Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên - 2

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

1.1. Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền văn học Việt Nam. Từ nền văn học dân gian đến văn học viết thời kỳ hiện đại, văn học các dân tộc thiểu số luôn có mặt và đã góp phần tạo nên diện mạo của một nền văn học dân tộc Việt Nam vừa phong phú, đa dạng, vừa thống nhất và giàu bản sắc. Bên cạnh đội ngũ các nhà văn, nhà thơ người Kinh còn có đội ngũ các tác giả người dân tộc thiểu số ngày càng đông đảo và trưởng thành, góp phần làm nên diện mạo văn học hiện đại nước nhà. Vì vậy, việc nghiên cứu thơ văn các dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là nghiên cứu các tác phẩm do chính các tác giả người dân tộc thiểu số sáng tác. Các thế hệ cầm bút ngày một đông đảo và trưởng thành hơn như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Hoàng Hạc, Triều Ân, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Vi Thị Kim Bình … Họ là những cây bút tiêu biểu, có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số nói riêng và cho nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Đội ngũ những người sáng tác văn xuôi các dân tộc thiểu số (từ 1975 đến nay) có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, về bản sắc dân tộc trong văn học, tiếp tục sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ để gìn giữ vốn ngôn ngữ dân tộc như Nông Viết Toại, có nhà văn thời kỳ đầu sáng tác bằng tiếng dân tộc, thời gian sau sáng tác bằng tiếng Việt như Vi Hồng, cũng có tác giả ngay từ đầu đã dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ sáng tác như Triều Ân, Cao Duy Sơn …Trong đó, phải kể đến nhà văn miền núi người dân tộc Nùng - Hoàng Quảng Uyên, một cây bút trưởng thành sau năm 1975.

1.2. Ngòi bút của Hoàng Quảng Uyên luôn hướng về những người con của dân tộc miền núi phía Bắc. Tuy những trang viết của ông rất giản dị, mộc mạc nhưng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc mang đậm nét riêng về phong tập tập quán, về những phẩm chất văn hóa gắn với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Đọc những tác phẩm của ông, ta nhận thấy bản sắc văn hóa dân tộc luôn đậm nét trong toàn bộ tác phẩm. Trong hơn 20 năm cầm bút, miệt mài với quá trình sáng tạo nghệ thuật, ông đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng độc giả với một cá tính sáng tạo độc đáo.

1.3. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên sáng tác rất nhiều thể loại văn học khác nhau như: Kí, lý luận phê bình, tiểu thuyết ... Độc giả vẫn chú ý đến ông ở thể loại kí với các tác phẩm tiêu biểu như: Bài kí Thầy giáo Đại học - tác phẩm đặc sắc được trao giải B (không có giải A) của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp 1988; Bút kí Trí thức tỉnh lẻ, in trên Báo Văn nghệ, những năm đầu “đổi mới”... Song 2 năm trở lại đây, từ khi tập tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó ra đời và được trao giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm Văn học - Nghệ thuật và Báo chí về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn thì ông lại được độc giả biết đến với thể loại tiểu thuyết.

1.4. Có thể nói, trong toàn bộ khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, từ trước tới nay, chúng ta mới thấy xuất hiện 2 nhà văn tiêu biểu viết tiểu thuyết lịch sử. Đó là nhà văn Nguyễn Trường Thanh và nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Nhà văn Nguyễn Trường Thanh với những tập tiểu thuyết lịch sử tái hiện chân dung của các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất và con người xứ Lạng. Riêng Hoàng Quảng Uyên là người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ kính yêu. Đó là một cố gắng, một tình yêu đáng ghi nhận của nhà văn Hoàng Quảng Uyên trong việc tái hiện nhân vật lịch sử là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bởi vậy, việc nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên là một công việc cần thiết, mang ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn.

1.5. Hiện nay, văn học địa phương cũng đã đưa vào giảng dạy tại hai cấp học là bậc Trung học cơ sở và bậc Tiểu học. Do đó, việc thực hiện đề tài này cũng sẽ góp một phần tư liệu bổ ích cho sự nghiệp giáo dục tại tỉnh Cao Bằng - quê hương của tác giả Hoàng Quảng Uyên. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà khoa học tại Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã và đang bắt tay vào xây dựng bộ giáo trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại để giảng dạy cho hệ Đại học và Sau đại học. Việc nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên sẽ góp thêm tư liệu quan trọng cho việc giảng dạy và học tập học phần này trong trường Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên nói riêng và trong hệ thống các trường Đại học Sư phạm nói chung.

2. Lịch sử vấn đề

Trong hơn 20 năm gắn bó và miệt mài lao động nghệ thuật, đến nay, các sáng tác của nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã có những thành công nhất định và được giới nghiên cứu, phê bình văn học cũng như dư luận và bạn đọc quan tâm. Hàng loạt các bài viết, bài báo phỏng vấn ông được đăng tải trên các báo, tạp chí và các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương nói về con người, cuộc đời và những sáng tác của nhà văn Hoàng Quảng Uyên ở thể loại kí và thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

2.1. Những bài viết về tác phẩm kí của nhà văn Hoàng Quảng Uyên

Đầu tiên, phải kể đến nhận xét của nhà nghiên cứu văn học Lâm Tiến về Kí của Hoàng Quảng Uyên trong tác phẩm: Văn học và miền núi, phê bình - tiểu luận (NXB Văn hóa dân tộc (2002): “Kí của Hoảng Quảng Uyên không những viết về dân tộc và miền núi mà còn viết về những đề tài khác. Cũng như H Linh Niê, Hoàng Quảng Uyên có tài phân tích mổ xẻ cho mọi người thấy đến ngọn ngành, gốc rễ của mọi sự vật, hiện tượng, cái được, cái mất, cái vui, cái buồn trong cuộc sống xã hội hiện nay. Văn của ông thể hiện rất rõ nét tính cách của người dân tộc là thẳng thắn, bộc trực. Ông lên án, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội với những câu văn châm biếm, dí dỏm có phần nào chua cay. Nên kí của ông thường gây xôn xao dư luận.” [27, tr.18]. Đó là những đánh giá, nhận xét khách quan, công bằng, đầy đủ và chính xác của nhà nghiên cứu văn học Lâm Tiến về những đặc trưng trong thể Kí của Hoàng Quảng Uyên.

Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên - 2

2.2. Những bài viết về con người và cuộc đời của nhà văn Hoàng Quảng Uyên

Viết về con người Hoàng Quảng Uyên có bài phỏng vấn của Phong Điệp đăng tải trên website Phongdiep.net có nhan đề: Nhà văn Hoàng Quảng Uyên: Xuống núi để ... đi học. Đó là cuộc trò chuyện giữa nhà văn Hoàng Quảng Uyên với Phong Điệp về việc "đào tạo nhà văn" [41] và quá trình Hoàng Quảng Uyên đã từng là học viên khoá ba của trường viết văn Nguyễn Du; Về việc ông theo học lớp lý luận phê bình văn học khoá I (đuợc tổ chức trong tháng 7 và tháng 8 năm 2008) do Hội nhà văn tổ chức khi ông đã ở độ tuổi sáu mươi. Ông rất tự hào khi nhắc đến việc “làm mới” kiến thức cho mình. Trong bài phỏng vấn ông tự khẳng định: “Tôi học khóa 3 trường viết văn Nguyễn Du năm 1988. Năm nay là năm 2008. Nghĩa là 20 năm trôi qua, kiến thức của tôi đã cũ đi nhiều và tôi có nhu cầu được làm mới. Khóa học này, tôi vẫn được học các thầy như Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khắc Phi … nhưng những

kiến thức các thầy dạy chúng tôi hôm nay đã được bổ sung hơn rất nhiều so với 20 năm trước. Vậy tại sao tôi lại không học cho được?”[41]. Bài phỏng vấn giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ về nhà văn Hoàng Quảng Uyên – một con người luôn vượt lên trên mọi hoàn cảnh để không ngừng học hỏi, tìm tòi, khám phá cái mới và làm phong phú thêm, mở rộng thêm cũng như bồi đắp thêm nguồn tri thức mới cho bản thân.

Còn với Y Phương – người bạn chí cốt tâm giao của Hoàng Quảng Uyên lại có bài viết: Tản mạn cùng Hoảng Quảng Uyên đăng tải trên trang nhất Báo Văn nghệ công an, mục đời sống văn hóa số ra ngày 10/11/2009 với lời mở đầu: “Phải đến hơn một năm rồi nhà văn Hoàng Quảng Uyên chẳng có việc gì liên quan mà xuống Hà Nội. Sáng nay bỗng nghe ai nói loáng thoáng Uyên đang có mặt ở Hội nhà văn [42]. Y Phương đã cho người đọc thấy một Hoàng Quảng Uyên “còn ham sống và ham viết lắm” [42].

2.3. Những bài viết về tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quảng Uyên

Đặc biệt phải kể đến bài viết của Trần Hoàng Thiên Kim có tựa đề Nhà văn Hoàng Quảng Uyên: viết văn cùng cực như đi săn được đăng tải trên mạng Internet ngày 28 tháng 2 năm 2011 từ hai nguồn cand.com.vn nguoibanduong.net ngay khi ông vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó (NXB Hội nhà văn 2010) - Giải thưởng cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng (còn được gọi là Cảng Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm Bác Hồ về nước (Pác Bó - Cao Bằng) lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là cuộc trò chuyện giữa nhà văn Hoàng Quảng Uyên và phóng viên Trần Hoàng Thiên Kim về cuốn tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó cũng như những tâm sự chân thật về nghề viết văn của Hoàng Quảng Uyên theo năm tháng. Trong cuộc trò chuyện, Hoàng Quảng Uyên đã tự khẳng định "Tiểu thuyết chỉ là niềm đam mê thứ ba của tôi. Nhờ những đam mê và thành công với thể loại lý luận - phê bình và thể ký nên tôi không quá khó khăn khi viết tiểu thuyết". Cuộc trò chuyện đã giúp cho độc giả có cái nhìn khách quan về cái dễ và khó của một nhà văn khi quyết định dùng ngòi bút của mình để khắc họa một bậc vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thành nhân vật tiểu thuyết. Đồng thời, giúp người đọc nhìn thấy năng lực của nhà văn Hoàng Quảng Uyên không chỉ có niềm đam mê nghệ thuật mà còn có khả năng đi tìm “ẩn số” và “giải mã” tập trung trong phạm vi đề tài con người và thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, bài viết Lặn lội thu thập tài liệu về Bác Hồ của phóng viên Minh Quân đăng tải trên website thethaovanhoa.vn, ngày 4/9/2008 viết về quá trình 3 lần nhà văn Hoàng Quảng Uyên lặn lội sang nước bạn để thu thập tài liệu về Bác với những dự định, ấp ủ viết cuốn tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó. Với những tàì liệu, tình cảm thu nhận được, Hoàng Quảng Uyên đã viết trên nhiều bài báo (cả ở Việt Nam và Trung Quốc). Ông cũng đã hoàn tất một kịch bản phim tài liệu nhiều tập đó là: Bác Hồ ở Quảng Tây - những tháng ngày lịch sử, dự kiến sẽ đuợc Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Quảng Tây - Trung Quốc thực hiện [43].

Trên đây là một số bài viết của những người đi trước đã nghiên cứu về con người và những sáng tác của nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Tuy nhiên, việc đánh giá về các tác phẩm của ông, nhất là với thể lọai tiểu thuyết còn ít. Do đó, đề tài chúng tôi nghiên cứu: “Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên” là bước tiếp nối các ý kiến nghiên cứu trên, để từ đó, giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về giá trị của thể loại tiểu thuyết về đề tài lịch sử trong dòng chảy của nền Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quảng Uyên sẽ bổ sung nguồn tư liệu bổ ích cho công tác dạy và học văn học địa phương cũng như cho việc giảng dạy học phần này trong trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên nói riêng và trong hệ thống nhà trường trên khắp cả nước Việt Nam nói chung. Hơn nữa, thông qua việc nghiên cứu đề tài này còn giúp chúng tôi hiểu và kính yêu hơn về Bác, đặc biệt là những ngày tháng Bác sống và hoạt động ở Việt Bắc. Là một người con của núi rừng Việt Bắc, tôi luôn khao khát được tìm hiểu và khám phá về mảnh đất quê hương mình, khao khát tìm hiểu cội nguồn của nơi “chôn nhau cắt rốn”. Chính vì thế, việc tìm hiểu, nghiên cứu đề tài này đối với riêng tôi là một công việc yêu thích và rất cần thiết.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là vấn đề nguyên mẫu và hư cấu, kết cấu, ngôn ngữ nghệ thuật và giọng điệu trần thuật trong 2 tập tiểu thuyết lịch sử Mặt trời Pác Bó, Nxb Hội nhà văn Việt Nam, năm 2010 và Giải phóng, Nxb Hội nhà văn Việt Nam, năm 2013 của nhà văn Hoàng Quảng Uyên viết về Bác Hồ.

3.2. Phạm vi nghiên cứu đề tài

Đề tài đi sâu vào nghiên cứu Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên” qua 2 tác phẩm đó là: Mặt trời Pác Bó – tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn 2010 và Giải phóng – tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn 2013 ở các phương diện:

- Nguyên mẫu và hư cấu nghệ thuật; Kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật

- Trong phạm vi cho phép, chúng tôi có so sánh vấn đề nghiên cứu trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên với một số tiểu thuyết lịch sử viết về Bác Hồ của một số nhà văn khác như Sơn Tùng với Búp sen xanh, Bông sen vàng và nhà văn Hồ Phương với Cha và con ...

4. Mục đích nghiên cứu

Đề tài đi sâu làm rõ vấn đề nguyên mẫu Hồ Chí Minh và hư cấu nghệ thuật, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong hai cuốn tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó, NXB Hội nhà văn 2010 và Giải phóng, NXB Hội nhà văn 2013. Trên cơ sở đó, khẳng định cá tính sáng tạo, vai trò, vị trí cũng như những đóng góp quan trọng của Hoàng Quảng Uyên trong thể loại tiểu thuyết viết về đề tài Bác Hồ kính yêu. Đồng thời, giúp cho người đọc cảm nhận một cách sâu sắc về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình Người hoạt động cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn Bác ở chiến khu Việt Bắc.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để việc khảo sát và nghiên cứu, phân tích đề tài đạt kết quả như mong muốn, chúng tôi đã lựa chọn và sử dụng kết hợp những phương pháp sau:

- Phương pháp hệ thống.

- Phương pháp thống kê phân loại

- Phương pháp nghiên cứu tác gia văn học

- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học theo thể loại.

- Phương pháp so sánh.

Các phương pháp nghiên cứu trên luôn luôn bổ sung cho nhau như một chỉnh thể thống nhất, tạo nên sự hài hòa nhất định. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phương pháp so sánh, phương pháp hệ thống và phân tích tác phẩm văn học theo thể loại. Bởi ba phương pháp này sẽ giúp cho chúng tôi làm rõ hơn nghệ thuật hư cấu nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết của Hoàng Quảng Uyên.

6. Đóng góp mới của luận văn

Việc nghiên cứu thành công đề tài này sẽ giúp cho bản thân tác giả cũng như người đọc hiểu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, đồng thời, góp thêm một nguồn tư liệu quý giá về phẩm chất, tài năng, trí tuệ của nguyên mẫu Hồ Chí Minh. Đề tài được nghiên cứu thành công sẽ là tiền đề quan trọng để khẳng định thêm những đóng góp mới của nhà văn Hoàng Quảng Uyên trong việc xây dựng chân dung nhân vật lịch sử bằng hư cấu nghệ thuật.

7. Cấu trúc của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, đề tài được cấu trúc thành ba chương gồm:

Chương 1: Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên và một số vấn đề lý thuyết liên quan đến đề tài.

Chương 2: Nguyên mẫu Hồ Chí Minh và hư cấu nghệ thuật trong hai tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó Giải phóng.

Chương 3: Kết cấu, ngôn ngữ nghệ thuật và giọng điệu trần thuật trong hai tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó Giải phóng của nhà văn Hoàng Quảng Uyên.

Chương 1

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA HOÀNG QUẢNG UYÊN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI


1.1. Tiểu sử và quá trình sáng tác văn học của Hoàng Quảng Uyên

1.1.1. Tiểu sử của nhà văn Hoàng Quảng Uyên

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (tên khai sinh là Hoàng Dương Quý), sinh ngày 27/9/1950 tại làng Pác Cam, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Ông là người dân tộc Nùng. Bút danh Hoàng Quảng Uyên được lấy từ họ Hoàng ghép với tên huyện Quảng Uyên (nơi ông được sinh ra).

Hoàng Quảng Uyên đã từng theo học trường cấp 1 và cấp 2 tại trường huyện Quảng Uyên. Vốn là một học sinh thông minh, học giỏi nên khi học hết cấp 2, ông thi đỗ vào lớp chuyên Toán của tỉnh Cao Bằng. Thời gian sau đó (từ năm 1968 đến năm 1972), ông thi đỗ và vào học khoa Vật Lý trường Đại học sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên). Trong quá trình học tại trường Sư phạm, tuy theo học khối khoa học tự nhiên nhưng ông lại có niềm say mê đặc biệt đối với văn học. “Máu nghề nghiệp” sáng tác văn chương trong Hoàng Quảng Uyên được khơi nguồn từ đó. Vì xuất phát từ việc học khoa học tự nhiên nên Hoàng Quảng Uyên chịu ảnh hưởng sâu sắc của lối tư duy khoa học, chính xác. Ông đã vận dụng một cách khéo léo những kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên vào trong các sáng tác của mình. Do đó, những bài phóng sự của ông đều đảm bảo độ chân thực đến tận cùng của vấn đề mà không hề né tránh. Chính vì thế, những tác phẩm do ông sáng tác có nhiều điểm khác biệt so với nhiều nhà văn khác cùng thời.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông trở thành một nhà giáo có kiến thức chuyên môn vững vàng, lối giảng dạy dí dỏm và đặc biệt rất yêu thương học sinh và tôn trọng đồng nghiệp. Hơn 7 năm (từ năm 1973 đến năm 1980) gắn bó với sự nghiệp giáo dục và với các em học sinh, người thầy mẫu mực Hoàng Quảng Uyên đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ phía đồng nghiệp và lớp lớp thế hệ học sinh. Ông đã từng dành nhiều tâm huyết với nghề dạy học nhưng do hoàn cảnh xã hội, do niềm say mê khám phá đời sống xã hội trong ông quá lớn nên ông quyết định tìm một hướng đi mới, một ngã rẽ mới, mặc dù tình yêu với ngành giáo dục vẫn còn sâu đậm. Do đó, từ năm

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 20/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí