Vai Trò Của Người Kể Chuyện Với Sự Phát Triển Của Cốt Truyện

đứa trẻ vô thừa nhận lại lang thang bụi đời khắp chốn. Cốt truyện khép lại với rất nhiều day dứt ám ảnh. Đến đây người đọc không còn để ý nhiều đến chuyện nhân bản vô tính nữa mà quan tâm đến ý nghĩa hiện thực sâu sắc mà nhà văn gửi gắm đằng sau câu chuyện ấy. Đó là hiện thực bi thảm của những đứa trẻ bị bỏ rơi từ những cuộc hôn nhân tan vỡ. Cha mẹ chúng quá vô trách nhiệm, quá ích kỷ, mải mê theo đuổi những dục vọng riêng mà nỡ bỏ qua lời kêu cứu của con trẻ. Đồng thời qua đó, nhà văn cũng muốn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với xã hội về tính hai mặt của một vấn đề. Nếu nhân bản vô tính xảy ra thật thì xã hội sẽ điên đảo, rất nhiều kẻ xấu sẽ lợi dụng việc này để trục lợi. Chúng sẽ cho nhân bản hàng loạt những tay chân chuyên làm việc xấu, rồi tội ác tràn lan…Cuối cùng thì lợi ít, hại nhiều, xã hội loài người sẽ suy thoái, nạn ly hôn không ngừng gia tăng, có không biết bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi… Dưới hình thức một câu chuyện kỳ ảo, Đoàn Lê đã đặt ra và giải quyết được nhiều vấn đề hiện thực lớn lao từng gây xôn xao cả dư luận thế giới. Với ý nghĩa to lớn ấy, tác phẩm của Đoàn Lê còn mang chức năng dự báo tương lai.

1.4 Vai trò của người kể chuyện với sự phát triển của cốt truyện

Người kể chuyện có vai trò rất quan trọng với sự phát triển cốt truyện.Vì thế có nhận xét cho rằng: Muốn đọc hiểu một truyện ngắn hiện đại cần lưu ý đến người kể chuyện đã đành, không có người kể chuyện không có truyện ngắn, nhưng người kể chuyện luôn luôn ẩn mình. Ngay những truyện ngắn với người kể chuyện xưng “tôi” cũng là một thứ lảng tránh chủ thể phát ngôn. Nhà văn muốn làm mất cái tôi cá nhân mình để có được cái tôi nghệ thuật. Người kể chuyện trong truyện ngắn của Đoàn Lê nhiều khi ẩn đi vai trò của mình. Người kể chuyện thường không xuất hiện trực tiếp xưng “tôi”, nhưng trong mỗi câu chuyện dường như bao giờ cũng có một con người luôn ẩn mình đằng sau câu chữ, thấu hiểu mọi ngóc ngách của truyện. Câu chuyện cứ thế mở đầu, kết thúc mà không cớ điểm dừng nào dành cho người kể chuyện. Người kể chuyện không xuất hiện bằng ngôi thứ cụ thể nào, nhà văn hoàn toàn trao giọng điệu cho nhân vật tự dẫn dắt câu chuyện ( Đất xóm Chùa, Xóm Chùa Ông, Trinh tiết Xóm Chùa, A tourism xóm Chùa…). Có đôi khi giọng điệu, thái độ của nhà văn thể hiện qua giọng điệu ngôn ngữ nhân vật. Trong tác phẩm Trinh tiết xóm Chùa thái độ người kể chuyện thể hiện qua lời nhân vật lão Bản: Còn đâu xóm Chùa ngày xưa nữa. Giờ tha hồ con gái đóng mác xuất ngoại, con giai đu đưa ma túy,

ca-ve lẻn vào tận làng hoạt động kiếm tiền…Với lối kể chuyện ẩn đi vai trò của của người kể chuyện, những câu chuyện được kể trở nên khách quan, chân thực và có sức thuyết phục hơn. Những vấn đề của hiện thực mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm qua điểm nhìn của nhân vật cũng có tính chân thực cao hơn.

Bên cạnh những câu chuyện ẩn đi vai trò của người kể chuyện, sáng tác của Đoàn Lê còn rất nhiều truyện mà vai trò của người kể chuyện xuất hiện trực tiếp xưng “tôi”. Sự xuất hiện của người kể chuyện thường “đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý, nghề nghiệp hay lập trường xã hội cho cái nhìn của tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống trong tác phẩm thêm phong phú” [52,191]. Khi người kể chuyện ở ngôi thứ nhất thì chủ thể phát ngôn có dáng dấp của chính tác giả. Rất nhiều truyện ngắn của Đoàn Lê, nhân vật “tôi” mang bóng dáng tác giả. Ở những truyện ấy, dường như nhà văn đang kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình. Đó chính là xu hướng “tự nghiệm” trong truyện ngắn Đoàn lê mà luận văn đã đề cập đến ở phần trên. Nhân vật “tôi” ở Giường đôi xóm Chùa kể cuộc đời gần ba mươi năm chung sống rồi ly hôn do người chồng bội bạc, hay nhân vật “tôi” ở Trái táo nham nhở kể lại bi kịch cuộc đời với hai mươi năm bị lừa dối, bị đánh cắp tình yêu là những nhân vật có hình bóng tác giả rõ nhất. Trong những truyện này, nhà văn như hóa thân vào nhân vật để tường thuật lại chính câu chuyện cuộc đời mình, những cảm xúc, những nỗi đau chồng chéo, đan xen, những ẩn ức bị kìm nén…Tất cả đều hiện lên chân thực sống động như nó vốn thế dưới điểm nhìn trần thuật của tác giả. Có những trường hợp nhân vật “tôi” xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm nhưng đứng ở góc độ là người soi thấu mọi sự việc hoàn cảnh. Đó là nhân vật người phụ nữ xưng “tôi” trong truyện Hai bà mẹ và tôi. Nhân vật “tôi” đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện bi thảm của hai bà mẹ, một người có đứa con là sát nhân và một người có đứa con là nạn nhân. Sau câu chuyện của hai bà mẹ, nhân vật “tôi” đã thay lời nhà văn thể hiện quan điểm, thái độ của mình với hiện thực thảm khốc của đồng tiền cùng sức hủy diệt ghê gớm mà nó đã gây ra: “Cầm tờ đô la tôi không khỏi ớn lạnh. Ít nhất đã có hai nhân mạng chết vì nó. Một kẻ bị giết, một kẻ mới bị tử hình. Đến ai nữa đây? Những xác chết có lẽ sẽ rữa ra, nhưng nó vẫn tồn tại. Tồn tai cả nỗi đau đớn của những bà mẹ có cùng bầu sữa ngọt ngào giống nhau”. Nhân vật “tôi” ở Con bướm ngựa cánh xanh lại trong vai một họa sỹ vẽ tranh được nghe kể và trực

tiếp chứng kiến cuộc sống, số phận của những cô gái bán hoa rồi bày tỏ sự thương cảm, xót xa cho số phận của những cô gái “hồng nhan” bị hoàn cảnh xô đẩy phải ngụp lặn trong chốn phong trần nhơ bẩn. Cũng một cảm xúc như vậy, trong Người đẹp xóm Chùa, người nghệ sỹ suốt đời nâng niu, tôn thờ cái đẹp trong vai nhân vật “tôi” đã luôn tìm cách để bất tử hóa những nhan sắc thanh tân. Ông đã tận dụng mọi cơ hội để ghi lại và lưu giữ cái đẹp cho dẫu phải sống trong nghèo khó. Nhưng tiếc thay cái đẹp vốn “bạc mệnh” trước sức băng cuốn, xô đẩy của những quy luật sinh tồn. Người đẹp một thời nhân vật “tôi” hết lời ngợi ca trân trọng giờ chỉ còn là một hình hài quắt queo của xương với da đến nỗi ông ta phải thảng thốt: “Than ôi, cái đẹp có thật hay không có thật!”

Với điểm nhìn trần thuật như thế, nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” trong những tác phẩm khác của Đoàn Lê đã đem lại cho tác phẩm sức hấp dẫn bởi sự chân thật, khiến người đọc cảm thấy đó như là những câu chuyện vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Đồng thời ta còn nhận thấy thái độ của nhân vật “tôi” trong các tác phẩm ấy bao giờ cũng nhân ái bao dung và chan chứa yêu thương với tất cả những nỗi đau của nhân thế. Đó chính là cơ sở để ta khẳng định người kể chuyện xưng “tôi” trong hầu hết những sáng tác của Đoàn Lê mang hình bóng tác giả. Và dù xuất hiện trực tiếp hay ẩn đi, vai trò của người kể chuyện trong truyện ngắn của Đoàn Lê cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa hình tượng nhân vật, thể hiện quan điểm sáng tác, bày tỏ tư tưởng, quan điểm lập trường xã hội của nhà văn.

2. Tình huống truyện

Sáng tạo tình huống, ấy là vấn đề cơ bản của nghệ thuật viết truyện ngắn. Nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì “tình huống truyện giống như một tứ thơ, nó lại giống như một thứ nước rửa ảnh sẽ làm nổi hình, nổi sắc người và vật vừa làm nổi bật vấn đề tư tưởng của tác giả”. Tình huống truyện “giúp cho những gì còn nằm trong hình thức chưa phát triển nay bộc lộ và hoạt động tích cực...có tính chất riêng biệt. Tình huống trở thành xung đột, là bước trung gian giữa tình trạng im lìm và tình trạng hành động” [24, 111] Và thông thường “Mỗi truyện ngắn chỉ chứa đựng một tình huống, vì thế tình huống tiêu biểu phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ nghệ thuật là gắn kết các nhân vật cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó, bộc lộ quan hệ và tính cách các nhân vật, thể hiện chủ đề”[19,263]. Tình huống là yếu tố nghệ thuật quan trọng trong tác

phẩm tự sự. Dù là những cốt truyện giầu kịch tính hay những cốt truyện không có biến cố thì truyện ngắn vẫn phải dựa vào một tình huống nhất định. Việc phát hiện và xây dựng những tình huống hay sẽ làm bộc lộ những nét cơ bản của những tính cách, số phận trong các tác phẩm, làm nổi bật một vấn đề, hiện tượng xã hội nào đó. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng “Những nhà văn có tài đều là những người có tài tạo ra những tình thế xảy ra chuyện vừa rất cá biệt vừa mang tính phổ biến hoặc tượng trưng...Tình thế truyện không cần đến những mâu thuẫn gay gắt như kịch, nhưng nó lại là cái cớ chắc chắn, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật nương tựa vào nhau để thực hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả. Ví như một cây cọc vững chắc để cho một cây bí leo lên mà ra hoa trái”. Cái tài của người cầm bút là “có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống với một vài sự việc diễn biến sơ sài và cũng bình thường hoặc có thể dồn dập và không bình thường nhưng bắt buộc con người ở vào cái tình thế phải bộc lộ cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại.” [11,258-260]. Trong sáng tác của mình, Đoàn Lê xây dựng được nhiều tình huồng truyện độc đáo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

2.1 Tình huống bi kịch

Tình huống truyện trong sáng tác của Đoàn Lê thường là những tình huống bi kịch. Tạo ra những tình huống này, nhà văn có thể khai thác chiều sâu tính cách, tâm hồn con người trước bất hạnh của số phận. Trong Dấu hỏi gửi thượng đế, nhà văn đặt nhân vật cô Huệ vào một tình huống thật éo le, chớ trêu. Ấy là vào một đêm mưa giông bão, cô đã mạnh dạn bước qua rào cản của những phép tắc luật lệ để đến với một người đàn ông cũng có cảnh ngộ như mình, mong có một đứa con để ôm ấp bế bồng thì người đàn ông ấy lại bị những năm tháng quân ngũ cướp đi cái phần đàn ông quý giá. Thế là cô Huệ không những cô đơn bởi sự bất hạnh của hình hài mà còn chịu thêm sự tủi hổ bẽ bàng của hành động “vượt rào” mong thoát nỗi cô đơn mà không được. Tình huống kịch đã dồn nhân vật tới tận cùng của nỗi khổ đau bất hạnh. Dầu vậy nhân vật vẫn không mất đi vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp kín đáo tế nhị của một người phụ nữ.

Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê - 12

Ở truyện ngắn Hạt vừng, nhà văn đã đẩy nhân vật của mình vào một tình huống đầy bi kịch. Đó là tình huống túng quẫn cùng đường buộc chị Hoa phải

“đi khách” để kiếm tiền làm mâm cơm cúng giỗ đầu cho chồng và đưa thằng bé con vào bệnh viện cắt A-bi đan. Chẳng ngờ đấy là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trong đời chị bị khép vào tội giết người do kẻ kia ngã vào cái cuốc chết trong nhà chị.Vì tội danh khủng khiếp ấy mà chị được một nữ luật sư giầu lòng trắc ẩn bào chữa miễn phí. Từ tình huống đầy kịch tính ấy, nhà văn dễ dàng đi vào thể hiện từng khía cạnh của chủ đề tác phẩm. Từ đó làm nổi bật số phận bi thương của những người đàn bà xóm liều trong cuộc sống mưu sinh khốn khó.

Truyện Nghĩa địa xóm Chùa lại tạo ra một tình huống vừa nực cười vừa bi thảm. Chuyện nhầm lẫn xác một vị thiếu tướng với một một tay thợ điện bậc ba đã về hưu do sự làm việc tắc trách của một bệnh viện. Cũng có thể là do con trai vị thiếu tướng quên đưa khoản tiền “tót tay tiêu cực phí” cho gã canh nhà xác nên gã cố tình gây ra sự nhầm lẫn ấy. Từ tình huống nhầm lẫn này, nhà văn phản ánh được bao vấn đề của hiện thực đời sống, hiện thực tình người một cách sâu sắc: chuyện cõi âm, cõi dương, chuyện thứ hạng, cấp bậc trong xã hội, đặc biệt là câu chuyện về tình thân, tình người, chuyện về các khoản phí tiêu cực... Trong tác phẩm, nhà văn đã tạo ra hai đám tang hoàn toàn trái ngược nhau: một đám tang cực kỳ linh đình to tát và một đám tang sơ sài với vài người đưa đám, vài tiếng khóc tỉ tê để phản ánh một đẹp nhân bản đang bị mai một đi trước tiền tài, danh vọng. Đó chính là tình thân, tình người. Việc xây dựng những tình huống bi kịch trong truyện ngắn Đoàn Lê bắt nguồn từ góc nhìn đa diện, đa chiều, tinh tế nhạy cảm của nhà văn về con người, cuộc sống. Con người được nhìn từ số phận cá nhân với hạnh phúc và bất hạnh khổ đau, giữa hy vọng và thất vọng. Cuộc sống được nhìn nhận ở mọi góc cạnh cả trên bề mặt lẫn chiều sâu. Tất cả đều chân thực và vô cùng sâu sắc.

2.2 Tình huống tự nhận thức

Bên cạnh tình huống bi kịch, truyện ngắn của Đoàn Lê còn xuất hiện loại tình huống nữa là tình huống tự nhận thức thể hiện triết lý về cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc của nhà văn. Tình huống tự nhận thức phổ biến trong những cốt truyện tâm lý. Tình huống tâm lý được tạo dựng từ những xung đột trong tâm lý, ý thức buộc nhân vật phải suy ngẫm tự nhìn nhận lại quan niệm sống và hành động của mình để vươn tới sự hoàn thiện. Ở Giường đôi xóm Chùa, sau gần ba mươi năm sống chung rã rời vì cuộc sống mưu sinh, anh và chị đã chia tay nhau khi cả hai đều nhận ra rằng: Cái gì người ta cũng có thể cố gắng, nhưng không

90

ai cố gắng yêu. Tình huống dẫn đến sự đổ vỡ, chia ly ở Trái táo nham nhở chính là hành động người vợ đưa toàn bộ số tiền mà chị thức thâu đêm nhặt vải vụn đến ngất lịm phải vào bệnh viện cho chồng và giục anh đi thực tế. Lúc đó anh chồng mới thực sự phản tỉnh, anh ta nhận thấy mình không thể lừa dối cô ấy một giây phút nào nữa và quyết định viết một bức thư thú tội: “Trong chuyện này, anh hoàn toàn có lỗi với em. Nhưng anh không muốn dối trá lừa lọc mãi, anh đã ăn cắp tình yêu của em ...chẳng dùng vào việc gì ngoài việc để khinh bỉ mình...Hãy tha tội cho anh. cái gì người ta cũng có thể cố gắng, nhưng không ai có thể cố gắng yêu.. Anh đã bị vắt kiệt lòng nhẫn nại lẫn sự dối trá, anh không thể tiếp tục mãi. Nếu chưa thật bình tĩnh, em hãy cứ nguyền rủa anh. Anh đáng tội lắm. Ôi, giá anh có cách gì để xin em tha thứ...” Giây phút thức tỉnh, xám hối này là những giây phút anh đang sống trạng thái thánh thiện, sòng phẳng tử tế nhất. Cho dẫu anh biết hậu quả của nó thật nặng nề, anh sẽ mất gia đình, mất đi sự yêu chiều từ chị, thậm chí còn bị chị nguyền rủa, nhưng anh vẫn chấp nhận tất cả. Sau quyết định tự thú, anh mới đựơc sống là mình, xứng đáng là con người. Còn chị sau khi nhận bức thư tự thú của anh, chị mới bình tĩnh nhìn nhận xét đoán anh từ chân tơ kẽ tóc và nhận ra một điều xưa nay vì quá yêu anh mà chị đã lầm tưởng: “Anh tưởng mình ghê gớm lắm sao? Thiên tài ư? Cao qúy ư? Không tôi đã trả giá quá đắt bằng cả cuộc đời mình cho một kẻ tầm thường nhất trong vô vàn kẻ tầm thường, một thứ giẻ rách” Tình huống tự nhận thức khiến nhân vật của Đoàn Lê có chiều sâu và luôn hướng đến sự hoàn thiện về tâm hồn và nhân cách.

Những tình huống tự nhận thức chính là những khoảng lặng cần thiết trong cuộc sống con người để nhìn lại chính mình, soi vào quá khứ để tiếp tục tiến về phía trước trong quá trình vận động hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Không gian - thời gian nghệ thuật

Trong thế giới khách quan, thời gian và không gian là hình thức tồn tại của vật chất. Tác phẩm văn học cũng là một dạng vật chất, một thế giới nghệ thuật được xây dựng bằng hệ thống các hình tượng. Vì vậy “không gian, thời gian nghệ thuật chính là hình thức tồn tại của hình tượng” [50, 27]. Thời gian và không gian là hai yếu tố thống nhất trong một chỉnh thể nghệ thuật. Từ việc xem xét thời gian, không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Đoàn Lê có thể thấy

được đặc điểm phong cách, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn cùng những vấn đề của cuộc sống con người trong sự biến đổi của thời đại. Sự vận động của không gian thời gian trong truyện ngắn Đoàn Lê được cảm nhận trong mạch vận động vừa thuận chiều vừa trái chiều với thời gian, không gian cuộc sống. Thời gian và không gian là những bình diện góp phần làm nên nét đặc sắc trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn Đoàn Lê.

3.1. Không gian nghệ thuật

Trong văn học, không gian nghệ thuật chính là “hình thức tồn tại của chủ quan hình tượng” [59, 209]. Mọi nhân vật, hình tượng đều có không gian, nền cảnh để hoạt động. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sỹ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Từ văn học dân gian đến văn học hiện đại là quá trình “hạ dần” của không gian. “Từ vũ trụ cao siêu xuống không gian sinh hoạt hàng ngày, từ một không gian mang ý nghĩa tượng trưng có sẵn xuống không gian đời sống với ý nghĩa tượng trưng mới” [57, 209]. Không gian trong văn học dân gian gắn với không gian quen thuộc của làng quê như cây đa, bến nước, sân đình, còn không gian của núi cao, sông dài là không gian ngăn cách , là thử thách trở ngại với con người. Trong khi đó sự vắng vẻ, trầm tư, nhàn dật lại gần như chiếm lĩnh không gian nghệ thuật của văn học trung đại. Đó là không gian vũ trụ, núi rừng, am động nơi con người đối diện hay ẩn dật. Đến thế kỷ XVIII- XIX, không gian nghệ thuật được mở rộng thêm ở không gian đồng ruộng, làng cảnh, phố phường, cao lâu, hiệu thuốc, bãi chợ...Càng về sau không gian nghệ thuật trong văn học càng được mở rộng đến không gian hiện thực, không gian đời tư của con người. Đặc biệt không gian còn được phát hiện ở chiều thứ tư- không gian tâm trạng. Bên cạnh đó, yếu tố tâm linh xuất hiện còn đem lại màu sắc khác cho không gian nghệ thuật của văn học Việt Nam hiện đại. Nghĩa là không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học không chỉ bao gồm không gian vật lý ba chiều với trung tâm là con người mà còn có không gian tâm tưởng, không gian tâm linh được đặt trong mối quan hệ mật thiết với thời gian nghệ thuật. “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học”[4, 135]. Điều quan trọng nhất khi tìm hiểu không gian nghệ thuật là xem xét mối quan hệ của nó với thế giới, con người

“như một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng- thẩm mỹ của nhà văn”[57, 211]. Vì vậy không gian hiện thực hay không gian đời thường trở thành một khái niệm được nhà văn nhắc đến nhiều nhất trong văn học hiện thực. Ở đó bức tranh xã hội, cũng như quan điểm thẩm mỹ, quan điểm sáng tác, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn được soi sáng bởi yếu tố không gian nghệ thuật.

Văn học thời kỳ đổi mới nở rộ các tác phẩm truyện ngắn hiện thực. Chính khuynh hướng văn học nghiêng về đời tư, đời thường của con người với tiếng nói thực của cuộc sống hiện tại đã làm cho mỗi tác phẩm truyện ngắn là một bức tranh muôn màu, muôn sắc về cuộc sống hiện đại, về những vấn đề thực tế mà con người phải đối mặt. Không gian nghệ thuật của văn học giai đoạn này phổ biến là không gian sinh hoạt, không gian đời tư. Đó là “khoảng không gian xác định bắt buộc con người luôn phải bộc lộ hết bản chất của mình, không có cơ hội lảng tránh trách nhiệm cá nhân”[6,]. Không gian nghệ thuật trong sáng tác của Đoàn Lê cũng mang những đặc điểm chung này.

Không gian sinh hoạt trong truyện ngắn Đoàn Lê chủ yếu là không gian làng xóm. Đó là không gian xóm Chùa ở ngoại ô thành phố xuất hiện trong hàng loạt sáng tác của Đoàn Lê với cái tên: Đất xóm Chùa, Xóm Chùa Ông, Trinh tiết xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Atuorism xóm Chùa...Không gian đó có phần chật chội, tù túng bức bối trước tốc độ xâm lấn của nền kinh tế thị trường. Bởi thế hầu hết những con người nơi xóm Chùa Ông đều hay hướng về ngả thành phố, nơi ánh điện hắt rừng rực một góc trời. Cả thanh niên và người già đều ao ước cuộc sống của dân nội thành “ăn trắng mặc trơn, sung sướng tới lúc chết”. Cũng chính vì thế mà khi cái mới tràn đến xóm Chùa, mọi người đều nhanh chóng hưởng ứng sẵn sàng lãng quên quá khứ nghèo cực và cả những nét nhân bản vốn quý từ xa xưa của mình như chuyện về chiếc cát-sét, chiếc ti vi đầu tiên trong làng, chuyện “sốt đất” do mở đường cao tốc, “cơn sốt” lấy chồng ngoại, chuyện bán trinh tiết dởm, phá hang làm khu du lịch sinh thái dởm để kiếm tiền, trục lợi...Tất cả diễn ra ồ ạt trong không gian của xóm Chùa. Tuy là một xóm Chùa cụ thể nhưng ý nghĩa khái quát hiện thực của tác phẩm lại vô cùng rộng lớn. Đó là hiện thực ở tất cả những vùng ven đô nước ta từ thời đổi mới trước tốc độ đô thị hóa đến mức chóng mặt của nền kinh tế thị trường. Trong không gian cụ thể đó bao gia đình, bao số phận rơi vào hoàn cảnh bi kịch

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/03/2024