2.2.3.2. Thách thức
Thách thức lớn nhất của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam, đó là mất nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường Việt Nam. Họ phải tìm hiểu về dân số, thu nhập, các chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như nghiên cứu xem thu nhập trung bình của người dân thành thị là bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm thu nhập sẵn sàng dành cho chi tiêu? Các chính sách về việc mở các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? Để được cấp giấy phép kinh doanh doanh nghiệp cần phải làm những gì? Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ phải nghiên cứu rất kỹ những yếu tố này. Đặc biệt, các tập đoàn bán lẻ phải nghiên cứu rất kỹ tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về tâm lý người tiêu dùng, các doanh nghiệp nước ngoài có thể thất bại ngay từ ngày đầu tiên. Ví dụ như tâm lý người tiêu dùng Việt Nam là thích các mặt hàng tươi sống, không quen tiêu dùng các sản phẩm đóng hộp. Những yếu tố này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi nghiên cứu rất kỹ các yếu tố này trước khi quyết định vào thị trường Việt Nam.
CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG NQTM TRONG LĨNH VỰC BÁN LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
I. Kiến nghị về phía Nhà nước:
1. Xây dựng môi trường pháp luật cho nhượng quyền thương mại phát triển:
- Các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện nay đã được xây dựng theo hướng ngày càng phù hợp với luật pháp của các nước trên Thế giới. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm chưa phù hợp và chưa đáp ứng được nhu cầu của các văn bản quốc tế này. Hệ thống pháp luật của Việt Nam mới chỉ cải thiện được khâu gia nhập thị trường, còn môt trường kinh doanh chưa được cải thiện. Nhà nước xây dựng pháp luật là đã tạo ra hành lang pháp lý để điều tiết các hành vi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên tham gia
Pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc luật hóa nhượng quyền thương mại, và để khung pháp lý thật hoàn thiện tạo điều kiện cho hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam phát triển thì Nhà nước cần nghiện cứu kỹ và ban hành tiếp những văn bản mang tính thực tiễn cao, quy định cụ thể các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai nhượng quyền thương mại trong thời gian qua cũng như sẽ phát sinh trong thời gian tới. Quốc hội cần sớm ban hành luật nhượng quyền thương mại suy định thống nhất các vấn đề liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại vì đây là một hoạt động đặc thù và sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới.
2. Có các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp nhượng quyền:
Không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp nhượng quyền, bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào nếu được Nhà nước và Chính phủ quan tâm tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thì chắc chắn sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đông đảo hơn. Để có thể đưa ra một định hướng phát triển cụ thể và hiệu quả các cơ quan chức năng cần tham khảo kinh nghiệm phát triển nhượng quyền thương mại của một số nước tiêu biểu trong khu vực và trên thế giới như “Chương trình phát triển
nhượng quyền” của Malaisia, hay chương trình “Khuyến khích và quảng bá kinh doanh nhượng quyền” của Thái Lan…
Có thể bạn quan tâm!
-
Những Điểm Còn Tồn Tại Và Nguyên Nhân :
-
Đánh Giá Của Người Tiêu Dùng Về Hệ Thống Phân Phối Thực Phẩm Của Co-Op Mart
-
Các Doanh Nghiệp Nước Ngoài Kinh Doanh Nqtm Trong Lĩnh Vực Bán Lẻ Tại Việt Nam
-
Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại trong ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam - 12
-
Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại trong ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, hiện nay theo quy định của Luật thương mại 2005 thì phải đăng ký với Bộ Thương mại hay Sở Thương mại (hiện nay là Bộ/Sở Công thương) các tỉnh. Do đó, Chính phủ nên thành lập các cơ quan chuyên trách về nhượng quyền thương mại thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương. Các cơ quan này có những cán bộ, chuyên gia về nhượng quyền thương mại, có am hiểu sâu sắc, kiến thức pháp luật vững vàng…để vừa quản lý vừa hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp nhượng quyền khi cần thiết.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhượng quyền thương mại dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để mở rộng hệ thống kinh doanh của mình, hỗ trợ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cuộc hội thảo, hội chợ franchise tổ chức thường niên trên thế giới, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam để là nơi giao lưu, tìm đối tác, cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp.
3. Quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo về nhượng quyền thương mại:
Để tăng cường nhận thức và phổ biến kiến thức về Franchise cho các doanh nghiệp thì cách tốt nhất là Nhà nước phối hợp với các tổ chức, công ty tư vấn nhượng quyền thương mại chuyên nghiệp có uy tín tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn miễn phí hay các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề về nội dung cũng như các kỹ thuật hay kinh nghiệm triển khai hình thức kinh doanh nhượng quyền. Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng nên nhanh chóng xây dựng chương trình và đưa vào giảng dạy trong các trường khối kinh tế về franchise.
4. Xây dựng các chương trình quảng bá thương hiệu quốc gia, hỗ trợ cho sự phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam:
Để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện “bơi” ra biển lớn quốc tế trong quá trình hội nhập thì ngoài khả năng và nỗ lực của bản thân doanh nghiệp còn rất cần đến sự hỗ trợ mang tầm vĩ mô từ phía Nhà nước. Một trong những yếu tố đó là việc xây dựng các chương trình quảng bá thương hiệu quốc gia, thương hiệu Việt đến với bạn bè quốc tế. Thương hiệu quốc gia mạnh và có uy tín sẽ hỗ trợ
rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc khẳng định tên tuổi ở nước ngoài. Chẳng hạn khi nói tới sản phẩm của Nhật Bản, người ta có thể nghĩ ngay tới sản phẩm có chất lượng đảm bảo, sử dụng được lâu dài và tiết kiệm nhiên liệu; hay khi nhắc tới Mỹ, người ta nghĩ ngay tới chất lượng tuyệt hảo, mẫu mã đa dạng, phong cách hiện đại dù chưa biết đến doanh nghiệp hay sản phẩm ra sao… Vì thế, khi đã xây dựng được thương hiệu quốc gia Việt Nam với những nét đặc trưng nhất định thì sẽ làm đòn bẩy giúp cho các doanh nghiệp tiến sang thị trường nước ngoài dễ dàng hơn.
5. Thành lập hiệp hội franchise quốc gia, liên kết với các tổ chức, Hiệp hội franchise quốc tế:
Hiệp hội franchise sẽ là nơi trao đổi kinh nghiệm giữa các bên nhượng quyền và bên nhận quyền, đồng thời là đầu mối liên lạc giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Ngoài ra, Hiệp hội còn là nơi để các doanh nghiệp có nhu cầu nhượng quyền và các doanh nghiệp có nhu cầu nhận quyền tìm đến hợp tác với nhau.
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng như hiện nay thì Hiệp hội franchise Việt Nam ra đời phải có sự liên kết vwois các tổ chức, Hiệp hội franchise quốc tế bằng việc đăng ký làm thành viên của Hiệp hội Franchise khu vực và Hiệp hội nhượng quyền thế giới. Làm thành viên của các Hiệp hội này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi khi hợp tác với các đối tác nước ngoài, đồng thời, có cơ hội tham gia các hoạt động bổ ích khác để phát triển Franchise trong nước.
II. Nhóm giải pháp về phía bên nhượng quyền
1. Xây dựng và phát triển thương hiệu
Mục đích của việc xây dựng thương hiệu là để phân biệt hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp khác, tạo uy tín cho doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đồng thời được bảo vệ trước pháp luật. Bảo vệ thương hiệu chính là thông qua đăng ký bảo hộ các yếu tố cấu thành thương hiệu với cơ quan có thẩm quyền nhằm hai mục đích: thứ nhất, bảo hộ nhãn hiệu và các yếu tố cấu thành thương hiệu; thứ hai, xây dựng hệ thống rào cản cần thiết ngăn chặn sự tấn công của các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lẫn lộn hoặc lầm tưởng thương hiệu và nhãn hiệu là hai thuật ngữ
đồng nghĩa. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thương hiệu là khái niệm rộng hơn, bao trùm hơn so với nhãn hiệu và có thể bao hàm cả nhãn hiệu.
Thương hiệu là tài sản vô hình. Một khi hàng hóa được gắn với một thương hiệu, nhất là những thương hiệu mạnh, nổi tiếng, khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm khi mua hàng và được đảm bảo về chất lượng. Kết quả là khách hàng sẽ tự tìm đến mua hàng của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại muốn thành công không thể bỏ qua khâu xây dựng, quảng bá, duy trì và bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp và cũng chính là của hệ thống nhượng quyền thương mại. Khi xây dựng, phát triển thương hiệu, các khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải chủ yếu là khó khăn về vốn, nạn vi phạm bản quyền và cơ chế chính sách. Trong các yếu tố đó, theo đánh giá của doanh nghiệp thì khó khăn lớn nhất về phía Nhà Nước là luật pháp không nghiêm trong hoạt động bảo hộ các doanh nghiệp, chống lại hiện tượng hàng nhái, hàng giả; các quy định ban hành chưa rõ ràng hay trói buộc làm mất thời gian và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hơn nữa, khả năng tài chính của doanh nghiệp cho nghiên cứu và phát triển nhãn hiệu hàng hóa lại rất thấp. Phần lớn các doanh nghiệp đều không có chức danh về nghiên cứu, quản lý nhãn hiệu.
Song song với việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần chú ý bảo hộ thương hiệu của mình. Vì thông qua bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp mới sử dụng công cụ pháp luật để hỗ trợ mình trong kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu của mình ở trong và ngoài nước. Nếu không đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp sẽ dễ bị chiếm đoạt thương hiệu và không thể thực hiện nhượng quyền. Nhiều nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chưa đánh giá đúng mức việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay khi bắt đầu kinh doanh. Cơ quan đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là Cục sở hữu Công nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tự mình trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký. Ngoài ra, nếu hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, chủ thương hiệu có thể thông qua công ty luật để được tư vấn vừa hợp pháp vừa tiết kiệm thời gian tìm hiểu.
2. Chuẩn bị tốt cho hoạt động nhượng quyền bằng các bước:
2.1. Giải pháp về chọn lựa đúng đối tác nhận quyền:
Việc chọn lựa chính xác những đối tác có khả năng nhận quyền kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với chủ doanh nghiệp nhượng quyền. Một khi đã chọn sai đối tượng, chủ thương hiệu không thể khiếu kiện hay đơn phương chấm dứt hợp đồng. Quan hệ là liên tục phải trợ giúp, nâng đỡ hay ít nhất là “chịu đựng” sự hiện diện của mắt xích kém hiệu quả ấy trong chuỗi cửa hàng cho tới khi hợp đồng hết hạn. Do vậy, mỗi doanh nghiệp nhượng quyền phải xác định những tiêu chí lựa chọn riêng, có thể tham khảo một số tiêu chí thường được các chủ thương hiệu đưa ra như có kinh nghiệm trong ngành hàng định kinh doanh; có năng lực tài chính và huy động vốn; ít nhiều khả năng quản trị, lãnh đạo; tâm huyết tuyệt đối với mô hình kinh doanh của chủ thương hiệu; mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn đồng bộ của hệ thống…
2.2. Xây dựng chiến lược đào tạo, huấn luyện người nhận quyền:
Huấn luyện và đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động nhượng quyền vì nó giúp cho người nhận quyền vận hành được cửa hàng của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhân sự am hiểu về kinh doanh nhượng quyền không nhiều. Chương trình huấn luyện và đào tạo sẽ có 2 giai đoạn: lúc xây dựng cửa hàng ban đầu và sau khi cửa hàng đã đi vào hoạt động ổn định. Chương trình đào tạo ở đâu, như thế nào, kéo dài bao lâu, tùy thuộc vào hai bên nhượng quyền thương lượng với nhau và ghi rõ trong hợp đồng nhượng quyền. Về chi phí đào tạo cũng cần được quy định rõ rang là hạng mục nà, do bên nào thanh toán. Thường thì ngoài những lý thuyết được học, người được đào tạo sẽ thực hành ở các cửa hiệu đang hoạt động của hệ thống.
2.3. Xây dựng cẩm nang hoạt động:
Cẩm nang hoạt động không chỉ là một tài liệu không thể thiếu mà còn là một thủ tục theo luật pháp khi tiến hành nhượng quyền. Cẩm nang hoạt động thường bao gồm những chi tiết hướng dẫn về cách thức điều hành, hoạt động hàng ngày của từng bộ phận, từng khâu trong công việc kinh doanh. Tài liệu này sẽ giúp cho người nhận quyền vận hành công việc theo đúng tiêu chuẩn đồng bộ của chủ thương hiệu. Cẩm nang hoạt động có thể được cải tiến và điều chỉnh bởi chủ thương hiệu. Nếu người nhận quyền muốn thay đổi chi tiết nào cho phù hợp phải được chủ thương hiệu thông qua.
Cẩm nang hoạt động phải được trình bày ngắn gọn, súc tích nhưng chưa đầy đủ thông tin cho người nhận quyền. Nó bao gồm các nội dung như: thông tin liên quan đến nghĩa vụ của người nhận quyền, quy định về giá cả, quảng cáo, kiểm soát hàng tồn kho, hành chính và kế toán sổ sách, an toàn về điện, hồ sơ, tiền mặt…tuyển dụng nhân viên, tiêu chuẩn đánh giá hoàn thành công việc.
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê luật sư hay công ty tư vấn thực hiện cẩm này nếu không có đủ khả năng.
2.4. Chuẩn bị thông tin cung cấp cho đối tác nhận quyền:
Trong pháp luật về nhượng quyền của Việt Nam còn gọi là Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (Tiếng Anh là Uniform Franchise Offering Circular – UFOC) bao gồm một số thông tin cần thiết để bên nhận quyền thương mại nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tất cả các nước đều có quy định rõ ràng buộc về bản giới thiệu này để giảm thiểu yếu tố rủi ro chủ yếu cho người nhận quyền. Luật Việt Nam quy định nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác thì bên nhượng quyền phải cung cấp tài liệu cho bên nhận quyền ít nhất 15 ngày trước ngày ký hợp đồng. Doanh nghiệp khi kinh doanh nhượng quyền phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nội dung của bản giới thiệu cũng được đề cập cụ thể trong phụ lục III của thông tư hướng dẫn đăng ký nhượng quyền thương mại số 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006, bao gồm nhiều điều khoản mà doanh nghiệp cần phải nêu rõ để tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra do bên nhận quyền không nắm đầy đủ thông tin về bên nhượng quyền và thương hiệu mà họ sẽ kinh doanh.
3. Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp về nhượng quyền thương mại:
Để tiến hành quy trình nhượng quyền thương mại một cách trôi chảy và đạt hiệu quả, ngay từ đầu bên nhượng quyền phả thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp về nhượng quyền thương mại thông qua tổ chức đào tạo tại chỗ: thuê chuyên gia về công ty giám sát và huấn luyện. Chuyên gia là người có kinh nghiệm lâu năm tại các doanh nghiệp nhượng quyền trong và ngoài nước, có điều kiện hơn thì mời chuyên gia nước ngoài; tuyển dụng những nhân viên có năng lực đã từng làm việc tại các doanh nghiệp nhượng quyền nổi
tiếng. Đây được coi là cách thức bổ sung nhân sự khả thi và ít tốn kém nhất. Theo chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành của công ty Starbucks – Haward Schultz khẳng định: “Các doanh nghiệp phải dám thuê những chuyên gia giỏi thậm chí trước khi thực sự cần đến, thay vì thuê những người quá trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm .
4. Quảng cáo và xúc tiến thương mại phát triển bán hàng qua hệ thống nhượng quyền thương mại:
Do đặc điểm hoạt động nhượng quyền thương mại dựa trên cơ sở khai thác một thương hiệu có uy tín, nên bên nhượng quyền phải không ngừng củng cố, xây dựng và phát triển thương hiệu của mình song hành cùng với việc quản lý phát triển hệ thống cửa hàng, nhân sự để thu hút khách hàng và đối tác nhận quyền tiềm năng. Để có một thương hiệu mạnh, hệ thống nhượng quyền bền vững đòi hỏi doanh nghiệp luôn phải chú trọng đến hoạt động marketing cho toàn hệ thống. Ngân sách marketing có thể là một quỹ riêng do các chủ cửa hàng đóng góp lại cùng với chủ thương hiệu thực hiện hay cũng có thể chỉ do chủ thương hiệu đứng ra thực hiện do nguồn ngân sách đã thu từ các cửa hiệu thông qua phí nhượng quyền ban đầu và hàng tháng. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nhượng quyền.
Tùy theo đặc điểm hoạt động của mình, bên nhượng quyền có thể lựa chọn hình thức quảng cáo, tuyên truyền phù hợp qua báo chí, hội chợ triển lãm về nhượng quyền thương mại. Cuối năm, doanh nghiệp phải tổng kết, rút kinh nghiệm trên toàn hệ thống.
5. Hệ thống đồng bộ và nhất quán
Xây dựng một hệ thống đồng bộ và nhất quán là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh doanh nhượng quyền. Tính đồng bộ không chỉ tạo nên sự nhất quán trong hoạt động kinh doanh, xây dựng thương hiệu mà nó còn giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc nhượng quyền kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh của mình. Để xây dựng tính đồng bộ của một hệ thống nhượng quyền nói chung và trong ngành bán lẻ nói riêng, doanh nghiệp cần chú ý các yếu tố sau: