Trở Về Với Các Giá Trị Truyền Thống Như Một Giải Pháp Chống Lại Sự Tha Hóa

một chiếc xe tải/ Cán nát một cô gái/ Nhưng bó hoa cô cầm trên tay/ Vẫn nở nốt bông cuối cùng/ Và vẫn nhìn thấy/ Linh hồn những người đã chết/ Xếp hàng trước cổng trụ sở Tòa án thành phố (Nhật ký ghi dưới gốc cây gần quảng trường – Nguyễn Quang Thiều). Hầu như không có “chủ đề cấm” trong thơ giai đoạn này. Song hành với tính thời sự là tinh thần phản biện của các nhà thơ nhằm phê phán, mỉa mai hoặc giễu nhại những sự việc, hiện tượng gây bức xúc trong xã hội “Đừng hát nữa mà đau/ em ơi Hà Nội phố/ Ôi thôi thôi/ Cây đã về với kiếp tro than/ Người ở lại cùng lời nức nở!” (Văn điếu cây Hà Nội – Vương Trọng).. “Thuế bất thành văn nuôi bạo quyền bóng tối/ lặng im” (Thuế bất thành văn nuôi bạo quyền bóng tối – Hoàng Xuân Tuyền),… Xu hướng ngày càng hướng ngoại với tính thế sự đậm nét là một đặc điểm nổi bật về nội dung của thơ đầu thế kỷ XXI.

Dòng thơ thế sự hiện nay đau đáu nhất vẫn là sự băng hoại về nhân cách của con người trong thời đại kỹ trị. “Đồ vật ngày lên ngôi, hư vinh cũng chòi lên/ căn phòng chật tiếng cãi cọ các thế hệ công nghệ/ ti vi siêu mỏng, điện tử thời đại số/ tình cảm hóa thân những cuộc chát và tin nhắn” (Đồ vật - Trần Quang Quý); “Những cửa kính màu, những ngọn đèn màu, những chai rượu ngoại.../ và công viên thủy cung/ mỹ viện xóa nhòa ký ức về nhau” (Nhật ký cuối thế kỷ - Tuyết Nga). Đọc những dòng thơ trên, ta thấy vang lên xủng xoẻng tên các loại đồ vật: thế hệ công nghệ, ti vi siêu mỏng, điện tử thời đại số, cửa kính màu, ngọn đèn màu, chai rượu ngoại, công viên thủy cung, thẩm mỹ viện mà không thấy bóng dáng con người. Phải chăng con người không còn là chủ nhân của đồ vật mà đang bị chính đồ vật thao túng.

Giàu có về vật chất làm con người nghèo nàn đi về tâm hồn. Con người tách mình ra khỏi thiên nhiên, dửng dưng trước vẻ đẹp của thiên nhiên “màu lá non tơ ngoài phòng lạnh” (Nhật ký cuối thế kỷ - Tuyết Nga). Chạy theo công nghệ, con người bỏ rơi giá trị văn hóa truyền thống “Trăng lang thang ngoài bến sông Hồng/ Tìm lời ru những người mẹ trẻ/ Nhưng lời ru đã chết sau màn hình đa hệ/ Trăng ôm vào lòng đứa trẻ mồ côi” (Nỗi buồn đô thị - Nguyễn Trác). Tách ra khỏi những cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim trở nên khô cằn không thể đón nhận âm vang cuộc sống “trái tim hóa thành vách đá/ tiếng vọng sượt qua/ rơi/ lả tả/ và bởi vậy/ rừng

thu trút lá/ nhiều như nước mắt của người” (Vách đá - Lê Quốc Hán). Những mối quan hệ thân thiết cũng chẳng còn bền chặt: “Đã quá lâu rồi/ Chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu/ Đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta đang sống.” (Đã có sai lầm ở đâu đó - Đinh Thị Như Thúy). Thói vụ lợi biến con người thành kẻ vô tình: “Tôi quên lãng những bông dạ hương trước một loài hoa hướng dương/ Tôi lãng quên những cây đại thụ khi ngồi trên sập gụ tủ chè” (Quên lãng - Nguyễn Tấn Việt). Mỗi câu thơ trên là một tiếng nói cảnh tỉnh sự tha hóa, vô cảm của con người.

Sự tha hóa, băng hoại về môi trường, nhân cách thường được thể hiện qua các cặp đối lập: xưa - nay, còn - mất, khao khát - thất vọng, lý tưởng - hiện thực. Xưa thường gắn với những gì đẹp đẽ, lý tưởng, gắn với khao khát, mộng mơ, còn hiện tại thường là mất mát, đổ vỡ, thất vọng: “Rũ bỏ còi thực hư/ Gốc Đa thiêng giờ đổ gục/ Sân đình trăm năm giờ che khuất/ Người tình bon chen giờ phụ bạc/ Ta giờ trẻ con.” (Cội rễ - Lê Văn Hiếu), “Hình như có điều gì đang lẫn lạc/ Đến cười khóc sao lòng giờ cũng khác/ Cả con đường quen thuộc - khác ngày xưa” (Tạp cảm - Trương Nam Hương). Tâm trạng thường thấy của con người bây giờ là lạc lòng, xót xa, nuối tiếc, luôn có cảm giác mình đang chệch đường, chệch lối nhưng không tìm ra cách để quay lại.

Nhiều câu hỏi về thế thái nhân tình đặt ra. Có những câu hỏi đã rất quen: “Tại sao nước mặn chiếm 3 phần tư trái đất/ Tại sao con người ít cười hơn khóc” (Những đối lập – Vi Thùy Linh) gợi đến chiêm nghiệm của Ôn Như Hầu “Thảo nào khi mới chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra” (Cung oán ngâm), hay suy ngẫm của Xuân Diệu “Trái đất - ba phần tư nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung” (Lệ). Hữu Thỉnh thì dường như hoài nghi tất cả: “Có gì mới? Ngày vui hay cát đến/ Có gì vui? Gió thổi lấy lòng cây/ Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?” (Nghẹn). Nếu trước kia ông còn tha thiết gióng lên những câu hỏi “Tôi hỏi người:/- Người sống với nhau như thế nào?/ Tôi hỏi người:/- Người sống với nhau như thế nào?/ Tôi hỏi người:/- Người sống với nhau như thế nào?” (Hỏi) thì bây giờ là thái độ “Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng” (Nghẹn). Sự im lặng ấy phải chăng là con người đã bất lực, đã mất lòng tin trước cuộc đời?

3.2.2. Trở về với các giá trị truyền thống như một giải pháp chống lại sự tha hóa

3.2.2.1. Nâng niu, gìn giữ các di sản văn hoá dân tộc

Giao lưu, hội nhập quốc tế càng mở rộng thì nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc càng lớn. Có một thực tế rằng giới trẻ ngày nay thích nghe nhạc nước ngoài hay nhạc nhẹ hơn là âm nhạc cổ truyền. Người ta đổ xô đến rạp xem phim Mỹ, phim Hàn Quốc trong khi thờ ơ với sân khấu chèo, tuồng… Mai một bản sắc văn hóa dân tộc đã gióng lên những hồi chuông báo động. Đất nước sẽ thế nào nếu như chủ quyền vẫn còn nhưng bản sắc dân tộc không còn? Với trách nhiệm công dân, các nhà thơ đương đại hướng về văn hoá dân tộc với thái độ nâng niu, trân trọng. Một giọng ca trù, một câu vọng cổ, một giai điệu đàn bầu hay giai điệu tam thập lục… đều làm tâm hồn con người rưng rưng xúc động: “Tiếng đàn/ Rung nhẹ trong sương/ Tiếng ca/ Ai luyến/ Để thương nhớ thầm” (Đêm nghe dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo - Trịnh Bửu Hoài), “Ta tìm thấy hồn Ta/ Trong tiếng đàn bầu” (45 khúc đàn bầu - Trần Nhuận Minh), “Lòng đối diện với dân gian, lịch sử…/ Gác Khuê Văn trăng đã nghiêng về đó/ Và vọng về ở đó những dư âm.” (Đêm nghe hát ca trù ở văn miếu - Lam Uyên). Hồ Thuỷ Giang thì chỉ một lòng hướng về ca dao, muốn được Hát cùng ca dao, được “vin dải yếm bắc cầu ca dao”. Lê Văn Hiếu luôn đau đáu về quê hương xứ tuồng, dù xa quê vẫn “Mang theo tiếng hí của ngàn ngựa”; để một ngày bất chợt gặp những chùm hoa cà phê trắng muốt mà tưởng “quê hương xứ tuồng/ Gửi cho tôi ngàn ngựa” (Ngàn ngựa). Tìm về với văn hóa dân tộc, con người ngày nay cảm nhận được hồn xưa đất nước và thêm một lần chiêm nghiệm, nhận thức về bản thân mình. Viết về văn hóa dân tộc, các nhà thơ đã làm sống dậy các giá trị nhân văn cao cả trong các di sản văn hóa đó: “Mười chiêng rạng người phương đất - Một chiêng người khuất mường ma - Chiêng nâng lên môi giọng mật - Chiêng dâng lên mắt lời hoa!” (Hoàn chiêng - Đinh Năng Lượng). Có bao nhiêu ý nghĩa trong tiếng chiêng của người Tây Nguyên: có tiếng chiêng âm vang hào hùng như lời vang vọng của lịch sử, có tiếng chiêng trầm buồn tiễn đưa người đã khuất, có tiếng chiêng trong trẻo thanh lọc tâm hồn con người. Tiếng chiêng mang bản sắc của xứ sở Tây Nguyên hùng vĩ mà ân tình.

Inrasara là một gương mặt độc đáo của thơ đương đại, một phần là do bản sắc văn hóa Chăm rất riêng trong thơ của ông. Niềm say mê với văn hóa Chăm của Inrasara có lẽ bắt đầu từ những suy tư về sự bấp bênh của một dân tộc, một nền văn hóa đang suy tàn: “Có gì liên quan giữa vầng trán u uẩn bác chài An Giang với cằm ngạo nghễ Shiva?/ từ bia Vò Cạnh đến ghế tôi ngồi đêm nay chưa đầy hớp/ làm sao linh hồn tôi thăng hoa?/ cha dạy tôi đánh vần tên sông mơ hồ/ huyền sử ông ngoại kể tôi không muốn nhớ/ Glơng Anak viết thi phẩm mỏng tang nhiều thế hệ thuộc/ hiểu thì sai/ làm sao tôi thở than cùng em tiếng mẹ?” (Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay). Và nhà thơ dùng chính thơ của mình để gìn giữ và phục dựng văn hóa dân tộc Chăm. Thơ Inrasara ngập tràn nắng, gió, mưa Katê, tiếng trống Ginang, Baranưng, dòng ariya, điệu kamơng, đua buk và những lễ hội tẩy trần “Sớm hơn. Nắng đã khởi động/ nắng cưỡi lên chiếc roi mây vũ sư Ka-ing/ đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên xà nhà/ lay dậy tiếng gáy cặp gà trống đêm cuối cùng chờ hiến tế” (Lễ tẩy trần tháng Tư). Cũng qua thơ mình, Inrasara bộc lộ tình yêu tha thiết với ngôn ngữ Chăm và khát vọng làm một cuộc kết hợp – hòa giải giữa văn hóa, ngôn ngữ Chăm và Việt “Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu/ gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này/ nhúm chữ cái Latinh A B C/ nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một/ và tôi vui vẻ tắm với chúng (Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay). Khát vọng đó thể hiện ngay trong các sáng tác của ông với sự đan xem của ngôn ngữ tiếng Việt điêu luyện và ngôn ngữ Chăm giàu xúc cảm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Trong số những cây bút trẻ nặng lòng với văn hóa làng quê hiện nay, Nguyễn Quang Hưng là gương mặt tiêu biểu. Trong thơ anh ta thường bắt gặp những lễ hội dân gian truyền thống, những trò xưa, tích cũ: “Tóc pha sương phủ sông Hồng, mây Đáy/ Xúy Vân chạnh lòng biết nói năng chi…/ Về bãi Tự Nhiên vùi mình trong cát/ Đợi em ngự duyên hoàng hậu ngược dòng… (Tìm Tấm). Anh cũng là người có những cảm nhận rất sâu sắc về những di sản văn hóa của quê hương, đất nước. Anh nhìn thấy trong những bức tranh được chạm khắc trên cột kèo của ngôi chùa cổ có một thế giới khác rất sống động, cùng tồn tại song hành, độc lập với thế giới hiện tại: “Chùa cổ chưa bao giờ ngừng tạo dựng/ Đem về theo những tiếng thì thào/ Những người thợ mấy trăm năm vẫn tiếp tục chạm khắc/

Khuôn mặt không một lần ngửng lên/ Người qua đây vô tình chứng kiến chỉ có thể nhìn mà không tài nào chạm đến họ/ Nườm nượp đá lớn khuân về từ núi cao trên những đoàn xe ngựa đi không thành tiếng/ Các nghệ nhân già mê mải với từng vẩy rồng/ Đôi mắt khép hờ trên khuôn mặt mờ tỏ và nụ cười như đang mê ngủ” (Đêm trong làng). Thì ra trong mỗi di sản văn hóa đều chứa đựng những điều bí mật về cuộc sống của cha ông xưa và nếu ai tha thiết với truyền thống sẽ khám phá ra những bí mật đó. Qua những di sản văn hóa, con người thời nay cảm thấy gần gũi hơn với con người thời trước và thêm yêu mến tự hào về đất nước quê hương mình.

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 13

Nâng niu, gìn giữ các giá trị văn hóa trong thời đại hội nhập quốc tế là cách để dân tộc hòa nhập mà không hòa tan với thế giới và cũng là cách để tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai.

3.2.2.2. Thiên nhiên - nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người

“Thiên nhiên là môi trường tự nhiên của xã hội. Mối quan hệ với thiên nhiên của con người không những mang tính hợp lý hết sức thực tiễn mà còn mang tính xúc cảm đạo đức thẩm mĩ sâu sắc. Thiên nhiên vừa biến hóa không ngừng, vừa tuần hoàn vĩnh cửu, mang mọi dáng vẻ của quá trình lưu chuyển đời sống con người: vừa vận động, biến suy, vừa bất biến vô hạn. Vì vậy, coi thiên nhiên như một phân thân của con người là một cảm quan mang tính nhân loại” [136, tr.62].

Trong xã hội hiện nay, con người chú ý tới thiên nhiên như một phút lặng, phút hồi tưởng, phút lãng quên mọi ưu tư trong nhịp sống ồn ào, vội vã của dòng chảy cuộc đời, để hướng tới cái cao đẹp, cái thanh khiết, chất thơ của đời sống. Đây không phải là sự thoát ly, chạy trốn mà là một cấu trúc khác về quan hệ với thiên nhiên, là sự trở về giá trị vĩnh cửu, thân quen của tự nhiên, là ý thức về môi trường sinh thái. Trong thơ hôm nay ta thường bắt gặp những khao khát được sống trong thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên: “Thèm một mái nhà dưới bóng cây/ Khát một đê trăng gió cỏ may/ Tiếng chim lích chích vườn sân thượng/ Dắt ta về với ngò thơ ngây...” (Lối ngò thơ ngây - Định Hải). Thiên nhiên là nơi con người hướng đến để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn: “Mười năm bỗng mỏi phố phường/ Cành xoan tím nụ vô thường. Đợi ta!” (Mười năm - Quang Huy). Mọi sự vật trên thế gian này đều “vô thường”, nghĩa là luôn thay đổi, thiên nhiên cũng vậy. Nhưng dù có biến

đổi như thế nào thì thiên nhiên vẫn là biểu tượng của sự thanh thản, cao khiết, là chốn bình yên xoa dịu tâm hồn bị tổn thương của con người. Trở về với thiên nhiên là trở về với bản chất hồn nhiên nguyên thủy, trở về với tuổi thơ: “Anh bắt gặp vòm mây em trẻ lại/ Suối sông thấm đẫm mưa hè/ Mùi ngấy ngái của râu ngô bùn bãi/ Chú nhái nằm thom thóp lá sen che” (Miền em - Trương Nam Hương). Thiên nhiên trong kí ức tuổi thơ đẹp như trong cổ tích, một thế giới trong lành, hiền hòa và sạch sẽ.

Trở về thiên nhiên, con người lắng nghe được những tiếng nói sâu thẳm của thiên nhiên với niềm tin thiêng liêng: vạn vật hữu linh: “Hổn hển trăng khuya/ những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng/ hát/ hát mãi bài ca sinh nở/ đất đai rùng mình đón nhận phù sinh” (Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng - Mai Thìn). Trò chuyện với vạn vật là trạng thái hòa nhập vào thiên nhiên tuyệt đối nhất. Qua trò chuyện, con người muốn hướng tới sự giao hòa, đồng cảm với thiên nhiên (Hát với chú cua đồng - Phan Việt Đức, Trước sen - Đặng Huy Giang).

Khi hòa mình vào thiên nhiên, các giác quan của con người được khai sinh thêm lần nữa, tâm hồn con người thêm một lần phục sinh. Bởi vậy, thiên nhiên mang phẩm chất của một bà mẹ: “Trong tĩnh lặng tột cùng/ Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung Bà mẹ/ Đón tôi trở ngược vào/ Để được phục sinh!” (Sinh - Đỗ Doãn Phương), “Bước xuống cánh đồng tở mở lúa non thức dậy giấc mơ hoang dại/ thiên nhiên gọi tên tôi cùng lúa khoai/ ngọn gió khai sinh mọi cảm giác/ bầu trời sữa mẹ nuôi tôi/ bầu trời tổ tiên muôn thuở/ che chở tôi ngày về/ cánh đồng miên man cuộc hành trình tới đích/ bước chân mùa màng sức lực/ vượt thời gian.” (Khai sinh - Phan Quốc Bình). Cũng giống như thần Ăng - tê, mỗi lần ngã xuống đất mẹ lại có thêm sức mạnh, con người cũng trở nên mạnh mẽ hơn, tâm hồn được thanh lọc trở nên tươi mới hơn sau mỗi lần trở về với Bà mẹ Thiên Nhiên.

3.2.2.3. Quê hương - đích đến của mọi sự trở về

Ai sinh ra cũng có một quê hương để yêu và để nhớ. Tình cảm quê hương lâu bền và vĩnh cửu không kém tình cảm gia đình hay tình yêu. Từ ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà”, đến giấc mộng cố viên của Nguyễn Trãi “Miên tưởng cố viên tâm kính cúc/ Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao (Nhớ nhung vườn cũ ba rặng cúc, Hồn

mộng đêm đêm lên thuyền để về), cái hứng trở về của Nguyễn Trung Ngạn, “nhất phiến hương tâm” (mảnh lòng nhớ quê) của Nguyễn Du,… tình yêu quê hương tuy mộc mạc nhưng thấm vào xương tủy.

Trong cuộc sông hối hả của thời đại công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, quê hương không chỉ gắn với những gì thân thuộc, quê hương còn là nơi trở về tìm bình yên. Cuối thế kỉ trước, Lương Tử Đức từng có câu thơ ám ảnh “Gió đồng rửa mặt tha hương/ Ta về ta rửa vết thương giang hồ”. Nhiều nhà thơ trong thế kỷ XXI cũng có chung tâm trạng như vậy. Quê hương là nơi xoa dịu vết thương tâm hồn khi va chạm với cuộc sống nhiều toan tính của xã hội hiện đại. Huỳnh Thúy Kiều chỉ tìm được sự an ủi trong không gian ngoại ô: “Hỗn loạn con người/ Ta quay về/ Bình thản khóc với ngoại ô …” (Ta về khóc với ngọai ô). Đàm Huy Đông “trốn” về quê hương mới tìm thấy sự thanh thản, bình yên: “Tôi về trốn trong căn bếp tro than của mẹ/ Những nỗi buồn bồ hóng bám đen/ Nghẹn ngào những que cời cháy dở/ Cái ang sứt đựng hồn biển cả/ Trong bao diêm/ lửa đợi tay người/…/ Tôi chạy về trốn trong cánh đồng của cha/ Lúa ngô hiền lành, sá cày thẳng thắn/ Gã bù nhìn bị bỏ quên không trách ai phụ bạc/ Hát với cỏ xanh và áo đỏ cào cào” (Trốn).

Quê hương là một không gian đối lập với thị thành. Nếu như ở thị thành, con người bị cách ly khỏi thiên nhiên bởi “nhà cao che khuất bớt chân trời” (Nguyễn Trác) thì ở quê hương con người được sống hòa nhập với thiên nhiên “Có cánh đồng làng gió mùa đông tha hoàng hôn về xóm/ Có lối mòn trẻ con láo liêng ngả nghiêng tối sáng/ Có mùa trăng đỏm dáng lang thang đụng chạm khắp làng” (Mưa bụi - Hoàng Trần Cương). Nếu cuộc sống thị trường có nhiều lừa lọc, bon chen thì quê hương lưu giữ những tính thiện tốt đẹp nhất: “Ở đây còn gặp nâu sồng/ Môi trầu còn thắm đượm nồng nét xưa/ Vẫn còn đôi bóng già nua/ Nét cười đen nhánh chào thưa ân cần/ Người làng xa kẻ xóm gần/ Gặp nhau cười nói như thân quen rồi.” (Chợ của muôn đời - Phạm Thái Quỳnh). Bởi vậy trở lại quê hương là con đường gìn giữ nhân tính của con người. Chỉ cần đặt chân lên con đường quen thuộc, con người đã cảm nhận được ngay cảm giác bình yên: “Không có con đường nào dịu êm hơn/ con đường trở về nhà/ đây vườn nhà khẽ khàng gió từ đồi xanh thoang thoảng” (Ra khỏi hoàng hôn - Ngô Kim Đỉnh). Quê hương là nơi nuôi dưỡng con

người lúc nhỏ, từ miền quê đó con người đi tới những chân trời mới, thế nhưng mỗi khi vấp ngã hoặc mỏi mệt trên đường đời lại quay về tìm nguồn an ủi ở quê hương. Cảm giác mắc nợ với quê nhà là cảm giác thường thấy ở con người hiện đại“quê là người suốt đời cho vay không tính lãi/ tôi là con nợ khó đòi” (Với quê tôi là con nợ khó đòi - Vò Quang Tần).

Quê hương nghĩa nặng, tình sâu cho nên dù đi đâu ai cũng mang trong mình hình bóng quê nhà. Một tiếng gà trưa văng vẳng xa xôi cũng gợi nhớ về làng cũ: “Anh đi vạn dặm chân trời/ Sao có điều rất lạ em ơi!/ Vẫn chưa đi khuất tiếng gà trưa xao xác (Bóng làng - Ngô Hà Phương). Cuộc sống đô thị hối hả, bận rộn nhưng con người vẫn dành những giây phút ngóng về quê hương: “Người như con tốt sang sông/ chìm trong phố thị còn trông quê nhà” (Cỏ may trên sân thượng - Nguyễn Trọng Tạo). Quê hương là cội rễ, bởi thế nếu quên quê hương là con người quên đi nguồn gốc của mình, nói như Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.

3.2.3. Niềm tin và hy vọng

Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề có tính thời sự đầy nhức nhối, thơ cũng đồng thời phản ánh niềm tin vào cuộc sống. Đây là một điểm khác với thơ giai đoạn 1975 - 2000. Trong thơ 1975 - 2000, các nhà thơ nói nhiều đến khủng hoảng vì mất niềm tin: “Niềm tin ơi,/ Xin đừng rơi như lá rụng trái mùa” (Hoàng Trần Cương), “Tôi chẳng sợ cuộc chiến tranh trong hòa bình,/ Nhưng lòng tin, tôi có lúc đói lòng tin” (Thu Bồn). Tình trạng khủng hoảng niềm tin đó cũng là điều dễ hiểu khi các nhà thơ trực tiếp va chạm với một đời sống hiện thực không lí tưởng hóa, lãng mạn hóa của xã hội sau chiến tranh, sau đó lại chạm mặt với nền kinh tế thị trường với bao đảo điên, thật giả lẫn lộn. Nhưng các nhà thơ hiện nay tỉnh táo hơn và cũng công bằng hơn. Nhà thơ viết về sự tha hóa không phải để cất lên tiếng nói bi quan chán nản, mà đó là tiếng nói thức tỉnh để hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Mặt khác, khi phản ánh hiện thực, thơ cũng không thể phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như phủ nhận sự trường tồn của những giá trị nhân sinh vĩnh hằng.

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí