Con người và con vật đều có những nhu cầu như ăn uống, tình dục nhưng con người khác con vật ở chỗ con vật hoạt động theo bản năng, con người hành động theo ý thức. Chính mặt xã hội của con người đã làm cho sinh vật trong con người phát triển ở trình độ cao hơn những động vật khác. Hoạt động dục tính của con người không chỉ để thỏa mãn nhu cầu dục tính ở con người mà còn gắn liền với đạo đức, văn hóa, xã hội, đặc biệt là gắn liền với tình yêu. Tình yêu làm cho khát vọng dục tính thăng hoa và khát vọng thỏa mãn nhu cầu dục tính làm cho tình yêu sâu sắc hơn. Dục tính không chỉ đem đến cho hai cá thể sự thỏa mãn về thể xác mà còn là


thỏa mãn về tinh thần. Sự bồi đắp cho nhau trong những giây vẫy gọi mang đến bản tình ca và vẻ đẹp viên mãn. Dục tính chính là sự thăng hoa của những xúc cảm thẩm mỹ, đầy nhân tính: tình yêu, khát vọng, cội nguồn của sự sống, một hành vi bản năng, được nhìn nhận như là sự khơi nguồn, khởi đầu cho tình yêu và những cảm xúc nhân tính của con người.

Dục tính là bản năng sinh lý tự nhiên của con người, là một trong tứ khoái của người bình dân. Mạnh Tử cũng đã từng khẳng định: “Thực sắc, tính dã” (Ham ăn uống và sắc đẹp là bản tính của con người). Tuy nhiên, không phải bao giờ nhu cầu dục tính của con người cũng được thỏa mãn. Khi những tiết chế về đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội không cho phép con người được đáp ứng nhu cầu dục tính thì lúc đó xuất hiện những ẩn ức dồn nén trong tâm thức con người. Theo Freud: bản năng con người không thể mất, không thể bị tiêu diệt dù bị áp lực của môi trường văn hoá, lễ giáo đạo đức… Chúng chỉ bị dồn nén vào tiềm thức, đến khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát. Nghĩa là chúng không thể bị triệt tiêu, chỉ ẩn náu dưới một hình thức. Xã hội phong kiến quá nhấn mạnh kìm hãm, bó buộc, ẩn dấu dục tính cho nên dẫn đến nhiều sai lầm. Cấm đoán và dục vọng đều tồn tại song song trong con người. Khi nào sự cấm đoán mạnh xuất hiện thì dục vọng chỉ bị lấn lướt chứ không bị gạt bỏ hoàn toàn. Kết quả của sự cấm đoán chỉ trấn áp dục vọng và đẩy nó xuống vô thức. Và lúc gặp điều kiện thuận lợi nó lại “đâm trồi nảy lộc”.Và một trong những cách để con người giải thoát khỏi ẩn ức dục tính chính là việc con người hướng tới sáng tạo nghệ thuật.Vì thế trong nhiều tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, văn học… chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong đó những ẩn ức dục tính được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.

1.1.2 Dục tính trong văn hóa cổ trung đại

Khi nói về dục tính, tình dục, người ta thường nghĩ đến đó là chuyện xác thịt, chuyện thuộc về mặt sinh học của con người. Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học thì tình dục cũng mang tính xã hội và tâm lý, thay đổi tùy theo do sự kiến tạo xã hội và trải nghiệm cá nhân. Tình dục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các giá trị văn hóa và

truyền thống. Ở mỗi cộng đồng, quốc gia, mỗi nhóm xã hội, mỗi con người ở những


thời đại khác nhau lại có quan niệm về dục tính, cách ứng xử với dục tính khác nhau. Và chính nền tảng kinh tế-xã hội, văn hóa tinh thần đã qui định sự khác nhau này.

Theo Foucault, tính dục (sexuality) là một hiện tượng văn hóa: Không nên nghĩ về tính dục như một cái gì đó tồn tại khách quan mà quyền lực cố gắng kiềm chế hoặc như một lĩnh vực mờ tối mà tri thức cố gắng từng bước khám phá ra. Tính dục là một tạo tác mang tính lịch sử (historical construct) ”. Tính dục, trong những phân tích của Foucault không phải là cái được phát hiện ra (discovered) mà là cái được tạo ra (produced) bởi những diễn ngôn (discourse) nhằm hợp thức hóa những quan hệ quyền lực, nhằm thực hiện một dự đồ nào đó.

Trong nhân học văn hóa, quan niệm về sex (giới) và gender (giống) có sự khác biệt : sex chủ yếu đề cập đến khía cạnh sinh vật học, khía cạnh của giải phẫu; gender lại là một hiện tượng thuộc về văn hóa. Sex bị chi phối bởi gender. Dục tính chịu ảnh hưởng của lịch sử, văn hóa, xã hội. Hay chính sự khác biệt trong vai trò xã hội giữa giống đực và giống cái là có nguyên nhân từ tập quán, từ hoàn cảnh xã hội hơn là có nguyên nhân từ tự nhiên. Vì thế ở mỗi thời, mỗi nơi lại có quan niệm khác nhau về dục tính.

Nói đến phương Đông là nói đến một vùng không gian chịu ảnh hưởng của những nền triết học lớn thời cổ ở Châu Á : Nho, Lão và Phật. Các triết học và tôn giáo đó đã góp phần rất sâu sắc vào quan niệm về con người, về dục tính ở phương Đông. Trong triết học Lão- Trang, Trang Tử cho rằng “tề vạn vật”, “vật ngã đồng nhất”. Đạo Lão đề cao tính chất tự do, tự tại của con người, con người hòa đồng với vũ trụ, con người tự nhiên, tự do, thoát khỏi luân lý, chính trị. Vì thế Lão giáo đề cao người phụ nữ, cho rằng người phụ nữ tạo ra sự sống mới và gần gũi với thiên nhiên. Quan hệ tính dục rất được coi trọng như sự hòa hợp giữa âm và dương.

Với Nho giáo, quan niệm về dục tính của con người khác Lão- Trang. Nho giáo đặt con người trong các mối quan hệ luân thường, đạo lý. Nho giáo đề cao vấn đề đạo đức, văn hóa, lý tưởng hơn vấn đề vật chất, thân xác. Con người bị ràng buộc bởi nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, khinh miệt bản năng. Hành vi tính dục của con người được Nho giáo khoác cho một ý nghĩa thiêng liêng như sự bắt chước trời và


đất giao nhau nhưng nó lại mang ý nghĩa xã hội, đạo đức sâu sắc. Nho giáo đời Tống lên án vật dục, tình dục, chủ trương “Diệt nhân dục, tồn thiên lý”. Để củng cố đạo đức gia đình và xã hội, nho giáo quan niệm đàn ông không thể có quan hệ tình dục ngoài gia đình, phải kìm hãm mọi xúc cảm trong quan hệ với đàn bà. Với đàn bà, Nho giáo coi họ là người giáo dục con cái, người nội trợ, người giúp chồng về sự nghiệp nhưng lại coi họ như kẻ mang sức mạnh hỗn loạn có hại. Đặc biệt với những người đẹp, nhà nho xa lánh, hắt hủi họ, xem họ như là nguyên nhân gây nên mọi sự bất hạnh, tai họa cho gia đình, triều đại. Nên trong quan hệ với phụ nữ, người đàn ông cần phải tuân theo đạo lý, không để bị lôi cuốn về mặt tình cảm. Những xúc cảm tính dục của con người bị Nho giáo coi như bản năng thú vật. Qua đó, chúng ta thấy, Nho gia kiểm soát bản năng tình dục của con người một cách gắt gao và vấn đề bản năng dường như vắng bóng trong văn học nhà nho. Kiểm soát bản năng tình dục là một hiện tượng tất yếu của lịch sử văn hóa nhân loại nói chung. Con người lý tưởng thánh nhân quân tử chính là mẫu hình của con người văn hóa theo quan niệm của nhà nho, có khả năng vượt lên trên cám dỗ dục vọng và mọi hấp dẫn vật dục nói chung. Đạo Nho là đạo nội thánh ngoại vương, tu kỉ trị nhân. Nhà Nho là mẫu người hành đạo, làm chính trị. Để lãnh đạo, cần tu dưỡng theo lý tưởng thánh hiền…Thánh hiền tất là mẫu người đấng bậc, đứng cao hơn con người tự nhiên, bản năng. Nhà nho đòi hỏi sự tu dưỡng rất nghiêm khắc với thân xác. Khắc phục, kiểm soát bản năng được nhà nho đề cao. Họ đặc biệt coi trọng sự tu thân, hướng đến mệnh đề “tồn thiên lí, khử nhân dục” (bảo tồn thiên lí, khử dục vọng bản năng), “dĩ tâm khống thân” (dùng tâm để khống chế thân, lấy ý chí đạo đức khống chế bản năng dục vọng). Văn hoá cổ đại Trung Quốc hình thành ba mệnh đề chính về thuyết cấm dục: 1. Tồn thiên lí, diệt nhân dục; 2. Nam nữ thụ thụ bất thân; 3. Vạn ác dâm vi thủ. Sách Lễ kí quy định rõ: “nam nữ đại phòng”, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Từ đó mà xuất hiện những cấm kỵ, như né tránh không đề cập đến đề tài tình dục, hình thành quan niệm coi tình dục là thấp kém, xấu xa, lấy chuyện sinh hoạt tình dục như một công cụ để hạ bệ uy tín một nhân vật nào đó và các hình phạt nghiệt ngã nhằm vào những người có quan hệ tình dục bừa bãi ngoài hôn nhân để


duy trì trật tự đạo lý, biểu dương những mẫu người trinh tiết, ban thưởng bằng tiết hạnh khả phong, làm thơ ca ngợi …

Còn đạo Phật quan niệm cái dục (ham muốn) là nguồn gốc của đau khổ, trong đó có ham muốn về thân xác, nên Phật giáo chủ trương diệt dục, trừ khử mọi ham muốn cũng là để kết liễu đau khổ. Phật giáo quan niệm “cảm quan nhục thể là căn nguyên nhất thiết của tội ác và đau khổ”. Vì thế Phật giáo đề xuất “Cửu tưởng” để phá “lục dục”, lục dục đó là :

1. Sắc dục tức sự quyến rũ của dung nhan.

2. Hình mạo dục, chỉ vóc dáng.

3. Uy nghi tư thái dục, chỉ sự quyến rũ của âm điệu lời nói

4. Ngôn ngữ âm thanh dục, chỉ sự quyến rũ của âm điệu lời nói.

5. Tế hoạt dục chỉ sắc đẹp và sự quyến rũ của da thịt.

6. Nhân tướng dục chỉ toàn thể vẻ đẹp nhân thể.

(…) Phép “cửu tưởng” mượn sự tưởng tượng chủ quan để phủ định sự tồn tại của cái đẹp nhân thể, chứng tỏ sức quyến rũ của cái đẹp rất mãnh liệt với con người” [62, Tr. 18-19]. Như vậy đạo Phật quan niệm cái dục (ham muốn) là nguồn gốc của đau khổ, trong đó có ham muốn về thân xác. Toàn bộ cái đẹp cơ thể nữ tính đều có sức quyến rũ gợi lòng ham muốn nên Phật giáo chủ trương diệt dục, trừ khử mọi ham muốn về thể xác cũng là một trong những cách để kết liễu đau khổ của con người.

Như vậy có thể nói, về vấn đề dục tính thì mỗi tôn giáo có quan niệm, thái độ, cách ứng xử riêng, trong đó đa phần là chưa coi trọng vấn đề này. Cho nên trong xã hội phương Đông xưa, chúng ta thấy vẫn còn những quan niệm khắt khe về dục tính, đề cao cái tâm và hạ thấp thân xác. Ở đó có tồn tại sự bất công của địa vị, vật chất, giới tính đối với dục tính.

Đời sống dục tính có sự phân biệt về địa vị, giai cấp rất rõ nét. Những vua quan quý tộc là người ở tầng lớp trên, đưa ra những luật lệ về bản năng dục tính vô cùng khắt khe theo quan điểm của Nho giáo để người dân thi hành. Nhưng chính bản thân họ lại đi ngược với những quy định mà mình đặt ra. Các vua chúa có hàng trăm, ngàn cung nữ mà lại tuyên truyền sắc đẹp là điềm đáng sợ. Họ sống theo bản


năng một cách vô độ, bừa bãi nhất, thể hiện rõ đặc quyền đặc lợi trong quan hệ tình dục của những kẻ giàu sang có quyền thế.

Trong đời sống dục tính cũng có sự bất công về bình đẳng giới. Ở đó, người đàn ông thường có nhiều quyền hơn người phụ nữ. Người đàn ông có quyền lấy “năm thê bảy thiếp”,còn người phụ nữ thì “Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”.Vấn đề trinh tiết của người phụ nữ luôn được coi trọng và đề cao, điều đó biểu hiện sự bất công đối với họ. Người phụ nữ luôn ở cái thế thụ động, tòng thuộc vào xã hội nam quyền. Người phụ nữ đẹp thường không được xã hội xưa trân trọng, đề cao, ngược lại còn bị lên án, căm ghét vì họ cho rằng sắc đẹp là mầm mống của tai hoạ, tai ương.

Sự phân biệt quyền và cấm kỵ đối với đời sống bản năng giữa nam và nữ là một trong những hiện tượng bất công của xã hội xưa.Và đây chính là cơ sở để nữ quyền luận (feminism) ra đời như một phong trào xã hội rộng khắp trước khi trở thành một khuynh hướng nghiên cứu văn học. Ở Trung Quốc và Việt Nam tồn tại một thưc tế là trọng đức hơn trọng sắc. Về vấn đề này GS. Trần Đình Hượu nhận xét:" Họ (các nhà nho) cho sắc đẹp là một thứ của "làm nước mất nhà tan", một điềm "bất tường". Gia đình xã hội đề cao người con gái nết na, đoan trang, đảm đang chứ không đề cao sắc đẹp. Khi dạm vợ cho con cháu, người ta thường tránh người đẹp vì lo nó không mang phúc mà mang họa đến cho gia đình”[32]. GS-TS Trần Ngọc Vương đưa ra lời nhận định về vấn đề này cũng rất sâu sắc "triết lý hồng nhan bạc mệnh từ chỗ có nguồn gốc xã hội thuần túy duy vật, dần dần bị trừu tượng hóa trở thành một triết lý tướng số, đậm chất tiên nghiệm, duy tâm"[86,tr.467]. Như vậy vấn đề “tài mệnh tương đố” (tài không tách rời tình) có căn nguyên xã hội sâu sắc.

1.2. Vấn đề dục tính trong văn học

1.2.1. Dục tính trong văn học thế giới

Đại văn hào của nước Nga Xô Viết Mac-xim Gooc-ki đã từng nhận định “Văn học là nhân học”.Văn học luôn hướng về con người và vì con người. Với chức năng cao quý đó, văn học viết về con người ở mọi phương diện “thân” và “tâm”,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/02/2024