+ Thanh tra chuyên ngành:
Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, những quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Các cơ quan thanh tra nhà nước theo ngành, lĩnh vực là bộ phận nằm trong cơ cấu của bộ, của sở có nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi thẩm quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp (như Thanh tra lao động, Thanh tra tài chính, Thanh tra giáo dục, Thanh tra y tế…). Các cơ quan thanh tra theo ngành, theo lĩnh vực thực hiện cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhưng tập trung chủ yếu vào thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra, Thanh tra bộ, Thanh tra sở còn giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh tra.
Có sự khác nhau về vị trí pháp lý và về nhiệm vụ thanh tra. Ở trung ương, cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là Thanh tra Chính phủ có vị trí của một cơ quan hành chính nhà nước - cơ quan ngang bộ; còn Thanh tra bộ với tư cách là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực ở trung ương thì không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ là một cơ quan của bộ. Ở địa phương, các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện đều là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, còn các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực là Thanh tra sở chỉ là cơ quan của sở, tức là một cơ quan của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chỉ thực hiện hoạt động thanh tra hành chính, còn các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực thì vừa thực hiện thanh tra hành chính, vừa thực hiện thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, bộ máy thanh tra là hệ thống các cơ quan thanh tra từ trung ương đến địa phương, có mối liên hệ với nhau trong công tác thanh tra, chịu sự chỉ
đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Tổng Thanh tra về tổ chức và hoạt động thanh tra.
1.1.3.2. Thanh tra nhân dân
Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.
Thanh tra nhân dân không phải là một loại hoạt động bảo đảm pháp chế riêng biệt. Thanh tra nhân dân không phải là một tổ chức xã hội mà là một tổ chức đặc thù - cơ quan xã hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Thanh tra lao động theo pháp luật lao động Việt Nam - 1
- Thanh tra lao động theo pháp luật lao động Việt Nam - 2
- Các Loại Thanh Tra Lao Động - Thương Binh Và Xã Hội
- Nội Dung Cơ Bản Của Pháp Luật Về Thanh Tra Lao Động
- Những Quy Định Của Pháp Luật Về Thanh Tra Lao Động
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động.
1.1.4. Vị trí, vai trò của thanh tra
Nói tới vai trò của thanh tra là nói tới những tác động, ảnh hưởng của thanh tra đối với quản lý nhà nước, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động của mình; đối với xã hội thông qua việc thực hiện chức năng thanh tra. Vai trò của thanh tra thể hiện trên những điểm sau:
Thứ nhất, thanh tra có vai trò trong việc hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật
Hoạt động thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra, nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các thông tin
cung cấp cho chủ thể quản lý qua hoạt động thanh tra càng chính xác, đúng đắn thì các chủ thể quản lý nhà nước càng sửa chữa các khuyết điểm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong tổ chức thực hiện pháp luật chính xác và có chất lượng. Chính vì vậy, thanh tra cũng làm cho chu trình quản lý nhà nước khép kín, từ hoạt động ban hành, tổ chức thực hiện đến kiểm tra việc thực hiện các quyết định quản lý và phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước.
Thứ hai, thanh tra là phương thức đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật nhà nước
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc quản lý nhà nước rất quan trọng, thiếu nó quản lý nhà nước sẽ rơi vào tình trạng rối loạn. Pháp chế còn được hiểu là chế độ hoạt động của Nhà nước mà trong đó mọi quy định của pháp luật đều được mọi cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân thực hiện nghiêm túc. Việc bảo đảm pháp chế sẽ không có ý nghĩa nếu kỷ luật nhà nước không được tuân thủ một cách nghiêm minh. Thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, cơ quan thanh tra kịp thời phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý cơ quan hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật. Qua đó tạo ra cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước trong hoạt động hành chính, khắc phục tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức.
Thứ ba, thanh tra góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là một chức năng quan trọng của Nhà nước pháp quyền, một trong những tiêu chí đánh giá mức độ dân chủ. Trong sự nghiệp đổi mới, Nhà nước đảm bảo duy trì trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện quan trọng để thực hiện đầy đủ quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp ghi nhận thông qua hoạt động thanh tra thực hiện quyền lực nhà nước, trong hệ thống hành chính của cơ quan, cán
bộ, công chức, viên chức; thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra việc thức hiện pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hoạt động thanh tra góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường với sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp và quy luật cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường. Luật Thanh tra đã quy định nguyên tắc "không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra".
1.2. THANH TRA LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Công tác thanh tra là một khâu thiết yếu trong hoạt động quản lý nhà nước, giúp cho các chính sách, pháp luật của Nhà nước được thi hành đúng đắn, phát hiện kịp thời các sai phạm, khuyết điểm cần uốn nắn, sửa chữa nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, ngay sau khi Nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt ngày 23/11/1945.
Đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay từ khi thành lập, Bộ Lao động đã tổ chức bộ phận đảm nhiệm công tác thanh tra, kiểm soát việc thi hành luật lệ lao động. Trải qua nhiều lần tách, nhập và đổi tên của Bộ Lao động với các Bộ Cứu tế xã hội, Bộ Thương binh - xã hội, vai trò của Thanh tra lao động ngày càng được khẳng định rõ ràng thể hiện qua Sắc lệnh số 95-SL ngày 13/8/1949, Bộ luật Lao động 1995 và các Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, Nghị định 31/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi là Nghị định số 31/2006/NĐ-CP). Luật Thanh tra năm 2004 được ban hành thay thế Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, trong đó quy định về tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Là một bộ phận của cơ quan thanh tra nhà nước, đến nay, Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội được tổ chức từ
trung ương đến địa phương. Ở trung ương, có Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục dạy nghề; ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Thanh tra Sở thực hiện công tác thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Nghị định 31/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị định 186/2007/NĐ-CP ngày 25/10/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là sự cụ thể hóa các quy định tại Luật Thanh tra 2004. Và nó mang tính chuyên ngành đặc thù.
1.2.1. Vị trí và chức năng của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội là tổ chức thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đối tượng thanh tra theo quy định tại Nghị định số 31/2006/NĐ-CP bao gồm:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thuộc lĩnh vực dạy nghề, người có công và xã hội trong phạm vi cả nước.
1.2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Lao động - Thương binh và xã hội
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội là tổ chức thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Nghị định số 31/2006/NĐ-CP
quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở, Thanh tra Tổng cục dạy nghề. Xuất phát từ mục đích thanh tra, có thể tóm tắt nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật;
- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội;
- Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Kiến nghị hủy bỏ quyết định trái pháp luật về lao động, người có công và xã hội khi có đủ căn cứ cho rằng hành vi hay quyết định đó gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
- Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và Xã hội.
1.2.3. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra lao động - Thương binh và Xã hội
1.2.3.1. Tổ chức của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội được tổ chức theo nguyên tắc "song trùng trực thuộc" vừa phụ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về lãnh đạo, chỉ đạo, vừa phụ thuộc cơ quan thanh tra cấp trên về tổ chức, nghiệp vụ, công tác: Ở trung ương có Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục dạy nghề; ở địa phương có Thanh tra Sở tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương. Thanh tra Bộ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Chính phủ, theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục dạy nghề chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Thanh tra Sở. Thanh tra Sở chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra cấp tỉnh và hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
1.2.3.2. Hoạt động của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội
Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thanh tra nhà nước, thực hiện hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành với hai hình thức thanh tra là thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất. Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ thực hiện hoạt động thanh tra theo chương trình, kế hoạch sau khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề hoặc Giám đốc Sở phê duyệt. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Việc thanh tra được thực hiện theo phương thức Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra độc lập. Ngoài ra còn có phương thức Thanh tra viên phụ trách vùng theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày l6/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phương thức sử dụng phiếu
tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động theo Quyết định số 02/2006/QĐ- BLĐTBXH ngày l6/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi là Quyết định số 01/2006 và Quyết định số 02/2006).
Hoạt động của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành, theo đó, hoạt động thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Giám đốc Sở; hoạt động thanh tra chuyên ngành thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực:
- Lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, dạy nghề;
- Ưu đãi người có công với cách mạng;
- Phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội;
- Các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung chủ yếu là thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thanh tra việc thu, chi, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các tổ chức bảo hiểm xã hội; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em; thanh tra việc thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng lao động huyện; thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đào tạo, dạy nghề tại các Trung tâm giới thiệu việc làm; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.