dụng các từ vạn lý, thiên lý để chỉ con đường dài và 31 lần nhà thơ trực tiếp nói đến hình ảnh “con đường”, trong đó các từ được sử dụng nhiều nhất là trường đồ (2 lần) uý lộ (2 lần), danh lộ, hoạn đồ (3 lần), cùng đồ, lộ tận (5 lần), trần đồ, trần lộ, thế lộ (4 lần), hành lộ nan (2 lần), tiền trình, tiền lộ (3 lần)… [9;172]. Con đường là một biểu hiện cụ thể cho sự thay đổi, từ nơi này chuyển tới nơi khác. Nhưng trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát, con đường ấy khi thì tăm tối: Lộ thiểu đăng hành thất hi chúc (Ngoài đường ít bóng đèn đi, trong nhà hiếm thấy ánh nến - An Quán tảo xuân), khi thì xa lơ xa lắc, thăm thẳm: Vạn lí ức quy sầu Tử Mĩ (Đường muôn dặm chỉ những mong về, Tử Mĩ buồn bã - Biệt Phạm Đôn Nhân lang trung), Đại xuyên tây vọng hoàn trù trướng/ Thượng cách vân sơn sổ vạn trùng (Đứng trên sông lớn nhìn về phía tây lại buồn bã/ Còn cách núi mây mấy vạn trùng
- Dạ túc Triệu Chân kiều), Khách lộ na kham hoàn trở vũ (Đường xa quá sức lại còn bị gió mưa ngăn trở - Khách lộ cảm hoài)…, khi thì xa lạ, viển vông: Tiền đồ lịch lịch câu nhàn mộng/ Phù thế du du kỉ thiếu niên (Con đường phía trước rõ là giấc mộng viển vông/ Cõi đời phù du đằng đẵng tuổi trẻ có là bao - Hoạ Thúc Minh lưu biệt Doãn Trai chi tác kiêm thứ kì vận)… Ác nghiệt thay, người ta không thể tìm kiếm các nẻo đường khác, vì xã hội chỉ có “độc đạo”: Nhập thế do khoa mục (Vào đời chỉ có con đường khoa mục - Nhập Vĩnh Lợi kiều). Đã vậy, đó lại là con đường cát - càng bước đi lại càng như bị lùi lại (Sa hành đoản ca)… Hình tượng con đường vừa là hình ảnh thực theo mỗi dấu chân tác giả, vừa là hình ảnh tượng trưng cho sự bế tắc về phương hướng cuộc đời của tác giả nói riêng, xã hội nói chung.
Chú tâm vào cảnh không gian ấy, Cao Bá Quát đã liên tưởng tới thân phận của mình. Thay vì ví mình như tùng, cúc, trúc, mai, ông so sánh đường đời, thân đời mình với những hình ảnh nổi trôi, vô định của không gian: Thế lộ cánh yên vân (Đường đời như khói mây thay đổi - Sa hành để Đông Dư, kí mộ lưu túc), Nhất thu linh lạc hướng tây phong (Một đời long đong gửi gió thu - Trung thu kiến nguyệt), Dư sinh nhất dã mã/ Phiêu chuyển tuỳ thiên phong/(…)Nhất diệp vũ bành bái/(…)Phận uỷ cô phi bồng (Đời ta như một luồng hơi/ Di chuyển theo gió trời/ (…) Khác nào một chiếc lá quay cuồng trên sóng cả/… Thân phận như sợi cỏ bồng phiêu dạt - Chinh nguyệt nhị thập nhất nhật di tống Thừa Thiên ngục toả cấm)…
Bao quanh nhân vật trữ tình trĩu nặng suy tư Mẫn Hiên là các hình ảnh gió mưa và chòm mây cô lẻ. Những nhọc nhằn, long đong, lận đận, không phương hướng, mịt mờ về tương lai bủa vây lấy tâm hồn Cao Bá Quát. Thơ ông vừa khắc khoải tâm trạng bi kịch tinh thần của nhà Nho khi xung đột với hiện thực xã hội vừa mang cảm thức của con
người hiện đại khi đối mặt với sóng gió, thử thách. Với những hình ảnh đó, Cao Bá Quát đã khắc hoạ một con người cá nhân nhà thơ với cái tôi chơi vơi giữa cuộc đời. Hơn nữa, đặc điểm không gian này thêm một lần nữa cũng cho thấy, nếu các nhà nho trước Cao Bá Quát thường chăm lo cho danh tiết của mình - khi “thiên hạ đều đục, một mình trong”, nhà nho “độc thiện kì thân” - thì Cao Bá Quát lại chú ý nhiều đến nghĩa lí cuộc đời, mục đích và hạnh phúc của cuộc sống.
Với những đặc điểm ấy, không gian trong thơ Cao Bá Quát không phải chỉ xuất hện dưới dạng đề, vịnh, cũng không phải loại không gian vũ trụ mà là không gian đầy chất sự vật, đối tượng.
4.1.2. Thời gian đời tư
Có thể bạn quan tâm!
- Cảnh Sinh Động, Đa Sắc, Giàu Trạng Thái
- Cảnh Khắc Nghiệt, Dữ Dội, Thất Thường, Huỷ Diệt
- Không Gian Đời Tư - Nơi Chất Chứa Nỗi Sầu Hận, Bế Tắc
- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 17
- Biểu Hiện Lí Sự, Nghị Luận, Phân Tích Của Lí Tính
- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 19
Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.
Thời gian đời tư là thời gian cá nhân mà ở đó các sự kiện trong cuộc đời nhân vật được thể hiện theo những cách thể rất linh hoạt và đa dạng. Thời gian đời tư của nhân vật có thể được sắp xếp theo trình tự tuyến tính (trật tự biên niên), có thể được phi tuyến tính hoá dựa vào cách cảm nhận và tổ chức thời gian khác nhau của tác giả (đảo thuật, dự thuật, xen kẽ, gấp khúc, xoắn vặn...).
Cũng như không gian đời tư, thời gian đời tư vừa chịu sự quy định bởi cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về thế giới, vừa là biểu hiện thế giới tinh thần của bản thân nhân vật. Không gian đời tư và thời gian đời tư là chỉnh thể nghệ thuật cụ thể của thế giới nghệ thuật.
Có thể nói, thời gian nghệ thuật trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng chuyển từ thời gian vũ trụ sang thời gian đời thường - thời gian hiện tại, có tính chất cụ thể, trực cảm; đó là thời gian sự kiện, thời gian sinh hoạt… chứ không phải là cảm niệm về thời gian.
4.1.2.1. Thời gian sinh hoạt hàng ngày
Thời gian của văn học trung đại thường mang tính phổ quát. Các buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, mùa xuân, mùa thu… trong thơ mới đọc tưởng như cũng là những thời khắc cụ thể, song không phải như vậy. Các khoảng thời gian ấy phần lớn trở thành ước lệ, đại diện chung cho nhiều buổi, nhiều mùa gắn liền với tâm trạng tác giả. Trái lại, trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát, thời gian đã gắn liền với một thời khắc cụ thể. Con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ sống giữa thời gian hiện thực.
Thống kê 418 bài ở tập 1, chúng tôi thấy thơ Cao Bá Quát thường gắn liền với mùa thu, mùa đông, buổi chiều và những đêm dài (141 bài). Những bài viết về mùa xuân, hè, buổi sáng, trưa ít hơn nhiều (72 bài). Điều đáng nói là vì gắn với hiện thực và tâm trạng, nên những khoảng thời gian trên trong thơ ông đã vượt ra ngoài công thức “thu bi đông ai” ước lệ của văn học trung đại. Tâm trạng bi, ai trong trong thơ Cao Bá Quát chiếm lĩnh cả mùa xuân ấm áp và hè rực lửa.
Xuân trong thơ Cao Bá Quát không chỉ có những ngày tươi đẹp mà còn có cả những ngày buồn não nề. Đó là những ngày xuân buồn, ốm, không hi vọng: Tam canh chung đoạn kê y ốc/ Lạc lạc sổ gia văn bộc trúc/ Xuất môn quyện ỷ lập môn khan/ Lộ thiểu đăng hành thất y chúc (Tiếng chuông chấm dứt canh ba, xen lẫn tiếng gà gáy/ Đây đó mấy nhà nghe tiếng pháo nổ/ Ra cửa mỏi mệt đứng tựa cửa ngắm nhìn/ Ngoài đường ít bóng đèn đi, trong nhà hiếm thấy ánh nến - An Quán tảo xuân, kì nhất), Xuân thiên hà minh mông (Trời xuân sao mịt mùng - Dữ thi Phan Long Trân du Côn Sơn, nhân tác Côn Sơn hành vân), Xuân phong hà sự lai thôi bách/ Lãm não tây viên từ phú khách (Gió xuân cớ chi đến thúc bách/ Sự não nùng buộc chặt khách văn ở vườn tây - Thứ Phương Đình, Hoán Phủ, Thận Tư phân vận ngũ thủ, kì nhất), Vong tình tạm tá khiển xuân sầu (Tạm mượn sự vô tình để tiêu khiển nỗi sầu xuân - Du Tây hồ bát tuyệt- kì thất), Nhất xuân tiều tuỵ bệnh niên xâm (Cả một mùa xuân tiều tuỵ đau ốm đã hàng năm rồi - Dư hốt mộng trung vãng Thám Tuần Phủ, ám tưởng kinh trung cố nhân hoặc đương hữu niệm ngã giả, nhân kí Tuần Phủ kiêm trình Đôn Nhân Phạm tử, kì nhị), Tán phát xuân phong kịch khả liên (Tóc xoã trong gió xuân thật đáng thương - Viên cư trị vũ)…
Đó là những ngày xuân rét lạnh, tha hương, khách giữa đường cô đơn: Thuỳ niệm xuân hàn trung lộ khách/ Ngưu y lang tạ lệ thành băng (Có ai nghĩ đến khách giữa đường trong cữ rét xuân/ Trên chiếc áo tơi đầy những hạt lệ đọng thành băng - Dữ gia nhân tác biệt thị dạ dư bệnh chuyển phát), Xuân lai tâm lực lưỡng kham tăng (Từ xuân sang đến nay, cảm thấy tâm, lực cả hai đều đáng phàn nàn - Bệnh trung), Yên hoa lang tạ dị hương xuân (Khói hoa ngổn ngang ngày xuân ở quê người - Di đĩnh nhập Dũng cảng)…
Hè trong thơ Cao Bá Quát cũng không phải là cảnh hoa rực rỡ, chói chang, căng tràn nhựa sống như thơ Nguyễn Trãi mà trái lại buồn nản, hiu quạnh:
Cưỡng niêm tôn tửu uỷ phương triêu Giang quốc Đoan dương chính tịch liêu. (…) Cát y vị tứ niên không trưởng,
Hao ngải trùng lai mộng ám tiêu.
(Đoan dương)
(Gượng cầm chén rượu an ủi một buổi sáng tốt lành, Nơi sông nước tiết Đoan dương thực là hiu quạnh. (…) Áo mát muà hè chưa ban, thời gian cứ trôi, Hao ngải lại tới, ngầm tan giấc mộng.)
Ở đây có sự tương phản giữa tự nhiên với con người. Đoan dương - tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 là thời điểm nóng nhất trong năm. Trời đất đúng vào lúc chính dương. Vậy mà con người lại không được tiếp thêm nhiệt lượng. Trái lại, rơi vào chán chường, bi quan, sầu não.
Các buổi sáng trong thơ Cao Bá Quát cũng không phải là khởi đầu cho những sự tươi mới, ngọt ngào. Trái lại, nó lại như là sự bắt đầu và tiếp nối cho những sầu buồn vô tận:
Tòng thử năng cao hứng, Hành ca muộn khả thinh.
(Hiểu nhập Quảng Trị giới) (Từ đây chợt (trỗi niềm) cao hứng, Vừa đi vừa hát nghe buồn tênh.)
Đặc biệt, Cao Bá Quát thường chứng kiến những cảnh khổ đau vào buổi sáng: gặp ông già Phúc Lâm tội nghiệp, chứng kiến cảnh quan phát chẩn, người tát nước đói khổ, nhọc nhằn trên cánh đồng… Buổi sáng với Cao Bá Quát thật đáng kinh sợ:
Duyên lưu đáo xứ hữu nhân thôn, Phá hiểu bình khan Động Hải môn. Tứ vọng hoàng sa thiên vạn điệp, Thử sinh quán kiến tiếu tiêu hồn.
(Thuận Trạch chu hành Động Hải, kì nhị)
(Dòng chảy đến nơi có xóm có làng,
Tảng sáng xem mặt nước phẳng lặng ở cửa Động Hải. Bốn phía cát vàng muôn ngàn lớp,
Cuộc sống ở đây vẫn thế, đúng là đáng kinh sợ.)
Với tính chất thời gian hiện thực này, thơ chữ Hán Cao Bá Quát đã vượt ra ngoài công thức ước lệ “thiên nhân tương ứng” của văn học trung đại. Tâm trạng, cảm xúc của
con người không chỉ gắn với thời gian vũ trụ mà chủ yếu là do tác động của thời gian cuộc sống sinh hoạt. Cao Bá Quát đã tạo ra một kiểu thời gian hiện thực hằng ngày gắn liền với cuộc sống cá nhân. Những dấu hiệu thời gian này khiến thơ chữ Hán Cao Bá Quát có tính chất hiện thực, kí sự. Thơ ông mang đặc điểm của thơ điệu nói.
4.1.2.2. Thời gian cụ thể, trực cảm
Dấu ấn thời gian cụ thể trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát hết sức rõ rệt. Ngay nhan đề các bài thơ đã cho thấy rõ điều đó: Cấm sở cửu nguyệt trình chư hữu nhân (Tháng 9 trong nhà giam làm thơ trình các bạn), Chí nhật đồng Chí Đình tiểu ẩm tẩu bút thứ vận (Ngày đông chí cùng Chí Đình trong bữa tiệc xoàng vẩy bút nhanh hoạ vần thơ), Chinh nguyệt nhị thập nhất nhật di tống Thừa Thiên (Ngày 21 tháng giêng bị giải sang giam ở ngục Thừa Thiên), Cửu nguyệt sơ thất nhật dĩ trường sự hạ Trấn Phủ ngục (Ngày 7/9 tống giam nhà tù Trấn Phủ vì tội trường thi), Cửu nhật chiêu khách (Ngày trùng cửu mời khách), Cửu nhật Di Xuân kiến kí thứ vận (Ngày trùng cửu hoạ thơ ông Di Xuân gửi đến), Đoan dương, Đoan ngọ, Hoạ Lục Phóng Ông chinh nguyệt ngũ nhật xuất du (Ngày 5 tháng giêng đi chơi hoạ thơ Lục Phóng Ông)…
Ngoài những nhan đề có ngày tháng cụ thể trên, còn có kiểu nhan đề ghi rõ không gian, sự kiện gắn liền với sinh hoạt cá nhân: Ẩm tửu đắc chư hữu giai tác, tức phục tẩu bút thư thị (Uống rượu, nhận được tác phẩm hay của các bạn liền sáng tác nhanh tại chỗ đưa cho họ), Bảo Xuyên Lê ông kiến h oạ dư thi nhân kí bách nhãn lê, phụng thứ lai vận (Được thấy ông Lê Bảo Xuyên hoạ thơ tôi, nhân gửi biếu na, kính h oạ bài thơ gửi tới), Dữ gia nhân tác biệt thị dạ dư hốt bệnh chuyển phát (Từ biệt người nhà, ngay đêm ấy ta lại phát bệnh), Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi (Cùng với Hoàng Liên Phương nói chuyện hải ngoại, có điều cảm xúc, viết nhanh bút đưa bạn)…
Đáng nói thêm nữa là thời gian trong thơ Cao Bá Quát được tính theo năm, mùa, ngày, giờ... Ví dụ:
- Đời người: Tịch mịch bán thương xuân (Buồn đau nửa tuổi xuân - Châu Long tự ức biệt)…
- Năm: Thập bát thu lai cố cựu hi (Mười tám năm qua những người cố cựu đã hiếm hoi - Tống Nguyễn Mã Trai niên ông đắc giả Bắc hồi), Phân thủ Hà thành Thập quá xuân (Đã hơn mười năm rồi ta chia tay nhau ở Hà Thành - Thiên Áo thành phùng cố
nhân Cổ Vân Khê văn kì cận phả đắc ý ư hoạ dữ ẩm cập chi), Thư kiếm thanh cuồng thập quá niên (Sách gươm lãng đãng quá 10 năm - Túc Giai Lạc cựu Tổng mục gia, tương biệt Lưu Đề), Thập niên ác bút phí quang âm (Mười năm cầm bút phí cả thì giờ - Phục giản Phương Đình), Thập niên trùng đáo Liễu Đình nam (Mười năm nay mới lại đến phía Nam - Trùng quá Vạn Liễu Đình), Thập niên tiền bạc Mạnh gia thi (Mười năm trước ta từng coi thường con nhà họ Mạnh - Ngụ sở cảm sự, mạn bút thư hoài), Cô đăng tự chiếu thập niên tâm (Ngọn đèn lẻ loi chiếu sáng tấm lòng mười năm - Độc dạ thư hoài), Nhân thế thăng trầm ngũ lục niên (Ta nổi chìm cõi người đời năm sáu năm rồi - Ẩm tửu đắc chư hữu gia tác tức phục tẩu bút thư thị), Lục niên sinh tử phù trầm địa (Qua sáu năm ở nơi sống chết chìm nổi - Đáp Hà Thành cố nhân thư thoại cập gia tình kiêm vấn cận tác), Nam lai ngũ lục niên (Đến miền Nam đã năm sáu năm - Đoan ngọ), Động trung lai vãng dĩ tam xuân (Tới lui động này đã là ba xuân - Tàng Chân động), Hoàng tâm khánh tuế nhương (Lòng vua mừng năm được mùa - Ngũ phong thập vũ tuế phong nhương)…
- Tháng, tuần - mười ngày: Cơ lưu lưỡng thiên thứ/ Thập kiến hải nguyệt viên (Bị giam cầm đã hai lần đổi chỗ/ Và đã mười lần thấy trăng tròn trên mặt bể - Lục nguyệt thập ngũ dạ nguyệt hạ tác phụng kí chư cố nhân), Dương liễu xuân tam nguyệt (Dương liễu tháng ba mùa xuân - Tam nguyệt Giang Thành liễu nhứ phi), Tam nguyệt giang thành thượng bạc hàn (Tháng ba ở thành bên sông còn hơi lạnh - Hàn vận hoạ Thận Tư), Trùng lai cận lục tuần (Nay lại đến, sau sáu tuần - Châu Long tự ức biệt)…
- Ngày: Tiết nhật cánh lưu liên (Ngày tết lại càng mê chơi quên quê nhà - Đoan ngọ), Cửu nguyệt vọng hậu thiên khí lương (Sau hôm rằm tháng chín, khí trời đã dịu - Đằng tiên ca), Giang quốc Đoan dương chính tịch liêu (Nơi sông nước tiết Đoan dương thực là hiu quạnh - Đoan dương), Thiên trung giai tiết nhập phương triêu (Ngày tết thiên trung tốt đẹp đi vào buổi sáng trong lành - Ngũ nhật thù Phạm Lang trung, Nguyễn viên ngoại chiêu ẩm), Phong lực nhất phàm tam nhật dạ (Một cánh buồm chạy bằng sức gió suốt ba ngày đêm - Hạ Liêu thành ngoại tức sự)…
- Buổi, canh, giờ: Thiên trung giai tiết nhập phương triêu/(…) Y quan sơ tán tử thần triều/(…) Ngọ lai bồ tửu sổ tương yêu (Ngày tết thiên trung tốt đẹp đi vào buổi sáng trong lành/(…) Áo mão vừa tan buổi chầu ở nội điện/ (…) Giờ ngọ đến mời uống mấy chén rượu xương bồ - Ngũ nhật thù Phạm Lang trung, Nguyễn viên ngoại chiêu ẩm), Đài cổ báo sơ canh (Trống trên đài báo canh một - Đồng Bùi Nhị công tử Tôn Thất Minh
Trọng phiếm chu Đà Môn, mộ yết đãi nguyệt), Tam canh chung đoạn kê y ốc (Tiếng chuông chấm dứt canh ba, xen lẫn tiếng gà gáy - An Quán tảo xuân, kì nhất), Mao điếm kê sơ khiếu (Ở quán lợp tranh, gà vừa gáy lần đầu - Khách trung tảo khởi)…
Điều đó cho thấy, thơ chữ Hán Cao Bá Quát không còn đơn thuần là thơ tải đạo ngôn chí hoặc cảm xúc ước lệ về vũ trụ nữa mà thường là những tâm trạng, cảm xúc được ghi lại trong một thời điểm, một không gian nhất định. Đó là tâm trạng được nảy sinh do một tác động nào đó của hoàn cảnh sống sôi động, phức tạp, phong phú. Đối với cuộc sống, Cao Bá Quát đã không còn mang đặc điểm của người trung đại: cảm nhận thời gian theo lối tuần hoàn, ngưng đọng, kéo dài. Thơ ông đã mang cảm xúc của thi ca hiện đại: quý giá, chú trọng từng phút giây của của cuộc đời; thời gian đi là mất.
Dấu ấn thời gian cụ thể trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát còn được thể hiện qua nhiều bài được tác giả sáng tác trong thời gian diễn ra tết hội theo phong tục tập quán: tết Nguyên tiêu, Đoan ngọ, Trùng cửu… Số lượng bài sáng tác trong khoảng thời gian này là 37 bài. Điều này chứng tỏ, những thời gian tết hội tác động rất mạnh mẽ đến tâm trạng, cảm xúc của Cao Bá Quát. Đó là những thời điểm đặc biệt trong năm, đem đến những đổi mới của đất trời, của vũ trụ, làm dậy lên những niềm khát khao hi vọng mới cho con người. Nhưng với Cao Bá Quát, đó lại là những thời điểm khiến ông buồn sầu nhất. Vì những thời điểm ấy là những dấu ấn cụ thể minh chứng cho sự vèo trôi của năm tháng cuộc đời. Trước những thời khắc ấy, thơ Cao Bá Quát thường thảng thốt những nỗi buồn sầu cho sự mất mát thời gian, sự nuối tiếc vì chưa làm gì nên chuyện…
Nói chung, thời gian trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát đã có xu hướng nghiêng về thời gian đời tư, gắn liền với cuộc sống của tác giả. Các thời điểm được định vị trong thơ ông phản ánh con người cá nhân, hành động, sự kiện con người cá nhân của nhà thơ. Điều này khiến thơ Cao Bá Quát nặng kí thác những tâm sự cá nhân.
4.2. Sự phát triển hình thức thể loại kí sự thơ
Kí là loại tác phẩm phản ánh đời sống chủ yếu bằng cách tái hiện sự kiện, hiện tượng, con người trong tính quá trình của nó - như cái gì mình trông thấy và cảm nhận; trình bày theo cảm xúc và cảm hứng cá nhân; với thành phần lời văn kết hợp đang xen giữa câu trần thuật, miêu tả, phân tích và cảm thán.
Thể kí trong văn học trung đại Việt Nam đến thế kỉ XVIII- XIX đã phát triển lên đến đỉnh cao. Thành tựu to lớn của kí văn xuôi trong thời kì này dường như đã ảnh hưởng
cả sang lĩnh vực thơ ca, khiến cho không ít tác giả, tác phẩm thơ cũng có tính chất của kí. Tiêu biểu cho hiện tượng này có lẽ là thơ chữ Hán Cao Bá Quát.
Hình thức kí trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát rất phong phú, có kí tự sự, kí du hành; kí ghi phong cảnh, ghi người ghi việc; nhật kí, hồi kí… Trong đó, những đặc điểm của thể kí được thể hiện hết sức rõ rệt.
4.2.1. Sự nhiệt thành thể hiện cái tôi của tác giả
Xét cho cùng, tác phẩm văn học nào cũng biểu hiện cái tôi tác giả, dù nó nghiêng về phản ánh hiện thực đời sống hay hiện thực tâm linh. Phương diện chủ thể là một yếu tố có vai trò quyết định đến quá trình sáng tác và đặc thù tác phẩm. Dù muốn hay không, cái tôi nghệ sĩ cũng ít nhiều in dấu trong tác phẩm. Tuy nhiên, ở mỗi loại hình, cách thức bộc lộ cái tôi đó có những điểm khác biệt.
Cái tôi của cá nhân tác giả có vai trò lớn đối với thể kí. “Kí chỉ thực sự ra đời khi người cầm bút trực diện trình bày đối tượng phản ánh bằng cảm quan của chính mình” [87;40]. Do đó, cái tôi tác giả của thể kí khác với cái tôi tác giả của các thể loại khác. Truyện có cái tôi hư cấu, tuỳ bút cho phép ghi lại điều tác giả nghe nói, trữ tình chủ yếu là cảm xúc tâm trạng của tác giả. Ở những thể loại này, tác giả có thể ẩn mình đi, bọc mình lại khiến bạn đọc không dễ gì thấy ngay diện mạo của họ. Còn kí là cái tôi thật, chứng kiến, chép sự thật, tường thuật... Đó là cái tôi không trang điểm, trang sức, phản ánh và bày tỏ cảm xúc, suy tư thực của mình trước những sự việc mắt thấy tai nghe, trước những điều nhà văn nhận thức được từ cuộc sống. Những đặc điểm của cái tôi tác giả trong thể kí thể hiện khá rõ rệt trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát khiến cho thơ ông có nhiều bài mang đặc điểm của thể loại này.
4.2.1.1. Sử dụng từ nhân xưng ngôi thứ nhất
Yếu tố đầu tiên thể hiện đặc điểm thể loại kí sự trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát là việc mạnh mẽ, rõ ràng bộc lộ sự hiện diện cái tôi cá nhân chủ quan của tác giả trên nhiều hình thức khác nhau.
Biểu hiện đầu tiên trong ý thức cá nhân của Cao Bá Quát là mật độ xuất hiện đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: ngã, tự, kỉ, bối, khách… dày đặc và liên tục.
Trong văn học Việt Nam trung đại, việc sử dụng từ tự xưng không phải đến Cao Bá Quát mới xuất hiện. Tác giả Lê Thu Yến thống kê thơ chữ Hán cho kết quả: Nguyễn Trãi có 22 từ tự xưng trên 52 bài thơ, Nguyễn Đề có 40 từ tự xưng trên 143 bài thơ,