Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước đã đưa ra sự phân biệt giữa viên chức với cán bộ, công chức cùng được điều chỉnh trong Pháp lệnh cán bộ, công chức. Theo quy định của Nghị định này thì viên chức được hiểu là công dân Việt Nam, trong biên chế, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003.
Từ điển Tiếng Việt: “Viên chức là người làm việc trong một cơ quan của nhà nước hay trong một sở tư” [34, tr.1415].
Theo Từ điển Luật học:
Viên chức là người làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư nhân được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch hoặc được giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu từ đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật [33, tr.854].
Luật Viên chức 2010 đã đưa ra định nghĩa về viên chức như sau: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật” [26].
Theo định nghĩa nêu trên, viên chức là công dân Việt Nam tức là người có quốc tịch Việt Nam; làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; có trình độ chuyên môn, năng lực phù hợp với vị trí việc làm.
Luật Viên chức cũng đã làm rõ khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức, xác định rõ các vấn đề chung nhất trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức: các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức; các nguyên tắc quản lý viên chức phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam và tính chất, đặc điểm lao động của viên chức.
Luật Viên chức đã làm rõ các khái niệm như vị trí việc làm, tuyển dụng, hợp đồng làm việc, đơn vị sự nghiệp công lập, quy tắc ứng xử,.. đặc biệt là “chức danh nghề nghiệp” của viên chức để phân biệt với “ngạch” của cán bộ, công chức.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực hiện pháp luật về viên chức - Từ thực tiễn Trường Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế - 1
- Thực hiện pháp luật về viên chức - Từ thực tiễn Trường Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế - 2
- Khái Niệm, Đặc Điểm, Các Hình Thức Thực Hiện Pháp Luật Về Viên Chức
- Thực Hiện Pháp Luật Về Sử Dụng, Luân Chuyển, Biệt Phái Viên Chức
- Thực Hiện Pháp Luật Về Đánh Giá, Khen Thưởng, Kỷ Luật Viên Chức
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
"Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước" [26].
Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Điều 9 Luật Viên chức 2010 được chia thành hai loại, là đơn vị sự nghiệp công được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công chưa được giao quyền tự chủ. Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập có thể hoạt động như một doanh nghiệp, tự chịu trách nhiệm về dịch vụ do mình cung ứng nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận. Với xu hướng xã hội hóa các dịch vụ công, các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự tìm kiếm nguồn tài chính để đầu tư cho sự phát triển của mình, bảo đảm cung ứng dịch vụ công ngày một tốt hơn.
Theo quy định của Luật Viên chức, vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp là căn cứ xác định chức vụ, trình độ, năng lực của viên chức. Để bảo đảm mọi chế độ, chính sách đối với viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp của viên chức.
Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người
làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
“Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong từng lĩnh vực ngành nghề hoạt động của viên chức”.
Trên thực tế, viên chức làm việc trong các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho cộng đồng như y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, thể dục, thể thao, giao thông công cộng, ... đều có các chức danh nghề nghiệp như bác sĩ, giáo viên, giảng viên, vận động viên, đạo diễn .... Việc quy định vị trí làm việc gắn với chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức đã thể hiện rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Việc xác định ai ở vị trí làm việc nào, thuộc chức danh nghề nghiệp nào sẽ được thể hiện trong hợp đồng lao động. Việc sử dụng khái niệm "chức danh nghề nghiệp" thay cho khái niệm "ngạch" đã thể hiện sự khác nhau giữa viên chức và công chức trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp.
1.1.1.2.Đặc điểm của viên chức
Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010, viên chức có những đặc điểm cơ bản sau đây:
- Là công dân Việt Nam, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Hiến pháp 2013 “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Viêt Nam”. Người được xác định có quốc tịch Việt Nam (là công dân Việt Nam) theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thông qua hoạt động tuyển dụng (thi tuyển hoặc xét tuyển), người trúng tuyển viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng làm việc. Thời hạn, nội dung và hình thức của hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Công việc
hoặc nhiệm vụ được giao phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, chức danh nghề nghiệp mà viên chức được bổ nhiệm.
- Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền thành lập nhằm cung cấp dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước, nên hoạt động của đơn vị này phải theo quy định của nhà nước. Lương, các chế độ chính sách đối với viên chức phải được thực hiện theo quy định chung của nhà nước.
Với những đặc điểm nêu trên, Luật Viên chức 2010 đã làm rõ được khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức đó chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp và tiền lương được hưởng từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
1.1.2. Phân loại viên chức
Trước đây, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước thì viên chức được phân loại theo trình độ đào tạo, theo ngạch viên chức hoặc vị trí công tác, mỗi loại viên chức có các yêu cầu, tiêu chuẩn riêng. Điều 4 của Nghị định đã phân loại viên chức như sau:
- Theo trình độ đào tạo, viên chức có các loại:
+ Viên chức loại A: yêu cầu chuẩn là trình độ giáo dục đại học trở lên thì được bổ nhiệm vào ngạch;
+ Viên chức loại B: yêu cầu chuẩn là trình độ giáo dục nghề nghiệp thì được bổ nhiệm vào ngạch;
+ Viên chức loại C: yêu cầu chuẩn là trình độ dưới giáo dục nghề nghiệp thì được bổ nhiệm vào ngạch.
- Theo ngạch viên chức, viên chức có các ngạch sau:
+ Tương đương với ngạch chuyên viên cao cấp trở lên;
+ Tương đương ngạch chuyên viên chính;
+ Tương đương ngạch chuyên viên;
+ Tương đương ngạch cán sự;
+ Nhân viên.
- Theo vị trí công tác, viên chức được phân thành hai loại là viên chức lãnh đạo và viên chức chuyên môn nghiệp vụ.
Còn tại Điều 3 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trước đây. Viên chức được phân loại như sau:
- Theo vị trí việc làm, viên chức có 02 loại:
+ Viên chức quản lý là “người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý”.
+ Viên chức không giữ chức vụ quản lý bao gồm những người chỉ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Theo chức danh nghề nghiệp, viên chức được phân loại trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp với các cấp độ từ cao xuống thấp như sau: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, II, III, IV.
Tùy vào từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của viên chức mà tiêu chuẩn của từng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ khác nhau.
Theo quy định hiện hành, tại Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Viên chức được phân loại như sau:
- Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:
+ Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;
+ Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;
+ Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.
1.2. Pháp luật về viên chức
1.2.1. Khái niệm pháp luật về viên chức
1.2.1.1. Khái niệm pháp luật
Qua quá trình lao động, con người sáng tạo ra ngôn ngữ. Trong đời sống hàng ngày, con người giao tiếp với nhau sẽ hình thành thói quen, các thói quen dần hình thành các quy tắc, các chuẩn mực trong ứng xử của cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận và các thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ, pháp luật được hình thành. Pháp luật là công cụ được nhà nước sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của con người khi tham gia vào các quan hệ xã hội nhất định.
Nhà nước và pháp luật có quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ và ràng buộc lẫn nhau. Nhà nước cần có pháp luật để thể hiện ý chí của mình, để tổ chức bộ máy và quản lý xã hội. Còn pháp luật do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, được nhà nước bảo đảm thực hiện, tồn tại cùng với nhà nước thì pháp
luật mới phát huy được vai trò của mình.
Montesquieu quan niệm: “Luật, theo nghĩa rộng nhất là những quan hệ tất yếu từ trong bản chất của sự vật. Với nghĩa này thì mọi vật đều có luật của nó. Thế giới thần linh, thế giới vật chất, những trí tuệ siêu việt, cho đến các loài vật và loài người đều có luật của mình” [23, tr.39].
Theo Heghen (1770 - 1831): “Pháp luật là ở chỗ tồn tại hiện có của ý chí tự do, do vậy pháp luật là tự do nói chung như ý niệm” [20, tr.35].
Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778): “chỉ có một đạo luật duy nhất đòi hỏi phải được sự đồng ý của tất cả mọi người, đó là công ước xã hội” [22, tr.51].
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội (của giai cấp thống trị trong các nhà nước bóc lột [33, tr.606].
Tuy có nhiều quan niệm khác nhau về pháp luật, nhưng tựu chung lại pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của nhà nước để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể.
Pháp luật là phương tiện chủ yếu để quản lý nhà nước, nhà nước có thể trao quyền cho các tập thể, cá nhân tiến hành hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật.
1.2.1.2.Khái niệm và phạm vi điều chỉnh của pháp luật về viên chức
Trên cơ sở những nhận thức chung về pháp luật, về viên chức khái niệm pháp luật về viên chức được xác định là tổng hợp các quy phạm pháp luật có mối quan hệ thống nhất nội tại do chủ thể có thẩm quyền ban hành và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến viên chức, bao gồm các quy định về địa vị pháp lý của viên chức; tuyển dụng, sử
dụng, đào tạo bồi dưỡng viên chức; chức danh, vị trí việc làm của viên chức; các chế độ, chính sách đối với viên chức; đánh giá, xếp loại viên chức; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với viên chức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của pháp luật về viên chức được xác định như sau:
Một là: Quy định về địa vị pháp lý của viên chức, bao gồm: khái niệm viên chức, quyền và nghĩa vụ của viên chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp của viên chức, các hành vi viên chức không được làm… Các quy định này rất quan trọng, nhằm xác định viên chức là ai, địa vị pháp lý của họ, hoạt động trong những lĩnh vực cụ thể cũng như vị trí, vai trò của viên chức đối với xã hội…;
Hai là: Quy định về tuyển dụng, sử dụng, về đào tạo, bồi dưỡng viên chức: quy định về nội dung, hình thức, cơ sở đào tạo đối với viên chức; việc bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng định kỳ, bồi dưỡng theo nhu cầu của viên chức;
Ba là: Quy định về chế độ, chính sách, khen thưởng đối với viên chức đối với các quy định về lương, phụ cấp cho viên chức, các hình thức khen thưởng, tôn vinh đối với viên chức;
Bốn là: Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức gồm: các quy định về trách nhiệm của nhà nước, của các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức, cá nhân khác đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức; xử lý vi phạm đối với viên chức;
Năm là: Một số quy định khác: quy định về hợp tác quốc tế về viên chức...