cùng quan trọng trong công tác xét xử vụ án hình sự, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, việc định tội danh đúng sẽ là tiền đề cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời để áp dụng chính xác các quy phạm và pháp luật, đồng thời để áp dụng chính xác quy phạm và các chế định cơ bản được ghi nhận trong BLHS năm 1999 như: các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi, hình phạt, tái phạm, quyết định hình phạt trong một loạt những trường hợp khác nhau (tội phạm có đồng phạm, nhiều tội phạm, án treo…).
Thứ hai, định tội danh đúng là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về tạm giam, thời hạn tạm giam, khởi tố vụ án hình sự… bằng cách đó, định tội danh đúng sẽ góp phần đắc lực vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân [11, tr.29]
Thứ ba, định tội danh chính là quá trình xác định một hành vi đã thực hiện trên thực tế có phạm tội không, nếu phạm tội thì tội đó là gì theo điều luật nào của BLHS, do vậy định tội danh đúng chính là sự thể hiện hoạt động có hiệu quả, ý thức tuân thủ pháp luật triệt để cũng như ý thức trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền, từ đó góp phần nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động của các cơ quan này cũng như hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, định tội danh sai sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là quyết định hình phạt sai, từ đó làm cho hình phạt đã tuyên không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, làm cho bản thân bị cáo không thấy được tính sai trái của hành vi của mình, từ đó không tự giác tuân thủ pháp luật. Định tội danh sai sẽ không thuyết phục được quần chúng nhân dân về tính đúng đắn và nghiêm minh của bản án, làm giảm hiệu quả giáo dục của bản án đối với quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, định tội danh sai cũng
dẫn tới việc không đảm bảo được tính có căn cứ pháp lý của bản án, đồng thời làm giảm uy tín và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Như vậy, hoạt động định tội danh có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, là cơ sở để tiến hành các hoạt động tố tụng khác. Mục đích của hoạt động này là nhằm giải quyết vụ án hình sự một cách đúng đắn, đó là xử lý đúng người, đúng tội và buộc người có hành vi phạm tội phải chịu hình phạt tương ứng với tính chất và mục đích của hành vi mà họ đã thực hiện.
1.1.2. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
1.1.2.1. Khái niệm của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là hoạt động thực tiễn áp dụng các căn cứ pháp lý cụ thể được quy định từ Điều 192 - 201 tại Chương XVIII của BLHS về các tội phạm về ma túy. Trên cơ sở các quy định này, các cơ quan có thẩm quyển định tội danh sẽ xem xét, đánh giá một hành vi đã thực hiện trên thực tế có thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm nào được quy định trong Chương XVIII của BLHS rồi trên cơ sở đó mới xác định vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Việc tiến hành định tội danh phải dựa trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự, từ đó xác định sự phù hợp giữa các tình tiết thuộc hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trên thực tế với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của một tội phạm ma túy cụ thể được quy định trong Chương XVIII của BLHS nhằm tìm ra tên tội cho hành vi đó.
Có thể bạn quan tâm!
- Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy - 1
- Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy - 2
- Những Yếu Tố Đảm Bảo Cho Việc Định Tội Danh Đối Với Các Tội Phạm Về Ma Túy
- Một Số Khái Niệm Liên Quan Đến Các Tội Phạm Về Ma Túy
- Tội Tàng Trữ, Vận Chuyển, Mua Bán Trái Phép Hoặc Chiếm Đoạt Chất Ma Túy (Điều 194)
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu về định tội danh đối với các tội phạm về ma túy như sau:
Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành
tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án nhằm xác định sự phù hợp giữa hành vi thực tế đã thực hiện với các cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Chương XVIII của BLHS, từ đó xác định một người có phạm tội về ma túy hay không, và phạm tội theo điều luật nào của chương này.
1.1.2.2. Đặc điểm của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
Tội phạm ma tuý có những đặc điểm như các tội phạm khác về tính chất nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi và tính chịu hình phạt. Tuy nhiên, tội phạm ma túy cũng có những đặc điểm riêng so với các loại tội phạm khác như:
Một là, tội phạm về ma túy có tính nguy hiểm cho xã hội. Các tội phạm về ma túy đều trực tiếp, hoặc gián tiếp liên quan đến ma túy, xâm phạm tới sự độc quyền quản lý chất ma túy của Nhà nước, để cho ma túy xâm nhập vào cộng đồng làm gia tăng người nghiện, gây tác động xấu về nhiều mặt như kinh tế, chính trị, văn hóa và trật tự an toàn xã hội; xâm hại nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của con người; là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm khác.
Hai là, tội phạm ma tuý có tính chất chống đối pháp luật rất cao. Các đối tượng phạm tội theo đường dây ma túy lớn thường có nhân thân xấu hoặc có nguồn "gốc xã hội đen", khi bị phát hiện thường chống trả hết sức quyết liệt bằng vũ khí nóng. Khi một mắc xích trong đường dây bị lộ, để đảm bảo an toàn cao hoạt động của mình bọn tội phạm sẵn sàng thủ tiêu đồng phạm.
Ba là, tội phạm ma tuý có tính bí mật, khép kín, cắt đoạn và kéo dài của hoạt động phạm tội. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật cho hoạt động phạm tội, bọn tội phạm ma túy thường hình thành các đường dây chìm, khép kín từ người mua đến người vận chuyển và người bán, khép kín trong một nhóm đối tượng
và thường là những người thân như: vợ chồng, con cái, anh chị em, cô dì, chú, bác… Đặc biệt là tính cắt đoạn, người nào biết việc người ấy, không biết tới người thứ ba thể hiện tính chia cắt nghiêm ngặt. Tính liên hoàn đó là một chuỗi hành vi phạm tội, từ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán đến người sử dụng; đặc biệt do tính siêu lợi nhuận của mua bán ma túy mang lại nên không dễ gì khi bước vào con đường phạm tội mà tự dứt bỏ ra được. Mặt khác, đã tham gia đường dây mua bán ma túy lớn tự ý rút khỏi đường dây cũng dễ bị đồng bọn thủ tiêu. Vì vậy, hành vi phạm tội thường kéo dài nhiều năm liền.
Bốn là, bọn tội phạm ma túy thường cấu kết với lực lượng có chức năng chống ma túy như với cán bộ Công an, Bộ đội biện phòng (Như vụ án Vũ Xuân Trường và Cao Thị Lan xảy ra ở Hà Nội, …). Chúng móc nối hoặc hối lộ cán bộ chức năng nhằm thuận tiện cho đường dây mua bán, vận chuyển trên địa bàn.
Như vậy, bên cạnh những đặc điểm về định tội danh chung thì định tội danh đối với tội phạm về ma túy còn có những đặc điểm riêng được dựa trên những đặc điểm đặc trưng của tội phạm ma túy như:
Định tội danh đối với các tội phạm về ma túy phải dựa vào cấu thành tội phạm vật chất của tội phạm được quy định trong Chương XVIII của BLHS.
Định tội danh đối với tội phạm về ma túy phải được tiến hành trước, trên cơ sở đó mới có thể tiến hành được việc quyết định hình phạt. Như thế, mới đảm bảo được tính công minh, tính có căn cứ, tính đúng pháp luật và tính xác thực của một bản án khi được tuyên.
1.1.2.3. Ý nghĩa của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
Trong công tác xét xử vụ án hình sự về ma túy, định tội danh đối với các tội phạm về ma túy có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy đúng sẽ là tiền đề cho việc xác định khung hình phạt và quyết định hình phạt được chính
xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ loạt tội phạm về ma túy
Thứ hai, việc xác định tội danh đúng đối với những tên tội phạm về ma tuý là sự thể hiện hoạt động có hiệu quả, ý thức tuân thủ pháp luật triệt để cũng như ý thức trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền, từ đó góp phần vào công cuộc đấu tranh và phòng chống ma túy và nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động của các cơ quan này cũng như hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, do tính chất của tội phạm ma túy phức tạp, những tên cầm đầu đường dây ma túy thường không lộ diện mà chúng thường thuê hoặc dùng tay chân trực tiếp vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý. Dẫn đến, việc điều tra, xử lý nhiều vụ án ma tuý gặp rất nhiều khó khăn và sẽ có nhiều trường hợp định tội danh sai. Việc định tội danh sai sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt sai, từ đó làm cho hình phạt đã tuyên không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, làm cho bản thân bị cáo không thấy được tính sai trái của hành vi của mình và không tự giác tuân thủ pháp luật.
1.2. Căn cứ và những yếu tố đảm bảo cho việc định tội danh đúng đối với các tội phạm về ma túy
1.2.1. Những căn cứ pháp lý và căn cứ khoa học của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
1.2.1.1. Những căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
Theo quan điểm của GS.TSKH Lê Cảm thì những căn cứ pháp lý của định tội danh được hiểu dưới hai khía cạnh rộng và hẹp:
“Ở khía cạnh rộng thì những căn cứ pháp lý của việc định tội danh là hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự với tính chất là cơ sở duy nhất (trực
tiếp), cũng như hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý bổ trợ (gián tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội phạm.
Ở khía cạnh hẹp thì căn cứ pháp lý của việc định tội danh là chỉ có hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội phạm” [11, tr.38].
Bộ luật hình sự là cơ sở pháp lý duy nhất có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất trong việc định tội danh. Theo TS Dương Tuyết Miên thì "Hoạt động định tội danh suy cho cùng là việc so sánh, đối chiếu các tình tiết của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trong thực tế có phù hợp với các dấu hiệu tương ứng của cấu thành tội phạm cơ bản của một tội phạm cụ thể nào đó được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS. Để có thể tiến hành được việc định tội danh, nhà làm luật đã xây dựng những mẫu đặc thù riêng cho từng tội cụ thể mà dựa vào đó những người có thẩm quyền tiến hành việc định tội danh phải xác định sự có hay không có sự phù hợp giữa các tình tiết của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể được thực hiện trên thực tế với một trong những mẫu đặc thù được quy định trong BLHS, từ đó tìm ra tên tội cho hành vi nguy hiểm đã thực hiện" [24, tr.12].
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra khái niệm căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy:
Căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy là những quy phạm pháp luật hình sự được quy định trong Chương XVIII của BLHS với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội phạm ma túy. Các văn bản pháp luật hình sự khác chỉ là văn bản dưới luật làm nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích Chương XVIII của BLHS để đảm bảo cho
việc áp dụng quy định pháp luật được đúng đắn, chính xác và hiệu quả trong thực tiễn.
1.2.1.2. Căn cứ khoa học của việc định tội danh đối với các tội phạm về ma túy
Căn cứ khoa học của việc định tội danh có thể hiểu là cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng, điển hình cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, đồng thời giúp cho việc phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
Theo TS Dương Tuyết Miên thì cấu thành tội phạm là căn cứ khoa học của việc định tội danh bởi vì định tội danh là xác định các tình tiết của một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện trên thực tế có thỏa mãn với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng - các dấu hiệu được quy định tại một quy phạm pháp luật hình sự cụ thể của Phần các tội phạm BLHS. Muốn định tội cho một hành vi cụ thể, người định tội phải căn cứ vào các cấu thành tội phạm đã được quy định trong BLHS. Việc xác định tội danh chính là quá trình xem hành vi đó có thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nào trong BLHS. Nếu các tình tiết của hành vi phạm tội phù hợp với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS thì hành vi được định theo tội danh của cấu thành tội phạm đó. Như vậy, cấu thành tội phạm là căn cứ khoa học của việc định tội, trên cơ sở căn cứ vào cấu thành tội phạm được quy định ttrong BLHS mới có thể định tội và định tội danh đúng.
Theo GS - TSKH Lê Cảm thì cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý (khách quan và chủ quan) do luật hình sự quy định thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm.
Yếu tố của cấu thành tội phạm là dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng, điển hình cho các loại tội phạm cụ thể cụ thể được quy định trong luật hình
sự. Yếu tố của cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và chủ quan của tội phạm.
“Khách thể của tội phạm: đó là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm, nhưng bị tội phạm xâm hại đến và gây nên (hoặc có thể gây nên) thiệt hại đáng kể nhất định.
Mặt khách quan của tội phạm: đó là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng PLHS, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan.
Chủ thể của tội phạm: đó là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo luật định.
Mặt chủ quan của tội phạm: đó là mặt bên trong của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng PLHS, tức là thái độ tâm lý của chủ thể được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó” [11].
Từ yếu tố cấu thành chung của tội phạm trên, chúng tôi đưa ra dấu hiệu pháp lý của tội phạm ma túy:
Khách thể của các tội phạm về ma tuý: Ma tuý là loại độc dược gây nghiện nên Nhà nước độc quyền quản lý. Nghiêm cấm việc trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chất ma tuý, các hoạt động sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chiếm đoạt các chất ma tuý cũng như tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý. Để ngăn chặn ma tuý và tội phạm ma tuý, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong Hiến pháp 1992 quy định “Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Nhà nước quy