vội vã/ Bỏ ta đứng lại bên trời/ Đợi ta hóa thành chiếc lá/ Theo dòng ra bể rong chơi/ Này mây/ lững lờ chi mãi/ Ngàn năm làm kẻ vô tâm/ Ta sẽ biến thành ngọn núi/ Níu mây kết nghĩa tri âm” (Hỏi). Qua lời trò chuyện với mẹ, Dương Kiều Minh bộc lộ trạng thái tâm hồn đã đạt tới độ bình thản, tĩnh tại sau bao thăng trầm của cuộc đời, đang lắng nghe và cảm nhận cái đẹp bình dị mà tinh khiết của cuộc sống “Mẹ ạ,/ giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội/ mương nước ngập tràn cánh đồng đổ ải/ những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng/ những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời/con nhận thấy giấc mơ dịu dàng vừa đậu xuống/ đồng loạt vươn bông tiểu li lan/ theo bài ca dài bước chân trẻ thơ vang vang đầu thu con đường sương khói./ Ồ, trên tán khóm đại hồng môn còn để lại vệt mưa đêm trước” (Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống).
Gần gũi với giọng độc thoại - giãi bày là giọng chiêm nghiệm, triết lý. Hay nói đúng hơn, những chiêm nghiệm, triết lý thực chất là những giãi bày kinh nghiệm và đúc kết của nhà thơ. Suy ngẫm về nhân sinh bao giờ cũng là vấn đề trăn trở nhất của con người mọi thời đại. Sáu thế kỷ trước, Nguyễn Trãi từng than thở: “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”, các nhà thơ thời nay cũng có chung suy ngẫm ấy: “Cái trong tử tế gặp nhiều gió mưa” (Lục bát đời thường - Nguyễn Hoạt). Hạnh phúc, cái đích tìm kiếm của loài người thật xa vời, hư ảo “Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời/ sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,/ anh hỏi ngọn núi/ núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,/ anh hỏi con người/ người trả lời anh bằng nước mắt rơi!” (Ảo ảnh - Trương Đăng Dung). Con người luôn cảm thấy sự hữu hạn, bất lực của mình trước những đa đoan của cuộc đời “Lắm trái chín rụng ngoài tầm với/ Nhiều quả xanh rụng trước mùa” (Tản mạn, chiều - Quang Khải). Nếu người xưa còn tin vào lẽ trời, vào phép màu huyền diệu của Phật để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn thì con người ngày nay lý trí, tỉnh táo trước những huyễn hoặc: “Có những nỗi oan chùa chiền không thể giải/ Ngậm ngùi theo thị Kính xuống mồ” (Tự khúc - Tùng Bách). Điều đáng quý của con người ngày nay là dẫu biết “vốn lẽ đời ngày đêm bể dâu” nhưng họ vẫn giữ một tâm thế bình thản, sẵn sàng đón nhận mọi biến động, coi đó là lẽ tự nhiên của cuộc đời: “Vinh quang và
điếm nhục hai mặt một kiếp người/ Khổ đau và hạnh phúc biết ai đầy ai vơi” (Dụ ngôn chiều cuối năm - Lê Quốc Hán).
Không chỉ triết lý về nhân sinh, con người còn triết lý về mọi vấn đề khác của cuộc sống. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có những suy ngẫm thấm thía về miệt vườn, rộng ra là quê hương, xứ sở: “Miệt vườn/ cố hương của nỗi niềm vạn cổ/ ai chưa biết thưởng thức nỗi buồn/ có đi tới tận cùng châu thổ/ cũng không tìm thấy miệt vườn” (Miệt vườn). Cái hồn cốt của quê hương không chỉ là ở những sự vật cụ thể, đặc trưng của miền quê ấy mà quan trọng hơn là ở bản sắc văn hóa, tinh thần. Và chừng nào con người chưa thấu cảm được cái bản sắc văn hóa, tinh thần ấy, con người chưa thực sự có quê hương trong tim. Lương Ngọc An thì lại triết lý rất hay về đất: “Khi vui thì ngửng mặt lên trời, khi buồn lại cúi mặt vào đất;/ Khi vui thì nhảy lên khỏi mặt đất, khi buồn lại dậm chân vào đất” (Giai điệu). Con người sống nhờ vào đất, sống dựa vào đất vậy mà mấy ai nhận ra rằng đất quá bao dung. Một trong những nhà thơ hay triết lý nhất là Hữu Thỉnh. Triết lý trong thơ Hữu Thỉnh giản dị nhưng thâm trầm, sâu sắc: “Đụng một kẻ ngấm đủ mặt cái ác/ Sống một ngày lội qua cả kiếp người” (Thấy), “Một lời như thể lưỡi cưa/ Khi nghĩ lại bao thân cây đã đổ/ Một lời như thể giếng thơi/ Soi trong đất lại thấy trời ở trong” (Một lời), “Thu hết tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Còi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc” (Ngẫu cảm). Hữu Thỉnh như một triết gia trầm mặc, lúc nào cũng đau đáu suy tư về còi người. Vẻ đẹp của thơ ông chính là ở tư tưởng chứ không phải ở sự cầu kỳ về ngôn ngữ.
4.4.2. Các giọng điệu khác
Thơ hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú về giọng điệu. Bởi các nhà thơ đương đại có ý thức mạnh mẽ về bản sắc cá nhân và cá tính sáng tạo nên luôn cố gắng tạo ra giọng điệu riêng. Mặt khác, cuộc sống được cảm nhận nhiều chiều với những quan niệm thẩm mỹ khác nhau cũng quy định những giọng điệu khác nhau.
Giọng tự sự khách quan
Giọng điệu truyền thống của thơ là trữ tình, tha thiết. Nhưng nhiều nhà thơ hiện nay một mặt không muốn ở mãi ở trong từ trường cảm xúc đó, mặt khác muốn để người đọc được tự do suy nghĩ và cảm nhận, không bị dẫn dắt bởi cảm xúc của nhà thơ nên đã sử dụng giọng điệu tự sự khách quan. Đặc trưng của giọng điệu này
là chỉ kể chứ không bộc lộ cảm xúc. Tuy vậy, ẩn sau lời tự sự khách quan ấy, bao giờ cũng thể hiện một thái độ của tác giả đối với cuộc sống. Có thể lấy bài thơ sau làm ví dụ: “Lão có nét hao hao giống Khúng/ nhân vật trong truyện Nguyễn Minh Châu/ Lão bảo ả vợ sau của lão/ nhòng nhẽo còn trên cả Thị Mầu/ Lão bảo xưa kia lão cực lắm/ cùng bần như chị Dậu anh Pha/ Mười bảy tuổi lão vào vệ quốc/ thế là thành quân ta/ Thành quân ta tất nhiên là gian khổ/ từng Trường Sơn và đã Trường Sa/ Thành tích ư? Cứ là đếm mỏi/ dán hết lên... chói lói cả gian nhà/ Lão bảo: Tết này lão bát thập/ sống đến ngần này nghĩ cũng kinh/ Ra giêng lão làm cái thượng thọ/ đôi khi mình phải biết thương mình...” (Người đi cùng chuyến tàu - Tùng Bách). Xét về hình thức bài thơ chỉ là lời ghi chép lại lời kể của nhân vật lão - người đi cùng chuyến tàu với nhà thơ. Ngoại trừ lời nhận xét về ngoại hình nhân vật lão ở hai câu thơ đầu tiên, người viết hoàn toàn không nhận xét hay bộc lộ thái độ nào khác về nhân vật này. Nhưng dưới cái vỏ khách quan đó, bài thơ là một khái quát về số phận và tính cách con người Việt Nam trong thế kỷ XX. Họ từ người dân nô lệ, bần cùng, đứng lên trở thành anh hùng, và từ anh hùng lại trở về với đời thường giản dị, chân chất. Giá trị của bài thơ là ở những khái quát đó.
Cũng có khi, giọng điệu tự sự, khách quan được sử dụng trong hầu hết tác phẩm như một cái nền để làm nổi bật tư tưởng, cảm xúc được dồn nén ở câu thơ cuối. Trong bài thơ Nhả khói lên trời của Lê Thái Sơn toàn bộ phần đầu tác phẩm chỉ là những lời kể chuyện khách quan. Nội dung câu chuyện cũng không có gì đặc biệt, đó là những lần tác giả được nghe ước mơ của người khác, nhưng lần nào tác giả cũng “vô cảm đốt những ước mơ ấy và nhả khói lên trời”, cho đến một ngày “Bây giờ tôi về hưu rồi/ Mười bảy giờ ba mươi hàng ngày tới trường mầm non Bình Minh đón cháu/ Cháu hỏi tôi/ Sao ông không đi làm?/ Tôi hôn má nó mà rằng/ Ông đã về hưu/ Nó nũng nịu, dẫm chân và níu áo tôi/ Ông cho cháu về hưu với/ Tôi đã không thể nào nhả khói được lên trời”. Nếu chỉ đọc phần đầu của bài thơ, người đọc sẽ chưa thấy chất thơ. Chỉ khi đọc xong đoạn thơ cuối cùng ta mới thấy bài thơ có một ý vị triết lý sâu sắc. Cuộc sống hiện đại đầy hối hả khiến con người thời nay trở nên thờ, ơ, vô cảm với các vấn đề xã hội đang xảy ra xung quanh. Nhưng con người không thể vô cảm được nữa khi một đứa trẻ ngây thơ có mong muốn “ông cho cháu
Có thể bạn quan tâm!
- Xu Hướng Gia Tăng Ngôn Ngữ Đời Thường, Trần Tục
- Thử Nghiệm Chất Liệu Biểu Đạt Ngoài Ngôn Ngữ
- Giọng Độc Thoại – Giãi Bày Chiếm Vị Trí Chủ Đạo
- Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 22
- Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 23
- Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 24
Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.
về hưu với”. Câu nói của đứa trẻ hồn nhiên nhưng cũng đủ làm cho con người hôm nay phải suy ngẫm nghiêm túc về lối sống của bản thân, về trách nhiệm làm gương của mình cho thế hệ trẻ.
Giọng cảm thương
Giọng cảm thương là giọng chủ đạo khi nhà thơ suy ngẫm về số phận con người. Xúc động nhất là những vần thơ viết về người thân, về người bà, người mẹ, người chị... cả đời vất vả, hy sinh. Hình ảnh người bà trong thơ Trương Nam Hương là hiện thân của kiếp người lam lũ, nghèo khó: “Bà ơi cây cải lên trời/ Rau răm cay đắng phận người đắng theo/ Chân bấm lên rêu/ Bà tôi gánh cả gió chiều - xót xa” (Thời nắng xanh - Trương Nam Hương). Bài thơ Thời nắng xanh được viết theo thể tự do, nhưng riêng những câu thơ trên lại là lục bát biến thể với âm điệu thật da diết thể hiện tình cảm yêu mến, xót xa của người cháu khi nghĩ về bà. Còn khi nghĩ về mẹ, Ngô Kim Huy bàng hoàng nhận ra rằng “... phía nào cũng gió/ Thổi vào đời mẹ bảy mươi năm qua”, ngọn gió nào cũng đem đến những đớn đau: “Gió xót như chạm cây tầm ma/ Gió bỏng thịt da như đốt/ Gió ngột như vừa rời ra từ phía mặt trời” (Phía nào cũng gió). Gió hay là những cay đắng cuộc đời thổi mãi vào đời mẹ?
Thương xót những đồng đội đã hy sinh là tình cảm thường trực của những nhà thơ bước ra từ cuộc chiến. Không thương sao được khi những người ngã xuống ấy họ còn quá trẻ, mới mười tám, đôi mươi, tương lai mới chỉ bắt đầu: “Mai con về Trường Sơn/ Bạn cha ở đó/ .../ Ở đó không chợ/ Chỉ cát và hương/ Ở đó không trường/ Chỉ toàn lính trẻ/ Họ ra đi bình yên lặng lẽ/ Quây quần bên nhau/ Mai con về Trường Sơn/ Mái nhà nghiêng về phía biển/ Nghe không con/ Sóng mãi ru hồn” (Về Trường Sơn - Phùng Ngọc Hùng).
Thơ cũng dành những lời xót xa nhất khi nói về những kiếp người không may mắn, những em bé bị cha mẹ bỏ rơi, những cụ già bơm xe, cô gái bán mình làm vợ xứ người: “Thắt thẻo giọt rơi/ Gò vào hồn/ Nỗi buồn giấu mặt” (Những hạt bụi long đong - Thái Hồng). Giọng điệu cảm thương chính là thể hiện tính nhân đạo cao cả của thơ.
Giọng giễu nhại, mỉa mai
Thơ Việt gần đây ngày càng gia tăng chất uymua và chất trào lộng với nhiều sắc thái: tự trào, bỡn cợt, dí dỏm, sâu cay… Điều đó thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong đời sống nói chung và trong thơ ca nói riêng. Giễu nhại chính là một biểu hiện của hoài nghi thể hiện cách tiếp cận và quan điểm đánh giá vấn đề của đời sống theo một phía khác tiền lệ. Giọng điệu giễu nhại được tạo nên bởi sự phóng đại, hài hước, nói lái, nói ngược,…
Giọng giễu nhại, mỉa mai được các nhà thơ đương đại hay dùng để châm biếm mặt trái của xã hội trong thời đại kỹ trị. Phan Hoàng dùng giọng mỉa mai khi nói về thói đạo đức giả: “chủ nhà thuyết minh về bộ sưu tập gỗ của mình/ hùng hồn như trên diễn đàn chỉ đạo công tác bảo vệ rừng/ hùng hồn như trên diễn đàn chỉ đạo phòng chống tham nhũng/ một ngọn lửa dẳng dai chót lưỡi” (Mắt gỗ). Trần Nhuận Minh dùng giọng hài hước, giễu nhại phê phán sự mai một giá trị văn hóa truyền thống: “Ta về ta tắm ao ta/ Nghe câu hát cũ mà da sưng phồng…” (Trăng xưa...), “Chỉ thương các cụ chết rồi/ Làm sao sướng được như tôi thế này?” (Làng tôi thành quán...). Hoàng Xuân Tuyền mỉa mai thói tật của công quyền:“Nói dối/ hồn nhiên trịnh trọng/ Làm gian/ vô tư hoành tráng” (Tuyệt kỹ), “Biển đương sùi bọt mép/ Cá sợ bạc cả râu/ Chỉ vì cái máng lợn/ Mắc cạn ở trong đầu” (Biển ốm trong máng lợn sứt mẻ).
Bên cạnh những giọng điệu trên, ta còn thấy trong thơ hiện nay sử dụng nhiều giọng điệu khác nữa. Nguyễn Quang Thiều sử dụng chủ yếu giọng tụng ca mê đắm, trạng trọng trong những bài thơ dài mang hơi hướng trường ca “Người đang đi. Kìa! Người đang đến/ Con đường Người không thay đổi, không mở đầu, không kết thúc/ Người đang đến. Người đang trở về/ Con đường tinh kết. Con đường lan tỏa/ Chúng tôi thấy Người trong Một và trong Vô vàn. Đâu cũng con đường… trong huyết, trong cốt/ Trong cỏ cây, trong đất, trong nước và gió/ và trong những biên giới của hư vô chưa sinh nở con đường” (Nhịp điệu châu thổ mới). Hữu Thỉnh dùng giọng điệu nghi vấn để thể hiện những hoài nghi của mình về nhân tình thế thái “Có gì mới? Ngày vui hay cát đến - Có gì vui? Gió thổi lấy lòng cây - Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?” (Nghẹn). Phan Huyền Thư sử dụng giọng hằn học thể hiện một tâm hồn chịu nhiều đổ vỡ: “Tôi đầy một bụng dao găm. Có lúc muốn phi như mưa
vào bộ mặt thẳng thốt buồn phiền nhu nhược. Có lúc muốn gí sâu từng chút vào cổ niềm vui đần độn đặc quánh mật ướp xác lũ nhặng bu chặt hư danh. Có lúc muốn song phi vào đôi mắt đã nhiều lần làm tôi khóc. Có lúc muốn cạo cho nhẵn mặt ghen tuông chuột cháy nhà” (Lỗ thủng). Nguyễn Thế Hoàng Linh có sở trường sử dụng giọng tưng tửng, bông lơn “Tôi hỏi một không tám không/ chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ chị tổng đài giọng nhu mì/ màu thì nhiều lắm vặt đi vẫn nhiều/ hình như là bạn đang yêu?/ không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên/ hình như là bạn đang điên?/ vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han/.../ xong xuôi hết bốn chín ngàn” (Tôi hỏi một không tám không)... Ngoài ra, cũng không thể không kể đến sự trở lại của giọng ngợi ca, tự hào trong những bài thơ viết về chủ đề biển đảo hay chủ đề lịch sử dân tộc.
Sự phong phú về giọng điệu là hệ quả tất yếu của sự dân chủ hóa và sự mở rộng hiện thực phản ánh trong thơ. Nhìn chung, có thể thấy rằng trong thơ hiện nay, giọng kể, giọng nói chiếm ưu thế tuyệt đối so với giọng ngâm, giọng hát. Sự biến đổi về giọng điệu này là một khía cạnh thể hiện quá trình cách tân thơ ca, bởi lẽ loại thơ khuôn nhịp, đều đặn đã trở nên nhàm với độc giả. Tuy vậy, vì điều này mà thơ đương đại đang rơi vào tình thế mâu thuẫn, một mặt, sự biến đổi giọng điệu góp phần đổi mới thơ; mặt khác thơ chịu nguy cơ rơi vào quên lãng vì khó nhớ, khó thuộc.
Tiểu kết chương 4
Qua khảo sát nghệ thuật thể hiện chúng tôi nhận thấy: Hình thức thơ đầu thế kỷ XXI tiếp tục có sự vận động, biến đổi cho phù hợp với nội dung mới. Cần phải khẳng định rằng những biến đổi về mặt hình thức trong thơ đã bắt đầu từ trước đó khá lâu, có thể tính từ mốc sau 1975 và cho đến nay công cuộc cách tân về mặt hình thức thơ vẫn đang tiếp tục. Trong quá trình vận động của mình, thơ đã loại bỏ một số thể nghiệm hình thức cực đoan xuất hiện trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Nhưng đồng thời thơ hiện nay cũng lại xuất hiện những cực đoan khác. Đó là tình trạng lạm dụng ngôn ngữ trần tục đến mức bừa bãi như ở nhóm Mở Miệng, tình trạng văn xuôi hóa thơ đến mức khó xác định được ranh giới giữa thơ và văn xuôi...
Những cực đoan là khó tránh bởi thơ hiện nay đang phải trải qua những thử nghiệm để tự làm mới, để đáp ứng yêu cầu của độc giả; thơ phải mạnh dạn có những thay đổi. Cho dù có những thử nghiệm chưa thành công nhưng đó là việc làm cần thiết.
Các thể thơ truyền thống, đặc biệt là thể lục bát không ngừng được cách tân để phù hợp với tư duy của thơ hiện nay. Những cách tân đó mở ra cho các thể thơ này khả năng biểu đạt trước đây chưa có. Nhưng chiếm vị trí chủ đạo nhất trên thi đàn vẫn là thơ tự do và thơ văn xuôi bởi hai thể thơ này phù hợp với trạng thái ào ạt sục sôi ý tưởng, cảm xúc của các nhà thơ hiện nay. Tuy nhiên, việc lạm dụng chất văn xuôi vào thơ tự do và thơ văn xuôi đang làm thơ trở nên xù vì, khô cứng, bớt đi cái hàm súc, giàu nhịp điệu vốn là đặc trưng của thơ.
Ngôn ngữ thơ phần nhiều vẫn là ngôn ngữ trong sáng giản dị nhưng ngôn ngữ đời thường thậm chí trần tục ngày càng trở nên táo bạo. Bên cạnh đó xu hướng gia công, dụng nghĩa cho ngôn ngữ vẫn được nhiều nhà thơ coi trọng. Nhưng điểm đáng lưu ý nhất về mặt ngôn ngữ thơ giai đoạn này và cũng là điểm nổi bật của cả giai đoạn thơ đó là những nỗ lực đáng kể của nhiều nhà thơ trong việc tạo ra những chất liệu biểu đạt mới, những cách nói mới. Tuy nhiên việc xóa bỏ chất liệu ngôn ngữ là một việc làm cực đoan đưa thơ vào sự bế tắc bởi không thể nào thay đổi bản chất của thơ là nghệ thuật của ngôn từ.
Hình ảnh trong thơ hiện nay vận động theo hai xu hướng: xu hướng thu hẹp chiều kích hình ảnh trở về với đời thường, trần tục và xu hướng xây dựng hình ảnh đậm chất tượng trưng, siêu thực, nhòe nghĩa, đa tầng, khiến cho thơ không dễ cảm và cũng không dễ hiểu.
Giọng điệu thơ ngày càng đa dạng, nhưng nổi bật và giữ vai trò chủ đạo vẫn là giọng độc thoại – giãi bày.
Nhìn chung, về mặt nghệ thuật biểu hiện, thơ đầu thế kỷ XXI có nhiều cách tân nổi bật hơn về mặt nội dung. Tuy nhiên cái hay trong thơ cách tân chưa nhiều, đấy là chưa kể một số thử nghiệm đưa giá trị của thơ đi xuống. Thêm vào đó, sự thiếu thống nhất trong hướng cách tân của các nhà thơ đặc biệt là thơ trẻ khiến thi đàn chưa có dòng thơ chủ đạo để tạo nên sự “lột xác” hoàn toàn cho thơ Việt.
KẾT LUẬN
Thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI là một dòng thơ đang lưu chuyển, đang vận động không ngừng để xác lập những giá trị mới nhằm đưa thơ thoát ra khỏi sự khủng hoảng. Đây cũng là một thời kỳ mà gương mặt thơ rất đa dạng, phức tạp với sự hiện diện cùng lúc nhiều loại hình giá trị: trung tâm và ngoại vi, chính thống và phi chính thống, cao sang và suồng sã, cổ điển và phi cổ điển. Điều đó đã dẫn đến những cách đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thơ hiện nay. Cũng vì lý do như vậy, việc khái quát diện mạo cũng như khảo sát, phân tích rút ra những đặc điểm nội dung, nghệ thuật của giai đoạn thơ này là một sự mạo hiểm nhưng cũng rất cần thiết để đánh giá thơ đương đại.
Ở bất kỳ giai đoạn nào, quan niệm nghệ thuật luôn giữ vai trò là định hướng tư tưởng cho sự phát triển của thơ. Sự phong phú, đa dạng về quan niệm nghệ thuật thơ đầu thế kỷ XXI đã tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ của thơ giai đoạn này với ba khuynh hướng sáng tạo chủ đạo: khuynh hướng bảo tồn các giá trị truyền thống; khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống; khuynh hướng cách tân triệt để. Mặc dù có sự phong phú về quan niệm thơ nhưng nổi bật và chủ đạo vẫn là quan niệm coi thơ là địa hạt của sáng tạo, độc đáo và người nghệ sĩ phải trở thành người tiên phong khai mở con đường sáng tạo mới. Những trào lưu cách tân khá rầm rộ: Tân hình thức, Nữ quyền luận, Thơ thị giác, Hậu hiện đại,... và cả những nhà thơ tuy không tạo ra được trào lưu riêng nhưng vẫn cần mẫn, kiên trì trên con đường độc sáng chính là kết quả của quan niệm thơ như vậy. Và đó cũng là điểm nổi bật của diện mạo thơ đầu thế kỷ XXI. Tuy vậy, không hẳn có nhiều sáng tạo là tạo nên thành công của thơ. Bởi mới và hay không phải là những khái niệm đồng nhất. Thơ mới và hay vẫn còn ít trong khi thơ mới nhưng chưa hay lại nhiều, đấy là chưa kể đến những sáng tạo cực đoan còn làm thơ xấu xí đi. Vả chăng, cũng cần phải có thời gian để chứng minh giá trị thực sự của những thử nghiệm; còn cho đến thời điểm này, cho dù xuất hiện nhiều trào lưu, trường phái, nhiều lý thuyết, học thuyết ồn ào nhưng vẫn chưa thấy có những tài năng hay trào lưu nổi bật đủ sức định hướng phát triển cho nền thơ đương đại.