Giọng Độc Thoại – Giãi Bày Chiếm Vị Trí Chủ Đạo

4.3.1. Hình ảnh đời thường, trần tục

Khi thơ trở về với những vấn đề thế sự, đời tư thì tất yếu sẽ dẫn đến sự thu hẹp chiều kích của một số hình ảnh thơ, như hình ảnh Tổ quốc, Mẹ,... Hình tượng Tổ quốc trong thơ hiện nay vẫn thiêng liêng, trang trọng nhưng không mang tầm vóc tráng lệ như thơ sử thi. Trước kia, cảm nhận của Chế Lan Viên cảm nhận về Tổ quốc thật hùng vĩ, tráng lệ: “Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào/ Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ”. Còn ngày nay, Trần Thị Huyền Trang thấy Tổ quốc hiện hữu trong một bông cúc nhỏ bé: “Mai ngày rời Cột Mốc Số Không/ Tổ quốc cài trên tóc/ Một bông/ Một bông/ Một bông/ Con đường mang dấu chân cha ông/ Bông cúc nở triền miên không dứt” (Tổ quốc).

Trong thơ sử thi, Mẹ là biểu tượng của Tổ quốc, dân tộc, quê hương, còn trong thơ hiện nay, mẹ là một số phận cụ thể, với bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay, vất vả: “Bước ra từ khuôn hình/ tấm lưng còm còi/ tuổi xuân xa ngái/ bát cơm gầy chan nước mắt” (Tấm ảnh mẹ - Trần Đăng Huấn), “Tình sâu hóa vết thương sâu - bàn thờ

- mẹ vẫn một đầu chiến tranh” (Ngày giỗ cha - Đỗ Trọng Khơi).

Một số hình ảnh lại có sự thay đổi ý nghĩa biểu đạt, chẳng hạn như hình ảnh đất. Trong thơ sử thi, đất đai như là biểu tượng của cội nguồn ước mơ, khát vọng, tượng trưng cho sự bền bỉ, lòng kiên nhẫn, nhân hậu, thủy chung (Đất nước - Nguyễn Đình Thi, Người vắt sữa bầu trời - Thu Bồn, Sức bền của đất - Hữu Thỉnh). Trong thơ hiện nay, đất trước hết là không gian sinh tồn, là cái nâng đỡ con người cả về thể xác lẫn tinh thần “Khi vui thì ngửng mặt lên trời, khi buồn lại cúi mặt vào đất; Khi vui thì nhảy lên khỏi mặt đất, khi buồn lại dậm chân vào đất” (Hồi môn của đất - Lương Ngọc An). Đất là biểu tượng của những gì gần gũi nhưng con người ta thường hay lãng quên, không chú ý: “Bởi quen ngước lên/ Anh thường không nhìn thấy/ Một thế giới mộng mơ/ Ở ngay dưới chân mình” (Bầu trời đất - Hoàng Trần Cương).

Nhiều nhất trong thơ mười năm đầu thế kỷ XXI là những hình ảnh của cuộc sống đời thường trần tục. Đây là hệ quả tất yếu khi cảm hứng thế sự, đời tư trở thành cảm hứng chủ đạo và dân chủ trong thơ được đề cao. Có thể nói xu hướng trở về cái giản dị, đời thường đã chi phối tư duy thơ của các nhà thơ hiện nay. Có thể

lấy đoạn thơ sau đây của Nguyễn Trọng Tạo làm ví dụ: “Ngày không em/ anh cây chổi tựa mòn góc bếp/ anh cái chảo mốc meo/ anh con mèo đói kêu khan/ anh con chồn hoang ngủ vùi hốc tối...” (Ngày không em). Trước kia, con người thường ví nỗi nhớ trong tình yêu với những gì to lớn và vĩnh hằng như sóng nhớ bờ, như thuyền nhớ biển. Còn trong thơ hiện nay, nỗi nhớ tình yêu được ví với những hình ảnh hết sức bình dị, đời thường như cái chổi, cái chảo, con mèo, con chồn. Tình yêu không còn mang màu sắc lý tưởng, tình yêu gắn với cuộc sống đời thường, nhưng chính vì thế mà tình yêu cụ thể hơn, chân thực hơn. Với kiểu tư duy như thế, tất yếu những hình ảnh của cuộc sống đời thường sẽ tràn vào thơ. Chúng tôi tạm phân chia các hình ảnh về cuộc sống đời thường, trần tục trong thơ hiện nay thành các nhóm sau:

* Hình ảnh con người : là những con người bé nhỏ với số phận riêng (chứ không phải là những con người tiêu biểu của thời đại) như em bé mồ côi, người đàn bà bán mình làm vợ xứ người, người hàng xóm, người đi cùng chuyến tàu, người thân, người bạn... Bên cạnh đó là những biểu trưng về số phận con người như hạt cát, hạt bụi, cỏ...

* Thế giới loài vật: những loài vật bé nhỏ như: con gián, con kiến, con chó, con mèo, con chim vành khuyên, ...

* Cảnh vật gắn liền với cuộc sống thường ngày của con người như: hoa cau, hoa xoan, hoa mướp, lục bình, dây bầu, chiếc lá, cánh đồng...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

* Những hình ảnh thể hiện tâm trạng cô đơn của con người như: chiếc bóng, độc thoại, con người lang thang...

* Những hình ảnh mang tính nhục thể: những bộ phận trên cơ thể con người (đặc biệt là người phụ nữ), những hình ảnh gợi tính dục...

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 20

Sự xuất hiện ngày càng nhiều những hình ảnh mang tính nhục thể là một trong những điểm khác biệt giữa thơ hiện nay (được tính từ những năm cuối cùng của thế kỷ XX đến nay) và toàn bộ nền thơ trước đó. Cũng cần phải lưu ý rằng, không phải là thơ trước đó không có hình ảnh nhục thể. Từ thời trung đại, Hồ Xuân Hương đã nói nhiều đến những hình ảnh gợi hoạt động tính giao của con người rồi, Nguyễn Du cũng từng ca ngợi vẻ đẹp thân thể của Thúy Kiều: “Dày dày sẵn đúc

một tòa thiên nhiên”. Đến thơ Mới, Xuân Diệu cũng từng tha thiết kêu gọi “Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực”. Nhưng những hình ảnh đó mới chỉ dừng ở mức gợi, hoặc là bóng gió xa xôi, hoặc ước lệ, tượng trưng, hoặc chỉ là ước mơ chứ không phải thực tế. Trong thơ hiện nay, những hình ảnh mang tính nhục thể được thể hiện một cách trực tiếp. Những bộ phận trên cơ thể con người, kể cả những bộ phận nhạy cảm được gọi bằng đúng cái tên của nó chứ không phải bằng những ước lệ: “Đôi bầu vú thông minh/ không ngăn nổi cặp đùi dài ngu ngốc chảy vào nhau” (Phan Huyền Thư), “Nhưng khi hắn cần dương vật thì hắn biết bỏ quên ở Sài Gòn” (Nguyễn Hữu Hồng Minh). Vi Thùy Linh khai thác triệt để những phần thân thể và những hoạt động giao hoan tình dục, những cảm giác vật chất và tinh thần: Bàn Tay, Đôi mắt Anh, Trên Ngực Anh, môi hôn, làn da, “lưng anh lưng em tự sóng”, “anh hoà em vào máu”; “Anh hạ trời xuống Anh nâng đất lên/ Anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên/ Trên lưng Anh, bơi mải miết ngón ngón em dài trắng/ Môi em trườn đêm căng/ Duỗi chân dài, em nối những ranh giới, những núi đồi, sông biển, nhịp nhịp qua cầu đùi muốt/ Vào lúc Anh lên em lên Anh/ Thụ tạo giấc mơ ấp ủ/ Em đạt khát khao làm Mẹ” (Nơi ánh sáng). Sự xuất hiện những hình ảnh nhục thể chứng tỏ hình ảnh thơ không chỉ vận động theo hướng đời thường hóa mà còn theo hướng trần tục hóa.

4.3.2. Hình ảnh lạ hóa mang màu sắc siêu thực

Chủ nghĩa siêu thực được chính thức khai sinh năm 1924 với Bản tuyên ngôn thứ nhất do A. Breton khởi thảo. Chủ nghĩa siêu thực dựa trên nền tảng triết học trực giác của H. Bergson, thuyết phân tâm học của S. Freud và không thể không nói đến ảnh hưởng của thuyết tương đối (1905, 1915) của A. Einstein. Khi Bergson đề cao cảm giác, cảm xúc, đã mở ra một con đường đến với thế giới thông qua sự cảm nhận trực tiếp, bất chợt, đứng ngoài các phán đoán, suy lí. Sự xuất hiện của yếu tố siêu thực trong thơ Việt Nam hiện nay về mặt lịch sử là một sự tái hiện, trở lại truyền thống đã được kiến tạo từ Thơ mới. Nguyên nhân sâu xa của nó có lẽ là sự phản ứng lại quy ước miêu tả cuộc sống một cách lịch sử - cụ thể, hình tượng nghệ thuật phải được thể hiện như dạng thức có thật của đời sống đã trở nên cũ nhàm, thiếu sức hấp dẫn. Các nhà thơ đương đại muốn xác lập cách xây dựng hình ảnh

mới với những liên tưởng ngẫu nhiên, những kết hợp bất ngờ tạo ra trong thơ họ những không gian đa chiều, thế giới của những ẩn dụ, phúng dụ, thế giới của giấc mơ, trực cảm đầy huyền bí.

Trong thơ cách tân hiện nay, hình ảnh luôn biến ảo dị thường, vượt xa những liên tưởng thông thường, trở thành những hình ảnh phóng dụ, ám dụ người đọc, gợi mở cho họ liên tưởng tới những điều lớn lao, hệ trọng trong đời sống xã hội, thế nhân. Tiêu biểu như hình ảnh thơ đậm chất tượng trưng, siêu thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Quang Thiều thường được nâng lên thành ẩn dụ, vì thế không thể hiểu nó theo logic ngữ nghĩa thông thường: “Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hoàng hôn, tôi nặn chiếc bình gốm/ Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa...” (Chiếc bình gốm). Đây không phải là hình ảnh về một chiếc bình gốm cụ thể, thông thường mà là chiếc bình gốm thơ. Chiếc bình thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là tĩnh vật. Nó là kết quả của những tan chảy, những chuyển động. Khi sử dụng bút pháp siêu thực, thế giới hình ảnh trong thơ Nguyễn Quang Thiều mang một vẻ đẹp huyền ảo, mê hoặc, nói như Nguyễn Đăng Điệp: “Sức mạnh của tiếng nói Nguyễn Quang Thiều vang lên trong cấu trúc của giấc mơ và sự xuất hiện liên tiếp của những thi ảnh lạ lẫm” [34].

Ở Ly Hoàng Ly, hình ảnh siêu thực trong thơ Ly mang vẻ ma mị, quyến rũ và thường bao giờ cũng là những ẩn dụ cho những khám phá chính bản thể mình: “Trong vô vàn những giọt nước mắt/ Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng” (Mở nút đêm), “Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ/ Khâu đêm lại bằng tóc …/ Cắt ta ra từng mảnh nhỏ/ Khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác/ Cho đến khi trắng hếu đêm” (Cắt), “Vườn co vào lá/ Hoa ôm đêm đến rũ xác/ Em đi nhặt xác hoa/ Bước vào vùng trăng/ Toàn thân lấp lánh dịu dàng” (Đêm trong vườn). Đó là những hình ảnh được xây dựng bởi sự hòa trộn giữa hiện thực với tiềm thức hoặc tưởng tượng. Từ trong những hình ảnh siêu thực đó, người đọc nhận thấy hành trình của nhà thơ trong việc khám phá những phức tạp, bí ẩn của bản thể, cũng như những run rẩy buốt giá khi chạm đến tận cùng nỗi cô đơn trong hành trình khám phá bản thể ấy. Không gian “đêm” trở thành không gian nghệ thuật của thơ Ly Hoàng Ly, là một

không gian lý tưởng cho sự xuất hiện những hình ảnh đậm chất siêu thực ma mị, ám ảnh và cũng rất quyến rũ ấy.

Trần Tuấn ở Ma thuật ngón (giải thưởng Bách Việt 2008), rất có ý thức khi sử dụng những yếu tố siêu thực vào các hình tượng. Siêu thực được anh sử dụng như là một thủ pháp, như là một phương tiện. Đây là hình ảnh người bán cà phê sau một đêm lao động căng thẳng, anh về nhà trong trạng thái nửa mơ, nửa tỉnh, cơn buồn ngủ, sự mệt mỏi chập chờn anh đi trong trạng thái vô thức, cảnh vật cũng hư ảo, mộng mị “lanh canh tiếng ly muỗng đi trên con đường đêm/ chiếc xe đẩy người bán cà phê đêm về nhà lúc gần sáng/ nhà đâu trong đầu người đẩy xe mơ ngủ/ nơi ngã tư gần lụi đèn đường/ ụ giao thông ngồi làm nấm mộ/ có dăm giấc mơ dừng lại ngồi bên” (Giấc mơ sống sót). Tác giả nhân hoá đồ vật (chiếc xe đẩy) và vật hoá con người (người bán cà phê) cả hai đổi vị trí cho nhau, ụ giao thông thành nấm mộ ngồi lẫn những giấc mơ. Với Ma thuật ngón, Trần Tuấn ảo hóa cảm xúc từ cảm giác đến linh giác. Những yếu tố siêu thực xuất hiện trong tác phẩm tạo một không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, mộng mị. Nó nằm trong phương thức “lạ hoá” mà các nhà thơ hậu hiện đại hay dùng.

Sử dụng những hình ảnh lạ hóa còn là cách để nhà thơ thể hiện một cách cảm nhận khác về thế giới, đem đến một luồng sinh khí mới cho thơ ca. Nguyễn Bình Phương đã mang đến một cảm xúc hoàn toàn mới lạ khi nói về việc đi xe máy “- Vít tay ga phóng vượt qua nước mắt/ Sang bên kia bầu trời/ Chạm vào thời tiết và tan biến/ Các chấm đỏ lại nôn nao ẩn hiện/ Trong đường cua quái đản/ Lấp lánh theo dọc dải Ngân hà/ Em lộng lẫy sau xe như tích tắc cuối cùng của mùa hạ” (Xe máy). Tác giả đang miêu tả việc đi xe máy hay là đang nói tới giấc mơ vượt thoát sang còi khác, thoát khỏi thực tại tầm thường, song hành cũng vũ trụ? Nói về sự trôi chảy của thời gian bất định và sự nhập cuộc hữu hạn của con người, Thi Nguyên viết: “Ngày mềm nhũn đang chảy từ chiếc đồng hồ cát đến con lợn đất/ Bụi trên bàn chờ hoá kiếp trần gian/ Thời gian ơi cho tôi quá giang một đoạn” (Trên bàn viết). Ở đây có những liên tưởng táo bạo, thoắt đi về giữa hiện thực và tưởng tượng. Những cách kiến tạo thi ảnh lạ như thế tạo ra những liên tưởng mới, tâm thế tiếp nhận mới ở người đọc.

Trong nỗ lực làm lạ hóa hình ảnh, một số nhà thơ cách tân có xu hướng sắp xếp những hình ảnh rời rạc đứng cạnh nhau có thể là để thể hiện những ám tượng nào đó trong vô thức, tiềm thức. Nhưng điều đó cũng làm khó người đọc trong việc tìm ra nội dung, tư tưởng của bài thơ: “Mùi quế hương lưu vong/ tấm lưng trần liệm nắng/ ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất/ những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!/ Se tháng năm vất vưởng đáy rốn/ nhúm nhau dạt chân trời/ không tổ chức/ lụt bão/ luật lệ/ tử cung/ sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ/một ngày mai tinh khôi vân tay” (Hoe chân lời – Văn Cầm Hải). Bài thơ thách đố độc giả ngay từ nhan đề rồi đến hình ảnh. Cách làm thơ như vậy rất mới nhưng cò lẽ không mấy người đọc đủ kiên trì nghiền ngẫm xem tác giả muốn nói gì trong bài thơ ấy.

4.4. Hướng tới đa giọng điệu

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm,… Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc.” [45, tr.134]. Như vậy, giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm thơ nói riêng “Giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật, là phương tiện biểu hiện quan trọng của chủ thể sáng tạo, đồng thời còn là một biểu hiện của thi pháp trong những thời đại thi ca nhất định” [6, tr.204]. Giọng điệu chung của thơ cách mạng là tiếng nói hào sảng của thời đại cách mạng, là tiếng nói tha thiết yêu thương, là giọng ru êm ái, ngọt ngào... Nhưng sau chiến tranh, lịch sử đã sang trang, thế giới tâm hồn và cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ đối với cuộc sống cũng thay đổi. Những giọng điệu thơ phổ biến trước đây không còn phù hợp, thơ cần những giọng điệu mới.

4.4.1. Giọng độc thoại – giãi bày chiếm vị trí chủ đạo

Làm thơ là cách nhà thơ trải nỗi lòng trên trang giấy, để mong tìm ở người đọc mối dây đồng cảm, sẻ chia, do đó giọng giãi bày là giọng điệu chính của thơ từ xưa đến nay. Đặc biệt là sau Đổi mới, khi ý thức cá nhân trỗi dậy, nhu cầu nói về

mình trở nên mãnh liệt, giọng độc thoại - giãi bày càng trở thành giọng điệu chủ đạo của thi đàn.

Ta thường bắt gặp trong thơ hiện nay hình thức tự bạch. Đây thực chất là dạng độc thoại nhằm phơi bày cái tôi của mình. Yếu tố tự bạch thể hiện ngay từ tiêu đề tác phẩm: Tự khúc, Tự hát, Tâm khúc, Trái tim tôi, Ngẫu cảm... Môtip tôi là, tôi như,... phổ biến trong nhiều tác phẩm của các nhà thơ đương đại “Tôi - hiện thân của khốn khó đói nghèo/ cái khó cái nghèo bàn tay quen để ngửa -/ chân đất, nón cời .../ Tôi - Hạt mầm tự đội đất mà lên/ Tôi như cỏ/ Tôi như thời tiết/ Tôi như ga xép!/ Vẫn nôn nao hóng đợi những con tàu” (Tự khúc - Tùng Bách), “Tôi là con chim thay lông muộn và đang tập giọng bằng cặp mỏ mềm còn ứ đầy máu loãng (Bài hát – Nguyễn Quang Thiều), “Anh là con cá miệng dàn dụa trăng (Ngậm em trong miệng - Mai Văn Phấn),.... Qua hình thức giãi bày thân phận, các nhà thơ thể hiện một tư thế cứng cỏi giữa cuộc đời nhiều dâu bể: “Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời/ tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi/ dù có thể sau ngàn mây kia/ là thăm thẳm còi hoang lừa dối/ thì người ơi tháng năm còn lại/ trái tim tôi kiêu hãnh tổn thương” (Tâm khúc - Lê Khánh Mai).

Giọng độc thoại – giãi bày là giọng điệu phù hợp với nhu cầu thổ lộ đời sống nội tâm phong phú, phức tạp. Đó có thể là nỗi nhớ mãnh liệt trong tình yêu: “Xa/ anh nhớ em chật cả bầu trời” (Xa em – Lò Ngân Sủn); là nỗi đau khi tình yêu tan vỡ: “Mai còn ai đưa em nốt quãng đường dài/ Bao lần người đi trà nguội hết/ Em đã châm chung trà bằng nhiệt huyết/ Ngọn lửa tình yêu thoắt chốc bỗng lụi tàn” (Trà nguội – Đặng Thị Thanh Hương). Đó có thể là niềm vui: “Có tin nhắn từ miền 8x/ Kim đồng hồ hối hả ngược chiều quay/ Trái đất lần đầu tiên ngạt thở/ Sông ngừng trôi, mây ngừng bay” (Tin nhắn từ miền 8x – Lê Thái Sơn); có thể là nỗi buồn: “Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức/ Mưa ký ức rơi như một bài hát buồn/ Mưa ký ức rơi vào bông cúc cũ/ Mỗi cánh hoa như một linh hồn” (Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức – Hoàng Quý). Đó có thể là hy vọng: “Có ai nghe/ từ thẳm sâu vòm biếc/ Rót một giọng sơn ca/ Ai có thấy/ trong giá lạnh/ Một búp bàng hé mở?/ Mùa xuân/ thấp tháng trời xa...” (Cảm nhận 09 – Nguyễn Bao); có thể là thất vọng: “Đã quá lâu rồi/ Thói bè phái kéo chúng ta đi/ Lòng ích kỉ kéo chúng ta đi/ Nỗi ươn hèn khiếp

nhược kéo chúng ta đi/ Như cơn cuồng phong đi qua cánh đồng/ Kéo theo đi những bông bồ công anh khô nỏ” (Đã có sai lầm ở đâu đó – Đinh Thị Như Thúy),... Muôn mặt đời sống tâm hồn con người đương đại được thể hiện trong thơ dưới hình thức độc thoại – giãi bày.

Cùng sử dụng giọng độc thoại – giãi bày làm giọng điệu chủ đạo, mỗi nhà thơ tài năng lại tạo ra chất giọng rất riêng của mình. Với Trương Đăng Dung, giọng giãi bày là để bộc lộ những trăn trở, suy tư đậm chất hiện sinh về thời gian và thân phận con người: “Anh không thấy thời gian trôi/ thời gian ở trong máu, không lời/ ẩn mình trong khóe mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi/” (Anh không thấy thời gian trôi)”. Với Dương Kiều Minh, nhà thơ thủ thỉ đưa người đọc vào thế giới của những hồi ức đượm buồn và những suy tư thâm trầm về còi nhân sinh: “Trong giấc ngủ chập chờn các mùa lần lượt trở về./ Nắng, gió và đêm tối./ Giấc mơ trườn theo những con đường dốc./ Chỉ có quả đồi và những quả đồi./ Tháng giêng hoa mận nở trắng lạnh thấm vào da thịt./ Những sườn đồi xơ xác cây dại./ Những bông lau mang hình bóng những người quen cũ./ Giờ họ đang ở đâu theo làn gió phất về xa xăm” (Núi đồi và hoa mận trắng). Với Vi Thùy Linh, làm thơ là để giãi bày khát vọng tình yêu và giải phóng những ẩn ức dục tính: “Khoả thân trong chăn/ Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần Anh gối lên đùi/ Mình ôm lấy Anh ôm mình/ Biết sự bình yên của mặt đất (Chân dung). Với Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là những ám ảnh về nỗi buồn và thân phận người đàn bà: “xin anh/ đừng múc cạn nỗi buồn/ trong đôi mắt em/ để em còn là giếng nước.” (Đừng múc cạn nỗi buồn), ,...

Có nhiều bài thơ, nhìn bề ngoài tưởng là giọng đối thoại, nhưng thực chất bên trong vẫn là giọng độc thoại - giãi bãy. Mượn hình thức là những lời nhắn nhủ dặn con gái, Đoàn Thị Lam Luyến đã nói lên tấm lòng yêu thương con hết mực của một người mẹ: “Cuộc đời mẹ lắm bàn thua/ Chỉ mong con có nước cờ chắc tay./ Còn như, phận mỏng đức dày/ Cầu cho trời độ cơ may một lần/ Mẹ xin đổi lấy phong trần/ Để duyên con được mười phân vẹn mười” (Dặn con gái). Khát vọng được hòa nhập vào thiên nhiên để hướng tới còi tự do và bất tử được Lê Khánh Mai thể hiện qua những cuộc đối thoại với sông, với mây, với gió: “Này sông/ Về đâu

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022