kích phong trào Chấn hưng Phật giáo dối trá và qua cuộc đối thoại của sư Tăng Phú với Xuân Tóc Đỏ, tác giả cho thấy xã hội Âu hóa nhố nhăng đã lan thấm cả vào tôn giáo.
4.1.4. Ngôn ngữ trần thuật
Theo từ điển thuật ngữ văn học, trần thuật là “phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả, đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định” [7, 364]. Ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyếtSố đỏrất phong phú và đa dạng. Trong tiểu thuyết Số đỏ, tác giả đóng vai trò là người trần thuật, từ góc nhìn phê phán tác giả đã miêu tả một cách hài hước và sinh động về hoàn cảnh, về lời nói, hành động, tính cách của nhân vật bằng ngôn ngữ trần thuật chứa đựng đầy yếu tố mâu thuẫn, nghịch lý. Chẳng hạn như kể về quá khứ bà Phó Đoan: “còn lai lịch bà Phó Đoan thì kể ra cũng hay hay. Hồi còn đương xuân, bà đã bị một lính Tây hiếp, lúc mới ở nhà quê ra tỉnh xem hội đình. Sau vụ hiếp trái phép đến ngay cuộc hiếp đúng luật, nghĩa là cuộc làm phép cưới. Người lính ấy sau này thành ông phó Đoan. Ăn ở với nhau độ mười năm, ông phó Đoan chết, chết trung thành với nước, chết chung tình với vợ, chết như những người yêu vợ quá sức. Rồi bà lấy một ông phán trẻ được hai năm thì ông chồng nội hóa cũng lăn cổ ra chết... Bà chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt lực cạn sức, phải trốn xuống suối vàng” [32, 14-15]. Những cụm từ “hiếp đúng luật”, “chết như những người yêu vợ quá sức”, “ông chồng nội hóa”, “chính chuyên đến nỗi chồng kiệt lực” đã nhấn đi nhấn lại một cách hài hước tính cách “dâm phát sợ” của bà Phó Đoan.
Nhưng cũng có khi người trần thuật mất tính khách quan. Tác giả tham gia vào tác phẩm một cách trực tiếp, ví dụ: “thấy chướng mắt quá thể” [32, 29], “Chao ôi! Thế thì còn gì là tiệm may Âu hóa nữa” [32, 86], “Thế mà nào đã hết cho đâu! Than ôi” [32, 235]. Đây là một số lời nói của nhà văn chứ không phải lời nói của nhân vật. Nhà văn cảm thấy thế nào, muốn nói gì thì diễn đạt trực tiếp nó. Ngoài ra nhà văn cũng bộc lộ thái độ chủ quan của mình qua việc dùng nhiều trạng từ, tính từ kèm theo phó từ như “lắm” hoặc “rất” mang tính phóng đại: “nhớn lắm” [32,
29], “rất khó tả, rất kỳ quái” [32, 35], “chuyện trò vui vẻ lắm” [32, 74], “một cách rất đa dâm” [32, 87].
Trong chương II, người trần thuật miêu tả một cách hài hước, châm biếm sở cẩm, một trong những cơ quan thể hiện bộ mặt của chế độ thực dân. Trong sở cẩm có bảy người và trong đó chỉ có bốn người lính thôi nên bốn thầy lính cảnh sát phải thay phiên nhau đạp xe khắp cả mười sáu phố để phạt. Hai thầy đi tuần ở ngoài đường, còn hai thầy khác đi khắp mười sáu phố gần như là việc tập đua xe và một thời gian ngắn sau đã trở nên bốn cua rơ đại tài rồi. “Trong mười sáu phố ấy chẳng may có khi xảy ra một sự gì phạm vào trật tự thì phần nhiều lại không thấy bóng vía các thầy cảnh sát đâu cả! Hàng rong, bồi, bếp, phu xe, ăn may, những người ấy chỉ sau khi thầy cảnh sát đã cắm đầu đạp xe đạp khỏi phố thì mới đái đường, thì mới đánh nhau, chửi nhau...” [32, 17]. Do đó, nhân viên sở cẩm đành phải phạt nhau để tăng thu, chi ngân sách nhà nước.
Ngôn ngữ là một phương tiện nghệ thuật để nhà văn sáng tạo tác phẩm văn học. Ngôn ngữ của nhân vật và ngôn ngữ của người trần thuật góp phần biểu đạt nội dung tư tưởng của tác phẩm. Trong tiểu thuyết Số đỏ, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng là những nhân vật điển hình tiêu biểu với ngôn ngữ riêng rất đặc sắc. Ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ trần thuật đã góp phần nhà văn miêu tả tính cách, bản chất của nhân vật một cách cụ thể, sinh động và lột tả hiện thực xã hội nhốn nháo bấy giờ. Qua đối thoại của các nhân vật, chúng ta có thể thấy một xã hội giả dối, bịp bợm, mọi giá trị đạo đức, mọi chuẩn mực xã hội bị phá vỡ. Đặc biệt, Vũ Trọng Phụng đã sử dùng “ngôn từ hành động, hài hước có một ma lực cuốn hút độc giả, làm cho độc giả chìm đắm vào sự biến chuyển của câu chuyện, sự biến đổi của những cảnh đời, nhân vật và số phận” [52, 242].
4.2. Giọng điệu trần thuật
Vũ Trọng Phụng nhận thấy xã hội thực dân nửa phong kiến là một xã hội vô nghĩa lý, do đó ông quyết định dùng giọng điệu trào phúng, đả kích, giễu nhại để lột tả cái xã hội đầy những cái ác, cái dâm, cái đểu giả, nhố nhăng, bịp bợm ấy. “Cùng một dòng văn chương trào phúng với Nguyễn Công Hoan, chất trào phúng,
cái hài, tiếng cười trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng dữ dội hơn, cay độc hơn” [35, 128]. Vũ Trọng Phụng đã tạo nên giọng điệu rất đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhân vật, từng tính cách, từng tình huống...
Có thể bạn quan tâm!
- Nghệ Thuật Xây Dựng Tình Huống Trào Phúng Trong Ti Ểu Thuyết Số Đỏ
- Tìm hiểu nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Số đỏ - 8
- Tìm hiểu nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Số đỏ - 9
- Tìm hiểu nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Số đỏ - 11
- Tìm hiểu nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Số đỏ - 12
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
4.2.1. Giọng điệu châm biếm - đả kích
Trong Số đỏ, giọng điệu châm biếm sâu cay được dùng để thể hiện những cảnh nghịch lý, mâu thuẫn, vô nghĩa lý bằng những ngôn ngữ pha tạp, lộn xộn, phi lôgic, ... Đó là một yếu tố góp phần bộc lộ tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Vũ Trọng Phụng đã gây cười bằng cách sử dụng những kết hợp từ trái với thông thường trong các tiêu đề của từng chương, trong đó tiêu biểu nhất là: “Hạnh phúc của một tang gia” [32, 165]. Mất đi người thân là nỗi đau thương không gì có thể sánh được. Vì thế tang gia bao giờ cũng là bối rối, là nước mắt, là nỗi đau khổ vô bờ bến của những người ruột thịt và sự chia buồn chân thành và xót xa của người thân quen. Cho nên tang gia mà hạnh phúc, điều ấy thật trái với luân thường đạo lý. Và những kẻ mừng vui, sung sướng vì cái chết của người thân thì không còn chút nhân tính nào nữa. Vũ Trọng Phụng đặt tiêu đề như vậy và miêu tả một đám tang tưng bừng vui vẻ của cả tang chủ và những kẻ đến viếng khiến người đọc không thể không căm uất đám con cháu bất hiếu, giới thượng lưu vô nhân đạo và xã hội thực dân phong kiến nhố nhăng, phi đạo đức, phi nhân luân.
Một ví dụ nữa về phép nghịch lý ngôn ngữ : “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế!” [32, 229], hay như một câu reo khá ngớ ngẩn của cô Tuyết: “Âu hóa vạn tuế! Vú cao su vạn tuế!” [32, 189]. Từ “vạn tuế” là từ biểu hiện mong muốn duy trì vị trí xứng đáng của các đấng quân vương. Khi dùng vào trong đời thường thì ít nhất nó cũng phải ca ngợi, đề cao những gì xứng đáng. Nhưng Xuân Tóc Đỏ là kẻ vô học, lưu mạnh, bịp bợm không có gì đáng để ngợi ca cả. Sự đại bại đương nhiên càng không thể được tôn vinh. Vú cao su là một đồ vật hết sức tầm thường, không có lý do gì để phải dùng đến từ “vạn tuế” để ca ngợi nó. Chúng ta có thể thấy đây là minh chứng cho sự vô lí, ngu ngốc của những kẻ thượng lưu mà đầu óc lại của kẻ hạ lưu.
Khi Xuân Tóc Đỏ đến hiệu may tân thời Âu hóa, người thợ dán chữ trên bảng hiệu: “Im đi, đồ ngu! Cái thẹo lộn xuôi thì mới là chữ U, còn cái thẹo chổng ngược thì chính là chữ A. Thợ thuyền gì mà không hiểu một tí mỹ thuật gì cả! Nghe đây này. Trước nhất anh đóng cho tôi cái thẹo lộn ngược rồi đến cái thẹo lộn xuôi. Thế là A, U tức là Âu. Rồi thì đến cái miếng gỗ vuông có hai lỗ thủng là chữ H, rồi đến miếng gỗ tròn thủng giữa là chữ O, rồi đến cái thẹo lộn ngược là chữ A, tức là hóa, nghĩa là cửa hiệu Âu hóa! Có thế thôi mà phải dặn đi dặn lại mãi, thợ với thuyền, ngu như lợn!” [32, 39].
Đây là cách biểu hiện Âu hóa bằng cách mã hóa. Người thợ mù chữ như những người bình dân khác và Xuân Tóc Đỏ cũng thế. Do đó, các chữ cái được miêu tả là cái thẹo lộn ngược, cái thẹo lộn xuôi, miếng gỗ vuông có hai lỗ thủng, miếng gỗ tròn có lỗ thủng ỡ giữa... như vẽ một bức tranh khó hiểu và nực cười. “Điều đó cũng có nghĩa rằng Âu hóa đồng nghĩa với một mớ tạp-pí-lù, khó hiểu và vô nghĩa hoặc nếu có nghĩa thì cũng khiến cho loại hạ lưu như Xuân Tóc Đỏ hiểu là cái thẹo mà ở giữa có một chấm thì chỉ là biểu tượng của một vật xấu xa mà thôi” [40, 473]. Tiếng cười trong Số đỏ vì thế không bao giờ chỉ là tiếng cười giải trí, cười vào cái tấm biển hiệu toàn thẹo là thẹo ấy, chính là cười cái xã hội Âu hóa không ra gì, không có cách gì hiểu được. Làm sao có thể hiểu được một cái gì vô nghĩa và vô nghĩa lý?
Khi Văn Minh đưa Xuân đến tổng cục thể thao hội quán để ghi tên vào bảng các tài tử gặp một người và người này nói bằng tiếng Pháp. Nhưng Vũ Trọng Phụng viết: “Một nhà trí thức vội vàng sủa một tràng tiếng Tây vào mặt Xuân” [32, 181]. Nhà văn dùng từ “sủa” thay cho từ “nói”. “Sủa” thì không dành cho người mà dành cho chó. Ở đây, Vũ Trọng Phụng muốn đả kích những kẻ sính dùng tiếng nước ngoài, sính đến độ người Việt nói chuyện với người Việt mà không dùng tiếng mẹ đẻ lại dùng tiếng Pháp. Ông tỏ thái độ châm biếm cả những kẻ thích đệm những từ Pháp vào lời nói: voa (tạm biệt), moa (tôi), “Líp líp lơ” của bà Phó Đoan... Vũ Trọng Phụng phê phán những kẻ dùng tiếng Pháp để khoe mẽ mình là thượng lưu trí thức. Bởi hơn ai hết, Vũ Trọng Phụng biết rõ những kẻ như vậy
không khác gì với người vô học, hạ lưu. Chúng là trí thức rởm, là trọc phú học làm sang.
Giọng điệu của Xuân Tóc Đỏ khiến chúng tôi phải chú ý. Địa vị xã hội của Xuân Tóc Đỏ càng tăng tiến thì giọng điệu của nó càng hách dịch. Đầu tiên khi chỉ là thằng ma cà bông Xuân, làm nghề nhặt banh sân quần thì Xuân dùng giọng hạ mình, nịnh hót: “Bẩm”, “Bẩm bà lớn, sao bà lớn lại thương con như thế?” [32, 25], nhưng khi Xuân đã bước vào gia đình bà Phó Đoan, rồi trở thành sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, ông đốc tờ, nhà cải cách Âu hóa, cố vấn báo Gõ mõ, cái hy vọng của Bắc kỳ, nhà tải tử quần vợt thì giọng điệu Xuân cũng đổi sang kiêu ngạo, sỗ sàng, dọa dẫm: “Tôi thì danh giá gì! Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt!” [32, 162], “con thì, như ông biết đấy, không cha, không mẹ lêu lổng từ bé, nhặt quần, bán phá xa, đã làm nhiều nghề hèn” [32, 179], “Tôi mà đã nổi giận thì có người chết! Tôi xấu thì cũng chẳng ai đẹp!” [32, 163]. Có khi nó ưỡn ngực vênh váo giới thiệu tự mình là “Me xừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc kỳ” [32, 190] hoặc “me xừ Xuân nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệu Âu hóa, phụ nữ tân thời” [32, 151]. Ở vào tột đỉnh danh vọng, Xuân Tóc Đỏ, một vĩ nhân, một anh hùng cứu quốc, diễn thuyết cho cái đám công chúng mấy nghìn người mà dùng từ “Mi”. Thông qua giọng điệu của Xuân và qua việc miêu tả đám đông công chúng mù quáng cổ súy cho Xuân, cho sự đại bại vạn tuế, Vũ Trọng Phụng châm biếm, đả kích xã hội bịp bợm, giả dối, dân chúng hèn hạ, ngu dốt.
4.2.2. Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh
Giọng điệu châm biếm đả kích phê phán cay độc, chua chát thì giọng điệu hài hước, hóm hỉnh tạo nên tiếng cười mang tính phê phán xã hội nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng sâu sắc thấm thía hơn. Trong tác phẩm, Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo những yếu tố hài hước thông qua những thủ pháp việc sử dụng thông thạo ngôn ngữ, so sánh, phóng đại, chế giễu...
Vũ Trọng Phụng rất thông thạo ngôn ngữ bình dân suồng sã, đặc biệt là thứ ngôn ngữ vỉa hè đô thị. Trong đoạn mở đầu tác phẩm Số đỏ, đối thoại giữa Xuân
và chị hàng mía Vũ Trọng Phụng sử dụng ngôn ngữ bình dân, đường phố đời thường của tầng lớp thị dân, vô học ma cà bông Xuân dùng châm ngôn, ca dao tục ngữ rất có duyên, tạo nên tiếng cười vui vẻ:
- ... Cứ ỡm ờ mãi!
- Xin một tị! Một tị tỉ tì ti thôi!
- Khỉ lắm nữa!
- Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn... [32, 6]
Vũ Trọng Phụng còn thường dùng thủ pháp so sánh mang tính hài hước, phù hợp với giọng điệu trào phúng. Chẳng hạn như khi miêu tả Xuân Tóc Đỏ đánh thức một ông thầy số ngủ gật, hành động giật mình thức giấc của ông “chẳng kém những thầy cảnh sát lúc biên phạt” [32, 8], khi Xuân Tóc Đỏ tán tỉnh cô hàng mía thì nó dùng điệu “cười hi hí như ngựa” [32, 7], khi gặp Victor Ban ở khách sạn Bồng Lai thì nó “đứng ngây mặt ra như người bằng gỗ” [32, 101], vào ngày khánh thành sân quần cô Tuyết giục Xuân đứng lên để phát biểu một bài chúc từ mà Xuân ngúc ngắc “như một cái máy có người vặn” [32, 123]. Khi Xuân nói thật cho Văn Minh rằng cô Tuyết yêu mình và mình cũng yêu cô Tuyết, Văn Minh lặng người ra “như gỗ” [32, 177]. Từ khi quảng cáo Xuân là một vị giáo sư quần vợt, đã khai tên ở bảng các tài tử, Văn Minh luôn luôn đứng bên cạnh Xuân “như một con chó trung thành với chủ” [32, 182]. Bà Phó Đoan ôm con chó vào lòng một cách thân yêu “như ôm một người tình nhân” [32, 64], mặc những bộ quần áo mỏng dính “chẳng khác gì một tín đồ của chủ nghĩa khỏa thân” [32, 31], tiếng còi xe của bà Phó Đoan “un un dữ dội như tiếng gầm của một thứ lợn rừng kỳ quái” [32, 27]. Trong các ví dụ vừa dẫn, hình ảnh so sánh và đối tượng được so sánh đều trở nên đáng cười và vì thế người đọc được cười những tràng cười rất thoải mái.
Vũ Trọng Phụng đã sử dụng thủ pháp phóng đại để khắc họa tính cách lố bịch của cụ cố Hồng. Trong chương XV, khi mất cụ tổ “thằng bồi tiêm đã đếm được đúng một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu gắt: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi của cụ cố Hồng” [32, 166], không ai gắt được từng ấy câu gắt nhưng con số phóng đại ấy vừa có tác dụng khắc họa một chân dung mang tính châm biếm, vừa kỳ quặc
vừa khiến người ta buồn cười. Trong chương XX, khi Xuân Tóc Đỏ đã trở thành một anh hùng, một vĩ nhân thì cụ cố Hồng “nằm xuống kéo điếu thuốc phiện thứ chín mươi sáu, và nghĩ cách để bị đấm nữa thì mới thật là mãn nguyện” [32, 234]. Làm sao mà có thể hút được 96 điếu thuốc phiện! Vũ Trọng Phụng đưa những con số phóng đại vào để tạo nên sự hài hước và để cho thấy ngoài việc hút thuốc phiện và nói đi nói lại câu nói vô nghĩa lý, cụ cố Hồng không biết dùng đời sống của mình vào việc gì khác nữa.
Vũ Trọng Phụng dùng thủ pháp chế giễu sự đáng cười của nhân vật, đặc biệt là bà Phó Đoan. Mục đích chế giễu chỉ để gây cười chứ không phải phê phán, đả kích nhân vật. Ngày khánh thành sân quần vợt, bà Phó Đoan đã mời nhiều người xuống sân quần:
Khi xuống đến sân thì ai cũng phải cảm động... Ôi! Thật là một triệu chứng tốt cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ: trên rặng lưới của cái sân quần còn mới nguyên như một cô gái còn tân, người ta thấy một... hai... ba... bốn... cái quần, quần đùi, quần ngủ, quần ra phố, quần ở nhà, cái nào cũng bằng lụa, hoặc trơn, hoặc thêu đăng ten, những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai láng lòng xuân, mà chính lại là của bà Phó Đoan!
Điên người, lộn ruột lên, bà Phó Đoan đã gọi ngay người vú già ra mắng cho một trận kịch liệt, thì vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ lầu nhầu:
- Ai biết đâu đấy! Gọi là sân quần thì ai chả tưởng để phơi quần! [32, 125]
Vũ Trọng Phụng vừa chế giễu vú già cổ hủ và bảo thủ không biết đến bộ môn thể thao rất được ưa chuộng đồng thời vừa chế giễu sở thích thời trang của bà Phó Đoan.
Như vậy, giọng điệu hài hước là tiếng cười sảng khoái, thoải mái nhất trong văn chương của Vũ Trọng Phụng với những thủ pháp so sánh, phóng đại...
4.2.3. Giọng điệu giễu nhại
Giọng điệu giễu nhại là một trong những thủ pháp của nghệ thuật trào phúng cơ bản. Theo sách Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, “nhại là nhắc lại, là bắt chước lời nói của người khác để trêu chọc, bỡn cợt, là sự miêu tả
những sự vật hiện tượng với bề ngoài có vẻ bóng bẩy, mực thước, khuôn mẫu nhưng nhằm mục đích phê phán, đả kích, chế giễu, phơi bày cái thối nát mục ruỗng bên trong” [39, 139]. Vũ Trọng Phụng đã kể chuyện với giọng điệu giễu nhại để cười, để châm biếm, phê phán xã hội đương thời một cách đích đáng và hả hê. “Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là người có công phát hiện ra tiếng cười nhại của Vũ Trọng Phụng. Ông định nghĩa tiếng cười nhại: Nhại ai, nhại cái gì là bắt chước người ấy bằng những điệu bộ, ngôn ngữ trào lộng, nhằm mục đích chế nhạo, gây cười” [51, 142].
Nhờ bà Phó Đoan, Xuân Tóc Đỏ được làm quản lý hiệu may Âu hóa, nhà mỹ thuật TYPN dạy Xuân học thuộc các tên bộ y phục kiểu phương Tây.
- Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Anh đọc thật to lên! Xuân nhắc lại như một con vẹt học một bài học thuộc lòng:
- Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Nhà mỹ thuật gật gù hài lòng và lôi Xuân ra một cái ma nơ canh khác:
- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Đọc cho quen mồm đi! Xuân Tóc Đỏ lại đọc theo:
- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! [32, 51]
Ở cửa hàng may Âu hóa, ông TYPN đã chế tạo các y phục lẳng lơ và đặt tên rất buồn cười, lại dạy Xuân nói theo như con vẹt. Vũ Trọng Phụng chế giễu khả năng học tập của Xuân Tóc Đỏ và chế giễu cả cái mỹ học lãng mạn của phương Tây nữa. Xuân Tóc Đỏ vô giáo dục, ma cà bông có biệt tài học thuộc nhanh và vận dụng đúng lúc những ngôn ngữ, cử chỉ hắn học theo Văn Minh và ông TYPN ngay từ hôm bước vào hiệu may Âu hóa, một xã hội Âu hóa và có trách nhiệm cải cách tân thời phụ nữ. Ngày khánh thành sân quần, Xuân phát huy lại tài năng dễ nhớ ngôn ngữ và cử chỉ của người khác:
“Sau ba phút trầm tư mặc tưởng, vốn thông minh tính bẩm, Xuân Tóc Đỏ nhớ ngay đến những ngôn ngữ và cử chỉ của ông bà Văn Minh và ông Típ Phờ Nờ