150
nhiệm công dân sâu sắc và niềm tin tuyệt đối vào tương lai của đất nước được nảy
sinh từ đó:
“Biết ơn cha ông đã giữ cho ta nền độc lập, lại giữ những trống đồng, những chùa Keo, những tượng La Hán chùa Tây Phương, các kho tàng những ca dao và Truyện Kiều... Ở đây, suốt mấy nghìn năm, cha ông cùng với chúng ta đều chung một kẻ thù, chung một chiến hào. Không ! Cha ông không chỉ là chỗ tựa, là đường băng cho ta cất cánh. Cha ông còn có thể góp lửa vào sức đẩy của ta trong cuộc hành trình. Ôi, tôi yêu biết mấy cha ông ! Tôi càng yêu biết mấy thời đại của tôi đã làm cho tôi có được sự đánh giá này, lòng biết ơn này”.
Ở những sáng tác tùy bútthời kỳ chiến tranh, thời gian được cảm nhận trong mối tương quan đồng hiện chứ không trôi một dòng tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Khoảng cách với quá khứ như được thu ngắn lại, con người có thêm điều kiện để chiêm nghiệm về quy luật vận động của lịch sử và nhận ra chân giá trị của cuộc đấu tranh ở hiện tại. Cảm thức thời gian trở nên sâu sắc và có tầm tư tưởng hơn:
“Cách mạng mùa thu, một thành quả tái sinh từ tất cả mọi ước mơ thuở trước, vinh quang hơn, rực rỡ hơn tất cả mọi lần tái sinh của đất nước trong suốt bốn nghìn năm (…). Thời gian càng giúp ta hiểu vì sao ta rất yêu bài thơ bông sen tượng trưng cho nghị lực, cho nhân phẩm, cho tâm hồn của mỗi người Việt Nam chúng ta. Trải qua hàng chục thế kỷ bị dày xéo dưới gót quân xâm lược đầy những âm mưu lừa lọc đồng hóa, bài thơ càng lung linh ngời sáng. Nó càng đi sâu vào trong mỗi trái tim ta: Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (Hai mươi nhăm năm hành quân bảo vệ chế độ - Khánh Vân).
Mặt khác, cảm hứng dân tộc - lịch sử còn được bộc lộ rò nét qua những trang tùy bút đề cập trực tiếp đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Giữa những biến động của hoàn cảnh xã hội, văn hóa dân tộc là cái phần nhạy cảm nhất, dễ bị tổn thương nhất. Cho nên, vấn đề bức thiết luôn được đặt ra là làm sao bảo toàn được di sản của cha ông, tránh sự xâm hại của những yếu tố ngoại lai vô giá trị. Ở nhiều tác phẩm tùy bút, văn hóa dân tộc trở thành hệ quy chiếu, là chuẩn mực trong
151
Có thể bạn quan tâm!
- Văn Hóa Dân Tộc Và Hiện Thực Chiến Tranh - Hai Mảng Đề Tài Chính
- Hiện Thực 30 Năm Chiến Tranh Vệ Quốc Bi Hùng
- Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 19
- Dung Hợp Hai Loại Nhân Vật: Nhân Vật Trữ Tình Và Nhân Vật Tự Sự - Trữ Tình
- Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 22
- Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 23
Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.
các nguyên tắc ứng xử cộng đồng (Phở, Cốm Vòng, Giò lụa, Tình rừng, Về tiếng ta, Tản mạn xung quanh một áng Kiều của Nguyễn Tuân; Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam; Thương nhớ mười hai, Miếng lạ miền Nam, Món ngon Hà Nội của Vũ Bằng; Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc của Bình Nguyên Lộc; Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành; Dòng kinh quê hương của Nguyễn Thi,v.v...).
Có thể khẳng định, cảm hứng dân tộc - lịch sử là dạng cảm hứng nổi trội, làm nên giá trị nội dung đặc sắc của tùy bút Việt Nam giai đoạn 1930 - 1975. Mối quan hoài thường trực về những vấn đề dân tộc, trong các tương quan lịch đại, đồng đại vốn có của nó vừa là thước đo lương tâm, trách nhiệm của người nghệ sĩ vừa là một chỉ số giá trị tư tưởng đầy ý nghĩa của tác phẩm tùy bút.
3.2.2. Cảm hứng lãng mạn
Cảm hứng lãng mạn hiện diện trong hầu hết các tác phẩm tùy bút từ 1930 đến 1975, góp phần làm nên một nét tư tưởng nghệ thuật đặc thù. Trước hết, nó được biểu hiện qua cách nghĩ có hậu về cuộc đời (tùy bút không có cốt truyện nên không có kiểu kết thúc có hậu). Thực tế đời sống luôn diễn ra với sự bộn bề, phức tạp muôn đời của nó, nhưng trong niềm tin và ước mơ lãng mạn của người nghệ sĩ, hiện thực không được phản ánh như nó vốn có mà luôn được thi vị hóa, lý tưởng hóa: chân lý phải thuộc về phía chính nghĩa và cái đẹp có thể bị vùi dập chứ không thể bị hủy diệt.
Ở mảng tùy bút sáng tác về đề tài văn hóa, cảm hứng lãng mạn thể hiện trước hết qua việc ca ngợi và tôn vinh những giá trị truyền thống. Những vẻ đẹp ấy luôn được cường điệu hóa, được đẩy lên đến tuyệt đích, thành mẫu mực của sự sáng tạo. Nguyễn Tuân yêu thiết tha tiếng mẹ đẻ, coi đó như một nét văn hóa dân tộc đẹp đến mức “linh diệu” và “Có đến chết cũng không quên được. Có chết, càng vẫn nhớ”. Cùng với tình yêu mãnh liệt là thái độ trân trọng hết mực đối với tiếng nói dân tộc:
“Trong hương hỏa thừa hưởng đây, lẫn vào vô số thanh âm từ điệu, thấy như hiển hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và máu huyết của đời đời ông bà khai rừng, vỡ ruộng, mở còi, giữ nước, chống giặc, tiến lên tới
152
đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm mầu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi, như vấn vương với một cái gì thật là thiêng liêng vô giá, mà tất cả trữ kim trữ ngân của tất cả ngân hàng trên thế gian cũng không sao đánh đổi được” (Về tiếng ta - Nguyễn Tuân).
Thạch Lam viết về ba mươi sáu phố phường Hà Nội bằng một cảm xúc thấm đượm chất lãng mạn. Hà Nội được xem là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, có thể sánh ngang hàng với những thành phố nổi tiếng khác trên thế giới:
“Chúng ta cũng có Hà Nội (…). Hà Nội có sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngò hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây (…), chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ đẹp của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi” (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam).
Bao năm trời xa cách, nhưng những ấn tượng và kỷ niệm về cố hương vẫn lung linh, đẹp đẽ trong ký ức của Vũ Bằng. Thiên tùy bút Thương nhớ mười hai là hoài niệm về quá khứ nên thơ và khát khao cháy bỏng hướng đến cái đẹp vĩnh hằng của văn hóa dân tộc. Dường như đã thành một ước lệ trong tâm thức nhà văn, bất cứ cái gì thuộc về quê hương thời xưa cũ đều là giá trị, là cái đẹp có màu sắc lý tưởng đã vuột khỏi tầm tay, như một thiên đường bị đánh mất, không mong gì tìm lại được:
“Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn-xuân-la trồng ở bên giậu trúc, nhớ mưa bụi, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thồ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo… Hà Nội ! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi ! Bây giờ liễu ở hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi ? Những chồi sơn trúc, thạch hương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ ? Núi Nùng ra sao ? Hồ Tây thế nào ? (…). Trên con đường Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ và các cô con gái ngăm ngăm da nâu có còn nắm lấy tay các khách du mà ví von ca hát không cho về ?”.
153
Lời nguyện cầu của Vũ Bằng ở khúc vĩ thanh vừa thiết tha, nhân hậu vừa chan chứa ước mơ lãng mạn: “Xin Trời Phật phù hộ cho không bao giờ có những ngày xuân, ngày Tết không có hoa và bướm, không bao giờ có những người không được thương yêu, không bao giờ có những cây không nảy lộc, những cặp mắt không sáng ngời và cũng không bao giờ lại có những con người xảo trá, tham tàn, độc ác…”.
Trong mảng tùy bút sáng tác về đề tài chiến tranh, cảm hứng lãng mạn thể hiện qua cái nhìn thi vị hóa hiện thực và lý tưởng hóa, tuyệt đối hóa tương lai. Hiện thực chiến tranh khốc liệt không được cảm nhận và thể hiện như nó vốn có mà nên thơ, đẹp đẽ hơn trong ước mơ, niềm tin và khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc. Chiến thắng, vinh quang được phóng đại lên đến mức phi thường, còn mất mát, đau thương thì được nhẹ hóa hoặc nói tránh đi. Đó là cảm hứng chủ đạo, là tư tưởng quán xuyến cả nền văn học thời chiến tranh. Trong dàn đồng ca một bè hừng hực khí thế tiến công ấy, các tác phẩm tùy bút góp mặt bằng âm hưởng riêng. Sự lạc quan và niềm tin tuyệt đối trong tùy bút là hệ quả tất yếu từ một quá trình suy tư, nghiền ngẫm đầy tự hào về Tổ quốc, dân tộc và thời đại, về trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự trường tồn của đất nước:
“Đối với người chiến sĩ chúng tôi phút lên đường ra mặt trận có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Từ bây giờ, bắt đầu trở thành hiện thực tất cả những gì mà trước đây không lâu vẫn chỉ là niềm ước ao, chỉ là sự hình dung và phỏng đoán. Một giai đoạn hoàn toàn mới đã mở ra, khoảng cách giữa ta và kẻ thù dần thu ngắn lại. Ở đây, chúng tôi thực sự bước vào những thử thách gay go, những tình cảm cao quý được khơi dậy mạnh mẽ, những phẩm chất tốt đẹp có dịp được đánh giá công bằng, tình yêu Tổ quốc chỉ một hướng nhìn, khẩu súng thay cho tiếng nói. Và niềm tin mà chúng tôi ấp ủ trong lòng sẽ được củng cố, sẽ trở thành một tài sản vô giá, thắp lửa trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi sức mạnh…” (Sông Hồng sắc đỏ - Đỗ Chu).
Bằng cách thể hiện riêng, các tác phẩm tùy bút đã góp phần khẳng định cái kết cuộc tất yếu, như chân lý của thời đại: chúng ta nhất định chiến thắng, kẻ thù nhất định thất bại. Đó hoàn toàn không là biểu hiện của một niềm tin lãng mạn đến hồn nhiên theo kiểu kết thúc có hậu trong truyện cổ tích, mà chính là sự lạc quan,
154
bản lĩnh của một dân tộc anh hùng có bề dày lịch sử và đang nắm trong tay chính nghĩa. Giữa những năm tháng chiến tranh đầy đau thương, mất mát, một niềm tin mãnh liệt, tuyệt đối vào tương lai như thế là hết sức cần thiết:
“Mùa Xuân đang gọi chúng ta, đâu phải chỉ từ phía trước. Nó gọi chúng ta tự trong đáy lòng sôi bỏng của chúng ta. Nó gọi chúng ta tự trong lòng cây súng thép nóng hổi mà ta đang vác đi trong mưa đây. Và thiêng liêng thay, đối với chúng ta, mùa Xuân không gọi chúng ta bằng một tiếng chim thanh hay một đóa hoa mai nở sớm. Nó réo gọi chúng ta bằng hai tiếng nồng cháy và dữ dội: Báo thù ! Báo thù ! (…). Mùa Xuân đã đến với chúng ta, gần lắm. Từ bên kia của cuộc chiến đấu và chiến thắng vĩ đại mà ta đang đi vào đây, mùa Xuân vẫy gọi chúng ta” (Tiếng gọi của mùa xuân - Nguyễn Trung Thành).
Ở mảng tùy bút về đề tài hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ sau 1954, cảm hứng lãng mạn cũng được biểu hiện rò. Đó là niềm hạnh phúc trào dâng khi nửa nước được giải phóng, là niềm tin hồn nhiên vào sự ưu việt của cuộc sống mới và những phẩm chất tốt đẹp của con người mới. Hàng loạt tùy bút của Nguyễn Tuân thời kỳ này đã ra đời trong mạch cảm hứng dào dạt ấy (Tờ hoa, Tình rừng, Người lái đò sông Đà, Đường lên Tây Bắc, Đi mở đường, Dọn nhà lên Điện Biên, Nhật ký lên Mèo, Một bài thơ đường,…). Ông say sưa ca ngợi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên đất nước, ca ngợi tinh thần lao động cần cù và nghị lực phi thường của con người Việt Nam. Nhìn cảnh công nhân miệt mài đào đất, xẻ núi mở đường lên Điện Biên, ông thấy nó đẹp như “Một bài thơ đường” và gợi nhiều liên tưởng, cảm xúc thật lãng mạn:
“Tôi nghĩ ngay đến một điệu vũ. Lấy ngay mặt đường và người mở đường ra làm đề tài và chủ luận cảm xúc. Tầng trên cùng là những người cuốc và đánh xà - beng phá đất phá đá, mặt đen, chân tay đen cháy. Cây rừng xanh, lườn ta - luy đỏ. Tầng dưới cùng là những hàng xe cút kít nổi thành một dòng lượn rồng rắn ra bờ suối. Tầng giữa là những anh cắt tóc, cấp dưỡng, y tá v.v… Loáng thoáng điểm vào vài hình ảnh cô Thái hái rêu bẻ măng. Tôi tưởng rằng có thể cấu tạo bố trí thành được một khúc múa để
155
biểu dương thật là đích đáng những con người lao động mở đường xã hội chủ nghĩa trên Tây Bắc”.
Hiện thực còn lắm khó khăn, vất vả nhưng ai ai cũng vững niềm tin vào ngày mai tươi sáng hơn: “Đời sống Tây Bắc ngày nay là một tấm lòng tin tưởng không bờ bến, tin mình tin người, mấy chục dân tộc miền cao và đồng bằng tin cậy lẫn nhau, và nhất là tin chắc vào cái chế độ đẹp sáng do tay mình đắp cao mãi lên trên chỗ cao nguyên tiềm tàng sức sống này” (Đường lên Tây Bắc).
Kiểu bút pháp thích hợp để cụ thể hóa cảm hứng lãng mạn qua những hình tượng nghệ thuật sinh động là bút pháp thi vị hóa. Trước hết, bút pháp thi vị hóa trong tùy bút biểu hiện ở khuynh hướng cường điệu, phóng đại nhằm tạo nên ấn tượng sâu đậm về những điều lớn lao, cao cả hoặc những trạng thái cảm xúc mãnh liệt, những khát vọng cháy bỏng. Đối tượng miêu tả bao giờ cũng được đặt trong các mối tương quan giữa hiện tại với quá khứ và hiện tại với tương lai, từ đó làm nổi lên những tầng bậc, chiều kích ý nghĩa sâu xa của nó. Cảm hứng lãng mạn trong tùy bút thường vận động theo kiểu đơn tuyến, lấy việc khẳng định chân lý, khẳng định sự bất tử của cái đẹp làm cứu cánh. Cái đẹp có màu sắc lý tưởng là hệ quy chiếu đối với toàn bộ biểu hiện trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Do vậy, hầu như không có những biểu hiện bi quan, tuyệt vọng trong tùy bút.
Trong các tác phẩm tùy bút về đề tài chiến tranh, bút pháp thi vị hóa còn được thể hiện rò ở chỗ nhà văn luôn có khuynh hướng trừu tượng hóa những đau thương, mất mát ở hiện tại và tô hồng viễn cảnh tương lai sáng đẹp. Đây là đặc điểm chung của cả nền văn học thời chiến tranh chứ không phải riêng của thể loại tùy bút:
“Đường ta đi còn nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng chiến công cũng lớn theo từng ngày ta vượt qua hy sinh, gian khổ. Cuộc hành quân vĩ đại nhất trong lịch sử đang cho ta niềm tự hào không chỉ ở chỗ ta biết cách đánh, cách thắng kẻ thù, mà còn vì ta hiểu ý nghĩa của mỗi bước ta đi, mỗi việc ta làm. Lịch sử đã trao cho dân tộc ta nhiệm vụ thiêng liêng: trận đánh Mỹ này chỉ có thắng, cũng như trận đánh Pháp trước đây ta đã thắng (…). Hãy làm gió dồn cho bão táp tiến công thêm chuyển mạnh. Tất cả cho miền Nam thắng trận” (Tầm cao - Khánh Vân).
156
Cảm hứng lãng mạn còn được tô đậm bằng việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản, đối lập để làm nổi bật lên những vẻ đẹp phi thường. Sự tương phản có thể xuất hiện ở mọi khía cạnh, mọi cấp độ ý nghĩa của tác phẩm tùy bút: từ những chi tiết cụ thể cho tới hình tượng nghệ thuật. Đó là sự đối lập giữa ta và địch, giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa cao cả với thấp hèn, giữa hiện tại với quá khứ, giữa văn hóa truyền thống với các yếu tố ngoại lai,… Khi xếp các mặt đối lập của hiện thực bên cạnh nhau, nhà văn đã tìm được phương cách thuyết phục nhất để tôn vinh cái đẹp. Ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, từ đó, toát ra một cách tự nhiên, khách quan chứ không hề mang tính áp đặt, gán ghép. Về điểm này, có thể xem cách khắc họa hình tượng ông lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là một ví dụ minh họa. Ngay từ tiêu đề tác phẩm, nhà văn đã gợi lên sự tương phản giữa một bên là con người đơn độc với một bên là thiên nhiên còn giữ nguyên sức mạnh hoang sơ của nó. Qua sự tương phản này, Nguyễn Tuân muốn khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp của tư thế, nghị lực, tài trí con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên để xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc.
Rò ràng, cảm hứng lãng mạn đã hiện diện thường trực, góp phần làm nên màu sắc lạc quan, tin yêu trong các tác phẩm tùy bút giai đoạn 1930 - 1975, dù viết về bất cứ mảng đề tài nào. Nó nâng đỡ và thanh lọc tâm hồn, tiếp thêm nghị lực và củng cố niềm tin, giúp con người Việt Nam vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử.
3.2.3. Cảm hứng anh hùng
Đây cũng là một trong những dạng thức cảm hứng lớn của tùy bút Việt Nam từ 1930 đến 1975. Theo E.G.Rudneva, “Cảm hứng anh hùng bao hàm sự khẳng định chiến công lớn lao của một cá nhân hoặc của cả một tập thể, sự khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến công đó đối với sự phát triển của nhân dân, dân tộc, nhân loại. Đối tượng của cảm hứng anh hùng trong văn học là chất anh hùng của bản thân thực tại tức hoạt động tích cực của những con người đã thực hiện những nhiệm vụ lớn mang tính chất tiến bộ của toàn dân tộc” [146; 144]. Như vậy, biểu hiện của cảm hứng anh hùng là khẳng định và ngợi ca, còn đối tượng của nó là những chiến công lớn lao và những con người đã góp phần làm nên chiến công ấy.
157
Cảm hứng anh hùng chủ yếu hiện diện trong các tác phẩm tùy bút thời kỳ 1945 - 1975, được biểu hiện cụ thể qua việc tập trung khẳng định ý nghĩa nhân văn cao cả của hai cuộc chiến tranh vệ quốc và ngợi ca vẻ đẹp diệu kỳ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong giai đoạn đất nước bị ngoại xâm, cảm hứng anh hùng thường mang màu sắc sử thi (Khái niệm sử thi ở đây được hiểu theo nghĩa khuynh hướng sử thi, tầm khái quát sử thi chứ không phải quy mô sử thi). Suốt ba mươi năm chiến tranh vệ quốc, văn học tập trung vào những vấn đề lớn, có liên quan đến sự tồn vong của cả cộng đồng. Những vấn đề riêng tư, cá nhân ít được đề cập hoặc phải ở hàng thứ yếu. Dân tộc Việt Nam đã dốc đến kiệt cùng sức lực để chiến đấu và chiến thắng, không chỉ cho riêng mình mà còn góp phần quan trọng vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đó là một chiến công rất đáng tự hào, là những trang đau thương mà vô cùng anh dũng trong lịch sử nước nhà.
Thể loại tùy bút đã góp phần quan trọng vào việc khắc họa tầm vóc và vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam giữa khói lửa chiến tranh. Để hoàn thành sứ mạng bảo vệ Tổ quốc, cả đoàn quân trùng trùng điệp điệp đã ôm súng xốc tới trong âm hưởng hào hùng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Nhưng mỗi con người còn là một số phận với biết bao ưu tư, tâm sự cần được giãi bày, chỉa sẻ. Cùng với thơ, tùy bút kịp thời ghi lại những khoảnh khắc rung động tinh tế trong tâm hồn. Cảm hứng của người nghệ sĩ trong tùy bút thường không bốc lên chiều cao, cũng không trải ra bề rộng mà lắng xuống những tầng sâu, giúp cân bằng thế giới tinh thần con người.
Lịch sử dân tộc ở thời hiện tại không còn tính bằng sự liên tục của những triều đại, mà được quan niệm là sự liên tục của các thế hệ nhân dân, những người anh hùng vô danh đã “… sống và chết / Giản dị và bình tâm / Không ai nhớ mặt đặt tên / Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Không còn là những đấng nam nhi, những trang nam tử đầu đội trời, chân đạp đất, tung hoành ngang dọc trong vũ trụ để mưu cầu danh phận cho riêng mình, anh hùng giờ đây là những người bình thường, bình dị mà có hành động cao cả, phi thường. Bằng tình yêu Tổ quốc và lòng căm thù giặc, họ đã đứng lên dòng dạc, đường hoàng để bảo vệ chủ quyền đất nước và giành lại quyền sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mất mát, đau thương không làm lung lay ý chí chiến đấu mà