coi như có thể áp dụng bất cứ lúc nào cũng được, kể cả khi dự án đã hoàn thành giai đoạn triển khai và đi vào hoạt động trong thực tế cho nên chủ các cơ sở đang hoạt động vẫn được đưa vào là đối tượng phải lập báo cáo ĐTM. Hậu quả là đã gây ra nhiều sự lãng phí, tốn kém một cách không cần thiết. Vì vậy, công cụ ĐTM đã không phát huy được hết tác dụng và không đạt được hiệu quả mong muốn trong thực tế. Thế nên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã không còn quy định đối tượng phải lập phải lập báo cáo ĐTM. là các cơ sở đang hoạt động.
Nghĩa vụ lập báo cáo ĐTM không áp dụng đối với mọi loại dự án, cơ sở đang hoạt động mà chỉ áp dụng đối với một số dự án như sau:
- Dự án công trình quan trọng quốc gia;
- Dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
- Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ;
- Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề;
- Dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung;
- Dự án khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô
lớn;
- Dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.
Có thể bạn quan tâm!
- Bản Chất Pháp Lý Của Đánh Giá Tác Động Môi Trường
- Những Vấn Đề Lý Luận Về Kiểm Tra, Giám Sát Việc Thực Hiện Nội Dung Báo Cáo Đtm
- Mục Đích Và Ý Nghĩa Của Hoạt Động Kiểm Tra, Giám Sát
- Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM - 7
- Pháp Luật Về Kiểm Tra, Giám Sát Việc Thực Hiện Nội Dung Báo Cáo Đtm
- Pháp Luật Về Kiểm Tra, Giám Sát Thực Hiện Nội Dung Báo Cáo Đtm
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
Luật còn quy định Chính phủ có trách nhiệm quy định danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. [33, khoản 1 Điều 8]
Các dự án phải lập báo cáo ĐTM được quy định cụ thể theo “Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường” ban hành kèm theo Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, có 20 nhóm dự án với 162 loại dự án được quy định theo quy mô, công suất, tính chất của từng loại dự án.
Việc quy định như trên là hợp lý hơn so với các quy định trước đây về vấn đề này. Mục đích chính của ĐTM là dự báo và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường của dự án. Vì thế, đối với các dự án chỉ có tác động tích cực đến môi trường (như dự án trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc, dự án cải tạo đất…) hoặc những dự án có tác động đến môi trường không đáng kể thì yêu cầu lập báo cáo ĐTM là không cần thiết. Quy định như vậy sẽ tránh được những phiền hà và những chi phí không cần thiết đối với các chủ dự án trong những trường hợp đó. Bên cạnh đó, nếu như trong Luật BVMT năm 1993, bước tiến hành báo cáo ĐTM sơ bộ được coi là bắt buộc đối với các dự án trước khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, thì sau khi luật này có hiệu lực, bước này đã bị xoá bỏ.
Báo cáo ĐTM phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Tất cả các dự án thuộc trong danh mục nêu trên khi tiến hành lập dự án đầu tư đồng thời chủ dự án phải có trách nhiệm lập báo cáo ĐTM, các dự án nêu trên chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Để thực hiện nghĩa vụ này, chủ dự án (tổ chức hoặc cá nhân) có thể tự mình lập báo cáo ĐTM hoặc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn lập và chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong báo cáo ĐTM. Trong trường hợp có những thay đổi về nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm triển khai dự án thì chủ dự án phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan phê duyệt; trường hợp cần thiết có thể lập báo cáo ĐTM bổ sung [33, khoản 3, khoản 4 Điều 9]. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đây không quy định cụ thể vấn đề này mà chỉ dừng lại ở việc xác định trách nhiệm lập báo cáo ĐTM thuộc về chủ dự án. Điều đó dẫn đến tình trạng chất lượng và độ chính xác về khoa học của một số báo cáo ĐTM không được đảm bảo do chủ dự án thuê các chủ thể không đủ trình độ chuyên môn thực hiện. Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án mở rộng quy mô hoạt động sau khi đã được cấp quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM mà không lập báo cáo ĐTM bổ sung nên khi
triển khai dự án trên thực tế, những tác động tiêu cực đến môi trường của chính phần mở rộng đó đã không được giải quyết do không được dự báo trước và áp dụng các biện pháp để giảm thiểu. Điều này còn dẫn đến hiện tượng một số chủ dự án “lách luật” khi lập dự án trong việc xác định quy mô nhỏ hơn so với khi xây dựng trên thực tế. Những tồn tại này đã được khắc phục bởi các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
2.1.1.2. Nội dung cơ bản của Báo cáo ĐTM
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết hơn về nội dung của báo cáo ĐTM so với các quy định của pháp luật về môi trường trước đây. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 175/CP hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 1993, có thể hiểu nội dung của báo cáo ĐTM bao gồm:
- Đánh giá hiện trạng môi trường tại địa bàn hoạt động của dự án;
- Dự báo những ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động của dự án;
- Kiến nghị các giải pháp để bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, Điều 20 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định chi tiết, cụ thể hơn về vấn đền này. Theo đó, ngoài những nội dung giống nội dung các quy định nêu trên, báo cáo ĐTM phải đề cập thêm các vấn đề như: Cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, danh mục công trình, chương trình quản lý và giám sát các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án; ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; các ý kiến không tán thành việc đặt dự án tại địa phương hoặc không tán thành đối với các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án...
Như vậy, về bản chất, những nội dung cơ bản của báo cáo ĐTM theo quy định hiện hành vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy trong báo cáo theo quy định mới chi tiết hơn, đánh giá theo nhiều góc độ phong phú và toàn diện hơn. Chẳng hạn, theo quy định của Luật BVMT năm 1993, nội dung đánh giá
hiện trạng môi trường trong báo cáo chỉ bao gồm những đánh giá về chất lượng môi trường tại địa điểm thực hiện dự án. Còn theo quy định hiện hành thì nó còn bao gồm cả việc đánh giá chất lượng môi trường vùng kế cận cũng như mức độ nhạy cảm và sức chịu tải của môi trường... Đặc biệt hơn nữa, ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã, của đại diện cộng đồng dân cư và các ý kiến không tán thành đối với dự án và dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra cùng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cũng được nêu trong báo cáo.
Cấu trúc và yêu cầu về nội dung của báo cáo ĐTM được quy định cụ thể tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT- BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
Báo cáo ĐTM bổ sung
Chủ dự án thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP có trách nhiệm lập báo cáo ĐTM bổ sung trình cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM trước đó của dự án để thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Cụ thể, đó là các dự án:
- Có thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất thiết kế, công nghệ của dự án;
- Sau 24 tháng kể từ ngày báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án mới triển khai thực hiện. Trường hợp không có sự thay đổi về công suất thiết kế, công nghệ và môi trường xung quanh thì không phải lập báo cáo ĐTM bổ sung nhưng phải có văn bản giải trình với cơ quan phê duyệt.
Báo cáo ĐTM bổ sung được thể hiện theo cấu trúc và đáp ứng được những yêu cầu về nội dung quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT- BTNMT.
Số lượng, mẫu hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM trường bổ sung được quy định tại tiểu mục 10.3 mục 10 Phần III Thông tư số 05/2008/TT- BTNMT.
Luật BVMT năm 2005 không có điều khoản nào đề cập đến vấn đề ĐTM bổ sung. Trong khi đó, văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành [14, 17, 4] lại quy định cụ thể, chi tiết về ĐTM bổ sung và báo cáo ĐTM bổ sung. Bởi lẽ, khi các quy định về ĐTM của Luật được áp dụng vào thực tiễn đã xuất hiện nhiều trường hợp sau khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt chủ dự án thay đổi nội dung dự án (như mở rộng quy mô, thay đổi công nghệ, thay đổi địa điểm...) so với khi thực hiện lập báo cáo ĐTM. Đặc biệt, có trường hợp việc thay đổi dự án của chủ đầu tư có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường lớn hơn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng thì không có quy định nào để điều chỉnh. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành các quy định về ĐTM bổ sung để điều chỉnh các trường hợp đó. Có thể nói, ĐTM bổ sung là một hình thức thay thế trách nhiệm ĐTM đối với cơ sở đang hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường năm 1993.
2.1.2. Thẩm định Báo cáo ĐTM
2.1.2.1. Chủ thể có quyền thẩm định Báo cáo ĐTM
Để đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học, nội dung báo cáo ĐTM cần phải được cơ quan quản lý chuyên môn thẩm định. Trách nhiệm tổ chức việc thẩm định báo cáo ĐTM với dự án được quy định như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt; dự án liên ngành, liên tỉnh;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ dự án liên ngành, liên tỉnh;
- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp. [33, khoản 7 Điều 21]
Như vậy, việc thẩm định báo cáo ĐTM được phân làm hai cấp là cấp trung ương và cấp tỉnh, cụ thể:
- Cấp trung ương:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường
+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Cấp địa phương: Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 thì hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM được thực hiện thông qua cơ quan bảo vệ nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc thông qua hội đồng thẩm định trong một số trường hợp cần thiết [9]. Qua đó, việc thẩm định bằng hình thức Hội đồng thẩm định chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cần thiết nhưng pháp luật về bảo vệ môi trường lúc đó không quy định cụ thể thế nào là trường hợp cần thiết. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất trong việc lập Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lúc bấy giờ. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, tất cả các báo cáo ĐTM đều phải được thẩm định và thẩm định thẩm định thông qua hai hình thức hoặc là Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định [33, khoản 1 Điều 21]. Như vậy, Luật BVMT năm 2005 có quy định thêm một hình thức thẩm định mới là tổ chức dịch vụ thẩm định. Đây là một tổ chức được tham gia thẩm định theo quyết định của cơ quan phê duyệt dự án và phải chịu trách nhiệm về ý kiến, kết luận thẩm định của mình. Quy định mới này tạo ra một cơ chế thông thoáng hơn trong việc thẩm định báo cáo ĐTM.
2.1.2.2. Đối tượng được thẩm định
Đối tượng được thẩm định là Báo cáo ĐTM của dự án đầu tư do chủ dự án đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Chủ dự án gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM đến cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thẩm định báo cáo ĐTM quy định tại điểm a và điểm b khoản 7 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP. Báo cáo ĐTM phải được lập theo quy định của pháp luật. [4, mục 3 Phần I]
2.1.2.3. Hồ sơ đề nghị thẩm định Báo cáo ĐTM
Hồ sơ, thủ tục đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường [4, mục 3 Phần I]. Cụ thể, chủ dự án gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM đến cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thẩm định báo cáo ĐTM. Số lượng và mẫu hồ sơ đề nghị thẩm định được quy định như sau:
+ 01 (một) văn bản của chủ dự án đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo mẫu [4, Phụ lục 6];
+ 07 (bảy) bản báo cáo ĐTM của dự án được đóng thành quyển theo mẫu quy định [4, Phụ lục 7] (kèm theo 01 bản được ghi trên đĩa CD). Trường hợp số lượng thành viên HĐTĐ nhiều hơn 07 (bảy) người, hoặc trong trường hợp cần thiết khác do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo ĐTM theo yêu cầu của cơ quan tổ chức việc thẩm định;
+01 (một) bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án.
Thời điểm trình đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án được quy định như sau: (i) Chủ dự án đầu tư khai thác khoáng sản trình báo cáo ĐTM để được thẩm định, phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản; (ii) Chủ dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc có hạng mục xây dựng công trình trình báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép xây dựng, trừ các dự án nêu trên; (iii) Chủ các dự án đầu tư không thuộc các đối tượng quy định tại các trường hợp trên trình báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt trước khi khởi công dự án. [17, khoản 5 Điều 1]
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo để chủ dự án bổ sung, hoàn chỉnh [14, khoản 6, Điều 9]
2.1.2.4. Hình thức thẩm định Báo cáo ĐTM
Báo cáo ĐTM được thẩm định thông qua hai hình thức thẩm định là Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định [33, khoản 1 Điều 21]. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của chủ dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ để xác định xem thẩm định bằng hình thức Hội đồng thẩm định hay thông qua tổ chức dịch vụ thẩm định để áp dụng cho báo cáo ĐTM của dự án đó.
Hội đồng thẩm định
+ Chức năng của Hội đồng thẩm định
Hội đồng thẩm định có chức năng tư vấn cho thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định hoặc được ủy quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hội đồng thẩm định giúp thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức việc thẩm định trong việc xem xét, đánh giá về chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư để làm căn cứ xem xét, phê duyệt theo quy định [6, Điều 3]
+ Cơ quan thành lập Hội đồng thẩm định
Khi cơ quan thường trực Hội đồng trực thuộc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM trình danh sách ủy viên HĐTĐ, Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM ra quyết định thành lập Hội đồng cho từng báo cáo ĐTM. Quyết định thành lập HĐTĐ được ban hành theo mẫu quy định [6, Phụ lục 1]. Cơ quan tổ chức việc thẩm định là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc cơ quan được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM ủy quyền, cụ thể:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội đồng thẩm định thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt; dự án liên ngành, liên tỉnh;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hội đồng thẩm định thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ dự án liên ngành, liên tỉnh;