Huyền Thoại - Nghi Lễ Như Một Phẩm Tính Nhân Học Trong Tiểu Thuyết Faulkner‌


thần học, sử học… cung cấp những tranh luận vô cùng phong phú và phức tạp về bản chất, gốc rễ và ý nghĩa của cái ác. Xuất hiện và cất tiếng muộn mằn hơn, nhân học mang đến cách tiếp cận của riêng mình, đồng thời không quên hàm ơn những thành tựu từ các lĩnh vực khác.

Cho tới thế kỉ XIX, quan điểm thống trị trong học thuật phương Tây về đạo đức học vẫn là sự thừa nhận đạo đức như những quy tắc và chuẩn mực chung của loài người. Mặc dù từ thời cổ đại, các triết gia đã ý thức được về sự khác biệt thang bậc giá trị đạo đức giữa các cộng đồng khác nhau (mà câu chuyện về vua Ba Tư Darius I do Heredotus kể lại là một ví dụ tiêu biểu [theo 134]), nhưng sự khác biệt về đạo đức này “chỉ thực sự được nghiên cứu một cách có hệ thống từ thế kỉ XIX, khi tri thức của phương Tây về những vùng xa xôi khác trên toàn cầu bắt đầu được phổ biến” [134]. Nhân học, theo bước chân điền dã tới những vùng đất xa xôi, đã mở ra hướng tiếp cận văn hoá và liên văn hoá (cross-cultural) cho đạo đức học, và đối thoại với quan điểm thống trị. Nó thừa nhận “ý tưởng mang tinh thần tương đối về sự khác biệt văn hoá”, mỗi nền văn hoá “hiện thân một triết học đạo đức”, mỗi trong số chúng khác biệt với cái gọi là “đạo đức phương Tây” trừu tượng [27, 238]. Nhà nhân loại học người Phần Lan Edward Westermarck trong Nguồn gốc và sự phát triển của các quan niệm đạo đức (1906) đã so sánh sự khác biệt giữa các xã hội trong sự đánh giá những hành vi sai trái. Tập trung vào trọng điểm cái ác, cuốn Nhân học về cái ác (1985) của David Parkin và các cộng sự đã thảo luận về bối cảnh văn hoá của cái ác trong các cộng động xã hội và tôn giáo khác nhau. Theo đó, cái ác không chỉ được nhìn nhận như là một vấn đề cá nhân, một phạm trù của phẩm tính cá nhân mà chủ yếu được nhìn trong chiều kích xã hội, văn hoá. Đây cũng là hướng tiếp cận của phần nghiên cứu về cái ác trong tiểu thuyết Faulkner.

Dễ thấy, văn Faulkner viết nhiều về cái ác. Giết người (treo cổ, cắt cổ, đâm chết, đánh chết), hãm hiếp, thiến hoạn, tự tử, phá thai, bắt cóc, đánh đập, bỏ rơi, ngoại tình, tống giam, tống vào nhà thương điên, trộm cướp, đốt nhà, đốt xác, đào mả… xuất hiện nhiều trên văn ông. Câu hỏi gây tranh cãi là, liệu nhà văn diễn giải như thế nào về bản chất của tội ác. Cái ác bắt rễ từ đâu, nó vốn là một thực thể đen tối, tồn tại độc lập trong bản ngã, hay là một trạng thái được hình thành trong những tình thế đặc biệt của đời sống? Con người chấp nhận cái ác như chấp nhận một định mệnh, hay có tự do lựa chọn đạo đức, để nói không với cái ác?

Allan Edgar Poe kể chuyện “tôi” giết con mèo đen. “Nỗi giận dữ ma quỷ bỗng chiếm lĩnh lấy người tôi. Tôi không còn biết mình là ai nữa. Ngay lập tức linh hồn nguyên thủy của tôi hình như bay ra khỏi thân xác, một nỗi độc ác ghê gớm làm


rung từng thớ thịt của tôi” [135]. Con mèo đen mang tên thần địa ngục là hiện thân cho phần bản năng thú tính, thứ xung lực đen tối trong con người. “Tôi tin rằng sự ác độc của tôi là một trong những động lực nguyên thủy của loài người” [135]. Nếu xem cái ác như quỷ satan nấp ẩn trong tâm hồn, thì kẻ thủ ác, thông thường, được hình dung như kẻ bất thường về tâm lí. Hành động phạm tội, vì thế, cũng thường được giải thích như kết quả của trạng thái tâm lí điên loạn, vượt ngưỡng giới hạn.

Dostoevski kể chuyện Rashonikov giết bà già cho vay nặng lãi. Trước khi quyết định giết người, chàng sinh viên tự đặt ra cho mình câu hỏi: Tính mạng của một cá nhân tồi tệ, một con rận, con gián, há nghĩa lí gì so với sự sống chết của hàng ngàn sinh linh trên còi đời? “Hãy giết mụ ấy đi, và đoạt lấy số của ấy để suốt đời phụng sự nhân loại” [136]. Và Rashonikov, với huyễn tưởng về mình như một vĩ nhân cứu rỗi còi nhân quần, đã giết mụ già ho lao, đần độn và độc ác, không phải như “giết một con người”, mà là “giết một nguyên lí”. Tội ác, trong trường hợp này, được biện minh bởi một thứ lí tưởng hay triết lí sống mà kẻ thủ ác thực sự tin tưởng và sẵn sàng đánh đổi, trả giá.

Hai ví dụ từ Poe và Dostoievski là những hư cấu kinh điển về tội ác trong văn chương nhân loại. Hai ví dụ này lại trùng khớp với cách nghĩ thông thường về kẻ ác. Ta vẫn quen nghĩ, con người phạm tội là do sự xúi giục của thú tính (như kẻ giết con mèo đen), hay dưới sự câu thúc của lòng cuồng tín (như Rashonikov).

Nhân vật của Faulkner không phải là quỷ dữ hay thú vật. Cho dù hành vi bạo lực không kém phần kinh hãi (cắt cổ, thiến, bắn, hãm hiếp…), chúng diễn ra không phải do cơn cuồng say của thú tính hay trong trạng thái nhiễu loạn thần kinh. Họ không “điên”. (Thực ra, ngược lại, các nhân vật bị gọi là “điên” của Faulkner, như Benjy, Darl, Vardaman, Ike, lại thường rất “lành”, và thường là nạn nhân, chứ không phải tội phạm). Lại có người lập luận rằng, cái ác giáng xuống như một sự trừng phạt: mỗi nhân vật của Faulkner đều mang trong mình “tội lỗi đầu tiên” (original sin). Cái ác, tội lỗi, đau khổ, trong văn Faulkner, như đã được đề cập ở chương trước, là một biểu hiện của lời nguyền. Con người ở mảnh đất này thường lãnh nhận lấy đau khổ và tội ác như sự trả giá cho những lỗi lầm quá khứ. Một số nhà nghiên cứu, chẳng hạn Randall Stewart, coi văn Faulkner là “sự hiện thân và kịch tính hoá các khái niệm cơ bản của Cơ đốc giáo” [theo 64, 692]. Thừa nhận rằng văn chương Faulkner gợi nhắc rất nhiều tới các vấn đề tôn giáo, trong đó thuyết tiền định trong thần học Calvin được thể hiện đậm nét ở một số nhân vật (chắc không phải ngẫu nhiên khi anh của Joanna tên là Calvin, và dòng họ của cô là Burden, nghĩa là “gánh nặng”). Nhưng “tội lỗi” trong văn chương ông không hẳn là

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.


ý niệm về “tội lỗi đầu tiên” trong tôn giáo. Điểm mấu chốt là ở chỗ, cái được gọi là “sự nguyền rủa của Chúa” ấy, thực ra, đối với Faulkner, không phải là một ý niệm trừu tượng, một sự trừng phạt mà con người vô can. Ngược lại, ông xem nó như hệ luỵ của những tội ác mà con người đã gây nên: chiến tranh, chế độ nô lệ, nạn phân biệt chủng tộc. Mối bận tâm của Faulkner vẫn là nhân tính trong bối cảnh văn hoá sinh động, chứ không phải con người với tư cách một ý niệm siêu hình.

Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 15

Không phải thú tính, mà chính sự cuồng tín dẫn nhân vật của Faulkner vào việc ác. Nếu như anh sinh viên của Dostoievski muốn trừ khử mụ già vì lí tưởng muốn trở thành vĩ nhân, thì nhân vật của Faulkner thường hành động dưới thôi thúc của định kiến cộng đồng: sự thù hằn. Định kiến và sự thù hằn là những xung lực chính của cái ác. Dễ thấy, Joe bị giết bởi y là tên sát nhân da đen, ông và anh Joanna bị giết vì họ là yankee, đứa con của Milly bị bắt cóc vì “máu mọi đen” trong người, Joanna bị ruồng bỏ vì theo chủ nghĩa bãi nô, Hightower bị K.K.K. khủng bố vì bênh vực người da màu, Benjy và Darl bị tống vào nhà thương, Clytie đốt nhà để trả thù nhà Sutpen, kẻ từng huỷ hoại cuộc đời cô cũng vì định kiến màu da và giới. Không phải là những câu chuyện cá nhân, mối oán giận ấy là vô thức tập thể, là bài học mỗi đứa trẻ học ngay bên nôi mình. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các nhân vật trong văn Faulkner thường sống trong những âm vọng của tiếng nói từ mẹ/cha/ ông/bà, đặc biệt là từ cha, ông. Motif lời cha nói, lời mẹ nói, hay motif cha mẹ can thiệp thô bạo vào cuộc đời con xuất hiện trở đi trở lại trong tiểu thuyết.

Vấn đề là ở chỗ, ở Dostoievski, kẻ thủ ác vẫn có được ý chí tự do. Rashonikov đắm chìm trong suy tư, cật vấn, cả trước và sau khi gây án. Việc ác được coi như một lựa chọn: “ta là con sâu con bọ con run rẩy hay ta có quyền lực?” [136], và “đi đến những kết luận ấy, chàng tin chắc rằng riêng với chàng, trong việc nầy sẽ không có những sự đảo lộn bệnh tật như thế, rằng chàng sẽ giữ vững được lí trí và nghị lực suốt trong thời gian thực hiện ý định, chỉ vì một lí do duy nhất là việc chàng định làm "không phải là tội ác" [136]. Thế nghĩa là, cái ác vẫn là vấn đề của ý muốn, trách nhiệm đạo đức cá nhân (dù đạo đức được phán xét ở phía cực đoan nào). Trong khi đó, mặc dù những kẻ thủ ác của Faulkner ở một trạng thái thần kinh tỉnh táo hơn nhiều, họ lại hầu như không có cái “ý chí tự do” như nhân vật của Dostoievski. Không có nhiều day dứt, truy vấn. Họ hành động như đó là một phận sự đã ngầm định. Thế nên, ngoài một số ít chân dung kẻ gây án được tô đậm (như Joe Christmas), thì có thể dễ dàng tìm thấy loạt việc giết chóc được thuật tả một cách đơn giản, không kèm thêm phân tích tâm lí. Và thế là, những kẻ sát nhân không được khắc hoạ với bộ mặt đao phủ, mà gần hơn với những gương mặt đời


thường. Thực ra rất khó phán xét những kẻ gây án của Faulkner là “người tốt” hay “kẻ xấu”, chính bởi ấn tượng về gương mặt đời thường ấy. Doc Hines, bắt cóc đứa con mới lọt lòng của con gái, không phải vì bản tính hung ác, mà rút cục, vì lão không cưỡng lại nổi nỗi ô nhục vì có đứa cháu có máu mọi đen. McEarchern, đánh đập Joe, cũng vậy, chỉ vì gã tuân theo giáo lí như một mệnh lệnh uy nghiêm không thể kháng cự. Như thế, họ tập hợp lại thành tập thể những người bình thường, nhưng không có khả năng lựa chọn đạo đức, mù quáng tuân theo định kiến cộng đồng - một thứ mệnh lệnh vô hình nhưng đầy quyền lực. Tình trạng này gợi đến một cụm từ gây ớn lạnh nổi tiếng: “sự tầm thường của cái ác”.

Năm 1961, nữ triết gia chính trị Hannah Arendt tới Jesuralem để theo dòi phiên toà xét xử tên trung tá SS Adolf Eichmann - một trong những kẻ chỉ đạo việc bắt bớ và ném người Do Thái vào các lò thiêu người trong thảm hoạ Holocaust. Tại đây, Arendt đã ngạc nhiên bởi “sự tầm thường vô vị” (banality) trong kẻ được phán xét là quỷ dữ: y không có một trục trặc tâm lí nào; không phải thú tính hay sự cuồng tín vào chủ nghĩa bài Do Thái khiến y hành động, y chỉ làm theo luật pháp nước Đức và chỉ muốn thăng tiến trong công việc. “Trong cái thế giới lộn ngược này Eichmann (có lẽ giống như Pol Pot bốn thập niên sau) dường như không hề ý thức được rằng hắn đã làm điều ác” [137, 16]. Tên đồ tể của châu Âu, kẻ giết sáu triệu người Do Thái, hoá ra, nếu ở một hoàn cảnh khác, sẽ có thể là một công dân Đức bình thường, một “người tốt”. Eichmann ở Jerusalem - Báo cáo về sự tầm thường của cái ác (1963) được nữ triết gia viết từ quan sát này. Bà khai thác “bản chất phi nhân của bản thân cái ác Nazi” [137,15], cái ác khiến người ta dễ hoang mang, “bối rối rằng những kẻ giết người sao trông quá giống những người như bạn và tôi” [137, 17]. Tội ác của Eichmann, cũng như những kẻ- bình-thường ấy, bắt nguồn từ sự mù quáng tuân thủ mệnh lệnh, sự đánh mất khả năng chịu trách nhiệm đạo đức cá nhân. Như thế, kiến giải về cái ác đã dịch chuyển trọng tâm từ tính cách cá nhân sang chiều kích chính trị, xã hội. Nó đưa ra một cảnh báo lạnh người rằng, những người bình thường nhất, trong môi trường phi nhân, cũng có thể trở thành kẻ ác/ kẻ đồng loã. Sự cứng nhắc của trật tự xã hội, sự hợp pháp hoá bạo lực, tất cả tước đoạt ở con người năng lực phán đoán và tự do lựa chọn đạo đức. Nói cách khác, cái ác hiển lộ như kết quả của quá trình phi nhân hoá con người.

Nghĩ từ “sự tầm thường của cái ác”, có thể thấy quá trình phi nhân hoá con người len lỏi trong các trang viết của Faulkner. Ở đó, bạo lực trở thành cái bình thường, hợp lí và hiển nhiên. Hãy lấy Percy Grimm làm ví dụ. Thoạt nhìn, có thể nghĩ hắn là một Javert của thế kỉ XX, hay một tên khát máu (ráo riết lùng sục Joe, giết và thiến nạn nhân). Nhưng Faulkner đã miêu tả nỗi thống khoái khi làm việc ác


của hắn như một hệ quả của việc tuân theo pháp luật. “Chính đạo luật dân sự quân sự mới đã cứu gã” [70, 574]. “Gã cảm thấy hoàn toàn tự do, không còn phải suy nghĩ hay quyết định nữa. Gánh nặng mà gã bây giờ cáng đáng và mang theo thì sáng sủa, nhẹ tênh và hùng dũng, như màu đồng thau trên những huy hiệu của gã: một niềm tin tuyệt diệu và ngấm ngầm vào sự can đảm thể lí và sự phục tùng mù quáng, và một sự tin tưởng là chủng tộc da trắng thì cao cấp hơn tất cả những chủng tộc khác, là chủng tộc Mĩ thì cao cấp hơn tất cả những chủng tộc da trắng khác, là bộ quân phục Mĩ thì cao cấp hơn tất cả mọi người đàn ông” [70, 574]. Trong phiên toà, Eichmann từng thú nhận, y cảm thấy được rũ bỏ tội lỗi, “một cảm giác kiểu Pontius Pilate” [137, 145] khi tận mắt chứng kiến việc những kẻ có vị thế đều nhiệt tình hưởng ứng Giải pháp Cuối cùng đẫm máu của Hitler. Điều đó có nghĩa, nhân danh một cái khác trừu tượng, một cái gì nằm ngoài/ trên mình, Eichmann đã đánh mất tự do lựa chọn đạo đức cá nhân. Trong lời thú nhận của Grimm, có thể thấy hiện thân của cái quyền lực cấp cao: đó chính là thể chế xã hội dung túng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa ngoại biệt Mĩ. Theo phân tích của Arendt, một khi con người ta được giải phóng khỏi trách nhiệm cá nhân, dưới áp lực của mệnh lệnh, cái ác trong mỗi con người bình thường có thể dễ dàng quẫy đầu đứng dậy, thậm chí, đứng dậy một cách khoái trá. Cái “mệnh lệnh” bên trên ấy, trong tiểu thuyết Faulkner, thậm chí còn thấm vào tình cảm một cách tự nhiên, ở ngay những đứa trẻ. “Kể cho con nghe về ông nội nữa đi. Ổng đã giết bao nhiêu thằng Yankee?” [70, 600]. “Và khi nó nghe, bây giờ, thì không còn với sự kinh hãi nữa. Ngay cả sự đắc thắng cũng không còn: lần này, đó là niềm kiêu hãnh” [70, 600]. Giết chóc, giờ đây, hoá tầm thường.

Sự tầm thường của cái ác không chỉ được khích lệ bởi một mệnh lệnh tối thượng, nó còn được tiếp tay bởi sự bàng quan hay tán đồng của dư luận. Trong Nắng tháng tám, có một nhân vật bí ẩn xuất hiện từ đầu đến cuối. Nhân vật này không/ ít khi lên tiếng: Đám đông. Có thể thấy một nét nhất quán trong nghệ thuật kể chuyện ở đây: cuộc đời, lai lịch, biến cố trong đời của các nhân vật chính đều được kể phần lớn từ lời đồn. “Người ta kể lại” là một cụm từ quen thuộc. Mỗi khi tội ác diễn ra, điểm nhìn thường dịch chuyển sang quan sát của đám đông. Hãy nghe cách đám đông quan sát và kể chuyện. Chuyện vợ chồng Hightower: “Rồi vào một đêm thứ bảy nàng ta bị giết (…) . Báo chí đăng đầy chuyện này (…) người ta phần lớn đã quên hắn (…) người ta hầu như không thấy hắn bao giờ” [70, 85]. Chuyện mục sư bị ruồng bỏ: “mọi người đều khăng khăng là”, “những kẻ rỗi hơi thấy”, rồi “thành phố nghe tin”, “thành phố lúc đó thấy tiếc”, “thành phố tỏ ra


sững sờ”, rồi “người ta nghe đồn là”, “người ta quả quyết là”. Chuyện nhà Joanna bị đốt: “đám thợ nói với nhau. “Có đám cháy để xem miễn phí mà” [70, 73]. Chuyện cả thành phố đi xem mặt gã sát nhân: “Ngay lập tức, con nít, người lớn - các người buôn bán, những kẻ tò mò, và trội hơn hẳn là những nông dân với bộ quần yếm lao động trên người - bắt đầu chạy” [70, 440]. Sự miêu tả lặp đi lặp lại đám đông như những bóng ma vô hồn, lãnh cảm khắc sâu ấn tượng về một xã hội phi nhân đến tận căn. Ở nơi đó, không chỉ có các tội ác tập thể rò rành như các vụ bắt bớ của K.K.K., những vụ treo cổ lynching, mà còn cả một tập thể những tên đao phủ tự nguyện, những người “tốt” đồng loã cho cái ác.

Faulkner sáng tác trong thời kì cái ác lên ngôi, không chỉ ở Mĩ, mà trên phạm vi toàn thế giới. Đảng 3K, hành hình lynch kiểu Mĩ cung cấp những bằng chứng về tội ác tập thể, điều mà được đẩy đến mức cực điểm trong Thế chiến II, với thảm hoạ Holocaust. Sự tầm thường của cái ác được Arendt tuyên bố gần 30 năm sau Nắng tháng tám và những đỉnh cao khác của Faulkner. Sau Arendt, những nghiên cứu khoa học khác được thực hiện, nhằm thử thách năng lực lựa chọn đạo đức của con người. Hai thí nghiệm nổi tiếng - thí nghiệm Milgram (1961) và thí nghiệm nhà tù Stanford (1971), tiếp tục cảnh báo về nguy cơ tha hoá của con người bình thường: trong hoàn cảnh phi nhân, một người tốt cũng có thể làm việc ác, và thậm chí, cảm nhận khoái cảm của việc ác. Nói như thế, để hình dung một phần vì sao thời Faulkner viết, ông từng chịu nhiều chỉ trích. Bởi người ta đã khó chấp nhận những trang văn mà ở đó, cái ác hiển lộ như một lẽ bình thường.

Tuy vậy, sẽ không công bằng nếu cho rằng Faulkner tuyệt vọng về ý chí tự do của con người. Ngược lại, khi trung thực phơi bày thực tế, ông vẫn dựng lên những tượng đài niềm tin của mình. Mỗi tác phẩm của Faulkner thường có một ít nhân vật điểm sáng, những kẻ ngược dòng, hay chí ít, kháng cự giữa dòng. Hightower trong Nắng tháng tám là một nhân vật như thế. Trong một tình thế bi hài (là nạn nhân, nhưng cũng vô tình là đao phủ), cuối cùng, mục sư lựa chọn phục thiện, cứu rỗi. Byron trong cùng tác phẩm, Rosa trong Absalom, Absalom!, Darl trong Khi tôi nằm chết, Ike trong Con gấu… là những nhân vật có ý chí kháng cưỡng, bất tuân cái ác. Với Faulkner, giữa ồn ào và cuồng nộ, đó là thanh âm vĩnh cửu, thanh âm của sự “trường tồn”. Clare Carlisle kết luận trong bài Bàn về cái ác (2012): “điều quan trọng là phải luôn giữ lấy một tinh thần phản tỉnh, suy tư bên ngoài diễn ngôn khoa học để những câu hỏi về ngôn ngữ, tự do, công lí và trách nhiệm đạo đức có thể được gợi ra và thảo luận một cách thông minh” [133]. Và như thế, Faulkner, bằng văn chương, góp thêm một tiếng nói vào cuộc đối thoại chưa có hồi kết về cái ác.


Tiểu kết

Chương ba của luận án tập trung nghiên cứu vấn đề nhân tính (human nature)

- một phạm trù trọng yếu của nhân học triết học, trong tiểu thuyết Faulkner. Chúng tôi lựa chọn khảo sát các chủ đề nổi bật gồm: chủng tộc, giới, sự khuyết tật và cái ác. Những phạm trù này, từ góc nhìn nhân học, gặp gỡ nhau ở một điểm cốt lòi: chúng thách thức, chất vấn các đường chia cắt nhị nguyên (giữa sinh học/ văn hoá, kẻ mạnh/ kẻ yếu, mình/ kẻ khác). Chúng là câu chuyện của những định kiến xoay quanh căn tính/ bản sắc người.

Tập trung vào căn tính người, Faulkner xoáy vào những xung đột quanh hành trình xác định bản ngã. Đó là “tâm thức kép” của những kẻ ám ảnh màu da, là khủng hoảng của những kẻ lung lay bản sắc giới, là sự lệch pha giữa người khuyết tật và những kẻ bình thường, là sự chuyển vai giữa người tốt và quỷ dữ. Những đường biên nhị nguyên, vì thế, được truy vấn ráo riết, thậm chí, bị xoá mờ. Những xung đột không có hồi kết ấy là vang vọng của những khủng hoảng, náo động kinh khủng trong xã hội Hoa Kì hậu nội chiến cho tới đầu thế kỉ XX. Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nạn kì thị giới tính, thuyết ưu sinh, những vết thương ấy, trên thực tế, chưa bao giờ được chữa lành trên đất Mĩ.

Khai thác chủ đề chủng tộc, giới, sự khuyết tật và cái ác, Faulkner thực hành việc “đọc từ vai kẻ khác”. Mặc dù không tránh khỏi việc bị chi phối bởi những định kiến văn hoá của cộng đồng mình, Faulkner đã thể hiện lòng dũng cảm và khả năng trắc ẩn, để đứng từ phía khác, cất tiếng nói của họ. Lévi-Strauss, khi nói về ứng xử của con người trước tính đa dạng của văn hoá, đã nhắc tới “sự khoan dung” và “tính độ lượng”, như một thái độ năng động để “lắng nghe”, để “đánh thức tất cả những thiên hướng sống cùng với nhau mà lịch sử vẫn còn giữ được” [138,99-100]. Tiểu thuyết Faulkner đã chứng tỏ sức mạnh, và ở một chừng mực nào đó, đặc quyền của văn chương, trong khả năng “lắng nghe” này. Những vấn đề về nhân tính được đem tới cho người đọc qua sự trải nghiệm những xung đột và bi kịch cá nhân, khơi gợi ở họ khả năng trắc ẩn, năng lực sống những cuộc đời khác nhau. Việc đọc Faulkner từ các phạm trù của nhân học, vì thế, quay trở lại, nhằm để hiểu rò thêm phẩm tính văn chương trong các sáng tác của ông.


Chương 4. HUYỀN THOẠI - NGHI LỄ NHƯ MỘT PHẨM TÍNH NHÂN HỌC TRONG TIỂU THUYẾT FAULKNER‌


Ở chương 2 và chương 3, luận án đã diễn giải vấn đề căn tính cộng đồng và nhân tính - những phạm trù căn cốt trong nhân học văn hoá - được thể hiện trong tiểu thuyết Faulkner. Những khảo cứu được tiến hành nhằm xác thực một giả định mà chúng tôi đặt ra từ trước về phẩm tính nhân học trong văn chương ông. Cụ thể là, ta có thể đọc văn Faulkner như khi ghé thăm một công trình nhân học, nơi thế giới của những phong tục, tập quán, đức tín, nhân phẩm… của một cộng đồng người được tái dựng một cách sâu sắc, sống động. Những diễn giải trong hai chương này cố gắng hình dung về Faulkner trong vai người quan sát - tham dự sâu vào thực trạng nhân sinh Hoa Kì và bối cảnh thế giới hiện đại.

Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở đó, dường như vẫn thiếu đi một phong vị riêng, điều tô đậm thêm phẩm tính nhân học trong văn chương Faulkner. Tiểu thuyết Faulkner đầy những thanh âm và cuồng nộ thời hiện đại, nhưng thú vị là, cũng in đậm những dấu tích huyền thoại - nghi lễ nguyên thuỷ. Văn hoá nguyên thuỷ vốn là một lãnh địa thân thuộc của nhân học kinh điển, nơi tìm về cội rễ xa xưa nhất của văn hoá nhân loại. Bằng việc sáng tạo nên một bầu sinh quyển huyền thoại, Faulkner đã mang văn chương của mình xích lại rất gần nhân học, hiểu theo nghĩa, chúng đều là những hành trình trở về nguồn.

Chương cuối của luận án đặt nhiệm vụ tìm hiểu huyền thoại - nghi lễ nguyên thuỷ trong tư cách là một phẩm tính nhân học trong tiểu thuyết Faulkner. Những dấu tích, khuôn mẫu này được gói ghém trong các cổ mẫu (archetype). Trong khi tìm kiếm sự hiện diện của những cổ mẫu quan trọng, chúng tôi cố gắng, ở mức độ có hạn, liên hệ với những vấn đề ở hai chương trước, trên hai phương diện tri thức và lối viết nhân học. Cụ thể là, chúng tôi cho rằng ở lối viết của Faulkner, trong thế giới hình tượng và màu sắc gothic, đều có thể tìm thấy những hiện thân của cổ mẫu nguyên thuỷ. Đồng thời, những vấn đề căn tính cộng đồng và bản tính người đều có thể được nghĩ xa hơn, không chỉ từ bối cảnh Hoa Kì và thế giới hiện đại, mà còn được cắt nghĩa từ những kí ức nguyên thuỷ của nhân loại.

4.1. Dưới bóng Cành vàng: cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer

Trong tiểu luận Mối quan hệ giữa nhân học về văn chương và văn chương nhân học (2012), Anna Lebkowska khi đặt ra câu hỏi: “một nhà nhân học có thể trợ giúp như thế nào trong nghiên cứu văn chương” [theo 32, PL.25], đã nhắc tới hai lối

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022