Thử Nghiệm Chất Liệu Biểu Đạt Ngoài Ngôn Ngữ

đào nguyên suối chửa thông” (Hồ Xuân Hương). Trong Thơ mới, ngôn ngữ thân thể có lẽ đến Xuân Diệu đã là đỉnh điểm: “Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt” (Xa cách). Đến thơ đầu thế kỷ XXI, ngôn ngữ thân thể xuất hiện với dày hơn và táo tạo hơn hẳn. Ngôn ngữ thân thể tràn gập trong thơ tình đương đại bởi quan niệm tình yêu không thể xa rời nhục cảm thân xác. Không chỉ đơn giản là những từ ngữ bộ phận cơ thể như tóc, cánh tay, ngực, đùi, da thịt… mà còn là những từ ngữ chỉ quan hệ tính giao. Một cách có chừng mực thì viết như Mai Văn Phấn “Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp” (Bài ca buổi sớm)… Táo bạo hơn thì như Vi Thùy Linh: “Vì em trắng quá mà đêm trong hơn/Ngồi bên lò sưởi trên ghế chân quỳ, em chải tóc/ Anh để dành cho em chiếc lưỡi/ Da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo/ Eo chờ đợi vuốt ve thắt bão/ Phòng sáng dịu đèn pin mặt trời, mùi ngọc lan tây búp lay tao nhã, mùi thịt da mượt mềm lan toả” (Tình tự ca). Chẳng kém Vi Thùy Linh là nhóm Ngựa trời với tập Dự báo phi thời tiết với những câu thơ gây sốc “Những ngón tay sần lên sục sạo khắp khe hang đồi núi vực sâu” (Hợp nhất), “Tiếng rên rỉ dòng nước trắng ứ bầu vú. Em vật vã cánh cửa mình chưa kịp khép kìa...” (Chở thuê). Ngoài ra, trong thơ đầu thế kỷ XXI, cũng không hiếm trường hợp người ta gọi tên bộ phận sinh dục của con người bằng những cái tên nôm na, dân dã nhất và thậm chí còn cho rằng đó là việc đi tìm bình đẳng cho ngôn ngữ; ngôn ngữ đời thường (chợ búa, nhà thổ) phải được ngang hàng với ngôn ngữ cao sang. (Lỗ thủng lịch sử của Nguyễn Hữu Hồng Minh là một ví dụ)

Với quan niệm cần phải mở rộng dân chủ hoá trong thơ ca, sự gia tăng ngôn ngữ đời thường, trần tục là một lẽ tất yếu. Tuy vậy việc sử dụng loại ngôn ngữ này cũng không thể tuỳ tiện. Khi ngôn ngữ đời thường được sử dụng một cách có chừng mực, đúng hoàn cảnh, nó đem lại những giá trị biểu đạt bất ngờ. Ngôn ngữ đời thường trần tục giúp Vi Thùy Linh thể hiện những khát vọng, những ẩn ức tính dục không thể kìm nén: “Một đêm căng tròn muốn vỡ/ Phát điên nhớ cái hôn phát điên...” (Chân dung); nó cũng giúp Phan Huyền Thư thể hiện rất thật trạng thái tiêu

cực đầy thù hằn, bất mãn của tâm hồn bị tổn thương: “Mỗi ngày những lưỡi dao lại gầy hơn. Thật khủng khiếp vì không biết làm gì với một bụng dao găm đã được lau chùi sáng bóng bằng nước bọt và miếng giẻ tình nghĩa xơ mướp” (Lỗ thủng). Tuy vậy, trên thực tế, không ít người đã lạm dụng ngôn ngữ đời thường trần tục và đẩy ngôn ngữ thơ đến chỗ cực đoan, ví dụ như nhóm Mở Miệng. Lấy cớ tiếp thu quan điểm mỹ học hậu hiện đại (quan điểm mỹ học hậu hiện đại chủ trương xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày, phá bỏ những giai tầng văn hóa quý phái và văn hóa đại chúng), các nhà thơ này chối bỏ ngôn ngữ truyền thống hàm súc, trong sáng và chỉ chuộng ngôn ngữ trần tục. Không chỉ “bê” nguyên ngôn ngữ đời thường vào thơ, Bùi Chát còn giữ nguyên lối phát âm địa phương bị cho là ngọng so với lối phát âm chuẩn: “Tôi lém lước bọt nên tường/ tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống/ tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè/ xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật/ tôi nhìn tôi bay chên chời/ tôi hành hạ tôi ba bữa/ tôi đâm ja / tôi cêu đòi chữ ngĩa…” (Đâm ja). Không chỉ thế, đôi khi các nhà thơ này còn đẩy ngôn ngữ thơ đến độ thô thiển khi sử dụng những từ ngữ dung tục một cách sống sượng, làm xấu xí hình ảnh của “nàng thơ”.

Việc gia tăng ngôn ngữ đời thường là một cách mở rộng chất liệu biểu cho thơ nhưng phải luôn đảm bảo tính thẩm mĩ, bởi thơ trước hết là một nghệ thuật. Những tác phẩm lạm dụng ngôn ngữ trần tục gây phản cảm ở người đọc, rất có hại cho thơ.

4.2.3. Thử nghiệm chất liệu biểu đạt ngoài ngôn ngữ

Chất liệu biểu đạt của thơ là ngôn ngữ. Nhưng với khát vọng cách tân đến tận cùng ngôn ngữ thơ đương đại, một số nhà thơ bắt đầu tìm kiếm và thử nghiệm những chất liệu biểu đạt khác ngoài ngôn ngữ.

Phổ biến nhất là kết hợp giữa ngôn từ với các yếu tố thị giác như thơ trình diễn và thơ xếp hình. Thơ trình diễn là thơ kết hợp với nghệ thuật trình diễn: đọc, ngâm kết hợp với âm thanh, ánh sáng, chuyển động hình thể,.... Như vậy, nghệ thuật trình diễn ở đây chính là chất liệu phi ngôn từ mà nhà thơ sử dụng để truyền tải ý tưởng và cảm xúc. Thực ra, xét về bản chất, thơ trình diễn không mới. Diễn xướng vốn là hình thức phổ biến thơ nguyên thủy. Ở Việt Nam xưa, nếu bình thơ là hình thức đọc thơ phổ biến nhất, thì có thể coi ngâm, ca trù là những hình thức diễn

xướng thơ theo con đường nhạc hoá độc đáo của Việt Nam. Thế kỷ XX, ngâm thơ (sau này còn gọi là diễn ngâm) trở nên hình thức diễn xướng thơ chủ đạo, trước khi có sự cạnh tranh của lối đọc diễn cảm bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp, đến sau 1954 thì phát triển thành đọc diễn cảm có nhạc đệm ở miền Bắc. Nghệ thuật trình diễn hiện nay khác, không chỉ là ngâm mà còn là biểu diễn với sự phụ trợ của nhiều phương tiện hiện đại. Mở đầu hình thức này chính là những đêm thơ ở quán cafe EraWine (trong Khách sạn Lotus, đường Nguyễn Trãi, TPHCM) năm 2001 do hoạ sĩ Như Huy tổ chức. Cuối năm 2003, thì có hai đêm trình diễn tổng hợp thu hút khá đông người dự tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nằm trong dự án nghệ thuật “Xuyên biên giới” (Pushing Through Border) do tổ chức Dance Theatre Workshop của Mỹ tài trợ, Ly Hoàng Ly đạo diễn, với hai nhân vật chính là Ly Hoàng Ly và nhà thơ nữ người Mỹ gốc Á Anida Yeou Esguerra và sự tham dự của nhiều hoạ sĩ, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ múa. Ở Hà Nội, có thể nói lần đầu tiên công chúng thủ đô biết đến trình diễn thơ đương đại là đêm thơ Dương Tường cuối 2005 tại l’Espace (Nhà Văn hoá Pháp). Giữa khung cảnh một tác phẩm sắp đặt “73 chiếc cối đá” (tượng trưng số tuổi của nhà thơ) của Nguyễn Minh Thành và tiếng piano ngẫu hứng của Vũ Dân Tân, màn hình chiếu video của Nguyễn Quang Huy, nhà thơ trong “áo bào thơ” do hoạ sĩ Trương Tân thực hiện đọc thơ “con âm” của mình, đọc xong ông xé tập giấy in thơ phân phát cho khán giả và sau đó khán giả đem lại xin ông chữ ký. Tuy vậy, người đọc đến xem trình diễn thơ phần đông vì tò mò bởi sự mới mẻ chứ không phải vì thơ trình diễn đã đêm lại một cách cảm nhận khác về thơ.

Loại thứ hai của thơ thị giác là thơ xếp theo hình vẽ. Trong loại thơ này, ngoài yếu tố ngôn từ thì yếu tố sắp đặt là một trong những phương tiện biểu đạt của tác phẩm. Thực ra loại thơ này không mới, trong nền thơ tượng trưng Pháp, Baudelaire, Apollinaire đã từng viết những bài thơ hình vẽ rất đặc sắc; còn ngay trong Thơ mới Nguyễn Vĩ, Lê Ta, Trần Huấn Chương cũng đã từng có một số bài thơ mang tính mô phỏng theo chủ nghĩa hình thức phương Tây. Chẳng hạn, Nguyễn Vĩ có bài Hoàng hôn được sắp đặt theo kiểu mô phỏng hình cánh cò bay trong ánh hoàng hôn sắp tắt, bài Tiếng chuông chùa mô phỏng âm thanh ngân nga vọng ra từ đỉnh tháp chuông, bài Mưa được kết cấu theo hình quả trám. Hiện nay,

một số nhà thơ cũng vận dụng hình thức này để gia tăng tạo nghĩa ngoài lời cho văn bản thơ. Ví dụ:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Tôi

đi ngược mùa thu kỉ niệm

Tìm em trong quá khứ vơi đầy Nắng làm rụng nỗi buồn nơi góc phố

(….)

Xuân bước đến bên thềm

đào chợt nở Tóc trên đầu có mấy sợi bạc thêm.

(Đổi mùa – Hữu Đạt)

Bài thơ sắp xếp theo hình mũi tên ngược để diễn tả chiều vận động của nhân vật trữ tình: ngược về quá khứ đi tìm những kỉ niệm.

Cũng có thể coi là biến thể thơ thị giác trong các trường hợp câu thơ xuống dòng đột ngột theo bậc thang, hình thác,… vốn rất phong phú trong thơ hiện nay. Về thơ thị giác, có thể coi tập thơ Chữ cái của Nguyễn Thị Từ Huy là một tập thơ khá thú vị. Nhà thơ nhọc nhằn cất công dồn nén ngôn từ vào trong khuôn khổ từng chữ cái, mỗi bài thơ trong một chữ cái dù đôi khi phải trả giá vì “làm đau từ khi trói chặt chúng trong bộ khung chữ hạn hẹp” (Hoàng Hưng). Dưới đây là bài thơ chữ T, t là âm tiết mở đầu của “tôi”, thế nên bài thơ là những suy ngẫm là triết lý của nhà thơ về chứ “tôi” và được thể hiện bằng nghệ thuật sắp đặt thành chữ cái T:

Tôi không thể tiếp tục những gì đã được bắt đầu bằng chữ “tôi” Tôi không thể ngừng những gì đã được bắt đầu bằng chữ “tôi”

Sự bất lực

sâu của những

ẩn náu trong mọi ngóc ngách của cơ thể.

Trong óc trong xương thịt gân tủy

miệng mắt tim trong lục phủ ngũ tạng. Tôi trượt bên cạnh tôi.

Tôi ở xa

suy tư đang đòi

được gọi thành ngôn ngữ. Tôi nhìn thấy tôi xuyên qua một cuộc hiện

tồn khác hiện tồn của chữ. Tôi khóc cho giấy vì chữ

không phải

tôi. Tôi gò cửa chính tôi.

Vì không thể đến tận cùng đáy

được viết ra bằng mực không thể khô cũng chẳng có hình hài

Dù có sử dụng các yếu tố phi ngôn từ nhưng dù sao thơ thị giác vẫn không thể xa rời chất liệu truyền thống của thơ nói riêng và văn chương nói chung là ngôn ngữ. Nghĩa là yếu tố phi ngôn từ chỉ là yếu tố phụ trợ giúp cho bài thơ được viết bằng ngôn ngữ có thêm sức biểu đạt. Nhưng đến Dương Tường, nhà thơ là xóa bỏ luôn ngôn ngữ trong thơ của mình, thiết lập một loại thơ mới “thơ ngoài lời” qua tập thơ “Đàn – Thơ ngoài lời”.

Bài thơ Đàn tâm đồ Đây là thơ hay tranh hay là nhạc thật khó trả lời 1

Bài thơ Đàn tâm đồ

Đây là thơ hay tranh hay là nhạc, thật khó trả lời? Đừng hoài công tìm bóng dáng ngôn ngữ trong tập thơ này, vì thực chất nó là những bức tranh, ngôn ngữ rất ít (rải rác mới thấy một số từ như: đàn minh, đàn bà, lưng, nghìn mưa). Đó là những biến thể khác nhau của từ đàn: khi thì được cách điệu nhìn như cung đàn bầu, khi thì như một khóa sol, khi đàn thư mắt bão, như lốc xoáy, như vân tay, như những nốt lặng (những chấm vuông như những triện đen). Dương Tường tâm sự rằng tác phẩm thơ của ông là một giao hưởng “đàn” gồm 4 chương: Moderato, Presto, Scherzo và Andante Cantabilo. Người nghệ sĩ sáng tạo phải hoá thân để trở thành một dấu lặng trong một tổ khúc, một vệt sóng “ba đào” trên biển cả. Nguyễn Hữu Hồng Minh thì nhận xét “Thơ ngoài lời cũng có thể xem như “sự ú ớ của ngôn ngữ”. Thơ tranh hay thơ biểu hình là cách chọn của Dương Tường lúc tâm hồn ông căng như “nhạc đàn”, trộn lẫn (hay hòa âm?) của quá nhiều ngột hứng, quá nhiều sự phân thân của chỉ một tâm trạng, đẩy đến hiệu ứng “hoa đăng” của cảm xúc. Ở trạng thái “tổng phổ” ấy, ngôn ngữ đã mất tính năng độc quyền và độc diễn của nó, và thực chất đây là cuộc phá vây chữ” (“Dương Tường và Thơ ngoài lời”, https://giaitri.vnexpress.net).

Trần Nguyễn Anh lại có khám phá khác về chất liệu thơ trong Mặc xanh áo em. Nó có thể là những con số:

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

2 4 6 8 10

10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10

1,001 1,002 1,003 1,004 1,005 1,006 1,007 1,008 1,009

2 2 (bằng) 4

(khoảng) 7 8

(mồm) 5 (miệng) 10

3 5 7 cn

2 4 6 8 10a (số 2 cũ) 10b 10c 10d (còng số) 8 (cửa số) 9a

13

1 2 3 4 1 2 3 4 1 2 3 4

1...2 1...2 1...2 1...2 1...2

1...2 1...2 1...2 1...2 1...2

(trên) 6

(dưới) 8

Hay là những con âm vô nghĩa: â, ă, ơ, e, ê; những chữ cái A A’B’ B”, thậm chí là những phép toán 1+3 3+1,... đều thành thơ hết. Người khác bảo đấy không phải là thơ, nhưng Trần Nguyễn Anh thì ngược lại. Thơ không nhất thiết phải là thơ như nó vẫn tồn tại trong ý niệm. Thơ có thể là những kí tự độc đáo, khác lạ miễn là người làm thơ cho rằng đó chính là thơ.

Với việc mở rộng chất liệu biểu đạt cùng với việc gia tăng ngôn ngữ đời thường, trần tục, trong thơ hiện nay đang thực sự có một “cuộc nổi loạn ngôn từ” (chữ dùng của Trần Ngọc Hiếu). Tuy nhiên nổi loạn đến mức triệt tiêu cả ngôn ngữ chỉ còn những hình vẽ và kí hiệu là đã đi quá giới hạn của đổi mới thơ. Nói gì đi nữa, thơ trước hết là nghệ thuật của ngôn từ; nếu không còn ngôn từ thì cũng không phải là thơ nữa.

4.3. Hệ thống hình ảnh

Hình ảnh chính là một trong những yếu tố góp phần tạo dựng cho cái tôi trữ tình một không gian - thời gian thể hiện, một nhịp điệu vận động, một quan hệ đối với thế giới, trong một tồn tại cụ thể cảm tính. Do đó, hình ảnh không chỉ là hiện tượng đời sống chân thực mà còn là sự khách thể hóa những rung cảm nội tại để cái tôi nhìn thấy chính mình. Hơn thế nữa, hình ảnh trong thơ còn là sự xác nhận một cảm quan của cái tôi về thế giới. Mỗi một thời đại, con người có cách nhìn, cách cảm về thế giới khác nhau do đó, hình ảnh trong thơ của mỗi thời đại cũng khác nhau. Thơ Việt Nam từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay không còn những biểu tượng quen thuộc trong thơ sử thi như máu và hoa, chiến hào, chiến lũy, màu đỏ, ngói mới..., cũng không còn dàn đồng ca và trạng thái hát ca, không còn tư thế và vị trí kiêu hãnh. Khi cảm hứng thế sự, đời tư giữ vai trò chủ đạo, hình ảnh thơ ngày càng có xu hướng đời thường, trần tục hóa. Những nỗ lực cách tân không ngừng của các nhà thơ đương đại cũng khiến xuất hiện nhiều hơn trong thơ những hình ảnh lạ hóa, siêu thực.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022