Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê - 13

do không kịp thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Dưới không gian một xóm Chùa cụ thể, Đoàn Lê đã phản ánh và khái quát được bao nhiêu vấn đề của hiện thực cuộc sống- xã hội hiện đại làm nhức nhối lòng người. Với không gian cụ thể này, những câu chuyện được kể của Đoàn Lê trở nên chân thực, sinh động và có sức thuyết phục hơn.

Bên cạnh không gian xóm Chùa, sáng tác của Đoàn Lê còn có không gian xóm biển. Nơi đó diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán, nơi có những hiệu kim hoàn, có con đường từ phố ra bãi biển rồi từ bãi biển về một xóm núi heo hút bên bờ biển. Nơi đó còn có bao cuộc đời, số phận bất hạnh trôi nổi, phiêu dạt như cuộc sống âm thầm lặng lẽ của hai bà cháu (Viên sỏi). Không gian của truyện hẹp, chỉ là không gian từ tiệm vàng ra bãi biển có hai bà cháu lủi thủi bên nhau, sự kiện không nhiều nhưng dường như nhà văn đã khái quát được cả nỗi đau nhân thế bằng tất cả sự đồng cảm, xót thương của mình. Hai bà cháu, hai số phận côi cút đang nương tựa, dắt díu nhau vượt qua giông bão cuộc đời. Người bà trước khi trôi dạt về đây đã uống trọn nỗi đau cuộc đời: chồng phụ bạc, đứa con trai duy nhất chết vì nghiện sau khi đã bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà, bà chỉ còn đứa cháu gái bé bỏng là nguồn sống duy nhất. Đứa bé bị cướp mất sự hồn hậu, tươi tắn của trẻ nhỏ, dường như không bao giờ thấy nó cười. Họ là hai sự cô đơn cộng lại, người nọ nương tựa người kia để bớt thấy bơ vơ. Cũng trong không gian của xóm núi này, người chủ hiệu vàng “cũng không thoát việc nhận lấy cái giọt cay đắng phần mình”. Đứa em trai ruột của anh cũng bị cái chết trắng khủng khiếp cướp mất khi nó chưa đầy mười chín tuổi và chẳng kịp để lại gì dù là một viên sỏi vô giá trị. Trước nỗi đau của hai bà cháu, lòng anh như dịu lại và dấy lên niềm thương cảm sót xa với nỗi đau của người cùng cảnh. Vì vậy, anh quyết định ngay ngày hôm sau sẽ giúp bà cụ mài viên sỏi làm mặt chiếc nhẫn- di vật của bố đứa trẻ để lại cho con trước khi chết. Như vậy không gian không chỉ là tọa độ, môi trường sống của nhân vật mà còn có chức năng như một thủ pháp, một tín hiệu nghệ thuật góp phần làm nổi bật tính cách, số phận nhân vật cùng chủ đề tác phẩm.

Không gian của xóm núi nghèo ven biển còn có ý nghĩa biểu tượng cho những cuộc đời côi cút, lang thang, trôi dạt mang nỗi đau thầm lặng. .Đó là không gian sống, tồn tại của những cô gái bị hoàn cảnh xô đẩy phải bán thân nuôi miệng rồi âm thầm nhận lấy cái chết từ căn bệnh thể kỷ (Con bướm nhựa

cánh xanh). Phải chăng đến với xóm biển này thì sự hồn hậu của biển có thể xóa dịu những nỗi đau u uẩn trong tận cùng tâm can con người, điều mà tự con người chẳng thể làm được. Bởi thế nơi đây mới có nhiều cuộc đời, số phận bất hạnh như thế nương náu mong được biển cả chở che.

Cùng với không gian làng xóm, không gian biển, không gian gia đình - không gian căn phòng cũng là một loại không gian đầy ám ảnh trong sáng tác của Đoàn Lê. Đó là không gian của những tác phẩm viết về bi kịch tình yêu, bi kịch hôn nhân gia đình. Trong Giường đôi xóm chùa, khi tình yêu của hai vợ chồng không còn tha thiết , mặn nồng vì xuất hiện người thứ ba thì không gian căn phòng riêng với chiếc giường kỷ niệm tình yêu của họ đã trở thành không gian ngột ngạt, chật chội, bức bối đến độ chuyển thành giông bão không thể chịu đựng được. Nhìn đâu người vợ cũng thấy hình bóng của người thứ ba chập chờn len lỏi vào cuộc sống sinh hoạt và cả trong giắc ngủ chập chờn của chị. Cũng trong không gian của chiếc giường ấy đã rất nhiều đêm chị không ngủ, suy nghĩ miên man về tình cảnh đầy bi kịch của mình. Rồi từ trong sâu thẳm ký ức chị, cả quá khứ hiện về rõ nét: chuyện về mẹ, chuyện về người bạn trai tên Báu vẫn thầm yêu chị, chuyện anh chị quen nhau hồi chiến tranh, chuyện thằng con trai, đứa cháu nội...Đó là không gian tâm trạng ngập đầy những xúc cảm, tưởng rằng chẳng gì có thể chia cắt được anh chị. Vậy mà họ lại sắp xa nhau. Chị quyết định sẽ rời xa không gian vốn đầy ắp những kỷ niệm của mình, lặng lẽ ra đi để anh được hạnh phúc. Từ không gian hiện thực trên chiếc giường, Đoàn Lê đã khái quát cả không gian gia đình với biết bao vấn đề của nhân thế.

Không gian có ngôi nhà gỗ bình yên ở vùng ngoại ô cũng là một không gian quen thuộc trong sáng tác của Đoàn Lê. Trong không gian ấy các nhân vật của bà được mặc sức khám phá, tìm hiểu những bí ẩn của thiên nhiên cùng những bí ẩn của lòng mình (Ngôi nhà gỗ). Trong ngôi nhà gỗ, chị và anh đã có những tháng năm thực sự hạnh phúc với biết bao kỷ niệm gắn với thiên nhiên quê anh. Và cũng từ không gian ấy họ mãi mãi xa nhau do không tìm được tiếng nói chung. Những câu chuyện gắn với không gian ngôi nhà, căn phòng thường là những truyện tâm tình, chất chuyện mờ nhạt, nhà văn thường đi sâu vào thể hiện không gian tâm trạng của nhân vật với những ký ức đầy luyến nhớ. Cũng một không gian này, Đoàn Lê còn thể hiện trong tác phẩm Đêm ngâu vào, Tí teo hạnh phúc và một số truyện ngắn khác. Đó đều là những không gian xác định

cho sự hoạt động của những tính cách, tâm trạng, nhờ đó mà chủ đề tác phẩm được sáng tỏ.

Truyện ngắn của Đoàn Lê còn một loại không gian nữa gọi là không gian nghĩa địa (Nghĩa địa xóm chùa). Đây vừa là không gian thực vừa là không gian ảo. Thực là vì có nghĩa địa thật, đó là nơi người ta vẫn dùng làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người quá cố. Còn ảo là không gian nhà văn tưởng tượng để các hồn ma đi lại, nói năng sinh hoạt như khi họ vẫn còn sống vậy. Và chỉ khi mặt trời tắt hẳn những hồn ma mới chui lên khỏi mặt đất quần tụ lại để bàn tán, kháo nhau chuyện của người sống. Họ di chuyển bằng những ánh lân tinh chập chờn trông phát khiếp. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm cứ chập chờn ẩn hiện giữa hư và thực. Đó chính là môi trường, nền cảnh để nhà văn chuyển tải những ý tưởng nghệ thuật của mình. Cùng với những yếu tố khác, không gian nghệ thuật có chức năng như một thủ pháp, một tín hiệu nghệ thuật giúp nhà văn khắc họa nhân vật, làm nên những giá trị triết lý nhân sinh của tác phẩm.

3.2. Thời gian nghệ thuật

Cũng như không gian nghệ thuật, trong tác phẩm văn học, thời gian là một trong những yếu tố quan trọng, là “một trong những phương tiện hữu hiệu để tổ chức nội dung nghệ thuật” [52, 63]. Thời gian nghệ thuật chính là “những hình thức nghệ thuật quan trọng để thể hiện cuộc sống” [57, 243]. Nó không chỉ đơn giản là quan điểm của tác giả về thời gian mà còn là một hình tượng sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian, ý thức về sự tồn tại của mình. Thời gian còn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm. Thời gian ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cốt truyện. Sự thể hiện thời gian nghệ thuật thay đổi theo ý đồ sáng tác của nhà văn cùng với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Trong văn học cổ Việt Nam, thời gian gắn với vòng trầm luân của vũ trụ nên được tính bằng vạn đời, vạn kiếp, nghìn thu, kim cổ theo một chiều biên niên. Đến văn học hiện đại, khái niệm thời gian nghệ thuật được mở rộng trên nhiều bình diện, thời gian được co ruỗi theo ý thức thời gian của tác giả. Sự cảm thụ thời gian trong tác phẩm gắn liền với ý thức về ý nghĩa cuộc đời, thể hiện quan niệm về thế giới, lịch sử và con người của nhà văn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Cách sắp xếp thời gian trong tác phẩm thể hiện sự sáng tạo và phong cách riêng của mỗi nhà văn. Thời gian nghệ thuật có thể quay ngược về quá khứ hoặc

vượt qua hiện tại để đến tương lai, có thể dồn nén thời gian dài trong khoảnh khắc hoặc biến thời gian chốc lát thành vô tận, vĩnh viễn. Nói như D.X Likhachôp “Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học” [52, 63]. Truyện ngắn là một thể loại chịu sự chi phối, gò bó của điều kiện thời gian bởi truyện ngắn chỉ đi vào một thời điểm trong cuộc đời con người. Thời gian nghệ thuật chịu sự chi phối bởi thế giới quan nghệ thuật và thể hiện quan niệm thẩm mỹ của nhà văn qua các thủ pháp sử dụng linh hoạt các hình thức thời gian. Truyện ngắn sau 1975, thời gian biên niên mang tính tuần tự không còn đóng vai trò chủ yếu mà bắt đầu xuất hiện nhiều hình thức thời gian độc đáo: thời gian đồng hiện, thời gian ngược, thời gian ảo, thời gian tâm lý...Truyện ngắn Đoàn Lê rất có sức ám ảnh về thời gian. Nhà văn đã sử dụng yếu tố thời gian như một giải pháp bộc lộ quan điểm, tư tưởng nghệ thuật của mình một cách hiệu quả.

Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê - 13

Trong sáng tác của Đoàn Lê ta thấy xuất hiện chủ yếu là thời gian đồng hiện với nhiều lớp cắt thời gian khác nhau: quá khứ - hiện tại - tương lai hòa quyện với nhau để bộc lộ tối đa ý nghĩa tác phẩm. Thời gian đồng hiện khiến cốt truyện vừa diễn biến liền mạch vừa giải quyết được một khối lượng thông tin nhiều hơn giới hạn thời gian thực tế cho phép. Với thủ pháp đồng hiện , nhà văn có thể vượt thoát khỏi sự trói buộc của thời gian biên niên lịch sử, để có thể xáo chộn thời gian tùy theo ý muốn chủ quan, miễn là câu chuyện phát triển và bộc lộ hết những ý đồ sáng tạo của tác giả. Thời gian đồng hiện khi nhà văn sử dụng các thủ pháp độc thoại nội tâm, dòng ý thức, giấc mơ...Trong khung nhỏ hẹp của truyện ngắn, nhân vật có thể vận động theo mọi hướng, mọi suy nghĩ của mình. Ở những khoảnh khắc được chọn để thể hiện, nhân vật có thể hướng tới tương lai, quay về quá khứ. Điều này làm cho thời gian cùng lúc xuất hiện nhiều thời, nhiều chiều đặc biệt.

Yếu tố thời gian trong mỗi tác phẩm bao giờ cũng liên quan đến điểm nhìn trần thuật. Điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn của Đoàn Lê có những điểm tương đồng với điểm nhìn trần thuật của nhà văn Nam Cao. Nhà văn thường không bắt đầu bằng điểm mở đầu thời gian cuộc đời nhân vật mà nhân vật “đột nhiên” xuất hiện “đi ra từ giữa tác phẩm” sau đó thời gian cuộc đời mới được hoàn thiện dần bằng lối kể chuyện quay ngược về quá khứ trước khi nói tới

tương lai và hiện tại. Những lớp cắt thời gian giúp người đọc ngày càng có hình dung đầy đủ hơn về cuộc đời nhân vật và ý nghĩa tác phẩm. Những cách mở đầu tác phẩm, Đoàn Lê đã kết hợp nhiều lớp thời gian khác nhau: khi bằng hình ảnh hiện tại: Nghĩa địa xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa, Hạt Vừng...khi bắt đầu bằng một mốc thời gian của quá khứ gần: Con bướm nhựa cánh xanh, Đêm ngâu vào, Viên sỏi; có khi truyện lại bắt đầu bằng lời nhận định đánh giá của người kể chuyện: Tình Guột, Dấu hỏi gửi thượng đế...

Ở truyện ngắn Hạt vừng, câu chuyện được bắt đầu bằng thời gian hiện tại, hai người đàn bà ngồi đối diện ngăn cách bởi những ô cửa kiên cố, chấn song to thẳng tắp khẳng định sức mạnh sắt thép. Trong hai người đó một người là luật sư, người kia là phạm nhân. Mở đầu truyện chỉ có thế, rồi nhà văn quay ngược thời gian kể về những dòng hồi ức của hai người đàn bà. Nhìn những nếp nhăn trên mặt nữ phạm nhân, vị luật sư nghĩ đến mẹ mình vẫn những vạch nếp nhăn tựa hồ như dấu ấn của quỷ đã tàn phá cuộc đời của mẹ. Rồi từ câu chuyện xuất thân của người phạm nhân, vị luật sư hồi tưởng lại toàn bộ câu chuyện quá khứ đau thương của mẹ, của chị em cô, biết đâu người đàn bà khốn khổ kia chẳng phải là một trong số chị em đã thất lạc của cô. Câu chuyện cứ thế đan xen giữa quá khứ và hiện tại, hồi ức tưởng tượng và thực tế... Những diễn biến tình tiết trong vụ án của người phạm nhân đều gợi lại ký ức đau thương của cuộc đời mẹ cô. Như vậy bằng hình thức đan xen giữa quá và hiện tại, hồi ức và thực tế, Đoàn Lê đã dồn chứa được trong vài trang giấy rất nhiều vấn đề có ý nghĩa của hiện thực. Nỗi đau cùng cảnh ngộ bi thương của người nữ phạm nhân như được cộng hưởng nhân lên khi nó được đặt trong sự đối sánh với những ký ức đau thương của vị nữ luật sư bào chữa. Câu chuyện cuộc đời người đàn bà khốn khổ kia cũng chính là câu chuyện cuộc đời của mẹ vị nữ luật sư nên cô đã tin câu chuyện ấy và đồng cảm, sẻ chia với chị bằng tất cả nỗi đau của người trong cuộc. Thời gian cốt truyện chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rất ngắn, trong chốc lát khi người nữ luật sư tiếp xúc với phạm nhân để nghe chị ta kể về vụ án của mình-chuyện kể thứ nhất nhưng giả thời gian, thời gian của những hồi ức quá khứ mới chiếm lượng lớn trang văn bản. Chính lối quay ngược thời gian để kể một câu chuyện thứ hai ấy mới là điểm nhấn làm đậm thêm chuyện kể thứ nhất góp phần khắc sâu chủ đề tác phẩm.

Điểm nhìn trần thuật có thể khác nhau, song hầu hết những tác phẩm có thời gian đồng hiện của Đoàn Lê, hồi tưởng đóng vai trò quan trọng. Hồi tưởng hay quay ngược- ngoái lại có vai trò làm rõ thêm những sự kiện biến cố được kể trong mạch truyện chính. Viên sỏi là một truyện ngắn Đoàn Lê sử dụng thời gian khá linh hoạt. Câu chuyện mở ra là một thời điểm của hiện tại khi hai bà cháu đã chạy trốn về xóm núi cạnh ven biển sống nương tựa vào nhau, bà đem một viên sỏi đến hiệu kim hoàn xin đánh thành mặt nhẫn cho cháu. Không được chấp nhận, ngày nào bà cũng đi các cửa hiệu đến khi không còn ai chấp nhận giúp, bà mới buồn bã ra về. Người thợ kim hoàn ban đầu thấy áy náy rồi anh cũng quên luôn bà cụ cùng viên sỏi vô giá trị của bà. Rồi tác giả sử dụng thủ pháp tỉnh lược thời gian: năm tuần sau, người thợ kim hoàn ra biển chơi tình cờ gặp lại hai bà cháu và được biết viên sỏi là kỷ vật bố đứa trẻ để lại cho nó trước khi qua đời nên được hai bà cháu nâng niu như báu vật. Sau nhiều lần tiếp xúc, qua những mẩu đối thoại rời rạc, anh mới biết hoàn cảnh bất hạnh của hai bà cháu. Đây chính là quãng ngưng, nhà văn dừng lại mạch truyện chính để kể về hoàn cảnh chồng chất những nỗi đau của hai bà cháu. Từ hoàn cảnh ấy, nhà văn lại quay sang kể về nỗi đau trong quá khứ của người thợ kim hoàn và nguồn gốc của viên sỏi. Đó là một câu chuyện thật cảm động, bi thương. Khi mạch truyện hồi tưởng, hồi ức kết thúc, nhà văn khéo léo đưa mạch truyện chính trở về thực tại bằng quyết định của người thợ kim hoàn sẽ nhận mài viên sỏi giúp bà cụ. Chính những mẩu hồi ức của quá khứ mới là những điểm nhấn làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm.

Cùng với việc sử dụng thời gian đồng hiện trong kết cấu tác phẩm, một số tác phẩm của Đoàn Lê còn sử dụng thời gian tâm tưởng gắn với ký ức của quá khứ: Giường đôi xóm chùa, Đêm ngâu vào, Một ngày xứ em. Ở loại truyện này, dòng ký ức, hồi tưởng của nhân vật là mạch quan trọng để khắc họa tính cách, xây dựng cốt truyện. Qua dòng ý ức ấy, sự kiện dần dần xuất hiện. Đứng ở thời điểm hiện tại, nhân vật có một độ lùi thời gian để có thể đánh giá, nhận định vấn đề và có những cảm nhận sâu sắc hơn về những chuyện đã qua. Trong Giường đôi xóm Chùa, câu chuyện mở ra là hình ảnh chiếc giường đôi của hai vợ chồng. Rồi theo dòng hồi ức, nhân vật “tôi” nhớ lại toàn bộ cuộc sống chung gần ba mươi năm của hai vợ chồng với bao buồn vui lẫn lộn. Ký ức của chị dừng lại rất lâu để kể chuyện đứa con trai và đứa cháu nội với cảm xúc dạt dào. Dòng hồi

tưởng đưa chị về quá khứ xa xưa một đêm rằm trung thu thủa nhỏ, chị được một người bạn trai yêu mến tặng một cây đèn kéo quân tuyệt đẹp. Dòng hồi tưởng này nhằm thể hiện chút luyến tiếc của nhân vật trong việc lựa chọn người bạn đời. Rồi dòng hồi ức đưa nhân vật trở về quá khứ gần, cách hiện tại một tháng, chị có chuyến đến Quảng Ninh làm một bộ phim tài liệu. Chuyến đi đó chị tìm đến thăm người đàn bà là người yêu thời trẻ của chồng chị để tìm lời giải cho câu hỏi “Anh ấy muốn tìm điều gì ở những người đàn bà anh yêu? Những người đàn bà, kể cả tôi, đã đặt tình yêu vào con người này vì sao?”. Thời gian cốt truyện chỉ diễn ra trong một đêm, đêm cuối cùng chị nằm bên chồng nhưng thời gian sự kiện lại là cả một đời người. Một đêm không ngủ, chị nhớ lại tất cả những biến cố đời mình, chúng được lắp ghép ngẫu nhiên: từ gần đến xa rồi lại từ xa đến gần; xen với những ký ức ấy là những cảm xúc của hiện tại. Mạch thời gian lúc được tỉnh lược, lúc lại ngưng đọng phù hợp với vai trò của các biến cố được kể. Bằng cách xử lý thời gian này, nhà văn đã làm nổi bật được những trạng thái tâm lý rất đa dạng, phức tạp của nhân vật.

Ở một số truyện ngắn, Đoàn Lê còn đặc biệt chú ý đến nhịp thời gian trong tác phẩm. Đó chính là tính chất co duỗi của thời gian để thể hiện tâm lý nhân vật. Nhịp thời gian trong tác phẩm Một ngày xứ em là một ví dụ. Toàn tác phẩm là nhịp thời gian dồn nén, thời gian của một đời người được ngưng lại trong thời gian của một ngày. Một ngày nhân vật “tôi” qua “xứ em” và sống lại tất cả cảm xúc đau thương của một thời máu lửa. Nhịp thời gian như ngưng lại khi ký ức đưa anh trở về với nỗi đau thủa ấy. Thời gian hiện thực chỉ có một ngày nhưng giả thời gian là cả một thời chiến tranh ác liệt của quá khứ. Ký ức bắt đầu từ chiếc vòng bạc trên tay cô bé nhà khách trên quê hương người con gái anh yêu. Chính chiếc vòng và đôi tay của nàng đã ám ảnh anh đến hết cuộc đời. Mạch thời gian như đọng lại trong khoảnh khắc của quá khứ giữa vòng bom đạn của Trường Sơn với lửa cháy, mùi khét thuốc súng, mùi hăng lá cây giập nát, hình ảnh “cánh tay em từ mặt đất bị cày xới bừa bộn vươn lên, níu lấy tay tôi, xoắn lại trong nỗi đau đớn thầm lặng”. Rồi từ câu chuyện về chiếc vòng bạc, mạch chuyện cứ đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ là những ký ức đau đớn khủng khiếp của chiến tranh vẫn sống dậy hiển hiện trong xúc cảm, trong lời kể của người trong cuộc, người kể chuyện cũng chính là nhân vật chính trong câu chuyện bi thảm của chiến tranh, còn hiện tại chính là khoảng thời gian anh

dừng lại ở “Xứ em”, một ngày nhức nhối kỷ niệm. Vì thế mạch thời gian biến đổi linh hoạt, nhảy cóc: đang một mình dạo trên trên cầu Tràng Tiền nhìn dòng nước sông Hương êm đềm lững lờ trôi, mạch xúc cảm đưa thẳng nhân vật trở về với quá khứ ở Trường Sơn với câu chuyện tình thơ mộng nhưng đầy bi thảm của mình với “em”. Cứ thế mỗi hình ảnh của quá khứ sống dậy, tim anh lại đau đớn, quặn thắt. Trong suốt thời gian kể chuyện chừng vài giờ đồng hồ, dường như anh chưa một lần dời mắt khỏi bao thuốc lá, cái bật lửa và đôi tay để giữ cho mình được bình tĩnh. Ở đây thời gian của một ngày đã dồn chứa nỗi đau của một thời, một đời. Vì vậy, thời gian nghệ thuật chính là hình thức nghệ thuật chủ yếu để nhà văn miêu tả tâm lý nhân vật.

Thời gian và không gian nghệ thuật là những hình tượng sinh động, gợi cảm của văn học. Ý thức về thời gian , không gian chính là ý thức về sự tồn tại của con người. Tìm hiểu những vấn đề về không gian và thời gian nghệ thuật chính là tìm hiểu những vấn đề thi pháp quan trọng của tác phẩm. Chúng là những “hình thức mang tính nội dung” [61, 27]. Quan điểm sáng tác cũng như tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật của không gian, thời gian. Đối với các nhà văn hiện đại, việc xây dựng một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng đề cao vai trò của thi pháp bên cạnh một nội dung có giá trị đích thực. Bằng tài năng và sức sáng tạo dồi dào của mình, các nhà văn đã đem đến cho văn xuôi những khám phá mới trên bình diện thi pháp tác phẩm trong đó có hình thức thời gian và không gian nghệ thuật.

4. Ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ là đơn vị cơ sở đầu tiên và cũng là đơn vị cuối cùng thể hiện những đặc sắc trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Với truyện ngắn, ngôn ngữ phải phát huy tối đa chức năng của mình do yêu cầu ngắn gọn của thể loại. Ngôn ngữ truyện ngắn cần cô đặc, cảm xúc, có sức nặng, sức chứa và khoảng trống gợi mở. Truyện ngắn sau 1975 là truyện ngắn của đời tư, thế sự, vì vậy ngôn ngữ trong các tác phẩm thời kỳ này cũng có nhiều đặc điểm khác so với ngôn ngữ nghệ thuật của các giai đoạn văn học trước đây. “Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn hôm nay đã được cá thể hóa sâu sắc. Dấu vết thời đại quy định cách nói năng, ứng xử. Nhiều lớp từ mới được hình thành, quan niệm về lối sống cũng được bổ sung những sắc thái biểu cảm mới. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, các trạng thái biểu hiện tâm lý của con người có chiều sâu và hiện thực cuộc

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí