Biển Đảo Quê Hương, Chủ Đề Nổi Bật Nhất Trong Cảm Hứng Lịch Sử Dân Tộc Đầu Thế Kỉ Xxi

được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ (discourse). [71]. Với tư tưởng như thế, thơ hậu hiện đại cũng có những ưu điểm riêng của nó như: đề cao tính dân chủ trong văn học, khuyến khích khả năng sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ, tăng cường sự sáng tạo trong tiếp nhận của độc giả. Nhưng không ít nhà thơ đã tiếp thu một cách sống sượng, máy móc chủ nghĩa hậu hiện đại. Lấy cớ giải trung tâm, giải cấu trúc, phân mảnh, xoá nhoà nghệ thuật và cuộc sống thường ngày… nhiều nhà thơ viết những tác phẩm mà ngôn từ, hình ảnh chẳng ăn nhập gì với nhau; hoặc có khi lạm dụng ngôn ngữ đời thường, tục tĩu gây phản cảm ở người đọc. Nói như Đông La: “Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó”. [81]

Bên cạnh những trào lưu kể trên tồn tại một thế hệ những nhà thơ trẻ đang độc lập khám phá những lối đi riêng. Những cây bút được nhắc đến nhiều nhất có thể kể đến: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh...

Các cách tân thơ thế kỷ XXI đã đem lại cho thơ một diện mạo phong phú, đa dạng. Tuy vậy số bài hay chưa nhiều. Nhìn chung tình hình thơ Việt đầu thế kỷ XXI, dù ở bề nổi có những ồn ào nhưng chưa có một cuộc cách mạng thơ thực sự. Sự kiện 3 năm liền 2007, 2008, 2009, Hội Nhà văn không thể trao giải cho thơ đã làm nản lòng những ai từng lạc quan về “một thời đại thi ca mới”. Vậy con đường nào đúng dành cho thơ Việt? Inrasara cho rằng để có thể cách tân người viết cần một Bigbang trong tâm thức mới có thể kiến tạo nên những vũ trụ nghệ thuật mới. Còn tác giả Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: “Sẽ là hoàn bị hơn khi nhà thơ chú ý một cách triệt để đến nội dung của hình thức, hình thức của nội dung trong những cung bậc cao nhất của xúc cảm thẩm mĩ và tư duy thể loại. Để có được một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, thiết nghĩ phải có sự hội tụ của các yếu tố: cái tâm, cái tầm, cái tài của người sáng tác gắn với sự hoàn bị về vốn sống, vốn văn hóa và kỹ năng sáng tạo”. [172]

Tiểu kết chương 2

Một cách tổng quát, diện mạo thơ đầu thế kỷ XXI có một số điểmđángchú ý: Thứ nhất, quan niệm thơ ở đầu thế kỉ XXI khá phong phú, nhiều khi đối lập.

Vẫn còn tồn tại quan niệm truyền thống thơ là địa hạt của cái đẹp cao cả, linh thiêng nhưng cũng xuất hiện quan niệm tầm thường hóa thơ. Tuy vậy, nổi bật nhất vẫn là quan niệm coi thơ là địa hạt của sự độc đáo, khác biệt. Nhà thơ phải là những người sáng tạo tiên phong khai mở những lối đi mới. Để được tự do trong không gian sáng tạo, nhà thơ không hạ mình cho vừa tầm độc giả mà độc giả phải tự nâng mình để trở thành người đồng sáng tạo với nhà thơ.

Thứ hai, đây là một giai đoạn thơ có lực lượng sáng tác hùng hậu, trải đều trên cả ba thế hệ, thế hệ nào cũng có những nhà thơ tên tuổi, trong đó thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau kháng chiến chống Mỹ chiếm số lượng đông đảo nhất và đang chi phối khuynh hướng sáng tác của thơ hiện nay. Tuy nhiên nỗ lực cách tân mạnh mẽ nhất lại đến từ các nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X. Có điều, thơ trẻ lại tỏa ra nhiều hướng khiến cho phong trào cách tân thơ Việt thiếu một sự đồng nhất, không có khuynh hướng cách tân nào chiếm ưu thế chủ đạo để lôi kéo sau nó một lực lượng sáng tác đông đảo đủ để tạo nên một cuộc cách mạng thơ thực sự. Những cách tân mạnh mẽ, quyết liệt nhất của các nhà thơ trẻ mới chỉ đủ tạo nên tiếng vang chứ chưa có những giá trị được thừa nhận một cách rộng rãi.

Thứ ba, giai đoạn thơ đầu thế kỷ XXI vận động và phát triển theo nhiều khuynh hướng, trường phái, tạo nên một không khí thơ sôi động. Nhiều tên tuổi lớn được định hình, nhiều nỗ lực cách tân được ghi nhận. Nhưng bằng ấy chưa đủ sức lôi kéo độc giả nhiệt tình với thơ. Nguyên nhân đến từ nhiều phía. Trong thời đại công nghệ thông tin, thơ phải cạnh tranh với nhiều phương tiện giải trí nghe, nhìn khác. Lối sống hiện đại gấp gáp thiên về hưởng thụ khiến người ta không còn thói quen trầm tư, suy ngẫm và thưởng thức thơ như thời trước. Một mặt, người đọc đã nhàm chán với lối ngâm vịnh dễ dãi, nhưng mặt khác lại có những cách tân quá mới vượt ra ngoài tầm đón nhận của người đọc. Thơ mà không có công chúng, làm sao làm nổi cuộc cách mạng thơ.

Chương 3

NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG CỦA NỘI DUNG THƠ VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.


Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, nội dung phản ánh của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng chính là hiện thực cuộc sống. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Marx – Lenin, theo đó thì vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, vật chất quyết định ý thức. Văn học trong đó có thơ thuộc về phạm trù ý thức, mỗi tác phẩm văn học là một khách thể tinh thần đặc thù, nên văn học cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống văn học nhờ cuộc sống mà có. Tính hiện thực vì thế là một thuộc tính tất yếu của văn học nói chung và thơ nói riêng. Nói như vậy có nghĩa là nội dung của một giai đoạn thơ có mối liên hệ mật thiết với đời sống xã hội của chính giai đoạn ấy.

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 11

Tính đến thời điểm hiện tại, đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới, hiện thực đất nước đã và đang “có những chuyển biến vô cùng mạnh mẽ. Nhiều giá trị mới hình thành, có những hiện thực chưa từng có, vượt xa cả trí tưởng tượng” (Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội thảo Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay tổ chức ngày 12/7/2010), đòi hỏi thơ phải phản ánh kịp thời những giá trị, những hiện thực mới đó. Thơ không chỉ phản ánh muôn mặt hiện thực bề nổi của đất nước mà còn phản ánh đời sống tinh thần của con người đương đại từ tư tưởng đến tình cảm, từ ý thức đến vô thức. Điều đó tạo nên trong thơ Việt đầu thế kỷ XXI một hệ thống đề tài vô cùng đa dạng, phong phú, từ những đề tài rất xưa cũ như chiến tranh, tình yêu, gia đình, triết lý nhân sinh đến những đề tài tương đối mới và rất mới như sự tồn vong của nhân loại, đất nước trong thời đại toàn cầu hóa, còi vô thức, thế giới tâm linh,…

3.1. Cảm hứng dân tộc lịch sử

Cảm hứng dân tộc lịch sử là những suy nghĩ, chiêm nghiệm, tình cảm, cảm xúc về Tổ quốc, nhân dân. Cảm hứng lịch sử dân tộc thường gắn với khuynh hướng

sử thi, đề cập đến những vấn đề trọng đại liên quan đến tồn vong của dân tộc, xây dựng những hình tượng con người mang phẩm chất cộng đồng.

Với một dân tộc trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, thường xuyên đối diện với chiến tranh xâm lược, cảm hứng dân tộc lịch sử là một trong những cảm hứng chủ đạo nhất xuyên suốt văn học Việt Nam nói chung và thơ nói riêng từ xưa đến nay, bắt đầu từ Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), cho đến Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu), Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi),.... Cảm hứng dân tộc lịch sử đặc biệt nổi trội và rực rỡ trong thơ chống Pháp, chống Mỹ, tạo thành dàn đồng ca hùng tráng thế hệ các nhà thơ chống Pháp, chống Mỹ: Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Khoa Điềm,… Cảm hứng lịch sử dân tộc đặc biệt kết tinh trong một thể loại, có lẽ sinh ra để đặc trưng cho nó: trường ca. Sự vạm vỡ cùng với ưu thế kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và truyện kể khiến trường ca trở thành thể loại thích hợp nhất để xuyên suốt và tổng kết những chặng đường lịch sử đau thương và vinh quang của dân tộc, để vừa kể, vừa tả, vừa triết lý, vừa giãi bày những cung bậc cảm xúc tuôn trào tưởng không có điểm dừng. Dư âm của trường ca vẫn kéo dài đến cả gần chục năm sau khi kết thúc chiến tranh.

Nhưng sang thập niên 80, đặc biệt là bắt đầu thời kỳ đổi mới, hiện thực đất nước thời mở cửa với bao bề, lo toan, đói nghèo và lạc hậu đã khiến cảm hứng dân tộc, lịch sử trở nên lạc điệu. Khuynh hướng nhạt dần chất sử thi là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Thơ trở về đời thường với cảm hứng thế sự và đặc biệt đi vào thế giới nội tâm nhỏ bé của con người với bao thấp thỏm, lo âu, cô đơn, yêu thương, tan vỡ. Đến cuối thế kỷ XX, ít ai còn nói đến cảm hứng dân tộc lịch sử, người ta bắt đầu nghĩ tới sự cáo chung của khuynh hướng sử thi.

Nhưng đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cảm hứng lịch sử dân tộc có xu hướng trở lại mạnh mẽ. Điều này có nguyên do từ những tác động của hiện thực đất nước. Sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đe dọa chủ quyền biển đảo, nỗi đau Hoàng Sa, Gạc Ma được khơi lại làm sống dậy chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, thổi bùng ý chí bảo vệ chủ quyền từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2010, kinh đô Thăng Long xưa -Thủ đô Hà Nội nay tròn

1000 năm tuổi. Dấu mốc quan trọng đó tác động vào tâm thức người Việt, là nguồn cảm hứng để các nhà thơ suy ngẫm lại chặng đường dài lịch sử đất nước, suy ngẫm về truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống đánh giác ngoại xâm, suy ngẫm về tương lai của dân tộc. Cũng phải kể đến sự tác động kịp thời của những cuộc thi thơ như Đây biển Việt Nam của báo Vietnamnet, Thơ về Hà Nội do Tuần báo văn nghệ phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội tổ chức đã là bệ phóng để cảm hứng lịch sử dân tộc là một nội dung đáng chú ý trên thi đàn những năm đầu thế kỷ

XXI. Như một mối duyên không thể dứt bỏ, trường ca đậm tính sử thi cũng được hồi sinh: Cặn muối, Đỉnh vua, Long mạch (Hoàng Trần Cương), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý), Đám mây hình người thợ săn và con chó, Chân đất (Thanh Thảo), Tổ quốc và người lính biên phòng (Cao Xuân Thái), Tổ quốc - đường chân trời (Nguyễn Trọng Văn), Biển mặn (Nguyễn Trọng Tạo), Bước gió truyền kỳ (Phan Hoàng)…

3.1.1. Biển đảo quê hương, chủ đề nổi bật nhất trong cảm hứng lịch sử dân tộc đầu thế kỉ XXI

Với một quốc gia có “ba nghìn cây số biển” thì biển giữ một vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của cả dân tộc. Biển cả và đất liền, hai yếu tố làm nên cương vực, chủ quyền của dân tộc, có lẽ vì thế mà Tổ quốc còn được người Việt gọi là đất nước. Tổ quốc là kết quả của cuộc hợp hôn vĩ đại giữa đất và nước: “Từ thuở trái đất tinh khôi/ gió nối đất liền với biển khơi/ mang khát vọng lứa đôi hợp hôn đất nước/ mang giấc mơ tuổi thơ canh giữ đảo xa” (Gió hợp hôn đất nước - Phan Hoàng). Biển dựa lưng vào đất, đất dựa lưng vào biển để cùng trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu cuộc ngoại xâm: “Biển tựa lưng vào những cánh đồng/ Tựa lưng câu hát/ Đất nước tựa lưng nhau đánh giặc/ Tiếng đàn bầu ngả nón xuống dòng sông.” (Trước biển Đông - Phan Đức Chính). Biển thật rộng rãi, hào phóng: “Biển nhân hậu chở che như tình mẹ/ Chắt chiu từng hạt muối để phần ta” nhưng cũng thật dữ dội, khốc liệt: “Mùa biển động trên cồn cào sóng dữ/ Thương con tàu lạc bão giữa trùng khơi/ Cả làng biển lại trắng đêm ngóng đợi/ Sóng bạc đầu hay tóc trắng mẹ tôi” (Tổ quốc bên bờ biển cả - Nguyễn Việt Chiến). Nhưng dù biển có như thế nào, người dân Việt vẫn kiên trì bám biển, vẫn hướng về

biển với tình yêu và niềm hy vọng: “Ngày mai con hãy yên lòng đến những miền xa/ Có thể còn những điều con quên/ Nhưng có điều này con phải nhớ/ Rằng biển quê mình/ Dẫu còn lắm phong ba bão tố/ Bao đợt sóng chồm lên như hổ dữ/ Những cơn bão có tên và không tên/ Nhưng như phép màu của đức tin/ Người dân nơi xóm chài mỗi sớm mặt trời lên/ Vẫn hiên ngang ngẩng mặt chào biển rộng/ Đất quê cằn, nhọc nhằn gió cát/ Phải bắt đầu từ biển, đi lên từ biển” (Vọng Hải đài

- Bùi Công Minh).

Trong thơ viết về biển đảo, hai địa danh thường xuyên được nhắc đến nhất là Trường Sa và Hoàng Sa. Trường Sa – cái tên thôi cũng đủ thấy sự xa xôi, cách trở. Cứ tưởng Trường Sa chỉ có sóng và gió, cứ tưởng Trường Sa chỉ có đảo đá khô cằn. Nhưng không, Trường Sa trong thơ thật gần gũi, máu thịt, ở đó cũng có tiếng ê a đọc bài của trẻ thơ, có tiếng chuông chùa thân thuộc vang xa thật bình yên: “Clik chuột nữa đi con/ Về phía có tiếng chuông/ Hình như tiếng chuông chùa Hoàng Phi thì phải/ Phật linh thiêng không quản nơi xa ngái/ Vượt biển độ trì cho dân đảo cầu an/ Những em thơ vẫn cắp sách đến trường/ Tiếng học bài i…a…nghe như đất thở/ Những đôi lứa yêu nhau, hôn nhau còn mắc cỡ/ Trăng, điện như ban ngày/ Cối xay gió quay như mơ… ” (Cổ tích thời @ - Vò Thị Kim Liên). Tiếng hát trẻ thơ ngoài Trường Sa “mà như nghe ở làng quê bên sông Hồng, sông Hậu” (Nghe trẻ hát ở Trường Sa - Ngô Minh). Nghe tiếng mò chùa ở Trường Sa mà “Như thấy đồng thấy ruộng/ Những sá cày phỏng phao/ Thoảng như mùi rơm mới/ Bên tiếng biển thầm thào./ Thấy bờ tre kẽo kẹt/ Tiếng ve ran nắng hè” (Nghe tiếng mò chùa ở Trường Sa

- Nguyễn Trọng Văn). Trường Sa như thế đâu khác gì một miền quê thân thuộc nào đó trên đất liền?

Còn nhắc đến Hoàng Sa, mỗi lần nhắc là một lần nhói buốt. Cái tên đó cứa vào lòng người Việt nỗi đau về một vùng chủ quyền bị lấy mất, chạm đến đến khát vọng khắc khoải đến một ngày đòi lại được mảnh đất của cha ông: “Mộ gió đây,/ những phút giây biển lặng/ gió là tay ôm ấp bến bờ xa/ chạm vào gió như chạm vào da thịt/ chạm vào/ nhói buốt/ Hoàng Sa… (Mộ gió – Trịnh Công Lộc). Bài thơ được gợi cảm hứng từ những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn. Từ xưa đến nay, bao người con đất Việt đã không quản ngại hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

của Tổ quốc. Thân xác họ chìm sâu dưới đáy đại dương nhưng khát vọng giữ gìn biển đảo quê hương của họ như đã hòa vào gió, vào sóng. Mọi ánh nhìn của Tổ quốc vẫn đang đau đáu về hướng đó với nỗi khắc khoải chưa bao giờ nguôi! “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa” (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến).

Khi chủ quyền biển đảo bị đe dọa, ngay lập tức lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì chủ quyền trọn vẹn của đất nước lại trỗi dậy mạnh mẽ. Và trong thơ, người ta lại thấy xuất hiện những áng thơ hào hùng mang dáng dấp sử thi mà đã từ lâu thấy vắng bóng trên thi đàn: “Biển của mình thì mình đem máu xương gìn giữ/ Biển của mình thì mình phải ra khơi/ Buồm căng lồng ngực bạn chài ngân vang câu hát/ Đây biển Việt Nam/ Đây hồn Việt Nam/ Tổ Quốc trào dâng cùng biển trời bát ngát” (Vọng Hải Đài - Bùi Công Minh). Giọng thơ khi thì thủ thỉ, khi thì thúc giục như một lời hiệu triệu. Hình ảnh những người dân chài ra khơi bám biển, không chỉ vì mục đích mưu sinh mà còn để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng thật mạnh mẽ hào hùng, như hình ảnh những người tráng sĩ hiên ngang ra trước sóng gió. Đó cũng là tư thế của cả dân tộc – một dân tộc có truyền thống bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Hãy lắng nghe lời tuyên thệ của người lính hải quân: “vì Tổ quốc/ chúng tôi là cột mốc/ chúng tôi là trận địa tiền duyên/ chúng tôi là lá chắn/ chúng tôi là bệ phóng/ chúng tôi là chốt chặn xâm lăng” (Chúng tôi ở Trường Sa - Nguyễn Hữu Quý). Nó gợi đến lời thề Sát Thát trong trận chiến chống Nguyên Mông, lời thề Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trong kháng chiến chống Pháp, là âm vang hào khí anh dũng của dân tộc mấy nghìn năm chống ngoại xâm.

Trong thơ viết về biển đảo từ xưa đến nay, người lính hải quân luôn là biểu tượng đẹp đẽ của lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Những vần thơ xúc động nhất là những vần thơ tái hiện sự hy sinh của các anh. Nguyễn Hữu Quý đã tái hiện kí ức về những đoàn tàu không số, tái hiện những hải trình khốc liệt chi viện cho miền Nam, tái hiện những chuyến đi không hẹn ngày trở về của người lính hải quân năm xưa bằng những câu thơ dữ dội và bi tráng: “Trong mơ các anh về/ từ những con tàu đã ngủ quên dưới đáy biển/ phục sinh bấy nhiêu quên lãng/ nơi bao loài thủy tộc thân quen/ trục vớt lên/ những hành trình nương vào bão tố/ để che mắt

quân thù/ trục vớt lên những mùa hè/ trái tim nổ tung núi lửa/ trục vớt lên những mùa thu/ lỗ chỗ vết đạn găm/ trục vớt lên những mùa đông/ lặng im cảm tử/ trục vớt lên những mùa xuân không hoa đào nở/ ngổn ngang trời, ngổn ngang biển mây bay” (Hạ thủy những giấc mơ). Nguyễn Việt Chiến dựng lại phút giây bi tráng khi người lính lấy thân mình bảo vệ lá cờ trên đảo Gạc Ma: “Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma/ Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn/ Để một lần Tổ quốc được sinh ra/ Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm” (Biển là nơi Tổ quốc sinh ra - Nguyễn Việt Chiến). Ở một hướng tiếp cận khác, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn lại viết về nỗi đau trong thời bình. Khi mọi người đang có cuộc sống bình yên nơi đất liền thì ngoài kia, biển khơi tiếng sóng ầm ào hát ru người chiến sĩ hải quân vào giấc ngủ ngàn năm: Quấn chặt lá cờ/ Vào sát ngực mình/ Bên phía trái tim/ (Vật duy nhất còn lại trên nhà giàn

- 2A/DK1/6)/ Đại úy Vũ Quang Chương/ Gồng mình/ Hít hơi thở cuối/ Anh mỉm cười thấy đồng đội đã xuống tàu cứu hộ an toàn/ Anh mỉm cười…/ Một con sóng chồm lên/ Cờ Tổ quốc còn nguyên bên ngực/ Chỗ anh đứng/ Sóng liên hồi kì trận/ Sóng liên hồi/ Từng đợt lại chồm lên/ Anh mỉm cười/ - Đâu cũng quê hương/ Biển thẳm sâu, ru anh vào giấc ngủ... (Tổ quốc - đường chân trời). Những người lính ấy, họ đón nhận cái chết một cách tự nguyện và thanh thản bởi họ chết cho Tổ quốc. Dù thân xác các anh có chìm trong đại dương mênh mông, dù dòng máu của các anh có hòa vào biển cả, nhưng tình yêu Tổ quốc của các anh thì còn mãi. Hình ảnh những người lính lấy thân mình che chắn cho lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, hay hình ảnh người lính quấn lá cờ quanh mình trước khi phong ba ập xuống nhà giàn là biểu tượng của tình yêu nước bất tử. Hy sinh cho những gì thiêng liêng và cao cả, đó không chỉ là mất mát, đó còn là niềm tự hào. Và vì thế khi ngã vào lòng biển, các anh như đang ngã vào vòng tay Tổ quốc. “Đâu cũng là quê hương” (kể cả nơi đó có là lòng biển) câu thơ giản dị nhưng thiêng liêng, sâu sắc biết mấy. Dù nơi đó là biển xanh sâu thẳm, nơi những đảo đá khô cằn chông chênh giữa phong ba đại dương, đó vẫn là mảnh đất truyền đời của tiên tổ, vẫn là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, vẫn là quê hương Việt Nam.

Thơ viết về biển đảo không cần đến những cách tân cầu kì. Nhiệt huyết và tình cảm chân thành của các nhà thơ công dân cũng đủ lay động hàng triệu trái tim

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí