Biểu Hiện Lí Sự, Nghị Luận, Phân Tích Của Lí Tính


Xuân đi thi đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất nay đang làm chức Thiếu doãn ở Thiên Trường. Anh Phạm Hoà Phủ thi lâu không đậu. Gần đây được tin bệnh mắt anh chưa khỏi, đi lảo đảo người ta hãi. Trong danh sách bạn bè tôi gần đây đi lại với nhau chỉ còn vài người, rơi rụng dần như sao buổi sớm - Đắc Lưu Thị độc vong tín cảm niệm tồn ai hiện hồ từ, kì tứ).

- Dư tại cấm ngục nhật, tự phận cô nguy tất hãm tử địa. Lưu nhật dạ tỉnh thị bất tị phong vũ. Tuy cổ chi đốc ư hữu đạo giả bất đãi thị quá. Mỗi niệm thử sự vị chi hư hi (Những ngày tôi bị giam trong ngục, biết phận mình đơn côi nguy hiểm ắt hãm vào chỗ chết. Anh Lưu ngày đêm đến thăm hỏi chẳng nề gió mưa. Dù cái đạo dốc lòng trung thành với bạn hữu thời cổ cũng chưa vượt qua được sự nguy hiểm đó. Mỗi khi nhớ tới sự kiện này, lòng tôi lại nghẹn ngào nức nở - Đắc Lưu Thị độc vong tín cảm niệm tồn ai hiện hồ từ, kì ngũ).

Lưu Quỹ mất, Cao Bá Quát làm 5 bài thơ khóc than kèm theo 5 nguyên chú. Năm nguyên chú ấy giúp người đọc vừa biết tường tận đó là ai, làm gì, gia thế ra sao vừa hiểu rõ tình riêng sâu sắc của tác giả với người được nhắc đến bài thơ. Những nguyên chú như thế này góp phần khẳng định rõ ràng điều tác giả nói đến trong bài thơ là người thật, việc thật.

Thêm nữa, rất nhiều chi tiết, từ ngữ của bài thơ được tác giả ghi chú rõ tại sao lại có câu thơ ấy, tại sao lại dùng từ như vậy:

- Dư phương dữ chư nhân nghị khai hồ điền tác sưu cừu kế cổ tập chi (Ta cùng mọi người bàn việc mở ruộng ven hồ, đang lập kế hoạch nên nói đến ở đây - Du hồ thướng Thuỷ đình)

- Dư bệnh niệu huyết cơ khốn giả du niên, thử cái đạo thực kì dã (Ta mắc bệnh đi tiểu ra máu, suýt nguy, hơn một năm mới khỏi, đây là nói sự thực - Tặng thổ Khối Đỗ Vệ uý xuất Thanh Hoá)

- Cửu dạ phong lạo kiêm phát, dư dữ Lê Ứng Khanh, Đỗ Tự Phủ cơ vẫn vu hải ngư chi phúc (Chín đêm sóng gió, lụt lội cùng nổi lên. Tôi cùng Lê Ứng Khanh, Đỗ Tự Phủ cơ hồ tưởng chết trong bụng cá biển - Đồng Lê Ứng Khanh dạ ẩm)…

Rõ ràng, các tự dẫn, nguyên chú của Cao Bá Quát góp phần không nhỏ vào việc diễn giải, chứng minh nội dung, tâm sự trong thơ của Cao Bá Quát có căn rễ là những sự thực, cụ thể chi tiết, biểu lộ rõ ràng một đặc điểm cơ bản của thể kí.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

Việc sử dụng tự dẫn, chú giải trong thơ Cao Bá Quát nói riêng, văn học thế kỉ XVIII - XIX nói chung vừa cho thấy sự thay đổi về quan niệm văn chương của thời đại vừa cho thấy những nhược điểm của hình thức kí sự bằng thơ. Với thơ xưa, các nhà thơ quan niệm thơ có ý nghĩa tự thân. Nội dung, ý nghĩa của bài thơ được bộc lộ qua ngôn từ trong tác phẩm, đặc biệt là qua những “nhãn tự”, “thần cú”. Khi đưa vào các tự dẫn, chú giải chứng tỏ các tác giả đã không tin tưởng tuyệt đối vào sự truyền đạt của ngôn từ trong tác phẩm. Họ phải chú thích rõ hơn để minh hoạ cho câu chữ. Điều đó cũng cho thấy áp lực khó giải quyết của thơ ca đối với việc kí sự. Vì lẽ, kí sự đòi hỏi cụ thể, chi tiết, cần rất nhiều ngôn từ. Trong khi đó, thơ chữ Hán có lượng từ ít, lại phải có vần, nhịp… Do đó, bản thân thơ sẽ không đủ để phô bày hết nội dung cần diễn đạt của tác giả, cần phải có sự tường minh thêm bằng tự dẫn, chú giải.

4.2.1.3. Biểu hiện lí sự, nghị luận, phân tích của lí tính

Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 18


Biểu hiện lí sự, nghị luận, phân tích của lí tính đã có trong thơ trung đại. Song yếu tố lời nói thu hẹp vào mấy dòng “luận” hoặc “kết”, dưới dạng câu hỏi, câu cảm thán, chưa trở thành yếu tố nổi trội. Trái lại, bàn luận cá nhân là đặc điểm của thể kí và cũng còn là dấu hiệu đặc trưng của thơ ca lãng mạn hiện đại. Nghị luận phát triển mạnh trong Thơ mới và trở thành đặc trưng của Thơ mới.

Đưa yếu tố chủ quan, lí tính cá nhân vào thơ ngay từ nửa đầu thế kỉ XIX, Cao Bá Quát đã bước đầu làm mới câu thơ trung đại. Trong thơ chữ Hán, Cao Bá Quát có tới 792/1212 bài có yếu tố nghị luận nhiều phương diện khác nhau. Khi thì bàn về vai trò xuất hiện của bản thân mình, nâng mình lên một giá trị hơn cả thiên nhiên, làm nổi danh thắng cảnh: Phong cảnh dĩ kì tuyệt/ Nhi ngã diệc lai thử (Phong cảnh đã kì tuyệt/ Lại thêm ta đến đây - Quá Dục Thuý Sơn). Khi thì bày tỏ sự nghi ngờ cả quá khứ vàng son truyền tụng của người đời: Thái bình ca thịnh thế/ Ý tại hoạ đồ tiên (Đời thịnh vang lên tiếng hát thanh bình/ Ngờ rằng trước tiên ở bức tranh vẽ - Bân phong đồ). Khi thì luận về anh hùng, hào kiệt: Độc hữu tiên thời kiệt/ Đương tôn lão thượng tinh (Chỉ có bậc hào kiệt biết trước thời cục/ Thì trước chén rượu mới còn tỉnh táo - Phục hoạ cựu Tri phủ Nhị Khê ông thứ vận)… Ngay cả những cái thú tao nhã, ý riêng của bạn, mà ông thấy cần phải phê bình, ông cũng thẳng tuột, như với ông bạn Phan Sinh. Phan Sinh thích ướp trà vào sen, để qua đêm, lấy ra uống, vì cho là có mùi thơm thú vị. Cao Bá Quát không thích, ông phê ngay cái cách uống trà của bạn, từ đó bày tỏ luôn quan điểm của mình về sự coi trọng cái chân thực trong các mối quan hệ:


Nhứ hương quí thanh chân, Bất dụng ngoại thước ngã. Vô dĩ nhất ác khan,

Phóng nhĩ tị quan giả. Huyễn phục phi tráng nhan, Phồn âm biến Ðại Nhã.

(Vị mính Tiểu Kê đồng Phan Sinh dạ toạ) (Thử hương quí tinh trà,

Chẳng cần thêm vị khác. Ðừng vì yêu cái hiếm, Ðánh lừa mũi của ta.

Áo sắc không mạnh người. Lời dài mất nhạc hay.)

Nói chung, lập luận, đưa ra chính kiến của cá nhân là một cách thể hiện bản thân đầy bản lĩnh và cá tính của Cao Bá Quát.

Điểm mới mẻ nữa của thơ chữ Hán Cao Bá Quát còn là ở vị trí xuất hiện câu luận bàn. Nếu thơ trung đại yếu tố lời nói thể hiện cảm xúc và nghị luận cá nhân chỉ thể hiện ở phần “luận”, “kết” và chủ yếu ở câu kết thì trong thơ Cao Bá Quát, nó xuất hiện ở các vị trí khác nhau. Có khi ngay ở nhan đề: Bồng Doanh đô xứng liệt tiên du (Bồng Lai, Doanh Châu xứng đáng là nơi các vị tiên rong chơi), Ngụ sở thực cúc sổ thập tùng, bất đắc kiến giả cơ tứ nguyệt hĩ. Huống thử âm vũ, đương như hà da? Hệ chi dĩ thi, dụng uỷ cô liêu (Nơi ở trồng vài chục khóm cúc, đã gần bốn tháng không được thấy. Huống chi cảnh mưa gió âm u thế này, biết làm thế nào đây? Viết ra thơ để an ủi cảnh cô liêu), Quỳnh Cần Phạm Giám sinh vị dư tụng mỗ phụ nhân trung dạ thi, tình trí thê uyển, nhược hữu bất thăng li biệt chi cảm giả. Kì tình dâm cố kì từ ai dĩ thương. Lễ nghĩa quân tử sở bất dự dã. Nhiên Khâu Ma, Trạch Bồ chi phong do kiến thái ư kinh, tư cố thủ nhi lục chi, kiêm thứ kì vận, dụng tắc Phạm tử, diệc dĩ di chư hảo sự vân (Ông Quỳnh Cần Giám sinh họ Phạm có đọc tôi nghe bài thơ đêm trung thu của một phụ nữ nào đó, tả tình tiếc than thê thiết, có sự cảm động về nỗi biệt li không kể xiết. Vì cái dâm tình ấy nên lời lẽ đau buồn. Người quân tử có lễ nghĩa không dự vào đó được. Song trong phong dao ở Khâu Ma, Trạch Bồ còn ngó thấy trong kinh sách. Vì lẽ ấy mà sao chép lại, kèm làm theo vần bài đó, qua loa chiều ý ông Phạm, cũng để lại một việc tốt)…


Có khi tính chất nghị luận được bộc lộ qua lời tựa, lời dẫn của chính tác giả. Trong bài thơ Đề Minh Thành thư viện, Cao Bá Quát cũng có lời tựa nghị luận khá dài: Thư viện Minh Thành ở Ba (Batavia), người Phúc Kiến lấy đây làm nơi thờ vị tiên nho Chu phu tử (Chu Hi). Thời gần đây những lời dị đoan sủa vang lên như tiếng chó cắn nhau ở Trung Quốc. Song cái đạo của thánh nhân may mà không bị rơi rụng nhờ có cái học của Chu phu tử giảng rõ ràng trong thiên hạ. Những tập quán, tập tục của Ba Thành vắng vẻ nơi hải ngoại rất khác với Trung Quốc. Người Phúc Kiến cớ sao vui vẻ đến đây? Hầu như họ có thể thay đổi theo tập tục lạc hậu của người dân phía đông nam Trung Quốc ở đây. Mới biết rằng việc sùng kính thờ phụng những lớp người trước hòng gìn giữ lễ nghĩa Trung Hoa, há chẳng phải là sự giáo hoá của thánh hiền đã ăn sâu vào nhân dân nơi đây nên mới được như thế chăng?

Tôi vui mà dự vào việc này liên hệ có thơ. Nơi đây có vị quân tử nào còn im hơi lặng tiếng, một ngày nào đó sẽ coi lời tôi nói là như thế nào? (bản dịch). Không ít bài tựa, Cao Bá Quát đưa ra quan điểm của riêng cá nhân mình như vậy (như bài Chiêu Quân...).

Trong bài thơ, vị trí những câu luận bàn của Cao Bá Quát cũng không có sự cố định. Các câu nghị sự của Cao Bá Quát cũng phần lớn nằm ở câu kết. Song cũng có không ít trường hợp xuất hiện ngay câu mở đầu bài thơ: Dạ bất thành miên thôi chẩm khởi/ Đốt đốt thuỳ vi thiên hạ sĩ (Đêm không ngủ được đẩy gối dậy/ Chậc chậc ai là kẻ sĩ trong thiên hạ - Phù Liệt lữ đình tống Đỗ Miễn Chi Ngự sử). Hoặc ở giữa bài thơ: Sơn hải chỉ nghi Tề cận lợi/ Lũ thường hoàn tưởng Nguỵ dư phong (Thấy núi cùng bể, ngờ như nước Tề chỉ chăm chăm cái lợi trước mắt/ Nhìn dép cùng xiêm, tưởng chừng như phong tục nước Nguỵ còn sót lại - Quá Quảng Trị tỉnh), Trượng phu tế ngộ an khả thường/ Du nhận phương khan thí bàn thác (Cuộc tế ngộ của bậc trượng phu đâu có thể tầm thường/ Xem như đưa lưỡi dao thử vào thứ gỗ xoắn - Tống Nghiêu Phong Nguyễn Tể chi lị)…

Góp thêm vào những câu nghị sự trực tiếp ấy là các câu hỏi. Việc sử dụng câu nghi vấn cũng là một hiện tượng của thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã nhận thấy: “Hầu hết các bài thơ của Cao Bá Quát đều xuất hiện các câu nghi vấn” [145;485], “có thể nói ở hoàn cảnh nào, gặp điều gì Cao Bá Quát cũng đặt ra câu hỏi, trao đổi, đặt lại vấn đề” [145;491]. Ở thơ Đường luật, câu hỏi thường đặt ở câu chẵn (sau câu lẻ) nhằm khơi gợi, nêu vấn đề. “Vậy mà ở thơ Cao Bá Quát, đa phần các câu hỏi lại đặt ở vị trí câu lẻ, tức là nêu câu hỏi trước rồi mới đoán định, dẫn giải vấn đề” [145;491]. Cách


thức dùng câu hỏi và việc sắp xếp vị trí câu hỏi như vậy càng khiến cho yếu tố nghị luận của thơ chữ Hán Cao Bá Quát nổi bật rõ rệt.

Thêm nữa, thơ chữ Hán Cao Bá Quát còn có sự xuất hiện của các thán từ, trợ từ: y, ô hô, hĩ, đốt đốt…: Y! Tử thả hưu lệ (Ôi thôi! Anh hãy cầm nước mắt lại - Đạo phùng ngạ phu), Ô hô cốt nhục tình (Than ôi! Tình cốt nhục - Đắc gia thư thị nhật tác), Ô hô! Nhất danh cơ bạn trường như thử/ Bạch phát thanh bào ngô lão hĩ (Than ôi! Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này/ Bạc đầu với chiếc áo xanh ta già mất rồi - Đề Sát viện Bùi Công “Yên Đài anh ngữ” khúc hậu)… Những từ này khiến cho câu thơ của Cao Bá Quát có tính chất “văn xuôi”, thể hiện cao trào cảm xúc, quan điểm cá nhân.

Rõ ràng, với hình thức nghị luận, phân tích lí tính, Cao Bá Quát đã góp phần “tạo dáng” mới cho thơ ca chữ Hán, khiến thơ chữ Hán của ông có đặc điểm của thể kí với cách thức mở rộng nội dung sang lĩnh vực ý nghĩ, suy ngẫm, tạo đà cho chất văn xuôi nhiều khái quát về cuộc sống.

4.2.2. Sự gia tăng tính trần thuật, miêu tả tường tận, chi tiết


“Văn chương truyền thống thường không chú ý lắm đến những chi tiết xác thực về thời điểm và nếu có nhắc đến thì cũng chỉ nói chuyện xảy ra đã xa xưa vào một thời điểm có biên độ rất rộng” [155,302]. Đến thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, bút pháp này đã có sự thay đổi rõ rệt. Thơ Cao Bá Quát có xu hướng chú ý, quan tâm tới sự chi tiết, tường tận và xác thực.

4.2.2.1. Cách đặt nhan đề tường minh


Tính cụ thể ấy được bộc lộ ngay ở cách đặt thi đề của nhiều bài thơ: Dư hốt ư mộng trung vãng thám Tuần Phủ ám tưởng kinh trung cố nhân hoặc đương hữu niệm ngã giả nhân kí Tuần Phủ kiêm trình Đôn Nhân Phạm tử (Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần Phủ, nghĩ thầm các bạn ở kinh cũng có người đang nhớ mình, nhân gửi bài này cho ông Tuần Phủ đồng thời gửi ông Phạm Đôn Nhân), Mông đắc hồi bổ Hàn lâm, lâm hành chư đệ tử tương tiễn, nhân thứ tiền vận vi biệt (Được tha lại bổ vào viện Hàn lâm; sắp khởi hành, các học trò đi tiễn, theo vần cũ viết để từ biệt), Phạm Kinh doãn nhục quỹ hải vật, bệnh vị đáp bái hốt trị phong vũ cảm sự thư hoài nhân giản Phạm công kiêm trí bỉ ý (Quan Kinh Doãn họ Phạm hạ mình biếu món đồ biển, đang bệnh chưa đến vái tạ, bỗng gặp mưa gió, cảm kích viết niềm riêng gửi ngài Phạm cùng bày tỏ ý thô thiển), Thập


nguyệt thập nhất nhật thừa Lễ bộ nghiêm tấn hậu cưỡng bệnh mạn chí tứ thủ (Ngày 17 tháng 10, sau khi bộ Lễ tra tấn nghiêm ngặt, gượng đau viết luôn bốn bài)…

Ngay kiểu đặt nhan đề nói rõ tình huống, nguyên nhân… này đã khiến cho thơ Cao Bá Quát có ngữ pháp truyện: Truyện kể: môi trường + đề tài + cốt truyện + giải pháp (Trong đó, môi trường gồm: nhân vật + vị trí + thời gian) [155,71]

Về môi trường (không gian, thời gian, nhân vật). Riêng khảo sát Cao Bá Quát toàn tập, tập I (418 bài thơ), chúng tôi đã thấy có 83 tiêu đề bài thơ gắn với địa danh cụ thể, gắn liền với từng vùng đất cả trong nước lần ngoài nước: Quảng Trị (Quá Quảng Trị), Huế (Hiểu quá Hương giang), cảng Bành Thạch (Thuyền nhập Bành Thạch cảng bạc mộ yết đỉnh)... Những địa danh ấy cho thấy dấu chân những nẻo đường đi, những miền đất đến của Cao Bá Quát. Về thời gian, có đến 20 tiêu đề bài thơ đề cập tới những thông số về năm tháng, mùa vụ, ngày giờ... Về nhân vật, như trên đã trình bày, Cao Bá Quát dùng rất nhiều từ ngữ chỉ bản thân, nhiều tên riêng của bè bạn cùng những hình ảnh về vợ con, gia đình... Điều này rất cho thấy Cao Bá Quát muốn ghi lại những sự việc xảy ra như một cuốn nhật ký của đời mình, nhật kí hành trình theo trình tự thời gian.

Về đề tài, thơ Cao Bá ghi lại nhiều sự kiện: việc bị bắt giam (Cửu nguyệt sơ thất nhật dĩ trường sự hạ Trấn Phủ ngục - Ngày bảy tháng chín tống giam nhà ngục Trấn Vũ vì vụ trường thi; Thập nguyệt thập thất nhật thừa Lễ bộ nghiêm tấn hậu cưỡng bệnh mạn chí (tứ thủ) - Ngày 17 tháng 10, sau khi bị bộ Lễ tra trấn nghiêm ngặt, gượng đau viết luôn bốn bài; Chinh nguyệt nhị thập nhất nhật di tống Thừa Thiên ngục t oả cấm - Ngày 21 tháng giêng, bị giải sang giam ở ngục Thừa Thiên; Cửu nhật chiêu khách - Ngày trùng cửu mời khách), việc đi “dương trình hiệu lực” (Nhị thập nhị nhật đắc phong, hí trình đồng chư hữu (nhị thủ) - Ngày hai mươi hai được thuận gió viết đùa đưa các bạn cùng thuyền (hai bài); Nhị thập tam dạ khán nguyệt h oạ Phan Hành phủ (nhị thủ) - Đêm hai mươi ba trông trăng, hoạ thơ Phan Hành Phủ (hai bài); Nhị thập tứ nhật hồi thuyền hiểu phát Bành Thạch cảng - Ngày hai mươi bốn quay thuyền về, rạng sáng xuất phát từ cảng Bành Thạch…; Trấp tam nhật thuyền xuất cảng khẩu sảo viễn trị bạo phong vũ giảm phàm nhi tiến - Ngày hai mươi ba thuyền ra cách xa cửa biển gặp gió mưa lớn giảm buồm mà tiến; Trấp tứ nhật thuyền bạc Thiên Sơn cảng dạ trị phong vũ, thứ vận Trần Ngộ Hiên - Ngày hai mươi bốn thuyền ghé vào cảng Thiên Sơn. Đêm gặp gió mưa, hoạ bài thơ của Trần Ngộ Hiên), rồi những sự kiện con mất, lâu rồi mới được trở lại quê hương...


Tính tự sự thể hiện rõ nhất ở cảm hứng sáng tác đối với sự kiện, biến cố và đối tượng. Dấu hiệu để nhận biết điều này thông qua sự xuất hiện của các từ tẩu bút (viết nhanh, túng bút (viết ngay); hí bút (viết đùa:); tức sự (làm ngay), thí bút (thử bút), mạn bút (tản mạn), hí tác (viết chơi)... Sự xuất hiện những từ này vừa chứng tỏ Cao Bá Quát có tài ứng tác nhanh, vừa cho thấy tính chất thời sự nóng hổi của tin tức thơ ông.

Một điều nữa là nhiều tiêu đề bài thơ chữ Hán Cao Bá Quát là những câu văn tự sự dài mang tính kể, tường thuật lại. Con số những bài thơ kiểu này có tới gần 238 bài trên tổng số 418 bài thơ khảo sát. Có những tiêu đề rất dài, nhất là khi nó có đủ ngày tháng, năm sự kiện, đối tượng. Ví như: Thương Sơn công hữu sở quỹ vật kiêm trí hảo thi, bộc phương nhiễu vu thất tử chi thích, cảm thê giao tình khẩn tình hiện hồ từ - Ông Thương Sơn tặng quà, có kèm một bài thơ hay, tôi đang bối rối vì con chết, thương cảm dồn dập, tình hiện ra lời; Thương Sơn công tịch thượng nghĩ đông dạ quan Vưu Hối Am Minh sử Nhạc phủ đồng hữu nhân phân phú - Làm theo sự cùng phân công của các bạn nhân nghe Nhạc phủ về sử đời Minh của Vưu Hối Am tại tiệc ngài Thương Sơn trong đêm đông; Trấp tứ nhật thuyền bạc Thiên Sơn cảng dạ trị phong vũ, thứ vận Trần Ngộ Hiên - Ngày hai mươi bốn thuyền ghé vào cảng Thiên Sơn. Đêm gặp gió mưa, hoạ bài thơ của Trần Ngộ Hiên... Điều này không phù hợp với tiêu đề thơ chữ Hán trước đó, bởi thơ chữ Hán nói chí, tải đạo và rất ngắn ngọn như Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải…

Rõ ràng tiêu đề của thơ chữ Hán Cao Bá Quát là sự phá cách rất hiếm thấy so với các nhà thơ trước ông, cùng thời và cả sau này. Nó cho thấy, Cao Bá Quát không chỉ chú trọng ghi việc, diễn ý mà còn tái tạo sự sống trong tính hoàn chỉnh của nó. Ở đây “trong việc có người”, người gắn chặt với cảnh, với môi trường hoạt động cụ thể.

4.2.2.2. Cách chú trọng các chi tiết cụ thể


“Nghệ thuật tự sự là khả năng dừng lại kĩ càng ở sự vật đó, tìm thấy cho mình một sự hứng thú trong việc ngắm nhìn nó và cảm thấy nó có một bí mật có thể tìm hiểu mãi mà không chán” [155,166]. Tự sự tường tận, chi tiết là một đặc điểm cơ bản tạo nên tính chất “kí” trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Không chỉ có ngọn có ngành về các yếu tố: nhân vật, thời gian, không gian, thơ chữ Hán Cao Bá Quát còn đặc biệt chú ý đến những chi tiết cụ thể. Đặc điểm của sự vật, hiện tượng, con người thường được miêu tả tường tận, tỉ mỉ.


Trước hết là sự miêu tả chân thực, cụ thể dạng vẻ bên ngoài với hình dáng, màu sắc… như nó vốn có.

Thơ xưa nhiều bài “Tự thuật” cả về ngoại hình lẫn hoài bão chí hướng. Song sự tự thuật của các nhà nho phần nhiều hướng đến tính phổ quát, khẳng định lòng son trung trinh dù ngoại hình biến đổi theo thời gian năm tháng. Đến Cao Bá Quát, ngoại hình con người cá nhân của ông được thuật lại trong những khoảng khắc cụ thể: Sầu ỷ long chung cực/ Tần tần bả kính khan/ Thặng toàn mi lệ ám/ Vị thức lệ ngân can/(…) Do lân tạc dạ mộng/ Lưu trước cựu y quan (Buồn rầu hết mức dáng vẻ lọm khọm/ Luôn luôn đem gương ra soi/ Hãy còn vết thâm nơi cuối mày/ (…) Còn buồn thương giấc mộng đêm qua/ Vẫn mặc nguyên mũ áo cũ - Đối kính). Dung nhan cá nhân tác giả được khắc hoạ rõ nét sau một đêm thức giấc, soi gương, nhận thấy dáng vẻ lọm khọm, vết thâm nơi cuối mày vẫn còn và vẫn mặc nguyên quần áo cũ. Những chi tiết ấy làm nổi bật lên sự ốm yếu, chán chường, mệt mỏi từ bộ dạng đến tâm hồn Cao Bá Quát. Lần khác, ông về thân hình chính bản mình khi bị tra tấn: từ đặc điểm áo quần “xốc xếch” cho đến màu sắc “xanh xám” hãi hùng của khuôn mặt. Nỗi sợ hãi, đau đớn còn được tác giả cực tả qua hình ảnh đôi mắt: hai mắt quáng lên. Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đã có không ít câu nói về đôi mắt hoa, mái tóc bạc. Nguyễn Trãi còn có những câu tự trào về dáng vẻ già nua của mình: Vừa sáu mươi dư tám chín thu/ Lưng gầy da sỉ tướng lù khù. Song phải đến Cao Bá Quát, tính chi tiết mới thực giống như văn chương hiện đại. Khuôn mặt Cao Bá Quát trong thơ có màu sắc. Lúc điểm một vết thâm cuối lông mày (dấu tích của một sự kiện không hay, là việc mất ngủ?). Khi xanh xám toàn diện trong sự hốt hoảng cùng cực: Cơ nhân yển ngoạ hình thương hoàng/ Hồi đầu trắc cố như kinh dương (Người bị tội nằm duỗi, vẻ sợ xanh xám/ Đầu quay nghiêng, mắt lấm lét như con dê hoảng hốt - Đằng tiên ca). Ngoại hình tù nhân Cao Bá Quát trong những câu thơ này như được “chụp ảnh” từng bức cận cảnh, từ dáng đầu phải nghiêng cho đến nỗi sợ ánh lên trong mắt. Nhiều nỗi cơ cực khác của Cao Bá Quát cũng được giãi bày tường tận: Bình sinh thanh sấu tự Thẩm Ước/ Trích hậu tiêu khát như Văn Viên (Cả đời gầy guộc như Thẩm Ước/ Sau khi bị đày (mắc bệnh) tiêu khát như Văn Viên), Đa bệnh niên lai bán tí khô (Lắm bệnh nên từ năm nay một nửa cánh tay đã khô - Hoạ Nhữ Nguyên Lập giáo thụ ngũ thập tự thọ ngũ thủ thứ vận), Tục nhân bất giải ái trư can (Người đời không hiểu được (tính) thích ăn gan lợn - Tạp hứng, kì nhất), Mộ lai khuyết úng tôn/ Khô trường tẩu vạn nghĩ (Chiều nay không có cơm/ Ruột quắt cồn cào như kiến bò - Mộ phạm bất cấp hí bút kí sự)…

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí