Hay trong bài Ðề đền Sầm Nghi Ðống, tác giả đã thể hiện được sự tự ý thức về mình, thể hiện được tài năng của người phụ nữ.
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được. Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Ngay từ thuở xa xưa, con người đã có tục thờ kẻ thù vừa bị mình giết. Đó là để cho con “ma xấu” nó không quấy phá mình, đồng thời cũng để cho cân bằng tâm lý. Có lẽ, Sầm Nghi Đống được dân ta thờ cũng vậy. Thờ mà không kính, đó là nguyên nhân tạo nên cái vị thế cheo leo không vững chắc của đền Sầm Công. Đó là nguyên nhân của thái độ có phần “xách mé” của Hồ Xuân Hương: “ghé mắt”, “trông ngang”. Và cái anh hùng của một viên tướng bại trận cũng chỉ là cái “sự” anh hùng. Ði qua ngôi đền thờ tên tướng bại trận, nhà thơ phụ nữ này đã không chịu cất nón, cúi đầu chào kính cẩn, trái lại còn buông lời chê cười, mỉa mai: ghé mắt tức là nhìn liếc, nhìn bằng nửa con mắt. Kìa là chỉ, trỏ, không đáng chú ý. Ðứng cheo leo: thế đứng buồn tẻ, không có gì là vững chãi. Ðặc biệt ở hai câu kết nhà thơ đã dám nói một điều táo bạo: nếu được làm trai thì sự nghiệp anh hùng của ta sẽ không xoàng, không tồi tệ như sự anh hùng của nhà ngươi đâu. Qua đây, ta cũng hiểu thêm ít nhiều về người phụ nữ xưa, không chỉ đẹp về hình thể mà họ còn là những con người mang đầy tài năng. Trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của phụ nữ. Có thể nói, ngoài văn học dân gian, Hồ Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc đã đem đến cho thơ văn tiếng nói của những người phụ nữ ấy: những tiếng than và những tiếng thét, những tiếng căm hờn và những tiếng châm biếm sâu cay. Đại diện cho giới phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã nói bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình, kết hợp nhuần nhuyễn với tiếng nói của nhân dân lao động.
Hồ Xuân Hương không chỉ than cho người đàn bà nói chung mà bản thân mình đã bị đọa đày. Hồ Xuân Hương không cách điệu hóa như nhiều người viết, đã diễn tả một cách trần trụi, xúc cảm sâu sắc, phản kháng mạnh mẽ, gắn chặt đời mình với thân phận những người đàn bà khác trong xã hội. Hồ Xuân Hương lột tả những vấn đề riêng tư, những bất công họ phải chịu đựng, tranh đấu bênh vực quyền lợi của họ. Hồ Xuân Hương chia sẻ những nỗi khổ đau đó bằng những tiếng cười khôi hài, bằng bút pháp trào phúng, không một lời thở than, rên rỉ bởi không muốn họ bi quan, động viên họ chống lại cuộc sống hiện tại mà vươn mình lên. Hồ Xuân Hương ý thức rõ giá trị và vai trò của người đàn bà: họ đẹp ở đạo đức, đẹp ở con người, tài năng không thua kém mấy người đàn ông, bởi xã hội khắt khe, ngăn cấm nhiều mặt khiến họ không thể phát huy.
Người phụ nữ Hồ Xuân Hương luôn đứng cao hơn đối tượng gây ra bi kịch. Tiếng nói táo bạo đòi tình yêu, hạnh phúc là sự đập phá dữ dội mong thoát khỏi xiềng xích lễ giáo phong kiến. Nhưng càng "dãy dụa", Xuân Hương càng cảm thấy cô đơn, bất lực. Dù biết vậy, Xuân Hương vẫn không thôi khẳng định mình, vẫn thả sức cười cợt, đả kích, lật mặt bọn người đạo đức giả. Chứa đựng trong tính cách Xuân Hương là sự kết hợp của ba yếu tố: âm điệu lạc quan, âm điệu bi kịch bộc lộ một nét trong chiều sâu của tính cách và thế đứng của Xuân Hương – đứng trên để cười cợt đối tượng đã gây ra bi thảm cho cuộc đời mình.
Vứt đi tất cả giáo điều phong kiến và Nho giáo về người phụ nữ! Phải nhận thức lại. Phải trả lại cho phụ nữ chân giá trị của họ về mọi mặt. Không có cái gì gọi là nam tôn nữ ti cả. Hất đi thứ bất công xã hội ấy. Trở lại với cái bình đẳng trong sự sống. Tài năng ư? Con trai được đi học nên lấy chữ nghĩa, thơ phú làm sang làm cao, xã hội phong kiến sắp xếp cho họ cái bậc thang ấy để họ leo. Xuân Hương cho luôn một vố vào ngay cái bụng chữ khinh khỉnh ấy. Gọi người ta là lũ ngẩn ngơ, dại dột, chẳng biết nói năng, cư xử gì cả (Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ), thôi thì giận, xách mé như vậy cũng được; đằng này lại xưng chị rồi lại đòi dạy làm thơ. “Không phải hễ lên giọng bề trên thì mình thành bề trên. Nhưng lời lẽ có cái thần của nó, chắc như tre đực, cứng như tầm vông, thì con người trong
bụng hẳn không thiếu tài năng – đây lại là tài thơ, mà thơ Xuân Hương người ta hâm mộ đến nỗi điệu thành cả một dòng thơ có sức sống kì lạ của nó trong lòng quần chúng như lâu nay, tài thơ ấy khó sánh”[57, tr.30]. Không chỉ dừng ở tài văn chương thơ phú. Còn cả tài năng làm nên bậc anh hùng. Nếu tin rằng cách gọi “sự anh hùng” là đích thực của Xuân Hương thì con người ấy dễ khá chủ quan. Nhưng không. Dĩ nhiên Xuân Hương nói ở ngôi thứ nhất: “Ví đây đổi phận…”. Xuân Hương mà đổi thân phận làm gái thành thân phận làm trai, tức có được cái vị trí xã hội dành cho nam giới thì sự nghiệp anh hùng cũng coi như là một “sự” thôi, bình thường, nhẹ tênh, chẳng có gì ghê gớm cả” “Thì sự anh hùng” kia mà! Nói mình, lấy mình mà nói, nhưng là lời trạng sư cãi cho cả giới chị em.
Nói đến người phụ nữ là nói đến cái đẹp, tình yêu thương và đức hi sinh. Họ cống hiến hết cho cuộc đời mà không đòi hỏi quyền lợi vật chất nào ngoài sự trân trọng, cảm thông và chia sẻ. Nhưng những cái đó hầu như không được gia đình và xã hội quan tâm vì cho rằng thiên chức của phụ nữ là phục tùng vô điều kiện. Hiểu rõ điều bất công đó nên Hồ Xuân Hương đã viết nên những câu thơ thấm đẫm nỗi xót xa, chua chát như trên. Thơ Xuân Hương mãi mãi là tiếng kêu thương đứt ruột xé lòng, nhắc nhở mọi người nên tôn trọng quyền sống tự do và bình đẳng của phụ nữ – những người duy trì sự sống trên trái đất này. Ở đâu mà người phụ nữ chưa được thực sự giải phóng và thực sự tôn trọng thì tiếng kêu khẩn thiết hãy bênh vực và bảo vệ phụ nữ vẫn còn tính thời sự nóng hổi của nó, cho dù nó đã được các thi sĩ cất lên cách đây đã mấy trăm năm.
2.2.2. Những vấn đề xã hội
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng Hồ Xuân Hương - 4
- Quy Mô, Số Lượng Thơ Nôm Tứ Tuyệt Trào Phúng Hồ Xuân Hương
- Thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng Hồ Xuân Hương - 6
- Mối Quan Hệ Giữa Ngôn Ngữ Thơ Hồ Xuân Hương Với Văn Học Dân Gian
- Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Độc Đáo, Tài Hoa
- Các Ý Kiến Bàn Về Vấn Đề Tục Và Dâm Trong Thơ Hồ Xuân Hương
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
Những vấn đề xã hội trong thơ Hồ Xuân Hương gắn liền với những đối tượng mà bà hướng đến. Là một phụ nữ có trình độ học vấn khá cao, bạn bè của nhiều danh sĩ đương thời, lại sống vào giai đoạn suy tàn, tan rã đến thảm hại của chế độ phong kiến nên Hồ Xuân Hương đã phát hiện chính xác và sâu sắc những sự xấu xa đồi bại của nó. Khi nghiên cứu về thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng Hồ Xuân Hương, ta nhận thấy rõ một điều rằng dường như Hồ Xuân Hương không
mấy quan tâm đến vấn đề vua sáng tôi hiền hay tam cương ngũ thường để từ đó phê phán cuộc đời. Nếu như trong thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thấy những vấn đề gai góc, nhức nhối như lòng người nham hiểm, thế sự đảo điên, đồng tiền quái ác... dường như vắng bóng trong thơ Hồ Xuân Hương. Bà trào phúng từ góc độ của một người phụ nữ ý thức được về tài năng, phẩm cách và cả về khát vọng tình yêu, hạnh phúc của mình.
Trong thơ Hồ Xuân Hương, những "đấng, bậc" sang quý trong xã hội phong kiến đều đã trở thành những kẻ giả dối, rỗng tuếch và ô trọc. Bà hạ bệ tất cả những gương mặt sang quý đó, biến chúng trở thành những kẻ xấu xa hoặc lố bịch trước con mắt của độc giả. Hồ Xuân Hương nhìn thẳng vào tim đen bọn chúng, đem tất cả những sự hèn kém của bọn chúng ra ánh sáng. Với cái nhìn "lột truồng đối tượng", Hồ Xuân Hương trở thành một đại biểu xuất sắc cho tinh thần dân chủ, ý thức phản phong trong văn học Việt Nam giai đoạn từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX.
Những môn sinh của cửa Khổng sân Trình – tầng lớp hạt giống của giai cấp thống trị chỉ là một lũ nửa người nửa ngợm, ngu dốt và vênh vác:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ, Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa, Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.
(Lũ ngẩn ngơ)
Bọn học trò mới lớn, ngốc nghếch, rủ nhau kéo đàn kéo lũ đi ghẹo gái, lại tập tạnh đua đòi vần vè ví von, Hồ Xuân Hương lấy làm khó chịu nên viết bài thơ này
Dắt díu nhau lên đến cửa thiền Cũng đòi học nói nói không nên Ai về nhắn bảo phường lòi tói Muốn sống đem vôi quét trả đền
(Phường lòi tói)
Khi Hồ Xuân Hương dùng “phường lòi tói” trong câu “Ai về nhắn nhủ phường lòi tói” là một ẩn dụ mỉa. Nghĩa gốc của từ “lòi tói” chỉ dây sắt gồm
nhiều vòng móc vào nhau. Ngày xưa các cụ thầy đồ chấm văn thường dùng dấu khuyên (vòng tròn) để chỉ bài tốt, chỗ tốt và dấu sổ (dấu phẩy thẳng) để chỉ bài xấu, chỗ xấu. Gặp bài viết lằng nhằng, ẩu các cụ “mỉa” bằng cách khuyên móc xích nhiều vòng (tức khuyên lòi tói). Hồ Xuân Hương gọi bọn học trò dốt là “phường lòi tói” là mỉa mai ở hai ý: thứ nhất, người ta gọi học trò “hội đồng môn” không ai gọi là “phường” cả, chỉ dùng “phường” khi gọi một nhóm đông người có chung một mục đích nào đó (“buôn có bạn bán có phường”). Gọi học trò là “phường” tức là chửi bọn dốt nát “buôn văn bán chữ”. Thứ hai, nếu Hồ Xuân Hương cho bọn gọi là học trò này “dấu sổ” thì là chửi thẳng. Ở đây bà cho dấu khuyên “lòi tói” là chửi mỉa, chửi độc: kẻ đã dốt lại hay nói chữ. Trong lời mắng nhiếc, phê phán của Hồ Xuân Hương, ta luôn thấy có đâu đó tiếng cười với giọng điệu chê bai, trào phúng.
Theo giai thoại, Hồ Xuân Hương phải làm vợ lẽ Tổng Cóc một cách không mặn mà gì. Vì vậy mà khi Tổng Cóc chết, thơ bà vang lên tiếng cười châm biếm thể hiện khát vọng tháo cũi sổ lồng của một người phụ nữ đã thoát khỏi kiếp sống buồn đau:
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi, Thiếp bén duyên chàng có thế thôi Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi
(Khóc Tổng Cóc)
Hồ Xuân Hương khóc Tổng Cóc không phải khóc người quá cố. Bà khóc cho thân phận mình. Tiếc một mối tình đã mất, hờn giận, nguyền rủa anh em họ mạc nhà chồng cũng bằng cách nói chữ nghĩa ám chỉ dòng giống cóc, nhái. Tổng Cóc tên thật là Kình, vì làm chức Phó tổng nên gọi là Tổng Kình. Có lẽ là con nhà hiếm, ngày xưa có tục gọi bằng cái tên xấu xí cho… dễ nuôi, cho ma quỷ khỏi quấy đảo, vì thế gọi là… thằng Cóc. Căn cứ vào giọng điệu và sự chơi chữ (cóc, chàng, (nhái) bén, (chẫu) chuộc, nòng nọc), người ta không thấy sự đả kích, mà chỉ thấy sự hài hước. Bởi vậy, Khóc Tổng Cóc là một nụ cười buồn. Cười buồn còn ở chỗ hình tượng cóc còn gắn với mưa (cóc nghiến răng trời mưa, cóc kiện trời), cóc gắn trên trống đồng cầu mưa.
Xã hội phong kiến luôn kì thị, đối xử không công bằng với người phụ nữ có chồng chết, Hồ Xuân Hương không chấp nhận những quan niệm ấy và đã đưa tiếng cười vào các trường hợp đó. Như trong Dỗ người đàn bà khóc chồng:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng Nín đi kẻo thẹn với non sông.
Ai về nhắn nhủ đàn em bé,
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung
Nhiều cảnh chết, nhiều kiểu chết, nhưng Xuân Hương chỉ quan tâm mỗi một cảnh chết chồng. Ấy là Xuân Hương có quan điểm rành rọt của mình. Chết nào cũng mất mát, đau thương. Chết chồng mới là mối đau khổ nhất của người phụ nữ. Và thường tình phụ nữ là nhiều nước mắt, nhiều tiếng khóc nhất. Lấy gì để khuyên giải? Không một gương người nào có thể có hiệu lực lau nước mắt của họ được. Dùng trí khôn của sự sống vậy. Người ta khóc tràn ra đó, nhưng rồi ít lâu sau ai cũng trở lại bình thường, lao động, lo làm ăn, lo con cái. “Khóc thì phải nhưng hơi đâu mà khóc mãi. Xã hội người ta đều thế, cả đất nước non sông đều như thế. Nghe đây em! “Nín đi kẻo thẹn với non sông”. Nín đi mà lo sự sống”[57, tr.80]. Với mình, Xuân Hương cũng không giấu nỗi lòng khi bất hạnh mất chồng. Đau khổ đó, nhưng cái đau thương không lấn át được cái vững vàng trong thâm tâm, cái chết không làm ngả nghiêng được sự sống. Tiếc thương người mất nhưng cũng là tiếc thương cho sự lạnh lẽo buồn tủi của cuộc sống người ở lại.
Hồ Xuân Hương luôn ý thức về thân phận mình :
Cũng lò cũng bễ cũng cùng than, Mở mặt vuông tròn với thế gian. Kém cạnh cho nên mang tiếng hoẻn, Đủ đồng ắt cũng đáng nên quan.
(Đồng tiền hoẻn)
Đồng tiền ngày xưa được đúc bằng kim loại (đồng hoặc kẽm) hình tròn có lỗ vuông. Đó là biểu tượng của âm dương, của trời đất, của sự đầy đủ, trọn vẹn (mẹ tròn con vuông, Trăm năm tính cuộc vuông tròn). Nhưng đồng tiền này, cái
hình vuông ở giữa lại thiếu mất một cạnh cho nên trở thành hình tam giác, thành đồng tiền hoẻn (tức xấu, thiếu, khuyết). Nghĩa thứ hai của bài thơ bắt đầu khởi dậy từ chỗ này. Ở đây, các từ lò, bễ, mặt, kém cạnh, đủ đồng, quan…đều được dùng với hai nghĩa, khiến bài thơ vừa nghịch ngợm vừa chua xót cho cái nhân tình thế thái, bởi vì nếu tôi có tiền (đủ đồng) thì tôi cũng đã nên quan chứ có kém cạnh ai đâu!
Trong xã hội rối ren, nhà chùa không còn là nơi tu hành tôn nghiêm nữa. Nhiều kẻ lợi dụng chùa chiền để làm điều bậy bạ. Hồ Xuân Hương chỉ trích thậm tệ sự sa đọa của các nhà sư, bà mỉa mai hạng tu hành không giữ vững được đạo vì bị vật dụng ám ảnh nên phải hoàn tục :
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo, Vị gì một chút tẻo tèo teo.
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo.
(Kiếp tu hành)
Kiếp là một từ nhà Phật (luân hồi chuyển kiếp), nên nó đã hàm nghĩa khổ cực rồi, dẫu rằng đấy là kiếp tu hành. Xuân Hương khẳng định kiếp đó nặng đá đeo, nặng như đá đeo vào người. Đó là cách nói ví von, thực nghĩa của “đá đeo” đó là ở chỗ nói lái. Cái chút “tẻo tèo teo” tưởng như không đáng kể gì nhưng nó thực là to lớn, cản trở được con người về đất Phật, trở thành Phật. Từ chìa khóa của bài thơ là trái gió. Ngoài nghĩa đen của nó ra, trái gió có nghĩa nói lái là chó giái: Trái gió cho nên phải lộn lèo. Nhưng, trái gió còn là trái với quy luật của sự sống, cho nên mới nặng đá đeo, mới phải lộn lèo. Sự đối nghịch giữa bản năng sống và cuộc sống khổ hạnh, duy lý khiến cho nhà sư mang hai bộ mặt: bộ mặt chính thức và bộ mặt ngầm ẩn. Chùm thơ viết về các nhà sư của thi nhân bảo rằng đả kích giới sư sãi cũng đúng, nhưng chủ yếu trên tư cách họ là những người đi ngược lại quy luật của sự sống, phản tự nhiên, chứ không phải tư cách tôn giáo. Bởi lẽ, “Hồ Xuân Hương là nhà thơ của triết lý phồn thực, người bảo vệ sự sống nhiệt thành”( Đỗ Lai Thúy). Hay:
Nào nón tu lờ, nào mũ thâm, Đi đâu chẳng đội để ong châm. Đầu sư há phải gì…bà cốt,
Bá ngọ con ong bé cái nhầm.
(Sư bị ong châm)
Trước hết, bài thơ mang giọng điệu “hỏi thăm”, y như Nguyễn Khuyến hỏi thăm một ông tham quan nọ bị cướp đến “thăm hỏi”: “Cướp của đánh người quân tệ nhỉ, Xương gà da cóc có đau không?”. Hỏi thăm một cách thóc mách, hỏi thăm để tố cáo: không hiểu nhà sư đi đâu mà mặc dù có đủ nào nón tu lờ, nào mũ thâm mà chẳng đội để đến nỗi bị ong châm. Hồ Xuân Hương không nói ong đốt mà nói ong châm (động từ chỉ động tác cụ thể) để gợi sự liên tưởng như trong câu: Ong non ngứa nọc châm hoa rữa. Bởi Hồ Xuân Hương nhân danh sự sống, coi sự sống là niềm vui, là bài ca bất tuyệt của đất trời, không chấp bất cứ cái gì đối lập với sự sống, cái úa tàn, cái im lìm, cái chết chóc, cái phản tự nhiên, cho nên Xuân Hương chẳng cảm tình chi với kẻ tu hành chủ trương lánh đời, từ bỏ mọi thú vui trần thế, trong đó có cái vui yêu đương gắn chặt với sự sống. Không đợi phải là thầy tu hổ mang, lễ Phật đằng trước mà giấu cô vãi sau lưng mới chế giễu. Ông sư chẳng hiểu vì sao rủi ro bị ong châm, Xuân Hương ỡm ờ thương cảm mà lấp lửng buộc tội: “đi đâu” không mũ không nón? Rồi giả vờ chửi con ong mà thật sự lẫn lộn một cách không sao độc hiểm hơn là lẫn lộn cái đầu trọc nhẵn của nhà sư với cái gì cũng trơn láng, tròn vo của bà cốt. Xuân Hương cần gì giáo lý và tín điều. Xuân Hương chống ngay trên nguyên tắc phản tự nhiên, trái tự nhiên của nhà Phật. Ở trong cái xã hội suy tàn ấy, thì những tên gọi “hiền nhân”, “quân tử”, “anh hùng” chỉ còn là những cái vỏ hết nhẵn cả ruột. Xuân Hương đã bóc cái lớp vỏ sơn kia của những nhân vật ấy, để lòi cái cốt gỗ mục ở trong. Quân tử chi mà chuyên sờ mít:
Quân tử có thương thì đóng cọc, Xin đừng mân mó nhựa ra tay