Tiểu thuyết Đội Gạo Lên Chùa của Nguyễn Xuân Khánh trong thành tựu văn chương thời đổi mới - 12

rộng biên độ phán ánh hiện thực đời sống nên cuộc sống hiện lên phong phú nhiều chiều hơn thế giới nội tâm nhân vật. Kết cấu đan lồng đảm bảo cho tác phẩm văn học trở thành một cấu trúc đa tầng, thậm chí một tác phẩm văn học có nhiều chủ đề cùng tồn tại. Bất cứ cuốn tiểu thuyết nào dù ít hay nhiều cũng đều xuất hiện kiểu kết cấu này. Kết cấu đan lồng có khả năng biến tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết có dung lượng lớn, quy mô lớn trở thành hợp xướng nhiều bè. Đọc bộ ba tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói chung và Đội gạo lên chùa nói riêng, ta thấy nổi lên hai kiểu kết cấu đan lồng: truyện lồng trong truyện và đan lồng thể loại. Đằng sau câu chuyện lịch sử của làng Sọ, chùa Sọ còn là câu chuyện thăng trầm của Phật giáo Việt Nam ở thế kỉ XX. Số phận long đong, lận đận của các nhân vật thiền sự Vô Úy, sư bác Khoan Độ, sư Vô Trần, Nguyệt, An, Hải…được nhà văn tái hiện khá rõ qua lời kể của người kể chuyện hoặc chính hồi tưởng của nhân vật. Tuy nhiên trục chính của câu chuyện vẫn là cuộc đời và số phận của hai chị em Nguyệt và An. Hai câu chuyện này hòa quyện, đan cài vào nhau để cùng làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Chùa Sọ là trung tâm tâm linh của làng Sọ, nơi Nguyệt và An trưởng thành từ đây nên mọi biến động của lịch sử tác động tới chùa Sọ đều tác động, ảnh hưởng đến cuộc đời An và Nguyệt. Từ việc thực dân Pháp nghi ngờ chùa Sọ che giấu Việt Minh đến việc Đoàn ủy cải cách ruộng đất xếp chùa Sọ vào thành phần phản động bắt sư đi cải tạo, và trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, sư An đi bộ đội tham gia bảo vệ Tổ quốc. Chính sự đan lồng của nhiều câu chuyện dựa trên trục chính khiến người đọc bị dẫn vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, đắm chìm trong số phận dân tộc, số phận con người trước dòng chảy lịch sử. Ngoài kết cấu truyện lồng trong truyện, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh còn có kết cấu đan lồng thể loại. Sự pha trộn thể loại thơ, huyền thoại, ca dao…vào tiểu thuyết giúp cho cấu trúc tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trở nên phức hợp. Thực ra trong tiểu thuyết cổ điển không ít nhà văn đã có ý thức dung chứa nhiều thể loại nhằm phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng. Và trong tiểu thuyết hiện đai, việc đan cài nhiều thể loại khác nhau như đoạn thơ,

đoạn kịch hay tiểu luận đã trở thành một xu hướng phổ biến như trong tiểu thuyết của Phạm Thi Hoài, Nguyễn Bình Phương…Trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mượn lời ca dao xưa để làm nhan đề, nhà văn cũng dẫn dụ người đọc vào thế giới nghệ thuật do mình tạo ra, một thế giới mang đậm màu sắc tôn giáo, thấm đẫm tinh thần Phật tính. Lời ca dao được trở đi trở lại qua lời của những đứa trẻ làng Sọ khi giễu cợt Căn và Huệ: Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. Ý tứ của câu ca dao đã hé lộ một câu chuyện tình yêu thú vị và tai tiếng nhất trong tác phẩm, đồng thời hé mở chủ đề, tư tưởng của cuốn tiểu thuyết.

3.2.5. Kết cấu lưỡng phân

Ngoài kiểu kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu đan lồng, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa còn có kết cấu lưỡng phân. Kết cấu lưỡng phân là kiểu kết cấu nổi bật trong văn học truyền thống khi xây dựng hệ thống nhân vật ở hai tuyến đối lập theo kiểu tốt - xấu, thiện - ác, ta - địch. Kết cấu này cũng rất phổ biến trong tiểu thuyết giai đoạn 1945- 1975 do yêu cầu của thời đại cách mạng. Thuộc về lớp nhà văn sau thời kì đổi mới nhưng bằng lối viết mang màu sắc cổ điển, Nguyễn Xuân Khánh vẫn tiếp nối mạch truyền thống khi xây dựng nhân vật ở hai bên chiến tuyến: ta - địch, thiện - ác. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh trong bộ ba: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa nói chung và Đội gạo lên chùa nói riêng. Lấy cảm hứng từ sự thăng trầm từ Phật giáo trong đời sống dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX nên xung đột Thiện - Ác nổi lên như một bình diện chính và lồng ghép trong đó xung đột ta - địch cũng không kém phần gay gắt. Tuyến thiện gồm: sự cụ Vô Úy, sư Vô Trần, chú tiểu An, Nguyệt, thầy Hải, bà Nấm, Huệ…Tuyến ác chủ yếu là bọn thực dân Pháp và tay sai như: Bernard, Thalan, Gustave, quản Mật…Mọi biến động, xung đột dều liên quan đến ngôi chùa Sọ - ngôi chùa mà chủ yếu phía ta đi ra từ đó và ít nhiều phía địch có sự dính dáng như mẹ Thalan là người sùng đạo, mẹ Bernard nhờ lộc nhà chùa mà làm ăn phát đạt, cha quản Mật - cụ chánh Long là học trò của sư tổ Vô Chấp. Sức hấp

dẫn của kết cấu lưỡng phân chính là ở chỗ nó tạo cho mạch kể trong tác phẩm sự rõ ràng, dễ hiểu, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm cũng từ đó sáng rõ hơn.

Tuy nhiên, nét mới mẻ, hiện đại trong kết cấu lưỡng phân trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đó là ý thức phá vỡ tính lưỡng phân bằng cách tạo ra sự phân hóa trong từng tuyến nhân vật để những xung đột trở nên phức tạp khó lường. Nói cách khác nhà văn đã cố gắng làm giảm tính không đội trời chung của hai tuyến dựa trên tinh thần dân chủ để thấu hiểu hiện thực và con người thay cho sự kết án. Như đại úy Thalan - một người Pháp có cái tâm cao thượng. Ông muốn tiến hành một cuộc chiến tranh văn minh, đem lại vinh dự và vinh quang cho nước Pháp. Còn Gustave là người lính mang tinh thần phản chiến. Anh cảm thấy cô đơn trong hàng ngũ của mình, cảm thấy xấu hổ và buồn khổ khi phải thực hiện mệnh lệnh đối với người dân vô tội. Tên Tây lùn Bernard độc ác, tàn bạo nhưng thân phận hắn ít nhiều cũng gợi sự cảm thương bởi xét đến cùng hắn chỉ là nạn nhân mắc kẹt giữa những thù hận, những mâu thuẫn giữa hai dòng máu mà không sao có thể hóa giải được.

Như vậy vẫn bắt vào mạch truyền thống khi xây dựng kết cấu lưỡng phân nhưng trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lần lượt phá vỡ cấu trúc lưỡng phân đó bằng việc soi rọi nhân vật từ nhiều phía, nhiều chiều, thâm nhập, khám phá thế giới bên trong để tìm ra con người không trùng khít với chính nó. Chính vì vậy càng có sự va đập, đối chọi, trải nghiệm thì con người trong tác phẩm càng trở nên chân thật hơn, sống động hơn.

Đánh giá một cách toàn diện, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa là tác phẩm được viết theo mạch cổ điển nhưng có những cách tân nghệ thuật theo hướng hiện đại. Mặc dù thời hiện đại, sự đổi mới, cách tân của thể loại tiểu thuyết đang diễn ra rất mạnh mẽ nhưng sức hấp dẫn của những tiểu thuyết cổ điển như: Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung Sông Đông êm đềm của Sô- lô- khốp, Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi …là điều không thể phủ nhận. Dựa trên mạch ngầm là tiểu thuyết cổ điển song với Đội gạo lên chùa, nhà văn

Nguyễn Xuân Khánh vẫn thể hiện những cách tân, đổi mới theo hướng hiện đại của tiểu thuyết đương đại về kết cấu. Với những giá trị tiếp thu từ truyền thống và những đổi mới theo xu hướng của tiểu thuyết đương đại, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã làm nên một tác phẩm có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ trang đầu đến trang cuối.

3.3. Ngôn ngữ phong phú và sống động

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên tạo nên một tác phẩm văn học. Ngôn ngữ trong tất cả tính thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ là phương tiện để cụ thể hóa và vật chất hóa sự biểu hiện chủ đề và tư tưởng tác phẩm, tính cách nhân vật và cốt truyện…Chính vì thế mà không có ngôn từ thì không có tác phẩm văn học, phi ngôn ngữ bất thành văn. Nguyễn Tuân đã từng viết “ Nghề văn là nghề của chữ- chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu. Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”. M. Gorxki cũng đã khẳng định: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của tác phẩm văn học”. Việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào chính là sự khẳng định tài năng cũng như vốn chữ, vốn hiểu biết của mỗi một nhà văn. Với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh đã giúp người đọc thấy được một kho tri thức, một bề dày về văn hóa, một trải nghiệm sống sâu sắc và sự am hiểu ngôn ngữ Việt cũng như tài năng sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Và khi xét đến ngôn ngữ trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa ta cần quan tâm đến: ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại. Mà mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm là ngôn ngữ của nhà Phật, ngôn ngữ của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ, ngôn ngữ kể và tả và ngôn ngữ dựng nhân vật của tác giả.

3.3.1. Ngôn ngữ người kể chuyện

Tiểu thuyết Đội Gạo Lên Chùa của Nguyễn Xuân Khánh trong thành tựu văn chương thời đổi mới - 12

Ngôn ngữ kể chuyện là ngôn ngữ của người đóng vai trò kể chuyện. Người kể chuyện phải là người biết chuyện, trải qua hoặc chứng kiến để kể lại. Người kể chuyện không nhất thiết phải là tác giả mà có thể là nhân vật. Trong

tác phẩm tự sự, ngôn ngữ của người kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hệ thống ngôn ngữ thành một cơ cấu hoàn chỉnh, thống nhất, thậm chí còn tham gia vào kết cấu của tác phẩm. Đối với nhà văn, ngôn ngữ của người kể chuyện trở thành phương tiện đánh giá các nhân vật, xác định các tính cách chung và miêu tả các sự kiện của đời sống. Là phương tiện bộc lộ chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Trong một tác phẩm cũng có thể có một hoặc nhiều nhân vật kể chuyện với cá tính riêng, độc đáo.

Trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, có sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất xưng Tôi - chính là chú tiểu An. Người kể chuyện ngôi thứ ba giấu mặt nhưng là người đứng ngoài quan sát và biết toàn bộ câu chuyện. Còn An, người xưng tôi là người trực tiếp chứng kiến, trải qua và chiêm nghiêm, suy nghĩ để ngộ ra những chân lí về cuộc đời. Với nhân vật kể chuyện như vậy, ta thấy nội dung cốt truyện hiện lên vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan.

Tiểu thuyết lịch sử cho người đọc thấy được thời gian, không gian và các biến cố của các sự kiện lịch sử nên ngôn ngữ của người kể chuyện cũng mang tính chất thông báo: cuộc đảo chính mồng chín tháng 3 năm 1945; năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, Cách mạng tháng tám năm 1945, năm 1946, năm 1947, năm 1950 quân Pháp tấn công lần hai, năm 1954 giải phóng thủ đô…Người kể chuyện cũng dùng những từ ngữ định danh dựa vào các thời kì lịch sử như: Việt Minh, du kích, Tây đen, lý trưởng, đấu tố, tố khổ, đồng đội, đồng chí

Người kể chuyện ngôi thứ ba đứng bên ngoài quan sát nên rất khách quan. Khi lí giải về sự độc ác, hung bạo của Tây lùn Bernard, người kể chuyện ngôi thứ ba, vô xưng nói: Người ta lí giải rằng: “khi một người lính đi xâm chiếm phối kết hợp với một người đàn bà thuộc địa, thì đứa con sinh ra sẽ là một bãi chiến trường cho cuộc tranh chấp giữa dòng máu nội và dòng máu ngọai. Nếu phía người mẹ thắng người con sẽ đứng về phía ngoại. Nếu phía người cha giành giật được, đứa con sẽ trở thành kẻ chống lại bầu sữa đã nuôi nấng nó một cách điên cuồng. Hắn cố phủ nhân người mẹ. Và để lấy lòng

người cha, hắn sẽ không từ một thủ đoạn nào. Hắn ghê tởm dòng máu người mẹ mà hắn đang mang trong huyết quản. Hắn cực kì nguy hiểm, bởi vì hắn từ trong lòng mẹ chui ra, hắn biết tất cả những gì thuộc về người mẹ. Bernard thuộc về trường hợp này” [27, 70]. Đối lập với tính cách bạo tàn của Bernard, khi kể về Thalan, tên đại úy phòng nhì thì nhân vật này hiện lên: “trọng sự trung thực, lương thiện và danh dự. Tính quân nhân và tính quý tộc là hai điều thấy rõ nơi ông” [27, 36]. Hay khi nói về sự hiểu biết đối với đạo Phật, người kể chuyện ngôi thứ ba nói: “Hai chữ từ bi dù sao cũng được nhiều người mang giữ mặc dù nó mang thiệt vào thân. Nhưng nếu hai chữ ấy mất đi hoàn toàn chắc chắn con người sẽ rơi vào thời kì mông muội. Thiếu nó con người sẽ chẳng là con người” [27, 384].

Đặc biệt, nhân vật An - ngôi số một xưng tôi là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc dẫn dắt câu chuyện. Với cách xưng tôi, tâm trạng của chú bé An được thể hiện một cách sâu sắc, đặc biệt là khi hồi tưởng lại về quá khứ của mình. Người đọc bắt gặp nhiều từ cảm thán trong ngôn ngữ của người kể chuyện như: buồn thay!, ôi chao!, trời ơi!…với lớp ngôn ngữ đặc tả, cái ác hiện lên thật cụ thể và chân thực. Đề tài chiến tranh và cải cách ruộng đất không còn là đề tài mới mẻ, nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không ngần ngại nói ra thậm chí nói ra một cách rất chân thực những thực tế mà một thời dài, người ta ngại nói đến. Khi nói về cảnh tra tấn thầy giáo Hải “Cái đầu lâu bị kéo mạnh văng ra, đập vào mặt hắn làm mặt hắn nhoe nhoét máu. Cái thân hình mất đầu máu phun ra thành vòi. Cái vòi máu đó theo nhịp tim, lúc lên cao lúc xuống thấp. Người đứng xem có thể cảm nhận được nhịp đập của con tim qua luồng máu chảy. Còn cái đầu lâu của thầy giáo Hải đã lìa khỏi cổ mà đôi mắt vẫn chớp chớp và đôi môi vẫn còn mấp máy” [27, 421- 422]. Hay khi miêu tả cảnh hành hình địa chủ chánh Long “bị treo ngược cái lưng bán cho trời, cái mặt cúi xuống đất…cái bụng cong thõng xuống. Hai khuỷu tay kéo lên khỏi lưng trông như hai cái càng châu chấu. Cái thân người, đôi chân, đôi tay bị trọng lượng kéo xuống gần như bất động. Chỉ còn cái đầu là vẫn tự do hoạt động” [27, 540-

541]. Khủng khiếp hơn nữa là khi miêu tả cảnh tra tấn anh Tân và thầy giáo Hiếu vì bị cho rằng thực sự phạm tội. Họ bị bắt xuống ngâm mình dưới hố phân người trong vòng nửa giờ, khi hai phạm nhân bước xuống “Người ta thấy hai cái đầu trọc của hai người trắng xóa. Cái gì ngoe nguẩy thế kia? Trời ơi!... Những con dòi!Những con vật nhỏ bé trắng nhởn, bóng nhẫy từ trong kẽ nứt chui lên. Lũ sinh vật ngoe nguẩy lúc nhúc sao mà lắm thế. Những tiếng kêu thét của hai người làm ta sởn tóc gáy” [27, 609]. Bằng ngôn ngữ đặc tả, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đó là nhân tố đổi mới tư duy tiểu thuyết. Nhà văn không bộc lộ thái độ tố cáo, phanh phui tội ác mà người đọc vẫn thấy sự đau xót khi nhìn nhận về một thời kì lịch sử đã lùi vào quá khứ.

Ngôn ngữ người kể chuyện trong Đội gạo lên chùa cũng đầy chất lãng mạn khi miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên. Đó là cảnh màu lúa chín, mùa hoa dẻ, cảnh hoàng hôn Tây Nguyên, cảnh bình minh ở Trường Sơn: “Mặt trời lúc này mới chịu nhô lên khỏi dãy núi, lấp ló sau màn sương đục. Ánh sáng và sương đùa giỡn nhau, tạo ra một bầu trời và quang cảnh núi non cực kì mĩ lệ. Thiên nhiên như một họa sĩ vẽ rồi lại xóa. Gió thổi, sương tan. Một đám mây xa xa được ánh mặt trời núp ở phía sau biến thành một đám mây ngũ sắc. Dãy núi xanh bỗng nhiên đổi màu. Cả một vạt rừng bao la bỗng long lanh, cánh rừng như được nhìn qua một chiếc kính vạn hoa” [27, 788]. Không chỉ chú ý vào những biến cố, sự kiện lịch sử mà người kể chuyện vẫn có những giây phút cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên xứ sở. Với ngôn ngữ trữ tình đằm thắm người kể chuyện đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn độc giả với tác phẩm.

Sự đan xen, hòa quyện nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật cũng được bộc lộ rất rõ trong tác phẩm Đội gạo lên chùa. Nhiều khi chúng ta khó có thể phân biệt đâu là ngôn ngữ nhân vật đâu là ngôn ngữ người kể chuyện. Chẳng hạn như “Ông cử Mậu là nhà nho thuần khiết. Ông cũng không cực đoan tới mức bài xích đạo Phật. Tuy nhiên ông tin tưởng vào sự nhập thể tích cực của đạo Nho. Muốn thương yêu đồng loại ư? Hạn

phúc cho mọi người ư? Thế thì hãy ở giữa cõi đời này mà sống. Can chi mà phải xa lánh trần gian” [27, 256].

Có thể thấy, sự song hành và bổ trợ giữa hai vai kể trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh. Qua ngôn ngữ của người kể chuyện đã cho ta thấy trường nhìn, quan điểm của nhà văn về sức sống bền vững của văn hóa Phật giáo trong tâm hồn người Việt trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phản ánh về cuộc sống của nhân dân làng Sọ- một ngôi làng nhỏ năm dưới chân núi Tam Đảo, có con đường độc đạo nối ra thủ đô Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài của dân tộc từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, qua cuộc cải cách ruộng đất đến kháng chiến chống Mĩ và những năm đầu hòa bình thống nhất đất nước dựa trên mạch ngầm tư tưởng là Phật giáo. Chính vì thế mà đọc tác phẩm người đọc thấy ngôn ngữ của người kể chuyện là ngôn ngữ dựa trên đặc trưng của ngôn ngữ nhà Phật, ngôn ngữ của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ.

Ngôn ngữ nhà Phật được thể hiện khá đậm nét trong các trang viết của cuốn tiểu thuyết Đội gạo lên chùa. Những từ ngữ thể hiện triết lí và hành động nhà Phật như: tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả, bài học, tụng kinh, niệm phật, gõ mõ…hay niệm hồng danh đức Phật, độc hành, nghiệp, từ bi, bồ tát Quan Thế Âm, Đức Thế Tôn, vô úy, vô ngôn, tùy duyên…Những từ ngữ nói về không gian của Phật giáo như: đền, miếu, am, chùa…giúp người đọc như được sống trong không khí tôn nghiêm và linh thiêng của nhà Phật.

Ngôn ngữ của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ cũng được thể hiện rất rõ qua việc miêu tả lối sống, hành động, tính cách của các nhân vật. Cách xưng hô: thầy- bu thay cho cha- mẹ, chiếc khăn vuông, quần áo nâu sồng…

Có thể thấy, ngôn ngữ của người kể chuyện dựa trên ngôn ngữ của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ và ngôn ngữ của nhà Phật đã góp phần làm nổi bật lịch sử dân tộc Việt Nam trong suốt một thời kì dài ở thế kỉ XX. Cùng với biết bao biến động lịch sử ấy là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt dựa trên

mạch ngầm Phật giáo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/02/2023