Thách Thức Cái Bình Thường: Khuyết Tật Và Cái Ác


tồn, và trường tồn, một cách kì diệu, họ trường tồn” [82, 76]. Sự trường tồn và bất diệt của nhân loại, Faulkner gửi vào giới nữ, bởi sự gắn kết bẩm sinh và kì diệu của họ với Tự nhiên, Đất Mẹ. Điều đọng lại trong những trang văn đầy cuồng nộ và u ám của Faulkner, vẫn lại là một biểu tượng nữ, với vẻ nữ tính và quyền uy vĩnh cửu. Tuy vậy, thái độ của Faulkner đối với giới nữ, theo Sally Page, vẫn là một vấn đề “chưa bao giờ được đồng thuận” [theo 62, 439]. Chẳng hạn, Linda Wagner, Cleanth Brooks cho rằng Faulkner dành sự trân trọng, đồng cảm cho phụ nữ, trong khi Leslie Fiedler, Irving Howe chỉ trích Faulkner là nhà văn “kì thị giới” [62, 439]. Tương tự như phạm trù chủng tộc, ở vấn đề phái tính, Faulkner vẫn vướng phải nghịch lí giữa lương tâm của một nhà văn giàu trắc ẩn và một người không thoát khỏi những định kiến văn hoá cộng đồng. Ở đây, văn Faulkner vẫn bị chi phối bởi “con mắt đàn ông” (the male gaze) khi miêu tả phái nữ. Ông táo bạo mô tả thân thể nữ giới, nhưng không tránh khỏi để lộ con mắt khinh thị của đàn ông. Quentin nói về “cái ô uế định kì giữa hai mùa trăng cân xứng” [66, 187]. Joe nôn mửa, hình dung về nó như một thứ “chất lỏng, có màu sắc của cái chết, và bốc mùi hôi thối” [70, 245]. Trong tác phẩm của Faulkner, nam nhân muốn thực hiện “cơ đồ”, đều mưu tính sắp xếp, sửa soạn cuộc đời của những người đàn bà khác. Những người đàn bà gia tộc Sutpen là những quân cờ như thế. Cuộc đời của đàn ông, không ít kẻ, bại hoại vì đàn bà: “họ [đàn bà] có một quan hệ thân thuộc với cái ác cung ứng tất cả những gì cái ác còn khiếm khuyết lôi kéo cái ác theo họ một cách bản năng như người ta kéo khăn trải giường trong cơn mê ngủ” [66, 143]. Ẩn sâu trong nó vẫn là thứ định kiến về vị trí lệ thuộc, bên lề của nữ giới. Có thể nói, “rút cục, Faulkner vẫn phải chịu đựng sức căng giữa Faulkner - nhà văn và Faulkner - sản phẩm văn hoá miền Nam trong những năm đầu của thế kỉ XX” [62, 442]. Tới bây giờ, sau một thế kỉ, những khuôn mẫu, định kiến văn hoá ấy vẫn là câu chuyện chưa hề cũ.

3.3. Thách thức cái bình thường: khuyết tật và cái ác

Nếu như chủng tộc và phái tính chứa đựng những chất vấn về tính nhị nguyên của bản tính người thì hai phạm trù khuyết tật (disability) và cái ác (evil) lại thách thức ngưỡng giới hạn của nhân tính. Chúng thuộc về địa hạt của cái bất thường (abnormal), vượt ra khỏi biên độ của cái bình thường, cái được xã hội chấp nhận như là một tồn tại hợp lí, cả về mặt sinh học và văn hoá. Viết về cái khuyết tật và cái ác, Faulkner lại tiếp tục đối mặt với thử thách đọc và viết “từ vai kẻ khác”.

3.3.1. Tự sự của cái thiếu khuyết: viết từ vai kẻ khác

Khái niệm “người khuyết tật” (people with disabilities), theo Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật, “bao gồm những người có khiếm khuyết lâu


dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể cản trở đến sự tham gia trọn vẹn và hiệu quả của họ trong xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác” [120]. “Khuyết tật” (disability) ban đầu là thuật ngữ đặc quyền của y học, tâm lí học. Nhưng từ cuối những năm 1980 đầu 1990, khi các nhà xã hội học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu văn hoá phát động rầm rộ các phong trào nhân quyền thì thuật ngữ này dịch chuyển từ địa hạt y học sang địa hạt văn hoá. Lúc bấy giờ, người ta khước từ xem khuyết tật như một mã y học - theo nghĩa nó là “một khiếm khuyết nằm trong cá thể”, “một bệnh lí cần được chữa trị, phục hồi hay che giấu”; thay vào đó, “khuyết tật” cần được xem như một “mã xã hội”, trong đó, đặt trọng tâm vào những khó khăn, những lệch nhịp, những thiếu khuyết mà người trong cuộc gặp phải khi hoà vào xã hội [121, 21]. Điều này trước đó đã được Paul Hunt, một thủ lĩnh của phong trào đòi quyền cho người khuyết tật ở Anh, đặt ra từ thập niên 1960: “Vấn đề của khuyết tật không chỉ nằm ở trong sự khiếm khuyết về chức năng và ảnh hưởng của nó lên chúng ta với tư cách là các cá thể, mà quan trọng hơn, là ở mối quan hệ giữa chúng ta với những “người bình thường” [theo 121, 20].

Khi nói rằng hãy nhìn vào mối quan hệ giữa những người khuyết tật với những “người bình thường”, có một định kiến nằm sâu bên dưới: người khuyết tật mặc nhiên nằm ngoài nhóm chủ lưu, họ sắm vai những “kẻ khác”, những kẻ “bất thường” (abnormal). Vì thế, một trong những mối trăn trở của những nhà đấu tranh nhân quyền là ở chỗ làm sao để những kẻ yếu thế đó được “cất tiếng”. Nghiên cứu khuyết tật (disability studies) nổi lên như một chuyên ngành độc lập vào thập niên 1980, tiếp sau sự lớn mạnh của nghiên cứu da màu, nữ quyền luận, tiếp tục là tiếng vang của những phong trào xã hội rầm rộ đương thời, nơi mỗi nhóm người yếu thế đều khao khát kể những câu chuyện về bản sắc. Nghiên cứu văn học, văn hoá, lúc bấy giờ, lãnh nhận trách nhiệm lắng nghe tiếng vọng từ những nơi khuất nẻo, những kẻ bên lề đòi khẳng định căn tính. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, làm sao những người khiếm khuyết có thể “cất tiếng”, theo nghĩa đen, kể lại câu chuyện cuộc đời mình?

Tự sự về khuyết tật đối mặt với câu hỏi đó. Làm sao tiếng nói của một người câm, hồi ức từ một kẻ mất trí, hay biện giải của một gã khờ có thể được lắng nghe? Câu hỏi đó, theo Alice Hall, “đòi hỏi một cách tiếp cận mới mẻ về cách kể chuyện và nghiên cứu khuyết tật, bởi vì chúng thách thức những ý niệm truyền thống về thẩm quyền tác giả và tự sự” [121, 107]. Từ góc nhìn nhân học, có thể coi Faulkner đóng vai người quan sát - tham dự, người “đọc từ vai kẻ khác”. “Người khuyết tật”, dù khiếm khuyết thân thể hay tâm thần, đều là “kẻ khác” đối với Faulkner. Viết về/


viết từ người khuyết tật có nghĩa là nhà văn đã phải đọc, diễn dịch văn hoá trong vai một “kẻ khác”. Ở đó, nhà văn có lựa chọn của riêng mình để thâm nhập vào “thế giới khác” của những người khuyết tật.

Trong thế giới Yoknapatawpha có những nhân vật khuyết tật thân thể, như những người lính bị thương trong Thế chiến I trong Lương lính (Soldier’s Pay, 1926) và Một truyện ngụ ngôn (A Fable, 1954), và cả những người khiếm khuyết về tâm thần, tiêu biểu như gã khờ Benjy trong Âm thanh và cuồng nộ hay Ike trong Xóm nhỏ (1940). Các học giả về Faulkner thường nhìn sự thể hiện những vết thương thân thể trong tiểu thuyết của ông như ảnh chiếu cho một huyễn tưởng của Faulkner: nhà văn không ít lần tự nghĩ, và tuyên bố rằng, mình bị thương. Faulkner từng hăng hái ghi tên vào lực lượng quân đội, nhưng vì vóc người thấp bé, ông không đủ tiêu chuẩn tuyển quân của quân đội Hoa Kì. Gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada, nhưng rút cục ông vẫn không có cơ hội trực tiếp ra chiến trận. Mặc dù vậy, chàng thanh niên Faulkner vẫn “viết thư về nhà kể về… vụ rơi máy bay lộn nhào xuống xà nhà chứa máy bay… Anh đặt chân tới nhà ga Oxford với dáng đi khập khiễng, mang theo vết sẹo chiến tranh giả tưởng để hoàn tất bản dạng của mình như một anh hùng không quân” [theo 122, 20]. Huyễn tưởng này cần được nhìn trong bối cảnh Thế chiến I, khi bốn triệu đàn ông Mĩ tòng quân và sau chiến tranh, một phần lớn trong số họ trở về với những thương tật vĩnh viễn trên thân thể. Trong Lương lính, cậu trai Julian Lowe đã nhìn vết sẹo trên thân thể bạn mình, cựu binh Donald Mohan, bằng nỗi thèm khát, ganh tị: “Đưa bàn tay lên trán y cảm thấy một làn da nhẵn nhụi. Không vết sẹo nào ở đó… Giá thể là anh ta! Y rên rỉ… Giá thể có đôi cánh trên ngực ta… và giá thể có vết sẹo của anh ta, thà ngày mai ta chết” [theo 122, 22]. Vết sẹo trên thân thể, đối với Faulkner nói riêng, được xem như một chỉ dấu của nam tính và phẩm tính anh hùng.

Thế nhưng thành công và đóng góp của Faulkner chủ yếu đến từ tự sự về những khiếm khuyết tâm thần. Benjy, Quentin trong Âm thanh và cuồng nộ, Vardaman, Darl trong Khi tôi nằm chết là những nhân vật mà trạng thái trí tuệ, tâm lí đều nằm ngoài ngưỡng thông thường. Đặc biệt ở Benjy, ngòi bút của Faulkner gặp thử thách lớn nhất và cũng thành công nhất trong khả năng viết từ “vai kẻ khác”. Cuốn tiểu thuyết được xếp vào loại khó đọc nhất trong văn chương thế kỉ XX mở đầu bằng lời kể của một thằng khờ, Benjy, một gã câm bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ và chấn thương tâm thần. Trí óc ở ngưỡng trẻ lên ba, khoảng trắng xoá trong


trí nhớ và những âm thanh gào rống vô nghĩa, rò ràng, không phải là những điều kiện thuận lợi cho một “người kể chuyện” từ ngôi thứ nhất, nếu đặt trong tương quan với những chủ thể dòng ý thức như Marcel của Marcel Proust, Bloom của James Joyce, những con người có năng lượng tâm lí mạnh mẽ và khả năng biểu đạt ngôn ngữ giàu có. Faulkner dũng cảm đặt sứ mệnh kể chuyện vào vai Benjy! Quyết định này mang đến một hiệu ứng nước đôi vô cùng thú vị: nhìn bề ngoài, dòng ý thức của gã khờ Benjy là một cuốn phim rời rã, là một thế giới thiếu khuyết; nhưng ẩn trong nó, là cả một thế giới giác quan sống động, tràn đầy, vượt qua biên giới của cái thông thường. Chương một của tác phẩm được viết ngay trên đường biên của hai điểm nhìn bên ngoài (người bình thường) và bên trong (người khuyết tật), để chúng thường xuyên đối thoại với nhau, chất vấn cách nghĩ về “cái khác” (the otherness).

Mặc dù ngôi kể là “tôi”, nhưng thoạt nhìn, dòng ý thức của Benjy bị lấn át bởi những giọng nói của “kẻ khác”, bởi thế giới bên ngoài của những người “bình thường”. Toàn bộ chương một của Benjy được hình dung như sự lắp ghép của hàng loạt những bức ảnh chụp, phiến đoạn phim nhỏ mà Benjy tri giác, chớp lấy một cách ngẫu nhiên, rời rạc và thụ động, không diễn giải, không bình luận. Có thể để ý thấy đặc điểm cú pháp khác lạ trong chương một là sự xuất hiện với tần số lớn các quan hệ từ và mệnh đề đẳng lập (- 680 lần, rồi - 79 lần, nhưng - 52 lần, trong khi

- 15 lần), đồng thời sự khước từ tối đa những quan hệ nhân quả, chính phụ - vốn là những phương tiện ngữ pháp biểu thị quan hệ lệ thuộc chặt chẽ, thích hợp với ý đồ giải thích, bình luận của chủ thể. Thẩm quyền của chủ thể bị mờ nhoè đi, thay vào đó, ngôi kể Benjy chỉ như một ống kính ghi lại hiện thực. Quan sát hai kiểu câu văn đặc trưng sau của Benjy, có thể thấy ý đồ xoá nhoà tính chủ thể rất rò. Kiểu thứ nhất, câu văn đảo hệ quy chiếu chuyển động với một vài ví dụ kèm theo đối chiếu với lối nói đồng nghĩa thông thường:

Câu văn Benjy

Câu văn thông thường

Những cây hoa trở lại.

(Luster) đưa cây hoa lại cho tôi.

Căn phòng đi khỏi.

Tôi rời khỏi căn phòng.

Đất cứ dềnh mãi lên.

Tôi ngã xuống đất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 14

Trong câu văn của Benjy, hệ quy chiếu bị đảo ngược: Benjy, vốn đang chuyển động, lại được xem là điểm mốc bất động, như một ống kính. Theo đó, khi Benjy - ống kính - rời khỏi căn phòng, ta thấy trên màn hình “căn phòng đi khỏi”, khi Benjy

- ống kính - tiến lại gần căn phòng, ta thấy trên màn hình “căn phòng trở lại”. Vai


trò của “tôi” bị lấp sau cái “ngoài tôi”. Tương tự, ở kiểu thứ hai, câu văn thu hẹp chủ ngữ, “tôi” bị tách ra khỏi chính thân thể mình:

Câu văn/ mệnh đề của Benjy

Câu văn/ mệnh đề thông thường

Mắt chị quay đi.

Chị quay mắt đi.

… và tay Luster đưa cho tôi…

… và Luster đưa cho tôi…

Tay tôi cố đưa lên miệng.

Tôi cố đưa tay lên miệng.

Thẩm quyền làm chủ ngôi “tôi” của Benjy bị xoá trắng. Không chỉ thế, tiếng nói của Benjy cũng bị lấp đi bởi những tiếng nói khác:

“Tiếng đàn ông gọi “caddy” trên đồi. Gã bồi ra khỏi suối và đi lên đồi. “Lại khóc, sao lúc nào cậu cũng lè nhè thế?”, Luster nói. “Im đi!”

“Nó rền rĩ cái gì thế?”

“Trời mà biết”, Luster nói. “Chỉ lè nhè vậy thôi. Cứ thế cả buổi sáng. Chắc là tại hôm nay sinh nhật cậu ấy đấy” [66, 33].

Để cho tiếng kêu gào của Benjy lấp sau những than phiền, la lối của người nhà Compson lại là cách tạo nên sự cộng hưởng âm thanh rất độc đáo. Người kể chuyện là Benjy, nhưng những tiếng nói là của kẻ khác, đang châm chọc, đang tức tối, đang la lối, đang càu nhàu, hay đang dỗ dành, đang năn nỉ đứa con trai khốn khổ. Giữa không khí náo loạn bi kịch của ngôi nhà, giữa bao nhiêu ồn ào và cuồng nộ, tiếng gào rống của Benjy rền vang như thanh âm thảm thiết, bất lực, cô độc. Giao cho Benjy vai kể chuyện, nhưng lại tước đoạt của nhân vật thẩm quyền được làm chủ, được cất tiếng theo cách thông thường. Điều này phơi trải một sự thật tàn nhẫn: sự bất lực trong giao tiếp giữa người khuyết tật và người “bình thường”. Benjy, rút cục, mang bi kịch của kẻ “cố nói”, nhưng “không thể nói”.

Nhưng cũng chính ở đây hé lộ mấu chốt để Faulkner thể nghiệm hành trình viết từ vai kẻ khác. Điểm kết nối, sự giao cảm, giữa chúng ta và Benjy, không còn là ngôn ngữ, là tiếng nói, là năng lực kể chuyện thông thường. Cuộc thăm dò thế giới riêng của những con người này cần bắt đầu ở những khoảng trắng giữa lời, những yếu tố phi ngôn ngữ, phi tự sự. Faulkner đã tiến hành thăm dò vào thế giới cảm giác hồn nhiên, nguyên thuỷ đầy phong phú, kì diệu của Benjy. Trong kiểu cấu trúc câu văn tối giản: Tôi + động từ chỉ thụ cảm giác quan + đối tượng thụ cảm, cảm giác của Benjy được biểu hiện ở dạng những trải nghiệm “nguyên chất”, dạng “thô”, không gọt giũa, không can thiệp [123, 41]. Nhưng chính lối biểu đạt đặc thù của kẻ khiếm khuyết trí tuệ ấy lại có sức mạnh biểu đạt khác thường. Thứ nhất, đó là sức mạnh hữu hình hoá, trực quan hoá các khái niệm trừu tượng, khiến thế giới bỗng hoá gần gũi, trong veo. Các danh từ cụ thể được ưu tiên dùng thay thế cho các


danh từ trừu tượng và các tính từ: thay vì được “cảm thấy”, ý niệm “lạnh” được hình dung như một thực thể hữu hình: “chúng tôi chạy lên các bậc thềm và ra khỏi cái lạnh sáng, vào cái lạnh tối”; thay vì được “cảm thấy”, hay “linh cảm”, ý niệm về cái chết đến như một mùi hương đang xâm lấn: “tôi có thể ngửi thấy nó”. Thứ hai, không chỉ trở nên hữu hình, các cảm nhận giác quan còn được xoá nhoà ranh giới, để hoà lẫn, tương liên, đồng hiện. Lời văn của Benjy thường xuất hiện những cặp đôi tính từ chỉ cảm giác thân thể đồng thời ùa đến: “khuôn mặt mát lạnh sáng ngời”, “cái lạnh sáng” - “cái lạnh tối”, “nắng lạnh và chói”, “đám lá xào xạc sáng chói”…, hay có khi là những kết hợp giác quan bất thường: Benjy “nghe thấy bóng tối”; “nghe thấy mái nhà”; “nghe thấy lửa”; “ngửi thấy cái lạnh”; “ngửi thấy nó [cái chết]”, “ngửi thấy mùi cây”, “ngửi thấy Versh”, “ngửi thấy mùi ốm đau”... Thế nhưng, chính độ lệch này lại mở ra một trường liên tưởng rộng rãi khác thường. Khi Benjy nói “nghe thấy mái nhà” trong đêm mưa năm 1989, dường như trong tâm trí cậu bé có tiếng mưa rơi, hay ấn tượng không rò ràng về một không gian hẹp và ủ dột trở đi trở lại; hay khi nói “ngửi thấy mùi cây”, thì đó là ấn tượng về mùi hương cây cỏ, là nỗi nhớ chị gái “thơm như cây” thuần mộc, dịu dàng, là nỗi nhớ mưa và cây lá trong mưa… Đó là một kiểu cảm thụ rất riêng, trong đó mỗi mảnh hiện thực ùa về trong sự tổng hoà tận độ của ảnh hình, dáng vẻ, hương vị, âm thanh, tất cả đều hữu hình, thiết thân với cơ thể người thụ cảm. Thậm chí, chỉ ở thế giới riêng của Benjy, những linh cảm, những phán đoán trở nên nhanh nhạy và chính xác mà người thường không thể hiểu. “Chị không có mùi như cây”, Benjy mơ hồ biết khi chị gái mình không còn trinh trắng; “nó có thể ngửi thấy cái đó”, Benjy cảm được mùi ốm đau, chết chóc. Đó là một năng lực cảm thụ mà người kể chuyện “bình thường”, với những giác quan tỉnh táo và rành mạch, khó lòng trải nghiệm. Thế giới của người khiếm khuyết, nhìn từ con mắt bên ngoài, vô nghĩa và thiếu khuyết, nhưng từ bên trong, hoá ra lại đủ đầy, giàu có và kì diệu.

Thế giới của những gã khùng điên trong văn Faulkner, vì thế, gợi một ý vị riêng: cảm thức về sự hồn nhiên vĩnh cửu. Benjy trong Âm thanh và cuồng nộ, Ike trong Xóm nhỏ, Vardaman trong Khi tôi nằm chết, đều có chung một phẩm tính: tính trẻ thơ. Ở Benjy, ngưỡng nhận thức chỉ dừng lại ngang với một đứa trẻ lên hai. Faulkner dùng từ “idiot” để nói về nhân vật Benjy của mình [124]. (Năm 1910, Hiệp hội Sức khoẻ Tâm thần Hoa Kì đưa ra tiêu chí phân loại đối với các chứng bệnh về sức khoẻ tâm thần. Những bệnh nhân ở mức độ nghiêm trọng nhất được gọi là “idiot”, những người có tình trạng trí tuệ, tâm thần dừng ở ngưỡng 2 tuổi [theo 59]). Các nhà nghiên cứu Faulkner, chẳng hạn như Mick Gidley, James Guetti,


Rupert Read, đều chú ý tới đặc điểm sinh lí này ở kiểu nhân vật thiểu năng: “họ chỉ lớn tới chừng 2,3 tuổi rồi dừng hẳn, như thể bị kẹt lại vĩnh viễn ở đó” [125, 79], và nhấn mạnh sự đặc biệt trong tính trẻ con ở Benjy: ở Benjy có “sự ngây thơ vĩnh viễn”, “anh ta còn là một đứa trẻ thực thụ hơn bất kì đứa trẻ cụ thể nào” [126, 275]. Như thế, phẩm tính trẻ con ở Benjy không chỉ đến từ việc đo đạc ngưỡng phát triển của trí tuệ, tâm thần, mà ở đây, chủ yếu ở sự hồn nhiên vĩnh cửu của nhân vật. Sự hồn nhiên ấy, như Faulkner nói, có nghĩa là Chúa đã ban cho anh ta “sự trong lành thiên bẩm trong tinh thần” [theo 59].

Phẩm tính trẻ thơ với “sự trong lành thiên bẩm trong tinh thần” ấy chính là ngưỡng cửa đưa Benjy về với thế giới hoang sơ nguyên thuỷ - vỉa tầng sâu kín nhất trong thế giới Yoknapatawpha của Faulkner. Faulkner viết về bối cảnh văn hóa miền Nam nước Mĩ khi mà văn hóa vật chất, một thứ văn hóa lạ lẫm và thù địch với người phương Nam đang lan tràn. Ba người anh em trai nhà Compson, mỗi người có một lối ứng xử khác nhau. Quentin mắc kẹt trong một trạng thái lưỡng cực: vừa nuối tiếc vừa bất lực. Jason, kẻ thực dụng lí trí, tha hóa trong lối sống vật chất. Còn Benjy, “con người gần với cỏ cây muông thú”, con người “mang tâm trí của một đứa trẻ”, lại hiện diện như một con người thưở nguyên sơ, gặp phải tấn bi kịch lạc lối giữa thời hiện đại đảo điên và suy tàn. Benjy như là hiện diện của sự hồn nhiên chưa bị đánh mất trong một tác phẩm viết về “sự hồn nhiên bị đánh mất” (chữ dùng của Faulkner) [127, 16]. Tác phẩm “thể nghiệm sâu sắc nỗi hoài niệm đối với truyền thống tốt đẹp và sự hoang sơ trinh bạch của tự nhiên đang bị tàn phá, đồng thời phê phán nền văn hóa vật chất chủ nghĩa lan tràn” [128, 37]. Viết về cái khuyết tật, Faulkner đưa ra một phản đề về con người hiện đại: ông bày tỏ niềm hoài nhớ về nhân loại thưở hồng hoang, hoài nhớ về “sự hồn nhiên” đã mất.

Như thế, quyết định liều lĩnh giao quyền kể chuyện cho một người bệnh tâm thần của Faulkner đã tạo ra hiệu ứng kép. Một mặt, nó phơi trải tình trạng bất lực trong giao tiếp, nỗi thèm khát vô vọng được thấu hiểu từ những người khuyết tật. Mặt khác, nó khẳng định sự tồn tại của một thế giới nội tâm không hề khiếm khuyết, mà ngược lại, đủ đầy, giàu có, phong phú, thậm chí kì diệu khác thường. Lại vẫn quay trở lại câu chuyện vấn đề đáng quan tâm của sự khuyết tật, mà Paul Hunt đã nói ở trên, “quan trọng hơn, là ở mối quan hệ giữa chúng ta với những “người bình thường” [theo 121, 20]. Đặt trong bối cảnh nước Mĩ đầu thế kỉ XX, có thể thấy những sáng tác của Faulkner là một sự đối thoại quyết liệt về chính vấn đề cái nhìn của những “người bình thường” ấy với những người khuyết tật.

Đầu thế kỉ XX, nước Mĩ, ở một khía cạnh nhất định, có thể coi như một thân


thể khuyết tật. Những thương tổn hậu chiến, sự vỡ vụn của “giấc mơ Mĩ” là một tồn tại trong thực trạng nhân sinh Mĩ lúc bấy giờ. Là một quốc gia kiêu hùng, Mĩ muốn phục dựng lại cho mình một cơ thể cường tráng. Tham vọng này được tiếp sức bởi sự xuất hiện của thuyết ưu sinh, được đề xướng bởi nhà nhân chủng học người Anh Francis Galton, em họ của Charles Darwin. Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “kẻ thích nghi tốt nhất là kẻ sống sót” trong thuyết tiến hoá, những nhà ưu sinh tham vọng cải thiện chất lượng gene di truyền bằng cách khuyến khích sự sinh đẻ cho những người có phẩm chất di truyền “cao cấp” và loại bỏ những nhóm bị liệt vào dạng “hạ cấp”. Năm 1917, những “trắc nghiệm trí khôn” IQ được sử dụng cho các tân binh của Quân đội Hoa Kì, sắp xếp các loại tội phạm, và để chẩn đoán những “khuyết tật tinh thần” (mental deficiency) hay những “thiểu kém trí tuệ” (feeble mindeness) để tìm ra kẻ dự thí cho triệt sản ưu sinh [theo 129, 449]. Những người có những kết luận y học là bất thường tinh thần, những người “thiểu năng”, “ngu đần”, đều bị xếp chung vào những người khuyết tật thể chất, thậm chí bị xếp chung cùng tội phạm, gái điếm, kẻ bần cùng, gọi chung thành một hạng mục là “defective delinquents” (tạm dịch là “tội phạm khiếm khuyết”) [121, 109]. Hai năm trước khi Âm thanh và cuồng nộ được xuất bản, vụ án gây chấn động Buck vs. Bell đã hợp pháp hoá việc triệt sản với những người bị coi là có tật và thiểu trí. Sự nổi lên của thuyết ưu sinh lúc bấy giờ gieo rắc sự kì thị kinh hoàng với người khuyết tật.

Năm 1909, Francis Galton viết: “Mục đích của thuyết ưu sinh là lựa lấy ở mỗi lớp người hoặc mỗi giáo phái những mẫu tốt nhất; khi đã xong xuôi, sẽ để họ xây dựng lấy nền văn minh chung theo cách của mình” [130, 36-37]. “Kẻ mạnh hơn phải thống trị và không được pha trộn với kẻ yếu, vì như thế là đánh mất sự vĩ đại của chính mình” [131, 329], mười lăm năm sau, Adolf Hitler tuyên bố trước khi trở thành trùm phát xít tàn bạo của nhân loại. Thuyết ưu sinh, định kiến về người khuyết tật, về bản chất, gặp gỡ với định kiến giới, chủng tộc: chúng là câu chuyện về kẻ mạnh/ kẻ yếu, kẻ thống trị/ kẻ nô lệ, kẻ trung tâm/ kẻ bên lề. Faulkner đã “vượt ranh giới” của chính mình, nhìn từ vai kẻ khác, cất tiếng nói của phe yếu thế ngay trong bối cảnh họ bị công kích dữ dội nhất. Điều này góp phần giải thích sức sống của văn chương Faulkner: nó tự lãnh nhận trách nhiệm can dự vào cuộc sống đầy âm thanh và cuồng nộ quanh mình.

3.3.2. Sự tầm thường của cái ác: đám đông phi nhân

Cái ác (evil) là “một từ mạnh, và là một từ khiêu khích” [132]. Nó được cho là gắn liền với phần bóng tối, bí ẩn, và vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Suy tư về cái ác, vì thế, cũng là một việc làm khó, và hao tổn tinh thần. Lịch sử triết học,

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí