BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY ĐÔ
GIÁO TRÌNH
SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG
Biên soạn: ThS.Nguyễn Thị Hồng Nguyên ThS. Trần Trúc Linh
Có thể bạn quan tâm!
- Sức khỏe môi trường - Đại học Tây Đô - 2
- Quản Lý Bằng Các Giải Pháp Kỹ Thuật Đối Với Môi Trường Đất, Nước, Không Khí Và Thực Phẩm
- Xây Dựng Hệ Thống Luật Pháp, Các Văn Bản Pháp Quy Quản Lý Môi Trường.
Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.
Năm 2016
MỤC LỤC
Bài 1: Đại cương về sức khỏe môi trường 1
Bài 2: Quản lý sức khỏe môi trường 15
Bài 3: Ô nhiễm không khí 28
Bài 4: Nước và vệ sinh nước 38
Bài 5: Vệ sinh môi trường bệnh viện 65
Bài 6: An toàn môi trường 75
Bài 7: Quản lý chất thải rắn y tế 86
Bài 8: Phát triển bền vững 95
LỜI MỞ ĐẦU
Giáo trình môn học Sức khỏe Môi trường do giảng viên Bộ môn Y Xã hội học của Trường Đại học Tây Đô biên soạn. Giáo trình được biên soạn có cập nhật những thông tin, kiến thức trong lĩnh vực môi trường phù hợp với đối tượng sinh viên Đại học và Cao đẳng Điều dưỡng, nội dung bám sát theo mục tiêu, chương trình khung dành cho đối tượng.
Giáo trình bao gồm 8 bài, mỗi bài có 3 phần: mục tiêu học tập, nội dung và lượng giá. Giáo trình Sức khỏe môi trường là tài liệu chính thức để học tập và giảng dạy trong trường nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức về các yếu tố môi trường và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe và nghề nghiệp. Từ đó, vận dụng được các kiến thức này vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người bệnh, cộng đồng và nhận thức được trách nhiệm cá nhân trong thực hành nghề nghiệp.
Do lần đầu tiên biên soạn chắc chắn có nhiều thiếu sót, chúng tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp, quý thầy cô và sinh viên nhà trường để giáo trình ngày càng hoàn thiện hơn.
BM.Y Xã hội học
DANH MỤC VIẾT CHỮ VIẾT TẮT
Luật BVMT Luật bảo vệ môi trường
GDP Thu nhập bình quân theo đầu người
WHO Tổ chức y tế thế giới
ÔNKK Ô nhiễm không khí
SBS Hội chứng bệnh nhà kín
NVYT Nhân viên y tế
CDC Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ
YPLL Năm sống tiềm tàng bị mất
KSNK Kiểm soát nhiễm khuẩn
UNESCO Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc
UNEP Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc
Bài 1: ĐẠI CƯƠNG VỀ SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG
MỤC TIÊU:
1. Trình bày được định nghĩa, khái niệm về môi trường và sức khỏe môi trường.
2. Nêu được khái niệm và các khía cạnh lịch sử của sức khoẻ môi trường.
3. Trình được mối quan hệ giữa sức khoẻ và môi trường.
4. Giải thích được những vấn đề sức khoẻ môi trường mang tính cấp bách ở địa phương và trên thế giới.
NỘI DUNG:
I. ĐỊNH NGHĨA VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC CHỨC NĂNG CƠ BẢN CỦA
MÔI TRƯỜNG
Theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam, môi trường được định nghĩa như sau: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
1.1. Môi trường lý học
Môi trường lý học nếu vượt qua các giới hạn tiếp xúc bình thường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Môi trường lý học bao gồm thời tiết và khí hậu (nhiệt độ cao, thấp, thay đổi thất thường, độ ẩm không khí, gió) các loại bức xạ ion hoá và không ion
1.2. Môi trường hoá học
Các yếu tố hoá học có thể tồn tại dưới các dạng rắn, lỏng và dạng khí. Cũng có các dạng đặc biệt như bụi, khí dung, hơi khói... Các yếu tố hoá học có thể có nguồn gốc phát sinh từ các hoạt động sống, sinh hoạt và sản xuất của con người
1.3. Môi trường sinh học
Các yếu tố sinh học cũng rất phong phú, từ các sản phẩm động thực vật đến các loài nấm mốc, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và côn trùng. Chúng có thể là các tác nhân gây bệnh song cũng có thể chỉ là các vật chủ trung gian truyền bệnh, các sinh vật vận chuyển mầm bệnh một cách cơ học. Các yếu tố sinh học cũng tồn tại trong đất, nước, không khí và thực phẩm
1.4. Môi trường xã hội
Điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ hoặc gián tiếp trên quá trình ô nhiễm, năng lực khống chế ô nhiễm bảo vệ sức khoẻ, đến các ứng xử khác
nhau của cộng đồng đối với môi trường
Cùng với quá trình phát triển của kinh tế, xã hội tạo ra các cơ hội mới trong khống chế các tác động âm tính lên sức khoẻ, đồng thời cũng có thể nảy sinh nhiều nguy cơ mới qua thay đổi lối sống, cách ứng xử môi trường và gia tăng các stress trong sinh hoạt và lao động sản xuất
Chế độ chính trị của một quốc gia cũng như sự bình ổn trong khu vực là yếu tố tác động tới môi trường. Chiến tranh, mất công bằng xã hội, tệ nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới, bất ổn về chính trị -xã hội luôn là các yếu tố tàn phá môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ
1.5. Các thành phần môi trường
Thạch quyển (lithosphere) hay còn gọi là địa quyển hay môi trường đất.
Sinh quyển (biosphere) còn gọi là môi trường sinh học.
Khí quyển (atmosphere) hay môi trường không khí.
Thủy quyển (hydrosphere) hay môi trường nước.
1.6. Các chức năng cơ bản của môi trường
1.6.1. Là không gian sinh sống cho con người và sinh vật
- Xây dựng: mặt bằng các khu đô thị, cơ sở hạ tầng,..
- Giao thông vận tải: mặt bằng, khoảng không cho đường bộ, đường thủy, đường
hàng không.
- Sản xuất: mặt bằng cho nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, sản xuất nông- lâm-ngư.
- Giải trí: mặt bằng, nền móng cho hoạt động trượt tuyết, đua xe, đua ngựa,…
1.6.2. Là nơi chứa các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của
con người
- Thức ăn, nước uống, không khí hít thở.
- Nguyên liệu sản xuất công, nông nghiệp.
- Năng lượng cho sinh hoạt, sản xuất.
- Thuốc chữa bệnh,..
1.6.3. Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống
và sản xuất
- Tiếp nhận, chứa đựng chất thải;
- Biến đổi chất thải nhờ các quá trình vật lý, hóa học, sinh học.
1.6.4. Làm giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật
- Hạn chế lũ lụt, điều hòa khí hậu, chắn bão cát,…
1.6.5. Lưu trữ và cung cấp các thông tin cho con người
- Lịch sử địa chất, tiến hóa sinh vật, phát triển văn hóa con người.
- Đa dạng nguồn gen.
- Chỉ thị báo động sớm các tai biến tự nhiên như bão, động đất, núi lửa.
II. CÁC KHÍA CẠNH LỊCH SỬ CỦA SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG
2.1. Khái niệm về sức khoẻ môi trường
Theo định nghĩa của Tổ chức y tế Thế giới (1948) thì “sức khoẻ là trạng thái thoải mái về cả thể chất, tinh thần và xã hội chứ không đơn thuần là vô bệnh, tật”. Khái niệm bệnh, tàn tật và tử vong dường như được các nhân viên y tế đề cập nhiều hơn so với khái niệm lý tưởng này về sức khoẻ. Do vậy khoa học sức khoẻ hầu như đã trở thành khoa học bệnh tật, vì nó tập trung chủ yếu vào việc điều trị các loại bệnh và chấn thương chứ không phải là nâng cao sức khoẻ.
Sức khỏe môi trường bao gồm những khía cạnh về sức khỏe con người, cả chất lượng cuộc sống, được xác định bởi các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, xã hội và các yếu tố tâm lý trong môi trường (theo định nghĩa trong Chiến lược Sức khỏe Môi trường Quốc gia của Australia - 1999).
Hay nói cách khác: sức khoẻ môi trường là tạo ra và duy trì một môi trường trong lành, bền vững để nâng cao sức khoẻ cộng đồng
Cho đến hiện nay nhiều tác giả đưa ra khái niệm về sức khoẻ môi trường như sau: “Sức khoẻ môi trường là tạo ra và duy trì một môi trường trong lành, bền vững để nâng cao sức khoẻ cộng đồng”.
2.2. Lịch sử phát triển của sức khoẻ môi trường
Mỗi sinh vật trên trái đất đều có một môi trường sống của riêng mình, nếu thoát ra khỏi môi trường tự nhiên đó hoặc sự biến đổi quá mức cho phép của môi trường mà chúng đang sống thì chúng sẽ bị chết và bị huỷ diệt. Do đó, đảm bảo môi trường sống là điều kiện cơ bản để duy trì sự sống của mọi loài sinh vật trên trái đất. Những ví dụ đơn giản mà mọi người đều biết là ngộ độc oxyd carbon (CO) ở những người đi kiểm tra các lò gạch thủ công đốt bằng than hoặc cá chết do nước bị ô nhiễm hoá chất của
nhà máy phân lân,… Điều đó có nghĩa là môi trường, con người, sức khoẻ của con người có mối quan hệ mật thiết với nhau và có thể cái nọ là nhân quả của cái kia. Không phải tới bây giờ con người mới biết tới mối quan hệ này, mà từ hàng ngàn năm trước người Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập cổ đại đã biết áp dụng các biện pháp thanh khiết môi trường để ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng và quân đội. Các tư liệu lịch sử cho thấy từ những năm trước công nguyên, ở thành Aten (Hy Lạp) con người đã xây dựng hệ thống cống ngầm để thải nước bẩn, đã biết dùng các chất thơm, diêm sinh để tẩy uế không khí trong và ngoài nhà để phòng các bệnh truyền nhiễm.
Người La Mã còn tiến bộ hơn: khi xây dựng thành La Mã, người ta đã xây dựng hệ thống cống ngầm dẫn tới mọi điểm trong thành phố để thu gom nước thải, nước mưa dẫn ra sông, đồng thời xây dựng một hệ thống cung cấp nước sạch cho dân chúng trong thành phố. Vào thời kỳ này, độ cao của nhà ở, bề rộng các đường đi lại trong thành đều được qui định và tiêu chuẩn hoá, những người đem bán loại thực phẩm giả mạo, thức ăn ôi thiu đều phải chịu tội.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, dân số, ô nhiễm môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường càng được tăng cường và phát triển. Như chúng ta đã biết, các nhân tố sinh học, các hoá chất tồn tại một cách tự nhiên và các nguy cơ vật lý đã tồn tại trong suốt quá trình phát triển của lịch sử loại người. Đồng thời các chất ô nhiễm môi trường do hoạt động của con người sinh ra cũng có quá trình phát triển từ từ và lâu dài.
Cuộc khủng hoảng môi trường lần thứ nhất xuất hiện ở Châu Âu, vào thế kỷ thứ 19, nguyên nhân là do thực phẩm kém chất lượng, nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh đã làm cho nước Anh trở thành xứ sở sương mù do ô nhiễm không khí, thời gian này vấn đề ô nhiễm công nghiệp là một vấn đề hết sức nghiêm trọng nhưng bị chính phủ lờ đi vì còn nhiều vấn đề xã hội quan trọng hơn, mặc dù năm 1848 Quốc hội Anh đã thông qua Luật Y tế công cộng đầu tiên trên thế giới. Trong quá trình phát triển công nghiệp, ô nhiễm kéo dài cho đến giữa thế kỷ 20 và hàng loạt những ô nhiễm mới song song với ô nhiễm công nghiệp là ô nhiễm hoá học, hoá chất tổng hợp nhất là trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Những tiến bộ của kỹ thuật, lĩnh vực hoá học, đặc biệt là ngành công nghiệp hoá chất