Các Nghiên Cứu Về Ý Kiến Phản Hồi Của Sinh Viên Đối Với Hoạt Động Giảng Dạy


Ở Việt Nam, việc sử dụng ý kiến của SV đánh giá HĐGD vẫn còn khá mới mẻ. Trước năm 2008, việc đánh giá này không bắt buộc đối với các trường đại học, nên các trường có thể thực hiện hoặc không thực hiện.

Ngày 20/02/2008, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1276/BGDĐT/NG về việc “Hướng dẫn tổ chức lấy YKPH từ SV về HĐGD của GV" và cụm từ Lấy ý kiến từ SV về HĐGD được chỉ việc đánh giá HĐGD của GV thông qua SV [5].

Công văn hướng dẫn số 1276/BGDĐT-NG được gửi các trường đại học tham gia thí điểm việc triển khai lấy YKPH từ người học về HĐGD của GV, qua đó có 37 cơ sở giáo dục đại học gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT. Căn cứ vào kết quả báo cáo, Bộ đã tổng hợp và xây dựng phiếu đánh giá sử dụng để SV đánh giá HĐGD của GV với 30 tiêu chí. Phiếu đánh giá này được triển khai thử nghiệm tại 4 cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đồng Tháp và Trường Đại học Sư phạm Huế.

Ngày 20/5/2010, Bộ GD& ĐT đã chính thức ban hành công văn số 2754/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các đại học, học viện, các trường đại học, các trường cao đẳng trong toàn quốc về việc hướng dẫn lấy YKPH từ người học về HĐGD của GV [6]. Theo đó, từ năm học 2010-2011, các cơ sở giáo dục đại học triển khai lấy YKPH từ người học về HĐGD của tất cả GV thuộc cơ sở giáo dục đại học.

1.1.2. Các nghiên cứu về ý kiến phản hồi của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy

1.1.2.1. Các nghiên cứu trên thế giới

Các nghiên cứu về YKPH của SV đối với HĐGD có thể được chia thành các nhóm sau:

Các nghiên cứu về mục đích của việc lấy YKPH từ SV đối với HĐGD


Nghiên cứu của các tác giả Marsh (1984) [81], Rifkin (1995) [90] cho rằng YKPH từ SV trong việc đánh giá hiệu quả giảng dạy của GV nhằm hai mục đích chính:

- Cung cấp cho GV những YKPH quan trọng của người học về hiệu quả giảng dạy theo quan điểm là khách hàng.

- Cung cấp thông tin cho mục đích quản lý, sử dụng trong đánh giá quá trình (giúp GV điều chỉnh hoạt động dạy và học cho phù hợp với yêu cầu của người học và hoàn thành mục tiêu môn học) hoặc đánh giá tổng kết (là cơ sở cho các quyết định của cấp quản lý liên quan đến bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, tăng lương, phân công giảng dạy, điều chỉnh nội dung và kết cấu chương trình giáo dục; giúp SV lựa chọn môn học và GV).

Các nghiên cứu về tác động của YKPH SV đối với HĐGD

Theo Rotem & Glasman (1979) [92]: YKPH từ SV về đánh giá giảng dạy dường như không có tác động đến hiệu suất của các GV đại học. Các tác giả này giải thích do SV thường không nghiêm túc, nội dung của các thông tin phản hồi thường không đủ hoặc cụ thể, không tập trung vào hành vi có thể được thay đổi, và do đặc điểm của người nhận thông tin phản hồi (tính bướng bỉnh, tự phụ, …).

Một số tác giả khác như Aleamoni (1987) [58], Feldman (2007) [74],

Kulik (2001) [78], Svinicki & Mc Keachie (2011) [96], Theall & Feldman (2007) [97] cho rằng YKPH của SV chỉ là những cuộc tranh luận phổ biến, không nhất quán, không đáng tin cậy và không có giá trị, không thể sử dụng để giúp cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, phần lớn các tác giả đã đưa ra các quan niệm tích cực đối với YKPH của SV, như Cohen (1980) [63]: đánh giá của sinh viên là một nguồn có giá trị cho việc cải thiện giảng dạy ở cấp đại học, tác giả đã thực hiện phân tích tổng hợp trong 17 nghiên cứu về ảnh hưởng của đánh giá SV đối với HĐGD.


Thông tin phản hồi về đánh giá của SV trong nửa đầu của học kỳ đã liên quan tích cực đến việc cải thiện giảng dạy vào cuối kỳ. Nghiên cứu điển hình theo ba nhóm: Tất cả các nhóm được đánh giá việc giảng dạy trong nửa đầu tiên của học kỳ và đánh giá một lần nữa ở cuối học kỳ. Nhóm đầu tiên không nhận được phản hồi. Nhóm thứ hai nhận được đánh giá phản hồi thông qua các dữ liệu định lượng. Nhóm thứ ba được phản hồi về đánh giá của SV, và cả một số loại tư vấn. Cohen sử dụng bảng đánh giá cuối kỳ để đo mức cải tiến và thiết lập mức trung bình của nhóm đầu tiên ở phần trăm thứ 50, kết quả cho thấy sự ảnh hưởng của phản hồi của SV với việc đánh giá HĐGD vào cuối kỳ:

Bảng 1.1. Ảnh hưởng của ý kiến phản hồi của sinh viên khi đánh giá hoạt động giảng dạy vào cuối kỳ

Nhóm nghiên cứu

Tỷ lệ % đánh giá cuối kỳ

Không nhận được phản hồi của SV

50

Chỉ nhận được phản hồi của SV

58

Nhận được phản hồi của SV và cả ý kiến tư vấn

74

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 242 trang tài liệu này.

Tác động của ý kiến phản hồi của sinh viên đến quản lý đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội - 4


Theo Cashin (1995): SV có xu hướng đánh giá cao hơn so với các GV tự đánh giá, hay đánh giá của đồng nghiệp. Ông cũng chỉ ra rằng các biến số liên quan đến GV (như giới tính, tuổi tác, kinh nghiệm giảng dạy, nhân cách, hiệu quả nghiên cứu), biến SV (bao gồm giới tính, tuổi, trình độ, điểm trung bình, tính cách), các biến lớp học (quy mô lớp học, thời gian trong ngày của lớp) và biến hành chính (thời gian của mô-đun môn học) thường không tác động tới những đánh giá của SV về chất lượng giảng dạy [61].

Marsh (2007), theo dõi một nhóm gồm 195 giáo viên trong khoảng thời gian 13 năm và đưa ra kết luận việc xếp hạng của SV phần lớn là ổn định, tin cậy, không cho nhiều hy vọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo viên [82].


Murray (2005), cho rằng YKPH của SV đã có một tác động, tạo nên một sự khác biệt, và ông tin rằng các tác động là tích cực hoặc có lợi, các trường đại học và cao đẳng đã được cải thiện trong 30-40 năm qua, và sự cải thiện này một phần là do đánh giá của SV về giảng dạy. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: SV đánh giá giảng dạy có giá trị và giá trị lưu giữ, nhưng nó là một sai lầm nếu cho rằng đánh giá SV cung cấp một đánh giá đầy đủ về tất cả các khía cạnh quan trọng của giảng dạy đại học; đánh giá của SV nên kết hợp với đánh giá đồng nghiệp [87].

Michael Kelso (2010), đã đề cập trong nghiên cứu của mình: Giáo viên và các nhà quản lý đều tin rằng việc thực hiện các YKPH của SV đã đem đến lợi ích trong quá trình giảng dạy và học tập trong các trường học. Rất ít giáo viên báo cáo bị ảnh hưởng bởi sự phản hồi tiêu cực hoặc phê phán của SV. Nghiên của ông đưa ra kết luận rằng thông tin phản hồi của SV như một công cụ đánh giá có tác động tích cực thứ cấp giáo viên khi nó được thực hiện chu đáo [86].

Các nghiên cứu cho thấy phản hồi của SV đã được chứng minh là một phương pháp hữu ích, nhưng gây nhiều tranh cãi và các thông tin phản hồi của SV sẽ không có tác động nhiều đến hiệu suất giảng dạy của các giáo viên, nhưng nó chắc chắn có tác động đến GV và khóa học nếu chúng ta thu thập và sử dụng nó một cách khôn ngoan.

Các nghiên cứu về tiêu chí đánh giá của SV về HĐGD

Nhiều tác giả như Marsh (1982, 1984, 1993) [85, 81, 84], Cohen (1981)

[64], Centra (1993) [62], Braskamp và Ory (1994) [60] đã nghiên cứu tiêu chí đánh giá của SV về HĐGD.

Các tác giả cho rằng, tiêu chí đánh giá của SV về HĐGD của GV là đa chiều. Thứ nhất, nếu xét hiệu quả giảng dạy bao gồm nhiều mặt thì công cụ để SV đánh giá nên phản ánh nhiều khía cạnh. Thứ hai, không có tiêu chí đơn


nào cho đánh giá hiệu quả giảng dạy, bởi vậy, khi đánh giá hiệu quả giảng dạy cần phải xem xét trên nhiều tiêu chí. Thứ ba, các yếu tố khác nhau trong đánh giá của SV sẽ có tương quan cao với các chỉ số khác nhau. Bởi vậy, đánh giá của SV không nên tổng kết chỉ qua một vài tiêu chí.

Các nghiên cứu của Marsh (1993) về tính đa chiều trong tiêu chí đánh giá của SV về hiệu quả giảng dạy thông qua Bảng hỏi bao gồm 33 câu hỏi, chia thành 9 nhóm (học tập/giá trị, sự nhiệt tình, cách tổ chức, tương tác nhóm, quan hệ cá nhân, mức độ ảnh hưởng, kỳ thi/điểm số, bài tập, khối lượng công việc) [84].

Nghiên cứu của Centra (1993) [62], Braskamp và Ory (1994) [60] đều xác định có sáu khía cạnh cần xem xét trong đánh giá của SV đối với HĐGD: kế hoạch và tổ chức lớp học, kỹ năng giao tiếp, mối quan hệ/tương tác với SV, khối lượng công việc/giảng dạy những môn học khó, điểm số và kỳ thi và SV tự đánh giá kết quả học tập.

Nghiên cứu của Feldmen (1976, 1983, 1984, 1987, 1988) đã phân loại câu hỏi đánh giá giảng dạy của SV và đưa ra 22 khía cạnh cần được xem xét [68 - 72]. Năm 1989, Feldmen lại đưa ra 28 khía cạnh cần được xem xét, đánh giá [73].

Trong nghiên cứu của Abrami & Apollonia (1991) cho rằng một hoặc một vài câu hỏi loại tổng quát hoặc tổng kết có thể cung cấp đầy đủ dữ liệu đánh giá của SV cho các quyết định về nhân sự [56]. Các nghiên cứu của Centra (1993) [62], Braskamp và Ory (1994) [60] cũng có kết quả tương tự.

Mặc dù phần lớn các nghiên cứu cho rằng đánh giá của SV về HĐGD là đa chiều khi mục đích đánh giá là để cải thiện giảng dạy, cũng vẫn có nghiên cứu không đồng ý số lượng hoặc loại câu hỏi nên được sử dụng cho các quyết định về nhân sự.


Các hình thức đánh giá của SV về HĐGD

Có nhiều cách thu thập các thông tin phản hồi từ SV, tùy thuộc vào mục tiêu đánh giá và loại thông tin cần thu thập.

- Bảng hỏi trực tuyến (Online questionnaires)

- Bảng hỏi giấy (Paper questionnaires)

- Ủy ban liên lạc SV (Staff/Student Liaison Committees)

- Đại diện khóa (lớp) học (Course Representatives)

- Các phương pháp một phút (One Minute Methods)

- Các nhóm tập trung (Focus Groups)

- Sổ nhật ký (Log Books)

- Phản ánh qua tạp chí (Reflective Journals).

Trong đó, hình thức thu thập thông tin phản hồi bằng Bảng hỏi trực tuyến hay bằng giấy là rất phổ biến nhất. Nhiều tác giả cho rằng việc sử dụng đánh giá trực tuyến của SV ngày càng tăng do việc quản lý đánh giá trực tuyến có nhiều lợi thế hơn việc quản lý trên giấy bút: SV có thể trả lời câu hỏi đánh giá bất cứ lúc nào tùy thuộc vào sự thuận tiện về thời gian của riêng họ. (Dommeyer, Baum, & Hanna, 2003 [67]; Layne, DeCristoforo, & McGinty, 1999 [79]).

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ trả lời các câu hỏi mở trực tuyến có xu hướng cao hơn (Johnson, 2003) [77] và ý kiến nhận xét thường dài hơn (Hardy, 2003 [75]; Johnson, 2003 [77]; Layne et al, 1999 [79]).

Phương pháp sử dụng Ủy ban liên lạc SV cũng là một trong những phương pháp phổ biến được sử dụng. Vai trò của đại diện khóa học là để đảm bảo ý kiến của SV được Nhà trường xem xét khi có các quyết định thay đổi và cải tiến trong khóa học của họ và như vậy họ thường là những điểm liên lạc đầu tiên cho bất kỳ khiếu nại hay nhận xét về khóa học.


Đặc trưng của đánh giá SV về HĐGD

Độ tin cậy: Độ tin cậy đề cập đến sự thống nhất, ổn định và khái quát hóa của dữ liệu đo lường. Đối với đánh giá của SV, độ tin cậy thường liên quan đến tính thống nhất hoặc sự thỏa hiệp của người đánh giá (có nghĩa là, trong một lớp học, tất cả SV có khuynh hướng đưa ra những đánh giá tương tự cho một câu hỏi nào đó). Nghiên cứu của Sixbury & Cashin (1995) khi sử dụng hệ thống đánh giá IDEA đã cho kết quả độ tin cậy trung bình như sau [95]:

- 10 SV tham gia đánh giá: 0,69

- 15 SV tham gia đánh giá: 0,83

- 20 SV tham gia đánh giá: 0,83

- 30 SV tham gia đánh giá: 0,88

- 40 SV tham gia đánh giá: 0,91

Độ tin cậy thường nằm trong khoảng từ 0.00 đến 1.00 với những giá trị cao hơn cho thấy tính thống nhất hơn. Độ tin cậy khác nhau tùy thuộc vào số lượng người tham gia đánh giá. Các nghiên cứu cho thấy, nhiều người đánh giá hơn thì độ tin cậy lớn hơn.

Tính ổn định: Tính ổn định liên quan đến quan điểm của người đánh giá theo thời gian. Nói chung, kết quả đánh giá GV trong cùng một học kỳ có xu hướng tương tự (Braskamp & Ory, 1994 [90]; Centra, 1993 [62]). Trong nghiên cứu của Overall và Marsh (1980) đã so sánh đánh giá của SV ở cuối khóa học với đánh giá của 1 hoặc vài năm sau (ít nhất một năm sau khi tốt nghiệp) là giống nhau. Mối tương quan trung bình là 0,83 [88].

Tính khái quát đề cập chính xác các dữ liệu phản ánh hiệu quả giảng dạy chung của GV, không chỉ là hiệu quả giảng dạy một khóa học cụ thể trong một thời hạn nhất định. Mash (1984) đã tiến hành một nghiên cứu với 1364 lớp học để tìm hiểu xem khi lấy ý kiến SV về HĐGD, liệu nhận xét của


SV gắn liền chủ yếu với bản thân môn học hoặc với GV dạy môn học đó. Tác giả đã khảo sát hệ số tương quan (về nhận xét của SV) giữa bốn nhóm:

(1) cùng một GV dạy cùng môn học nhưng trong học kỳ khác nhau, (2) cùng một GV dạy các môn học khác nhau, (3) các GV khác nhau dạy cùng môn học, (4) các GV khác nhau dạy các môn học khác nhau. Với kết quả tương quan khá cao đối với GV nhóm (1) và (2), tác giả đã kết luận: Nhận xét của SV về HĐGD gắn liền với bản thân GV chứ không phải với môn học được khảo sát [84].

Liên quan đến nghiên cứu về tính khái quát trong đánh giá hiệu quả giảng dạy của GV, tác giả Cashin (1995) cũng nghiên cứu và đề xuất để đánh giá hiệu quả giảng dạy của GV nên dựa trên các thông tin bổ sung khác ngoài đánh giá của SV và đánh giá cần được tiến hành ít nhất là trong hai năm học và từ 6 đến 8 khóa học [61].

Độ giá trị: Nhiều nghiên cứu cho rằng đánh giá của SV là có giá trị và nên sử dụng rộng rãi. Marsh (2007) đã cho ra năm lý do nên sử dụng ý kiến của SV. Thứ nhất: để cung cấp các phản hồi có tính cảnh báo và dự đoán cho GV về mức độ hiệu quả của việc giảng dạy và có được thông tin hữu ích nhằm cải tiến việc giảng dạy. Thứ hai: giúp cho nhà quản lý đánh giá mức độ hiệu quả của việc giảng dạy và đưa ra các quyết định chuẩn mực. Thứ ba: giúp SV lựa chọn các khoá học và GV. Thứ tư: đánh giá chất lượng các khoá học nhằm cải tiến và phát triển chương trình học. Thứ năm: giúp cho các nghiên cứu về vấn đề này [82].

Những đánh giá về HĐGD của GV từ phía SV là nguồn thông tin quan trọng đánh giá trực tiếp HĐGD của GV. Marsh (1992) đã công bố kết quả nghiên cứu là 80% GV đại học tham gia vào công trình nghiên cứu đồng ý rằng ý kiến của SV có ích cho họ như các phản hồi về chất lượng giảng dạy [83].

Xem tất cả 242 trang.

Ngày đăng: 27/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí