Năm du lịch quốc gia, mỗi năm một chủ đề nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng du lịch của từng vùng.
Đà Lạt trong mấy năm gần đây cũng liên tục tổ chức các sự kiện lớn nhằm quảng bá du lịch thành phố hoa.
Nhằm tiếp cận được với khách hàng, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm trong nước, Sở Du lịch - Thương mại Lâm Đồng đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị khách hàng có qui mô và sự chuẩn bị chu đáo. Cụ thể đầu năm 2003, “Giao lưu gặp gỡ các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh”, “Giao lưu gặp gỡ các doanh nghiệp Lâm Đồng và 12 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long” đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ; “Giao lưu gặp gỡ các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan thông tấn báo chí” được tổ chức tại Đà Lạt. Các cuộc hội nghị này cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng giao lưu, gặp gỡ, thông tin quảng cáo các sản phẩm du lịch với các công ty lữ hành các tỉnh bạn và ký kết hợp tác kinh doanh.
Cũng trong năm 2003, Đà Lạt – Lâm Đồng đã tham dự Hội nghị lữ hành Châu Á – Thái Bình Dương (PATA). Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần với qui mô lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp kí kết hợp tác, giao lưu học hỏi. Đây là dịp để các doanh nghiệp du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng tiếp cận với các đơn vị gửi khách hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua hội nghị này, Đà Lạt – Lâm Đồng đã có một kênh thông tin để giới thiệu các sản phẩm của mình với bạn bè quốc tế.
Sở Du lịch - Thương mại Lâm Đồng cũng đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Môi trường xây dựng trang web để quảng bá hình ảnh và thông tin du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng. Ngoài những giới thiệu chung về thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, kinh tế - xã hội, con người Đà Lạt, trang web đã đưa thông tin của các đơn vị kinh doanh du lịch như các khách sạn từ 1 đến 5 sao,
các công ty lữ hành lớn, các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Với trang web này, Đà Lạt đã có thêm một phương tiện quảng bá hiện đại. Tuy hiện tại vẫn chưa phát huy được nhiều nhưng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, đây là một sự đầu tư đúng đắn và hiệu quả.
Cũng nhân dịp kỷ niệm Đà Lạt 110 năm hình thành và phát triển, Sở Du lịch - Thương mại cũng đã ký hợp đồng với tạp chí Heritage - một tạp chí của hãng Hàng không Việt Nam được phục vụ trên các chuyến bay, để viết và đăng bài về Đà Lạt. Tạp chí này giúp Đà Lạt tiếp cận tốt với khách hàng tiềm năng của mình, đặc biệt là khách quốc tế.
Cuối năm 2003, Trung tâm Xúc tiến du lịch - Thương mại - Đầu tư được thành lập với các chức năng là thực hiện công tác quảng bá, mời gọi và tư vấn đầu tư. Trung tâm này ra đời, công tác quảng bá du lịch được thực hiện một cách có chiều sâu hơn.
Một sự kiện khá mới mẻ được tổ chức vào năm 2004 đó là Lễ hội sắc hoa Đà Lạt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ được coi là bước đệm cho sự kiện Festival Hoa Đà Lạt 2005 - lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là một hoạt động văn hoá – du lịch có qui mô quốc gia và mang màu sắc quốc tế với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Festival Hoa Đà Lạt là một sự kiện kinh tế, văn hoá, du lịch nhằm tôn vinh các giá trị hoa Đà Lạt. Nó là một lễ hội mang tính đặc trưng của thành phố cao nguyên từ lâu đã được mệnh danh là “Thành phố ngàn hoa”. Thông qua những hoạt động đặc sắc, chất lượng cao, góp phần tạo ra những sản phẩm văn hoá – du lịch phục vụ địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước, là một hình thức tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của thành phố Đà Lạt nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm du lịch hấp dẫn với nhiều sản phẩm đặc thù.
Cũng trong khuôn khổ Festival Hoa, Hội thảo Asean - Nhật về du lịch hoa đã được tổ chức tại Trường Đại học Đà Lạt trao đổi về tình hình và tiềm năng phát triển du lịch gắn với hoa của các nước trong khu vực, đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác, xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với hoa. Tại hội thảo một Nghị sĩ hạ viện Nhật Bản đã nhấn mạnh “Hoa là vật phẩm du lịch, cũng là biểu tượng của tình yêu… cần gắn du lịch với hoa, lấy hoa làm động lực thu hút du khách”. Điều này càng khẳng định việc xây dựng thương hiệu Thành phố hoa cho Đà Lạt là hoàn toàn đúng đắn.
Có thể bạn quan tâm!
- Thị Trường Khách Du Lịch Của Đà Lạt - Lâm Đồng Trong Thời Gian Qua
- Thực Trạng Và Số Liệu Dự Báo Về Nguồn Nhân Lực Du Lịch
- Chiến Lược Marketing Du Lịch Của Giai Đoạn 2000 – 2005
- Những Cơ Hội Và Thách Thức Đối Với Sự Phát Triển Du Lịch Của Thành Phố Đà Lạt
- Một Số Giải Pháp Chủ Yếu Nhằm Đẩy Mạnh Hoạt Động Marketing Du Lịch Đà Lạt
- Các Chiến Lược Marketing Du Lịch Đà Lạt Trong Thời Gian Tới
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
Để quảng bá và tiếp thu trí tuệ của công chúng vào xây dựng và phát triển du lịch Đà Lạt bền vững, Sở Du lịch - Thương mại cũng đã phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc thi viết về “Du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng 2005”. Nội dung viết về kiến trúc, cảnh quan môi trường, cơ chế chính sách, văn hoá, con người… và những ý tưởng liên quan đến phát triển du lịch Đà Lạt có tính thiết thực và khả thi cao.
Nhìn chung, các hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Lạt đã có những bước tiến đáng kể và có chiều sâu.
2.3. Đánh giá hoạt động marketing du lịch của thành phố Đà Lạt
2.3.1. Những thành công và nguyên nhân
2.3.1.1. Những thành công
Hoạt động marketing du lịch của thành phố Đà Lạt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định.
Sự kiện kỷ niệm “Đà Lạt 110 năm hình thành và phát triển” đã thực sự gây được tiếng vang lớn. Nếu so với năm 1993, Đà Lạt kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển đã không để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách, thì Đà Lạt 110 năm này “có nhiều cái mới” hơn qua những việc làm rất thiết thực và
cụ thể. Đó là việc xây dựng những công trình, các sản phẩm du lịch thấm đẫm nét văn hoá – phong cách con người Đà Lạt, không chỉ tạo ấn tượng cho du khách, người dân trong những ngày diễn ra lễ hội, mà còn lưu lại “dấu ấn thời gian” cho mai sau. Và đến Lễ hội Sắc hoa Đà Lạt 2004 và Festival Hoa Đà Lạt 2005 cũng đã đem lại cho thành phố “Pari thu nhỏ” này một diện mạo mới - một thành phố du lịch gắn với hoa đầy quyến rũ và hấp dẫn.
Thành công từ những hội chợ triển lãm thương mại – du lịch, những hội nghị khách hàng hay những buổi giao lưu liên hoan du lịch các địa phương cũng để lại cho phía bạn một hình ảnh du lịch Đà Lạt nhiều tiềm năng.
Kết quả cụ thể của sự cố gắng trong hoạt động xúc tiến, quảng bá là hoạt động du lịch ngày càng sôi động, các chỉ tiêu của ngành du lịch đạt cao nhất từ trước tới nay, cả về doanh thu xã hội, công suất buồng phòng và lượng khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế suy giảm trong nhiều năm, nay đã có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng và mở rộng được nhiều thị trường quốc tế. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thấy được tiềm năng phát triển du lịch của Đà Lạt, đã đến Đà Lạt khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, một số tập đoàn của Anh, Mỹ… Phần lớn các doanh nghiệp sau khi tìm hiểu đã có quyết định đầu tư tại Đà Lạt – Lâm Đồng. Ngoài hai khu du lịch trọng điểm Đankia - Suối Vàng và Tuyền Lâm, đến nay đã có 45 dự án đang được lên kế hoạch đầu tư với nguồn vốn đăng ký trước gần 1.500 tỷ đồng. Hợp tác phát triển du lịch giữa Đà Lạt – Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ, và thành phố Hồ Chí Minh đang được củng cố, phát triển. Từ đây sẽ mở ra những cơ hội, những điều kiện thuận lợi trong việc liên kết vùng để đưa ra những sản phẩm mang tính đặc trưng, đồng thời cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tổ chức xúc tiến, quảng bá một cách qui mô, bài bản và tạo được những điểm nhấn cho hình ảnh du
lịch địa phương. Sự hợp tác phát triển còn tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp năng động, sáng tạo, nhạy bén trong thời cơ và vận hội mới, tăng hiệu quả, tăng thu nhập cho người lao động, ký kết được nhiều hợp đồng, hợp tác liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp lớn trong nước.
2.3.1.2. Những nguyên nhân
Để đạt được những thành công nhất định trong hoạt động marketing du lịch Đà Lạt đầu tiên phải nói đến là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển du lịch, đã đề ra những chính sách đúng đắn và sự chỉ đạo sát sao, đồng thời đem lại sự khích lệ đối với các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch lớn. Các chương trình Du lịch Quốc gia trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho các địa phương thể hiện được những thế mạnh và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Đà Lạt cũng nằm trong sự quan tâm đó. Hơn thế, với tài nguyên du lịch phong phú, 2 khu du lịch của Đà Lạt nằm trong số các khu du lịch tổng hợp và chuyên đề quốc gia cũng góp phần vào việc quảng bá nâng cao hình ảnh du lịch Đà Lạt.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng coi du lịch là một ngành kinh tế động lực của cả tỉnh, đã đánh giá đúng tầm quan trọng của việc phát triển du lịch, từ đó có những quyết sách đúng đắn và sự đầu tư thích đáng cho du lịch nói chung và các hoạt động marketing du lịch nói riêng.
Cũng phải nói thêm rằng, trong những năm gần đây khi hoạt động du lịch của một số nước trong khu vực đặc biệt sôi động, mà điều đó phần lớn nhờ vào hoạt động marketing, đã tác động rất lớn đến nhận thức của các nhà quản lý du lịch cả ở tầm vĩ mô và vi mô của nước ta về vai trò của marketing trong du lịch. Có thể các hoạt động marketing du lịch hiện nay chưa qui mô
và chưa có tính chuyên nghiệp cao nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Một nguyên nhân nữa cần phải nói tới đó là sự nỗ lực của ngành Du lịch địa phương và sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành liên quan trong các hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch Đà Lạt, trong sự chuẩn bị đón tiếp, phục vụ du khách và trong chính sự nỗ lực của mỗi người dân để tạo ra một hình ảnh du lịch thành phố hoa trong lành, mát mẻ, thanh lịch và mến khách.
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, marketing du lịch Đà Lạt vẫn còn nhiều những yếu kém. Đầu tiên phải nói đến là sản phẩm du lịch Đà Lạt. Trên tổng thể, du lịch Đà Lạt vẫn đang ở mức bình dân với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và chất lượng dịch vụ còn ở mức thấp. Vì vậy, thị trường du khách chiếm trên 90% là đối tượng khách bình dân có khả năng chi trả thấp. Chính sách sản phẩm đưa ra hiện nay còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ cao cấp như hội nghị - hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí cao cấp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, tính cạnh tranh chưa cao. Vì thế, khách du lịch đến địa phương đông nhưng doanh thu chưa cao, cơ cấu doanh thu mới tập trung ở các dịch vụ ăn, ở. Việc phát triển sản phẩm lưu trú cũng còn những hạn chế nhất định. Do chưa có qui hoạch chi tiết, nên nhiều cơ sở lưu trú được xây dựng một cách tự phát, không đồng bộ. Các cơ sở này chủ yếu có qui mô nhỏ, vừa là nhà ở vừa tận dụng kinh doanh, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu các điều kiện của một cơ sở kinh doanh du lịch như: lối thoát hiểm cho khách trong trường hợp cần thiết, bãi đậu xe, các dịch vụ bổ trợ… và tập trung dày đặc tại khu vực trung tâm thành phố.
Thứ hai, tình trạng nâng giá, ép giá, phá giá thường xuyên xảy ra. Vào mùa thấp điểm, giá thuê buồng phòng hạ rất thấp để tận thu, nhưng đến mùa cao điểm lại xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá và bội tín trong kinh doanh. Việc công khai giá cả dịch vụ chưa được thực hiện nghiêm, gây nên việc cạnh tranh không lành mạnh, tạo nên tâm lý bất ổn cho khách du lịch, ảnh hưởng đến việc thu hút khách. Vào những dịp thấp điểm, khách du lịch không nhiều, tình trạng cung lớn hơn cầu dẫn đến việc phát sinh đội ngũ “cò dịch vụ” khách sạn, nhà nghỉ, mua quà lưu niệm, đặc sản. Hoạt động này diễn ra phức tạp, nhiều cơ sở dịch vụ du lịch đã thuê mướn đội ngũ này để đeo bám và tranh giành khách. Cơ quan chức năng của thành phố đã quản lý, hướng dẫn hoạt động và tổ chức cam kết với các đối tượng này, nhưng do quản lý chưa được chặt chẽ, thiếu qui chế cụ thể và không có các biện pháp chế tài, nên đã để cho một số đối tượng lợi dụng.
Để góp phần giải quyết hiện tượng này, Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng đã đưa vào hoạt động Trung tâm đón tiếp, tư vấn và hướng dẫn thông tin du lịch tại khu du lịch thác Prenn. Nhưng do vị trí chưa được thuận lợi (nằm chung với nhà hàng Prenn và bị che khuất), qui mô nhỏ, khó khăn về kinh phí hoạt động (hoạt động không có nguồn thu, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn quĩ của Hiệp hội Du lịch, chưa có phương án lấy thu bù chi để tự cân đối và trang trải), mô hình và phương thức hoạt động chưa phù hợp nên đến nay trung tâm đã tạm ngưng hoạt động.
Thứ ba, đại lý du lịch hay chi nhánh các công ty du lịch của Đà Lạt ở địa phương khác còn tương đối mỏng, một số công ty lớn như công ty Du lịch Lâm Đồng, công ty Du lịch dịch vụ Đà Lạt có nhưng cũng chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Mạng lưới các văn phòng hướng dẫn thông tin, giới thiệu du lịch du lịch chưa được xây dựng,
mới chỉ có một văn phòng nhưng lại được đặt trong khu du lịch thác Prenn vừa nhỏ vừa khuất, khó tiếp cận.
Các sự kiện lớn được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Đà Lạt trong những năm gần đây cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Gần đây nhất là Festival Hoa 2005 - một hoạt động xúc tiến quảng bá về du lịch Đà Lạt mang tầm quốc gia - có rất nhiều công trình được xây dựng để chào mừng hoạt động festival, nhưng khi festival diễn ra rồi thì hầu hết các công trình vẫn còn dang dở. Khách du lịch đến với Đà Lạt trong dịp này với một sự kỳ vọng lớn về một thành phố hoa rực rỡ sắc màu của muôn loài hoa, nhưng một màu sắc không mong muốn cũng tràn ngập trong ngày hội đó là màu đất đỏ bazan tại các công trường còn bỏ dở. Công viên Ánh Sáng ở hạ lưu hồ Xuân Hương hiện hình dần với những lối đi lại bằng đá, nhưng màu xanh quả thật quá vắng, sắc màu của hoa càng hiếm, trong khi màu đất đỏ gần như là chủ yếu. Công trình cải tạo suối Cam Ly xuyên qua công viên này với kênh mương, bê tông bày ra nham nhở. Ở phía đầu nguồn hồ Xuân Hương, một công viên rộng 5 ha hiện ra cả một vùng đỏ au đất bazan, chỗ nào san bằng chỉ thấy “lắp” cỏ (chứ không phải hoa). Khách du lịch không khỏi mủi lòng trước sự gấp rút của người dân và ngành du lịch Đà Lạt trong thời gian này.
2.3.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên trong marketing du lịch nhìn chung đó là mức độ chuyên nghiệp và sự quyết tâm làm du lịch ở đây chưa cao. Mức độ chuyên nghiệp thể hiện trong việc quản lý du lịch, trong cách làm du lịch, và đặc biệt là trong các hoạt động marketing du lịch.
Một nguyên nhân khác, cũng là vấn đề chung của cả nước, đó là kinh phí dành cho các hoạt động marketing du lịch còn quá nhỏ hẹp, lại sử dụng phân tán. Tính trên phạm vi quốc gia, Thái Lan mỗi năm chi cho công tác