Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 14

Thơ hôm nay không hiếm giọng điệu lạc quan, tin tưởng vào cuộc đời, tin tưởng vào tương lai đất nước. Thỉnh thoảng, ta bắt gặp trong thơ những hình ảnh thật đẹp: “Trên bức tường mảnh chai/ dây bầu xanh thanh thản/ .../ Đom đóm bay qua bức tường mảnh chai/ gặp dây bầu bật lên thành đốm lửa./ Đàn chim bay qua bức tường mảnh chai/ gặp dây bầu bật lên thành cung bậc/ mặt trời đi qua bức tường mảnh chai/ trổ những nụ hoa trắng ngần/ hóa thành dây ánh sáng. (Dây bầu và bức tường mảnh chai - Trần Thị Nương). Hình ảnh thơ bình dị mà mang nặng ý nghĩa triết lý. Sự sống tồn tại trên bạo tàn; mà lại tồn tại một cách ung dung, thanh thản. Vẻ đẹp cuộc sống là ở đó; âm nhạc, ánh sáng, thơ bật lên từ đó. Cũng với cảm xúc tin tưởng vào cuộc sống, Nguyễn Bao viết: “- Có ai nghe/ từ thẳm sâu vòm biếc/ Rót một giọng sơn ca/ - Ai có thấy/ trong giá lạnh/ Một búp bàng hé mở?/ Mùa xuân/ thấp thoáng trời xa...” (Cảm nhận 09). Có được giọng điệu lạc quan, tin tưởng ấy trong thơ hiện nay là nhờ những thành công bước đầu về kinh tế - xã hội của đất nước trong công cuộc đổi mới. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm thay đổi căn bản bộ mặt xã hội, mở ra cho con người ngày nay một tầm nhìn mới: “Những chung cư vút cao và thênh thang đường mới/ Cho ta tầm nhìn hướng tới tương lai” (Đi về phía biển - Lê Quang Trang). Làng quê Việt Nam ngày càng giàu lên, nhộn nhịp lên: “Dẫu còn nắng gió hanh hao/ Làng vui mở hội ngạt ngào chùa Hang/ Phù Lưu lúa đã khoe vàng/ Đá thành bột nhẹ rộn ràng xe đi.../ Làng Chua như gái dậy thì/ Ngực căng hương cốm bật khuya giữa trời.” (Làng Chua - Trịnh Anh Đạt)

Thơ Nguyễn Quang Thiều nói nhiều đến sự tha hóa, những mặt trái của xã hội hiện tại, nhưng thơ ông không bao giờ kết thúc ở sự tuyệt vọng mà luôn nhóm lên những hy vọng. Sự vận động trong thơ Nguyễn Quang Thiều có thể dễ dàng nhìn ra, đó là sự vận động về phía ánh sáng: “Nhìn xa chân trời nơi bình minh hé môi cười là bóng/ Những gót chân đích thực, những gót chân đang khuất/ Như những vệt nước lớn bay hơi nhẹ nhòm không rên rỉ điều gì…/ Cho đến khi từ vòm miệng nồng hôi, nhớp nháp/ Những cái lưỡi của người tìm được lối ra (Bình minh đang lên), “Chúng ta ngỡ bóng tối chứa đầy vũ trụ/ Thực ra chỉ mỏng như màng mắt người mù/ Và chỉ cần bước thêm một bước/ Chúng ta sẽ

sáng lên sau những hãi hùng (Bóng tối). Đó là giá trị nhân văn của thơ, nó hướng con người về phía sự sống.

Thơ hôm nay nhắc nhiều đến tư tưởng nhà Phật với niềm tin tư tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo sẽ giúp con người trở về với bản nguyên tốt đẹp: “Tiếng hát mệt mỏi và thiết tha của người/ đưa bàn tay lại gần một bàn tay/ đưa ánh mắt lại gần một ánh mắt/ Đưa con người lại gần một con người” (Những ngôi chùa trong đêm - Nguyễn Việt Chiến). Đến với tư tưởng Phật, con người tìm được sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn và có thêm niềm tin vào cuộc đời: “Con đến không muốn về/ Bao giờ hương cháy hết/ Chẳng thể nào hết đâu/ Với những gì thánh thiện” (Hương thơm chùa Trấn Quốc - Lê Duy Phương). Thấm thía lời Phật dạy, con người đạt được sự “đốn ngộ”, hiểu được lẽ sắc không của trời đất (Nhập thiền - Lê Quang Trang), biết trân trọng sinh mạng của những sinh vật bé nhỏ dù chỉ là con kiến (Đọc Phật - Nguyễn Văn Hùng).

Thơ vừa phản ánh tình trạng suy thoái, băng hoại về môi trường nhân cách, vừa có giọng lạc quan, tin tưởng vào cuộc đời, điều đó phải chăng là mâu thuẫn? Thực ra sự tồn tại các đối lập trong thơ mới phản ánh đúng sự phức tạp của cuộc sống. Dù phản ánh các tiêu cực hay bộc lộ niềm tin vào cuộc đời thì đều là cách các nhà thơ thể hiện trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc, dân tộc.

Với cảm hứng chủ đạo là cảm hứng thế sự, thơ Việt Nam đã mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực đời sống, tính dân chủ trong thơ được đề cao. Dường như sau một thời gian thiên về hướng nội, tư duy thơ hiện nay đang hướng tới một sự cân bằng giữa hướng nội và hướng ngoại. Chúng tôi cho rằng đó là sự thay đổi hợp lý sau một thời gian thơ nói quá nhiều đến đời sống cá nhân mà ít quan tâm đến những vấn đề xã hội, những vấn đề của thời đại.

3.3. Tình yêu và khát khao nhục cảm

Tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ bởi lẽ con người thời nào cũng có nhu cầu yêu và được yêu. Ở nước ta, thơ tình nở rộ kể từ sau đổi mới “Sự xuất hiện hàng loạt những tập thơ tình những năm gần đây là đòi hỏi bức thiết của con người trong đời sống riêng sau chiến tranh” [136, tr. 103]. Trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, những tình cảm riêng tư đặc biệt là tình yêu phải tạm gác xuống

nhường chỗ cho tình cảm với tổ quốc, nhân dân; hoặc nếu có nói đến tình yêu thì cũng phải gắn liền với vấn đề dân tộc, nhân dân, tổ quốc. Trở về với cuộc sống thường ngày, tình yêu trở thành một còi niềm rất riêng tư với các vẻ vĩnh cửu của nó: mất mát, tan vỡ, đau đớn, hoà hợp, day dứt, dự cảm… Tình yêu lúc này không quá nhiều mơ mộng, quá nhiều tưởng tượng và xem tình yêu là cứu cánh như trong Thơ mới. Con người thành thực đối diện với cuộc sống như chính bản thân nó đang tồn tại, chấp nhận đối diện với tình yêu trong mọi dạng thức của nó, kể cả cảm giác bị bỏ rơi, bị lãng quên, cảm giác không trọn vẹn của kẻ đến sau. Sang thế kỷ mới, tình yêu vẫn là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn của người làm thơ cùng với đó là khát vọng giải phóng những ẩn ức tính dục khiến cho thơ tình có những nét đặc sắc riêng so với giai đoạn trước.

3.3.1. Tình yêu - chủ đề vĩnh cửu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Thơ tình hiện nay mang đậm cá tính của con người hiện đại. Trong tình yêu, con người ngày nay có một tâm thế rất chủ động. Họ không muốn dừng lại ở những yêu thương, hờn ghen thông thường mà khao khát kiếm tìm một tình yêu tuyệt đích. Tình yêu tuyệt đích ấy được Thụy Anh thể hiện một cách ẩn dụ qua hình ảnh chiếc bùa khèn: “Bùa khèn khiến người ta không già được đi/ Bùa khèn khiến tim không cỗi được đi/ Bùa khèn khiến đất đỏ đỏ như máu của ngày yêu đầu tiên/ Trải mải miết trên đường mọc lên vạt hoa tam giác mạch/ Hồng trắng, dịu dàng, như mơ như tỉnh/ “yêu đi, đừng bỏ lỡ một ngày” (Bùa khèn). Ta bắt gặp ở đây những triết lý sâu sắc về tình yêu. Tình yêu làm tâm hồn con người luôn trẻ mãi, trái tim luôn thổn thức, xôn xao như buổi ban đầu. Tình yêu là thế giới huyền thoại với những sắc màu lãng mạn “hồng trắng dịu dàng như mơ như tỉnh”.

Tình yêu trong thơ hiện nay vượt lên mọi giới hạn, vượt lên tuổi tác: “Ta cứ yêu quên nỗi bạc đầu” (Sẽ về thu Hà Nội - Nguyễn Hữu Hà),“Tóc đã bạc hai bên thái dương/ Mà cái nhìn vẫn nhức tình đáy mắt” (Bùa khèn - Thụy Anh); vượt lên lẽ sống chết: “Dẫu hoá thành hạt cát/ mình vẫn quyện vào nhau/ bay về phía mặt trời... (Bay về phía mặt trời - Trần Thị Nương). Khi tình yêu hướng đến tuyệt đích thì nỗi nhớ mong trong tình yêu cũng đạt tới chiều kích khác thường: “Xa/ anh nhớ em

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 14

chật cả bầu trời!...” (Xa em - Lò Ngân Sủn); “Ngày không em/ ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng” (Ngày không em - Nguyễn Trọng Tạo).

Đến Vi Thuỳ Linh, thơ tình đương đại đạt đến một chiều sâu mới. Chị đã biến thế giới nghệ thuật trong thơ mình thành một còi yêu: “Thế giới Linh là thế giới đang yêu. Một tình yêu luôn ở thì hiện tại. Thế giới ấy có thời gian là những mùa tình không dứt, không gian là còi tình không biên giới, cả không/thời gian đều nhuốm một sắc tím không cùng của hoa Thùy Linh. Vạn vật trong đó, từ cụm hoa đến bầu trời, từ rêu cỏ đến biển đảo, từ cơn gió đến ngọn sóng, từ thân cầu đến đỉnh tháp, từ khung cửa đến bức rèm, từ ly rượu đến ngọn nến, từ góc vườn đến góc giường, đến cả những thành phố lớn như Hà Nội, Rome, Paris… đều “đang yêu bằng trái tim lãng mạn”, đang tình tự bằng muôn vàn tế bào dậy men tình ái, lồng lộng nude và rộn rực dục tình” [164, tr.166]. Vi Thùy Linh không chỉ ham muốn một tình yêu cụ thể mà chị mơ ước về một Đế chế yêu: “Anh ôm em bay giữa bầu trời Ý/ Vào giây 2763, mình lên đỉnh Pisa/ Vẫn thèm hôn như chưa bắt đầu/ Quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp/ Váy bay tóc bay mắt bay sóng sánh/ Chúng mình là ngôi sao bay, là tượng tình yêu đang thở, in vào La Mã xanh/ Pisa thứ hai!/ Dẫu Pisa cũ sụp xuống/ Dáng nghiêng hôn nhau quên thời gian vẫn in lên nền trời Rome/ Một Đế chế Yêu vĩnh cửu!” (Yêu ở Rome).

Có thể nói tìm kiếm tình yêu tuyệt đích cũng là một cách khẳng định cái tôi cá tính của con người hiện đại. Con người cá tính luôn muốn đi đến tận cùng mọi cảm xúc, cảm giác, đi đến tận cùng mọi đam mê cho dù có phải trả giá cũng không hề hối tiếc.

Khao khát được hạnh phúc trong tình yêu, con người cảm thấy lo lắng, thậm chí là thất vọng khi thấy những lo toan của cuộc sống đời thường, nhất là cuộc sống sau hôn nhân làm phai nhạt đi tình yêu: “Ngày nào cũng tíu tít/ Việc không tên gò cửa ầm ầm/ Sao anh không dừng lại nhìn thật sâu vào mắt em/ Sao anh không cầm tay em thật chặt đi dọc bờ sông nghe suối tỏ tình với đá/ Sao anh không trở về nhìn giàn mướp hoa vàng đàn ong ngậm phấn gieo rực không gian.” (Mưa nắng - Nguyễn Nho Khiêm), “Chưa bao giờ anh chọn một màu hoa tặng vợ/ Em tự chọn cho mình những niềm vui nho nhỏ/ để quên bữa tiệc lộng lẫy một thời/ Một hôm/ có

một người/ vô tình đem đến một bông hoa/ Bông hoa biết khóc” (Bông hoa biết khóc - Trương Ngọc Lan). Hôn nhân không phải điểm kết thúc của tình yêu mà sau hôn nhân, con người vẫn luôn có khát vọng sống trong một tình yêu lớn. Đó chính là giá trị nhân bản của thơ tình đầu thế kỷ XXI này.

3.3.2. Khát khao nhục cảm

Thật thiếu sót nếu nói đến thơ tình hiện nay mà không nhắc đến vấn đề tính dục (sex). Đề tài tính dục trong thơ trước kia không phải không có, nó từng thấp thoáng trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, lồ lộ hơn trong thơ Hồ Xuân Hương, thơ Mới nhưng đến cuối thế kỷ XX hiện tượng sex mới trở nên nở rộ trong văn học nói chung và trong thơ nói riêng. Sự xuất hiện và phát triển của đề tài tính dục trong văn chương hiện nay là hệ quả tất yếu trong tiến trình phát triển của văn học nước nhà sau một thời kỳ rất dài tình dục bị xem là một vùng cấm. Giờ đây văn học trong nước đang đón chào luồng văn học ngoại nhập, tiếp nhận giải trí mới từ phương tây, khuynh hướng văn học tính dục là một tất yếu. Bên cạnh nguyên nhân toàn cầu hóa, hội nhập hóa, theo nhà phê binh văn học Phạm Xuân Nguyên, sự bùng nổ văn chương tính dục thời gian gần đây bắt nguồn từ nhu cầu trong đời sống tinh thần của lớp trẻ: “Văn học bây giờ không đề cập đến chuyện đó thì bị cho là không thật, mà độc giả luôn đòi văn phải thật” (Văn chương tính dục - adua hay tất yếu). Viết về đề tài tính dục không còn là điều cấm kị, nhưng quan trọng là viết như thế nào để đừng trở nên trơ trẽn gây phản cảm ở người đọc. Bản thân tình dục không cao sang cũng chẳng thô tục, vấn đề là đặt nó ở đâu; trong phòng riêng thì nó là bình thường như nếu “vác” ra đường thì nó trở thành thô tục. Cũng như vậy, nếu miêu tả chi tiết để đáp ứng tư tưởng của tác phẩm thì hay nhưng nếu miêu tả chi tiết mà chẳng để làm gì thì sẽ thành “sống sượng”, “khiêu dâm”. Nếu tính dục được khai thác ở mức độ hợp lý thì tạo nên những rung động thẩm mỹ: “Hôm ấy chiếc xe xanh đã thành vương quốc của chúng mình/ trời xuân mưa buốt giá/ ta đã sưởi ấm cho nhau bằng hơi thở/ và cả sự nồng nàn, run rẩy biết bao.../ Anh đã hoà vào em – em vào anh/ thật sâu, thật lâu/ như-là-không-thể-khác/ trong tiếng vĩ cầm đang ngân lên một bản nhạc Schuber” (Trả lời câu hỏi của em vì sao anh thao thức - Hữu Việt). Đọc những câu thơ trên ta nào thấy có bóng dáng

của nhục dục, chỉ có sự thăng hoa của tình yêu cùng với những cảm giác run rẩy, nồng nàn trong giây phút hoà hợp cả thể xác lẫn tâm hồn. Cũng viết về sex, Trương Đăng Dung có những câu thơ rất đẹp: “Những khoảnh khắc trong đêm/ những đường cong như sóng vươn về phía trước/ hơi thở như gió/ đắm say và gấp gáp/…/ Anh chiếm chỗ bóng đêm/ Anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông/ Có tự ngàn đời/ Để cho em rạng rỡ” (Anh chiếm chỗ bóng đêm – Trương Đăng Dung). Tình dục trong đoạn thơ trên không còn là bản năng, mà còn là biểu hiện của sự tận hiến trong tình yêu. Nhân vật trữ tình “anh” đã bộc lộ một tình yêu đầy đam mê, cao cả và rất nam tính, thứ tình yêu mà bất kì người phụ nữ nào đọc lên cũng khao khát và khắc khoải.

Tính dục ngập tràn trong thơ nữ đương đại như một hệ quả tất yếu của trào lưu nữ quyền những năm đầu thế kỷ XXI. Rất nhiều nhà thơ thể hiện khát vọng nhục cảm trong tình yêu mà mỗi nhà thơ đều có cách thể hiện riêng. Với Đoàn Ngọc Thu là cảm thức khát yêu: “Thôi,/ Em sẽ làm tình cùng trăng, cùng gió và cả mặt trời/ Đêm cong mình lên và trăng mềm phủ sáng” (Yêu II - Quá Giang). Anh Hồng với khát vọng ái ân đầy chất nhục cảm: “Thèm một cái ôm ghì siết của anh/ Để phiêu diêu vào còi thiên đường/ Của Eva và A Đam/ Thèm anh ở trong em thăm thẳm/ Thiêu đốt tận cùng bằng ngọn lửa/ Ăn cắp của thần Dớt trên đỉnh Olympus” (Thèm), “Xiết chặt thân thể nhau trong vòng tay êm ái/ Đêm choàng áo dịu dàng/ Anh hút chặt em vào miền quên lãng/ Gột rửa ưu phiền/ Chỉ còn lại/ Tiếng thì thầm mộng mị như nhung/ Em!/ Anh!/ Em!!!!!!” (Tình yêu). Đó cũng là khát vọng chung của Cát Du “Hãy siết em lần nữa/ Siết em lần nữa đi nào/ Siết!” (Hãy siết em lần nữa) hay Đinh Thị Thu Vân “Vai anh rộng để em thèm bé nhỏ/ Mơ một ngày yên ngủ giữa vòng tay/ Một ngày thôi lơi lỏng áo quên cài” (Nhớ). Vi Thùy Linh ngay từ khi xuất hiện đã gây sốc bởi những câu thơ quá dạn dĩ: “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi/ Mình ôm lấy Anh ôm mình/ Biết sự bình yên của mặt đất” (Chân dung), “Hãy siết em, cắn em để hằn dấu vết/ Hãy nhập vào em hãy khóa và đánh mất chìa khóa trong em..../ Môi em trong môi anh còn bầm/ Chúng ta giấu hàm răng trong tiếng cười mang nỗi đau tuyệt diệu” (Lá thư và ổ khóa). Thơ tình Vi Thuỳ Linh là thơ tình của người đang yêu,

đang đắm say hạnh phúc và hoan lạc. Vi Thuỳ Linh say sưa miêu tả hạnh phúc nhục thể hoà với hạnh phúc tinh thần “Hồi hộp đến cuối đường tơ lụa/ Tây Tạng mê ảo cuồng hoa/ Trứng nhộn nhịp thụ thai/ Âu Cơ rũ váy rũ nghiệt ngã/ Lại hứng hứng gió thốc/ Thôi miên những cánh cửa chồi răng (Âu Cơ), “suốt đêm suốt đêm/ Những khát khao được giải phóng (Bản đồ tình yêu). Tình yêu đích thực làm sao thiếu được tình tự ái ân. Bản thân ái ân là một vẻ đẹp sơ nguyên. Thể hiện ái ân bằng nghệ thuật mãi mãi là một nhu cầu nhân bản. Chuyện cần xét nét chỉ là phẩm chất nghệ thuật và đẳng cấp văn hóa trong cách thể hiện ái ân và cách đọc về ái ân.

3.4. Đi tìm cái tôi

Có nhiều quan điểm, nhiều cách định nghĩa khác nhau về cái tôi, tiếng La tinh cổ đại là persona, tiếng La tinh trung cổ là personalitas. Nghĩa gốc từ này là mặt nạ, chỉ vẻ bề ngoài của một cá nhân. Trong triết học, “cái tôi” được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác. Trong phân tâm học, “cái tôi” (ego) là phần cốt lòi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Freud đề cập đến cái tôi ở các xung đột bản năng, bản ngã và siêu ngã, cái tôi hình thành và bị tác động bởi xung động giữa các cấu trúc này, hành vi của cái tôi sẽ được quyết định bởi sự thắng thế của năng lượng các cấu trúc. Nếu bản năng thắng thế con người dễ bốc đồng vô lý, siêu ngã thắng thế sẽ đề cao khuôn mẫu đạo lý, bản ngã ngự trị sẽ dẫn đến những hành vi duy thực. Trong triết lý Phật giáo, “cái tôi”, thường gọi là “ngã”, là “cái tôi” được triết thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử.

Mỗi thời đại thơ được nhận diện trước hết bằng ý thức trữ tình của nó. Thơ trung đại đặc trưng bởi cái tôi vô ngã hay còn gọi là cái tôi siêu cá thể. Tất nhiên, cuối thời kì trung đại đã thấp thoáng xuất hiện cái tôi cá thể trong thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,… như là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong hệ hình tư duy báo hiệu sự kết thúc một giai đoạn văn học và mở ra giai đoạn văn học mới. Thơ mới đặc trưng bởi ý thức về cá nhân. Theo Chu Văn Sơn, ý thức cá nhân có hai cấp độ: ý thức về cái tôi cá thể và ý thức về cái tôi bản thể. “Cái tôi cá thể còn gọi là cái tôi bản ngã thường đi tìm mình trong thế giới.

Còn cái tôi bản thể thì đi tìm thế giới trong mình. Cái tôi cá thể nghiêng về đời sống cảm xúc, thường sống với mối băn khoăn hướng ngoại. Nó luôn soi vào cộng đồng để nhận diện mình. Nó vui buồn hay hờn dỗi, nó tự ti hay tự cao… nhất nhất đều lệ thuộc tương hỗ với bầy đàn, nhập đàn thì yên tâm, lìa đàn thì mặc cảm, trong đó lạc đàn, lạc điệu, lạc loài là mặc cảm phổ biến nhất. Còn cái tôi bản thể hướng nội nhiều hơn. Nó soi vào gương để nhận ra mặt mình, để truy tìm những bình diện sâu khuất trong mình. Cái nó bận tâm là mình mang những giá trị nào, bất kể giá trị ấy có hợp đàn, hợp thời hay không. Sự hiện diện hay không của những giá trị ấy mới quyết định đến những xung động tinh thần của nó” [167]. Thơ cách mạng vì điều kiện hoàn cảnh không thể là tiếng nói của cái tôi cá thể, càng không thể là tiếng nói của cái tôi bản thể. Chỉ khi chiến tranh qua đi, đặc biệt là sau đổi mới, nhu cầu nói lên tiếng nói cá nhân trở nên mãnh liệt. Cái tôi cá thể đòi được khẳng định cá tính riêng của mình “Ta phải là ta cả phần xác lẫn phần hồn” (Phùng Khắc Bắc), “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” (Xuân Quỳnh), “Tôi không thể đứng trong dàn đồng ca/ hào hứng buồn vui theo nhịp tay nhạc trưởng” (Hà Phương),… Cái tôi bản thể tự nghiền ngẫm mình ở nhiều chiều, phát hiện ra trong mình nhiều gương mặt “Anh là tháp Bay-on bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong còi ẩn hình” (Chế Lan Viên), “vẽ tôi mực rượu giấy trời/ nửa say nửa tình nửa cười nửa đau/ vẽ tôi thơ viết nửa câu/ nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về” (Nguyễn Trọng Tạo), “Chú bé là ai/ Chú bé là tôi/ Con chim là ai/ Con chim là tôi/ Giấc mơ là ai/Giấc mơ là tôi/ Đêm qua/ Tôi mơ thành tôi/Tôi mơ thành chim/ Tôi mơ thành giấc mơ” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Cái tôi cá thể hay cái tôi bản thể là những chiều hướng khác nhau của quá trình tìm kiếm cái tôi, hoặc tìm kiếm mình trong mối quan hệ với thế giới, hoặc là tìm kiếm mình trong bản thể đầy phức tạp, mâu thuẫn.

3.4.1. Cái tôi cá thể

Cái tôi cá thể hiện nay đang được khẳng định như một giá trị. Đó là nhu cầu ý thức về mình, xác định chỗ đứng của mình trước thế giới và trong các quan hệ xã hội, cá nhân.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022