Khủng Hoảng Bản Sắc Giới Và Sự Trở Về Thiên Tính Nữ


hiểu về tuổi thơ nhà văn, Judith L. Sensibar đã khái quát một tình trạng nước đôi, cũng là một dạng “tâm thức kép”, trong tình cảm của những cậu bé da trắng như Faulkner. Ông viết: “sẽ đến một lúc mà cậu bé da trắng bắt đầu “hành động như một người da trắng” (act white). Khi đó cậu ta sẽ phải cắt đứt những sự gắn kết tình cảm và thân thể với người mẹ da đen đã chăm bẵm cậu bé và với cả đám trẻ da đen mà cậu đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng vui đùa” [60, 21]. Cắt lìa khỏi người mẹ da đen, gắn mình với định kiến chủng tộc, theo Sensibar, là chấn thương trong tâm hồn những cậu bé da trắng. Một cách không ý thức, nó gây nên cảm giác đớn đau, tội lỗi, xấu hổ, giận dữ và khao khát bị kìm nén. Diễn giải này cho ta thêm một căn cứ để hiểu thêm về những nan đề trong thế giới quan của Faulkner cũng như ở những đứa trẻ da trắng trong một bối cảnh đặc thù của nước Mĩ.

Du Bois khẳng định: “Vấn đề trung tâm của thế kỉ XX là vấn đề đường màu” [100, 3]. Viết về chủng tộc, Faulkner chạm tới vết thương chưa bao giờ được chữa lành trên đất Mĩ. Ông diễn giải những trải nghiệm về việc xoá mờ cái lằn ranh “đường màu”, không phải để tìm kiếm một đáp án sau rốt, cũng không hẳn để ảo tưởng về một nhân loại không vị chủng. Văn chương ông, thay vì đó, để lại những khoảng mơ hồ, những khoảng trống để nhân loại tiếp tục suy nghĩ về một câu hỏi chưa có lời kết. Nhưng, ở một mức độ nhất định, ông cũng không vượt thoát khỏi những khuôn mẫu màu da trong văn hoá mình. Rút cục, đây là câu chuyện về kí ức cộng đồng: sự quên có chọn lọc mà nhân học gọi là “structural amnesia”. Chế độ nô lệ, dễ thấy, không phải là điều người Mĩ, bất kể màu da nào, muốn khắc nhớ. Nhưng dẫu vậy, văn chương tồn tại là để đối diện với cả những vết thương mà con người, một cách vô thức, muốn quên lãng. Đối diện với nó đã là một hành động dũng cảm. Như Anna Gotlib đã viết: “Chấn thương không phải là một thứ virus để chữa trị, cũng không phải một câu chuyện để lãng quên, hay một nỗi buồn thẳm sâu cần thế chỗ bằng một thứ lạc quan nông nổi. (…) Dù chẳng thể dễ dàng, chúng ta có thể phải sống cùng, và thậm chí là trưởng thành, trong chính cái nhìn khắc nghiệt của chấn thương” [105].

3.2.2. Khủng hoảng bản sắc giới và sự trở về thiên tính nữ

Tương tự phạm trù chủng tộc, giới (gender) cũng không tách rời với những đường cắt nhị nguyên: một lần nữa, nó chất vấn lằn ranh sinh học/ văn hoá. Một khái niệm gần gũi với “giới” là “giới tính” (sex). Trong công trình Giới tính và giới: Về sự phát triển của nam tính và nữ tính (1968), Robert Stoller đã phân biệt hai khái niệm này: trong khi giới tính gắn với đặc điểm sinh lí, giới là yếu tố do văn hoá quy định [106, xi]. Cùng trong thập niên đó, khoa học về giới xuất hiện ở các nước phương Tây. Hai thập niên sau, thuật ngữ “giới” bắt đầu được dùng phổ biến trong


nhân học văn hoá [theo 27, 320]. Trong mục từ “gender” của Bách khoa thư nhân học Routledge, A. Barnard cũng khẳng định cách hiểu này: “Trong những công trình nhân học gần đây, “giới tính” thường nhằm chỉ những đặc trưng giải phẫu và chức năng sinh lí, còn “giới” gắn với những sự gắn kết và biểu hiện văn hoá của những khác biệt đó” [27, 319]. Theo đó, nghiên cứu về giới không chú trọng vào, mượn lời S. de Beauvoir, những khác biệt sinh lí - cái được “sinh ra”, mà chú trọng vào những cái con người “trở thành” [107, 301]. Đó chính là “bản sắc giới” (gender identity), gắn với hai phạm trù “nam tính” (masculinity) và “nữ tính” (femininity). Từ nhận thức đó, phần sau đây hướng tới bàn luận về bản sắc giới của các nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner. Câu hỏi đặt ra là, liệu các nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner có yên ổn trong những đường biên của bản sắc giới? Sự diễn giải về giới của Faulkner cho ta hình dung như thế nào về quan niệm, thái độ của nhà văn?

Khuôn mẫu giới ở người nam và người nữ bị xô lệch ở những chân dung đàn ông thiếu khuyết vẻ nam tính và những đàn bà mang sắc diện đàn ông. Văn Faulkner thường không dành nhiều lời miêu tả ngoại hình nhân vật. Thay vào đó, bởi Faulkner cực kì linh hoạt và công phu trong việc thay đổi điểm nhìn trần thuật và người kể chuyện, những chi tiết đắt nhất, lặp đi lặp lại về nhân vật sẽ đọng lại trong tâm trí người đọc. Lấy ví dụ, “mồ hôi” là một chỉ dấu của nam tính. Trong nền văn hoá gia trưởng lâu đời ở miền Nam, và trong tâm thức của những người da trắng nghèo hậu Nội chiến, đàn ông, với vai trò trụ cột của gia đình, gắn liền với lao động trên đồng ruộng. “Đổ mồ hôi” có nghĩa là lao động, là cứng cỏi, là hữu ích, là đúng nghĩa đàn ông. Thế nên, khi nhìn lũ la và nghĩ về vợ mình (Cora), người đàn ông da trắng nghèo Tull hình dung thấy “ngôi nhà tôi đang đổ mồ hôi như thể mồ hôi càng nhiều thì đất càng rộng, mồ hôi càng nhiều thì ngôi nhà càng vững chãi”, “bởi vì cần làm một ngôi nhà chắc chắn cho Cora (…) bởi vì anh là một người đàn ông” [68, 132-133]. Trong Khi tôi nằm chết, có 22 lần từ “mồ hôi”, “đổ mồ hôi” được nhắc tới và chỉ có hai nhân vật được nhắc tới trong thế đối nghịch: Cash đổ mồ hôi, và ông bố, Anse, không có mồ hôi.

Cash là người duy nhất “đổ mồ hôi” trong tác phẩm. Mồ hôi đổ dính bết mạt cưa, mồ hôi lẫn máu khô trên chiếc chân gãy, mồ hôi được tả tựa như “những viên bi rào rào lăn trên mặt” [68, 232]. Anh là hiện thân cho nam tính đối với những người da trắng nghèo: chăm chỉ, cứng rắn, chịu đựng, kiên trì, thực dụng ki cóp (như cái tên anh ta - Cash, có nghĩa đồng tiền mặt). Ông Anse, ngược lại, “trên áo của bố không có vết mồ hôi ố bẩn. Có lần ông bị cảm do làm việc dưới nắng, hồi ông hai mươi hai tuổi, và ông nói với mọi người rằng nếu ông đổ mồ hôi thì ông chết” [68, 22-23].


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Suốt tác phẩm, hình ảnh của Anse đọng lại với một gương mặt rúm ró vì răng đã rụng, dáng ngồi lom khom, tay xoa đầu gối, lặp đi lặp lại mong muốn vợ mình khoẻ lại, lại “mạnh khoẻ tráng kiện như người đàn bà trước đây trên đất này” [68, 41].

Trên mảnh đất Yoknapatawpha, Anse chỉ là một trong những chân dung đàn ông bạc nhược. “Ôi, đàn ông các ông! Đám đàn ông trời đánh thánh vật các ông!” [70, 33]. “Chúa biết là chính tôi đã cực khổ nuôi chúng. Còn ông thì chẳng đụng đến cái móng tay” [70, 39] (Trong nguyên tác, tác giả tiếp tục dùng động từ “sweat” (đổ mồ hôi/ làm việc cực nhọc) [108, 19]). Lời than thốt ra từ miệng bà Armstid, người đàn bà tóc “làm việc cật lực, thô lỗ và hung dữ trong cái áo đầm tiện lợi màu xám, hai tay chống nạnh, bộ mặt trông giống như mấy tên tướng lãnh bại trận” [70, 33]. Dường như để bù vào những bạc nhược, yếu đuối của “phái mạnh”, không ít thân thể đàn bà trong văn Faulkner mang sắc thái đàn ông. Bà vú già Dilsey, người chống giữ cho gia đình Compson khung người to lớn nay đã già nua, “cơ và mô một thời từng là can đảm và chịu đựng ngoan cường đã bị năm tháng gặm mòn cho đến khi chỉ còn bộ xương bất khuất” [66, 368-369]. Cô gái cay đắng và bạo liệt Rosa Coldfield “đánh Clytie ngã xuống sàn bằng một đòn thẳng tay như một gã đàn ông” [82, 436]. Đàn bà quý tộc nghèo miền Nam hậu Nội chiến thảm hại, theo nghĩa, họ chỉ còn níu kéo danh vọng trong hoài niệm. Trong Absalom, Absalom!, ông Compson nói: “Bao nhiêu năm về trước chúng ta, miền Nam, biến người phụ nữ của mình thành quý bà. Rồi Chiến tranh tới và biến những quý bà thành những bóng ma. Ta còn có thể làm gì, những quý ông, ngoài việc lắng nghe họ trở thành những bóng ma?” [82, 9]. Những Addie Burden, Caroline Compson là những người như thế: rối trí, kiệt quệ nhưng kiêu hãnh cô đơn.

Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 13

Sự chất vấn đường cắt nhị nguyên về giới còn được đẩy tới mức ráo riết thành những khủng hoảng bản sắc giới. Có những nhân vật “vượt ranh giới” (passing) giới, tồn tại ở trạng thái phi giới tính, hay lưỡng tính. Hãy thử đọc hai nhân vật Joe Christmas và Joanna Burden trong Nắng tháng tám. Một gã lai chủng không nhà cửa, một người đàn bà da trắng luống tuổi đến từ miền Bắc, gặp nhau ở căn lều nơi cả thành phố quên lãng. Sự nối kết giữa họ là tình dục - cơn thuỷ triều đen, bản năng của hai con thú hoang dại và thèm khát. Nhưng dường như giữa họ còn có một điều khác: sự gặp gỡ của hai kẻ bên lề, hai kẻ bị ruồng bỏ, hai kẻ mang tâm thức kép, muốn truy tìm một bản ngã toàn vẹn cho mình. Và cũng chính bởi mỗi người đều sống với căn tính kép, nên rút cục họ huỷ diệt lẫn nhau.

Joanna là một kết hợp nghịch dị giữa tính nam và tính nữ. Trong bóng tối, Joanna bạo liệt và cuồng loạn, bại hoại và mê đắm, thứ bản năng dục tính của một


con cái hoang dại. Giữa ánh sáng ban ngày, Joanna mang một bộ mặt khác: “bộ mặt lạnh lùng, dáng vẻ đàn ông” [70, 333]; giọng nói khác, “nhẹ nhàng, đơn điệu và vô giới tính” [70, 360]. Người đàn ông trong Joanna không ngừng kiểm soát, khống chế, điều khiển, vạch đường cho Joe, không khoan nhượng. Joe ngột ngạt đến nỗi phải huỷ diệt Joanna, không chỉ vì dòng máu đen trong anh bị xúc phạm, mà còn bởi nam tính trong anh bị khống chế, bởi gã đàn ông trong cơ thể một mụ đàn bà.

Cuộc đời khốc liệt của Joe cũng là cả một cuộc khủng hoảng bản sắc chủng tộc và phái tính. Ở nhân vật này, có một kết nối dị thường và không thể tách rời giữa cảm thức về căn tính đen và tính nữ. “Conảcáiđĩdađen” (womanshenegro) [70, 205], “những giọng nói vô hình, vô thể, phong phú và êm dịu của đàn bà da đen” [70, 153] ám ảnh hắn. Lần đầu tiên nghe tới kinh nguyệt đàn bà, Joe tò mò và kinh hãi. “Nó quỳ xuống, hai bàn tay nhúng vào máu còn ấm của con thú đang chết, cả người run rẩy, miệng khô khốc, mắt cứ lấm la lấm lét nhìn ra sau lưng” [70, 240]. Bàn tay nhúng vào máu ấm, trong liên tưởng kinh hãi về máu đàn bà, hành động của Joe mang dáng vẻ một hành vi nghi lễ. Hắn chạy vào giữa luống cày, bóng tối ma mị, có sự sống và cái chết. “Trong bóng tối này, trong sự dò dẫm cực nhọc này, nó có vẻ thấy, như trong một hang động, một hàng những cái bình đựng di cốt có hình dạng được làm ra khéo léo và càng xa càng nhỏ dần, nhợt nhạt dưới ánh trăng. Và không có cái nào là hoàn hảo. Mỗi cái đều có vết nứt, và từ mỗi vết nứt chảy ra cái gì đó như chất lỏng, có màu sắc của cái chết, và bốc mùi hôi thối” [70, 245]. Bóng tối - dòng máu đen - máu đàn bà - tình dục - cái chết - sự sống. Một điều gì giữa tất cả chúng, bí ẩn, quyến rũ và đầy ghê tởm, kinh khiếp.

Có điều gì ẩn náu dưới mối tương liên đặc biệt giữa Joe, dòng máu đen và đàn bà? Phải chăng là nỗi ẩn ức của kẻ yếu thế, mặc cảm bị khinh thị và ruồng bỏ. Không dưới hai lần Joe tự nhủ “Mình đã bị bắt buộc làm chuyện này” [70, 359] trước khi trở thành kẻ giết người. Tội ác như một thôi thúc từ tiền kiếp: thôi thúc được trút hết mọi máu me cuồng nộ tàn nhẫn hả hê lên kẻ khác, để chứng tỏ mình là đàn ông, là kẻ mạnh. Từ thưở thơ ấu, Joe đã nếm hết đòn đau từ những gã đàn ông da trắng - kẻ mạnh, như thế. Da trắng đã trở thành một chỉ dấu của nam tính; và nam tính, Joe học được rằng, đồng nghĩa với bạo lực. Mang tâm thế của kẻ “đo đạc tâm hồn mình bằng thước đo của một thế giới đang nhìn mình bằng thái độ khinh thị và thương hại” [100, 8], Joe có lẽ, một cách vô thức, thấy mình thảm hại, và giết Joanna, kẻ đang kìm hãm con đường cứu chuộc nam tính trong mình.

Chính bởi sự tương liên giữa căn tính màu da và bản sắc giới, Joe có những chuyến du hành kì lạ trong tâm tưởng. Ngày đầu tiên lẻn vào nhà Joanna vì đói, mùi


thức ăn khiến Joe nhớ về mùi vị thơm phức của những món ăn bà mẹ nuôi đã nấu. Đó là sự kết nối giữa Joe và nữ tính. Nhưng trong một khoảnh khắc khác, lúc dựa lưng vào gốc cây bên dòng suối và nhớ về căn bếp ấy, “y ngửi ra mùi người da đen”, mường tượng thấy “những bàn tay da đen dài và mềm mại”. Và rồi, sau khi gây ra án mạng, lạ là, Joe tìm thấy bình yên. “Trời hừng đông: ánh sáng ban ngày vào cái khoảnh khắc xam xám và cô đơn, vào lúc mà chim chóc cựa mình tỉnh giấc một cách dịu dàng. (…) Y thở sâu, chậm, và với mỗi hơi thở, y cảm thấy cả con người mình tan biến trong cái màu xám không đậm, không nhạt (neutral grayness), được đồng hoá với nỗi cô đơn này, với sự thanh thản này - cả hai không từng biết đến nỗi cuồng nộ hay niềm tuyệt vọng” [70, 425]. Cái màu xám trung tính (the neutral grayness) trở đi trở lại trong tâm tưởng. Không còn là hơi thở đen, vực thẳm đen hay nỗi sợ hãi, uy quyền trắng, màu xám yên bình và cô đơn, như chứng nhân cho lằn ranh chủng tộc đã bị xoá nhoà. Thú vị là, trong bản thảo cuốn Nắng tháng tám, Faulkner đã miêu tả sự tĩnh tâm của Joe, nhưng từ sự xoá nhoà đường biên phái tính: “Trời hừng đông, ánh sáng ban ngày lan ra. Y đứng dậy và bắt đầu rảo bước. Y giờ khá yếu, và tâm trí y yên tĩnh và trong lành vô tính (neutral clarity), như thể đó không phải là tâm trí đàn ông hay đàn bà, hay sinh thể nào trên đời” [109, 130]. Lần này, điểm lưng chừng, trung tính nằm giữa đường biên về giới. Sự trung tính (neutrality), hay đúng hơn, phi chủng tộc, phi giới tính, sự vượt thoát khỏi định kiến, khuôn mẫu chủng tộc và phái tính mang lại cho y yên bình.

Những khủng hoảng về căn tính của Joe được miêu tả ở sự tách lìa với thân thể. Y thường được mô tả như kẻ bị động, “cảm thấy thân thể rời xa mình” [70, 362]. Hàng loạt những câu văn thuật tả Joe “nhìn” thân thể và bàn tay mình như nhìn một kẻ khác, mà y là kẻ vô can, hoặc bất lực: “y thấy nó [thân thể] đi đến bên cái bàn” [70, 362], “y nhìn bàn tay quăng mạnh chiếc dĩa vào tường” [70, 305], “y thấy bàn tay đó cầm một khẩu súng lục xưa, nặng” [70, 367], “y có vẻ đứng đó, im lặng, chưa suy nghĩ, nhìn bàn tay mình lắc lắc cánh cửa” [70, 304]. Có khi y phải nỗ lực để làm chủ thân thể mình: “Nó phải dỗ dành cái thân thể đó để nó dựa vào tường dọc theo hành lang”, “nó nhìn hai bàn tay dò dẫm ở cánh cửa ra vào, cố gắng giúp đỡ chúng, dỗ dành và kiểm soát chúng” [70, 286]. Chỉ khi được giải phóng khỏi những đường cắt màu da và giới, trước khi lìa đời, Joe được trở lại với thân thể mình, dẫu khó nhọc: “bàn tay y run rẩy; việc cạo râu không được làm tốt cho lắm và y cắt da mặt đến ba hay bốn lần” [70, 430]. Lần đầu tiên, “y đi như một người biết mình đang ở đâu và nơi nào mình muốn đi đến” [70, 432], đi như một sự giải phóng: “y đã mất đi khái niệm về thời gian và khoảng cách”, “y lại đi vào nó một


lần nữa, vào con đường phố chạy dài đến ba mươi năm đó” [70, 434].

Sự khủng hoảng nam tính trong tiểu thuyết Faulkner giống như ảnh chiếu cho sự sụp đổ của chế độ gia trưởng ở miền Nam hậu nội chiến. Bên cạnh một Anse Bundren không đổ mồ hôi, một Joe Christmas lai chủng, còn những chân dung khác, ở nhiều vẻ khá nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm: sức gồng cưỡng để chứng tỏ nam tính của mình. Tính đàn ông trong người nữ, Faulkner viết, “thừa hưởng từ dòng họ và môi trường sống, đó là tất cả những thứ mà y [Joe Christmas] đã phải đấu tranh chống lại đến cùng” [70, 301]. Di sản gia trưởng cùng những khuôn mẫu về giới giống như một thứ gánh nặng mà người miền Nam phải chịu đựng. Miền Nam thất trận, những người đàn ông thất thế. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người đàn bà nam tính Joanna Burden đến từ phương Bắc. Phải chăng đó là ẩn dụ cho sự xâm cưỡng của một miền Bắc “nam tính”, đang muốn áp chế, khống chế miền Nam mệt mỏi lúc bấy giờ? Đó còn là tự sự của những “căn tính bên lề”. Thadious M. Davis đã khẳng định trong văn Faulkner có mối tương liên kì lạ giữa căn tính đen và tính nữ [110]. Đó có thể là âm vọng của những tiếng nói ngoại biên, tiếng nói đòi khẳng định bản thể trong một xã hội gia trưởng và vị chủng.

Ngày 7/10/1929, Âm thanh và cuồng nộ được xuất bản. Ba tuần sau, Thứ Sáu Đen tối, thị trường chứng khoán Mĩ sụp đổ (như những dấu hiệu tiên đoán trong phần của Jason), bắt đầu một chuỗi domino suy thoái kinh tế toàn cầu. Khi tôi nằm chết (1930), Nắng tháng tám (1932), Absalom, Absalom! (1936) cũng đều nằm trọn trong cuộc Đại khủng hoảng. Cơn ác mộng này, hoá ra, góp phần gây nên sự khủng hoảng nam tính. Đàn ông bị mất việc làm, trở nên phụ thuộc, điều mà lâu nay vốn mặc định thuộc về phái nữ; niềm tự tôn trưởng giả về sức mạnh của mình bị đánh mất. Theo quan sát của nhà sử học Robert S. McElvaine, “cuộc Đại khủng hoảng có thể được xem như góp phần “nữ tính hoá” xã hội Hoa Kì. Cái luân lí tự đàn ông cho mình là trung tâm, hung hăng, hiếu chiến của những năm 1920 nay đã bị rạn vỡ” [111, 340]. Nhà nghiên cứu Hoa Kì học Margaret T. McFadden cũng khẳng định, đàn ông Hoa Kì trong thời kì ấy đã “trải nghiệm cảm giác bất lực không thể mưu sinh để nuôi sống gia đình như là sự thất bại của nam tính” [112, 119]. Điều này góp phần giải thích một hiện tượng xã hội ở Hoa Kì, khi hình tượng người đồng tính

- một phản đề của khuôn mẫu nam giới trong xã hội trưởng giả, xuất hiện nhiều trong văn chương, điện ảnh và văn hoá đại chúng lúc bấy giờ [113, 3].

Nhưng hơn thế, câu chuyện về bản sắc giới không dừng lại ở sự đối thoại với các vấn đề văn hoá bản địa đương thời. Sự xoá nhoà định kiến giới, ẩn sâu trong nó, là hành trình tìm về tự nhiên nguyên thuỷ của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà


trong những đoạn miêu tả Joe, ngay trước và sau khi giết Joanna, sự giao cảm sâu với mặt đất, đất mẹ (earth) trở đi trở lại: “y dường như nghe ra vô số âm thanh cũng nhẹ như tiếng que diêm rơi – tiếng nói, tiếng rì rầm, tiếng thầm thì: của cây lá, bóng tối, mặt đất” [70, 141], “như thể y ham muốn nhìn lại, lần đầu tiên hay lần cuối cùng, quê hương bản thổ (native earth) của mình qua tất cả các thời kì của nó” [70, 432]. Đó là hành trình tìm về cái bản ngã gốc trong mình, khi chưa bị gán lên các định kiến xã hội. Điều này gợi liên tưởng tới cách cắt nghĩa của Osho: “Bởi vì từ bên trong, bạn vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Không ai chỉ là đàn bà và không ai chỉ là đàn ông - bởi vì bạn đến từ sự giao thiệp giữa đàn ông và đàn bà. (…) Một khi họ gặp nhau, cơ thể của bạn đã được sinh ra, lúc này, nếu họ có thể gặp nhau bên trong bạn, tâm hồn của bạn sẽ được sinh ra. Đó chính là nội dung của sự siêu nghiệm tình dục, nó là tình dục bậc cao” [114, 208].

Sống trong thời đại mà thiết chế phụ quyền đã trỗi dậy và thống trị, người ta dễ lãng quên đi sức sống của thiên tính nữ. Thần đất Gaia có bộ ngực mênh mang trong thần thoại Hi Lạp, Đức mẹ đồng trinh Maria trong Cơ đốc giáo, Quan Thế Âm bồ tát với chiếc vòng kim cô của Phật Bà cùng những hình tượng trong văn học và tín ngưỡng, tôn giáo khác cho thấy “trong giấc mơ sơ khai về dục tính của loài người, thiên tính nữ đã bao trùm và có sức sống mãnh liệt qua nhiều thế kỷ” [115]. Sau này, các nhà nữ quyền luận cũng khẳng định, chính bởi những điểm riêng biệt về sinh lí, như việc có kinh, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, người phụ nữ có quan hệ gần gũi và thiêng liêng với tự nhiên và sự sống. Bản năng và đặc quyền này hằn trong vô thức của giới nữ: xu hướng chăm sóc, nâng đỡ, chở che cho mọi sinh linh vạn vật [116, 50], cái có thể gọi là “luân lí chở che” (ethic of care). Tiểu thuyết Faulkner có thể được đọc từ góc nhìn này. Đối với ông, nữ tính chính là nơi dẫn con người về với tự nhiên hoang sơ trinh bạch.

Nhiều nhân vật nữ trong tiểu thuyết Faulkner được xây dựng từ cổ mẫu Mẹ - Trái đất (Earth Mother), Mẹ Tự nhiên (Nature Mother). Đó là những tồn tại vẹn nguyên, vĩnh hằng, bất khả xâm phạm, tách lìa khỏi cuộc sống hiện đại. Một Lena Grove, bước đi bình thản giữa ánh sáng mùa thu vùng Mississippi huyền thoại, được bao quanh bởi những gương mặt tốt bụng, không tên; một Caddy Compson có mùi hương cỏ cây, gột rửa tinh khôi trong nước, được đẩy vào vĩnh cửu trong còi nhớ của những người con trai trong gia đình; một Addie Bundren, dẫu thân thể chết đi, nhưng ý muốn được trở về với đất đã khiến cho cỗ quan tài có thể vượt qua bão lũ và lửa cháy, cùng với Jenny Steinbauer trong Muỗi (Mosquitoes), Eula Varner Snopes trong Xóm nhỏ (The Hamlet) và Thị trấn (The Town), những người nữ này,


theo Mimi Reisel Gladstein, tạo thành những “người phụ nữ bất diệt - một cổ mẫu nguyên thuỷ ẩn chứa trong tiểu thuyết Faulkner” [theo 62, 440].

Hành trình của con người, đặc biệt là người nam, trong tiểu thuyết Faulkner, rút cục, là sự hướng đến/ quay trở về nương náu nơi Mẹ. Các nhà nghiên cứu như Minrose Gwin, Dorren Fowler, André Bleikasten, Deborah Clarke, ứng dụng phê bình phân tâm học và phê bình nữ quyền sinh thái, đã nhìn thấy trong văn Faulkner những ẩn dụ về thân thể người Mẹ, với sức mạnh chở che nữ tính của nó [61],[117],[118],[119]. Ẩn dụ về tử cung người mẹ - nơi phủ đầy bóng tối, nhưng ấm nóng, an toàn và cung cấp nguồn sống, được tìm thấy trong motif ẩn náu, trốn chạy của những nhân vật nam. Trong Nắng tháng tám, đó là căn lều tối của Joanna nơi rìa thành phố, nơi Joe Christmas cư ngụ, ngửi mùi thơm thức ăn và hưởng thụ khoái lạc, để khi bị giết, y thấy “toàn bộ cuộc đời đàn ông của y đã quay lại trong bóng tối, cái bóng tối nóng và ướt của con Cái nguyên thuỷ” [70, 153]. Trong Absalom, Absalom!, đó là căn gác mái nhỏ tối và khép kín, nơi Goodhue Coldfield ẩn náu tránh quân lính quân Liên bang, hàng ngày nhận thức ăn cô con gái kéo lên bằng chuỗi ròng rọc. Đó còn là căn phòng nhỏ mà Henry ẩn náu sau khi bỏ chạy vì giết Charles Bon, nơi đó, có chị Clytie nuôi nấng, che chở. Người tình già Joanna Burden, cô con gái Rosa Coldfield, người chị cùng cha khác mẹ Clytie Sutpen, những người phụ nữ ấy đều mang phẩm tính của người mẹ.

Với mẹ, những người con trai tôn thờ, nương náu. “Em không bao giờ là hoàng hậu hay bà tiên, em luôn luôn là vua hay người khổng lồ hay vị tướng” [66, 250], Quentin đã nghĩ về cô em gái mình bằng tất cả những chông chênh yếu đuối của một gã đàn ông, yêu em, tôn thờ và phụ thuộc. Nhưng đồng thời, với mẹ, những người con trai cũng có xu hướng ngược lại: vượt thoát. Trong hành trình đưa tang bà Addie, mỗi người đều giữ cho mình một toan tính. Anse sẽ có bộ răng mới, một người vợ mới, Dewey Dell sẽ bỏ cái thai, Vardaman sẽ có đồ chơi tàu hoả, những người con trai nhà Bundren, như vợ của Tull nói, sẽ có thể kiếm vợ. Hành trình này là ẩn dụ của nỗ lực nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của mẹ, để sống trọn vẹn với bản ngã độc lập của mình. Ảnh hưởng ấy, tuy vậy, không hề dễ vượt thoát. Mặc dù Addie đang hấp hối rồi chết, và chỉ một trong 59 phần được thuật từ lời Addie, giọng nói của bà vẫn bao phủ suốt hành trình. Tất cả mọi nhân vật đều nghe tiếng vọng của bà - “khi tôi nằm chết”. Cỗ quan tài, một cách kì lạ, có thể vượt qua nước lũ và lửa cháy, là ẩn dụ cho sự kháng cưỡng lại sự quên lãng, sự phủ nhận. Những đối nghịch này có thể là sự giải toả ẩn ức của Faulkner, một nhà văn trưởng thành, nhưng cũng lại là một cậu bé được nuông chiều và yếu đuối.

Phụ nữ, trong thế giới Yoknapatawpha, là những người “chịu đựng”, “trường

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí