Thể luận trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX - 5

tuần tiễn nơi biên phòng miền núi và đội thủy binh để ứng phó mặt biển. Các đội bộ binh, thủy binh, kị binh đều phải liên hệ với nhau và do bộ binh của triều đình thống lĩnh. Ông cũng nêu lên biện pháp cụ thể để xây dựng đội thủy binh và kị binh. Về thủy binh, triều đình phải có mua tàu có đại bác lớn và thuê người Pháp hoặc người Anh huấn luyện hải quân. Về kị binh, triều đình phải phái người sang Ma - ni mua độ 4, 5 trăm con ngựa đã được huấn luyện cho kị binh của ta. Rò ràng có thể nhận thấy ông đã tìm ra những điểm yếu của quân đội triều đình, chỉ chú trọng bộ binh mà chưa thật sự chú trọng tới quân đội ở biển và vùng biên giới hiểm.

Vấn đề vũ khí cũng được ông hết sức quan tâm. Ông đề nghị triều đình phải mua vũ khí tối tân của các nước để trang bị cho quân đội và nhờ họ huấn luyện cho quân đội của ta. Cụ thể là triều đình nên phái người sang Anh, Pháp mua loại súng liên thanh bắn mỗi phút 100 viên đạn, mua đại bác có xe chở để trang bị cho quân đội của ta. Nhưng chủ yếu là triều đình phải lập những xưởng đúc súng và dựa vào súng của họ mà đúc ra súng của ta. Những xưởng đúc súng phải giữ bí mật. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu đúc súng phải tăng cường khai thác các mỏ kim loại, làm hạt nổ thuốc súng và mời kĩ sư người Tây về giúp đỡ. Việc này phải tiến hành nhanh để sau một thời gian ta có thể tự túc được súng. Vấn đề tổ chức phòng thủ thì triều đình phải dần dần xem xét địa hình chuẩn bị xây cất đồng lũy để khống chế những chỗ quan yếu. Miền duyên hải từ Quảng Yên đến kinh đô phải được xem xét để xây đồn lũy kiểu mới và phải chở đá đến hai bên cửa biển phòng khi hữu sự. Miền biên giới Trung Hoa cũng cần được nghiên cứu xây dựng thêm nhiều đồn lũy, nhất là trên những con sông chảy vào nước ta… Tất cả các đồn lũy phải có binh lính canh phòng, lúc nào cũng phải coi như có giặc tới tấn công. Trong đồn phải trồng nhiều cây cối và phải hớt ngọn chỉ để cao bằng thành đồn.

Thứ hai: sửa sang lại biên giới. Ông đề nghị vẽ bản đồ biên giới cũng như điều tra dân số và thống kê tất cả mọi mặt sinh hoạt của đất nước như vẽ bản đồ tất cả các xứ trong nước. Về địa phận mỗi tỉnh, huyện, xã, thôn, phường, sách, động, trang phải đo đạc lại hết cho phù hợp bốn bên, xa gần, rộng hẹp. Đồng thời mô tả tình thế mặt đất rồi ghi chú rò ràng vào bản đồ cả nước. Vẽ bản đồ phải thực hiện nhiều loại, có loại vẽ phân tích ra từng phần, có loại vẽ tổng hợp chung tất cả các phần vào một như lối vẽ của phương Tây, nói chung các bản đồ đều phải lấy độ số bằng dặm vuông để dễ suy toán.

Bên cạnh đó, Nguyễn Lộ Trạch viết Thời vụ sách hạ nhằm chỉ trích thói ươn hèn, cầu an, bất lực của triều đình nhà Nguyễn. Để đối phó với tình hình khó khăn, ông đề nghị biện pháp tích cực có tính chất cứu nguy là dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước. Khi phân tích vị trí của Kinh thành Huế, Nguyễn Lộ Trạch cho rằng: vị trí kinh thành Huế sớm muộn gì cũng bị tàu Pháp uy hiếp, mà khả năng phòng thủ về mặt biển thì không có gì đảm bảo ngăn được tàu giặc, nên Nguyễn Lộ Trạch đề xuất xây dựng kinh đô thứ hai ở Thanh Hóa. Nguyễn Lộ Trạch chọn địa bàn Thanh Hóa để đặt kinh đô kháng chiến cho thấy con mắt sáng suốt của nhà chiến lược. Nơi đây có những địa thế về kinh tế, chính trị, quân sự trong thời chiến. Việc ông đề xuất rời đô ra Thanh Hóa là một suy nghĩ táo bạo, sáng suốt mà chưa có nhà cải cách nào đương thời nêu lên.

Ông cũng đưa ra biện pháp huấn luyện binh lính để có đủ binh lực. Có thể thấy Nguyễn Lộ Trạch bàn đến cải cách quân đội, trang bị lại vũ khí và tổ chức tập luyện. Ông bàn sâu về bộ binh chứ không bàn về thủy binh như Thời vụ sách thượng. Vì xây dựng thủy quân là việc lâu dài cần có thời gian hòa bình nhất định mà trước mắt không còn cơ hội đó. Quan điểm chủ yếu của Nguyễn Lộ Trạch về tổ chức quân đội là phải tinh nhuệ. Điều này không có gì mới so với lý thuyết quân đội thời xưa, nhưng lại là một yêu cầu cao đối với

thực trạng quân đội triều Nguyễn lúc bấy giờ. Vì quân đội đã sa sút đến mức thảm hại không còn sức chiến đấu: “Nay trong số ngạch binh có cả trẻ con non choẹt. Lùa đám dân chưa được huấn luyện ra chống giặc khác nào đem thí bỏ đâu. Huống nữa việc tạp dịch không được miễn thì việc huấn luyện không được chuyên - lên núi đốn gỗ, lam chướng nhiễm vào mười phần chết một, hai, thế thì quân đội không được bảo toàn lực lượng. Đến như lương tháng quá ít, muối mắm không cấp, đóng góp lung tung, khiến thân người như không còn chỗ nguyên vẹn” [3; 117].

Ông chủ trương chia quân đội ra làm 3 loại, có tiêu chuẩn đãi ngộ rò ràng, sử dụng đúng theo khả năng và đối tượng tác chiến. Ông chú trọng chất lượng một cách nghiêm ngặt: “Còn nếu như bảo rằng: quân số ngày nay thường chỉ có danh sách ma, lựa chọn càng nghiêm thì quân số càng ít. Nhưng thà có một người mà dùng được một người còn hơn có 10 người mà không dùng được một... Quả thật là quân đội có cần gì phải nhiều đâu!” [3; 118]. Nguyễn Lộ Trạch cũng không quên đội quân hương dũng ở làng xã, đề nghị tổ chức lại theo tinh thần “dụng tinh bất dụng đa”, đảm bảo luyện tập hẳn hoi, miễn phu dịch, khi hữu sự mới có thể điều động nhanh chóng và có công hiệu. Ông còn quan tâm đặc biệt đến trang bị vũ khí, đề nghị thay loại súng “điểu sang” cũ kỹ bằng súng “hỏa sang” hiện đại: “Binh khí ngày nay không còn gì hơn súng hỏa sang. Hỏa sang lợi hại vì nó mau lẹ và tinh xảo. Còn súng đểu sang của ta thì vụng về thô nặng, chậm chạp khó đeo mang, lỗ châm ngòi nghiêng lệch, tro và thuốc đạn lẫn lộn, khi lâm trận phải quay nòng lại nhồi thuốc, bắn không chính xác, dẫu có ngàn khẩu thì cũng không bằng dùng một khẩu, tiếng là có vũ khí mà kỳ thực cũng chỉ như tay không mà thôi. Tôi xin hãy bỏ hết súng cũ của ta, đổi sang dùng súng kiểu mới của Phương Tây, giúp mang nhẹ bắn nhanh, tiện lợi cho việc hành quân đường xa. Nếu nói súng ấy không phải sản xuất trong nước, mua sắm khó khăn, để rồi lại

theo thói quen cũ thì lại cũng sẽ cẩu thả qua loa cho xong chuyện mà thôi, làm sao có được quân đội hùng mạnh” [3; 119, 120].

Nguyễn Lộ Trạch đưa ra biện pháp mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu, nhất là nước Đức và nước Anh để nhờ ủng hộ, kiềm chế Pháp. Nguyễn Lộ Trạch đề nghị biện pháp ngoại giao rộng rãi với các cường quốc phương Tây để nhờ họ dùng thanh thế kiềm chế thế lực của Pháp. Đây là một nhận thức nhạy bén phù hợp với những bước tiến của lịch sử. Nhu cầu ngoại giao giữa các nước là vấn đề quốc tế hàng ngày, chúng ta không được buông lơi. Nguyễn Lộ Trạch còn chỉ ra mối quan hệ quốc tế sẽ giúp ta có khả năng khai thác sự chế ngự lẫn nhau giữa các nước tư bản và sẽ tạo ra thế yên bình: "Hiện nay các nước Phương Tây lớn nhỏ giằng nhau, mạnh yếu cưỡng chế nhau cũng như cái lối hợp tung đời Chiến quốc" [3; 124]. Đây là cái nhìn thực sự sắc sảo, vì mở cửa giao tiếp chính là khai thông con đường canh tân đất nước để giúp ta tự lực tự cường.

Còn với Thiên hạ đại thể luận, lần đầu tiên Nguyễn Lộ Trạch tìm ra nguyên nhân thịnh suy, tồn vong của một quốc gia ở vấn đề “chính giáo”: “Sự còn mất của quốc gia là do chính trị - giáo dục, chứ không phải do mạnh - yếu, lớn - nhỏ. Chính trị - giáo dục được sửa sang cất cử thì dầu nhỏ yếu cũng chưa thể mất được” [3; 138]. Ông đề cập đến vấn đề chính trị - giáo dục và mong muốn phải được sửa sang.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 73 trang tài liệu này.

2.1.2. Về kinh tế

Để xây dựng kinh tế nước nhà, Nguyễn Trường Tộ đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật…Và để nền

Thể luận trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX - 5

kinh tế cả nước có thể giao thông dễ dàng, thì phải chú ý đến việc làm mới và tu bổ đường bộ và đường thủy...

Điều chỉnh thuế ruộng đất, ông đề nghị chấn chỉnh thuế điền thổ. Mục đích không phải là tăng thuế mà làm cho việc đóng góp của nhân dân được hợp lí và tránh sự gian lận thuế má. Ông từng nói “Điều tôi xin đề nghị đây không phải xin tăng thuế nhiều thêm mà xin cân bằng lại chỗ thừa chỗ thiếu” [2; 259]. Ông nhấn mạnh vào tình trạng không chính xác của sổ sách điền thổ lúc bấy giờ. Tình hình ruộng đất thay đổi, có nơi đất đá bị lở, hoặc bị sa bồi, thu hoạch kém trước, có nơi ruộng đất được bồi thêm dư ra nhưng trong sổ điền vẫn không sửa, ruộng đất công tư lẫn lộn, từ đó nạn lậu thuế ngày càng tăng cao, thu nhập nhà nước ngày càng sút kém. Nhưng triều đình vẫn không chú ý và vẫn để tình trạng ấy kéo dài. Trên cơ sở nắm được tình hình ấy, nhà nước mới xét lại thuế má, nơi nào đất xấu thu hoạch ít thì giảm, nơi nào ruộng đất thật sự bỏ hoang thì miễn thuế, nơi nào ruộng đất tăng thì phải thêm thuế. Nhờ đó nhà nước sẽ thu được đúng mức thuế, có lợi rất lớn, công bằng, nhân dân không oán than. Bên cạnh việc chỉnh lí điền thổ, Nguyễn Trường Tộ đề cập đến vấn đề điều tra hộ khẩu, biên rò số người để việc đóng thuế được công bằng và hợp lí hơn. Ông nhấn mạnh vào nhiệm vụ của triều đình phải nắm vững sự tăng giảm của dân số, tình hình nghề nghiệp và sinh hoạt của họ. Việc điều tra dân số sẽ giúp cho nhà nước điều chỉnh được thuế đinh và chấm dứt được mọi sự gian lận do bọn cường hào gây ra. Ông vạch rò tệ xấu của nước ta, người giàu đóng thuế bao nhiêu thì người nghèo đóng thuế bấy nhiêu. Đó là một sự bất hợp lí, vì theo ông, người giàu mang ơn nặng của người nghèo. Ông đề nghị triều đình đánh thuế nặng các thứ như bạc, rượu, thuốc lá, thuốc phiện, chè, các hàng xa xỉ và hát xướng. Đây cũng là một biện pháp tiến bộ và có hiệu quả nhất định trong việc gìn giữ trật tự xã hội lúc bấy giờ, thậm chí cho tới nay biện pháp này cũng được chúng ta áp dụng. Ông còn

đề nghị quản lí chặt chẽ các nguồn tài chính trong nước như: phải biết rò số hàng hóa xuất nhập, số tàu bè qua lại, số chợ búa, nhà trọ, giá hàng đắt rẻ. Nhà nước cũng cần phải nắm sự chi dùng và sự sản xuất trong nước để điều chỉnh giữa sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời cũng phải nắm vững gia sản của nhân dân, của người giàu, người nghèo. Việc nắm vững được những vấn đề nêu trên sẽ giúp cho triều đình có thể quản lí tốt nền kinh tế, cũng như có những biện pháp kịp thời để điều hòa khi kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, đối với ông, thuế cần được chấn chỉnh, nhưng đó chỉ là một nguồn thu có giới hạn nhất định mà thôi, điều cần nhất là phải làm cho của cải thêm nhiều.

Biện pháp mà Thời vụ sách hạ của Nguyễn Lộ Trạch nêu lên là tích lũy tiền gạo để có đủ lương thực cụ thể là làm đồn điền. Biện pháp này được nhiều người quan tâm. Vì đây là biện pháp quen thuộc chóng có hiệu quả. Ông đề nghị lập đồn điền để tăng nguồn lương thực nuôi quân trong hoàn cảnh thời chiến. Tuy nhiên khi đề xuất ông cũng đã lường trước những khó khăn như: vốn liếng, trâu bò, nông cụ... cần phải được sự hỗ trợ của nhà nước. Địa điểm khai khẩn chọn nơi phì nhiêu, tránh nơi hoang vu nước độc để đảm bảo sản xuất có kết quả. Điều quan trọng hơn cả là cách thức tiến hành làm sao để khắc phục những tệ lậu trong khi làm đồn điền.

Bên cạnh làm đồn điền, Nguyễn Lộ Trạch còn đề xuất việc thông thương để làm giàu cho đất nước. Ông viết: “Đây chỉ là cứu chữa việc gấp gáp nhất thời mà ta tạm quyền biến. Nhưng xem chuyện biến đổi trong toàn cầu, thì các nước thường mượn tiếng thông thương mà đi khắp nơi dò xét tình hình để bổ sung cái mình còn thiếu sót” [3; 116].

Như vậy, những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch về kinh tế căn bản đã góp phần đáp ứng nhu cầu bấy giờ. Tư tưởng này khá toàn diện, nếu được thực hiện thì cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Nhưng do điều kiện lịch sử và

điều kiện giai cấp hạn chế, những cải cách đó không tránh khỏi những thiếu sót. Mặc dù vậy, qua những tư tưởng cải cách trên đã nói lên khát vọng tha thiết muốn đuợc làm cho dân giàu nước mạnh.

2.1.3. Về văn hóa - xã hội

Vấn đề sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng. Đầu tiên, Nguyễn Trường Tộ đã phê phán sự học ở nước ta thời đó, những điều thầy dạy trò học đều là những chuyện xa xưa. Học thuật thời xưa nói chung không còn phù hợp với đời nay nữa. ông xin triều đình lập ra bốn khoa: khoa nông chính, khoa thiên văn và địa lý, khoa công kỹ nghệ, khoa luật học. Điều này nhằm phát triển nền giáo dục của nước nhà, đào tạo ra những đội ngũ tri thức trong lĩnh vực đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước. Nguyễn Trường Tộ đưa ra một sáng kiến là dùng quốc âm. Đoạn này được ông coi là kiến nghị thứ năm trong việc sửa đổi học thuật. Ông viết: nước ta là một nước có tên tuổi thuộc hạng nhì của phương Đông. Vậy mà chỉ một mình nước ta không có chữ viết, phải dùng chữ nho để viết thay, mà phát âm thì không theo như giọng Trung Quốc, lại cũng không phải là tiếng nói phổ thông của người Việt Nam, thành ra đem nói với người Tàu họ chẳng nghe ra, mà đọc cho người không biết chữ nho cũng chẳng ai hiểu. “Thông cáo yết thị của nhà nước truyền xuống phải qua người biết chữ đọc và dịch lại cho dân, nhưng phần nhiều viện dẫn thất thiệt, giảng nghĩa không tỏ, khiến dân thường không hiểu hết, ý chí của triều đình bị xuyên tạc” [2; 255]. Đứng trước sự bất tiện như trên, ông đã đề nghị bây giờ ta cứ lấy chữ Hán chuyển đọc ra quốc âm, không cần học nghĩa. Như vậy ai cũng dễ hiểu có phải là vừa dễ dàng vừa bớt được bao nhiêu phiền phức hay không. Ông tính ra quốc âm Việt Nam thời ấy ước chừng hơn một vạn tiếng trong đó chỉ có khoảng 3000 tiếng không thể viết ra chữ Hán được, trường hợp đó có thể dùng chữ Hán tương tự ghi thêm dấu vào bên là được còn 7000 chữ kia viết được như chữ Hán mà cứ đọc thành quốc âm Việt Nam.

Như vậy gọi là “chữ Hán quốc âm”. Nếu triều đình chấp nhận đó là kế hoạch lâu dài, giản tiện thì xin làm thử xem sao. Với kế sách này cần phải ấn hành một tờ báo đăng tải các tiêu chí, sở, dụ, những việc làm của các bậc danh tiếng, những công vụ quốc gia hiện thời, cho học sinh đọc để biết công việc trong nước.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy rò những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ về vấn đề giáo dục mang nhiều giá trị tích cực, có nhiều tư tưởng của ông cho đến nay vẫn còn phù hợp.

Vấn đề xây dựng luật lệ nhà nước Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất với triều đình "lập khoa luật", điều này đã nói lên sự quan tâm của ông đến "kỉ cương, uy quyền, chính lệnh quốc gia". Đây là điều mà mọi chế độ, mọi nhà nước luôn đặt lên hàng đầu. Theo ông: "bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước… Ai giỏi luật sẽ được làm quan" [2; 253]. Ngay trong bản điều trần, Nguyễn Trường Tộ đã viết "Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật" [2; 253]. Nhà nước và nhân dân ta ngày nay đang nêu cao vai trò trách nhiệm của ngành tư pháp là phải xử đúng luật, đúng người, đúng tội, tránh xử oan sai. Muốn làm tốt điều này, theo ông, phàm những ai đã nhập ngạch Bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao giờ bị biếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bó buộc nào cả. Đây chính là thể hiện rò quan điểm tam quyền phân lập. Giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải đảm bảo tính độc lập khách quan. Ông cho rằng: "làm thế là để cho dân chúng thấy rò đạo công bằng" [2; 253].

Trong bản điều trần, Nguyễn Trường Tộ đã mạnh dạn phê phán: "các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm

Xem tất cả 73 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí