Nhân danh tài hoa, con người muốn phá bung cái lồng chật hẹp, “quyết xoay bạch ốc lại lâu đài” (Tài tử đa cùng phú – Cao Bá Quát). Mang tài hoa ra để “chơi cho lịch” là một cách khả dĩ tách mình ra khỏi người khác, giải thoát bản thân khỏi chiếc lồng. “Hành lạc” cũng là một cách để quên đi sự trôi chảy nhanh chóng đến phi lý của thời gian:
Thiều dương bất trú xuân tam nguyệt, Mỹ tửu tu cô đẩu thập thiên.
Liệu đắc cố nhân đồng thử ý,
Mạc tương tiều tụy quá thanh niên.
(Mộ xuân thư hoài ký Kiều Niên, kỳ 2 – Nguyễn Án) (Nắng xuân đẹp đâu có trụ lại đủ ba tháng,
Rượu ngon nên mua trữ vạn đấu (uống chơi) Nghĩ rằng bạn cũ cũng cùng chung ý tưởng,
Đừng để tuổi thanh xuân trôi qua trong tàn tạ.) [184, tr.448]
(Cuối xuân tả nỗi lòng gửi Kiều Niên, bài 2) Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy đã nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời, Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
(Uống rượu tiêu sầu bài 1 – Cao Bá Quát) [115, tr.73]
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể.
(Chữ nhàn – Nguyễn Công Trứ) [33, tr.126]
Như vậy, tham gia vào cuộc đời, nhà thơ là người chơi, văn chương là nơi cái tôi tài năng thoát khỏi sự giam hãm của lối sống bình thường, muôn người như một. Văn chương được dùng để lập thân dương danh: “Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung – Làm cho rõ tu mi nam tử” (Chí nam nhi) nhưng cũng là “đồ thích chí” trong cuộc chơi tiêu dao sau khi trả xong nợ làm trai:
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
(Cầm kỳ thi tửu, bài 2) [33, tr.66]
Xem văn chương như là sự chơi không có nghĩa đồng nhất văn chương với trò giải trí tầm thường. Dưới áp lực của một thiết chế luôn đặt văn chương trong vòng trói buộc của những quy tắc quá mức nghiêm khắc, cứng nhắc, sự tiếp cận văn chương từ bản chất trò chơi tạo điều kiện cho tác giả thoát khỏi cái thường nhật, tìm kiếm cái tôi chân thật. Một luật lệ đặc biệt của trò chơi là người tham gia phải giả trang hoặc đeo mặt nạ. Mỗi người sẽ là một thực thể khác, không đồng nhất với cái anh ta “đương là” mà đóng vai nhân vật anh ta “muốn là” hoặc “sẽ là”. M. Bakhtin từng phân tích trong lễ hội carnival, con người mang lên chiếc mặt nạ, và khi không người nào nhận biết đấy là ai, họ tự do thực hiện những hành vi mà ngày thường vẫn che giấu. Những sự chơi khác, như văn chương, có thể được tiến hành theo phương thức như thế. Khuyết danh là một loại “mặt nạ”. Chẳng hạn, Ngô Thì Sĩ nhân lúc dạo chơi đọc được một bài thơ viết trên lầu Trấn Quốc, dưới viết “Quỳnh Lâm động chủ mạn đề”. Không ai rõ Quỳnh Lâm động chủ là ai. Ông phỏng đoán tác giả hẳn là bậc tài mĩ, “đa tình”, nên viết Bài ký Quỳnh Lâm động chủ:
“Tôi nghĩ, động chủ xưng là Dương Nga ý hẳn là bậc tài mĩ năm trăm năm trước, được tinh hoa chung đúc, có cốt cách bậc thi gia, tính linh không mờ, du hồn như còn sống. Ngẫu nhiên chơi dưới trăng, trước gió, cảm nay nhớ xưa, tình hiện thành thơ, để lại trên lầu, bày tỏ cùng các văn nhân trong nước. Nếu họa không hay, e sẽ bị vong hồn đa tình cười cho.” [184, tr.281]
Người biên soạn Tổng tập văn học Việt Nam đoán rằng bài ký “phản ánh phần nào những hoài vọng và thất vọng của tầng lớp nữ lưu thế gia vọng tộc đương thời đã chán ngán trước cảnh sống tẻ nhạt vô vị chốn lầu son gác tía và muốn tìm hạnh phúc đích thực của đời người” [184, tr.282].
Tuy quan niệm văn chương như là sự chơi không phát triển thành hệ thống lý luận nhưng sự tồn tại của nó đã làm thay đổi mã văn hóa, mã thẩm mỹ trong nhận
thức của tác giả hậu kỳ trung đại. Chỉ khi tác giả trút bỏ được chiếc áo phận vị, nhìn cuộc đời và văn chương qua lăng kính sự chơi thì mọi nỗi lòng sâu kín nhất mới được bộc phát: “Muốn hát cứ hát, muốn khóc cứ khóc – Hồn nhiên như lòng đứa trẻ mới sinh” (Túy ngâm – Ngô Thì Điển).
Tóm lại, nhà văn không chỉ là người thực hành đạo mà còn tự thể hiện mình như một thực thể với những giá trị riêng. Phân biệt tài năng nghệ thuật và năng lực học vấn, đề cao “tài” và “tình” thay vì “chí”, nhiều tác giả khẳng định cá tính và tình cảm chân thực mới là những phẩm chất tối quan trọng của người viết. Điều này sẽ chi phối việc lựa chọn, xử lý ngôn ngữ và thể loại của tác giả, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của văn học.
2.2.2. Ý thức về cách đọc “hướng tình” trong quá trình tiếp nhận
Đối với văn học trung đại, tiến hành khảo sát xã hội học về loại hình độc giả là không khả thi. Tuy vậy, căn cứ vào tác phẩm, chúng tôi nhận thấy được hướng tiếp nhận của một loại hình độc giả đặc biệt: độc giả đồng thời cũng là tác giả. Theo lý thuyết tiếp nhận, mỗi cá nhân đều có “chân trời đón đợi” của riêng mình. Nhưng phía sau người đọc cá nhân còn có một thiết chế khác chi phối cách đọc. Stanley Fish gọi đó là cộng đồng diễn giải (interpretive community). Đối với quan niệm của Stanley về vai trò của cộng đồng diễn giải trong việc tạo nghĩa, giới nghiên cứu có nhiều cách kiến giải, cả đồng tình lẫn phản bác [42]. Trong chừng mực nhất định, chúng tôi vận dụng khái niệm này để gọi một cộng đồng mà ở đó có sự tồn tại của những quy ước chung về cách diễn giải và đánh giá tác phẩm văn học. Những quy ước ấy là mạng lưới liên kết các thành viên nhưng mỗi thành viên không nhất định chỉ thuộc về một cộng đồng diễn giải.
Suốt nhiều thế kỷ, trí thức Nho học đã tạo thành một cộng đồng diễn giải đầy quyền uy. Trường học Nho giáo là nơi xây dựng nên hệ thống các quy ước quy định cách đọc. Năm Canh Tuất Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu. Phan Phu Tiên ca ngợi Văn Miếu, đồng thời tuyên bố về đạo và đức như là thước đo giá trị văn chương:
Thần minh dòng trước nẻo Thang Thương,
Thơ ngọc làu làu sớm ứng tường. Đức cả hồn toàn so Thái cực,
Đạo màu tinh túy sánh tam quang.
(Vịnh Văn Miếu thành Thăng Long) [18, tr.30]
Đến thế kỷ XVIII – XIX, cộng đồng diễn giải này vẫn chi phối văn đàn với cách đọc lấy đạo lý Nho giáo làm trung tâm. Nhưng quyền uy ấy theo tiến trình vận động của văn học trung đại mất đi vị thế độc tôn trước sự góp mặt của nhân tố mới, cách đọc mới.
Chân dung người đọc là trí thức Nho học giai đoạn hậu kỳ xuất hiện sự biến hóa. Vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi tự họa nên bức tranh người đọc tách biệt bụi trần, hòa mình vào thế giới thi thư chứa chan niềm vui từ suối nguồn đạo lý:
Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân Trúc rợp hiên mai quét tục trần. Nghiệp cũ thi thư hằng một chức, Duyên xưa hương hỏa, tượng ba thân.
(Ngôn chí 11) [115, tr.52]
Ấy là người đọc của kinh sách giáo huấn. Còn Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII – XIX qua Độc Tiểu Thanh ký lại vẽ nên trước mắt chúng ta bức chân dung người đọc đắm mình giữa thế giới truyện ký, say mê cùng những áng phong lưu kim cổ:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
(Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi,
Ta chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có linh hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết, Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi còn sót lại vài phần.) [39, 172 - 173]
Độc Tiểu Thanh ký đã làm tốn bao giấy mực của người đời sau. Với nỗ lực truy tìm tư liệu về Tiểu Thanh, các nhà nghiên cứu như Nguyễn Quảng Tuân, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi… đã lần lượt công bố Tiểu Thanh truyện trong các thư tịch cổ Trung Hoa như Nữ Liêu trai chí dị, Ngu sơ tân chí, Tình sử. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Daria Berg trong công trình Nữ giới và thế giới văn chương Trung Hoa tiền hiện đại, 1580 - 1700 (Women and the Literary in Early Modern China, 1580 - 1700), bản tiểu sử sớm nhất về Tiểu Thanh xuất hiện khoảng năm 1612 đến 1624 trong tập sách Lục song nữ sĩ được biên soạn bởi Tần Hoài Ngụ Khách. Bản này sau đó được Phùng Mộng Long viết lại kèm theo lời bình trong Tình sử. Trong nhiều bản truyện về Tiểu Thanh, đặc biệt có một vở kịch mang tên Phong lưu truyện do Chu Kinh Phiền biên soạn. Chưa rõ Nguyễn Du biết đến Tiểu Thanh từ bản truyện nào. Điều các nhà nghiên cứu cùng thống nhất là Độc Tiểu Thanh ký nói lên tiếng lòng thương xót mà Nguyễn Du dành cho một kiếp người tài hoa bạc mệnh. Chúng tôi muốn suy nghĩ thêm về ý nghĩa của việc Tố Như tiếp nhận câu chuyện Tiểu Thanh. Tiểu Thanh đối với lịch sử văn học Trung Hoa không chỉ là người con gái bạc mệnh để lại tập thơ bị đốt dở. Nàng đại diện cho kiểu độc giả mới đời Minh: các cô gái trẻ có học vấn ở đô thị yêu thích truyện diễm tình. Tên của nàng được lý giải là ghép từ hai chữ tiểu và thanh thành ra chữ tình. Lúc còn sống, nàng thích đọc Mẫu đơn đình. Đây là một vở kịch nổi tiếng do nhà soạn kịch thời Minh là Thang Hiến Tổ viết năm 1598 kể lại chuyện tình của Đỗ Lệ Nương. Đỗ Lệ Nương gặp gỡ và yêu một người trong mộng, cuối cùng vì tương tư mà mất. Người yêu của nàng, Liễu Mộng Mai, giúp nàng trở về từ cõi chết. Kết cục người có tình thành giai ngẫu, sống hạnh phúc bên nhau. Một trong những bài thơ còn sót lại của Tiểu Thanh ở tập Phần dư biểu lộ niềm thương tâm vì Mẫu đơn đình:
Lãnh vũ u song bất khả thinh,
Khiêu đăng nhàn khán Mẫu đơn đình. Thế gian diệc hữu si ư ngã,
Khởi độc thương tâm thị Tiểu Thanh?”
(Tứ tuyệt kỳ 5)
(Song lạnh mưa rên nghe chẳng nỡ, Khêu đèn nhâm nhá Mẫu đơn đình Si tình có kẻ còn hơn thiếp
Đâu chỉ đau lòng một Tiểu Thanh?)
(Bản dịch của Nguyễn Khắc Phi) [166, tr.89]
Cà cuộc đời Tiểu Thanh theo đuổi chữ tình. Quy ước để nàng đánh giá, diễn giải văn chương vẫn nằm trong chữ tình ấy. Như vậy phải chăng đến với truyện Tiểu Thanh, Tố Như đọc thấy không chỉ là một câu chuyện thương tâm mà ông còn tìm kiếm ở đó một cách diễn giải văn học vượt ngoài cái thiết chế dùng đạo lý làm tiêu chuẩn.
Không riêng Nguyễn Du, nhiều nhà nho Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX rất quan tâm đến tiểu thuyết tài tử – giai nhân Trung Hoa, lấy đó chất liệu cho sáng tác của họ, chẳng hạn:
Bảng 2.1. Truyện thơ Việt Nam và tiểu thuyết Trung Hoa
Tiểu thuyết Trung Hoa | |
Song Tinh (Nguyễn Hữu Hào) | Định tình nhân |
Hoa tiên truyện (Nguyễn Huy Tự) | Hoa tiên ký |
Tây sương (Lý Văn Phức hoặc Nguyễn Lê Quang) | Tây sương ký |
Ngọc Kiều Lê tân truyện (Lý Văn Phức) | Ngọc Kiều Lê tiểu truyện |
Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du) | Kim Vân Kiều truyện |
Nữ tú tài truyện (Khuyết danh) | Nữ tú tài di hoa tiếp mộc |
Nhị độ mai (Khuyết danh) | Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai |
Phan Trần (Khuyết danh) | Ngọc Trâm ký |
… |
Có thể bạn quan tâm!
- Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 10
- Sự Vận Động Trong Ý Thức Về Mối Quan Hệ Giữa Tác Giả, Tác Phẩm Và Người Đọc
- Đề Trần Thận Tư Học Quán Thứ Phương Đình Vận, Kỳ 1 (Đề Học Quán Của Trần Thận Tư Theo Vần Của Phương Đình,bài 1)
- Sự Vận Động Trong Ý Thức Về Các Chức Năng Nghệ Thuật
- Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 15
- Sự Biến Đổi Về Ngôn Ngữ Nghệ Thuật
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
Lời bình Đào hoa mộng ký nhắc đến Tây sương ký, Tỳ bà ký, Phong tình lục… với tình cảm ưu ái. Tương Giang Mai Cát Phủ hết mực đề cao Tây sương ký: “Tây sương là quyển sách cẩm tú tài tử” [224, tr.198]. Các nam tác giả Việt Nam tỏ
ra quan tâm, yêu thích loại truyện kể về một chàng trai trẻ nỗ lực vượt qua khó khăn sánh duyên cùng người con gái tài sắc vẹn toàn. Tình hình tiếp nhận ấy khác với Triều Tiên, nơi tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc chủ yếu dành cho nữ giới, ban đầu là cho phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc. Những tác giả nam đầu tiên ở Triều Tiên dịch hoặc viết lại tiểu thuyết Trung Quốc đều hướng đến độc giả nữ. Và nếu họ viết tiểu thuyết bằng quốc ngữ (Hangul) thì tên tuổi của họ được giữ bí mật21. Ở Việt Nam, các nhà nho như Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du… đều dùng tên thật cho truyện thơ của mình. Qua tác phẩm Song Tinh, Nguyễn Hữu Hào bộc lộ niềm vui thưởng thức quyển tiểu thuyết tài tử giai nhân Định tình nhân một cách khá thoải mái:
Cửa xe đài án việc rồi,
Màn trong giảng kể sách ngoài dọn biên.
Hơi đâu nông nổi chê khen,
Chấp kinh mặc thích, tòng quyền dầu ai.
Cũng sanh nhúc nhúc dưới trời, Khỏi loài rằng lạ, hơn người rằng ngoan.
Định tình biết đủ mới an.
Trải từng sự vật mấy trang anh hùng.
[69, tr.21-22]
Hồi thứ nhất của Định tình nhân mở đầu bằng một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, trong đó có nhắc đến “tính” và “tình”, hai phạm trù cơ bản của thuyết Tính linh:
Hiếu sắc nguyên kiêm tính dữ tình, Cổ kim nhân dục hiểm nan bình.
(Mê sắc vốn là gồm cả tính và tình,
Lòng ham muốn của con người xưa nay khó mà đè nén.)
(Đ.A.T dịch) [322]
21 Xem them Phụ lục 1.
Từ cuối thế kỷ XVII, quan niệm đề cao sự biểu đạt tính tình, tức biểu đạt tình cảm chân thật và cá tính của con người, đã thâm nhập vào văn học Việt Nam. Tiểu thuyết là con đường giúp quan niệm này phổ biến trong giới nho sĩ – đối tượng vừa là người đọc vừa có khả năng sáng tác.
Tương tự, qua những dòng đầu tiên của Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du nhắc đến việc đọc truyện phong tình:
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. [40, tr.5]
Nguyễn Hữu Hào hay Nguyễn Du tìm được ở tiểu thuyết tài tử – giai nhân những ý nghĩa vượt ra phạm vi câu chuyện tình yêu. Họ đọc tác phẩm theo cái “mã” riêng của mình. Nguyễn Hữu Hào tâm đắc với khía cạnh anh hùng của trang nam tử trong Định tình nhân. Nguyễn Du đọc Kim Vân Kiều truyện qua ý thức về nỗi đau đớn kiếp người phi lý. Đấy cũng chính là nguồn cảm hứng xuyên suốt hệ thống tác phẩm của Tố Như.
Trong hoạt động phê bình thuộc giai đoạn hậu kỳ, tranh luận sôi nổi xung quanh Truyện Kiều là một hiện tượng rất đặc biệt vì nó làm phát lộ ra những cách đọc khác nhau. Không kể đến nhóm ý kiến mạt sát Truyện Kiều, riêng nhóm ý kiến tán dương tác phẩm cũng đã căn cứ vào những quan niệm thẩm mỹ hết sức khác nhau, thậm chí đối lập nhau. I.U.Lotman chỉ ra: “...Vấn đề quan hệ đối lập “văn bản nghệ thuật – phi nghệ thuật” trong ý thức tác giả và độc giả chỉ đưa ra một xác định đầu tiên đối với vấn đề. Đặc biệt phức tạp là những trường hợp khi cả hai người tham gia giao tiếp nghệ thuật đều nhận thức văn bản như là văn bản nghệ thuật, nhưng bản thân cấu trúc của khái niệm này ở họ có sự khác nhau sâu sắc – vấn đề sau nằm ở trung tâm quan hệ: văn bản – các cấu trúc ngoài văn bản” [118, tr.487]. Vua Minh Mạng dựa vào chí, tâm, hiếu, nghĩa, trinh tiết ca ngợi Kiều:
Thương chí nàng cho là hiếu trung; Xét lòng nàng cho là trinh tiết.
Sạch mình mà không đến chết, nuốt tiết sánh với Tô Lang; Tránh nạn chứ đâu phải gian, thổi tiêu ví cùng Ngũ Tử.