khổ đau luôn là hiện thực. Bà đã rất khéo dùng từ ngữ chuyển hóa màu sắc từ “thắm” đến “ bạc” rồi “xanh” nhưng lại có tính chất đảo ngược vị trí của quá trình chuyển hóa: “xanh” kết hợp với “bạc” thành “thắm”. Bài thơ là lời kêu gọi về một tình yêu chân thành, say đắm, thủy chung nhưng khép lại thì dư âm, ấn tượng về một hiện thực cay đắng xanh như lá, bạc như vôi vẫn cứ nặng trĩu trong tâm hồn người đọc.
Trong bài thơ Mời trầu, Hồ Xuân Hương như dự cảm về con đường tình duyên bấp bênh, không bền vững “xanh như lá, bạc như vôi”. Nó đã trở thành hiện thực khi bà viết chùm thơ Tự tình.
Bài Tự tình I là nỗi buồn thảm của Hồ Xuân Hương trước duyên phận hẩm hiu, mất mát, trước dòng đời đầy nghịch cảnh éo le. Nhưng cái sâu sắc của bài thơ là sự vươn dậy của bản thân Xuân Hương thách đố lại duyên phận, không chịu bó tay trước số phận. Qua đó thể hiện một niềm khao khát cháy bỏng trong tình yêu của bà:
Tài tử văn nhân ai đó tá? Thân này đâu đã chịu già tom.
Đây phải chăng là một câu hỏi nhưng không phải để nghi ngờ mà để khẳng định: duyên kia dù có mõm mòn nhưng thân này đâu đã chịu già tom. Bà đã vượt lên số phận nghiệt ngã của con đường tình duyên để thách thức số phận và khát khao có một tình duyên trọn vẹn.
Cũng trong mạch chùm thơ Tự tình một lần nữa bà đã ý thức rất sâu sắc về tình duyên, về duyên phận của mình, một thưc tế phũ phàng ngậm cười đến nỗi chua chát: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”, để rồi: “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con”. Tuy bi đát đến cùng cực là như vậy nhưng “Hồ Xuân Hương không mảy may cảm giác thua cuộc”: “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân may đá mấy hòn”. Thông qua những vần thơ sắc sảo, góc cạnh khi viết về thiên nhiên như đang cựa quậy, căng đầy sức sống ấy, ta thấy một khát vọng sống mãnh liệt ngay cả trong tình huống bi thảm nhất.
* Khát vọng hạnh phúc gia đình
Không chỉ bộc lộ những khát khao hạnh phúc trong tình yêu mà thơ Nôm Hồ Xuân Hương còn tha thiết với hạnh phúc gia đình, và đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao của rất nhiều người phụ nữ, đó là thiên tính nữ. Niềm khát khao ấy được thể hiện trong bài thơ Lấy chồng chung:
Có thể bạn quan tâm!
- Thiên Tính Nữ Qua Đối Tượng Người Phụ Nữ Trong Thơ Hồ Xuân Hương
- Thiên Tính Nữ Qua Vẻ Đẹp Và Khát Vọng Người Phụ Nữ
- Thiên tính nữ trong thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương - 5
- Hình Tượng Thiên Nhiên Mang Vẻ Đẹp Hình Thể, Trần Thế Của Người Phụ Nữ
- Hình Tượng Thiên Nhiên Mang Vẻ Đẹp Phồn Thực, Đầy Nữ Tính.
- Hệ Thống Từ Ngữ Thể Hiện Thiên Tính Nữ
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Thân này ví biết dường này nhi, Thà trước thôi đành ở vậy xong.
Bà lên tiếng đả kích chế độ đa thê nhưng ẩn sau những dòng thơ gai góc ấy là khát vọng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Tiếng nói trong bài thơ gần với tiếng nói trong ca dao:
Đói lòng nằm gốc cây sung, Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
Bởi vì bà hiểu được nỗi thiệt thòi của người phụ nữ khi lấy chồng chung bất công về kinh tế lại thiếu thốn về tình cảm. Cho nên bà đã kiên quyết nỗ lực vươn lên thoát khỏi nghịch cảnh éo le. Đó cũng là tiếng nói chống lại chế độ đa thê, thông cảm sâu sức với nỗi bất hạnh và khẳng định khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ.
1.4.2.2. Khát vọng ái ân
Xã hội phong kiến là xã hội trọng nam khinh nữ. Những gì mà một người đàn ông cần là "trung quân ái quốc", "phải có danh gì với núi sông", là "tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Người phụ nữ phải là "tiết hạnh khả phong", "tam tòng tứ đức" là "chính chuyên chỉ có một chồng". Người phụ nữ có khi là cái xác không hồn, bị bổn phận và nghĩa vụ đè bẹp. Tư tưởng trọng nam khinh nữ nhiều khi quá cực đoan "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Người phụ nữ không một chút tự do, không được quyền đòi hỏi hạnh phúc, họ chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là làm tròn bổn phận và chức năng của mình. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương viết nhiều về người phụ nữ luôn khát khao cuộc sống ái ân. Người ta vẫn thường bảo thơ Nôm Hồ Xuân Hương viết nhiều đến chuyện buồng kín vợ
chồng thì chúng ta nên nhìn vào hoàn cảnh riêng và quan niệm sống của bà. Trong cuộc đời riêng Hồ Xuân Hương chưa bao giờ được thỏa mãn cuộc sống ái ân trai gái nên bà cũng như cô gái trong ca dao luôn khát khao:
Bao giờ lão món chầu trời
Thì em lại lấy một người trai tơ
Nhưng có lẽ vì điều đó không thể thành hiện thực nên khát khao lại càng cháy bỏng hơn. Hồ Xuân Hương đã không giả dối, bà công khai nói lên sự thật: cuộc sống bản năng cũng là khát vọng chính đáng của con người. Mỗi người phụ nữ trong mỗi bài thơ Nôm là mỗi mảnh đời khác nhau của cuộc sống người dân nơi thôn dã, của cuộc sống những người phụ nữ, tuy khác nhau về số phận nhưng đều giống nhau ở “bản năng gốc”:
Hỡi chị em ơi có biết không?
Một bên con khóc một bên chồng. Bố cu lổm ngổm bò trên bụng, Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
(Cái nợ chồng con)
Chính điều này, làm cho hình ảnh người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương trở nên xa lạ với tính chất mực thước tù đọng cố hữu về quan niệm thẩm mỹ của văn chương Nho giáo “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” (Nguyễn Du- Truyện Kiều), mà gần gũi với văn học dân gian, với “khát vọng được thành thực” (Văn Tâm)
Một điều không ai chối cãi được là thơ Xuân Hương có một cái gì khác thường. Nhà thơ thật có cái nhìn kỳ lạ đối với mọi hiện tượng xung quanh, trong thiên nhiên cũng như trong xã hội. Từ quả mít, con ốc nhồi, chiếc quạt đến cái đầu trọc của nhà sư; từ cảnh dệt cửi ban đêm, cảnh đánh đu ngày tết, cảnh tát nước, đến bòn đá Ông Chồng Bà Chồng, đèo Ba Dội… Xuân Hương như muốn nói đến những chuyện khác nữa, chuyện của đàn bà, và chuyện riêng trong
buồng kín của vợ chồng. Chúng ta biết Hồ Xuân Hương là một con người tài hoa, yêu đời và giàu sức sống mà cuộc đời luôn luôn bị chèn ép, câu thúc – không phải chỉ chèn ép câu thúc về tinh thần, về tình cảm, mà cả về đời sống bản năng, về hạnh phúc ái ân của trai gái. Điều đó có làm cho nhà thơ căm phẫn và khao khát, rạo rực một cái gì... Nhiều phụ nữ khác cùng cảnh ngộ với Xuân Hương chẳng phải không khát khao như bà, có điều lễ giáo phong kiến và tập tục hàng nghìn đời, đã dồn ép những tâm sự ấy xuống tận đáy sâu của suy nghĩ, của tiềm thức, và họ chỉ còn lờ mờ một cảm giác bi quan nhẫn nhục chịu đựng, và xót thương cho số kiếp của họ. Phải có can đảm và lạc quan như người lao động trong văn học dân gian mới có thể nói lên cái khát khao cháy bỏng ấy.
Người phụ nữ trong Dệt cửi đêm là một người phụ nữ như vậy. Đằng sau lớp ngôn ngữ thơ hoàn toàn nói về việc dệt cửi ta thấy Hồ Xuân Hương- người phụ nữ khao khát những ân ái mang tính bản năng của con người. Bà đã rất khéo léo lựa chọn bối cảnh để bộc lộ khát khao được chất chứa bấy lâu trong lòng:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Nhan đề bài thơ mách bảo đây là bài thơ tả người dệt cửi. Từ khung cảnh ban đêm đến màu trắng của sợi, tới các bộ phận của khung cửi như: con cò, suốt, khuôn khổ… đến các động tác của người dệt cửi và công cụ của người lao động: “Hai chân đạp xuống năng năng nhắc/Một suốt đâm ngang thích thích mau”. Điều kì lạ ở bài thơ là càng miêu tả chính xác công việc dệt cửi bao nhiêu thì càng làm nồi bật lên nghĩa chìm bấy nhiêu, đó là khát vọng được thỏa mãn ái ân của người phụ nữ.
Mỗi một công việc, một sự vật trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương đều ẩn chứa một hàm ý sâu xa. Điều đó có nghĩa tài thơ của bà rất sắc sảo nhưng đồng thời cho chúng ta thấy được nỗi niềm khó bày tỏ của người phụ nữ trong xã hội
cũ. Với bài thơ Đánh đu, bà muốn bộc bạch hơn nữa những tâm tư, tình cảm của người phụ nữ qua hành động chơi đu:
Bốn cột ai khen khéo khéo chồng, Người thì lên đánh kẻ ngồi trông. Trai đu gối hạc khom khom cật, Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới, Hai hàng chân ngọc duỗi song song. Chơi xuân có biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
Bài thơ tả cảnh đánh đu thật tuyệt vời với những hình ảnh đầy chuyền động, với những màu sắc không khí tươi vui của xuân trong trời đất, trong lòng người. Các từ láy đôi đầy ẩn ý: khéo khéo, khom khom, ngửa ngửa, song song… làm bài thơ gợi nên một ý khác: chuyện ái ân.
Đánh cờ, chơi hoa đều là những thú vui tao nhã của các bậc hiền nhân quân tử. Nhưng với Hồ Xuân Hương thì bà thật khéo léo xen vào đó là những khát khao thầm kín nhất trong cuộc sống thường nhật của người phụ nữ mà không phải ai cũng có đủ tài, đủ táo bạo để lên tiếng như thế!
Bài Chơi hoa:
Đã chót chơi hoa phải cố trèo
Trèo lên trèo xuống mỏi xương kheo Cành la cành bổng vin co vít
Bông chín bông xanh để lộn phèo
Bài thơ đơn giản nói đến việc chơi hoa nhưng cách Hồ Xuân Hương sử dụng từ ngữ vừa trần tục, vừa dân dã xen chút hóm hỉnh thì nó lại mang thêm một nghĩa khác. Bà sử dụng những từ chỉ hành động, chỉ bộ phận trên cơ thể con người “Trèo lên trèo xuống”, “xương kheo”, “vin co vít”, “để lộn phèo” gợi cho ngời đọc liên tưởng đến chuyện ái ân.
Hồ Xuân Hương viết bài thơ Vịnh đánh cờ nghe nhan đề chúng ta nghĩ bài thơ nói về câu chuyện đánh cờ, một thú vui của các bậc hiền nhân quân tử. Nhưng chỉ với một câu thơ gắn với một điển tích thì lại hoàn toàn khác:
“Anh hùng đua chí hội mây mưa”
“Mây mưa” được Hồ Xuân Hương lấy từ “điển tích vua Sở Tương Vương đi chơi đầm Vân Mộng, vì mệt ngủ thiếp đi, rồi mơ thấy thần nữ núi Vu Sơn đến hầu chuyện chăn gối, lúc từ biệt nói rằng thiếp sớm làm mây, tối làm mưa ở núi Vu sơn… nên văn học cổ thường dùng các từ mây mưa, Vu Sơn để chỉ việc ái ân, trai gái”. Xuân Hương thật tài tình khi lồng ghép thật khéo léo hai chuyện tưởng như trái ngược nhau trong một bài thơ. Điều đó không chỉ chứng tỏ bà rất táo bạo mà còn thể hiện khát vọng bản năng rất mãnh liệt và chính đáng trong người phụ nữ. Ở Cung oán ngâm khúc chúng ta cũng bắt gặp một điển tích tương tự như thế:
Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa
Nhà thơ nói đến hạnh phúc ái ân đâu phải là dâm đãng. Quan niệm thời trung đại không coi trọng cá tính, cái gì ''là mình'', ''của mình'' đều bị coi là xấu xa, đê tiện, và ''thanh cao'' là huỷ diệt mọi nhu cầu cá nhân để tôn thờ giai cấp thống trị, thì sao một kẻ dám ''là mình'', dám nói lên khát vọng chân thành của mình lại không được ngợi khen mà bị cho là dâm đãng? Tiếng thơ của Xuân Hương có quá quắt, nhu cầu ái ân của Xuân Hương có da diết, táo tợn, nhưng xét cho công bằng, đâu phải lỗi tại nhà thơ? Đó là tiếng kêu, tiếng thét, là sự phản ứng quyết liệt của một khát vọng chính đáng bị xã hội phong kiến dìm xuống không cho thực hiện được. Đó là sự trỗi dậy của thiên tính nữ.
1.4.2.3. Khát vọng bình đẳng về tài năng, sự nghiệp.
Bên cạnh việc bênh vực quyền sống của người phụ nữ chống chọi lại mọi ràng buộc, áp bức của dư luận, tập tục, thành kiến, lễ giáo của xã hội phong kiến thì Hồ Xuân Hương còn đi xa hơn nữa là bà đã ý thức về quyền lợi và khả năng
của nữ giới đặt ra sự tương quan so với nam giới. Hồ Xuân Hương khát vọng làm nên một sự nghiệp lớn, khát vọng muốn thay đổi thân phận, địa vị để thi thố tài năng, lập nên sự nghiệp anh hùng, một khát vọng mang thiên tính nữ:
Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống là bản lĩnh của Hồ Xuân Hương - một người phụ nữ rất tự tin. Bởi vì trong văn học Việt Nam thời trung đại bà là người phụ nữ đầu tiên thách thức cả giới mày râu “Ví đây đổi phận làm trai được”. Chúng ta còn thấy được một chút ngang ngược của Hồ Xuân Hương trong bài thơ. Nói như PGS_ TS Lã Nhâm Thìn: “Cái ngang ngược của Hồ Xuân Hương không làm người ta khó chịu mà làm người ta cảm phục. Bởi bà ước muốn “đổi phận làm trai” không phải để ngạo ngược với đời mà để thi thố tài năng, làm nên sự nghiệp lớn, khát vọng của Hồ Xuân Hương là bằng tài năng, bằng sự nghiệp xóa đi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, đòi lại sự công bằng cho phụ nữ mà cũng là sự công bằng cho xã hội. Càng ý thức về tài năng, về quyền bình đẳng, Hồ Xuân Hương càng ý thức sâu sắc về thân phận người phụ nữ trong xã hội. Hồ Xuân Hương khao khát sự nghiệp anh hùng nhưng khát vọng vẫn chỉ là khát vọng. Vì trong xã hội xưa, ước muốn “đổi phận làm trai” chỉ mãi là giả thiết, chỉ mãi là “ví như”. [30,tr. 94] . Và có lẽ cái sâu sắc của bài thơ không chỉ dừng lại ở bản lĩnh Hồ Xuân Hương mà chính là ở chiều sâu giá trị nhân văn. Đó không chỉ là bài thơ tuyên ngôn về tài năng và sự bình đẳng của người phụ nữ mà còn là khát vọng giải thoát người phụ nữ khỏi bi kịch thân phận.
Trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương bậc “hiền nhân quân tử” là những kẻ “bất tài vô tướng”. Hồ Xuân Hương đả kích bọn công tử bột con nhà giầu có tiền, tấp tểnh làm thơ ghẹo gái, hợm hĩnh khoe chữ . Đả kích bọn sư hổ mang là bọn người không có dân tộc, sư chỉ giả dối. Trong xã hội phong kiến suy tàn, những tên gọi “hiền nhân”, “quân tử”, “anh hùng” chỉ là những cái vỏ hết nhẵn cả ruột, chỉ là cái tên gọi của bọn bất tài, vô dụng. Xuân Hương chế giễu họ:
Hiền nhân quân tử ai là chẳng Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
(Đèo Ba Dội)
Quân tử chi mà không đi được trước cảnh thiếu nữ ngủ ngày quá giấc nồng:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt Đi thì cũng dở, ở không xong
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Cho nên cái quạt của Hồ Xuân Hương:
Chành ra ba góc da còn thiếu Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Xuân Hương đem phất vào mặt anh hùng, đem đội lên đầu quân tử:
Mát mặt anh hùng khi tắt gió Che đầu quân tử lúc sa mưa
(Cái quạt)
Đối với bọn văn nhân dốt nát lại sính đề thơ làm bẩn các danh lam thắng cảnh, Hồ Xuân Hương đã “nhắn nhủ” bằng những lời đích đáng:
Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền, Cũng đòi học nói, nói không nên. Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền
(Mắng học trò dốt)
Bà chửi thẳng vào mặt bọn vừa mới tấp tểnh làm thơ đã chấp chới buông lời trêu hoa ghẹo nguyệt:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
(Lũ ngẩn ngơ)