Thực Trạng Nguồn Cán Bộ, Công Chức Xã Người Dân


Chương 2

NGUỒN VÀ TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN, KINH NGHIỆM VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA


2.1. THỰC TRẠNG NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ NGƯỜI DÂN

TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

2.1.1. Ưu điểm

2.1.1.1. Về số lượng, cơ cấu

Để đánh giá thực trạng nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên, trên cơ sở phân loại nguồn CB, CC theo 2 nhóm nguồn gần và nguồn xa, qua nghiên cứu văn bản và khảo sát, phỏng vấn trực tiếp, cho thấy:

- Đa phần nguồn gần nằm trong đội ngũ những CB, CC xã chuyên trách và không chuyên trách đương nhiệm đang hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Họ được các cấp uỷ đưa vào danh sách quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, các chức danh trong cấp uỷ theo nhiệm kỳ, vì vậy cơ cấu nguồn khá đồng bộ, thành phần và tỷ lệ các thành phần (chức danh, độ tuổi, giới tính, dân tộc...) cơ bản gắn với quy định của cấp trên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Tính đến thời điểm tháng 7-2011, toàn Tây Nguyên đã quy hoạch được khoảng 11.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý nguồn cho cơ sở, trong đó có 2.600 cán bộ nguồn người DTTS (chiếm 23,64%). Tỉnh Đắk Nông, trong số 205 nguồn cho bí thư, phó bí thư xã có 34 người DTTS (chiếm 16,59%); số nguồn cho chủ tịch HĐND, UBND có 37 người DTTS (15,81%), nguồn phó chủ tịch HĐND, UBND 42 người (11,86%). Tỉnh Kon Tum, trong 2.240 cán bộ nguồn quy hoạch cho cấp uỷ xã, phường nhiệm kỳ 2010-2015, số nguồn người DTTS quy hoạch cấp uỷ chiếm hơn 40%, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý hơn 34%. Nhờ đảm bảo về chất lượng, nên tỷ lệ cán bộ DTTS nguồn trúng cử vào cấp uỷ xã, phường nhiệm kỳ 2010-2015 chiếm 69,78%; 54,4% chức danh chủ chốt xã, phường được bổ nhiệm là cán bộ DTTS (284/522 người).


Tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn hiện nay - 11

- Một bộ phận nguồn có mặt bằng trình độ học vấn cao, phẩm chất, đạo đức tốt nằm trong đội ngũ giáo viên phổ thông người DTTS. Theo số liệu thống kê năm 2010, trong tổng số 5.468 giáo viên phổ thông là người DTTS của 5 tỉnh Tây Nguyên, số giáo viên tiểu học và trung học cơ sở chiếm trên 80%. Tuy phần lớn họ được xác định là viên chức chuyên môn ổn định của ngành giáo dục, nhưng một bộ phận trong đó, nhất là giáo viên trẻ, đảng viên và cán bộ quản lý các trường đã được cấp uỷ động viên tham gia vào đội ngũ nguồn CB, CC cơ sở, được quy hoạch vào một số chức danh chủ chốt ở các xã vùng dân tộc. Vài thập niên trước đây, khi vùng DTTS ở Tây Nguyên còn rất khó khăn về nguồn cán bộ, thì đã có nhiều giáo viên được động viên chuyển ngành, bổ sung vào lực lượng CB, CC của HTCT các cấp. Gần đây, chủ trương này vẫn tiếp tục được thực hiện. Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 9-7-2007 của Huyện uỷ Chư Păh (Gia Lai) về công tác cán bộ và tạo nguồn cán bộ đến năm 2010, định hướng đến năm 2015 xác định: rà soát, tuyển chọn số giáo viên là người DTTS tại chỗ đang công tác tại các đơn vị trường học trong huyện để cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm tạo nguồn cán bộ cho huyện và các xã [71]. Nguồn CB, CC từ ngành giáo dục, cùng với đội ngũ CB, CC cấp huyện trong quy hoạch được điều động, luân chuyển về các xã vùng DTTS là lực lượng quan trọng và góp phần quyết định chất lượng hoạt động của HTCT các xã ở Tây Nguyên.

- Đội ngũ công chức dự bị người DTTS - một nhóm nguồn khá ổn định và có chất lượng mới phát sinh gần đây, được tuyển dụng theo kế hoạch tạo nguồn CB, CC của từng địa phương cụ thể. Công chức dự bị không nằm trong biên chế CB, CC, nhưng được hưởng lương từ ngân sách địa phương theo trình độ được đào tạo. Tuỳ vào điều kiện thực tế và nhu cầu xây dựng đội ngũ CB, CC của mỗi địa phương mà chất lượng công chức dự bị có khác nhau. Họ có thể đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên ngành phù hợp với chức danh đảm nhiệm (như trường hợp của 15 CB, CC dự bị của huyện Lâm Hà được tuyển từ chủ trương tạo nguồn của tỉnh Lâm Đồng năm 2011). Họ cũng có thể chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc có bằng trung cấp chuyên nghiệp (như đối


với công chức dự bị người DTTS ở huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, mỗi năm được tuyển 5 người vào các cơ quan huyện để tập việc). Thậm chí với những huyện rất đông đồng bào DTTS, mới được chia tách, đội ngũ CB, CC hẫng hụt và chưa đạt chuẩn thì công chức dự bị tuyển dụng vào có thể chỉ đạt trình độ phổ thông cơ sở (như ở huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum, một số con em đồng bào DTTS, trình độ chỉ lớp 8/12 trở lên, có khả năng phát triển được các cơ quan, đơn vị của Huyện nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng và đào tạo theo hình thức vừa học văn hoá, học lý luận chính trị vừa tập việc bằng ngân sách tiết kiệm).

Với tinh thần bám sát tiêu chuẩn CB, CC để quy hoạch tạo nguồn cho cơ sở, nên hiện nay trình độ các mặt của nhiều nguồn gần đã đạt và vượt chuẩn quy định đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-01-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Đa phần nguồn xa là học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, người lao động đang sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên. Nhìn chung, đối tượng nguồn xa khá đông đảo, từ nhiều năm nay được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt, nhất là học sinh, sinh viên. Hiện Tây Nguyên có khoảng 340.000 học sinh phổ thông người DTTS, gần 30.000 học sinh vừa xong phổ thông, một bộ phận tiếp tục vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trở thành nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao, số còn lại bổ sung vào lực lượng lao động xã hội.

2.1.1.2. Về chất lượng

- Nhìn chung nhóm nguồn gần đa phần hội đủ những yếu tố về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có uy tín với quần chúng, đặc biệt là có xu hướng phát triển. Họ phát huy được vai trò của mình trong công việc được giao, nhiều người có ý thức phấn đấu vươn lên rất tích cực, chủ động. Đối với vùng có đông đồng bào DTTS, cán bộ nguồn thực sự cần cho sự ổn định và phát triển của mỗi địa phương. Khi không ít cán bộ người Kinh còn e dè, lúng túng trong giao tiếp, vận động, thuyết phục người DTTS do bất đồng ngôn ngữ, ít am hiểu phong tục, tập quán..., thì cán bộ nguồn DTTS luôn làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng và Dân.


- Trình độ các mặt của nguồn đang từng bước nâng lên, nhiều nơi đạt và vượt chuẩn do công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC người DTTS của các tỉnh Tây Nguyên những năm qua thực hiện rất quyết liệt, đồng thời hiện có một số lượng không nhỏ nguồn là sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng đại học, trung cấp chuyên nghiệp bổ sung về.

Xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), có 80% số dân là người DTTS. Nguồn CB, CC xã trước đây chủ yếu được phát hiện, tuyển chọn từ phong trào ở thôn, buôn, nay tỷ lệ này giảm dần, và xuất hiện nhóm nguồn mới là đội ngũ sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Vừa qua, xã thu hút được 5 sinh viên người DTTS về. Nguồn này hội đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; xác định được trách nhiệm của mình trong công tác, chấp nhận hoàn cảnh hiện có và luôn có ý thức vươn lên để tồn tại, phát triển bản thân và đóng góp cho địa phương. Đến cuối năm 2011, có 4 người đã được tuyển vào công chức và 1 người được bầu vào chức danh Phó chủ tịch UBND, khẳng định chỗ đứng của mình trong đội ngũ CB, CC xã. Ở xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), 90% nguồn gần đã đạt chuẩn về học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, trong đó có người đã và đang chủ động tự đào tạo vượt chuẩn.

2.1.2. Hạn chế

2.1.2.1. Về mặt số lượng, cơ cấu

- Cơ cấu, tỷ lệ nguồn CB, CC người DTTS trên địa bàn Tây Nguyên so với cơ cấu dân tộc, tỷ lệ dân số chưa tương ứng. Ở Tuy Đức (Đắk Nông), nơi có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người DTTS tại chỗ chiếm 47%, ngoài ra còn một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc phía Bắc mới di cư vào, nhưng nguồn của cấp uỷ các xã là người DTTS chỉ chiếm 33%.

Hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào DTTS từ nơi khác đến đã chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng số nằm trong quy hoạch tạo nguồn của cấp uỷ các xã chưa nhiều so với đồng bào DTTS tại chỗ.

- Số lượng nguồn xa thiếu ổn định. Một bộ phận học sinh người DTTS được cử tuyển đi học phổ thông, cao đẳng, đại học theo kế hoạch tạo nguồn của


các tỉnh không trở về xã công tác; các cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương cũng

không nắm hết lực lượng này.


2.1.2.2. Về chất lượng

- Nguồn là những người đang công tác ở thôn, buôn phần lớn hạn chế về trình độ học vấn; kỹ năng làm việc thiên về cảm tính, kinh nghiệm, tầm bao quát hạn hẹp, khả năng phát triển không nhiều.

Năm 2009, Đắk Lắk có tỷ lệ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố là đảng viên chiếm 24,4%; trình độ học vấn tiểu học có 11,66%, trung học cơ sở có 58,80%, trung học phổ thông có 29,54%; chỉ 14,49% cán bộ cấp này có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên; trình độ chuyên môn sơ cấp 4,99%, trung cấp 3,99%, cao đẳng và đại học chỉ 0,98%... Theo đánh giá của Tỉnh uỷ Đắk Lắk, trình độ cán bộ thôn, buôn hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thôn, bản. Một số cán bộ bị chi phối bởi quan hệ huyết thống nên giải quyết công việc cảm tính, thiếu công tâm, khách quan; cá biệt có nơi cán bộ còn làm nảy sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Một số cán bộ không chịu học tập vươn lên, nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Một bộ phận cán bộ nguồn đã qua đào tạo chính quy vẫn không đáp ứng

yêu cầu nhiệm vụ.

Ở Gia Lai, Đề án đào tạo cán bộ nguồn cho cơ sở được triển khai trong giai đoạn 2000-2010, có 308 đối tượng được chiêu sinh vào 4 lớp đào tạo trung cấp chính trị. Sơ kết 3 lớp đầu tiên có 199 học viên tốt nghiệp, trong đó 149 là người DTTS, 133 học viên xếp loại trung bình, 47 yếu kém. Khảo sát 128 học viên tốt nghiệp về địa phương, có 29 người phát huy tốt, 45 khá, 15 trung bình và 2 yếu kém. Ngoài ra, có 8 người tự ý bỏ việc, 4 người bị kỷ luật.

Ở xã Đạ Đờn (Lâm Hà, Lâm Đồng), hiện chỉ có 6/25 CB, CC là người DTTS (chiếm 24%), tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ nguồn và dự kiến của quy hoạch cấp uỷ. Thực tế là do uy tín cán bộ DTTS chưa cao nên kết quả bầu cử vừa qua không được như dự kiến.


Hiện nay, hàng năm đội ngũ CB, CC được đánh giá chất lượng và hiệu quả công tác, xếp loại theo 4 mức: tốt, khá, trung bình, yếu. Trong số những CB, CC xã xếp loại trung bình và yếu, có một bộ phận không nhỏ là CB, CC người DTTS, có người đang trong quy hoạch nguồn cho nhiệm kỳ tiếp theo.

- Tỷ lệ nguồn cán bộ xã người DTTS chưa được đào tạo chuyên môn, nguồn công chức xã người DTTS chưa được đào tạo lý luận chính trị ở một số địa phương rất lớn

Trong 14 xã thuộc huyện Chư Păh (Gia Lai) đến ngày 30-9-2011, số cán bộ chuyên trách người DTTS chưa qua đào tạo chuyên môn (từ sơ cấp trở lên) chiếm tỷ lệ 95,2% , trong đó các xã như Ia Khươi, Ia Phí, Ia Ly, Ia Kreng, Ia Nhin, Ia Mơ Nông, Hoà Phú, Chư Đang Gia là 100%. Số công chức người DTTS chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 80%, trong đó các xã như Ia Khươi, Ia Phí, Ia Ly, Ia Mơ Nông là 100% [143]. Đây chính là hệ quả của chất lượng nguồn chưa được chuẩn hoá từ trước.

- Tình trạng “nợ chuẩn” khó “trả” của CB, CC nguồn trong quy hoạch cấp uỷ và các chức danh chủ chốt của HTCT xã khá phổ biến, kể cả nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ 2015-2020

Rất nhiều CB, CC người DTTS của các xã ở huyện Chư Pah nói trên đang

là nguồn không chuẩn của nhiệm kỳ sau.

Ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông), tỷ lệ nguồn cho cấp uỷ xã chưa đạt chuẩn về học vấn trung học phổ thông là 48,7%, về chuyên môn là 78,3%, về lý luận chính trị là 73%. Nguồn cho Ban Thường vụ cấp uỷ xã chưa đạt chuẩn về học vấn trung học phổ thông là 41,9%, về chuyên môn là 80,6%, về lý luận chính trị là 48,4%. Nguồn cho các chức danh chủ chốt chưa đạt chuẩn học vấn trung học phổ thông là 43,7%, về chuyên môn là 81,7%, về lý luận chính trị là 63,4% [44]. Trong số cán bộ nguồn chưa đạt chuẩn đó, một phần lớn là người DTTS. Tuy họ đang tiếp tục được đào tạo, nhưng với số lượng lớn, lại phân bổ ở tất cả các chức danh, và thời gian chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới là không nhiều thì có thể khẳng định, đội ngũ nguồn CB, CC người DTTS ở đây không đáp ứng được yêu cầu chuẩn trình độ cho CB, CC nhiệm kỳ sau.


Tóm lại, nguồn CB, CC là người DTTS trên địa bàn các xã ở Tây Nguyên hiện là một đội ngũ khá đông đảo về số lượng, ngày càng nâng cao về trình độ các mặt, chiếm một vị trí quan trọng trong tổng thể đội ngũ CB, CC cấp xã, nhất là những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tuy nhiên vẫn còn một thực tế, không ít nguồn gần trong đội ngũ CB, CC xã người DTTS chưa đạt chuẩn. Việc quản lý, giữ nguồn và phát huy vai trò, hiệu quả lực lượng nguồn xa ở các địa phương chưa rõ nét.

2.2. THỰC TRẠNG TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

2.2.1. Ưu điểm

Trong lịch sử, việc tạo nguồn cán bộ người DTTS tại chỗ cho cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên được thực hiện từ rất sớm, nằm trong chủ trương tạo nguồn chung của Đảng nhằm xây dựng những “hạt giống đỏ” cho cách mạng dài lâu. Những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật ở các tỉnh Tây Nguyên người DTTS hiện nay chính là sản phẩm của quá trình tạo nguồn cán bộ của Đảng ngay từ những ngày chiến tranh còn ác liệt ấy. Sau ngày Giải phóng, nhất là từ khi Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH ra đời, công tác cán bộ nói chung, tạo nguồn CB, CC xã nói riêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được triển khai khá quyết liệt:

Một là, việc cụ thể hoá tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn CB, CC xã người DTTS đang từng bước được triển khai, xuất phát từ quy định về tiêu chuẩn CB, CC cấp xã của Đảng và Nhà nước và điều kiện thực tế ở địa phương.

Từ Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đến Pháp lệnh CB, CC (sau là Luật CB, CC) và Quyết định 04/2004-QĐ/BNV của Bộ Nội vụ... các quy định về tiêu chuẩn CB, CC xã, phường, thị trấn từng bước được Đảng, Nhà nước xác định. Trên cơ sở đó, các cấp uỷ đảng trên địa bàn Tây Nguyên đã cụ thể hoá thêm một bước, xác định một số nội dung dành riêng cho đối tượng là người DTTS. Khảo sát thông qua phiếu hỏi ý kiến (với 5 tiêu chí đánh giá: tốt, khá, trung bình, hạn chế, chưa có), có 51,6% ý kiến khẳng định việc thực hiện nội dung xây


dựng tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên là khá và tốt [Phụ lục 17]. Tiêu chuẩn CB, CC xã trở thành định hướng mục tiêu cho công tác tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở các địa phương.

Sơ kết 5 năm thực hiện công tác lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS (2005-2010), Tỉnh uỷ Đắk Lắk khẳng định: “Ban Thường vụ đã xây dựng Quy định về tiêu chuẩn, chức danh cho cán bộ, trong đó có cán bộ DTTS, nhằm từng bước đảm bảo được tỷ lệ cán bộ DTTS hợp lý” [124].

Đắk Nông là địa phương từ năm 2010 đã thực hiện tốt nội dung tạo nguồn này. Quy chế tạo nguồn cán bộ tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 1201- QĐ/TU ngày 17-3-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ) xác định phạm vi và đối tượng tạo nguồn cán bộ bao gồm: học sinh ưu tú, có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện đạo đức, đã tốt nghiệp trung học phổ thông; sinh viên đại học tốt nghiệp loại khá; cán bộ trẻ có trình độ đại học trở lên, có nguyện vọng phục vụ lâu dài, ít nhất 7 năm tại tỉnh. Tạo nguồn nhân lực tại chỗ là chủ yếu, đồng thời coi trọng việc thu hút cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học từ nơi khác về công tác tại xã, phường, thị trấn. Điều kiện để các đối tượng nói trên được đưa vào diện “dự nguồn cán bộ” được xác định rõ: Có triển vọng phát triển, lịch sử chính trị rõ ràng, phẩm chất, đạo đức tốt, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, có ý thức kỷ luật, ý thức phục vụ nhân dân; là đảng viên hoặc đoàn viên ưu tú; có cam kết làm việc theo sự phân công; đủ năng lực và sức khoẻ; được cơ quan (nếu là cán bộ) hoặc gia đình (nếu là học sinh, sinh viên) chọn cử tham gia tạo nguồn. Về tiêu chuẩn: với CB, CC đương nhiệm thì áp dụng theo quy định chung của Trung ương về tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với học sinh, sinh viên: độ tuổi không quá 22 đối với học sinh, 30 đối với sinh viên, 40 đối với thạc sĩ, 50 đối với tiến sĩ, nghiên cứu sinh; riêng người DTTS được xem xét, vận dụng đối với từng trường hợp cụ thể, ở mức tuổi cao hơn. Ngoài ra, nguồn còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về năng lực, điều kiện học tập, đạo đức, lối sống, thái độ, lập trường chính trị như của CB, CC [128].

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 23/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí